Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Quy luật phủ định và sự đảo chiều cần thiết

* XUÂN DƯƠNG
Vấn đề hôm nay chúng ta cần làm là hãy trả lời câu hỏi “vấn nạn tham nhũng trong giáo dục” đang ở đâu trong “biểu đồ tham nhũng quốc gia”?
Trong tự nhiên, các thiên hà hay các cơn bão đều có dạng xoắn ốc. Chiều xoắn nhìn từ tâm ra trong phần lớn trường hợp là thuận chiều kim đồng hồ. 
Tuy thế, bao giờ cũng có ngoại lệ, trong hàng tỷ con ốc nhặt ở bãi biển, thế nào cũng có một hai con mà vòng xoắn ngoài vỏ (nhìn từ phía trôn ốc) lại ngược chiều kim đồng hồ.
Nền văn minh nhân loại cũng phát triển theo quy luật xoắn ốc, sau một chu kỳ lại trở về điểm xuất phát nhưng ở mức cao hơn.
Quá trình chuyển động theo đường “xoắn ốc”, các điểm đối xứng qua tâm luôn có xu hướng trái ngược nhau, nghĩa là khi đi được nửa vòng xoắn sẽ thấy phương hướng đảo chiều, nếu bên này chạy về hướng Đông thì phía bên kia chạy về hướng Tây. 
Có thể kiểm chứng qua thực tế các cơn bão, khi địa phương nằm trên đường tâm bão đi qua, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng gió bão đổi chiều, nếu lúc đầu gió hướng Nam thì sau đó sẽ là gió hướng Bắc, còn nếu địa phương nằm ở rìa bão thì chỉ có gió một chiều.
Một trong ba quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật trong triết học Mác - Lênin là Quy luật phủ định, quy luật này chỉ ra khuynh hướng của sự phát triển, theo đó sự phát triển luôn có xu hướng lặp lại giai đoạn đầu nhưng ở trình độ cao hơn tức là phát triển theo hình xoắn trôn ốc. 
Chỉ khi nào sự kiện sau phủ định sự kiện trước thì xã hội mới phát triển, còn nếu không có sự phủ định thì xã hội mãi mãi dậm chân tại chỗ. Chính vì thế quy luật trên còn được gọi là “Quy luật phủ định của phủ định”.
Sự đảo chiều trên vòng xoắn cho thấy quá trình vận động của vạn vật, tiến lên hay lùi lại, giống như cái vặn nút chai, thuận theo chiều kim đồng hồ là tiến về phía trước, ngược lại là về điểm xuất phát, là vẫn như cũ.
Rõ ràng tự nhiên và xã hội cùng vận hành theo đường “xoắn trôn ốc”, xã hội muốn phát triển cần phải có “phủ định”. Tuy nhiên nếu đó là “phủ định ngược” tức là những hiện tượng, sự việc phát sinh trước phủ định cái sinh sau thì đó sẽ là xã hội trên đường diệt vong.
Điều đáng mừng trong những ngày đầu năm 2016 là quy trình “phủ định” đang xảy ra và đó đều không phải là “phủ định ngược”. 
Trao đổi với báo chí sau khi được Quốc hội tín nhiệm giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Phùng Xuân Nhạ phát biểu: “Tôi không quan niệm giáo dục là trận đánh, giáo dục là con người, đó là công trình lớn, xây dựng nhiều năm”. 
Quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phủ định quan điểm của người tiền nhiệm, rằng “giáo dục là trận đánh lớn”.
Tại hội nghị giao ban hôm 6/4/2016 giữa Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội với các sở ngành, quận huyện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng:
Chúng ta phải thấy xấu hổ khi để Thủ đô hay một xã, phường bẩn, không văn minh… nếu chỉ nghĩ làm phong trào cho xong, đối phó thì chỉ vài ba hôm lại xuống. Chúng ta tặc lưỡi: "Hà Nội ấy mà, Hà Nội không vội được đâu” thế là chết!”.
Hà Nội không vội được đâu” vốn cũng là phát ngôn của một vị tiền nhiệm, sự phủ định trong câu nói của Bí thư Hoàng Trung Hải không khác nhiều so với ý kiến của giới truyền thông nhưng nó hàm chứa một động lực mạnh mẽ gấp nhiều lần so với các bài báo. 
Xuất phát từ quan điểm “Hà Nội không vội” nên chuyện phá bỏ sai phạm tại các công trình xây dựng sai phép ở nội thành, biệt thự trái phép ở rừng Quốc gia Ba Vì hay chuyện xe “hổ vồ” chở vật liệu quá tải chạy trong giờ cấm cho đến nay vẫn chưa có hồi kết? 
Có phải vì là đất văn hiến nên “Hà Nội không vội” mà phải luôn tôn trọng lời dạy thánh hiền “Dục tốc bất đạt”, nóng vội là hỏng, là không đạt được nguyện vọng, bình tĩnh là mẹ thành công?
Người Hà Nội thấy vui vì Tân Bí thư Thành ủy không nghĩ như vậy, “Hà Nội không vội là chết”, ấy là rút ngắn lời ông Bí thư với báo giới.
Nếu “không vội” tương lai đường phố Hà Nội sẽ thành bãi rác, “không vội” thì bao nhiêu cây xanh nữa sẽ biến thành củi đun, bao nhiêu rau xanh trồng ở bãi tha ma sẽ hiện diện trên mâm cơm, bao nhiêu và … bao nhiêu nữa? 
“Không vội” sẽ là động lực phát triển công nghiệp vì nhiều hãng đang làm ăn thua lỗ sẽ có cơ hội khi chuyển sang sản xuất mặt nạ phòng độc mini bán cho dân đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm?
Trong quá khứ, chuyện “phủ định ngược” đã từng xảy ra ở Hà Nội, một ông lúc là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy nói “chạy công chức ở Hà Nội phải mất trên trăm triệu”, ngay lập tức ông Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng tuyên bố: “Chạy công chức không dưới 100 triệu đồng chỉ là tin đồn”. [1]
Lại còn chuyện “phủ định ngược” khác, ông lãnh đạo Bộ “các phương tiện chạy” bảo chạy “lốt xe” Mỹ Đình mất mấy trăm triệu, Giám đốc Sở Giao thông của Hà Nội lập tức yêu cầu dẫn chứng cụ thể để còn kiểm tra? 
Ít nhất thì có mấy cơ quan Hà Nội như Ban Tuyên giáo, Sở Nội Vụ, Sở Giao thông đã “phủ định” chuyện “chạy”. Nhờ thế cho đến nay Hà Nội “hình như” chưa phát hiện ai “chạy”, nhờ thế Hà Nội được sống trong an bình?
Người dân mong sao sự sốt ruột của Bí thư Hoàng Trung Hải về “Hà Nội bẩn” không bị hạn chế trong lĩnh vực rác đường phố, bởi có những sự “bẩn” khác lại hiện diện ở những chỗ vốn chẳng bao giờ có rác, chẳng hạn mấy chuyện “chạy” nêu trên hay là chuyện cấp dưới “lén” đi thi hộ cấp trên để rồi “chúng mình” cùng nhau thăng chức. 
Chuyện này hàng chục bài báo đã nêu đích danh, nhưng có lẽ chuyện Phó bí thư Đoàn xã “lén thi hộ” Chủ tịch xã ở Uy Nỗ (Đông Anh - Hà Nội) thì quả vô tiền khoáng hậu. 
Theo thông tin Antt.vn đăng tải ngày 7/10/2015 [2] thì Phó Bí thư Đoàn xã này thi hộ Chủ tịch xã 18 môn, những người khác thi hộ 7 môn, tổng cộng là 25 môn trong chương trình học cử nhân Viện Mở.
Câu chuyện học hành của một số công chức, viên chức Hà Nội cho thấy không phải là “Hà Nội không vội” mà là hơi…vội, các vị tiền nhiệm Hà Nội từng đưa ra quyết định, rằng công chức phải có bằng tiến sĩ, chí ít cũng phải là cử nhân? 
Cứ có bằng là hợp thức hóa chức danh, còn chuyện công khai thi tuyển thì Hà Nội lại “chưa thể vội” vì cần rút kinh nghiệm từ Bộ Tư pháp trong cuộc thi tuyển Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội
Nghe nói Hà Nội đối xử với công chức rất “nhân văn”, có người sau khi được “xóa án kỷ luật” thì lên chức cao hơn, vậy Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có nên học tập?
Cô giáo vùng cao vì trót đánh học sinh mà bị đuổi việc, bị đuổi rồi cô giáo trẻ ấy có hy vọng gì vào chuyện “xóa án kỷ luật” nữa không?
Chuyện “phủ định” ở Bộ GD&ĐT hay ở Thủ đô Hà Nội cũng không xa lạ gì với thành phố Hồ Chí Minh. Khi mà lãnh đạo cũ của thành phố khẳng định năm 2015 không phát hiện tham nhũng thì gần đây một vị tướng công an thành phố này lại cho rằng: “Những giải pháp hiện nay chưa đủ ngăn ngừa tham nhũng. Một số biện pháp là ảo, ví dụ như việc kê khai tài sản”. 
Ông dẫn chứng cơ quan mình có hơn 1/3 cán bộ, công chức phải kê khai tài sản "nhưng làm xong là đút vào ngăn tủ cất, có đúng không, hợp lý không thì không ai biết”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đề cập chuyện thực phẩm bẩn từng nói: “Bà con trồng hai luống khác nhau, một luống để bán và một luống để ăn”.
Thế nhưng sau đó lại có ý kiến của cấp dưới rằng “đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”, thế là “phủ định ngược” hay “phủ định xuôi”?
Theo quy luật “xoắn ốc”, vòng vo rồi thì cũng phải về điểm xuất phát cho nên lại phải quay về với Giáo dục.
Dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, phong trào “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” được phát động. Kết quả là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông năm 2007 đạt tỷ lệ 67%, năm 2008 là 76% (làm tròn). [2]
Khi quy luật phủ định phát huy tác dụng thì ngay lập tức tỷ lệ này lại trở về vạch xuất phát, nghĩa là gần 100%.
Vậy Bộ trưởng Nhạ sẽ “phát huy thành tích” hay tuân thủ quy luật? Liệu ngành Giáo dục có sợ bị “ném đá” khi tỷ lệ tốt nghiệp trở về thời kỳ Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân? 
Thực ra tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao hay thấp không phải là vấn đề nguy cấp của Giáo dục, vấn đề hôm nay là hãy trả lời câu hỏi “vấn nạn tham nhũng trong giáo dục” đang ở đâu trong “biểu đồ tham nhũng quốc gia”, có “tham nhũng chính sách” trong Giáo dục không?
Năm 2010, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Quang Quý đánh giá: “Công tác phòng chống tham nhũng đã được thực hiện có hiệu quả ngay từ cơ sở trong ngành”, nhưng ông Konishi, giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam cho rằng:
Tham nhũng trong y tế và giáo dục ở Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó có những hình thức được coi là tham nhũng “vặt”. Nếu so sánh dựa trên tiêu chuẩn quốc tế thì tham nhũng trong giáo dục ở Việt Nam là rất nghiêm trọng”. [3] 
Đến đây thì cái sự “phủ định” không còn nằm trong phạm vị quốc gia nữa, không biết rồi đây ngành Giáo dục sẽ “phủ định” cái sự “phủ định” của ngài Konishi như thế nào?
Cổ nhân dạy “đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với Ma mặc áo giấy”, có lẽ ngay bây giờ mặc áo cà sa là hơi sớm nhưng liệu người dân đã có thể yên tâm vứt bỏ “áo giấy” khi mà quy luật phủ định của phủ định bắt đầu có tác dụng?
--------------
Tài liệu tham khảo:                      
XD/GDVN
-------------

13 nhận xét:

  1. Chỉ biết Mác thôi, cóc (cần) biết gì

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mác cũng chỉ biết láng tráng tí thôi , chủ yếu có cái vỏ để mua ghế ,sau đó đương nhiên phải hoàn vốn! Bệnh này ngấm vào tế bào cs rồi? Một đứa nứt mắt trong hệ thống đã thạo "hoàn vốn" hơn là công việc!

      Xóa
    2. Phong trào là " phát minh " của đảng . Lên lại xuống , đến và đi , rộ lên và co lại , đó là phong trào . Muốn Thủ đô sạch đẹp thì phải biến phong trào thành luật .
      Người VN có căn bệnh lạ , thích đôi co , cãi vã chuyện đúng sai , có không có . Nếu có quyền và được quyền , tôi sẽ bắt quả tang những người nhận tiền chạy chức ngay tại chỗ như ở các nước họ làm , một khỹ thuật bắt quả tang đơn giản , hiệu quả , không tốn kém và ầm ĩ mà không cần đến sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại . Tinh vi , bí mật như bọn buôn ma túy còn bắt được vậy mà ba cái vụ nhận tiền chạy chức đến giờ vẫn cãi nhau ? tay nhúng chàm cả lượt rồi , bắt ai bây giờ . Cái bệnh ĐẦU TIÊN của người VN không thuốc chữa .

      Xóa
    3. Đúng hơn, chỉ biết tiền bẩn thôi!

      Xóa
  2. Bọ hung chỉ biết dúi đầu vào đống phân để tìm thức ăn,cóc (cần) biết gì !

    Trả lờiXóa
  3. Cái cần phủ định nhất là thể chế hiện tại. Nó là nguyên nhân cốt lõi của mọi vấn đề : tham nhũng, tệ nạn, chậm phát triển , tự do dân chủ ... . Đơn giản vậy thôi !

    Trả lờiXóa
  4. Đúc kêt hàng trăm năm nay rồi:" Thượng bất chính,hạ tắc loạn"

    Trả lờiXóa
  5. Về quy luật biện chứng . Phủ định , khẳng định , thuận thế nọ , ngược thế kia . Nút chai , xoắn ốc , hay kim đồng hồ ……..Việc này đã có nhiều nhà “ Mác học “ của đảng làm . Tôi mặc kệ chuyện ông Luận ( Phạm Vũ Luận ) gọi giáo dục là “ trận đánh lớn “ , hay ông Phùng Xuân Nhạ lại bảo đó không phải là trận đánh lớn .

    Tôi chỉ thấy điều bất thường trong câu khẩu hiệu vàng chóe treo đầy đường : “ Chủ nghĩa Mác – Lê nin vô địch muôn năm “ . Thực chất cụm từ này vốn nửa tây nửa tàu ( Mác – Lê thuộc tây . Muôn năm nhại tàu ) .

    Thực ra, muôn và vạn đều là âm Hán Việt của một từ Hán , mà âm Hán hiện đại đọc là "wan" còn âm Hán xưa kia là m'wan, người Quảng Đông đọc là moan, rồi người Việt học lấy, đọc thành "muôn".

    Thời phong kiến . dân chúng , quan lại khi yết kiến vua , hoàng đế thường hô “ Vạn tuế “ ( Cũng là muôn năm – ý muốn chúc lành , sống lâu , khỏe …..)

    Thời “ Cách mạng “ muốn cho khác cái bè lũ phong kiến hủ lậu , bèn đổi thành “ muôn năm “ ( Mao chủ tịch muôn năm , ông nọ , bà kia , chủ nghĩa x, y , z …..Muôn năm )

    Ngày nay hiếm có chuyện hàng vạn người tập trung hô “ Muôn năm “ vì một ai đó , vì cái gì đó , nên các nhà tuyên giáo nghĩ ra cách treo khâu hiệu đầy đường , tự hô “ Muôn năm “ cả năm không chán .
    Các “ Thợ “ Mác – Lê luôn kè kè bên mình các loại vũ khí. Nào là khoa học , nào là biện chứng , quy luật này nọ …..Tuy nhiên hiện tượng « Muôn năm « là trái quy luật tự nhiên thì họ lờ tịt đi .

    Stalin , Mao , seausescu , cũng luôn được tụng “ Muôn năm “ , nhưng chết ngoéo khi hết số . Liên xô , đông âu muốn “ Muôn năm “ với Mác – Lê , nhưng tự tan hơn 20 năm nay .Vì thế , Ở Việt nam cũng không ngoại lệ dù ĐCS rất muốn Mác- Lê “ Muôn năm “ mãi trên đất nước này . Tất nhiên , Cái gì phải đến sẽ đến theo “ Quy luật phủ định của phủ định “ .

    Cảm ơn tác giả Xuân Dương và Bác Bùi Văn Bồng về bài báo này .

    ĐGCĐ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trước đây ở Đông Âu cũng có các khẩu hiệu với cụm từ Muôn năm , bất diệt , sống mãi v.v ... một lần nhân dịp ngày lễ , có một khẩu hiệu viết : " Да , живее 1ви Маи " . Tạm dịch theo kiểu khẩu hiệu VN thường có cho dễ nghe là : " Tinh thần ngày 1 tháng 5 bất diệt " ! Vì " Живее " là ngôi thứ 3 ( nó ) của động từ " Sống " nên có một Cộng quân theo kiểu sách vở của GS-TS giấy dịch thành : " Vâng , hãy để cho nó sống " !
      Những ký ức về CNCS ở Đông Âu đang lùi vào lãng quên , không hiểu tại sao lãnh đạo CSVN bao đời nay cứ thích đi sau thiên hạ ?

      Xóa
    2. Vô số tượng Le nin ở đông âu , Ucraina bị tròng dây vào cổ giật xuống và đập vỡ vụn , sao gọi là " Vô địch " . " vô địch sao cuống cuồng sợ " Bọn phản động "

      Xóa
  6. Đúng vậy xã hội phát triển theo quy luật xoắn ốc và có tính chu kỳ , kết thúc một chu kỳ , điểm khởi đầu của chu kỳ mới bao giờ cũng cao hơn chu kỳ cũ . Trong một chu kỳ phát triển đường xoắn ốc có lúc đi lên , có lúc đi xuống nhưng nhìn chung ở điểm kết thúc sẽ là đi lên .
    Vận dụng quy luật này để xem xét chu kỳ phát triển của Việt nam hiện nay . Chu kỳ này có lẽ bắt đầu từ năm 1975 thống nhất đất nước , đất nước bước vào giai đoạn xây dựng phát triển và sẽ kết thúc khi một chế độ mới ra đời thay thế chế độ hiện nay và chế độ đó phải là một chế độ tiến bộ theo kịp văn minh nhân loại . Chu kỳ hiện nay đã kéo dài 41 năm , trong thời gian này đường xoắn ốc có lúc đi lên (như đổi mới , phong trào dân chủ gần đây , hội nhập
    ) nhưng nói chung là thường xuyên đi xuống hoặc đi ngang ( như thể chế chính trị trái quy luật , đạo đức văn hóa xuống cấp , kinh tế bị kìm hãm , tham nhũng tràn lan , giáo dục bế tắc , tai nạn giao thông , ô nhiễm môi trường , cuộc sống bất an ,lòng tin giảm sút v.v. ) . Ở giai đoạn hiện nay đường xoắn ốc dang đi xuống nhanh nhưng theo quy luật chắc chắn sẽ có một bước đi lên nhảy vọt để đạt đến điểm kết thúc cao hơn nhiều so với điểm khởi đầu của chu kỳ . Thời gian của chu kỳ này là bao nhiêu năm thật khó dự đoán nhưng chắc chắn là dài hơn các nước khác , đó là điều không may của dân tộc này . Từ nay đến hết chu kỳ còn bao lâu nữa ? Một câu hỏi mà mọi người có lương tri đều day dứt .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lại một ông/bà chỉ biết Mác thôi, cóc (cần) biết gì!

      Hồi còn dại dột dưới mái trường Xã Hội Chủ Nghĩa, ông thầy chính trị cũng bảo phát triển theo xoắn ốc, chu kỳ ... và chủ nghĩa Cộng Sản là bước kế tiếp như thời Cộng Sản nguyên thủy . Một đứa "lỡ dại" hỏi có nghĩa sau chủ nghĩa Cộng Sản lại kế tiếp chế độ nông nô ? Ông thầy đỏ mặt tím tai hét "Chúng mày phản động!". "Lỡ dại" ở đây có nghĩa biết thầy ba hoa về mớ lý thuyết đần độn thì cũng nên im đi .

      OK, vào vấn đề chính . 1- Có cái-gọi-là Cộng Sản nguyên thủy không ? Khảo cổ học nói là không . "Cộng Sản nguyên thủy" là phát minh của ngành khảo cổ học thời thực dân . Khảo cổ học gần dây cho thấy đúng là con người thời đó phải họp nhau lại thành bộ lạc/tộc vì dụng cụ thô sơ, họp nhau lại mới có thể kiếm ăn được. Muốn đánh gục con khổng tượng cần hơn chục người . Nhưng có thể gọi là "Cộng Sản" được không khi tồn tại những cuộc tranh giành đẫm máu giữa các bộ lạc với nhau về khu vực/sản phẩm săn bắn, về tranh chấp đàn bà? Well, tớ nghĩ là có, càng đẫm máu càng Cộng Sản .

      Điều nữa, chu kỳ có nghĩa có sự chấm dứt của cái cũ . Nhìn ra thế giới, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển ... vẫn còn phong kiến, về hình thức . Nếu chờ qua đầy đủ các giai đoạn, có lẽ mấy quốc gia đó, may phước, sẽ là những nước cuối cùng lên chủ nghĩa Cộng Sản . Rồi chưa kể có 1 số bộ lạc ở Amazon không chịu "hiện đại hóa". Có nghĩa ngay hôm nay, tại thời điểm này, ngoài hình thức chiếm hữu nô lệ, tất cả các hình thái xã hội từ trước tới giờ đang tồn tại song song .

      Muốn chủ nghĩa Mác đúng ? (Một) đảng Cộng Sản nào đó phải thống trị thế giới và bắt thế giới đi đúng theo chủ nghĩa Mác, bất kể kết/hậu quả thế nào . Điều đó có khả năng (50/50)xảy ra nếu 2 đảng Cộng Sản (Việt Nam & Trung Quốc) sáp nhập .

      Chịu không ?

      Xóa
  7. "xoắn ốc" chỉ là tưởng tượng. Đừng cố tỏ ra uyên bác, quăng ra toàn chuyện mơ hồ.

    Trả lờiXóa