Cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường,
hỗ trợ, tái định cư chưa bảo đảm bù đắp hợp lý những thiệt hại do việc thu hồi
đất gây ra, nhất là những ảnh hưởng tới thu nhập, sinh kế lâu dài sau khi không
còn khả năng tạo thu nhập từ sử dụng đất...
LTS. Mới đây, ngư dân ở Sầm Sơn - Thanh Hóa kéo
lên tỉnh phản đối việc thu hồi bến đậu thuyền để làm du lịch, vài năm trước
chuyện tương tự cũng xảy ra tại biển Đà Nẵng khi dân chúng yêu cầu trả lại bãi
tắm công cộng đã được quy hoạch làm resort, rồi vụ kiện đòi trả lại đường đi bộ
lên Bà Nà - Đà Nẵng, nông dân Văn Giang (Hà Nội) tụ tập giữ đất... Thời gian
qua, khiếu nại tập thể, dài ngày đã xảy ra ở khá nhiều địa phương bộc lộ mâu
thuẫn lợi ích từ việc thu hồi đất làm kinh tế tại nhiều nơi. Mâu thuẫn ấy cần
được giải quyết như thế nào để hài hòa giữa lợi ích của cộng đồng và doanh
nghiệp? Trong bài viết dưới đây, GS-TSKH. Đặng Hùng Võ đặt các tiêu cực (nếu
có) sang một bên để phân tích gợi mở những giải pháp.
Sau cuộc đối thoại của ngư dân Sầm Sơn với Bí thư Tỉnh
ủy Thanh Hóa, chính quyền đã đồng ý để lại một phần bãi biển làm nơi đậu thuyền
đánh cá. Câu chuyện này chưa đến hồi kết vì ngư dân vẫn cho là không gian để
lại phục vụ nghề cá chưa đủ cho nhu cầu thực tế.
“Quy hoạch
không sát mặt đất”
Có thể thấy căn nguyên của sự không đồng thuận từ phía
người dân là công tác quy hoạch sử dụng đất tại bãi biển Sầm Sơn không hợp lý.
Cách nhìn hay gặp phải là người xây dựng quy hoạch, cũng như người thẩm định và
cả người phê duyệt không đứng trên mặt bằng thực tế. Ta hãy đặt các tiêu cực
nếu có sang một bên để phân tích với giả định mọi việc về quy hoạch đang diễn
ra vì lợi ích công. Thông thường, toàn bộ quá trình từ xây dựng, thẩm định, phê
duyệt và thực hiện đều được chỉ đạo trực tiếp bởi chính quyền. Dưới góc độ lãnh
đạo địa phương, quy hoạch luôn muốn hướng tới những gì đẹp nhất, hiện đại nhất,
vuông vắn nhất. Pháp luật hiện nay đã quy định khá cụ thể về quy trình lấy ý
kiến của dân trong xây dựng quy hoạch và công khai quy hoạch đã được phê duyệt.
Chắc chắn, những quy định này hoặc không được triển khai hoặc được triển khai
rất hình thức. Có như vậy mới xảy ra tình trạng cho tới khi thu hồi đất, người
dân mới biểu thị sự không đồng thuận.
Tại bãi biển Sầm Sơn, quy hoạch muốn hướng tới một bãi
biển thuần khiết cho du lịch với những quần thể công trình du lịch đẹp, hiện
đại. Muốn hay không thì ở Sầm Sơn vẫn đang tồn tại những xóm ngư dân sống bằng
nghề cá, phương tiện còn nhỏ nhoi, hạ tầng thiếu thốn và cuộc sống còn khó
khăn. Theo cách hiểu đơn giản thì những tham vọng đẹp đẽ của dự án du lịch hiện
đại không chứa đựng được các xóm chài đang tồn tại. Đây là một lầm lẫn rất lớn
trong tư duy quy hoạch. Nhiều nước đã đưa được những xóm chài và ngư dân còn
đang nghèo khó tham gia tổ chức du lịch thực tế. Nói cách khác, quy hoạch với
sự đan xen không gian nghỉ dưỡng hiện đại với khung cảnh nghề cá địa phương sẽ
mang lại hiệu quả lớn cả về du lịch, kiến trúc và cảnh quan. Theo cách nhìn đan
xen như vậy, có thể bảo vệ được lợi ích của cả ngư dân lẫn lợi ích nhà đầu tư.
Câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra ở Đà Nẵng vài năm
trước, khi chính quyền thành phố giao toàn bộ chiều dài bãi biển cho các nhà
đầu tư làm du lịch, nghỉ dưỡng. Câu chuyện ở đây lại là phản ứng của đa số cư
dân thành phố với lý do: xưa nay bãi tắm vốn là không gian công cộng, nay giao
cho các dự án du lịch thì người dân không còn bãi biển để tắm nữa, muốn tắm
biển lại phải mất tiền. Thế rồi lãnh đạo thành phố quyết định lấy lại bãi biển
để trở thành nơi công cộng như xưa.
Như vậy, câu chuyện ở Đà Nẵng cũng liên quan tới quy
hoạch. Những nhà quy hoạch cũng muốn hướng tới một bãi biển Đà Nẵng hiện đại
theo góc nhìn du lịch, có người quản lý để giải quyết tốt việc tổ chức không
gian và làm sạch môi trường. Trên thực tế, bãi biển công cộng không chỉ là nhu
cầu thực tế mà còn là quyền của dân địa phương. Câu chuyện quy hoạch là phải
bảo đảm cả không gian bãi tắm công cộng cho dân, cũng như phần bờ biển phục vụ
cho du lịch, nghỉ dưỡng hiện đại trong các dự án đầu tư.
Vào tháng 9.2014, Báo cáo của Thanh tra Chính phủ đã
chỉ ra rằng so với năm 2013, số lượt khiếu nại lên các cơ quan nhà nước giảm
1,8%; số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo giảm 3,39%; nhưng số lượng đoàn khiếu
nại đông người lại tăng 12,1%. Các đoàn khiếu nại đông người điển hình như đoàn
của Văn Giang (Hưng Yên) với 400 người; đoàn của xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm
(Hà Nội) với 320 người; đoàn của phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) với
250 người; đoàn của xã Quảng Chính, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) với 110 người
v.v.. Tất cả nội dung khiếu nại đông người nói trên đều có nguồn cơn từ việc
Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phân tích cụ
thể hơn, có thể thấy nguyên nhân trực tiếp là người dân bị thu hồi đất không
đồng thuận với mức bồi thường, hỗ trợ. Nếu việc bồi thường, hỗ trợ làm đúng
pháp luật thì những người bị mất đất với sự trợ giúp của các luật sư tìm những
sơ hở pháp luật trong quyết định phê duyệt quy hoạch, hay trong quyết định thu
hồi đất để khiếu nại
Về nguyên nhân bồi thường, hỗ trợ chưa thỏa
đáng, có những nhược điểm từ các quy định của pháp luật và cũng có những nhược
điểm từ quá trình thực thi pháp luật. Đối với các quy định của pháp luật, các
đại biểu Quốc hội đã tập trung khá nhiều thời gian để thảo luận về cơ chế Nhà
nước thu hồi đất khi xem xét thông qua Luật Đất đai 2013. Thảo luận chủ yếu tập
trung vào ranh giới giữa cơ chế Nhà nước thu hồi đất (chuyển dịch đất đai bắt
buộc) và cơ chế thỏa thuận trực tiếp giữa nhà đầu tư và người đang sử dụng đất
(chuyển dịch đất đai tự nguyện). Kết quả là Luật Đất đai 2013 có một số thay
đổi mang tính hình thức, nhưng nội dung về phạm vi áp dụng cơ chế Nhà nước thu
hồi đất lại rộng hơn so với pháp luật đất đai trước đó. Bên cạnh đó, cách thực
thi pháp luật ở hầu hết các địa phương đều theo kiểu đưa ra phương án đầu tiên
là bồi thường thấp, người dân phản ứng thì nâng dần cho tới khi đa số cảm thấy
chấp nhận được. Cách thức này gần như kiểu “mặc cả” ở chợ. Điều quan trọng hơn
là cách làm này luôn tạo ra khiếu nại đông người, kể cả người đã chấp nhận mức
bồi thường rồi, khi thấy người sau mình được nhiều hơn bắt đầu khiếu nại về sự
bất công. Phương thức chuyển dịch đất đai dù bắt buộc hay tự nguyện đều có
những nhược điểm riêng. Trên thế giới, người ta lại đi theo xu hướng tạo ra một
cơ chế có bắt buộc về nguyên tắc, nhưng thực hiện phải được đa số ý kiến đồng
thuận.
Tại một số địa phương, sự không đồng thuận của một
cộng đồng dân cư còn thể hiện dưới dạng bất bình về ô nhiễm môi trường do một
dự án nào đó gây ra. Lấy ví dụ như vụ Công ty Nicotex Thanh Thái chôn hóa chất
gần khu dân cư ở Thanh Hóa, hay vụ Công ty Vedan xả nước thải trực tiếp ra sông
Đồng Nai, hay nhiều dự án khai thác khoáng sản làm ô nhiễm nặng nguồn nước ở
thượng lưu làm mất nguồn nước sinh hoạt của nhiều cộng đồng dân cư ở hạ lưu,
xảy ra khá phổ biến ở vùng núi phía Bắc, Tây nguyên, duyên hải miền Trung...
Những trường hợp này thường tác động tới cả cộng đồng dân cư, đa số là dân cư
thuộc các dân tộc thiểu số.
Nguyên nhân trực tiếp của hiện tượng này là do phê
duyệt dự án nhưng thiếu quan tâm tới đánh giá tác động môi trường hoặc không
quản lý tốt việc các chủ đầu tư thực hiện giải pháp môi trường đã được phê
duyệt. Về mặt pháp luật, các cơ chế, phương thức quản lý ô nhiễm môi trường ở
nước ta ngày một tốt hơn nhưng vẫn chưa đủ cho yêu cầu thực tế. Mặt khác, việc
thực thi còn yếu kém tại nhiều địa phương. Có khi lãnh đạo địa phương quyết
định đánh đổi ô nhiễm lấy sự phát triển. Cũng có trường hợp có yếu tố dung túng
các hành vi gây ô nhiễm của chủ đầu tư dự án do cùng nhóm lợi ích.
Ba nguyên
nhân gây bất đồng thuận xã hội
Trước hết, phải thấy rằng khiếu nại đông người luôn
gắn với các dự án đầu tư phát triển, vì các dự án này luôn tạo nên thay đổi về
sử dụng đất tác động làm thay đổi sinh kế, thu nhập của một cộng đồng người tại
địa phương có dự án. Như đã phân tích, các bất đồng thuận xã hội thể hiện trong
các khiếu nại, bất bình đông người bao gồm ba nguyên nhân chủ yếu:
1. Công tác quy hoạch không quan tâm và không chấp
nhận hiện trạng, loại bỏ hiện trạng ra khỏi tư duy quy hoạch để hướng tới một
quy hoạch “không sát mặt đất”;
2. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi
thường, hỗ trợ, tái định cư chưa bảo đảm bù đắp hợp lý những thiệt hại do việc
thu hồi đất gây ra, nhất là những ảnh hưởng tới thu nhập, sinh kế lâu dài sau
khi không còn khả năng tạo thu nhập từ sử dụng đất;
3. Việc quản lý ô nhiễm môi trường do các dự án đầu tư
gây ra chưa tốt và chưa có biện pháp xử lý hợp lý khi ô nhiễm ảnh hưởng trực
tiếp tới sinh hoạt, đời sống của cộng đồng dân cư.
Giải pháp trực tiếp cho ba nguyên nhân nói trên không
phải là quá khó, nhiều báo cáo đã chỉ ra, chỉ có điều còn nhiều khó khăn trong
tiếp thu đầy đủ vào hệ thống pháp luật, cũng như thực thi nghiêm trên thực tế
đối với những yếu tố đã được luật hóa. Nhóm giải pháp chủ yếu có tên là áp dụng
thể chế quản trị.
Quản trị là một thể chế bổ sung cho hệ thống quản lý
do các cơ quan nhà nước thực hiện theo thẩm quyền (theo chiều trên xuống). Quản
trị lấy yếu tố trung tâm là sự tham gia quản lý và giám sát của người dân (theo
chiều dưới lên). Yếu tố này đã được quy định tại Điều 28 của Hiến pháp 2013 như
một quyền tham gia của dân và Nhà nước có trách nhiệm tiếp nhận. Để người dân
có thể tham gia quản lý giám sát, cần bảo đảm hai điều kiện: điều kiện cần là
phải công khai, minh bạch mọi thông tin quản lý; điều kiện đủ là các cơ quan
nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm giải trình trước các ý kiến tham gia
của người dân.
Thể chế này cũng không quá phức tạp, dễ thực hiện
nhưng đang rất khó khăn trong quá trình luật hóa, cũng như khó thực thi một số
yếu tố đã được luật hóa. Ví dụ như khá nhiều luật đã quy định về công khai,
minh bạch thông tin quản lý nhưng vẫn khó tìm kiếm mọi thông tin. Hoặc ví dụ
như cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước trước
sự tham gia của dân vẫn chưa được tiếp thu trong bất kỳ luật nào. Ngay như Luật
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng cũng có một điều
quy định về trách nhiệm giải trình nhưng lại là “trách nhiệm giải trình với cấp
trên”!
Khi thể chế quản trị được tích hợp trong hệ thống quản
lý và được thực thi thực sự trên thực tế thì dù “phương án quy hoạch” hay “một
dự án đầu tư có thu hồi đất gắn với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”
hay một “báo cáo đánh giá tác động môi trường” cũng đều phải công khai trong
quá trình xây dựng; lấy ý kiến của dân, nhất là của cộng đồng bị ảnh hưởng; và
giải trình đầy đủ trước các ý kiến của dân. Khi người dân có ý kiến tham gia,
các chi tiết được thảo luận, phân tích cụ thể về lợi ích kinh tế cả chung lẫn
riêng, về tác động xã hội tới từng nhóm dân và về tác động của ô nhiễm môi
trường. Quá trình này sẽ dẫn tới một phương án được đa số đồng thuận.
Hơn bốn tuần trước đây, Ngân hàng Thế giới đã cùng Bộ
Kế hoạch và Đầu tư công bố Báo cáo Việt Nam 2035 với nội dung đưa ra các phương
án phát triển cho Việt Nam trong giai đoạn 20 năm tiếp theo. Khái quát lại, Báo
cáo đã chỉ ra ba việc Việt Nam
phải làm để có phương án phát triển tốt nhất. Đó là nâng cao hiệu suất, bảo đảm
công bằng và áp dụng thể chế quản trị.
GS-TS. Đặng
Hùng Võ/(Người Đô Thị)
--------------
Tôi có nỗi buồn da diết là chẳng bao giờ được bầu Chủ Tịch (Tổng Thống) nước CHXHCNVN cả! Tự nhiên thi thoảng là thấy công bố đ/c này nọ làm Chủ Tịch nước?
Trả lờiXóaDân chủ đến thế là cùn!
Nghe nói sắp tới ở SG, cả cấp quận cũng muốn xí phần phân lô đất, bằng việc bịt lối QĐ33 trước đó, tự làm QH 1/500 và mời nhà đầu tư sân sau vào làm.
Trả lờiXóaChỉ cần 70% đồng thuận thì cưỡng chế.
Sắp tời dân SG tha hồ làm dân oan nhé
Ối giời ơi