Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

Bản lĩnh, chính kiến NGUYỄN KIẾN GIANG

NGUYỄN KIẾN  GIANG - “Hạt giống đỏ Mác-xít” trở thành Nhà lý luận dân chủ tiên phong

            * LÊ PHÚ KHẢI
BVN - Nguyễn Kiến Giang sinh ngày 22-1-1931 ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình Nho học. Kiến Giang là tên con sông chảy qua làng ông. Kiến Giang học đến deuxième année tức năm thứ hai trung học đệ nhất cấp. 14 tuổi ông đã hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh. 17 tuổi đã là Huyện ủy viên rồi Tỉnh ủy viên tỉnh Quảng Bình. Năm 1956 ra Hà Nội giữ chức Phó Giám đốc Nhà xuất bản Sự Thật. Tác phẩmViệt Nam năm đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám của ông được Trường Chinh đánh giá rất cao. Ông kể: Viết xong 400 trang sách tôi gửi cho ông Trường Chinh. Ông gọi lên nói: Rất tốt! Ông Trường Chinh chỉ sửa có một chữ và sách được in năm 1961.
Chính vì thế mà năm 1962 ông được cử đi học trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô để làm “hạt giống đỏ” cho lý luận của Đảng trong tương lai. Tháng 9-1953 Khruschov lên Tổng Bí thư, phê phán tệ sùng bái cá nhân Stalin và chủ trương các nước khác nhau về thể chế chính trị có thể chung sống hòa bình, đặt vấn đề chống chủ nghĩa cá nhân, dân chủ hóa đời sống xã hội. Ở Trung Quốc, Mao Trạch Đông phê phán Liên Xô là xét lại, chủ trương phải tiêu diệt đế quốc sạch sành sanh.
Tháng 12-1963 ta họp Hội nghị Trung ương 9, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng xác định lập trường Trung Quốc, không chấp nhận báo cáo chính trị của Hoàng Minh Chính ủng hộ lập trường của Liên Xô. Những người Cộng sản Việt Nam chia rẽ về tư tưởng.
Ông Nguyễn Kiến Giang và Nhà báo Lê Phú Khải 
Kiến Giang kể với tôi: “Sau khi trận Ấp Bắc ở miền Nam thắng lớn, Hoàng Tùng sang Liên Xô triệu tập chúng tôi lại, nói: Mỹ thua đến nơi rồi, Liên Xô có quan hệ gì với ta thì chỉ là để “dây máu ăn phần” mà thôi! Chỉ thị từ nhà sang là: cấm tham gia mọi hoạt động mà Liên Xô tổ chức. Tôi và nhiều anh em lại nhận định khác. Liên Xô và Mỹ hòa hoãn thì Mỹ sẽ đổ quân vào Việt Nam và chiến tranh sẽ mở rộng, không có chuyện Mỹ thua ngay như ông Hoàng Tùng nói. Thư tôi viết về cho gia đình còn đó, đúng như tôi nhận định”.
Sau này tôi có đọc cuốn sách Điệp viên hoàn hảo nói về nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, thấy ông ấy cũng nhận định tình hình lúc đó như Kiến Giang. Đầu năm 2007 tôi có đem cuốn sách này đến tặng ông Sáu Kiệt (sách còn mới, chưa gạch chân vào đó như cuốnTrang trại ở Pháp đã nói ở trên). Tôi nói với ông Sáu Kiệt: Cả hai nhận định giống nhau, nhưng P.X.A. thì được ca ngợi là sáng suốt; còn ở ngoài Bắc, sau đó Kiến Giang đi tù 9 năm! Ông Sáu Kiệt nói: Ở ngoài đó các ông ấy hay bắt nhau đi tù quá!
Kiến Giang còn kể cho tôi vào ngày 20/5/2004 tại Gò Vấp, nhà con gái ông ở đường Nguyễn Văn Nghi (vì tôi có ghi chép vào sổ tay cuộc nói chuyện này nên còn nhớ rõ ngày giờ, địa điểm): Vụ Liên Xô đưa tên lửa vào vùng biển Caribê của Cuba rồi rút ra làm cả thế giới hồi hộp, một ông trong phe Mao-ít là Nguyễn Chí Thanh đã phê phán: “Đưa vào là phiêu lưu, rút ra là đầu hàng”! Cụ Hồ phải gõ bút chì xuống bàn nói: “Chú nói gì mà quá đáng thế!” Năm 1964 Dương Bạch Mai không phục tùng nghị quyết 9, không thi hành nghị quyết 9 nên đã phải chết!
Chính vì thế mà năm 1964, Kiến Giang và một số cán bộ đang học ở Liên Xô bị Trung ương gọi về. Những người không tán đồng NQ 9 đang ở Liên Xô lúc đó như Minh Cần, Lê Vinh Quốc, Văn Doãn, Nguyễn Lân Tuất… đã ở lại xin tỵ nạn chính trị.
Kiến Giang kể: “Tôi suy nghĩ mãi, ở hay về, cuối cùng tôi và Hồng Hà quyết định về. Hồng Hà và tôi được Lê Đức Thọ kêu lên gặp. Sau khi nghe Lê Đức Thọ phê phán, Hồng Hà rút khăn ra lau nước mắt. Thọ nói: Cậu đã thấy lỗi là tốt! Anh ta được ra về và sau đó thăng quan tiến chức đến Ủy viên Trung ương. Tôi ngồi chờ đến lượt mình, nghe rõ câu chuyện hai vị nói với nhau, tôi chỉ được quyết định số phận của mình có mấy giây. Tôi đã nói với Lê Đức Thọ: Khi ở Liên Xô, tôi tưởng mình nghe nhầm, nay nghe chính đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị nói thì tôi càng thấy tôi đúng! Thế là sau đó, tôi “đi thực tế” 3 năm từ 1964 đến 1967 ở Quảng Bình rồi Thái Bình, sau đó là đi tù 6 năm, 3 năm quản chế! Cái giá của một câu nói thật là thế!”.
Chuyện “nghe nhầm” của Kiến Giang là như sau. Tại lớp học ở trường Đảng Cao cấp ở Liên Xô có nhiều học viên là đảng viên các đảng Cộng sản các nước. Lúc đó có việc Tổng Bí thư ĐCS Irak qua đời, vợ ông ta lại đang học cùng lớp với Kiến Giang và Hồng Hà. Lớp học tổ chức truy điệu ông. Theo chỉ thị từ nhà thì các học viên Việt Nam không được tham gia bất cứ hoạt động nào do Liên Xô tổ chức, nhưng Kiến Giang và Hồng Hà cứ đến dự lễ truy điệu vì “nghĩa tử là nghĩa tận”; hơn nữa, nếu không đến thì người ta sẽ đánh giá Việt Nam thế nào? Vậy mà Lê Đức Thọ không tha vụ đó.
Lê Đức Thọ, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và Trần Quốc Hoàn, Bộ trưởng Công an trực tiếp tổ chức cuộc bắt bớ đám xét lại chống Đảng năm 1967. Ngoài Hoàng Minh Chính và Kiến Giang là những nhân vật nổi cộm, còn nhiều nhân vật cao cấp khác bị bắt, trong đó có Vũ Đình Huỳnh – Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao, Đại tá Lê Trọng Nghĩa – Cục trưởng Cục 2 (Quân báo) Bộ Quốc phòng, Lê Minh Nghĩa – Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng, Nguyễn Đức Kiên – Cục trưởng Cục Tác chiến, Hoàng Thế Dũng – Tổng biên tập báo QĐND, Minh Tranh – Giám đốc NXB Sự Thật, Trần Minh Việt – Phó Bí thư kiêm Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, v.v… Các vị Ung Văn Khiêm – Bộ trưởng Ngoại giao, Đặng Kim Giang – Thứ trưởng Bộ Nông trường, Lê Liêm – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nguyễn Văn Vịnh, Bùi Công Trừng… bị khai trừ Đảng.
Theo nhà nghiên cứu Sophie Quinn – Sudge viết trên tạp chí Journal of Cold War Historytháng 11-2005 thì vụ án này có 300 người bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, tất cả bị giam giữ lâu và không xét xử gì cả, rồi thả dần.
Kiến Giang cho biết, Lê Đức Thọ sau này thuyết phục: Các cậu đi học xa không biết tình hình trong nước. Vì sao lại có Nghị quyết 9? Ta đề nghị đặt tên lửa tầm trung để đánh hạm đội 7, Liên Xô không cho thì đã có vũ khí của TQ. Chỉ có đồng chí Mao Trạch Đông mới có dũng khí cách mạng và đủ trình độ lý luận để chống chủ nghĩa xét lại.
Đến năm 1967 là kỷ niệm 50 năm cách mạng Tháng Mười thành công, bên ngoài ta tung hô LX, vì nếu không thì cũng không xong: 5/8/1964 Mỹ đã đánh phá miền Bắc bằng máy bay, bằng chiến tranh phá hoại; nếu nghe TQ, nghe Đặng Tiểu Bình đoạn tuyệt hẳn với LX thì lấy vũ khí (tên lửa) đâu ra mà đánh Mỹ? Vậy nên, bên ngoài thì Lê Duẩn tuyên bố, có hai tổ quốc: LX và VN, bên trong, năm 1967, bắt xét lại “để làm hài lòng TQ”! Vì thế Lê Đức Thọ đã có lần nói với Kiến Giang: “Các cậu ở tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước!” Nhắc lại câu này của Lê Đức Thọ, Kiến Giang ở tuổi 74, đang đau yếu cũng không nén được tức giận, ông chửi thề: “Thật bỉ ổi, ấu trĩ!”.
Kiến Giang nhớ rất kỹ, …”bắt đợt đầu là Hoàng Minh Chính ngày 27/7/1967, Sau ba tháng thì bắt đợt hai Vũ Đình Huỳnh, Minh Việt… vào ngày 18/10/1967…”.
Kiến Giang bị bắt đưa đi trại giam Bất Bạt của quân đội và bị chuyển trại ba lần, có lần giam ở trại Ba Sao. Ông kể về 5 năm bị giam trong xà lim: Có 4 mét vuông, như nhà mồ, rét lắm vì cửa sổ hướng về phía Tây, phải đứng suốt ngày, tưởng là phát điên. Tôi phải tự viết một cuốn tiểu thuyết trong đầu để khỏi phát điên, vì xin đi lao động nó không cho đi… Gia đình chỉ được lên thăm có hai lần, năm 1969 ở Bất Bạt, năm 1971 ở Ba Sao. Năm 1973 bắt đầu quản chế, 1975 quản chế ở xã Bối Khê Vũ Ẻn.
… “Ở trong tù, năm 1968 được tin đánh Mậu Thân, tôi biết trước là sẽ thua vì Mỹ chưa yếu như các ông ấy nghĩ. Còn nếu thắng thì số phận bọn xét lại chúng tôi sẽ vô cùng đen tối… Năm 1970 tôi đã viết thư cho Lê Đức Thọ về chuyện này…”.
Kiến Giang sở dĩ trở thành nhân vật nổi cộm trong vụ án “Xét lại chống Đảng” vì cùng với Hoàng Minh Chính ông là một nhà lý luận có kiến thức uyên bác, có tư duy sắc bén… Vì thế Lê Đức Thọ có phần nể nang, nhưng vì ông không khóc lóc van xin, không khuất phục như Hồng Hà, nên bầm dập. Ông kể: “Khi Lê Duẩn lên Tổng Bí thư, ông Trường Chinh bảo tôi sang gặp anh Ba Duẩn để xin anh ấy các bài viết, các phát biểu… đem về in thành sách. Theo ý ông Trường Chinh thì lãnh tụ phải có tác phẩm. Tôi đã nghe lời sang gặp Lê Duẩn. Ông Duẩn rất cởi mở, đưa tôi một ôm tài liệu, bảo muốn làm gì thì làm… Tôi đọc kỹ thấy ông Duẩn không hiểu gì về Chủ nghĩa Mác cả, chỉ có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa… Khi trao đổi với Lê Đức Thọ khi ông vào thăm tôi ở trong tù, tôi có nói ý đó. Thọ bảo tôi viết lại thành tài liệu đưa Thọ. Thọ về rồi, tôi suy nghĩ kỹ. Thọ nham hiểm lắm, muốn lợi dụng tôi để lập hồ sơ về Lê Duẩn, khi cần thì sử dụng. Đó là cách Thọ thường làm. Thì ra Thọ đã có ý lật Lê Duẩn từ đó. Nghĩ thế nên tôi không mắc lừa, không viết gì phê phán Lê Duẩn là dân tộc chủ nghĩa cả (!)…”.
Kiến Giang còn kể: “Lần cuối cùng Lê Đức Thọ vào thăm tôi, ông ta nói: Các cậu hay đề cao trí thức, phó tiến sỹ đi học về thì tớ cho thêm 5 đồng vào lương, thế thôi! Tôi nhìn thẳng Thọ nói: Xưa Đảng vô học vì phải đi đánh giặc, nay Đảng có chính quyền mà Đảng lại sùng bái sự vô học thì không được! Lê Đức Thọ đứng lên ra về. Ít phút sau tay Giám thị trại giam vào hoảng hốt nói: Kỳ này thủ trưởng vào là để cho ông về, vậy là chết rồi! Ông làm thủ trưởng phật lòng… vậy là tiếp tục tù dài!”.…
Kiến Giang là một con người như thế, quyết liệt. Từ chỗ là một tín đồ ngoan đạo của Chủ nghĩ Mác-Lênin, sùng bái LX, đến chỗ dứt khoát từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản. Lần đầu tiên Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông xuống Mỹ Tho chơi với tôi vào năm 1988, bác Viện đã giới thiệu: Đây là một nhà Xô viết học! Cậu có cần hỏi gì về LX, cứ hỏi cái đầu này… Lúc đó LX đang cải tổ. Năm 1987, tức 70 năm LX, Kiến Giang còn viết cuốn sách dày hơn 200 trang mang tựa đề Liên Xô 70 năm trên đường khai phá (NXB Phú Khánh). Đọc kỹ cuốn sách đó, tôi thấy ông còn tin tưởng, hy vọng là Đảng CSLX sẽ cải tổ thành công. Đùng một cái LX tan rã và thực tế ở LX và Đông Âu, và cả ở VN những năm sau này đã đẩy tư duy của Kiến Giang đi đến cùng. Ông đã viết tiểu luận Tôi từ bỏ CNCS như thế nào? Để công bố tư tưởng của mình. Ông trở thành một nhà lý luận đổi mới hàng đầu, có uy tín lớn với trí thức VN ở trong nước và trên thế giới. Trang web Talawas ngày 11/3/2013 đã giới thiệu học giả Nguyễn Kiến Giang cả một bài dài.
Nhưng Kiến Giang không phải một học giả của những vấn đề đã được xếp trong tủ kính. Ông đứng giữa dòng sông đang chảy xiết của thời cuộc đất nước mà nghiên cứu, đề xuất, phán xét, bất chấp mọi hiểm nguy. Ngày 22/8/1996 ông lại lãnh án 15 tháng tù treo cùng với Lê Hồng Hà hai năm tù giam, Hà Sĩ Phu một năm tù giam của Toà án TP Hà Nội về tội… lợi dụng quyền tự do dân chủ để chống đối chế độ!
Chính cái hôm ông vừa lãnh án tù treo về, tôi gặp ông ở Hà Nội. Tôi hỏi: Cùng một tội, các vị kia bị tù giam, anh được cái án treo coi như… tha bổng! Ông cười hóm hỉnh: Có lẽ người ta thấy tôi tù nhiều quá rồi, có giam nữa cũng thế thôi!
Kể từ cái ngày bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đưa ông đến chơi với tôi ở Mỹ Tho và ở lại chơi đến cả tuần lễ vào năm 1988, năm nào ra Hà Nội tôi cũng đến thăm ông ở phố Tuệ Tĩnh và sau này ở ngõ Lương Sử C gần Văn Miếu. Tôi đến để xin ý kiến ông về thời vận của đất nước! Có lần ở 91 Tuệ Tĩnh, ông chỉ vào một hòn gạch trên nền nhà và nói: “Chính tại cái hòn gạch này, tôi đã đứng để công an còng tay vào năm 1967, lúc đó cả cái nhà tập thể của Nhà xuất bản Sự Thật này họ nhìn tôi như kẻ tội phạm đáng ghét. Vậy mà bây giờ, họ chửi bới chế độ om xòm, còn tôi vẫn lặng lẽ đọc và viết”…
Ông đã viết 25 tác phẩm và dịch 45 cuốn sách. Ông phải dịch để kiếm sống sau bao năm tù đày. Đương nhiên sách dịch của ông phải ký các tên ba lăng nhăng để che mắt chính quyền. Hai cuốn sách in trong nước của ông là cuốn Liên Xô – 70 năm trên đường khai phá và cuốnCách mạng 1789 (Pháp) và chúng ta… Sau khi cuốn Cách mạng 1789… ra đời, Đại sứ Pháp tại Hà Nội đã đến nhà Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mời ông qua Pháp dự lễ kỷ niệm 200 Cách mạng Pháp (1789 – 1989) tại Paris. Bác sĩ Viện đã nói với nhân viên Sứ quán Pháp rằng người viết cuốn sách đó là Nguyễn Kiến Giang, ông chỉ cho mượn tên đề ngoài bìa sách mà thôi! Người Pháp lại tìm đến Kiến Giang. Ông phải nói với họ rằng ông không thể đi được… dù mọi chi phí đi lại, ăn ở ông không phải lo!
Những lần ra chơi với Kiến Giang như vậy, tôi đều tặng ông những cuốn sách tôi mới in, với lời đề tặng đại loại như: Kính tặng anh Kiến Giang, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớnChúng tôi nhìn vào anh để sống và hy vọng cho tương lai đất nước… Ở dưới có đề rõ địa chỉ và họ tên người tặng sách. Kiến Giang bảo tôi: “Cuốn sách của cậu tặng, moi (tôi) để trên bàn tiếp khách, một viên công an theo dõi moi, thường xuyên đến nhà “thăm hỏi”, đã giở ra coi. Anh ta coi đi coi lại lời đề tặng của cậu như để thuộc… để ghi vào hồ sơ của moi…”. Cũng vì tôi hay đến chơi Kiến Giang như thế nên đã có lần chạm trán với nhân viên an ninh và đã bị truy tìm lý lịch.
Sau Tết năm 2000, tôi lại đến thăm ông. Kiến Giang bảo tôi: Hôm mùng một Tết, tướng Phạm Chuyên (Giám đốc CA Hà Nội) có đến thăm chúc Tết và cho quà. Ông ấy hỏi tôi: Anh nhận định tình hình thế nào? Tôi trỏ lên cuốn lịch nói: Năm 2000 có ba con số 0. Phạm Chuyên đề nghị tôi nói về ba con số 0 ấy. Tôi nói: Thứ nhất là không còn đường lùi, thứ hai là không tiến lên được… Phạm Chuyên sốt ruột: Còn con số 0 thứ ba nữa? Tôi nói: Nhưng không phải là không có lối thoát. Phạm Chuyên vỗ tay: Hay quá, tôi mời anh đến gặp đồng chí Tổng Bí thư (lúc đó là Lê Khả Phiêu – LPK) để anh phân tích về từng con số 0 một cho TBT nghe! Tôi trả lời: Tôi không phải là thầy bói, tôi là nhà khoa học. Nếu cần thì các anh tổ chức hội thảo khoa học để tôi đến trình bày đàng hoàng.
Dĩ nhiên là không có hội thảo nào sau đó. Nhưng cũng có những cuộc hội thảo kín, người ta mời Kiến Giang đến tham luận và yêu cầu ông không phổ biến rộng rãi tham luận đó. Nộp lại tham luận và nhận nhuận bút rất cao. Ông nói với tôi: Mình được mời đi tham luận là sẵn sàng… vì có nhuận bút cao cũng đỡ!
Sau ngày Đổi mới, Kiến Giang được phục hồi sổ hưu. Ông đưa quyển sổ hưu cho tôi coi và chỉ tay vào chỗ có đóng dấu, nói: Cậu xem có lạ không? Sổ hưu của tôi dấu vuông. Dấu của Đảng. Không có Nhà nước pháp quyền nào trả lương hưu với dấu vuông của Đảng cả (!)
Kiến Giang là như thế, bao giờ ông cũng đi đến tận cùng mọi vấn đề, và trên hết, ông là một nhà xã hội học đúng với tên của nó. Độc lập quan sát xã hội. Tôi đã được đọc tập tiểu luận của ông trong một cuộc “hội thảo kín” như ông đã kể. Tập tiểu luận tham luận có chủ đề ‘‘bàn về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và con người mới XHCN”. Trong tập tiểu luận đó, ông đã dẫn ra tất cả những lời có dính đến hai chữ “con người” mà ông Hồ Chí Minh đã nói tới trong tất cả những gì đã được in ra từ trước đến nay. Chỉ riêng việc thống kê đầy đủ như thế đã cho thấy tính nghiêm túc khoa học trong tham luận của Kiến Giang (trả nhuận bút cao là phải!). Qua những thống kê đó, tác giả đi đến kết luận: ông Hồ coi người cán bộ, đảng viên là lõi cốt của cách mạng. Nhưng ông bác bỏ hoàn toàn khái niệm “Con người mới”. Theo ông, trong con người có cái mới và cái cũ không thể tách biệt để có “con người mới” như đã ảo tưởng! Và, tác giả cũng bác bỏ hoàn toàn quan niệm “cán bộ là đầy tớ” của nhân dân. Theo ông, cán bộ cấp cao thì phải hưởng thụ cao và phải có cống hiến xứng đáng với hưởng thụ. Còn giữ khẩu hiệu “đầy tớ nhân dân” thì sẽ dẫn đến giả dối, đến hội nghị nói một đằng, về làm một nẻo. Còn giữ khẩu hiệu này sẽ làm mất uy tín của ông Hồ. Ông Hồ nêu khẩu hiệu này trong những điều kiện đặc biệt; nay thời gian, không gian đã khác, phải cất nó vào quá khứ để xây dựng một xã hội công dân thực sự, một nhà nước pháp quyền thực sự. Kiến Giang bảo tôi: Bản tham luận được vỗ tay nhiệt liệt, người vỗ tay toàn là “đầy tớ”!
Kiến Giang là một nhà xã hội học thực sự trong một đất nước không hề có khoa học xã hội, chỉ có những vị giáo sư “ăn theo, nói leo” minh họa lời ông lớn, minh họa các nghị quyết của Đảng cầm quyền để vinh thân phì gia. Hãy đọc đầu đề các tập tiểu luận (chủ yếu là tự viết, tự in lấy) của ông, đủ thấy không mấy ai đặt bút viết về các đề tài “nhạy cảm” này: Đi tìm cách tiếp cận bản tính gốc người Việt, Một cuộc chiến chống lại “phi lý tính”, Nên đặt vấn đề Nho giáo như thế nào?, Khủng hoảng và lối ra, Thử dò tìm cách tiếp cận mới đối với thế giới hiện đại, Một quan niệm về hiện đại hóa ở VN, Đời sống tâm linh và ý thức tôn giáo, Từ Duy Tân đến Đổi mới, Nhìn nhận thực trạng văn hoá VN hiện nay, Công bằng xã hội và kinh tế, Nhìn lại quá trình du nhập của chủ nghĩa Mác-Lênin vào VN, Bàn về sự lãnh đạo của Đảng, v.v…
Tôi có may mắn và hạnh phúc được đọc hầu hết các tiểu luận trên của ông để lấy thêm vốn liếng hành nghề báo của mình. Một tiểu luận của ông như thế có độ dày đủ để in một cuốn sách giá trị. Nhiều tác phẩm của ông đã được bà con Việt kiều quan tâm đến tình hình nước nhà in ra và gửi về nước… tặng lại tác giả. Có lần Kiến Giang đưa tôi coi một cuốn sách in rất đẹp ở nước ngoài do chính nhân viên an ninh theo dõi ông đem đến. Anh ta hỏi: Bác đã nhận được cuốn sách này của bác chưa? Kiến Giang bảo tôi: Mình nói với cậu công an là mình chưa nhận được và cảm ơn cậu ta. Hóa ra tác phẩm của mình được chăm sóc kỹ thế, được in mà tác giả không biết!
Có hai tiểu luận của Kiến Giang mà tôi đọc đến thuộc từng ý chính. Một là Khủng hoảng và lối ra. Trong đó Kiến Giang cho rằng cỗ xe VN mới chỉ lắp được có một bánh là kinh tế thị trường. Vì thế khi nổ máy, cỗ xe ấy chạy vòng tròn! Nó còn thiếu ba bánh nữa phải lắp đủ để cỗ xe bốn bánh VN có thể chạy ra con đường lớn của nhân loại. Ba cái bánh còn thiếu đó là: Xã hội công dân, Nhà nước pháp quyền và Chế độ bầu cử tự do dân chủ. Kiến Giang nói một cách hài hước với tôi: Các nhà lãnh đạo VN lái xe, một chân thì đạp ga, một chân lại vội vàng đạp thắng (phanh), vừa cài số tiến lại vội vàng cài số lùi… Vì thế cỗ xe cứ nhảy tưng tưng trên đường và không biết lúc nào thì lật!
Tiểu luận thứ hai của ông, ít được nhắc đến, vô cùng bất ngờ, có nhan đề Bàn về cái chết. Khi đưa tác phẩm này cho tôi, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói: Nó rất uyên bác, tôi đã đọc nhiều sách đông tây mà chưa thấy tác giả nào dám bàn đến chuyện con người từ xưa đến nay đã quan niệm về cái chết như thế nào. Đáng lẽ cuốn sách như thế này phải được in vì nó không đề cập gì đến chính trị, nhưng vì là của Kiến Giang viết nên không ai dám in! Tôi đã đọc rất kỹ tiểu luận này. Tác giả trích cả lời Khổng Tử. Khi học trò hỏi thầy Khổng: Người chết có biết gì không? Thầy trả lời: Nếu người chết mà biết thì những đứa con có hiếu sẽ chết theo bố mẹ. Nếu người chết mà không biết gì thì những đứa con bất hiếu sẽ không chôn cất bố mẹ. Nói người chết biết là bất trí, nói người chết không biết là bất nhân…
Lần Kiến Giang vô Sài Gòn mà tôi gặp gần đây nhất, cũng đã 4-5 năm. Khi đó ông đi đã phải có người dìu. Ông bảo tôi và mọi người: Cuối đời ông Viện có một vết nhơ. Thấy ông nói thế, tôi ngạc nhiên quá, vì ông với ông Viện là bạn chí thân. Ông còn mượn tên ông Viện để in sách. Thấy tôi có vẻ bức xúc ông từ tốn nói: “Cuối đời mà vào nghĩa trang Mai Dịch để nằm thì không phải là vết nhơ còn gì nữa?”.
Tôi đã đem chuyện trên nói với một nhà báo nổi tiếng, cũng là người thân cận với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Nghe xong ông nổi nóng: “Kiến Giang là tên cơ hội, nói bậy, vào Mai Dịch là sự khẳng định công lao của con người ông với đất nước!”.
Tôi để cho ông nguôi giận rồi từ tốn nói: “Kiến Giang nói đúng. Ở Pháp được đưa thi hài vào Viện Panthéon là các danh nhân, ở ta cứ ủy viên trung ương là vào Mai Dịch, nay mai anh Viện có vinh dự được nằm cạnh anh Vũ Văn Hiến, Tổng Giám đốc đài Truyền hình VN… là kẻ “đi không biết đường lại, đái không biết đường về”, chuyên nghề đi biếu xén và tham ô, con gái ông ta ăn cắp ở Thụy Điển bị bắt quả tang mà vẫn được làm MC của Đài THVN. Được nằm cạnh một con người như thế chắc ông Nguyễn Khắc Viện… mỉm cười nơi chín suối (!)
Nghe tôi nói xong, ông ngồi thừ ra và chặc lưỡi: - Ừ nhỉ!
Con người mặt vuông chữ điền, cao to, đi lại, ăn nói khoan thai, yêu quí bạn bè ấy… bây giờ yếu nặng, đi phải có người dìu từng bước. Và hôm nay ông đã bỏ chúng ta mà đi! Bên tai tôi luôn văng vẳng lời ông:
- Bắt bọn “xét lại chống Đảng” là “cách mạng đã bắt đầu ăn thịt những đứa con của mình”… “Chúng ta không sợ lạc hậu, sợ nhất là lạc lõng giữa loài người…”
L.P.K.

(Nguồn:  BVN )
-----------------

24 nhận xét:

  1. Bác Giang sinh nhầm thời.
    Cầu chúc Bác ngậm cười nơi 9 suối....
    Bác linh thiêng, bác vật cho những thằng đã hại bác và con cháu nhà chúng nó mạt vận,,,,

    Trả lờiXóa
  2. Tai sao nghanh giao duc VN khg day dung ,day du tri thuc ve mon XHH? Vi neu sinh vien co kien thuc ve XHH thi tat a chu thuyet CS Va CNXH se duoc cho ao SOT RAC het.Xin cam kn tg LPK v Bac BVB!

    Trả lờiXóa
  3. Nễ Hành là người tài,biết mình là tài, biết Tháo là gian hùng mà vẫn muốn phò Tháo.Tào Tháo không dùng đưa cho Hoàng Tổ giết.Khổng Minh là người tài, biết Lưu Bị là chúa hiền mà vẫn ẩn mình, nên mới sự "tam cố thảo lư"làm nên sự nghiệp.Thế mới biết :Phượng bay cao phi ngô đồng không đỗ , sĩ ẩn mình phi minh chủ không thờ, các sĩ phu ngày trước nói chẳng sai.
    Đã dấn thân vào làm chính trị, dám làm chính trị , thì phải biết chấp nhận kết quả.Thua tức là mình kém, chứ cái gì cũng thấy mình thiên tài, dự đoán đúng, mà lý do thất bại là do "gian hùng Lê đức Thọ, ác nhân Trần quốc Hoàn "nghe rõ ràng không ổn.Cũng như ông Lê Hiếu Đằng, ông Nguyễn Kiến Giang tuyên bố rời bỏ lý tưởng cộng sản là vì Đảng...?Nghe cứ như Phật tử bỏ Phật vì sư, tín đồ thiên chúa giáo bỏ chúa vì cha cố...nghe chả thuận thế nào cả.
    Xem thế bác Giang về con đường sự nghiệp cũng chả bén gót Chu Thần Cao bá Quát, cùng minh chủ Lê duy Cự phất cờ Phục Lê , dù có thất bại vẫn ngạo nghễ chẳng hổ sĩ phu Bắc Hà:
    Ba hồi trống dục mồ cha kiếp
    Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời.
    Thế mà bác Giang lại cao luận về Mai Dịch, chỉ vì có một ông:" đi không biết đường lại, đái không biết đường về” nằm ở đấy,chứ không hề biết biết bao những liệt sĩ vô danh của "Hà nội 60 ngày khói lửa", biết bao những bậc tiền bối cách mạng, những liệt sĩ hữu danh cũng nằm ở đấy.
    Thế xem ra nhân cách của bác Giang cũng bình thường thôi nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là gàn !
      Ở đời,thực tế là có chuyện thua kém nhau về THIỆN ÁC đấy nhé !
      Ai tàn ác hơn thì tìm cách GIẾT hay TRÙ DẬP người hiền để đoạt
      quyền hưởng lợi,chứ bác nghĩ thế thì qúa dễ dãi và ấu trĩ !

      Xóa
    2. Mang danh Gàn thì vào đây làm gì? Dạo này Công Sơn hơi tỉnh, có bố này dở hơi thay thế?
      Thầy đồ này chắc thuộc Đảng Gàn VN?!

      Xóa
    3. Thầy đồ gàn22:16 Luận Anh hùng khá hay , có nhiều ý sáng . có điều chi tiết :

      " Nễ hành là người tài,biết mình là tài " chưa chuẩn lắm . Thực ra Nễ Hành ( Nễ Chính Bình ) có chút tài văn học và hùng biện , nhưng là người cuồng ở Bắc Hải , người này vốn bản tính ngạo mạn , khinh người , chẳng coi ai ra gì , chỉ lấy sự chọc tức người khác làm vui , tài kinh luân chưa thể chứng thực , óc thao lược đáng phải nghĩ bàn , nhưng vì khinh đời và ngạo mạn nên chết dưới tay kẻ như Hoàng Tổ , còn trách nỗi gì .

      Việc so sánh xưa nay vốn rất khập khiễng vì nhiều lẽ , nhưng nhân cách của Nễ hành như vậy không thể bì với Nguyễn Kiến Giang bởi Kiến giang là người có học ,thông minh , khiêm tốn , ngay thẳng và cương trực , Ông không gặp thời , bị kẻ tiểu nhân chèn ép đè nén , nhưng không sờn lòng vì ông biết mình đúng . Vả lại một điều quan trọng là trong toàn bộ hệ thống XHCN ( Trước đây ) và Việt Nam hiện nay khái niệm về hoạt động chính trị là không tốn tại , chỉ có khái niệm “ Nhà bất đồng chính kiến “ thực chất những người này có đất đâu để hoạt động , mới kịp bộc lộ chính kiến là ………Bị túm rồi . Nguyến Kiến Giang , Tôn Thất Tần …….Là những người như vậy , họ chủ yếu “ hoạt động “………….. sau song sắt mà thôi .

      Cũng không thể so Lê Đức Thọ với Tào Tháo vì :
      Tào Tháo có tài kinh bang tế thế , đáng mặt đế vương , là nhà cải cách lớn , văn võ song toàn , dẹp loạn khăn vàng , đánh tan viên thiệu , Bình Liêu Đông , Lã bố , Mã đằng phải tan rã . Biết dùng người tài , thu phục nhân tâm , sửa sang chính trị . Lê Đức Thọ tài giỏi ở khua môi múa mép , nịnh trên đạp dưới mà lên , biết bao người trung nghĩa chết dưới tay ông ta , tài hèn đức mỏng , chỉ mưu mô thủ đoạn là hơn người , như thế muôn đời nguyền rủa , van kiếp chẳng tan , tư chất như vậy khác Tào A Man nhiều lắm .

      Đôi lời ngỏ

      Để gió cuốn đi .

      Xóa
    4. Đồ Gàn 22:16 nói lại đi . Thật ra nhân vật Gia Cát Lượng đã được La Quán Trung tô vẽ , xào nấu rất nhiều , lấy đâu ra tài hô phong hoán vũ , xuất quỷ nhập thần như thế ..

      về chuyện tam cố thảo lư nhiều ý kiến cho rằng chính Khổng Minh đã khôn khéo nhờ Tư Mã Huy ( Tức Thủy Kính ) và Từ Thứ ngầm tiến cử mình đó thôi ( Kiểu lẵng xê bây giờ ) ,đồng thời vờ làm mình với Lưu - quan - Trương để lấy le sau này . Chính Tư Mã Huy đã than : " Khổng Minh tuy gặp chủ nhưng không gặp thời " là tiếp sức cho Khổng Minh đó .

      Xóa
    5. "nhân cách của bác Giang cũng bình thường". Nhưng vẫn còn hơn bọn gàn nhà các ông.
      Mọi người tranh luận với gàn làm gì. Ông hàng xóm tôi cũng thuộc dạng này, riết rồi không thể nói chuyện nghiêm túc với ông ta. Tối qua, ông ta qua nhà tôi xem phim, đến đoạn một người bám vào sợi dây mỏng mảnh, sắp rớt xuống vực sâu thì có người khác tới cứu kịp. Ông hàng xóm la toáng lên:
      - Bốc phét!
      - Sao ông nói vậy? Đó là chuyện có thể xảy ra, và người ta làm phim nói lên những câu chuyện của cuộc sống.
      - Đồng ý là có người lâm vào cảnh nguy hiểm, bám vào sợi dây, lúc sắp đứt thì có người khác tới cứu kịp...
      - Vậy tại sao ông nói người ta bốc phét?
      - Chứ sao nữa! Ngay lúc ấy làm gì có việc có thằng quay phim đứng sẵn đó và quay được cảnh này?
      (Đúng là đồ đại gàn! Khó nói lý lẽ với loại người như vậy.)

      Xóa
  4. Rất cảm ơn bài viết của bác Lê Phú khải đã mở mang cho tôi rất nhiều điều ngộ nhận, u mê do thiếu thông tin . Cảm ơn đại tá Bùi Văn Bồng đã đăng bài viết này , rất hay .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Do u mê mà ngày xưa tôi cứ đinh ninh trong Saigon xe nhà binh Hoa Kỳ chạy bạt mạng, cán chết các thiếu nữ thoải mái, lính Mỹ cười hô hố! Bố sư khỉ cái sự tuyên truyền đểu giả!

      Xóa
  5. Nhận xét cá nhân.lúc 12:59 7 tháng 12, 2013

    Hôm nay tôi mới vào trang mạng của bác Bồng .Trước khi đọc bài về Nguyễn Kiến Giang , tôi lại đọc bài về Mandela trước ,vì vậy tôi đồng ý với nhận định của Thầy đồ gàn-phải nói thầy đồ có nhận định thâm thúy:Ông Giang là một nhà xã hội học RẤT KHÁ, nhưng là một nhà chính trị Tồi.
    Theo tôi ông Giang chỉ nên làm chuyên môn, nhưng ông lại Thích hoặc có thiên hướng làm Chính Trị.Đấy là bi kịch cuộc đời ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Gàn chưa đủ,còn muốn NHẢM NHÍ, nên cứ vẫn LẢM NHẢM !

      Xóa
    2. Nhiều lãnh đạo Việt Nam trước đây và hiện nay thành tích học tập rất kém , thời kháng chiến họ còn bị đuổi học vì theo Việt Minh , có người 14 , 15 tuổi đã nghỉ học để " Làm " Cách Mạng , sau này không hiểu họ có học thêm hay không ( họp hành suốt ngày lấy đâu thời gian mà học ) nhưng vẫn làm lãnh đạo ngon lành , chẳng biết có " Thiên hướng " gì nhưng dọa khối người sợ , đe bao người run , thế là thế nào . hay họ không thích , hoặc không thể học được nhưng vẫn thích lãnh đạo người khác . Chính tôi cũng bù cả đầu ra đây , không thể hiểu nổi .

      Xóa
  6. Khách quan mà nói bác Giang bị cấp trên bắt làm chính trị chứ ,chắc gì bác đã muốn làm ,thời đó không muốn làm cũng phải làm.Một thời mà hễ thấy ai có chút chữ nghĩa là đưa đi làm công tác tuyên truyền ,vận động ...cứ nghĩ làm chính trị là đơn giản-một quan niệm hết sức sai lầm.Chính trị là một nghề mang tính tổng hợp,người làm nghề này phải khôn khéo ,mưu mẹo và quyết đoán không phù hợp với người ăn ngay nói thẳng ,ruột để ngoài da .Bác Giang không có tố chất của người làm chính trị nên thất bại là đúng.Ở VN từ trước đến nay nhiều người ''bị và buộc'' làm chính trị cho nên nhiều chính khách ăn nói lung tung ,ngớ ngẩn làm trò cười cho thiên hạ.Làm chính trị mà không hiểu chính trị rồi do cơ chế được đôn lên những vị trí cao là thảm họa cho dân tộc và đất nước phải trả giá,một cái giá quá đắt mà ai cũng thấy

    Trả lờiXóa
  7. Thấy ở đây có nhiều nhân cách nhỏ muốn hạ nhục một nhân cách lớn.

    Trả lờiXóa
  8. Bác Giang là một người đáng kính ,bác sinh nhầm thời và trong cuộc đời gặp tai ương .Không có ai hạ nhục ai cả. Xin kể cho bạn ND 6:20 chuyện này.Cậu ruột tôi là một trong những người thành lập chi bộ cs đầu tiên ở quê tôi ,năm 1945 đã cùng các đ/c của mình lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở huyện ,năm 1955 đang huyện ủy viên cậu tôi đã bỏ hết về làm ruộng vì thất vọng .Ông nói làm cách mạng là đem lợi quyền cho toàn dân ,dân quyền ,dân chủ ,dân sinh mà mục tiêu không đạt thì làm mà làm gì.Hồi đó rất nhiều đảng viên bỏ đảng.Thời bác Giang sang LX học ,có nhiều người xin ở lại.Mỗi người có quyền lựa chọn cho mình cách sống

    Trả lờiXóa
  9. Tôi mới biết trang của bác Bồng nhưng càng đọc càng thấy hay , chủ nhân viết nhiều bài đọc rất khoái , các còm đều biểu lộ kiến thức sâu và uyên thâm trên nhiều lĩnh vực . Các DLV rất ít thấy phản biện ở đây chắc vì lý do đó .

    Trả lờiXóa
  10. Tôi thật tự hào có một nhà văn hóa lớn như Nguyển Kiến Giang (Nguyến Thanh Huyên) là người con của chính quê hương tôi. Được nhiều nhân sĩ trí thức trong và ngoài nước kính nể, ông phải sống nhiều năm trong lao tù vì bị qui vào vụ án xét lại. Điều lạ là ở chính quê hương thì không ai biết đến cái tên Nguyển Kiến Giang chỉ biết đến tên thật của ông là Nguyển Thanh Huyên. Mà cũng chẵng có mấy ai nhắc tới ông đó là một điều hết sức đáng tiếc, rồi đến một lúc nào đó quê hương sẻ phải cảm thấy ân hận điều này. Xin kính cẩn trước vong linh của ông một người con của chính quê hương Quảng xá.

    Trả lờiXóa
  11. Bác Nguyễn kiến Giang có một khối lượng tri thức văn hóa , xã hội và lịch sử lớn.Được thể hiện bằng các tiểu phẩm như đã nêu, nó có thể có những tác dụng nhất định trong việc nghiên cứu của các học giả hiện nay và sau này.Bác Giang là một con người cương trực, nhiều đức tính tốt.Rất đồng ý....
    Nhưng để tôn vinh như một nhân cách lớn, một hình tượng biểu tượng cho người trí thức Việt Nam trong giai đoạn hào hùng và đau thương của lịch sử Việt Nam như thời bác Giang sống thì chưa.Theo từng mặt nhận xét tôi đồng ý với ý kiến của Thầy đồ, của bác ND19:59:Đôi lời ngỏ
    Để gió cuốn đi,hay những ví dụ rất sâu sắc của bác nguyễnvăn.Làm thân nam nhi mà trên không báo được cho Quốc Gia, Dân Tộc dưới không bảo hộ được cho vợ con , gia đình.Nhập thế , hành đạo đi gần hết cuộc đời mới vỡ lẽ ra lý tưởng mình theo đuổi là Sai Lầm.
    Thế đâu gọi là Trí.
    Lấy cái cương của mình chống lại cường quyền.Ngạo cái ý của kẻ có thế lực{Lê đức Thọ 3 lần gập bác Giang tìm một thỏa hiệp là một ví dụ).Phụ cái tình ,cái tâm của người bạn tâm đắc {Nguyễn khắc Viện, Phạm Chuyên} để giành lại một chỗ đứng để chiến đấu trong xã hội.
    Thế đâu gọi là Tri.
    Dám từ bỏ một chủ thuyết, thay đổi một thế giới quan mà chỉ chỉ ra những oan ức mình gánh chịu, sự thoái hóa của tổ chức mình đã theo...mà không đoạn tuyệt hẳn khi còn sống , chỉ rứt bỏ khi đã gần đất xa trời.
    Đâu đã gọi là Dũng.
    Nhầm lẫn giữa ân oán cá nhân với công tích lịch sử"Nằm ở Mai Dịch là mang vết nhơ"
    Tâm lớn đâu có thế.
    Mà đã chắc gì ông Lê phú Khải viết đúng nói đúng.Nên làm người cầm bút chính trực là khó lắm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi thấy Cách tranh luận và biện giải của Bạn Ngọc Dũng10:58 là đáng trân trọng , nó biểu hiện sự tôn trọng suy nghĩ và kiến thức của người khác , một hình thức của ngôn luận đa chiều .
      Nhưng có thể chúng ta nên để giành chuyện cân nhắc về nhân cách lớn hay nhỏ của Bác Nguyễn Kiến Giang cho lịch sử và hậu thế , bởi họ có nhiều thời gian và dữ kiện hơn chúng ta . Không nên “ Quyết sống – mái “ vì cái “ Anh “ nhân cách này ,nó vốn không định lượng được , trong khi chúng ta đều muốn sáng mắt để Còm hay , chẳng mong gì là tay thầy bói mù , rờ rẫm quanh con voi “ Nhân cách “ này .

      Chúc bạn mạnh khỏe , vui và còm hay

      Để gió cuốn đi

      Xóa
    2. Bởi ông chính là thầy đồ hay vây cánh của thầy đồ mới cố cải chày cải cối cố giử cái thể diện gàn dở của mình khi đã bị nhiều người phản đối. Ông Nguyển Kiến Giang một nhân cách lớn đã khuất núi mọi người đã bày tỏ trong sâu thẳm của tấm lòng: Vô cùng thương tiếc. Vậy mà ông và những thầy đồ gàn kiểu như ông lại đang tâm muốn tước bỏ đi cái "băng tang": Vô cùng thương tiếc đó. Chỉ có sự hèn hạ mới xử sự trái với luân thường đạo lý trước nghĩa tử là nghĩa tận!

      Xóa
  12. Tôi thấy chẳng có ai xử sự hèn hạ cả ,mỗi người có một cách nhìn khác nhau thế thôi

    Trả lờiXóa
  13. Một thời đại có hàng triêu người Việt bị ngộ độc hoc thuyết Mác -Lê.Có người thoát độc sớm ,có người trễ và cũng có người ngộ độc cả đời.Bác Giang thoát độc hơi bị trễ ,nếu thoát sớm bác đã ở lại LX với bác Cần và nhiều người khác ,nếu thoát sớm hơn nữa bác có thể từ bỏ tất cả sau cải cách RĐ.Cải cách ruộng đất đã giáng một đòn chí mạng vào lý tưởng của những người cs .buộc họ phải nhìn lại con đường họ đang đi và có nhiều người đã từ bỏ con đường đầy bạo lực và cũng nhiều máu và lắm nước mắt này.Chỉ khi ngồi tù ,nhà tù của chính thể do bác và các đ/c dựng nên thì bác mới ngộ ra vấn đề về CNXH.Nếu hồi đó Lê Đức Thọ đàng hoàng tử tế thì bác Giang ,có nhiều khả năng được trọng dụng và tâm thế sẽ khác ? Nhiều người lấn cấn ở điểm này.
    Ừ,tất cả chỉ là những chữ nếu ,nhưng nếu chúng ta bình tĩnh ,thật bình tĩnh nhâm nhi từng chữ NẾU như nhâm nhi từng giọt cà phê đen ,chúng ta sẽ thấy cũng đắng đót lắm

    Trả lờiXóa
  14. Trang mạng của bác Bồng là nhật ký điện tử riêng của bác Bồng.Đã từ lâu cư dân mạng coi đó là diễn đàn trao đổi những quan điểm khác nhau về nhiều vấn đề xã hội.Mọi ý kiến nếu chân thực đều tốt.Cách phát biểu tùy theo trình độ, nhận thức và khả năng được giáo dục của người viết.Xin hỏi còm Nặc danh 20:48 ngày 09 thang12 năm 2013 chỉ một chi tiết ,Nặc nghĩ gì?phát biểu như thế nào? nếu như ai đó coi bài viết của ông Lê phú Khải mang ý kiến của bác Kiến Giang là động đến vong linh của nhiều người đã khuất ở nghĩa trang quốc gia Mai Dịch.?
    Văng tục có thể có hiệu quả khi tham gia giao thông nhưng không phải là phương pháp tốt để thuyết phục trên diễn đàn.

    Trả lờiXóa