Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 3 tháng 4, 2016

MỘT NỀN GIÁO DỤC CĂN BẢN TOÀN CẦU

(GIÁO DỤC NHỮNG GIÁ TRỊ PHỔ QUÁT)
* NGUYỄN VĂN THẠNH
Tóm tắt: Có nhiều điểm nóng trên thế giới không chỉ là xung đột giữa các quốc gia, các dân tộc mà là xung đột có tính “va chạm giữa các nền văn minh”. Nguyên nhân của các xung đột trên ở đâu và làm cách nào để hóa giải?
Thực tế chứng minh rất nhiều cuộc xung đột là do sự bưng bít thông tin, tuyên truyền có định hướng của lớp cầm quyền. (Phát xít Đức là một bài học điển hình cho nhận định này).
Để hóa giải những hiểm họa trên, chúng ta cần đưa những đồng thuận phổ quát vào chương trình sách giáo khoa ở tất cả các nước.
Bản mô tả dưới đây sẽ trình bày rõ ràng hơn những suy tư trên:
Nelson Mandela có nói: "Giáo dục là vũ khí tối thượng nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới".
Suy tư, chúng ta thấy rằng bất cứ cái gì làm cho cuộc sống con người trở nên tiến bộ hơn, thoải mái hơn đều có nguy cơ lợi dụng thành vũ khí hãm hại, nô dịch con người. Chúng ta chứng kiến điều này từ con dao đến thuốc nổ đến năng lượng hạt nhân,....
Giáo dục chắc chắn cũng như thế. Vũ khí tối thượng thay đổi xã hội thì chính nó cũng là vũ khí khủng khiếp nhất hủy diệt xã hội, đọa đày con người. Rất nhiều nơi trên trái đất, giới cầm quyền-giới có ảnh hưởng sử dụng công cụ giáo dục-thực hiện chính sách ngu dân, chính sách dân tộc sô vanh,...để phục vụ cho mưu đồ thống trị của mình. Trong môi trường giáo dục đó, người dân như những con cừu bị bịt mắt, bị chăn dắt. Họ không hiểu gì về quyền con người, về chủ nghĩa tự do. Đây chính là những nguồn cơn khổ đau mà con người khắp nơi nơi đang hứng chịu.
Thế giới-Liên hợp quốc-đã đồng ý với nhau những giá trị phổ quát về quyền con người (tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền), đã ra công ước về quyền dân sự và chính trị. Rất nhiều chính quyền các nước đã ký tham gia nhưng cũng chính họ lại ra tay đàn áp, đánh đập dã man những ai nỗ lực đi phổ biến hiểu biết quyền con người cho dân chúng. Một mặt họ đặt bút ký các công ước quốc tế, một mặt họ dấu nhẹm thông tin các công ước đó với dân của họ. Động cơ không gì khác hơn là họ muốn thực hiện chính sách ngu dân để trị. Hiện tượng này có thể thấy ở nhiều nước, trong đó có VN.
Tại sao chúng ta không đưa những thảo thuận trên vào chương trình sách giáo khoa của mỗi nước để người dân ai cũng được hiểu biết về quyền con người, các quyền về dân sự và chính trị? Tại sao chúng ta không vận động liên hợp quốc, vận động các nước có quy định đưa những giá trị phổ quát mà họ thừa nhận (ký công ước) vào chương trình giáo dục chung mà phải lén lút đi phổ biến các văn bản đó cho người dân rồi bị đánh đập, đàn áp?
Đứng trước thực trạng trên, tôi có ý tưởng vận động thiết lập một nền giáo dục căn bản ở quy mô cấp toàn cầu. Cốt lỗi của ý tưởng này là hướng đến một nền tảng giáo dục cơ bản, toàn cầu cho bất cứ ai là con người dù có khác biệt về màu da, ngôn ngữ, lãnh thổ, trình độ văn minh. Một cuốn sách học làm người trước tiên mà mỗi con người cần phải học khi là thành viên của đại gia đình có tên HUMAN. Nội dung căn bản của nền giáo dục này là hướng đến sự hiểu biết về quyền con người, về chủ nghĩa tự do, về nhà nước pháp quyền, về sự liên đới của con người trong xã hội.
Tôi tin, khi con người không còn bị bịt mắt, bị lừa dối trong giáo dục, con người khắp nơi nơi hiểu biết đầy đủ các quyền của mình thì khi đó thế giới sẽ bình yên.
Đà Nẵng sáng sớm mưa nhẹ, mọi người trong dãy trọ còn đang ngủ sâu bởi một ngày lao động vất vả trước đó.
Không khí bỗng trở nên ầm ĩ, chát chúa bởi động cơ phản lực. Các máy bay phản lực đang cất cánh ở sân bay gần đó.
Tôi nằm nghe sức ép của tiếng động mà cảm nhận mùi khét của chiến tranh.
Sau vài mươi năm yên ắng, nước ta lại thao dợt quân sự lại. Binh bị di chuyển khắp nơi. Nhiều người cổ vũ hành động này vì họ muốn lòng dũng cảm đánh ngoại xâm của dân tộc một lần nữa chói sáng trước nguy cơ xâm lược phương bắc. Phải cho chúng biết Việt Nam là dân tộc không dễ bị bắt nạt. Hoan nghênh mọi hành động củng cố quốc phòng: từ mua sắm vũ khí đến tập luyện, chuyển quân phòng thủ.
Không chỉ VN mà người Mỹ và đồng minh cũng đang làm thế trước mối họa chiến tranh do người TQ tạo ra.
Đây là giải pháp cần thiết nhưng có phải là tốt nhất không? Tôi cho là không.
Chiến tranh, dù chỉ là giai đoạn chuẩn bị cũng cực kỳ tốn kém và kích động hận thù. Càng nghĩ chuẩn bị chiến tranh như một giải pháp giữ hòa bình thì càng thúc đẩy chiến tranh đến gần hơn.
Tôi thấy sự khốn khổ của dân TQ-họ là nạn nhân của nền cai trị độc tài, chuyên chế, bưng bít thông tin bởi một băng đảng tàn bạo. Họ có số phận như người dân nước ta, chỉ khác là mức độ của họ to lớn hơn, khủng khiếp hơn.
Chắc chắn người TQ cũng không muốn chiến tranh.
Tôi nghĩ, ngoài chuẩn bị binh bị để phòng vệ chiến tranh, thế giới cần thực hiện một chiến lược khác. Đó là giáo dục.
Thế giới cần chung tay đưa một nền tảng giáo dục làm Người đến với dân TQ-sứ sở của độc tài ngàn năm.
Ai đủ sức làm điều này và làm thế nào? 
Hôm nay tôi chia sẻ với các bạn một câu chuyện: ở quê tôi, những năm 1980s rất nhiều người nam khai sinh nhỏ hơn tuổi đẻ. Có điều này là do năm đó nước ta có chiến tranh với nước biên giới Campuchia. Rất nhiều người lính đã chết vì họ quá trẻ, họ không có kinh nghiệm sống. Chứng kiến điều này, bố họ muốn khai họ nhỏ lại một vài năm với suy nghĩ sau này có chiến tranh, con họ sẽ lớn hơn những người lính khác một vài tuổi và có cơ hội sống sót cao. 
Vận nước bi thương và mỗi người dân phải toan tính cho mình và cho con cháu mình. 
Nước ta thật thương đau bởi nạn chiến tranh. Hôm nay, (27-7) ngày thương binh liệt sỹ, người ta tưởng niệm những người ngã xuống với bạt ngàn ngôi mộ trắng ở khắp nước. Riêng tôi, tôi còn tưởng nhớ những người đã chết dù là bên nào và cả những nạn nhân của thảm họa Thuyền Nhân. 
Tôi từng đến nghĩa trang liệt sỹ và đau xót khi thấy những người nằm dưới mồ tuổi đời còn rất trẻ, tầm 20, nhiều người còn trẻ hơn. Tôi tưởng tượng, nếu mình phải chết khi còn trẻ như vậy thì thế nào nhỉ? Thật kinh khủng. 
Từ nhỏ tôi học hành chăm chỉ, tôi học đến trình độ kỹ sư. Tất nhiên nền giáo dục của nước ta không được chất lượng lắm nên có lẽ trình độ kỹ sư của tôi cũng không cao như các nước tiên tiến dù tôi đã nỗ lực học. Tuy nhiên tôi vẫn tự hào vì tôi đã học hành tử tế, ít ra tôi học được phương pháp tư duy của một kỹ sư. 
Các bạn biết không? Đến năm 30 tuổi, tôi vẫn không quan tâm chính trị, với tôi từ Nhân quyền nó đồng nghĩa với âm mưu của thế lực thù địch, điều mà tôi tiếp nhận một cách mặc định từ truyền thông nhà nước hoặc từ những bài học mà thầy cô tôi đã dạy. 
Năm 2011, có một thay đổi nhỏ trong cuộc sống của tôi, tôi bắt đầu quan tâm đến chính trị và tham gia một phong trào tìm hiểu về Nhân Quyền-phong trào Con Đường Việt Nam
Ôi, Trời, đây là một câu chuyện thú vị mà tôi không biết suốt bao năm qua. Tôi dần dần hiểu ra Nhân quyền là gì và hiểu được thế giới này được tốt đẹp là do Nhân quyền ngày càng được bảo vệ và củng cố. Tôi biết được vai trò của nước Mỹ cũng như các nước văn minh khác và cả những người quả cảm dấn thân tranh đấu trong sự nghiệp này. Tôi vỡ lẽ ra, lâu nay tôi như một con cừu bị bịt mắt. Tôi đã bị tuyên truyền dối trá trong bao năm qua. Tôi biết chính phủ nước ta đã ký công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị từ những năm tôi mới ra đời-1982 nhưng họ lại dấu nhẹm đi, không cho nhân dân biết. 
Thấy được tầm quan trọng của Nhân quyền đối với cuộc sống con người, tôi ra sức quảng bá nó. Tôi viết cả trăm bài để đăng tải lên mạng dù tôi phải trả giá: bị mời làm việc, bị sách nhiễu, bị đánh đập, thậm chí là bị gia đình ly tán. Tôi cay đắng nhận ra, công sức tôi chỉ là hạt muối bỏ bể bởi lẽ chính quyền rất giỏi bưng bít, lạm quyền-bạo lực quá mạnh còn dân thì thờ ơ không biết gì về kiến thức quyền con người. 
Tôi tự hỏi, tại sao thế giới văn minh (mà đứng đầu là nước Mỹ) và mạng lưới người Việt Nam trên toàn thế giới không cùng nhau liên kết để thúc đẩy một nền tảng giáo dục toàn cầu về Quyền Con Người? (Mỗi con người-dù là dân nước nào-cũng phải học về Quyền Con Người. Sách giáo khoa nền tảng này như một cuốn thánh kinh của thời đại mới). 
Nếu làm được điều này thì thật tuyệt vời. Bởi lẽ Nhân quyền sẽ dẫn đến dân chủ mà dân chủ toàn cầu sẽ dẫn đến nền hòa bình lâu dài theo như nhà triết học người Đức-Immanuel Kant đã chỉ ra. 
Khi đó, chiến tranh sẽ mãi mãi lụi tàn! 
Bài 4: YÊU THƯƠNG CON NGƯỜI ĐỂ TRANH ĐẤU CHO CON NGƯỜI 
Một trong vĩ nhân mà tôi kính trọng là nhà bác học-bác sỹ Alexandre Yersin. Ông là người Pháp qua Đông Dương theo chân đoàn quân lính viễn chinh Pháp đi chinh phục thuộc địa từ thế kỷ trước. Khác với những nên thực dân khác-đến để cướp bóc, nô dịch dân bản địa với chiêu bài khai hóa; ông-Yersin-đến với xứ Đông Dương nghèo khó với một tình yêu thương rất con người. Cả cuộc đời ông đã chọn một làng chài nghèo ở đất Nha Trang sinh sống và chôn cất tại đây. 
Cuộc đời ông là một tấm gương đẹp của tình nhân loại. Là một người Pháp nhưng ông cống hiến cho xứ Đông Dương (và châu Á) nhiều thành quả quí giá: ông là người khám phá Cao nguyên Lâm Viên (Đà Lạt), vạch ra con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Ông còn mang lại hạnh phúc lớn lao cho nhân loại khi tìm ra trực khuẩn gây bệnh dịch hạch và phương pháp chữa trị nó. Xin nói thêm: dịch hạch một nạn dịch kinh hoàng đối với các xứ nghèo ở châu Á trong đó có Trung Quốc và Việt Nam
Với VN, ông còn đóng góp đáng kể cho nền nông nghiệp khi ông đưa vô nước ta hàng loạt cây công nghiệp: café, cao su, ca cao,.... Ông còn lập trang trại nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh chữa bệnh cho người. 
Càng tìm hiểu về cuộc đời ông, tôi càng say mê tính cao quí của một vĩ nhân khi vượt qua những tình cảm dân tộc thấp hèn. Trong các thông tin về ông, tôi nhớ nhất câu nói ông dặn dò một cậu bé ở làng chài Nha Trang nghèo khó “…cần phải học và học nữa để hiểu thêm về cuộc sống và để bảo vệ nó tốt hơn”. Từ ông, tôi cảm nhận: là một con Người chân chính không gì khác hơn là trân trọng cuộc sống và bảo vệ cuộc sống. Để bảo vệ sự sống, phải bắt đầu từ tình yêu thương sự sống. 
Muôn loài, có lẽ chỉ có con Người là loài có tình yêu thương vượt tình yêu thương bản năng (thương yêu trong nhận thức). Nhìn lại lịch sử tiến hóa của nhân loại là quá trình mở rộng tình yêu thương. 
Bắt đầu từ tình yêu thương gia đình, con người mở rộng ra tình yêu thương bộ tộc, rồi thị lạc rồi dân tộc. Hiện nay, đa số con người bị chi phối bởi tình cảm dân tộc. Đây là một điểm vừa tạo nên động lực phát triển thế giới với chủ nghĩa dân tộc-quốc gia nhưng cũng gây ra vấn đề cho thế giới với vấn nạn chủ nghĩa dân tộc cực đoan. 
Thế kỷ 20, nhân loại đã nếm trải nỗi đau kinh hoàng từ thứ tình cảm này (dân tộc cực đoan) và đếnnay, dư vị của nó vẫn còn. 
Hãy xem thế giới đang làm gì ở biển Đông? 
Trung Quốc bành trướng thế lực để xâm lấn, chiếm và cải tạo các đảo. Binh bị thế giới-đứng đầu là người Mỹ-dồn về đây để thiết lập vành đai phòng thủ. Việt Nam bị kẹt ở giữa, bị TQ ức hiếp cũng chắt chiu ngân sách còm cõi để sắm sửa vũ khí. Cả nước thao dợt quân sự; quân đội, pháo xe di chuyển nhộn nhịp. 
Truyền thông hai khối tố nhau: Trung Quốc nói bị ức hiếp bị bao vây; thế giới nói TQ là thế lực phát xít mới. Người TQ, hàng hóa TQ bị nhiều làn sóng ngấm ngầm tẩy chay. 
Nhìn lại bài học lịch sử đau thương của nhân loại, chúng ta cần phải sáng suốt hơn thời cha ông. Là con người, không ai muốn làm điều ác, muốn chiến tranh. Người dân TQ cũng vậy. Thế giới văn minh với thông tin thông suốt, hiểu biết thấu đáo cần yêu thương lấy họ. Vấn đề ở đây chính là người TQ mất NHÂN QUYỀN. Họ như những nô lệ lao động quần quật để tạo ra của cải góp phần vào sự thịnh vượng của thế giới nhưng họ chưa phải là CON NGƯỜI. Căn nguyên vấn đề là ở chỗ này. 
Thế giới cần kiến tạo một giải pháp chứa đựng tình thương vượt tình thương dân tộc để giải quyết các rắc rối mà người TQ đang gây ra. 
Giải pháp đó là gì? Theo tôi, không gì hơn là giáo dục bởi lẽ: “Giáo dục là vũ khí tối thượng nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”-Nelson Mandela. Chỉ có giáo dục mới là giải pháp nhân văn nhất để thay đổi thế giới. 
Một lần nữa, vấn đề đặt ra là làm cách nào để đưa một nền giáo dục làm Người vượt qua rào cản biên giới quốc gia để đến với người TQ? 
Chỉ có thể làm được khi nhân loại suy nghĩ về giải pháp này-yêu thương người TQ thay vì ghét bỏ, căm thù họ. 
Chỉ có tình thương con Người, tình yêu sự sống mới có đủ sức mạnh làm điều này. 
Bài 5: ViỆt Nam – thẾ đẤt và thẾ nưỚc 
Nhà bác học Albert Einstein nói “tôi may mắn hơn con kiến, khi đi trên đường, tôi biết là đường cong” (vì trái đất có địa cầu). Không chỉ con kiến mà rất ít người trong chúng ta khi đi trên đoạn đường ngắn lại nghĩ là đường cong. Ngụ ý của câu nói này là người có trí tuệ, có hiểu biết thường thấy được điều xa mà người bình thường không thấy. 
Hiện nay con người tìm ra hai thuyết lớn chi phối đời sống con người trên quả đất: thuyết trôi dạt các lục địa và thuyết va chạm giữa các nền văn minh. 
Chúng ta sống trên vỏ quả đất tưởng chừng như rất cứng, trên đó chúng ta xây nhà, làm đường, dựng nhà máy,….nhưng thật ra chúng ta đang sống trên các mảng kiến tạo đang trôi dạt trên vỏ quả đất. Các mảng kiến địa trôi dạt với tốc độ rất chậm nhưng ở những nơi chúng tiếp xúc nhau sẽ gây ra hiện tượng động đất hoặc núi lửa. 
Có một dân tộc không may mắn sống nơi tiếp giáp giữa hai mảng kiến địa là người Nhật. Để có thể thịnh vượng, xây dựng được nhà cửa, đường xá, cầu cống, thậm chí là nhà máy điện hạt nhân, đòi hỏi người Nhật phải thấu hiểu đất mẹ và người Nhật đã làm được điều này. 
Tất nhiên trí tuệ con người vẫn chưa qua được mẹ thiên nhiên nên năm 2013, người Nhật chịu tai họa kép động đất, sóng thần làm nổ cả nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhưng người Nhật với trí tuệ của mình đã khắc phục sự cố rất nhanh. 
Sau hàng triệu năm sinh tồn, loài người đã lan tràn khắp địa cầu và sống tương đối ổn định với những nền văn minh khác biệt. Chúng ta có thể thấy các nền văn minh: Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo,… Các nền văn minh này khi tiếp xúc nhau sẽ có sự va chạm lẫn nhau. Sự va chạm này có thể gây ra hiện tượng xáo trộn xã hội, thay đổi xã hội thậm chí là chiến tranh. Chúng ta có thể phân ra làm hai loại nền văn minh chính theo thể chế chính trị là dân chủ và độc tài. 
Người Việt Nam chúng ta may mắn hơn người Nhật là sống trên một mảnh đất mẹ ổn định, không có họa động đất, núi lửa nhưng chúng ta lại là nơi tiếp giáp giữa hai nền văn minh: dân chủ và độc tài. Càng đi về phía bắc, chúng ta đi về phía độc tài: Hà Nội, Bắc Kinh, Maxtcova,….Trung Quốc và Nga là xứ sở độc tài của những đế quốc to lớn. Hai đế quốc này, người dân có niềm tự hào dân tộc (lòng tự hào dân tộc thường có xu hướng bị lớp cầm quyền khai thác để xây dựng chính quyền trung ương mạnh) cũng như chịu sự cai trị chặt chẽ của chính quyền vì nhu cầu chống loạn trong xã hội. 
Do hai đặc điểm trên nên hai xứ Trung Quốc và Nga là hai xứ rất khó để tiến lên dân chủ. Càng đi về phía nam (ở nước ta) không khí dân chủ càng tốt hơn. Miền Nam chúng ta liên kết với khối Asean, thông ra biển với giao thương buôn bán tự do từ hàng trăm năm trước. Chúng ta dễ dàng thấy và cảm nhận một điều: càng đi về hướng nam, tâm hồn con người cởi mở, dân chủ hơn. 
Cũng như sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo, hai nền văn minh dân chủ và độc tài cũng có sự dịch chuyển lẫn nhau. 
Giai đoạn 1945 - 1975 gió độc tài rất mạnh, vì con người mới thoát khỏi chiến tranh thế giới, nhiều nước phong kiến đói nghèo mới giành được độc lập lại bị hấp lực của chủ nghĩa cộng sản. Luồng gió này thổi từ Kremlin, Bắc Kinh qua Hà Nội, thổi vô Sài Gòn. Gió độc tài thổi bay miền nam tương đối dân chủ dù người Mỹ ý thức điều này họ đã không tiếc tiền của, sinh mạng để giữ nhưng không giữ nổi. Xin nói thêm là người Mỹ đã thành công ở Hàn Quốc vì thế đất Hàn Quốc là bán đảo nên chỉ cần giữ chặt biên giới ở khu phi quân sự là gió độc tài bị chặn lại. Sự xâm nhập người và phương tiện chiến tranh qua đường biển rất khó. Ngược lại nước ta có rừng rậm và biên giới với các nước Lào, Campuchia. Trong thời chiến tranh, phần lớn con người và vũ khí thẩm lậu qua hai nước này để từ bắc vào nam. 
Tuy nhiên, từ năm 1995 đến nay (2015), ngược lại, gió dân chủ lại thắng thế. Gió độc tài suy yếu đi vì lý tưởng chủ nghĩa cộng phá sản tại chính quê hương của nó là nước Nga (Liên Xô, Đông Âu tan rã) và con người bước vào toàn cầu hóa với phát minh ra internet. Gió dân chủ bắt đầu thổi ngược lại các miền độc tài. 
Các mảng kiến địa di chuyển qua lại sẽ sinh ra tai họa động đất, núi lửa; sự yếu mạnh của các nền văn minh sẽ sinh ra sự vận động và va chạm giữa chúng. Khi các nền văn minh va chạm với nhau như nói ở trên sẽ sinh ra bất ổn xã hội. 
Các bạn sẽ hỏi tôi có mảnh đất nào trên quả địa cầu này giống Việt Nam không. Tôi xin trả lời là Ucraina. Đây cũng là mảnh đất tiếp giáp giữa hai nền văn minh: đông giáp Nga là xứ độc tài, Tây giáp liên Âu là mảnh đất dân chủ. Đất nước này cũng chịu sự va chạm giữa các nền văn minh. Năm 2004, nữ thủ lĩnh tóc vàng Tymoshenko thực hiện cách mạng nhung đưa gió dân chủ lên cao nhưng sau đó bị tổng thống Yanukovych dựa vào Nga lật được thế cờ, tức gió độc tài thắng thế. Đến năm 2014, một lần nữa gió dân chủ thổi mạnh làm Yanukovich bỏ chạy sang Nga. 
Nơi bạn sống, nếu thay đổi nóng lạnh một cách từ từ, bạn sẽ thích nghi mà không sinh bệnh. Nếu thay đổi đột ngột, bạn sẽ bị cảm, thậm chí sinh bệnh nặng. Tương tự như vậy nếu các luồng gió này (dân chủ và độc tài) thay đổi từ từ thì xã hội sẽ thay đổi trong trật tự. Ở xứ Ucraina, có lẽ gió dân chủ đã thổi quá mạnh khi gió độc tài còn khá lớn nên sinh ra đổ vỡ xã hội, chiến tranh. Tất nhiên thời nay con người đi vào văn minh internet (với tốc độc truyền tin nhanh chóng) và nhân tính lên cao nên không có cảnh chiến tranh tàn khốc như ở nước ta giai đoạn 1945-1975. 
Nói như thế để chúng ta thấy thế đất chúng ta sống. Sau 40 năm làm chiến sĩ đi đầu cho phe cộng sản, hôm nay rất có thể chúng ta lại làm chiến sĩ đi đầu cho phe dân chủ. Rõ ràng, câu chuyện dân chủ không chỉ là câu chuyện của riêng người Việt Nam mà còn là câu chuyện của văn minh nhân loại. Con người đang tiến dần lên từ nền văn minh độc tài đến nền văn minh dân chủ. 
Trong thế vận động này, không may dân tộc lại ở tuyế đầu, lại kẹt cứng giữa hai nền văn minh lớn: một bên là Trung Quốc (có đồng minh là Nga) và một bên là khối dân chủ với thủ lĩnh là Hoa Kỳ. 
Trong thế đất và thế nước như vậy, để có thể kiến tạo được xã hội hạnh phúc, đòi hỏi người Việt Nam phải có đủ trí tuệ và bản lĩnh như người Nhật. Và trước hết, chúng ta phải làm sao cho dân tộc chúng ta hiểu được thế đất và thế nước mình đang sống. 
Bài 6: thỜi cỦa nhìn nhẬn và đẤu tranh bẰng trí tuỆ 
Một bà mẹ trẻ đang trông đứa con chơi đùa. Thằng bé tầm vài tuổi bỗng té ngã và khóc thét lên. Bà mẹ chạy đến vừa đỡ đứa con, vừa vỗ tay xuống đất, vừa mắng hòn đá đã làm bé ngã. 
Đây là cảnh chúng ta hay thấy. Ai trong chúng ta cũng biết: đập, mắng hòn đá là cách đổ thừa, trừng phạt ảo để thằng bé thỏa mãn mà im lại, không còn khóc nữa. Không có bà mẹ nào giải thích nguyên nhân. Nó quá bé để hiểu được thực sự vấn đề ở đâu để rút kinh nghiệm lần sau không ngã nữa. Chỉ khi nào đủ lớn khôn mới biết mà không cần vừa đánh, vừa mắng hòn đá để dỗ nó nín. 
Đây là chuyện đời thường nhưng nó ẩn chứa một bài học thú vị. Thật ra, nếu quan sát kỹ, chúng ta sẽ thấy, ở thế giới người lớn chúng ta, câu chuyện tư duy hời hợt về nguyên nhân một thảm họa rồi ra hướng giải quyết cũng tương tự như vậy. 
Nhìn về lịch sử, chúng ta thấy, những người cộng sản đã tư duy và xử lý vấn đề một xã hội bất công, đói nghèo thế nào? Họ nhận ra nhanh chóng nguyên nhân đói nghèo là do người giàu, giới chủ, giới trí thức,… "ăn bám" và họ đề ra giải pháp là đánh đổ, cắt cổ, tiêu diệt hết đám này. Và kết quả là tạo ra một thảm họa. 
Câu chuyện những thế lực xấu mê hoặc nhân dân, làm ngu dân thông qua tín ngưỡng tôn giáo là có thật. Và người cộng sản kết luận ngay "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" (Karl Marx). Từ kết luận đơn giản vậy họ ra sức cấm đạo, tiêu diệt tôn giáo; đập phá đền chùa, nhà thờ, miếu mạo; truy bức chức sắc tôn giáo... Kết quả là tạo ra một xã hội vô thần thật khủng khiếp. 
Đó là câu chuyện lịch sử của những người cộng sản. Đến giờ, hầu như ai cũng thấy rõ. 
Với văn minh hiện nay, chắc không ai còn đủ ngu ngốc để làm những điều trên. Có chăng còn ở nước thuần cộng sản là Triều Tiên. 
Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là kiểu tư duy đơn giản, lầm lạc như trên vẫn còn nguyên giá trị. 
Hàng ngày, chúng thấy không biết bao nhiêu thảm họa xã hội từ quan tham biển thủ cả triệu đola như trưởng phòng kinh doanh Vinashine hay xe múc chèn người,... Nhiều người thấy kẻ gây ra họa trước mắt như Giang Kim Đạt hay tên xã hội đen hung hăng điều khiển xe múc rồi ra sức kêu gào trừng phạt họ. Đòi tử hình tham nhũng, đòi truy tố tên lái máy múc. Điều này là cần thiết nhưng thật ra nguyên nhân sinh ra các vấn nạn đó nó có tính hệ thống sâu xa hơn. Đây chính là sản phẩm của hệ thống chính trị và kinh tế sai trái. Phải giải quyết cái gốc này thì các quả độc như trên mới hết. 
Nhìn ra thế giới, ta thấy Trung Quốc đang gây ra đủ thứ vấn đề và chúng ta kêu gào sự tăng cường quân sự của các nước như Mỹ, Nhật, để bao vây nước này. Chúng ta vui mừng khi nhà nước mua sắm nhiều vũ khí hạng nặng như tàu ngầm, tàu hộ vệ tên lửa. Nhưng thật ra, đây là một kiểu tư duy lầm lạc. Chỉ làm cho nhân loại tốn thêm nhân lực, tài lực để chạy đua vũ trang, làm ngân sách nhà nước suy kiệt. Vấn đề ở đây chính là người Trung Quốc chưa được dân chủ hóa. Phần lớn công dân của họ không có quyền làm người (thế giới hay gọi là nhân quyền). Chính vì thiếu yếu tố "quyền làm người", nên một người Trung Quốc không thể bầu lãnh đạo một cách dân chủ. Đây là nguyên nhân chính cho việc lãnh đạo của họ hành xử xem thường luật pháp quốc tế trong một thế giới đa phương. (Việc này tương tự như lãnh đạo các nước phát xít trước kia). 
Vài nét chấm phá trên để chúng ta thấy một bức tranh toàn cảnh xã hội phức tạp hơn ta tưởng. Xã hội là một hệ thống. Muốn sửa một lỗi nhỏ của xã hội cũng phải tư duy ở tính hệ thống của vấn đề. Chỉ khi nào những người tranh đấu hiểu được vấn đề này thì họ mới thiết kế được một xã hội tốt đẹp hơn, tránh được những bài học đau thương mà người cộng sản đã phạm phải trước đó. 
Qua rồi thời tranh đấu bằng lòng quả cảm, bằng lòng nhiệt huyết, bằng sự dâng hiến hy sinh. Thời nay là thời của trí tuệ và kỹ trị. Chúng ta hãy tôn vinh, ủng hộ những ai mang trong mình giá trị này đi tranh đấu. Hãy dè chừng và cảnh giác trước những hấp lực đẹp của sự xả thân; của sự rung động của trái tim trước vẻ đẹp của lòng quả cảm. 
Một thời nước nhà đã chịu cảnh trái tim đặt trên đầu rồi đi tranh đấu. Hy vọng thời nay không còn sự lầm lạc như vậy nữa. 
Mượn lời ông Hà Sỹ Phu để kết thúc bài viết này: "Hãy dắt tay nhau, đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ." 
Bài 7: VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG-TƯ DUY KHÁC, HÀNH ĐỘNG KHÁC (1) 
A. Lý lẽ chung: 
Loài người đang từng bước tiến lên văn minh và nhân loại phải đối mặt, giải quyết với rất nhiều vấn đề trong tiến trình đó. Đây là bước tiếp nối của quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua. 
Lịch sử cho thấy, con người thường tự hạn chế tiềm năng của mình bởi những suy nghĩ cũ kỹ, lối mòn. Những tuy duy khác sẽ đưa đến những giải pháp khác, hành động khác có hiệu quả đến không ngờ. 
Chúng ta thấy, hiện nay, biển Đông là tâm điểm xung đột mới của thế giới. Ở đó, một bên là Trung Quốc và bên kia gồm nhiều nước mà đứng đầu là nước Mỹ. Trung Quốc đã có nhiều hành động đơn phương trong việc tuyên bố chủ quyền ở gần hết biển Đông, họ ra sức củng cố và mở rộng các đảo. Họ tăng cường hoạt động quân sự. 
Nhiều nhà quan sát có chung nhận định: Trung Quốc đang trở nên hùng cường và họ đang đi vào vết xe đổ của các nước Đức, Nhật cách đây hơn 70 năm (trước 1945). Điều này vô cùng nguy hiểm cho thế giới bởi lẽ Trung Quốc là nước mạnh: dân số hơn 1,2 tỷ, diện tích hơn 9 triệu Km2, là nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, sở hữu vũ khí hạt nhân và là thành viên của hội đồng bảo an Liên hợp quốc. 
Đối diện nguy cơ này, người Mỹ đã có chiến lược tái phối trí lại quân đội với mục tiêu xoay trục, chuyển 60% quân lực về Thái Bình Dương. Các đồng minh của Mỹ như người Nhật cũng bắt đầu tăng cường sức mạnh và ảnh hưởng về quân sự ra thế giới. Các nước nhỏ hơn có liên quan như Việt Nam cũng tăng cường tiềm lực quốc phòng. 
Ngoài ra, nhiều nhận định sân chơi kinh tế TPP được lập ra nhằm làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Trung Quốc vì nó lập ra cuộc chơi riêng mà trong đó không có Trung Quốc. 
Dưới góc nhìn toàn cảnh, loài người lặp lại những gì mình đã trải qua: đó là xử lý mâu thuẫn lợi ích, quan điểm giữa các quốc gia, dân tộc. Có thể lấy bài học trước thế chiến hai và chiến tranh lạnh để đem ra soi lại vào lúc này. 
Một triết thuyết ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người là “chuẩn bị chiến tranh để bảo vệ hòa bình”. Đứng trước mâu thuẫn, các bên gia tăng chạy đua vũ trang để phòng thủ và phát tín hiệu cảnh cho bên kia biết là “không dễ xơi”. 
Nhìn lại lịch sử, chiến lược này có lúc thành công (chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường Liên Xô-Mỹ) nhưng cũng có khi lại là thảm họa (thế chiến 2). 
Dù thành công (ngăn ngừa được chiến tranh) nhưng chiến lược trên lại vô cùng tốn kém. Không gì tiêu hao của cải và sự thịnh vượng của nhân loại bằng các nhà máy quốc phòng (chiến tranh còn khủng khiếp hơn nữa). Chiến lược trên có thể để lại hậu quả to lớn về mặt nhận thức ở hai bên bởi lẽ bên nào cũng ra sức tuyên truyền cho chính nghĩa của mình và tố cáo sự phi nghĩa của bên kia. Trong các xứ sở độc tài, bưng bít thông tin thì ảnh hưởng của chiến tranh thông tin lên tư duy, suy nghĩ của dân chúng là vô cùng nặng nề. Đây chính là nguồn cơn gây ra hận thù, chia rẽ, nghi ngờ,….của nhân loại. 
Nhân loại cần tư duy lại vấn đề của mình và cần đi theo một chiến lược khác. 
Socrates là triết gia Hy Lạp cổ đại, người được mệnh danh là bậc thầy về truy vấn có nói “là con người không ai muốn làm điều ác”. Chúng ta phải tin vào bản chất tốt đẹp này của con người. Kito giáo có câu: “một trong những điều tốt đẹp Thiên Chúa làm ra là con người với quyền tự do lựa chọn điều tốt” 
Năm 1795, trong bài luận có tựa đề “Nền hoà bình vĩnh cửu” (Perpetual Peace) Immanuel Kant cho rằng, việc các quốc gia có các hiến pháp dân sự thành lập nên các nền cộng hòa là một trong nhiều điều kiện cần thiết để có một nền hoà bình vĩnh cửu. Lý thuyết của Kant là đa số người dân sẽ không bầu cử ủng hộ một cuộc chiến tranh, vì sợ mất của và mất tính mạng, ngoại trừ phải tự vệ. Lý thuyết ấy đã thực chứng ở châu Âu sau thế chiến 2. 
Người Mỹ tin vào Nhân quyền và là nhà bảo trợ Nhân quyền lớn nhất hành tinh lúc này. Tăng cường nhân quyền là tăng cường sự tiến bộ, tăng cường dân chủ, tăng cường hòa bình. Chiến lược này đã được thực chứng và thu được kết quả ở nhiều nơi: Châu Âu, Nhật, Hàn, Đài Loan,…. 
Hiện nay người Mỹ thường đưa ra điều kiện để giao thương là phải bảo đảm một số vấn đề về Nhân Quyền. Người Mỹ làm được điều này vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bất kỳ quốc gia nào cũng muốn làm ăn với Mỹ. Tuy nhiên người Mỹ không ngờ một điều là nhiều quốc gia thiếu dân chủ đã dùng thủ đoạn gian trá là một mặt đặt bút ký các văn kiện nhân quyền để được làm ăn nhưng mặt khác dấu nhẹm chuyện này với dân trong nước. Chẳng những che dấu mà còn ra sức tuyên truyền xuyên tạc. Qua tuyên truyền, nhà cầm quyền dựng lên trong đầu dân chúng về một kẻ thù nguy hiểm và đầy âm mưu là Hoa Kỳ. 
Điển hình cho nhận định này chính là Việt Nam. Nhà cầm quyền ở đây đã đặt bút ký vào văn kiện “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” năm 1982 nhưng là một kỹ sư đến năm 30 tuổi-2012-tôi chẳng biết gì về nội dung công ước này. 
Thông tin mà tôi nhận được thường xuyên là “Nhân Quyền là chiêu bài âm mưu thâm độc của thế lực thù địch nước ngoài (ám chỉ Hoa Kỳ) nhằm thực hiện chiến lược diễn biến hòa bình để lật đổ chế độ tốt đẹp của ta, nô dịch nhân dân ta,…”. 
Một tên tội phạm chiến tranh Đức Quốc Xã đã khai trước tòa án Nuremberg: “tất nhiên nhân dân không muốn chiến tranh nhưng người cầm quyền rất dễ dàng lôi kéo nhân dân vào cuộc chiến”. Bọn phát xít Đức làm được điều này vì chúng đã lũng đoạn được truyền thông. Ở nước Đức thời phát xít chỉ có truyền thông một chiều do nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Điều này đang diễn ra ở Trung Quốc (và nhiều nước thiếu dân chủ khác). 
Huyền thoại người Nam Phi-Nelson Mandela-người được Liên Hiệp Quốc vinh danh (Liên Hiệp Quốc tuyên bố lấy ngày 18.7 hằng năm là Ngày Quốc tế Nelson Mandela (Nelson Mandela International Day) để ghi nhận những cống hiến của cố Tổng thống Nam Phi cho nhân loại, tự do và chính nghĩa) có nói: “Giáo dục là vũ khí tối thượng nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới”. 
Từ các nhận định trên, tôi đề xuất nhân loại nên tư duy lại cách thức xử lý mối xung đột hiện nay ở Biển Đông: sử dụng vũ khí giáo dục thay vì vũ trang. Mấu chốt để xử lý vấn đề biển Đông là dân chủ hóa đất nước Trung Quốc. 
Chiến lược mà nhân loại nên theo là thiết lập một nền tảng giáo dục căn bản toàn cầu cho tất cả mọi người trên trái đất. Hệ quả đẹp của chiến lược này là thế giới sẽ “chung tay dân chủ hóa dân tộc Trung Quốc bằng vũ khí giáo dục”. 
B. Nội dung chiến lược và phương thức triển khai. 
Trong bài viết trước, tôi đưa ra quan điểm là nên thực hiện một chiến lược khác để giải quyết vấn đề Biển Đông. Chiến lược được thiết kế dựa trên hướng đi là dân chủ hóa đất nước Trung Quốc bằng vũ khí giáo dục. 
Phương thức triển khai chiến lược: 
Chúng ta tưởng tượng kết quả rằng: tất cả người dân Trung Quốc, đến tuổi trưởng thành đều hiểu biết rất rõ ràng các vấn đề: nhân quyền, nhà nước pháp quyền, tự do, dân chủ, mối liên quan giữa con người và con người. Để làm được điều này, chỉ có thể là mỗi người dân TQ phải được tiếp cận với một nền giáo dục nền tảng về vấn đề đó. Cần có một cuốn sách chuyển tải những thông tin căn bản, những giá trị nền tảng, những giá trị phổ quát của nhân loại. 
Nếu điều này thực hiện được thì sẽ đưa đến kết quả nhà nước TQ sẽ là nhà nước dân chủ. Khi TQ dân chủ thì thế giới có thể đối thoại với người TQ được và nhiều vấn đề theo đó sẽ giải quyết ổn thỏa trong hòa bình, trật tự. Chúng ta có thể lấy bài học dân chủ hóa người Đức, người Nhật để suy ngẫm làm niềm tin, làm tiên đoán, làm cơ sở chứng minh cho lập luận này. 
Vấn đề đặt ra là: 
(1) Thiết kế được một cuốn sách như vậy. Nội dung cuốn sách phản ánh những giá trị đồng thuận toàn cầu tầm liên hợp quốc, giống như nội dung tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị,…. 
(2) Cuốn sách trên phải đến tay người TQ và họ có quyền tiếp cận một cách tự do. Mục tiêu cuối cùng là đưa cuốn sách trên vào giáo dục phổ thông. 
(3) Ngoài nước TQ, ý tưởng trên được mở rộng cho tất cả các nước. 
Cơ sở để thực hiện: 
- Thế giới có nhiều quan điểm đồng thuận nhau về những giá trị phổ phát. 
- Hiện nay nhân loại đang bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhu cầu cần có những nhận thức chung để hỗ trợ sân chơi chung. 
-Nhân loại có mong muốn chung là được sống trong một thế giới hòa bình, hữu nghị trên tinh thần hiểu biết những giá trị chung. 
Những nguồn lực thúc đẩy ý tưởng: 
-Nước Mỹ với vai trò là nước tiên tiến, văn minh và hùng mạnh đã thông qua sức mạnh kinh tế của mình để đưa những nước khác khi muốn làm ăn với Mỹ phải chấp nhận những điều kiện do Mỹ đưa ra. Người Mỹ hoàn toàn có tiềm năng để ủng hộ một dự án đưa quyền con người đến với toàn nhân loại. 
-Loài người đã có những công cụ xuyên biên giới, trong đó đáng kể nhất là mạng internet với những ứng dụng truyền thông như: google, youtube, facebook,…. 
-Người VN, người TQ là hai dân tộc có mức dân ngoại kiều sống khắp thế giới. Đây có thể là những nguồn lực khởi nguồn thúc đẩy ý tưởng. 
Chiến thuật thực hiện: 
- Quá trình thực hiện có thể tiến hành từng bước, ở những nước dễ làm trước, nước khó làm sau. Quá trình trên có thể hiểu như quá trình xâm thực xô đổ dần những rào cản. Khi mà số nước, số người trên thế giới có thế giới quan về nhân quyền sẽ dần gây sức ép với những vùng, những đất nước còn lại. 
- Chúng ta có thể dùng sức mạnh của các doanh nhân đang làm ăn tại đất TQ là bước xâm nhập vào vùng đất tối tăm này. Ý tưởng được đưa ra là các doanh nhân đồng thuận chỉ sử dụng lao động TQ khi họ được giáo dục các quyền con người, các giá trị phổ quát. Để có điều này, có lẽ phải tiếp cận bước đệm là các doanh nhân cũng phải được giáo dục về làm Người. Khi các doanh nhân toàn cầu ý thức rằng, sử dụng lao đông TQ khi họ chưa ý thức đẩy đủ về quyền làm người là hành vi trục lợi trên lưng họ. Tiên đề làm Người “lợi mình mà không hại người” mới là con Người sẽ soi sáng doanh nhân toàn cầu trong vấn đề này. 
- Trước khi thực hiện tại TQ, cần thực hiện giáo dục nền tảng toàn cầu cho phần còn lại của thế giới trước. Khi thế giới đông Người hơn (nhân tính cao hơn) thì ắt sẽ triển khai được chiến lược trên.
Bài 9: NgưỜI  Israel và ngƯỜI ViỆt 
Có lẽ, hai dân tộc ly tán khắp toàn cầu bởi nạn chiến tranh là người Israel và người Việt. Người Israel đã đóng góp cho thế giới rất nhiều, trong đó quan trọng nhất là ngành ngân hàng. Nếu không có người Do Thái chắc nhân loại chưa có nhà bank. Việc phát minh ra nhà bank được đánh giá là phát minh quan trọng thứ 3 sau lửa và bánh xe (Lấy ý từ cuốn sách “Tiền và hoạt động ngân hàng” của Ts Lê Vinh Danh). 
Còn người Việt chúng ta thì sao? 
Good Country Index cho rằng, người Việt thuộc nhóm “đội sổ về đóng góp cho nhân loại”. Điều này có thể gây nhiều tranh cãi nhưng nhìn tổng thể, người Việt chưa đóng góp gì đáng kể cho nhân loại, trong khi người Việt lại là dân tộc mang ơn sự cưu mang của nhân loại thuộc loại nhiều nhất. 
Hiện nay, người Việt có mạng lưới ngoại kiều rộng khắp thế giới. Với thế mạnh này, chúng ta có thể làm được gì cho nhân loại trong tương lai? 
Trong bài viết trước, (Việt Nam, thế đất và thế nước), tôi có chỉ ra, Việt Nam là dân tộc bị kẹt giữa hai nền văn minh “dân chủ” và “độc tài”. Câu chuyện dân chủ không chỉ là câu chuyện của người Việt mà còn là câu chuyện đi lên văn minh của nhân loại. Trong tiến trình đi lên này, dân chủ hóa người TQ là việc làm mấu chốt. Giải pháp cho vấn đề này không gì hay hơn là đi theo con đường giáo dục. Ý tưởng thiết lập một nền giáo dục nền tảng toàn cầu sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra. 
Câu chuyện bây giờ là làm sao thúc đẩy được ý tưởng này? 
Tôi thấy, mạng lưới người Việt toàn cầu sẽ có một vai trò vô cùng quan trọng. 
Giả sử, người Việt thấy rằng chiến lược kiến tạo một nền tảng giáo dục căn bản toàn cầu là một giải pháp nhân văn để dân chủ hóa đất nước, tránh được thế kẹt xung đột giữa hai cường quốc TQ-Mỹ. Khi đó người Việt khắp nơi có thể hành động như sau: 
-Bước một: lan tỏa thông tin trong cộng đồng người Việt biết về chiến lược thiết lập nền giáo dục căn bản toàn cầu. Thiết lập một trang web chung để liên kết, điều phối công việc. Có thể dùng trang www.human.vn
- Bước hai: tổ chức ra những hội nhóm, câu lạc bộ để hành động. 
- Bước ba: các hội nhóm, câu lạc bộ đi diễn thuyết ý tưởng cho cộng đồng tại nơi mình sống. Nói chuyện với cả người Âu-Mỹ và người TQ. 
- Bước bốn: vận động ý tưởng này đến các trung tâm sở hữu nguồn lực có thể thúc đẩy ý tưởng như: quốc hội Mỹ, chính phủ Mỹ, Liên minh châu Âu, các định chế của Liên Hợp Quốc, Hiệp hội Hoa Kiều, các tổ chức bảo vệ nhân quyền, hiệp hội các doanh nhân,…. 
Tôi không biết người Mỹ có thích thú với ý tưởng thiết lập một nền giáo dục căn bản toàn cầu không? Nhưng tôi kỳ vọng vào họ, bởi các lý do sau: 
Nền giáo dục nước Mỹ đã làm rất tốt trong việc trang bị cho công dân của mình các hiểu biết căn bản về Nhân quyền, nhà nước, chính quyền, các quyền tự do công dân,…Có lẽ người Mỹ đã ý thức được giáo dục sẽ hình thành nên tính cách công dân và chính hiểu biết này của công dân đã góp phần giữ vững nền dân chủ của họ. 
Nước Mỹ hiện nay là nước lớn nhất, hùng mạnh nhất ủng hộ và thúc đẩy nhân quyền trên thế giới. 
Các nước thiếu dân chủ, muốn làm ăn với nước Mỹ đều phải chấp nhận điều kiện do người Mỹ đưa ra là tôn trọng nhân quyền. Điển hình trong việc này là nước đó phải ký văn kiện “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị”. Việt Nam đặt bút ký tham gia công ước này từ năm 1982. Có lẽ điều người Mỹ không thể ngờ là chính phủ các nước thiếu dân chủ không khác gì những tên ma cô: tay phải ký nhưng tay trái thì dấu nhẹm, thậm chí tuyên truyền ngược lại điều mình đã cam kết. Phong trào hiến chương 77 của Tiệp Khắc không gì khác hơn là vạch trần trò gian trá này. 
Câu hỏi đặt ra là tại sao người Mỹ chỉ dừng lại ở mức cam kết của chính phủ mà không đưa cam kết đó đến tận tay người dân? 
Tôi nghĩ, nếu biết được vấn đề này, họ sẽ ủng hộ quan điểm là đưa những điều cam kết đó đến tận tay người dân ở nước sở tại. 
Trên niềm tin này, tôi nghĩ người Mỹ sẽ ủng hộ ý tưởng thiết lập một nền giáo dục căn bản toàn cầu. Suy cho cùng, ý tưởng thiết lập một nền giáo dục căn bản toàn cầu chỉ là bước đi xa hơn những gì người Mỹ đang nỗ lực thực hiện.
Nếu làm được điều này, người Mỹ cũng có lợi lớn vì họ sẽ giảm nhẹ gáng nặng giữ an ninh cho thế giới. 
Vấn đề còn lại là chương trình hành động để người Mỹ hiểu được ý tưởng này mà ủng hộ nó. 
Câu chuyện lại trả về cho vai trò mạng lưới người Việt Nam trên toàn thế giới. (*)
Các dân tộc có nền chuyên chế lâu đời và hùng mạnh như người Trung Quốc, rất khó tiến lên dân chủ. Bỡi lẽ nọc độc tài ăn sâu trong tâm hồn và cái lợi quyền do thiết chế độc tài mang lại cũng cắm sâu vào họ. 
Một trong những cái khó nhất của các xứ sở độc tài lâu đài và to lớn như TQ là tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Thế lực cầm quyền luôn khai thác tối đa tinh thần này để phục vụ cho mục đích quyền lực của mình. Lòng ái quốc của cả tỷ dân TQ thật đáng sợ (hãy xem họ biểu tỉnh ủng hộ chính phủ trong việc xung đột với Nhật Bản trong vấn đề chủ quyền của đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trong vài năm trước). 
Trong cuộc sống thường nhật, chính quyền TQ thường lấy con ngáo ộp “thế lực nước ngoài chống phá” để giải thích cho những thất bại, những bất ổn xã hội, thậm chí là để bắt bế, xét xử những người lên tiếng cho nhân quyền, dân chủ, tiến bộ xã hội. 
Khó khăn nữa là ở các nước lớn, dân đông thường có nhu cầu chống loạn cao nên dân chúng có xu hướng ủng hộ một chính quyền trung ương mạnh, cai trị bằng bàn tay sắc. 
Nếu quan sát, chúng ta thấy chính phủ TQ khai thác triệt để khía cạnh này trong việc kiểm soát thông tin cũng như ban hành nhiều luật lệ, qui định trói buộc quyền tự do công dân (lý do đưa ra cho những việc làm như vậy là an ninh quốc gia). 
Hiện nay đất TQ gần như là xứ sở bất khả xâm phạm của các công cụ truyền thông toàn cầu như: youtube, google, facebook. Thông tin ở lục địa TQ được kiểm duyệt hết sức ngoặt nghèo. 
Tình hình thật khó khăn để khai sáng cả tỷ dân TQ. Não trạng tăm tối, tinh thần dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi của họ thật sự là điều đáng sợ cho thế giới. 
Để có thể dân chủ hóa TQ đòi hỏi nguồn lực toàn cầu, chiến lược toàn cầu chứ không phải đơn giản. 
Trong bài viết trước, tôi phân tích hai nguồn lực lớn là mạng lưới người Việt trên thế giới và vai trò của người Mỹ (và các đồng minh). Tuy nhiên còn một nguồn lực chúng ta không thể bỏ qua là mạng lưới Hoa Kiều. 
Với 40 triệu người sống ngoài nước TQ, có lẽ người TQ có số lượng ngoại kiều lớn nhất thế giới. Hoa kiều ít nhiều có mối quan hệ với người Hoa sống trong đại lục. Họ là bộ phận tiến bộ của người Hoa vì được sống bên ngoài, được tiếp xúc với thế giới văn minh (tự do thông tin). Đặc biệt người Hoa Kiều rất giỏi buôn bán, kinh doanh nên phần lớn họ là cộng đồng thành đạt, đoàn kết, đang sở hữu nguồn lực kinh tế ở các nước sở tại. 
Vấn đề đặt ra là thế giới làm sao sử dụng được nguồn lực này cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước TQ? 
Tôi cho rằng, bước đầu tiên có lẽ phải sử dụng công cụ truyền thông. Trong bài viết-Người Israel và người Việt-, tôi trình bày sứ mệnh mạng lưới người Việt trong chiến lược kiến tạo nền giáo dục căn bản toàn cầu. Trong sứ mệnh này đề cập đến việc nói chuyện với người Hoa. 
Nếu tất cả Hoa Kiều ý thức được tình trạng dân tộc họ mắc phải, tôi tin rằng, thông qua họ, có tác động đáng kể đến người Hoa trong nước cũng như tác động lên chiến lược thiết lập nền giáo dục căn bản toàn cầu. 
Người Việt và thế giới văn minh cần phải đối thoại với người TQ và có thể bắt đầu với Hoa Kiều. 
Bài 12: DOANH NHÂN TOÀN CẦU VỚI CHIẾN LƯỢC DÂN CHỦ HÓA TRUNG QUỐC 
Ngày nay, nhân loại bước vào kỷ nguyên toàn cầu hóa. Với sự chuyển dịch tự do của thông tin và dòng vốn, thế giới đã trở nên phẳng. Đúng như Napoleon nói “đồng tiền không có tổ quốc”, nó chỉ đến những nơi giúp nó sinh lợi. Đi đôi với quá trình này, thế giới chứng kiến, chưa bao giờ giới doanh nhân lại có quyền lực đến thế. Gần như thế giới phẳng là dành cho lớp này. Họ có quyền đến rồi đi khắp nơi trên thế giới nếu họ muốn. Họ đổ xô đến nơi nào, nơi đó thịnh vượng; họ tháo chạy khỏi xứ sở nào, xứ sở đó khủng hoảng, sụp đổ kinh tế. 
Hiện nay doanh nhân toàn thế giới đổ về Trung Quốc vì đây là mảnh đất giúp đồng tiền của họ sinh lợi. Với cả tỷ dân cũng như hàng mấy trăm triệu lao động, TQ thật sự là thiên đường cho đồng tiền đến và sinh sôi nảy nở. Gần như, không có hàng chế tạo nào không có nhà máy ở TQ: Apple, Samsung, Dell, Toyota, Huynhdai, Ford,….. Trong cuộc chơi này: doanh nhân vui, người TQ vui và người tiêu dùng toàn cầu cũng vui. 
Tuy nhiên, dưới ánh sáng của các tiên đề làm người, ta sẽ thấy bức tranh khác. 
Thứ nhất người lao động TQ không có tự do (tiên đề 2), không biết về Nhân Quyền (tiên đề 7),…như vậy họ chưa phải là Người. Dưới góc nhìn này doanh nhân toàn cầu đã hưởng lợi trên sự đau khổ của người khác. Như vậy lớp người đáng kính này cũng chưa phải là Người (tiên đề 4). Điều đặc biệt rất nhiều doanh nhân giàu có, đầy quyền lực lại quan niệm “chỉ làm ăn, không quan tâm chính trị”. Dưới ánh sáng của tiên đề 3, những doanh nhân này cũng chưa phải là Người. 
Thế giới hưởng lợi từ sức lao động của người TQ mà không chung tay dân chủ hóa họ, không tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn thì phần thế giới đó cũng chưa phải là Người (tiên đề 3,5). 
Bức tranh rộng lớn hơn, chỉ ra rằng, trong trò chơi này, gần như các bên chưa phải là Người. Đây chính là điều làm cho thế giới bất an. Những ai ý thức là Người sẽ vô cùng khốn khổ khi sống trong thế giới này (tiên đề 9). 
Dưới ánh sáng của các tiên đề làm người, hẳn các doanh nhân cũng như phần thế giới văn minh tiến bộ phải có trách nhiệm hành động để sống cho ra một con Người. 
Thử tưởng tượng, các doanh nhân này thỏa thuận rằng “chỉ khai thác sức lao động con người, không thuê mướn những ai chưa đủ phẩm giá làm người làm việc”. Có nghĩa là tất cả công nhân người TQ, khi bước chân vào nhà máy là phải hoàn thành khóa học ngắn ngày do chương trình giáo dục nền tảng toàn cầu cung cấp. 
Thật tuyệt vời nếu có thỏa thuận như vậy. 
Để có điều đó xảy ra, doanh nhân cũng như người tiêu dùng toàn cầu ý thức được thước đo làm Người cũng như ý thức được phẩm giá con Người chỉ được bảo vệ như thế nào dưới các tiền đề làm người. 
Điều này đồng nghĩa với việc, họ phải trải qua chương trình giáo dục nền tảng toàn cầu trước. 
Như vậy, từng bước, sáng kiến giáo dục nền tảng toàn cầu sẽ chiếu sáng nhân gian; chiếu đến đâu, tính Người tăng lên đến đó. Và cuối cùng chúng ta có một thế giới nhân ái để con Người sống với nhau. 
Đây là một chiến lược cuốn chiếu tuyệt vời và tôi tin sẽ làm được. Bỡi lẽ chiến lược bắt đầu từ bộ phận doanh nhân: bộ phận tiên tiến nhất, thông minh nhất, có hiểu biết nhất, sở hữu nguồn lực nhất của nhân loại. 
NVT (Kỹ sư-blogger; 0984.973.376; thanhipi@gmail.com; www.human.vn )
/Tác giả gửi BVB/
-------------

3 nhận xét:

  1. Chắc tác giả muốn thử sức hay muốn có nhiều coms nên đưa bài viết này lên. Bài viết còn nhiều cái phi thực tế, ngược ý, chưa hiểu điều mình nhắc đến:
    [Muôn loài, có lẽ chỉ có con Người là loài có tình yêu thương vượt tình yêu thương bản năng (thương yêu trong nhận thức). Nhìn lại lịch sử tiến hóa của nhân loại là quá trình mở rộng tình yêu thương. ] - Chỗ này sai hoàn toàn. Con vật cũng rất yêu thương dòng giống, con cái chúng và đôi chỗ yêu thương cả khác loài. Còn con người là loài ĐỘC ÁC nhất trong hàng sinh vật. Không những ĐỘC ÁC mà còn tìm cách dấu cái ĐỘC ÁC đi. Che đậy ĐỘc ÁC là quá tàn ác. Vì người ta không biết cái ÁC đâu mà tránh ... Và chỉ con người mới triệt hạ đồng loại nhiều nhất trong hàng sinh vật. Đế ăn thịt các loài vật chỉ giết khác loài, không ăn thịt đồng loại.

    [Họ nhận ra nhanh chóng nguyên nhân đói nghèo là do người giàu, giới chủ, giới trí thức,… "ăn bám"] - còn thiếu thực tế, còn một loại ăn bám nữa là các sư. Ở một số nước, cả VN số lượng sư đông hơn quân đội của nước đó. "thằng còng làm, thằng thẳng ăn".

    [các nền văn minh: Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo, Ấn Giáo, Phật Giáo, Khổng Giáo,… Các nền văn minh này khi tiếp xúc nhau sẽ có sự va chạm lẫn nhau. Sự va chạm này có thể gây ra hiện tượng xáo trộn xã hội, thay đổi xã hội thậm chí là chiến tranh.] - Chỗ này tạm ổn, bởi vì còn tô giáo còn gươm giáo, còn đảng phái còn bè phái. Tôn giáo là ÍCH KỈ. Chủ giáo nào cũng muốn mình đông đệ tử nên ra sức và bằng mọi cách "thu hút", một trong những cách đó là: GÂY CHIẾN.

    [Và người cộng sản kết luận ngay "tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" (Karl Marx). Từ kết luận đơn giản vậy họ ra sức cấm đạo, tiêu diệt tôn giáo; đập phá đền chùa, nhà thờ, miếu mạo; truy bức chức sắc tôn giáo... Kết quả là tạo ra một xã hội vô thần thật khủng khiếp. ] Còn câu "tôn giáo là thuốc phiện" là HOÀN TOÀN ĐÚNG. Ở đây người phát ngôn và người viết lại HOÀN TOÀN không hiểu mệnh đề này, bởi vì chưa biết: Bản Thân Mình là Ai và Như Thế Nào!

    [Chúng ta phải tin vào bản chất tốt đẹp này của con người. Kito giáo có câu: “một trong những điều tốt đẹp Thiên Chúa làm ra là con người với quyền tự do lựa chọn điều tốt” ] - Hoàn toàn ảo tưởng, con người HOÀN TOÀN không phải là sản phẩm của CHÚA. Vì chúa ở đây cũng chỉ con người, Vậy thử hỏi: Ai sinh ra chúa? Người viết nên nhớ rằng: Từ khi có chúa đến thế kỉ 12 đã diễn ra 9 cuộc thánh chiến, máu và thịt người ngập ngụa ở những nơi mà đạo quân thập tự chinh (thánh chiến) đia qua.
    COMS kết: Sẽ có một phương thức GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC RẺ TIỀN, không tốn nhiều công rao giảng, nhiều giấy mực, nhiều diện tích, nhiều thời gian để học, tóm lại là vô cùng ít tốn kém ra đời trong một tương lai gần. Nó sẽ bắt nguồn từ việc: Con người là ai trong hàng sinh vật và như thế nào trong vũ trụ này?
    Cảm ơn Đại Tá Yêu mến của NHÂN DÂN !!! - Vô danh tiểu tốt tôi.

    Trả lờiXóa
  2. "Để hóa giải những hiểm họa trên, chúng ta cần đưa những đồng thuận phổ quát vào chương trình sách giáo khoa ở tất cả các nước."

    Chúc tác giả Nguyễn Văn Thạnh điên, rõ hơn là vĩ cuồng, vui vẻ . Chúng ta là ai ?

    "Thế giới hưởng lợi từ sức lao động của người TQ mà không chung tay dân chủ hóa họ, không tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp hơn thì phần thế giới đó cũng chưa phải là Người (tiên đề 3,5)"

    Chuyện dân Trung Quốc có muốn là Người không là chuyện của họ . Thế giới không muốn và cũng không nên quan tâm .

    "Tôi không biết người Mỹ có thích thú với ý tưởng thiết lập một nền giáo dục căn bản toàn cầu không? Nhưng tôi kỳ vọng vào họ"

    Well, bác này chắc chuyên sống bằng kỳ vọng . Không, nước Mỹ không thích thú lắm với ý tưởng thiết lập một nền giáo dục căn bản toàn cầu . Phục vụ cho riêng dân Mỹ đã ná thở! Ai muốn bắt chước thì cứ việc . Nhưng không, nước Mỹ không thích thú gì với những ý tưởng thổ tả kiểu đó .

    Còn những ý khác trong bài, quá điên rồ để có thể ngó tới .

    Trả lờiXóa
  3. Tôi mới đọc hết bài 7,thì thấy anh Thạnh rất tâm huyết cho một nền giáo dục nhận thức căn bản của con người, dù để làm được điều lớn lao này thật khó- nhất là đang sống dưới chế độ độc tài đảng toàn trị, tước hết quyền con người và bị bưng bít thông tin, độc quyền thông tin, bị "định hướng"(ngu dân) như hiện nay ở VN.
    là người còn trẻ, dấn thân tranh đấu cho nhân quyền như anh Thạnh là rất đáng quý, những đóng góp của anh cho sự nghiệp dân chủ hóa đất nước là rất đáng trân trọng; đặc biệt những bài như "bàn về đạo làm người với Tổng bí thư"...
    Tôi khâm phục và ngưỡng mộ anh.
    (CCB đánh Tàu 1979- dân HN)

    Trả lờiXóa