Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

THỰC CHẤT DÂN CHỦ HAY ĐẢNG CHỦ ?


Nhà nước cho...chủ trương, thông tri, chỉ thị; nhân dân cùng làm 
             * BÙI VĂN BỒNG
 Trong các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ mục tiêu phấn đấu là “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Vậy ta đã xây dựng như thế nào, hiệu quả thực sự đến đâu? Nói và làm có đi đôi?
Nói về dân chủ, trước hết là nói về quyền thực thi dân chủ, quyền được thụ hưởng nền dân chủ của người dân trong một thể chế chính trị-xã hội. Trong bản Tuyên ngôn độc lập 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Và tiếp đó, Người cũng trích dẫn Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Lịch sử đấu tranh về nhân quyền và dân quyền trên thế giới đã ghi nhận bản Tuyên ngôn trên đây của cách mạng Pháp là văn bản nền tảng của các mạng dân chủ nhân dân, trong đó qui định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả  các giai cấp, các tầng lớp xã hội là bình đẳng. Bản Tuyên ngôn này chịu ảnh hưởng bởi học thuyết các quyền tự nhiên, các quyền con người là bình đẳng, có giá trị ở mọi thời điểm và tại mọi không gian, gắn với bản chất của chế độ chính trị-xã hội mà họ đang sống. Văn bản này thiết lập các quyền cơ bản cho tất cả công dân Pháp và tất cả con người không ngoại lệ, nó được coi là tiền thân của các phương thức nhân quyền quốc tế. Điều 21, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948, cũng nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của đất nước mình...Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền”. Thực tế cho thấy, với ‘công thức 4 C’ , con em nhân dân lao động có được bao nhiêu phần trăm trong hệ thống lãnh đạo, các chức danh quyền lực từ Trung ương đến cơ sở?
Dân chủ luôn luôn là ước vọng của con người trong mọi thời đại, mọi dân tộc. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước. Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có một xã hội thực sự dân chủ, thực sự văn minh, lành mạnh phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh biết bao xương máu. Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ hay dân chủ hóa, cũng như hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển, là một xu thế lớn của thời đại. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới. Hơn thế, dân chủ và dân chủ hóa còn ngày càng trở thành mục tiêu và động lực, nội dung và phương thức của phát triển xã hội theo hướng phát triển hướng tới công bằng, văn minh và thực sự bền vững.
Các báo, đài cứ rền vang: Ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Hoặc là ‘tự huyếnh’ lên, 'tự vỗ tay': Vấn đề dân chủ và dân chủ hóa ngày càng có tầm quan trọng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, toàn Đảng toàn dân ta cũng đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình dân chủ hóa, văn minh hóa một xã hội đang phấn đấu vươn tới hiện đại hóa.
Thực ra, nhận thức về vấn đề dân chủ đã khó khăn và phức tạp, nhưng nhận thức về dân chủ hóa hay quá trình hiện thực hóa những mơ ước, những giá trị dân chủ trong đời sống còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Về mặt lý thuyết cứ “kêu vang” như vậy, nhưng trong thực tế việc thực thi dân chủ chư đạt ý nguyện,lòng dân. Tình trạng tùy tiện,vi phạm quyền dân chủ, độc đoán chuyen quyền vẫn liên tiếp xảy ra. Nhiều vụ thật đau lòng. Thậm chí, cán bộ của đảng, chính quyền, công an đã vi phạm dân chủ rất trắg trợn. Những vấn đề về mục tiêu, động lực, nội dung, hình thức và phương pháp; nguyên nhân, kinh nghiệm, nguyên tắc, phương châm và bước đi của dân chủ hóa luôn là những vấn đề khó khăn và mới mẻ đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ, cần sự hợp lực rộng lớn để chuyển biến, thay đổi từ tư duy, nếp nghĩ, thói quen , lối sống đến những hành động tổ chức thực thi.
Hiện nay, dân chủ cần được hiểu là dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội, dân chủ ngay trong các cộng đồng dân cư, dân chủ trong môi trường sống, lao động, học tập, sinh hoạt xã hội. Có điều, nếu đa số đảng viên giữ quyền lãnh đạo lại là dây nhợ giằng níu các nhóm lợi ích với nhau, thì lại có hại bởi sự bênh che, khỏa lấp cho nhau, mất hẳn tác dụng "vũ khí phê bình" trong đảng, sinh ra đúng-sai, trắng -đen lẫn lộn, các khái niệm của chân lý bị đánh tráo. Và do đó, dân càng bị mất quyền dân chủ. Một thực tế phải ghi nhận là từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự được phát huy quyền dân chủ của mình. Và người ta thấy do sự thiếu gắn kết Dân với Đảng, do những cách thức làm việc và sự áp đặt của chính quyền. Dân chủ nhiều khi chỉ là hình thức. Người dân không được thấu đáo là dân chủ thì mình được hưởng quyền đó như thế nào? Và dẫu có biết cùng không được hưởng vì những vi phạm của cơ chế, thể chế quyền lực. Các vụ xảy ra với hành động điều công an bất chấp pháp luật trấn áp dân thẳng tay như Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, lình sình kéo dài như Dương Nội, rồi biết bao vụ người dân có đất, thậm chí ông bà để lại cả chục nghìn m2 đất, nhưng nay rơi vào cảnh bị trắng tay, oan ức, thiệt thòi đi kiện chán đành về cam chịu cảnh không đất, không nhà, đi làm thuê, đi ở cho nhà giàu để kiếm sống, vậy nền dân chủ xã hội mang tiếng là tốt đẹp nay ở đâu? Kẻ phá nhà  ông Vươn, cố tình làm trái pháp luật, dùng LLVT trấn áp dân chủ lại được thăng quan phong lên cấp, kẻ phá nhà ông Vươn chỉ xét xử lấy lệ, vẫn là “quan xử theo lễ, dân xử theo hình”, thế là dân chủ à?
Trong vụ thực hiện lệnh cưỡng chế để giải quyết đất đai quá mạnh tay và liều lĩnh, vi phạm dân chủ nghiêm trọng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng), cả việc thực thi dân chủ và sử dụng quyền dân chủ đều đặt ra những vấn đề cần xem lại. Nhận thức của các cán bộ, đảng viên cấp thừa hành và tại cơ sở về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thế nào? Tại sao một mệnh lệnh sai trái, một hành động sai pháp luật rành rành mà không ai lên tiếng? Vũ khí đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ chân lý ở đâu? Thừa hành mệnh lệnh mà gây ác, hoặc lờ đi trước tội ác cũng là tiếp tay cho tội ác. Những đảng viên là sĩ quan công an, quân đội, những chỉ huy dân quân là đảng viên, trước hết phải tự xem xét cái chất đảng, bản lĩnh người đảng viên thế nào, có còn xứng đáng hay không? Nhiệm vụ thứ 3 của người đảng viên là: “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”. Chính đảng bộ, chi bộ ở đó đã suy thoái, biến chất, mất vai trò lãnh đạo, thậm chí lại vào hùa với những quyết dịnh, những mệnh lệnh sai trái đẻ đàn áp dân chủ.
Lời Bác dặn còn đó: “Cái gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, cái gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh”. Thế mà hơn chục năm cứ ra rả “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, nhưng càng học càng làm ngược  lại; đó là sự phả bội đối với Bác Hồ, “lôi” Bác ra làm tấm bình phong để kéo bè kết cánh vụ lợi. Giữa ban ngày mà tung lực lượng, cả máy ủi, máy xúc đập phá nhà dân, giữa ban ngày mà công khai kéo hàng chục tấn cá trong hồ của dân, thế mà cũng gọi là “thi hành công vụ” ư? Người nào đó đọc lại câu ca dao chống xâm lược, chống phong kiến: “Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”, liệu có đúng với hiện trạng vụ việc này không? Liệu có thấy xấu hổ và đau lòng hay không?
Có một lý giải xem ra cũng đúng với thực tế trong xã hội, do những ‘lực lượng trấn áp’ dày dặc và được trao quyền chèn ép, coi thường, chà đạp dân bất cứ ở đâu, bất cứ sự việc gì, cho nên sinh ra tâm lý sợ chính quyền, sợ công an, thấy bắt bớ, giam cầm là sợ. Cho dù khi biết người đại diện cho chính quyền, mấy anh công an làm sai trật lấc, không đúng đường lối, ngược chính sách của Đảng, không đúng pháp luật, nhưng lại ít có bản lĩnh, không biết hợp sức bà con đồng lòng đoàn kết lại để đấu tranh bảo vệ quyền dân chủ của mình, cứ im lặng ngó qua cho xong chuyện, thậm chí cắn răng mà cam chịu và tự khuyên nhau: “Họ có quyền, có thế, là người Nhà nước, dân mình thấp cổ bé họng, làm sao cho lại?”. Những cán bộ, đảng viên cấp dưới thuộc quyền thì như “thiên lôi”, chỉ đâu đánh đấy, thậm chí còn hành động như muốn lập công với cấp trên, thể hiện cái gọi là “ý thức phục tùng”. Sự nhu nhược, thiếu bản lĩnh ấy đã dẫn tới tạo điều kiện buông cho cái sai được dịp sai nặng hơn, cái ác thêm lộng hành, cửa quyền càng phát sinh. Rồi cuối cùng, người dân bị tước quyền dân chủ một cách trắng trợn.
Và cũng do vậy, trong các tầng lớp quần chúng cũng có những người chỉ chăm chắm lo “thủ” cho cái tôi bé nhỏ, sinh ra co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “chuyện ai kệ ai, mặc gai trước mắt”, từ đó sinh ra hiện tượng lối sống vô cảm. Vì thế, sức manh đoàn kết cộng đồng bị dần dần yếu đi, thậm chí như bị triệt tiêu. Một số vụ thấy người hành xóm, người trong cơ quan, đơn vị bị ức hiếp quá đáng, nhưng không ai ra mặt can thiệp, chuyện ai người ấy gánh, phận ai người đó chịu, 'đấu tranh-tránh đâu', nói có ăn nhằm gì. Hoặc không ít người quan niệm: “Họ mất chất cộng sản rồi đấy, nhưng dây vào họ làm gì, chỉ sinh phiền toái, chẳng phải đầu cũng phải tai”. Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti là dân không quyền hành nên không dám lên tiếng là rất phổ biến và tai hại. Có những cán bộ, đảng viên biết là nói sai, nói và làm sẽ có hại cho dân, sẽ ảnh hưởng uy tín Đảng, nhưng ỉ vào cấp trên, nịnh cấp trên, muốn cái lợi trước mắt gì đó, mà vẫn cố tình nói liều, nói ẩu, làm sai, bao che cho cái sai. Thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự nhiều khi rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Những biểu hiện đó, suy cho cùng là chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng chưa phát huy quyền dân chủ của mình. Mặc kệ những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; mặc kệ cho sự  vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho bản thân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái nạn đến với chính mình, rồi cũng đành phải cam lòng gánh chịu.
Khái niệm tôn trọng quyền con người và tự do dân chủ cũng như trao quyền cho việc phát triển con người là điều không thể thiếu trong việc bảo vệ và tăng cường an ninh con người. Quá trình thúc đẩy quyền con người, phát triển con người và an ninh con người - ba khái niệm có liên quan mật thiết với nhau như là tầm nhìn cơ bản của một trật tự thế giới mới - có thể bắt nguồn từ những xã hội trong đó các giá trị dân chủ không chỉ được truyền bá mà còn được thực hiện chuẩn mực và chất lượng. Chỉ trong một nền dân chủ thì việc tôn trọng quyền con người thể hiện ở tự do thoát khỏi sợ hãi và các mối đe dọa đối với sự tồn tại cơ bản của một người; phát triển con người đặt ra yêu cầu về nguồn lực và tự do mà một người cần để phát triển tối đa tiềm năng của mình; an ninh con người đề cập đến tự do thoát khỏi nạn đói, chiến tranh, thảm họa sinh thái, những bất công, cũng như những hành động xâm phạm đến con người do chính con người đưa đến với nhau.
Dân chủ thường được hiểu là quyền lực của nhân dân, nhưng quyền lực đó phải được pháp luật bảo vệ mọi lúc mọi nơi thì mới phát huy được hiệu quả, nếu không thì số đông cũng bị một vài cá nhân quyền lực trấn áp một cách vô lý và oan ức. Cho nên, khi người dân không được tôn trọng, không tạo điều kiện để nâng cao nhận thức về Hiến pháp, pháp luật, về quyền làm chủ xã hội và bản thân,  quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn rất khó đến được với họ. Có một thực tế là các "quan tham" và "quan dốt" né tránh dân chủ, sợ mở rộng dân chủ sẽ nhiều bất lợi cho mình, nhất là những việc làm sai trái khó che đậy và vô cùng khó lý giải trước dân. Đó là cái mầm tư tưởng sinh ra co lại "phòng thủ" với dân chủ, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền. Mệnh danh là đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, mà khi người dân nhắc đến dân chủ cứ giẫy lên như đỉa phải vôi! Rình xem có kẻ nào đứng phía sau kích động dân đòi quyền dân chủ…
Về bản chất, dân chủ liên quan chặt chẽ tới các nguyên tắc quyền con người, do đó không thể thực hiện dân chủ đầy đủ và rộng rãi nếu như không đảm bảo đầy đủ việc tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người. Ngoài quyền tham gia và quyền đại diện, dân chủ  còn có tính bao hàm, tức là quyền này có đầy đủ trong cuộc sống của công dân ở một cộng đồng, một khu vực hay một nhà nước. Cách thức để mỗi công dân đều có thể thực hiện đầy đủ quyền được tham gia là ở quyền được tự do sống theo Hiến pháp, pháp luật mà không bị thói cường quyền xâm phạm. Chỉ những người có hiểu biết cơ bản về cách thức vận hành của hệ thống và có kiến thức về các cơ chế và các tổ chức trong một xã hội dân chủ thì mới có thể đóng góp và giúp ích cho xã hội. Thế nhưng, mấy năm gần đây các kiến nghị, đề xuất của giới trí thức nhằm nâng cao dân trí, thực thi dân chủ, bảo đảm nhân quyền đều bị ‘bỏ ngoài tai’, không hồi âm, không càn trả lời, thậm chí còn quy chụp “thế lực thù địch” xúi giục! Suy cho cùng, quyền dân chủ bị vi phạm quá nặng thì cần xem lại những lỗi hệ thống tổ chức, điều hành, quán lý xã hội.
Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Quy chế dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Đảng về mở rộng dân chủ, dân chủ trực tiếp được cụ thể hoá và đưa vào khá nhiều trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản của các tổ chức chính trị - xã hội. Quá trình thực hiện cải cách hành chính gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đang được tiến hành đồng bộ, rộng rãi. Đặc biệt  là từ khi Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ cơ sở xã  kèm theo nghi định 79/2003/NĐ -CP.
Để “Quy chế dân chủ cơ sở” được phát huy rộng rãi, thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần thường xuyên tăng cường giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên có quan điểm tư tưởng, có lập trường cộng sản kiên định, nhận thức thật đúng đắn và sâu sắc về mối quan hệ Đảng lãnh đạo với thực thi dân chủ. Cần phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ. Cũng cần chống lại những biểu hiện dân chủ giả hiệu, mị dân, lừa dân, hô khẩu hiệu một chiều mà tự xưng lên là tôn trọng dân chủ.
           Nếu cứ hô hào "ổn định chính trị" mà không quan tâm thường xuyên thực thi dân chủ thì "ổn định chính trị chỉ là sự thổi phồng tự an ủi, thực chất xã hội không ổn định được. Nếu chỉ thấy từ Trung ương đến cơ sở đảng vẫn nắm quyền không ai xen vào được để gọi đó là "ổn định chính trị" thì thật là khiên cưỡng. Dân chủ xã hội càng đi vào lòng người thì đó là nguồn sức mạnh vô biên để xây dựng ngày càng vững chắc thể chế chính trị do Đảng lãnh đạo, cũng là thiết thực nâng cao khả năng lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín và độ bền vững của một Đảng cầm quyền.
 BVB.
--------------

23 nhận xét:

  1. Dân Chủ ở xứ Vịt? Chỉ có hoặc Dân Bị Chửi, hoặc Dân Chửi, hoặc cả hai!

    Trả lờiXóa
  2. Lâu nay chỉ khéo mị dân
    Hàn vi ốm đói cắn mì gặm khoai
    Dân thương che chắn nghĩa tình
    Hẹn ngày thống nhất dân mình ấm no
    Bây giờ mới biết bị lừa
    Đảng hơn Vua Chúa - quan hơn trọng thần
    Xa hoa giàu có độc quyền
    Ăn trên ngồi chốc mặc tình dân kêu
    Còn ai tin ở tuyên truyền ?
    Mị dân thất hứa có ngày diệt vong .

    Trả lờiXóa
  3. - Này. Ông Trọng nói: "Đã đẩy lùi một bước nhưng nạn tham nhũng còn nhức nhối."
    - Vậy "đẩy lùi mấy bước thì nạn tham nhũng hết nhức nhối"?
    - Ừm. Ta thường nghe "lùi một bước tiến hai bước"?
    - Ôi! Vậy là "Chúng tôi lắm lúc rất buồn mà không biết giải quyết thế nào"?!
    - Chỉ có nước đi nhậu cho quên sầu...
    - Vậy phải uống rượu 29 Hà Nội...
    - ???
    - Bảo đảm chết vì ngộ độc, khỏi suy nghĩ lăn tăn.

    Trả lờiXóa
  4. Phải công nhận rằng: Ngành nào trong xã hội tham nhũng nhiều nhất? Ngành đảng! Từ Quốc hội xuống tận tổ dân phố, cái gì cũng phải hỏi ý đảng, ăn nhất là dự án, lên chức...Ngành đảng chỉ ngồi chơi, sáng vác ô đi tối vác ô về nhưng sống sung túc và quyền lực nhất.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm thì Dân chủ
      Ăn thì Đảng chủ
      Nghèo thì Dân chủ
      Giàu thì Đảng chủ

      Xóa
    2. Quá chính xác!
      Điểm tối đa.

      Xóa
  5. Lấy lý do ổn định chính trị, ĐCS đang cho áp dụng một chính sách ngu dân để dễ bề cai trị.Cứ xem cách họ hào phóng ký quyết định phong tướng cho ngành công an, kể cả những tướng đàn áp vụ Tiên Lãng thì đủ biết xã hội ta dân chủ tới đâu. Cho người giật tài liệu về nhân quyền ngay sau khi được kết nạp vào Hội đồng Nhân quyền! Hay dân chủ ở Việt Nam khác với dân chủ của các dân tộc khác?

    Trả lờiXóa
  6. cả 90 triệu dân đang cùng đi chung trên 1 con thuyền mà ngay cả đảng và phần lớn nhân dân đều biết là hướng đi đã sai bét . miền Nam đi theo gần 40 năm coi như hết trọn cuộc sống làm việc một đời người mà chưa thật sự được hưởng các quyền của mình .
    THẾ GIỚI TIẾN BỘ MỖI PHÚT MỖI GIÂY TẠI SAU CHÚNG TA MÃI THẾ NẦY.

    Trả lờiXóa
  7. Trong các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ mục tiêu phấn đấu là “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
    Đang phấn đấu, đã có đâu? Chuẩn chưa? Hết thắc mắc hết ý kiến chưa???

    Trả lờiXóa
  8. thế mới biết Nhà văn, nhà báo không đi thực tế là bất khả tri luận! Vừa rồi BVB đi thực tế về có khác. Có lẽ đem nghị quyết của đảng soi vào quê choa nên bài viết rất khéo, rất hay. Tôi có một suy nghĩ thế này: những bài kiểu chính luận như thế này nên có một phụ chương. sau khi đăng ở bản chính thì nên lưu riêng ra cho mọi người khi cần tìm đọc cho dễ. Có được không anh Bồng?

    Trả lờiXóa
  9. Dân chủ hay Đảng chủ ? Bác Bồng đặt câu hỏi, có hai câu trả lời :
    Dân trả lời : chỉ thấy Đảng chủ.
    Đảng trả lời : Dân làm chủ.

    Chứng minh chỉ thấy Đảng làm chủ là dễ ẹc, trừ khi cố tình hoặc giả bộ không thấy.

    Chứng minh Dân là chủ chỉ thấy trong nghị quyết, khẩu hiệu, lời nói gió bay của quan chức.

    Đảng bảo Dân chủ, Dân nói chỉ thấy Đảng chủ. Ý Đảng , lòng Dân thế là khác nhau rồi. Đảng cứ kiên định ý mình, Dân quyết giữ vững lòng mình. Không ai chịu ai.

    Giang sơn VN chỉ có một, không thể có hai ông chủ. Đảng muốn làm chủ, thà cứ tuyên bố mình là thiên tử có khi Dân lại dễ chấp nhận hơn.

    Đảng chịu sự giám sát của Nhân dân...chỉ là chơi chữ, mập mờ. Đố ông Nhân dân nào dám giám sát Đảng. Mất chỗ đội nón như chơi.

    Trả lờiXóa
  10. "Hiện nay, dân chủ cần được hiểu là dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội,..."
    Tôi cho rằng cách hiểu khái niệm này rất mập mờ cả về ngữ nghĩa cũng như nội dung. Nếu nói "dân chủ trong Đảng" thì có nghĩa là nhân dân làm chủ tổ chức đảng, không thể! Nếu nói "dân chủ toàn xã hội" thì lại mâu thuẫn với vai trò lãnh đạo (làm chủ) của Đảng đối với xã hội, như vậy cũng không thể!
    Vậy giải nghĩa thế nào đây?
    Tôi cho rằng nên đặt tiêu chí "đảng viên chủ trong Đảng" và "dân chủ đại diện" (Đảng làm đại diện) trong xã hội thì mới gỡ bỏ được mối bùng nhùng về lý luận!

    Trả lờiXóa
  11. Thôi thì mạnh ai người đó làm chủ - đảng làm chủ đảng, dân làm chủ dân. Mạnh ai nấy sống. Ý ai người đó tự nghĩ. Lòng ai người đó tự suy. Không nhất thiết gượng ép "hòa quyện lóng ỳ, à, ý lòng."! Vậy cho nó vuông.

    Trả lờiXóa
  12. Mấy anh DLV gặp bác Bồng..."tắt điện". Haaaaaaaaaaaaaaaaa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có những thằng DLV cùn quá, chửi bậy các còm sĩ gày gò chúng ta. Cái lý luận hổ lốn của nó, dạo này không thấy bác trưng ra nữa?

      Xóa
    2. BVB ít tháy các CÒM của DLV, tháy thì cũng đưa lên , để cùng tranh luận.

      Xóa
    3. DLV thực chất cũng chỉ là một nhiệm vụ , nó không phản ánh đầy đủ bản chất con người . Bản thân những DLV cũng là những người có cảm xúc , họ được đào tạo để nhận biết cái hay , cái đẹp , và tính đúng đắn . Bài báo này và nhiều bài khác của Nhà Báo Bùi Văn Bồng có đầy đủ những yếu tố đó , nên họ không có nhiều việc để làm cũng là hợp lý thôi .

      Để gió cuốn đi

      Xóa
  13. ĐCS chỉ giải quyết mấy việc đơn giản như giá cả, lương lậu, đường xá, xe cộ, họp hành, đất đai v v... còn DÂN CHỦ hay không dân chủ là do một " ma lực " từ xa điều khiển. Muốn thoát khỏi sức hút của nó, không cần phải sức mạnh mà là lòng dũng cảm!

    Trả lờiXóa
  14. Cái vụ "ý đảng lòng dân" ở các nước đa đảng thì sao nhỉ? Chắc là họ phải "một dạ hai lòng"?!

    Trả lờiXóa
  15. Tôi cho là bài này hay nhất trong tất cả các bài của bác Bồng,từ trước
    đến nay và thuyết phục nhất nếu bỏ đi vài cái râu ria nhưng nghĩ lại thì
    bác Bồng muốn gửi lý luận đến những người CS.nên phải thế !
    Đúng là nhận thức cũng cần một tiến trình,chứ khó đốt giai đoạn lắm.
    Có điều tôi nghĩ là Boris Yelsin nói rất đúng là CS.không cải tạo được
    mà phải thay thế nó đi,dù ông ta có một số sai lầm nhất định mà một
    trong những sai lầm lớn là chọn Putin làm người thừa kế.
    Kiên nhẫn thuyết phục có lợi duy nhất là không gây ra đổ vỡ nhiều khi
    tiến đến dân chủ hóa đất nước nhưng cái hại về chủ quyền lại qúa lớn
    vì bây giờ,vấn đề cứu nước là cấp bách hơn cả,không thể lưỡng lự vì
    chính đất nước mình muốn bảo vệ lại ở trong tay của những kẻ hợp tác
    với kẻ cướp nước !

    Trả lờiXóa
  16. Theo thời gian, nhận thức thay đổi. Trước kia tôi căm ghét McCarthy vì ông ta cương quyết không cho phe cộng sản bất cứ cơ hội nào để ngóc đầu lên ở Hoa Kỳ thập niên 1950. Nay quá thông cảm cho ông ta.

    Trả lờiXóa
  17. Đây là một bài viết xuất sắc của Nhà Báo – Đại Tá Bùi Văn Bồng , vấn đề bài báo nêu ra rất rộng lớn nhưng cũng rất chi tiết và cụ thể , lập luận sắc bén và cấu tứ chặt chẽ . Một bài viết mẫu mà các báo chính thống , hay thậm chí các cơ quan nghiên cứu của Đảng và nhà nước cần trích dẫn và tham khảo .
    Theo thiển ý của tôi : Vấn đề Dân chủ và thực hành dân chủ , Đã có trong tuyên ngôn độc lập và được cụ thể ngay trong tên nước ( Việt Nam – Dân chủ - Cộng hòa ) .Nhưng có thể chia tiến trình thực hiện DC ở nước ta thành 3 giai đoạn :
    - Giai đoạn thứ nhất : là thời kỳ ngay trước CMT8 và khi nhà nước mới được thành lập,đến trước toàn quốc kháng chiến 1946 : ở giai đoạn này ĐCS đã lãnh đạo ND cướp chính quyền , phá kho thóc , lập lên chính quyền mới …….Giai đoạn này có thể coi như một ngày hội thực sự của quần chúng . ( Dân chưa hiểu rõ chính quyền , và chính quyền mới thành lập , chưa thi triển được đầy đủ các biện pháp điều hành đất nước )

    - Giai đoạn thứ hai : Từ ngày toàn quốc kháng chiến đến nay . Sau khi có chính quyền trong tay , “ Người Ta “ chợt nhận ra rằng thứ dân chủ ( Dù được nêu một cách long trọng trong tuyên ngôn Độc Lập ) thực ra chỉ là thứ dân chủ ……… Của nhà nước tư bản , nó thật xa lạ với nền chuyên chính vô sản XHCN , vì vậy nó đã được cấp tập điều chỉnh và thay đổi để phù hợp với “ Mô hình “ chung của các nước XHCN , với tiêu chí “ Tập trung dân chủ “ .
    Giai đoạn này , Để chắc ăn hơn , người ta vội “ Be bờ “ , “ Chăng dây “ :
    + “ Nghe đài đọc báo của ta , chớ nghe đài địch ba hoa nói xằng “
    + “phát huy dân chủ đi liền với tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội “
    + “ Dân chủ nhưng phải trong khuôn khổ , không phải là dân chủ quá chớn “ .
    - Giai đoạn thứ ba : Tạm gọi là từ nay trở đi , vì đã có “ Mốc “ của nhà chiêm tinh đã “ Phán “ rằng : : “ Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?”
    Trong khi “ Mối quan hệ biện chứng “ giữa dân chủ vả CNXH là một trong những vấn đề phức tạp cả về lý luận và thực tiễn , luôn gắn liền với nhau , và đã được ông TBT phán rồi vì vậy dân chủ thực sự chắc cũng còn vô cùng mờ mịt , nó không thể đến sớm hơn công trình xây dựng CNXH kia vì còn phải……..Chờ để “ Song Hành “ , vì vậy nhân dân Việt Nam chắc chắn là bị nhỡ chuyến tàu này rồi .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đối với cả nước thì “ Đến hết thế kỷ này không biết đã có Chủ Nghĩa Xã Hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa?” nhưng đối với giới lãnh đạo thì chỉ mất 5-7 năm để xây dựng hoàn thiện Chủ nghĩa cộng sản.
      Thực tế là biện chứng sờ sờ.

      Xóa