* NGUYỄN HIẾU
IFN - "Ở VN người ta coi công việc thẩm định luận văn
để phong hàm vị chỉ như công việc làm
thêm, kiếm thêm thu nhập chứ chưa thực thụ coi đây là một trách nhiệm, hoặc làm
với tư cách người có tâm huyết với nghề…"
Trao đổi với PV Infonet, GS Trần Ngọc Vương –
Giảng viên khoa Văn học – Trường Đại học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia
Hà Nội bày tỏ: “Ở phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ… người ta còn xét luận văn để
phong tặng hàm vị GS, PGS đến cả ý tưởng. Trong luận văn nếu vị nào có 3 ý
tưởng mà trong đó có 2 ý tưởng hay là người ta chú ý rồi…
Nếu anh lấy ý tưởng của người kia rồi tự xây dựng,
thêm khung xương đắp thêm da thịt trong luận văn để thành ý tưởng của anh nhưng
thực ra là ý tưởng của người khác, người ta vẫn coi anh đi “đạo” ý tưởng, luận văn sẽ không được xem xét đến...”
Theo GS Vương, ở VN coi công việc thẩm định luận văn
tiến sỹ như công việc làm thêm, kiếm thêm thu nhập hoặc những người có tâm
huyết thì làm, thì chấm luận văn, chứ chưa thực sự coi đây là một trách nhiệm…
Thế nên nhiều người chỉ đọc, thẩm định lướt qua, thậm
chí không đọc. Vì vậy, có những công trình, những ý tưởng trong luận văn luẩn
khuất đâu đây mà bị “đạo” vào luận văn khiến người chấm hoặc Hội đồng thẩm định
không thể biết được, nên vẫn có vị lọt qua và được phong GS.PGS.
Còn Hội đồng thẩm định GS, PGS ở các nước phương tây,
GS Vương cho biết, họ chỉ có vài người. Người ta cũng không dùng lá phiếu số
đông áp đảo thiểu số. Nhưng việc phong GS có chuẩn cứng và chuẩn mềm. Chuẩn
cứng là chuyên môn của anh. Chuẩn mềm là uy tín nghề nghiệp, là tầm ảnh hưởng
của anh đối với cộng đồng, cơ sở đào tạo.
Khi được phong GS, người ta có một tài khoản riêng, có
trợ giảng và một PGS kèm theo, việc quan hệ giữa 3 người rất bình đẳng. Việc
xét phong hàm GS ở các nước phương Tây chỉ là một nhóm người, thậm chí cả người
có hàm Tiến sỹ cũng tham gia việc xét phong hàm vị.
Bày tỏ quan điểm về việc phong chức danh PGS, GS tại
Việt Nam, GS Hoàng Xuân Sính cho rằng còn có nhiều điều phải xem xét lại để phù
hợp với chuẩn mực quốc tế: "Ở hầu hết các đại học phương Tây và một số
nước châu Á, GS là một chức danh được bổ nhiệm và có thời hạn nhất định, thông
thường 3-5 năm. Sau thời hạn đó, ứng viên phải làm thủ tục được bổ nhiệm lại.
Và khi người ta không đạt được chức danh PGS, GS, khi
thẩm định lại nhiều người không có quyền dùng danh xưng PGS, GS trước tên mình.
Nhưng ở Việt Nam ,
chức danh PGS, GS được xem như một phẩm hàm và phẩm hàm đó khi được phong một
lần có quyền sử dụng danh xưng này suốt đời".
Trên thế giới và cả ở nước ta, chức danh giáo sư đã
trải qua nhiều thay đổi. Hiện nay, ở Việt Nam đã có thay đổi về tiêu chuẩn và
quy trình phong hàm vị, có cải tiến theo chiều hướng tốt hơn nhưng theo GS
Sính, cần phải thay đổi nữa.
“Như việc tính điểm một cách máy móc để làm chuẩn cho
việc phong PGS, GS theo tôi chưa thực sự hợp lý và hàm chứa nhiều cơ hội cho
tiêu cực. Bên cạnh đó, chúng ta chưa phân biệt được PGS, GS; chức danh PGS, GS
của các trường đại học và PGS, GS kiêm nhiệm, dẫn đến tình trạng chỉ khoảng 1/4
PGS, GS thật sự giảng dạy và nghiên cứu khoa học”. – GS Sính chia sẻ.
Theo GS Sính, chúng ta cần có sự tách riêng những chức
danh PGS, GS mới kiêm nhiệm và những PGS, GS thực thụ, lâu năm thỉnh giảng tại
các trường đại học.
* * *
GS Trần Ngọc Vương
đã nói: "Vẫn còn sự chiếm đoạt chức danh GS, PGS…Hiện nay, có câu
chuyện phong hàm vị như là một sự khen thưởng… Lẽ ra phải hiểu rằng việc phong
hàm vị là chức danh công tác, nhằm tới chức năng, trách nhiệm là chính chứ
không phải nhằm đãi ngộ, cũng không phải là sự ghi nhận thành tích".
- GS đánh giá
thế nào về chất lượng PGS, GS ở nước ta hiện nay?
- Từ năm 1980, thời điểm bắt đầu “phong” giáo sư trở
lại sau mấy chục năm không thực hiện, cho tới nay, ta có hơn 1.500 GS, khoảng
hơn 8300 PGS, nhưng số lượng GS, PGS đã mất, hoặc không giảng dạy, không còn
làm nghề thì chúng ta chưa thống kê được.
Rất nhiều người được phong nhưng điều đáng buồn là,
theo con số của chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ hơn 30% người có học vị từ
tiến sĩ trở lên làm việc ở các trường đại học. Còn khoảng 70% GS, PGS không làm
công tác giảng dạy.
Theo tôi con số này rất phí, nên coi đó là sự “chiếm
đoạt” danh hiệu. Tất nhiên, việc phong hàm vị có liên quan đến nhiều thứ như
tiếng tăm, quyền lợi, lương bổng, thu nhập…
Ở ta có một câu chuyện khác nữa là coi phong hàm vị
như là một sự ghi công, sự khen thưởng… Đúng ra, phải hiểu rằng việc phong hàm
vị là chức danh công tác, mà trách nhiệm là chính chứ không phải nhắm tới sự
đãi ngộ, cũng không phải là sự ghi nhận thành tích. Vì vậy, việc phong hàm vị
GS, PGS mà không làm công tác giảng dạy thì theo tôi sẽ mất ý nghĩa, mà chỉ là
một sự an ủi, một cách vinh danh nào đó thôi!
Theo tôi, chất lượng GS, PGS hiện nay ở nước ta chưa
được như ý. Như giáo sư Hoàng Tụy có lần nhận xét ước lượng thì ở nước ta
có tới 70% số GS, PGS không đạt chuẩn, tôi không dám khẳng định con số này.
Nhưng tôi nghĩ rằng, một GS có uy tín lớn như Hoàng Tụy, hiểu biết giới Đại học
quốc tế, nói ra như vậy thì chúng ta phải suy nghĩ.
Trong khoa học tự nhiên tôi không biết, nhưng trong
khoa học xã hội thì chất lượng PGS, GS hiện nay kém hơn các thế hệ trước. Vì GS
ngày xưa có ít, không “đại trà” như hiện nay, các cụ tự định hướng, tự “trở
thành”, nhiều chỗ phải tự mày mò học hỏi, về ngoại ngữ tuyệt đại đa số
các cụ ít nhất là thành thạo, dùng được từ một nhiều ngôn ngữ… nên theo tôi
chất lượng GS, PGS ngày xưa vẫn tốt hơn.
Mà trước đây ai được phong thì là GS, hầu như trước
năm 1980 chưa có PGS. Các GS thế hệ “khai sơn phá thạch” có nhiệm vụ rất rõ
ràng, được ủy thác của cộng đồng, của nhà nước, rồi từ đó tính tự nhiệm rất cao.
- Theo GS,
việc phong hàm vị PGS, GS hiện nay đã chặt chẽ chưa? Có hiện tượng “chạy” học
hàm học vị không?
- Hiện nay, bộ tiêu chí chuẩn để phong hàm GS, PGS
theo tôi, chủ yếu lấy theo tiêu chí của Khoa học tự nhiên. Còn Khoa học xã hội
tôi nghĩ còn nhiều điều chưa chuẩn lắm! Cách tính điểm công trình chưa ổn. Việc
thẩm định phong hàm vị PGS, GS hiện nay vẫn còn nhiều trường hợp “nể nhau” thì
giúp nhau để được phong tặng. Có người viết chuyên luận hoặc bài báo nhạt nhẽo,
rất ít thông tin, nhưng vì áp lực này, áp lực kia, người tham gia thẩm định
trong các Hội đồng vẫn ủng hộ, vẫn tính điểm “kha khá” nếu ứng viên “chỉ có
ngần ấy”.
Hiện tượng chạy trong khâu thẩm định phong hàm GS, PGS
tôi nghĩ chắc là có, tuy tôi chưa bắt gặp trường hợp nào để có thể khẳng định
đích danh. Nhưng theo tôi nếu nhà giáo, nhà nghiên cứu lên cấp hàm GS, PGS mà
“chạy” khâu thẩm định tôi cho rằng đó là sự nhục nhã; anh phải để cho người ta
đánh giá, nhưng đây anh lại chạy, mà chạy bằng tiền, bằng “quà” để có được hàm
vị GS, PGS thì đó là sự đáng xấu hổ…
Số người không làm “động tác” chạy thẩm định theo tôi
là ít. Và số người xòe tay ra nhận tiền dưới hình thức cảm ơn tôi chắc rằng
cũng có. Đó là hành vi đáng lên án và thật xấu hổ. Chúng ta hiểu chạy chức danh
thì cũng giống như là chạy chức, chạy quyền, không ai “rao to” lên được…
- Nếu xảy ra
tình trạng “chạy” hàm vị GS, PGS điều này ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng
các GS, PGS hiện nay?
- Tất nhiên sẽ ảnh hưởng! Bản thân người “chạy” biết
rằng mình đang chấp chới, thậm chí non hẳn, nếu chạy như thế thì tự mình phỉ
báng mình. Nếu anh tự tin và có lòng tự trọng, tự khẳng định mình “đạt và vượt
chuẩn” để nhận được hàm vị thì anh không cần chạy.
Được cộng đồng, xã hội đánh giá anh là người đàng
hoàng… Nhưng những người đàng hoàng, không nhờ vả “chạy chọt” hàm vị theo tôi
không phải là tuyệt đại đa số đâu… Thậm chí, cũng có trường hợp xứng đáng đấy,
nhưng “theo phong trào”, có người “cả lo”, thấy người ta “đi chợ” mà mình
lại không, e “nguy cơ cao”, nên dù thực chất đủ năng lực, đủ điều kiện được
phong hàm vị nhưng mà vẫn “chạy”…
Xin cảm ơn GS!
N.H
(Infonet)
--------------
Ở VN, nghe hàm GS, PGS, TS, ThS tự nhiên người ta sẽ đánh giá thấp. Xin lỗi, đây là tâm lý chung của một xã hội mất lòng tin.
Trả lờiXóaXứ thiên đường, càng nhiều hàm, càng khốn & giả dối.......
Trả lờiXóaÔng anh họ tôi là tiến sỉ nhung không có ô dù lí lịch không tốt . Thế là làm chết sát dạy học từ sáng tối khuya mà không có nổi cái nhà để ở hơơ .máy thằng quan xã ở chổ ngày trước học ngu như bò tự nhiên giờ bằng đại học 2 3 cái giầu sụ . Cái danh hiệu vn mình cũng lắm bất công
Trả lờiXóaViết đúng chính tả giùm cái coi. " chết xác chư không phải chết sát"
XóaViết đúng chính tả giùm cái coi - "chứ", không phải "chư".
XóaTay bẩn thì lấy nước rửa – Nước bẩn thì lấy gì mà rửa???
Trả lờiXóaChỉ còn cách đổ chậu nước bẩn này đi, thay chậu nước sạch mới! Vậy mà vẫn có những người nói chậu nước bản đó "trong sạch vững mạnh"?!
Xóa