Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

NGUY CƠ ‘QUAN LIÊU BAO CẤP' KIẺU MỚI !?

* MỸ CHI
Theo TS Nguyễn Đình Cung, việc thực hiện những nội dung của Đề án tái cơ cấu kinh tế vẫn còn nhiều “sự ngập ngừng”.
Liên tưởng một cách nôm na thì nền kinh tế cũng giống như con người. Khi cách thức sinh hoạt và làm việc không hợp lý hoặc không còn phù hợp với hoàn cảnh mới thì cơ thể sẽ trở nên ốm yếu mệt mỏi, các bộ phận làm việc cũng không còn hiệu quả. Chuỗi nguyên nhân này dẫn đến việc chúng ta không giữ được thành tích làm việc như trước, và cuối cùng là thu nhập của chúng ta giảm sút. Chất lượng cuộc sống theo đó mà đi xuống.
Khi rơi vào hoàn cảnh như vậy, điều cần thiết đối với con người là thay đổi cách thức sinh hoạt và làm việc nói trên. Còn đối với một nền kinh tế mệt mỏi thì điều cần thiết chính là những cuộc tái cơ cấu. Từ đầu những năm 1980 đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu không nhỏ, đó là nhờ vào những cuộc đổi mới và tái cơ cấu này.
Từ cuộc đổi mới năm 1986…
 Năm 1986, Việt Nam bắt đầu công cuộc “Đổi mới” chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Với cuộc cải cách này, Việt Nam đã đưa GDP tăng trưởng liên tục từ năm 1986 đến 1996 với mức tăng trưởng bình quân 6,6%/năm. Lạm phát từ 3 con số được đưa về 12,7% năm 1995 và 4,5% năm 1996. Một thành tựu vẫn luôn được nhắc đến khi nói về giai đoạn này là Việt Nam từ một nước thiếu ăn đã có dư gạo để xuất khẩu.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra khiến cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Từ năm 1997 – 2006, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân là 7,1%, tức vẫn ở mức cao so với các nước khác. Trong khi đó, lạm phát được giữ ở mức thấp với mức tăng trưởng CPI bình quân là 4,5%/năm. Năm 1999 và 2001, CPI tăng không đáng kể. Đặc biệt vào năm 2000, nền kinh tế còn ở trong tình trạng giảm phát.
Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, tăng trưởng GDP có chiều hướng giảm với mức tăng trưởng bình quân là 6,2% trong khi mức tăng trưởng bình quân của CPI là 11,8%. Lạm phát mới được kiềm chế trong 2 năm 2012 và 2013.
Cốt lõi của những cuộc tái cơ cấu
Theo báo cáo Phát triển Việt Nam 2012 của WB, thành công của Việt nam trong giai đoạn 1986 - 1997 là nhờ 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là xuất phát điểm thấp và không có nhiều sự méo mó. Thứ hai, Việt Nam đã theo đuổi quy trình cải cách tuần tự từng bước một và từ dưới lên, tập trung chủ yếu vào các đơn vị sản xuất.
Điều này có nghĩa là trên mỗi bước đi, hiệu quả và thể chế các chính sách mới đều được kiểm nghiệm và điều chỉnh cho phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Trong nông nghiệp, Việt Nam đã xóa bỏ tập thể hóa sản xuất nông nghiệp, thiết lập quyền sử dụng đất, giảm vai trò của HTX, tự do hóa giá cả nông nghiệp và khuyến khích nông dân xuất khẩu.
Nguyên nhân thứ ba là có những cải cách chung và cơ cấu khuyến khích đúng đắn như thay đổi chính sách nhằm nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp, thúc đẩy sản lượng nông nghiệp, mở cửa nền kinh tế cho ngoại thương và đầu tư nước ngoài, cải cách chính phủ.
Nói một cách khác, các chính sách trong giai đoạn này nhằm vào việc kích cung, sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn vật chất và con người Việt Nam.
Trong những năm 90, sự gia tăng mạnh mẽ về vốn không phải là nguyên nhân chính của sự tăng trưởng. Gần 40-60% tăng trưởng là nhờ tăng năng suất và phần còn lại nhờ tích lũy tư liệu SX.
Từ năm 1997 trở đi, Việt Nam tiếp tục các bước tiến mới trong công cuộc cải cách nền kinh tế. Thành tựu lớn nhất trong giai đoạn này là thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN và hình thành sở Giao dịch Chứng khoán vào năm 2000. Việc này nhằm tăng cường khả năng huy động vốn và minh bạch thông tin trong hệ thống tài chính, thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả hơn.
Những năm 2000, Việt Nam nhận được dòng vốn cao kỷ lục. Trong giai đoạn này,năng suất chỉ đóng góp 15% tăng trưởng, phần còn lại do tích lũy vốn vật chất và nguồn vốn con người. Từ 2007-2010, tăng trưởng hầu như hoàn toàn là dựa vào tích lũy vốn. Cơ sở của sự tích lũy vốn này là tăng trưởng tín dụng. Đây là một nguyên nhân giúp cho Việt Nam giữ được mức tăng trưởng GDP và lạm phát thấp như đã nói ở trên.
Tuy nhiên, sự lệ thuộc thái quá vào vốn hay các yếu tố đầu vào sẽ tạo nên sự tăng trưởng không bền vững.
Theo TS. Phạm Thế Anh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chính sách Công & Quản lý, trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nguyên Kinh tế trưởng của CTCP Chứng khoán MB thì trong giai đoạn 2007 đến nay, Việt Nam đang sa lầy vào chính sách kích thích tổng cầu để loay hoay hết kiềm chế lạm phát lại sang thúc đẩy tăng trưởng trong khi những chính sách này chỉ có tính ngắn hạn và nhất thời. Điều này khiến cho nền kinh tế bất ổn liên tục trong những năm qua. "Những gói kích thích tổng cầu khổng lồ không sao lấy lại được cho VN động lực tăng trưởng như thời kỳ trước đó".
… đến đề án tái cơ cấu 2013, chúng ta có gì?
Đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ phê duyệt vào tháng 02/2013 với các 3 nhiệm vụ trọng tâm: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu NHTM.
Theo nhận xét của Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung tại Diễn đàn “Phục hồi tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế: Cơ hội và thách thức” được CIEM tổ chức vừa qua thì việc thực hiện những nội dung này vẫn còn nhiều “sự ngập ngừng”.
Trong tái cơ cấu đầu tư công, nội dung cơ bản là đổi mới cơ chế phân bổ và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước, mở rộng tối đa cơ hội và phạm vi cho đầu tư tư nhân. Kết quả chủ yếu trong 2 năm qua trong tái đầu tư là giảm tỷ trọng đầu tư/GDP từ mức bình quân 39% trong 2006-2010 xuống 30,5% năm 2012.
 Tuy nhiên, ông Cung nhận xét trong khi cơ chế mới về quản lý đầu tư nhà nước chưa hình thành, thì thực tiễn quản lý kiểu cũ đang trở lại, có vẻ đang ngày càng mạnh thêm. Và như vậy, nguy cơ gia tăng thêm đầu tư nhà nước, khôi phục lại tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả là rất lớn.
Quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN cho thấy một thực tế là tiến trình cổ phần hóa hết sức chậm. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp nhiều khó khăn. “Nếu không thay đổi về tư duy, cách tiếp cận và có những giải pháp kỷ luật phù hợp, tương ứng thì khó hoàn thành trước năm 2015 như Nghị quyết TW3 đã xác định.” – chuyên gia này phát biểu.
Tái cơ cấu NHTM có vẻ là hoạt động “nóng” nhất khi đã có nhiều cuộc sáp nhập được tiến hành. Tuy nhiên tình trạng sở hữu chéo dưới nhiều hình thức khác nhau vẫn chưa được hạn chế, chưa được minh bạch hóa và chưa kiểm soát một cách có hiệu quả. Sự sở hữu chéo này bao gồm sở hữu ngân hàng – ngân hàng, ngân hàng – doanh nghiệp, doanh nghiệp – ngân hàng trong đó đặc biệt là có một số nhóm cổ đông lớn vừa sở hữu ngân hàng vừa sở hữu doanh nghiệp, tạo thành một mạng lưới sở hữu chéo phức tạp, tinh vi và khó kiểm soát.
Thực tế đó ở mức độ nhất định có thể làm giảm hiệu lực, thậm chí vô hiệu hóa các quy định về tiêu chuẩn an toàn của từng tổ chức tài chính nói riêng và của toàn hệ thống tài chính nói chung.
Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nói thêm: "Trong các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì thể chế là quan trọng nhất. Bởi vì thể chế phù hợp không chỉ thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế mà cả phát triển hạ tầng, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và ổn định kinh tế vĩ mô vững. Tuy vậy, chất lượng thể chế của nước ta mấy năm nay không được cải thiện".
Vì vậy, chuyên gia cho rằng tái cơ cấu chuyển đổi mô hình tăng trưởng về bản chất phải là cuộc cải cách lần hai. Điều đó có nghĩa là cuộc tái cơ cấu này phải tạo ra sự thay đổi sâu rộng và nâng cấp thể chế thị trường Việt Nam để tạo ra động lực khuyến khích mới theo chuẩn mực kinh tế thị trường phổ biến và hiện đại. Thông qua đó, sự phân bổ lại và sử dụng nguồn lực quốc gia sẽ có hiệu quả hơn. Và như vậy,đổi mới kinh tế phải đi cùng với đổi mới đồng bộ hệ thống chính trị.
TS. Phạm Thế Anh cũng đề cao biện pháp cần làm hiện nay là sử dụng chính sách “trọng cung” mà cụ thể là hỗ trợ DN đầu tư vào cải tiến công nghệ, đầu tư vào giáo dục đại học và dạy nghề để cải thiện năng suất cho nền kinh tế.
M.C
---------------

4 nhận xét:

  1. nhân thưc, quan diêm, kiên nghi cua Bac Cung va Bac Tuân va Bac B K Thanh dêu hay va chuân nhưng nhom lơi ich câu kêt vơi quan tham khg muôn thay dôi thê chê nhăm tiêp tuc tươc doat va danh căp quyên loi cua ND lao dông. nhưng chung quên răng khi ngươi dân da kiêt kiêt quê thi cung la luc huyêt mô dang chơ don nhom ngươi vô luân nay. xin cam ơn cac bac va mong nhân dươc nhiêu chia se hay tư cac Bac.kinh chuc cac Bac, nam ơi an lanh , hanh phuc.

    Trả lờiXóa
  2. Trong một hội nghị về công tác nhân tài, PGS-TS Đỗ Minh Cương, Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc Ban Tổ chức trung ương đã nói ra một sự thật: “Giả thiết nếu Bill Gates có làm việc trong hệ thống chính trị nước ta thì đến già cũng không lên được trưởng phòng…”.
    Yên tâm đi, tình thế tuyệt vọng sẽ có giải pháp tuyệt vọng?

    Trả lờiXóa
  3. Tăng trưởng? Đùa dai thế! Sau khi trừ đi nợ nần, ta sẽ thấy nước này luôn giảm trưởng mà thôi!

    Trả lờiXóa
  4. Tất cả những con số tăng trưởng ,lạm phát của việt nam ta là con số MA .Những con số MA nhảy múa ca hát làm cán bộ các cấp vui sướng,phấn khởi,hồ hởi . Chỉ có người dân là bụng nép mặt nhăn...

    Trả lờiXóa