Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Cái xấu và năng khiếu ngụy biện của người Việt


TS. LƯƠNG HOÀI NAM
TNO - Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè… Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp...
Nếu cần phải tìm một tố chất con người nào đó mà người Việt ta giỏi hơn người các nước khác, thiết nghĩ đó là năng khiếu ngụy biện.
Chúng ta nói được với nhau, giải thích được cho nhau mọi thứ trên đời một cách dễ dàng và đầy thuyết phục. Kể cả những thứ chúng ta hiểu rất ít và thậm chí là cả những thứ chúng ta thực ra không hiểu gì.
Những cái xấu tràn lan trong xã hội: tham ô tham nhũng; ăn trộm, ăn cướp, kể cả giết người; rượu chè, cờ bạc, đĩ điếm; đầu độc nhau bằng hàng hóa độc hại, thực phẩm độc hại; vi phạm luật, gây rối loạn trật tự giao thông; lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xả rác bừa bãi; chen lấn xô đẩy mọi lúc, mọi nơi...
Quan tham thì tại chính họ tham, cái đó rõ rồi và họ cũng không thanh minh. Họ chỉ tìm cách trốn tránh sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật.
Còn các kiểu dân hư thì chúng ta đều giải thích được hết. Rất đơn giản và đầy thuyết phục: dân hư bởi tại... quan tham!
Đó là câu nói gần như cửa miệng của rất nhiều người, cho nhiều hoàn cảnh khác nhau, của bản thân mình hoặc của người khác.
Chúng ta yên tâm rằng, một ngày quan hết tham hoặc hết quan tham, mọi người sẽ tử tế ngay và nước ta sẽ trở thành thiên đường về môi trường sống.
Nhưng hãy trung thực với mình đi!
Có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều tốt không vì mục đích cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì noi gương người tốt việc tốt của người ABC nào đó?
Có bao nhiêu người ngoài 25 tuổi làm điều xấu không vì động cơ cá nhân của mình, mà đơn giản chỉ vì theo gương xấu của người XYZ nào đó?
Ai chứ nhà tâm lý học nổi tiếng Abraham Maslow thì chắc không bao giờ chấp nhận cách giải thích vạn năng của người Việt chúng ta.
Theo Maslow thì mọi người đều hành động theo những nhu cầu cụ thể của chính bản thân. Mọi hành động của một cá nhân đều có một (hoặc một số) nhu cầu cá nhân sau nó. Bối cảnh hành động chỉ tác động, làm thay đổi lợi ích thu được và rủi ro phải chịu của hành động thôi. Có làm theo gương ai thì cũng là để đáp ứng các nhu cầu của bản thân người hành động.
Nói cách khác, một người tốt hoặc xấu không phải vì người khác tốt hoặc xấu, mà vì các lợi ích mà hành động tốt hoặc xấu có thể mang lại cho chính người đó.
Nếu các lợi ích đủ lớn, còn các rủi ro (hậu quả) được nhận thức là nhỏ (hoặc không có rủi ro) thì người đó sẽ hành động theo "sự chỉ đạo" của nhu cầu bản thân. Bối cảnh hành động chỉ có thể làm tăng hoặc giảm lợi ích và rủi ro.
Một vị quan thực hiện hành động tham ô vì lợi ích tiền bạc cho chính mình. Khi tham ô, vị quan đó nhận thức rủi ro của hành động tham ô là nhỏ.
Một người dân cướp của, người đó cướp của không phải vì theo gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích tiền bạc cho chính mình. Khi cướp, người đó nhận thức rủi ro của hành động cướp là nhỏ.
Một người dân lao vào hôi của trong một vụ tai nạn giao thông hoặc thiên tai, người đó hôi của không phải vì theo gương xấu của vị quan tham ô nào đó, mà vì lợi ích vật chất cho chính mình. Hôi của cũng là cướp của. Khi hôi của, người đó nhận thức rủi ro bị xã hội lên án, hoặc bị bắt ra tòa xử, là nhỏ.
Một người dân vượt đèn đỏ, người đó vượt đèn đỏ không phải vì theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn đi nhanh qua ngã ba, ngã tư. Vượt đèn đỏ là "cướp" đường, thời gian và sự an toàn của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi vượt đèn đỏ, người đó nhận thức rủi ro mình bị các xe đi theo tín hiệu đèn xanh đâm chết, hoặc bị công an bắt phạt tiền, là nhỏ.
Một người dân chen lấn, xô đẩy khi mua hàng hay khám bệnh, người đó chen lấn, xô đẩy không phải vì theo gương xấu của vị quan xấu nào đó, mà vì muốn mua được hàng, hoặc được khám bệnh, nhanh hơn những người khác. Chen lấn, xô đẩy là "cướp" thời gian, sức khỏe của người khác, xấu xa không kém cướp của. Khi chen lấn, người đó nhận thức rủi ro bị lên án là nhỏ.
Đọc đến đây, không ít người sẽ nhìn ra "bảo bối" thứ hai: sự thiếu hụt về nhận thức, hay sự thiếu giáo dục. Họ sẽ nói: những hành động xấu đó trong dân là do nhận thức của con người nông cạn, do chất lượng giáo dục yếu kém (trong đó có các môn giáo dục công dân). Lỗi của ngành giáo dục, phải sửa từ giáo dục.
Nói như thế không sai và ngành giáo dục cần phải đổi mới toàn diện để tạo ra những thế hệ người Việt Nam có chất lượng hơn. Nhưng trong khi chờ những thế hệ người có chất lượng hơn đó, chúng ta vẫn phải có giải pháp đối với các "hàng hóa tồn kho", đó là chính chúng ta.
Chúng ta không thể bắt những người tuổi 20, 30, 40, 50 quay lại học lại từ lớp vỡ lòng và các môn học đạo đức công dân có chất lượng tốt hơn.
Cũng không cần thiết phải làm điều đó, vì ngoài giáo dục ở nhà trường, còn có giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục pháp luật, trong đó mỗi người đều có thể tự học, được học, thậm chí bị bắt học. Không ở đâu giáo dục ở nhà trường có thể thay thế được rất nhiều các hình thức giáo dục sau nhà trường.
Một người được giáo dục pháp luật tốt và vì một xã hội có trật tự, kỷ cương, người đó không bao giờ lấy cái sai, cái xấu của ai đó để biện minh cho cái sai, cái xấu của bản thân mình hay của những người khác.
Nhưng ở nước ta, đây là kiểu thái độ phổ biến trước các hiện tượng xã hội. Mọi thứ xấu xa đổ hết cho chính sách, cơ chế, thể chế là xong.
Không ít người lấy sự nghèo để biện minh, bảo vệ sự tồn tại cho nền giao thông xe máy, nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm chợ "cóc", quán "cóc", làm chỗ giữ xe. Một số người thậm chí còn đấu tranh để những thứ không phù hợp với các đô thị hiện đại, văn minh này tồn tại vĩnh viễn, bất chấp những hậu quả khủng khiếp của chúng đối với sự phát triển của xã hội và con người.
Họ bảo, đến Paris, London, New York còn có nền kinh tế vỉa hè cơ mà? Điều họ không nói để mọi người biết là ở Paris, London, New York có kinh tế vỉa hè, nhưng đó là kinh tế vỉa hè được chính quyền quy hoạch và quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực thẩm và trật tự, mỹ quan đô thị, không phải là thứ kinh tế vỉa hè tự phát và gần như không được quy hoạch, quản lý như ở ta. Singapore cũng có các hàng cơm bình dân, nhưng không phải các hàng cơm bạ đâu ngồi đấy, xung quanh đầy rác rưởi, ruồi muỗi như ở ta.
Họ cho rằng xe máy là phương tiện đi lại của người nghèo và bảo vệ  quyền sử dụng xe máy vĩnh viễn của mỗi người dân. Họ "lờ" đi thực tế là các nước Trung Quốc, Myamar đã cấm xe máy ở rất nhiều thành phố. Họ cũng không nói đến quyền của mỗi người dân, kể cả người nghèo, được hưởng một nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, an toàn như người dân ở các nước khác, không nói đến trách nhiệm đóng góp của người dân cùng nhà nước để sớm có một nền giao thông công cộng như vậy (dù chỉ là sự đóng góp tinh thần và sự sẵn sàng từ bỏ thói quen đi xe máy để phát triển giao thông công cộng).
Chúng ta thường chấp nhận sự ngụy biện vì không nghĩ nó gần như đồng nghĩa với một từ khác, đó là đạo đức giả. Nó dẫn dắt con người đến với những giá trị giả, những thứ không có giá trị ở các xã hội phát triển văn minh.
Không ở đâu một xã hội có thể phát triển giàu có và văn minh dựa trên sự phổ biến của năng khiếu ngụy biện, thói đạo đức giả.
Theo học thuyết của Maslow, để thay đổi hành vi con người và giảm bớt những thứ xấu xa trong xã hội, không có cách nào khác là phải tác động mạnh mẽ vào các lợi ích các thứ xấu xa đó mang lại cho đối tượng hành động (làm giảm hoặc triệt tiêu chúng), đồng thời tác động mạnh mẽ vào phía nhận thức, làm cho mỗi một người ý thức đầy đủ các rủi ro, hậu quả từ mỗi hành động của bản thân.
Nếu ai đó bảo mọi người cứ tử tế đi rồi tôi sẽ tử tế, người đó hoàn toàn không đáng tin chút nào. Điều kiện người đó đưa ra (để trở thành người tử tế) không xã hội nào đáp ứng được cả.
LHN
--------------


20 nhận xét:

  1. Đây là quan điểm riêng của tác giả. Nhưng câu "Thượng bất chính hạ tất loạn" luôn đúng! Trong một gia đình mà ông bố bà mẹ xấu xa, thường là con cái xấu xa theo.
    Đòi hỏi thần dân sống đàng hoàng trong khi vua chúa thối nát? Chẳng biên chứng gì hết. Noi theo gương Bác không nổi, chỉ còn cách "noi theo gương Bợm."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hoàn toàn đồng ý với tác giả và cũng không phản đối nhận xét 1
      1-Dân ta lạc hậu, bị nhiều văn hóa ngoại lai chi phối, và cũng có thể do "Gen" nữa tạo nên nhiều tính xấu hơn dân khác (Dân nào cũng có tính xấu)
      2-Những cái chế độ đặc quyền đặc lợi tạo cho xã hội một loạt những cái tâm lý "Rất xâu" những "Không theo không được"
      -2.1-Chạy: Cái gì muốn có một cách "Đàng hoàng" (Tức là không phải trộm cướp) cũng phải chạy, chạy cái gì cũng được, không chạy thì dù tài giỏi đến đâu cũng không được.
      2.2-Hành động "Hơn người", Khác người"
      +Trong những người đèo 2-3, vượt đèn đỏ, có phải đều do thiếu xe và vội vàng?. Liệu có ai phạm luật chỉ để được "Khác, hơn người", có phải ảnh hưởng của đặc quyền đặc lợi?
      2.3-Cúng lễ bừa bãi. Ai đã nghe trong dân những câu:
      -Đấy! nhà ấy chịu cũng lễ nên được thăng quan tiến chức..., làm ăn gặp gỡ
      -Chùa (Đền, đình) ấy thiêng lắm, cả ông A, bà B cũng còn đến cơ mà
      Ảnh hưởng của các đức tính Tham và Dốt của quan, ảnh hưởng của sự mập mờ giữa Ta và Chúng ta đến cách sống của dân chúng thì còn đa dạng hơn nữa,

      Xóa
    2. Hoàn toàn đồng ý với tác giả và cũng không phản đối nhận xét 1
      1-Dân ta lạc hậu, bị nhiều văn hóa ngoại lai chi phối, và cũng có thể do "Gen" nữa tạo nên nhiều tính xấu hơn dân khác (Dân nào cũng có tính xấu)
      2-Những cái chế độ đặc quyền đặc lợi tạo cho xã hội một loạt những cái tâm lý "Rất xâu" những "Không theo không được"
      -2.1-Chạy: Cái gì muốn có một cách "Đàng hoàng" (Tức là không phải trộm cướp) cũng phải chạy, chạy cái gì cũng được, không chạy thì dù tài giỏi đến đâu cũng không được.
      2.2-Hành động "Hơn người", Khác người"
      +Trong những người đèo 2-3, vượt đèn đỏ, có phải đều do thiếu xe và vội vàng?. Liệu có ai phạm luật chỉ để được "Khác, hơn người", có phải ảnh hưởng của đặc quyền đặc lợi?
      2.3-Cúng lễ bừa bãi. Ai đã nghe trong dân những câu:
      -Đấy! nhà ấy chịu cũng lễ nên được thăng quan tiến chức..., làm ăn gặp gỡ
      -Chùa (Đền, đình) ấy thiêng lắm, cả ông A, bà B cũng còn đến cơ mà
      Ảnh hưởng của các đức tính Tham và Dốt của quan, ảnh hưởng của sự mập mờ giữa Ta và Chúng ta đến cách sống của dân chúng thì còn đa dạng hơn nữa,

      Xóa
  2. Không thể nói đơn giản là "ngụy biện" được , mà phải là "nói lấy được" . "Ngụy biện" vẫn có những lí lẽ riêng của nó, còn "nói lấy được" là bất chấp lí lẽ , chỉ vì lợi ích thiển cận của cá nhân mình.

    Trả lờiXóa
  3. Công bình mà nói thì khoản nguỵ biện này thấy rất rõ ở QUAN CHỨC nhà nước ta,chứ
    không phải là của người dân nói chung như tác giả muốn nói đến.
    Lý do là nếu dân nguỵ biện thì chẳng có cơ quan truyền thông nào thèm đếm xỉa gì đến
    mà chỉ toàn các quan chức mới biện hộ cho mình bằng những lý lẽ giả trá (ngụy) hòng
    trốn tránh trách nhiệm mà họ gây ra,chứ dân thì chẳng có gì mà biện hộ !
    Ngụy biện trên đài truyền hình,qua đài phát thanh,kể cả loa phường v.v.hàng ngày và ra
    rả,vì thế thường dân cũng nhập tâm rồi trở thành vô thức mà bắt chước nguỵ biện theo,
    theo phản ứng gọi là tâm lý đám đông.
    Do đó,tác giả đừng nên "vơ đũa cả nắm" hay đánh tráo người chủ động nguỵ biện,tức là
    người luôn tìm cách chống chế cho lỗi lầm và trách nhiệm mà họ lâu nay thường làm.

    Trả lờiXóa
  4. "...tác động mạnh mẽ vào các lợi ích các thứ xấu xa đó... đồng thời tác động mạnh mẽ vào phía nhận thức..." OK.
    Nhưng ai, và làm thế nào để tác động đây ?. Tự bản thân hay phải có áp lực nào ?
    Áp lực thì người VN đang bị quá nhiều áp lực. Rắn có, mềm có.
    Rắn là hệ thống pháp luật, tòa án, an ninh "sẵn sàng" xử lý các lợi ích "xấu xa".
    Mềm là hàng loạt các nghị quyết, khẩu hiệu dăng ra khắp nơi mà hiệu quả chỉ là số 0.
    Tự bản thân thì đã kêu gọi phê, tự phê,nhóm lửa, tắm gội...có ai nghe đâu.
    Người VN đang phải sống theo bản năng và phải phát huy tối đa năng khiếu ngụy biện để mà sống. Lãnh đạo, chỉ đạo có đấy nhưng cũng ngụy biện nốt
    Có thể bắt gặp ngụy biện khắp nơi, từ quan đến dân, đến nỗi bây giờ mà có ý kiến chân tình, xác đáng cũng bị cho là ngụy biện, là tự diễn biến. Hết cách.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi. Xã hội đã bị tàn phá đến độ người ta không tin vào các tin tốt nữa. Họ cảm thấy không bị lừa kiểu này cũng bị lừa kiểu khác. Cái đó gọi là mục ruỗng.
      Lấy lại lòng tin, khó lắm thay. Dù trên tinh thần bất bạo động, người dân vẫn đang đợi niềm tin đến từ những người đáng tin.

      Xóa
  5. Cái xấu,cái ngụy biện nó thể hiện rõ nhất ở hành động và lời nói của các quan chức khi trả lời chất vấn trên diễn đàn quốc hội, trên các cuộc tiếp xúc cử tri.... đến như ông tổng bí còn nói đường tăng khi đi lấy kinh còn phải hối lộ mới lấy được kinh thì hối lộ tham nhũng ở việt nam cứ bình tĩnh,xem xét khách quan biện chứng.... thì hết thuốc chữa rồi. Muốn chữa được thói xấu trên thì phải dùng pháp luật,để pháp luật điều chỉnh mọi hành vi của con người ( không có ai được đứng ngoài, đứng trên pháp luật). Muốn có pháp luật được thực thi nghiêm túc thì pháp luật phải là tối thượng cao nhất, nó không thể đứng sau hay cụ thể hóa cái gì đấy, của ông gì to to đấy đã nói. Còn không chịu khó chờ đấy đến cuối thế kỷ 21 này xây dựng xong con người mới theo định hướng thì tự nhiên thói xấu của người Việt được khắc phục ngay, mọi người không nên nóng vội phải từ từ sửa một cách biện chứng, khách quan, toàn diện.

    Trả lờiXóa
  6. Ở cái xứ mà sự thật thà được coi là... ngớ ngẩn, đương nhiên sự ngụy biện sẽ là kẻ lãnh đạo!

    Trả lờiXóa
  7. Bạn đọc thấy Tiến sĩ LHN phân tích mâu thuẫn ghê :
    1. Cái xấu của người Việt do bản chất họ thích tư lợi cá nhân chứ không phải do quan tham
    2. Paris , London, NewYork có nền kinh tế vỉa hè vì chính phủ họ quản lý tốt, ý nói các nước này họ tốt vì lãnh đạo tốt.....
    Thưa Tiến sĩ !
    Chính phủ nào thì người dân như thế đó có phải là chân lý không ?

    Nếu luật pháp nghiêm minh thì người dân có dám vi phạm không ? bản chất con người là thích hưởng thụ, ai cũng muốn nhanh , tiện lợi cho cá nhân mình. Đấy chính là điều cơ bản của pháp luật để điều chỉnh hành vi con người nhằm xây dựng 1 xã hội dành cho tất cả mọi người. Khi xã hội này không phải là nhà nước pháp quyền thì mọi điều xấu xa, vô cảm, mất nhân tính diễn ra thường xuyên cũng là điều dễ hiểu.....................

    Trả lờiXóa
  8. Ngụy biện là còn "nho nhã". Giờ ở xứ này còn hơn ngụy biện - sự CHỐI TỘI trơ trẽn.

    Trả lờiXóa
  9. Loạn giữa thời bình.Ngụy biện chẳng hay ho gì nhưng sống trong một xã hội mà các giá trị thật đang say rượu thì ngụy biện sẽ lên ngôi .Phải sống trong môi trường lắm ma thì ngụy biện sẽ cho người với ''ma'' chung sống vui vẻ với nhau ,một cách sống bắt buộc trong tình thế bắt buộc ,có trách thì trách cái ông thể chế

    Trả lờiXóa
  10. Nói thì dễ mừ làm thì....khó vô cùng............
    Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích:
    “Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?”

    Trả lờiXóa
  11. Ai muốn biết ngụy biện tới cỡ nào, cứ đọc bài mới của ông Vũ Duy Phú thì biết . Tôi nghĩ cả nước Việt Nam này chỉ có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chân thật nhất, nên lời nào ông ta nói ra cũng làm người ta tá hỏa tam tinh hết . Không phải vì ông nói những điều kinh khủng mà bởi một trong những lý do ngụy biện là ai cũng tin mình đang sống vào thời khác, ở một môi trường sống khác, và cơ quan cầm quyền cũng đã khác (thêm một ngụy biện nữa: cái "khác" đó làm mọi người ghét hơn". Nhưng thật ra không có gì thay đổi cả .

    Tôi đọc bài này đêm qua, lúc viet-studies điểm, hình như có câu "Chúng ta không nên đổ lỗi cho hệ thống". Tại sao bài của bác Bồng không có câu đó ? Hay câu đó đã bị báo ỉm rồi vì thổi đu đủ chính quyền rõ quá ?

    Nam Cao vẫn là số dách, câu hỏi "Ai cho tôi làm người tốt ?" vẫn đúng với ngày nay . Đơn giản vì nếu làm người tốt không có lợi cho bản thân, thậm chí có hại . Để "ổn định chính trị" và giữ "đại cục", người tốt đang bị lên án, đã bị lên án và sẽ bị lên án, thậm chí làm tình làm tội đủ cả . Chưa hết, những người có hành động bao che người tốt phải vi phạm pháp luật, hoặc tệ hơn, cương lĩnh của Đảng . Nếu người tốt và người cưu mang người tốt bị trừng phạt thì không ai muốn làm người tốt cả, những giá trị tốt sẽ bị mai một . Hậu quả là không còn ai nhớ phải như thế nào là tốt, tức là ý thức về cái tốt không hiện diện .

    Nền văn minh là một cố gắng, chỉ cần buông thả là tha hóa ngay . Nếu ý thức về vân minh, văn hóa không cả hiện diện thì ngày hôm nay chỉ là kết quả rất logic.

    Trả lờiXóa
  12. Đồng ý với tác giả bài viết là xã hội muốn văn minh tốt đẹp thì phải cần sự tự giác và ý thức của mỗi con người từ già đến trẻ, từ người dân trí thấp đến người dân trí cao. Nhưng ở xã hội nào cũng vậy, muốn có một xã hội có ý thức thì tính kế thừa là rất quan trọng và khi đó người đi trước luôn luôn là tấm gương cho người đi sau, cha mẹ, thầy cô giáo và người lớn nói chung làm tấm gương cho trẻ em, sếp trên làm gương cho sếp dưới, lãnh đạo làm tấm gương cho nhân viện....và một nền giáo dục cùng truyền thống văn hóa để duy trì tính kế thừa đó, nhưng hiện trạng xã hội VN hiện nay thực sự quá tồi tệ, từ chức vụ to đến nhỏ đều mất tiền mua, bằng cấp giả lan tràn, mọi chức vụ đều đặt vụ lợi cá nhân lên hàng đầu yếu tố lợi ích chung hầu như chỉ là trên miệng lưỡi, nạn quà cáp hối lộ trở thành "văn hóa", người tài không được trọng dụng, các quan càng to đáng ra phải là những tấm gương to nhất sáng nhất để thế hệ trẻ soi vào làm theo thì lại càng đen tối nhất, thối nát nhất, tham nhũng nhiều nhất.... sinh viên mới ra trường mất phương hướng nhanh chóng không còn tham vọng, mất ý tưởng mục tiêu phấn đấu vì khoa học, vì xã hội và đi theo những tấm gương tối để hòng leo cao, chui sâu với mục đích kiếm được nhiều tiền vượt trội so với khả năng và sức lao động mình bỏ ra, kết quả là lấy mục tiêu tham nhũng là mục tiêu chính của sự phấn đấu. ....tất cả các thành phần có một vị trí nào đó trong xã hội đều giỏi hối lộ, giỏi đục khoét hơn mọi khả năng có thể khác. Những người nghèo, những người không có vị trí xã hội, những người đã nghỉ hưu trong đó có cả những người đã từng là quan chức ...không có phần trong miếng bánh chung của xã hội thì tỏ ra bất mãn, nói năng vô độ bừa bãi, nói tục, nói bậy, hành vi lời nói bất tuân pháp luật tuy là tấm gương nhỏ nhưng lại là những tấm gương được trẻ nhỏ gần gũi và soi vào hàng ngày cũng tạo lên một xã hội nói năng vô văn hóa, giao thông đi lại lôn xộn "tự lựa" mạnh ai người ấy đi. Vậy xã hội VN muốn văn minh và một ngày nào đó sánh được với các nước trên TG chỉ còn cách một là thay hết quan, hai là thay hết dân.

    Trả lờiXóa
  13. Trong 1 xã hội mà chuẩn mực sống phải nhớ nằm lòng cái bài học : " thẳng thắn thực thà thì thua thiệt, lươn lẹo, lọc lừa lại lên lương", thì không "nói lấy được, ngụy biện, ngụy quân tử, bao biện, chối tội.." thì không tồn tại được!. Vị nói đều không sai, nhưng thực tiễn phẩm hạnh quan chức VN hiện nay là " thước đo, là tiêu chuẩn chân lý - Max" . Ai, cái gì sinh ra hàng trăm ngàn loại quan tham, ô lại như D.C.Dũng ở Vinalines và Ph.Thanh Bình ở Vinashin?

    Trả lờiXóa
  14. Một XH mà điều tốt đẹp không đến từ quan chức chính phủ mà lại đến từ những công dân bình thường thì xã hội đó khó có được bình yên!

    Trả lờiXóa
  15. Bài viết của tác giả được đánh giá cao ở chỗ ... làm tiền đề cho mọi bình luận trên đây!

    Trả lờiXóa
  16. Có vẻ TS này cũng ra sức... ngụy biện.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn nói đúng chứ "có vẻ" gì nữa?

      Xóa