Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2016

TPHCM gọi vốn Nhật vào các dự án trọng điểm

Quang cảnh Hội thảo xúc tiến đầu tư và du lịch
Việt Nam-Nhật Bản tại TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng
* QUỐC HÙNG
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư và du lịch Việt Nam – Nhật Bản, chính quyền TPHCM mời gọi các nhà đầu tư Nhật tham gia vào bốn dự án tiêu biểu của thành phố, trong đó đáng chú ý là dự án công viên Sài Gòn Safari tại huyện Củ Chi vốn chậm triển khai nhiều năm nay.
Gọi vốn Nhật vào dự án trọng điểm
Tại hội nghị diễn ra chiều nay, 22-4, với sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam, chính quyền thành phố kêu gọi doanh nghiệp Nhật tham gia đầu tư vào dự án Saigon Safari – một công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đây cũng sẽ là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loại động thực vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam.
Saigon Safari dự kiến được xây dựng tại huyện Củ Chi, với kỳ vọng góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch tại Việt Nam, các khu chức năng có tính chất mở nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh môi trường. Công viên sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn, thú vị của du khách trong nước cũng như du khách quốc tế.
Ngoài dự án Saigon Safari, TPHCM cũng muốn kêu gọi các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào dự án Khu thương mại ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành có tổng mức đầu tư khoảng 312 triệu đô la Mỹ.
Ngoài ra, thành phố cũng kêu gọi doanh nghiệp Nhật đầu tư vào hai tuyến đường sắt đô thị (tuyến monorail số 2 dài 27,2 km và tuyến monorail số 6 dài 6,36 km đi ngầm) cũng như dự án hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn.
DN Nhật sẽ đẩy mạnh đầu tư vào TPHCM
Tại hội thảo, ông Iijima Isao, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Nhật Bản và là người dẫn đầu đoàn doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết đoàn doanh nghiệp tham gia hội thảo lần này là những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay, kinh doanh ở Trung Quốc gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp Nhật đang dịch chuyển sản xuất sang khu vực ASEAN, trong đó Việt Nam được đánh giá là điểm đến đầu tư quan trọng, đặc biệt TPHCM được đánh giá có sức hấp dẫn với nhiều doanh nghiệp Nhật.
Trong khi đó, ông Masuda Chikahiro, Phó trưởng đại diện Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, cũng cho rằng với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất để tiếp cận thị trường nội địa và xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên ông đề nghị Việt Nam cải thiện hơn nữa về ngành công nghiệp phụ trợ cũng như đào tạo nhân lực có ngoại ngữ tiếng Nhật để đáp ứng nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Nhật đang ngày càng gia tăng vào Việt Nam.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết thành phố luôn chào đón, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư, kinh doanh lâu dài và có hiệu quả.
Ông Phong cho rằng, việc doanh nghiệp Nhật đầu tư vào TPHCM sẽ là lựa chọn đúng đắn trong bối cảnh thành phố ngày càng cải cách mạnh mẽ, mở cửa thu hút đầu tư. "Những doanh nghiệp Nhật tham gia hội thảo lần này thuộc các lĩnh vực dược phẩm, y tế, xử lý nước và chất thải, chế tạo, nông nghiệp, xây dựng, vận tải, công nghệ thông tin, khách sạn và du lịch đều là những lĩnh vực mà thành phố muốn kêu gọi đầu tư", ông Phong nói.
Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Anh Đào diễn ra tại TP.HCM (22 đến 23-4), do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Sở Du lịch, Sở Ngoại vụ và Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) tổ chức.
-----------
* Dự án Saigon Safari với diện tích gần 460 héc ta được hình thành cả chục năm nay nhưng đến nay vẫn chưa triển khai xây dựng. Vào cuối năm 2015, Công ty cổ phần Vinpearl đã đề xuất được đầu tư dự án này với vốn đầu tư khoảng 500 triệu đô la Mỹ.
Trước đó, hồi giữa tháng 10-2015, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn đã cùng Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn và Tổng Công ty Bến Thành TNHH MTV ký biên bản thành lập Công ty Cổ phần Sài Gòn Safari để thực hiện dự án công viên Sài Gòn Safari với vốn điều lệ 300 tỉ đồng để đầu tư một số hạng mục giai đoạn 1 của dự án. Trong đó, Saigontourist góp 40% và hai đơn vị còn lại mỗi đơn vị góp 30% vốn.

** Tính đến ngày 15-3-2016, Nhật Bản có 865 dự án còn hiệu lực trên địa bàn TPHCM đã được cấp giấy phép, giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 2,87 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay, Nhật Bản đứng thứ 6 về tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP.HCM
Q.H (TBKTSGO)

# Mời đọc thêm:
-------------

4 nhận xét:

  1. Hể có dự án , ̣đầu tư là cán bộ có tiền xài , khoẽ , rán mà chiêu dụ . năn nỉ rồi không uổng công .

    Tiếc quá , tại vì VN kiên quyết tiến lên CNXH , trung thành đi theo quỹ đạo đã vạch sẳn , chứ không , cải cách theo kiểu Miến Điện thì không cần mời gọi , tư bản đổ tiền vào ầm ầm . Chỉ nội Việt Kiều đổ tiền về đầu tư mua nhà đất , người già về VN về hưu thì dòng tiền cũng đã đổ về như thác lũ , kinh tế bay bổng như bong bóng .

    Hiện tại làm ăn với xứ CS ai cũng ngại cã .

    Nếu Nhật không đầu tư , thì TQ có sẳn đó , tiền lại quả nhiều hơn , miễn cứ chịu ký là có tiền , hậu quả thì dân chịu , không gì phải lo . Nếu lo thì chỉ lo dập tắc đám dân phản động nhiều chuyện , phá rối ổn định sự vững bền của Đảng là được rồi , chuyện nhỏ .

    Dần dần , dân Việt làm công ngay trên đất mình , thế cũng đở , khõi phải đi xa tứ tán như hiện nay .

    Trả lờiXóa
  2. Giống như cho thuê đất thôi, ăn ít tiền còm cõi...

    Trả lờiXóa
  3. Đầu tư mấy cái dự án này thì NĐT thu được cái gì nhỉ?
    Các vị giành hết phần "khôn" của thiên hạ rùi.

    Trả lờiXóa
  4. Nếu thành phố mến yêu của ta (TP HCM)trở lại tên Sài Gòn thì không riêng gì Nhật bản, mà người Việt ở nước ngoài đầu tư sẽ nhiều hơn. Dân chúng đỡ bực bội khi nhắc tên một con người không muốn nói đến. Người Sài Gòn sẽ bao dung, thanh lịch hơn.

    Trả lờiXóa