Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 4 tháng 8, 2016

Những băn khoăn, thắc mắc về vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa

Trong một xã hội thông tin phát triển như hiện nay, người Việt không còn đơn thuần tin tưởng vào những tuyên bố, mà luôn đòi hỏi có những bằng chứng pháp lý.
LTS: Sau bài viết “Việt Nam nên hi sinh chuyện nhỏ để được chuyện lớn?” Tiến sĩ Trần Công Trục trao đổi lại gới Giáo sư Ngô Vĩnh Long về vấn đề chủ quyền quần đảo Trường Sa, Tiến sĩ Phan Văn Song từ Australia ngày 30/7 có bài viết "Các đảo nào ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?" làm rõ hơn những vấn đề được đặt ra liên quan đến chủ quyền quần đảo Trường Sa. [3].
Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết phân tích rõ hơn những băn khoăn, thắc mắc của dư luận về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, trong đó đã được Tiến sĩ Phan Văn Song mổ xẻ một phần qua bài viết của ông.
Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh: Hồng Thủy.
Trong bài viết "Các đảo nào ở Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam?" [3] được Tiến sĩ Phan Văn Song đăng trên trang cá nhân ngày 30/7 vừa qua, ông đặt vấn đề:
"Theo những tài liệu đã được công bố dù có khá nhiều bằng chứng cụ thể, thuyết phục cho Hoàng Sa nhưng rất tiếc có không nhiều bằng chứng như vậy cho Trường Sa."
Có thể nói đây không chỉ là băn khoăn, trăn trở của Tiến sĩ Phan Văn Song và nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam trong và ngoài nước luôn đau đáu tìm cách bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông, trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Đây còn là những băn khoăn, thắc mắc của nhiều người dân Việt Nam dù không làm công tác nghiên cứu.
Lâu nay chúng ta vẫn được nghe và tin rằng, Nhà nước Việt Nam xác lập và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, hợp pháp và liên tục từ khi còn là đất vô chủ, ít nhất là từ thế kỷ 17.
Tuy nhiên trong một xã hội thông tin phát triển như hiện nay, người Việt không còn đơn thuần tin tưởng vào những tuyên bố, mà luôn đòi hỏi có những bằng chứng pháp lý xác đáng để chứng minh.
Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin tiếp tục phân tích thêm về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa.
Tôi mong muốn cùng các nhà nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước tiếp tục cùng nhau tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu trong hồ sơ pháp lý của các bên, ngõ hầu đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc một cách hiệu quả nhất.
Bằng chứng Nhà nước Việt Nam xác lập, thực thi chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa từ khi còn là đất vô chủ.
Đúng như Tiến sĩ Phan Văn Song nhận định, các tài liệu, bản đồ lịch sử chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa được công bố cho đến nay ít hơn so với Hoàng Sa. 
Nếu căn cứ vào các địa danh, ngôn từ… được thể hiện trong các tư liệu lịch sử tính đến thời điểm cuối thế kỷ XIX,  thì có thể nói đó là một nhận xét không sai. 
Tuy nhiên, nhận xét thực tế này có thể xuất phát từ những lý do khách quan lẫn chủ quan, tôi xin phép phân tích một số lý do đó.
Bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ
vào năm 1754 đã thể hiện 2 quần đảo này
dưới tên gọi De Paracelles.

                                                                           Ảnh: Wikipedia.

 
Thứ nhất, vào thời các Chúa Nguyễn, Tây Sơn và thời kỳ nhà Nguyễn, Hoàng Sa là tên chung của cả quần đảo Hoàng Sa lẫn quần đảo Trường Sa, được thể hiện bằng hình dáng của một cấu trúc duy nhất, với các địa danh khác nhau qua các thời kỳ, ví dụ như Bãi Cát Vàng, Đại Trường Sa, Vạn Lý Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa hay Đại Hoàng Sa…
Nhận thức của Nhà nước Việt Nam thời kỳ này về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa khá giống với cách vẽ của các nhà hàng hải phương Tây trên các bản đồ của họ.
Hai quần đảo này được vẽ gần giống một lá cờ đuôi nheo treo dọc phía ngoài bờ biển miền Trung Việt Nam và cách bờ biển bởi một chuỗi các đảo ven bờ. 
Chẳng hạn, bản đồ Biển Đông do người Hà Lan vẽ vào năm 1754 đã thể hiện 2 quần đảo này dưới tên gọi De Paracelles [1]. 
Bản đồ Biển Đông được vẽ bởi các nhà hàng hải châu Âu từ thế kỷ 18 sang thế kỷ 19 (được vẽ các năm 1710-1794-1801-1826, hình ảnh đính kém trên Wikipedia) thể hiện rất rõ quá trình nhận thức đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, từ chỗ được vẽ như một cấu trúc thống nhất hình lá cờ đuôi nheo gần bờ biển miền Trung Việt Nam thành 2 quần đảo tách biệt sau này [5].
Có lẽ cho đến khi xuất hiện bản đồ của Phan Huy Chú: “Đại Nam Nhất thống Toàn đồ”(1834-1840) khu vực 2 quần đảo này mới được ghi thành 2 tên riêng: “Vạn lý Trường Sa” (phần phía Nam) và “Hoàng Sa” (phần phía Bắc) [6].
Nếu nhìn bằng con mắt khoa học và phương tiện kỹ thuật ngày nay thì điều này tưởng chừng vô lý. 
Nhưng đặt trong bối cảnh sự phát triển của nhận thức và trình độ khoa học kỹ thuật của 300 - 400 năm trước thì  mới có thể thấy được giá trị của những cách biểu đạt khái quát, tượng trưng này của tiền nhân.
Từ đó mới có cách nhìn mang tính lịch sử của quá trình diễn biến, hoàn thiện nhận thức của chúng ta cũng như các nhà hàng hải Tây phương về 2 quần đảo này.
 Ảnh chụp màn hình một phần bức Đại Nam nhất thống toàn đồ (năm 1834-1840)
 trong đó Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ gần nhau nhưng
đánh dấu bằng hai tên, Hoàng Sa ở phía Bắc, Vạn Lý Trường Sa ở phía Nam.

                                                                                                           Nguồn:Wikipedia.
Thứ hai, so sánh với những tài liệu chính thức của các bên yêu sách khác ở Biển Đông đã công bố cho đến nay thì có thể thấy, hồ sơ pháp lý công khai của phía Việt Nam để chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền của nhà nước Việt Nam thời kỳ phong kiến đối với Hoàng Sa – Bãi Cát Vàng (tên gọi chung cho quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) là thuyết phục hơn cả.
Bởi vì nó phù hợp với nguyên tắc “chiếm hữu thật sự” theo quy định hiện hành của luật pháp và thực tiễn quốc tế. 
Bằng chứng giá trị nhất không thể không nói đến hoạt động của Hải đội Hoàng Sa, về sau thành lập thêm Hải đội Bắc Hải. 
Đây là tổ chức Nhà nước được Nhà nước thành lập, cai quản, duy trì hoạt động với tư cách Nhà nước, làm các nhiệm vụ Nhà nước, do cơ quan quyền lực Nhà nước là triều đình Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn sau này thực hiện [2].
Nhà nước phong kiến Việt Nam suốt trong 3 thế kỷ, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, dù trải qua 3 triều đại khác nhau, đều đã thực hiện sứ mệnh thiêng liêng của mình, với tư cách là Nhà nước Đại Việt, tiến hành chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa:
a.      Nhà nước Đại Việt thời Chúa Nguyễn:
Chứng cứ lịch sử có giá trị pháp lý chứng minh việc chiếm hữu và thực thi chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, đó là sự ra đời và hoạt động thường xuyên, liên tục của Hải đội Hoàng Sa.
Đó là một tổ chức do Nhà nước lập ra để đi quản lý, bảo vệ, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hải đội Hoàng Sa, về sau lập thêm Hải đội Bắc Hải do Hải đội Hoàng Sa kiêm quản, đã hoạt động theo lệnh của 7 đời Chúa, từ Chúa Nguyễn Phúc Lan hay Nguyễn Phúc Tần cho đến khi phong trào Tây Sơn nổi dậy. 
b.      Nhà nước Đại Việt thời Tây Sơn:
Trong thời gian từ năm 1771 đến năm 1801, gần như lúc nào cũng có chiến tranh, trên đất liền cũng như ngoài Biển Đông. Tuy nhiên, các lực lượng của Chúa Nguyễn, Chúa Trịnh, Tây Sơn đã làm chủ được từng khu vực lãnh thổ thuộc phạm vi quản lý của mình. 
Từ năm 1773, Tây Sơn chiếm được cảng Quy Nhơn, tiến về phía Quảng Nam, kiểm soát đến Bình Sơn, Quảng Ngãi, nơi có cửa biển Sa Kỳ và Cù lao Ré, căn cứ xuất phát của Hải đội Hoàng Sa. 
Năm 1775, phường Cù lao Ré thuộc xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi đã nộp đơn xin cho phép Hải đội Hoàng Sa và đội Quế Hương hoạt động trở lại theo thông lệ.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng Hoàng đế, chính quyền Tây Sơn được củng cố một cách hoàn chỉnh và năm 1786, đã ra quyết định sai phái Hội Đức hầu, Cai đội Hoàng Sa, chỉ huy 4 chiếc thuyền câu vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ như cũ. 
Ngoài ra còn có các đội Quế Hương, Đại Mạo, Hải Ba cũng được giao nhiệm vụ hoạt động trong Biển Đông.
c.      Nhà nước Việt Nam thời nhà Nguyễn tiếp tục sử dụng đội Hoàng Sa, đội Bắc Hải làm nhiệm vụ khai thác và bảo vệ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa: 
Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, thống nhất đất nước, tuy bận việc nội trị, vẫn tiếp tục quan tâm đến việc bảo vệ, quản lý và khai thác khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 7 năm 1803, Vua Gia Long cho lập lại Hải đội Hoàng Sa: Lấy Cai cơ Võ Văn Phú làm thủ ngự cửa biển Sa Kỳ, sai mộ dân ngoại tịch lập làm đội Hoàng Sa (theo Đại Nam Thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển 12).
Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815) Vua Gia Long quyết định: Sai Phạm Quang Ảnh thuộc đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa xem xét đo đạc thủy trình… (Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhất kỷ, q.50, tờ 6a).
Sang đời Vua Minh Mạng, việc đo đạc thủy trình chủ yếu giao cho thủy quân thực hiện.
Năm 1833, 1834, 1836 Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công phái người ra Hoàng Sa để dựng Bia chủ quyền, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ:
"Mỗi thuyền vãng thám Hoàng Sa phải đem theo 10 tấm bài gỗ dài 4, 5 thước, rộng 5 tấc”.
“Vua Minh Mạng đã chuẩn y lời tâu của Bộ Công sai Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật đưa binh thuyền đi, đem theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc.”
Như vậy, suốt từ thời các Chúa Nguyễn đến thời nhà Nguyễn, Hải đội Hoàng Sa, Hải đội Bắc Hải, đã đi làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. 
Những hoạt động này đã được các văn bản nhà nước ghi nhận, như: Châu bản của triều đình nhà Nguyễn, các văn bản của chính quyền địa phương như tờ lệnh, tờ tư, bằng cấp… hiện đang được lưu trữ tại các Cơ quan lưu trữ nhà nước.
Trong giai đoạn lịch sử này, có một chứng cứ hết sức quan trọng không thể không đề cập đến khi chứng minh Nhà nước phong kiến Việt Nam đã quản lý thật sự, hiệu quả đối với hai quần đảo này. Đó là việc tổ chức đơn vị hành chính của Hoàng Sa trong hệ thống tổ chức hành chính của nhà nước lúc bấy giờ.
Thời Chúa Nguyễn, Hoàng Sa thuộc Thừa Tuyên, Quảng Nam hay Quảng Nghĩa (Ngãi), lúc là phủ khi thì trấn: 
“Bãi Cát Vàng trong phủ Quảng Nghĩa” (sách Toàn tập Thiên nam Tứ chí lộ đồ thư); “Hoàng Sa ở phủ Quảng Nghĩa thuộc dinh Quảng Nam, huyện Bình Sơn, xã An Vĩnh” (sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn). 
Sang thời Tây Sơn, phủ Quảng Nghĩa đổi thành phủ Hòa Nghĩa. Thời nhà Nguyễn, Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Ngãi…

// Bản đồ cho thấy tình trạng chiếm đóng của các bên ở quần đảo Trường Sa so với EEZ của Việt Nam, Philippines và Mallaysia cũng như so với các đảo mà Pháp tuyên bố chủ quyền được Tiến sĩ Phan Văn Song minh họa. Quy ước màu icon: Hồng (hường): Việt Nam, đỏ: Trung Quốc, xanh: Philippines, xanh nhạt: Malaysia, gạch: Đài Loan, vàng: (chưa bên nào chiếm đóng). Đảo với tên màu vàng là đảo được Pháp tuyên bố chủ quyền năm 1933. Khoảng biển xanh quanh đảo/cụm đảo là lãnh hải cùa các đảo nổi. Ảnh: Facebook Song Phan.
Trong Phán quyết Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc hôm 12/7/2016, Hội đồng Trọng tài xác định khu vực đầm phá Scarborough là "ngư trường truyền thống" của ngư dân Philippines lẫn Trung Quốc. 
Hoàng Sa hay Trường Sa cũng vậy, là ngư trường truyền thống của ngư dân và tàu thuyền các nước khác nhau tới đây hoạt động kinh tế, đánh bắt ở khu vực này là điều bình thường. Nhưng điều đó không có ý nghĩa xác lập chủ quyền theo nguyên tắc "chiếm hữu thật sự", "thụ đắc lãnh thổ" với tư cách nhà nước.
Còn việc xác lập chủ quyền của Việt Nam với 2 quần đảo này với tư cách Nhà nước, thông qua các hoạt động của Nhà nước mà Hải đội Hoàng Sa, Hải đội Bắc Hải đã thực hiện là thực tế không thể phủ nhận. 
Hiện Trung Quốc và các bên liên quan chưa đưa ra được bất cứ tài liệu nào chứng minh cho hoạt động "xác lập chủ quyền" thông qua việc chiếm hữu thực sự, thực thi chủ quyền với tư cách nhà nước, hòa bình, rõ ràng, liên tục qua các thờ kỳ lịch sử.
Thứ ba, hiện tại Nhà nước Việt Nam mới tuyên bố về nguyên tắc chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chưa công bố một cách chính thức phạm vi cụ thể của 2 quần đảo đến đâu, Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo đến đâu.
Chính điều này gây ra những thắc mắc, băn khoăn, thậm chí tranh cãi. Luận điểm của Giáo sư Ngô Vĩnh Long về vấn đề "chủ quyền" đối với các thực thể là bãi cạn lúc nổi lúc chìm ở khu vực Trường Sa được nêu ra có lẽ cũng là vì thiếu những thông tin liên quan đến phạm vi 2 quần đảo.
Tuy nhiên đối với khu vực có tranh chấp hết sức phức tạp như Trường Sa, chúng ta duy trì tuyên bố về nguyên tắc là có lý do của mình. Nhưng tôi tin rằng các cơ quan chức năng đã chuẩn bị kỹ hồ sơ pháp lý về chủ quyền đối với 2 quần đảo để đàm phán và giải quyết tranh chấp với các nước.
Việc lúc nào công bố hồ sơ pháp lý với chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cần có sự tính toán kỹ. Chúng ta cũng chưa biết liệu phía Trung Quốc hay các bên liên quan còn tài liệu gì chưa công bố.
Chưa ngồi vào bàn đàm phán đã công bố hết những gì mình có, thiết nghĩ không phải cách làm hay.
Cần thận trọng xem xét các bằng chứng lịch sử để tìm ra bằng chứng có giá trị pháp lý.
Cá nhân tôi đánh giá rất cao và xin gửi lời cảm ơn Tiến sĩ Phan Văn Song đã chỉ ra vấn đề:  "Trao đổi lại với gs Ngô Vĩnh Long, tiến sĩ Trần Công Trục có dẫn Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 của Thống đốc Nam Kỳ Krautheimer với diễn dịch rằng Krautheimer sát nhập các đảo Trường Sa, An Bang, Itu Aba, nhóm hai đảo (Song Tử Đông, Song Tử Tây), Loại Ta, Thị Tứ` và các đảo phụ thuộc vào các đảo này vào tỉnh Bà Rịa.
Nếu chỉ dẫn riêng nghị định này không thôi thì có lẽ chưa đủ để nói rằng ngoài các đảo có kể tên được sáp nhập vào Bà Rịa (Vũng Tàu hiện nay) còn có thêm các đảo phụ thuộc vào các đảo này nữa. Bởi vì điều 1 của nghị định đó chỉ ghi như thế này: “Article 1. – L’île dénommée Spartly et les îlots Caye-d’ Amboine, Itu-Aba, Groupe de Deux-îles, Loaito et Thi-Tu qui en dépendent, situés dans la mer de Chine sont rattachés à la province de Baria”. Tạm dịch: “Điều 1. Đảo có tên là Trường Sa và các đảo nhỏ An Bang (Caye-d'Amboine), Ba Bình (Itu-Aba), Nhóm đảo Song Tử (Groupe de Deux îles, Loại Ta (Loaito) và Thị Tứ (Thi-Tu ) mà chúng phụ thuộc vào [đảo Trường Sa], nằm ở biển Đông được sáp nhập vào tỉnh Bà Rịa”.
Tiến sĩ Phan Văn Song không những dịch rất sát nội dung Điều 1 của Nghị định này, mà còn cất công tìm hiểu và tìm ra “Thông báo của Bộ Ngoại giao [Pháp] về việc chiếm đóng một số đảo của các đơn vị hải quân Pháp ngày 19 tháng 7 năm 1933” trên Công báo nước Cộng Hoà Pháp ngày 26 tháng 7 năm 1933
Trong 6 đảo và nhóm đảo mà Thông báo của Bộ Ngoại giao Pháp nêu ra, đều có cụm từ đi kèm "và các đảo phụ thuộc". Điều này rất có ý nghĩa. 
Cũng xin nói thêm rằng, Nghị định số 4702-CP ngày 21/12/1933 được xây dựng dựa trên các tuyên bố, công báo chính thức của Pháp mà một trong những ví dụ đã được Tiến sĩ Phan Văn Song, Tiến sĩ Dương Danh Huy tìm ra. 
Tiến sĩ Phan Văn Song cũng đã củng cố thêm lập luận chủ quyền Việt Nam đối với Trường Sa thời Pháp thuộc qua một văn bản quan trọng:  “Luật số 49-733 sửa đổi tình trạng Nam Kì trong Liên hiệp Pháp” do Tổng thống Pháp Vincent Auriol ban hành ngày 04 tháng 6 năm 1949., bản đăng trên công báo Pháp ngày 5 tháng 6 năm 1949.
Tôi xin giới thiệu thêm một số tư liệu để khẳng định vai trò của Cộng hòa Pháp với tư cách đại diện cho Việt Nam về đối ngoại tiếp tục thực thi chủ quyền với Trường Sa đã được Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng đăng tải: "Năm 1925, theo Khâm Sứ Trung kỳ LeFol viết trong thư ngày 22 tháng 1 năm 1926 gởi cho Toàn quyền Đông Dương, người Pháp bắt đầu nghiên cứu sâu quá trình xác lập chủ quyền của "vương quốc Việt Nam" tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bản ghi chú cho Vụ Châu Á Đại Dương ngày 15 tháng 5 năm1950, Cố vấn Pháp Luật Bộ Ngoại giao Pháp đã viết rất rõ: "Việc chiếm hữu quần đảo Spartley do Pháp tiến hành năm 1931-1932 là nhân danh Hoàng đế "An Nam". 
Trong trường hợp này cái danh nghĩa duy nhất mà Pháp đòi hỏi ở đây là việc thực thi chủ quyền có từ trước, là những danh nghĩa của "An Nam", và với tư cách là nước bảo hộ, chịu trách nhiệm về các quan hệ đối ngoại của "An Nam", Pháp có thể sử dụng các quyền đó để chặn các nước thứ ba, và có thể nhận được xét xử quốc tế việc thừa nhận các quyền nói trên [4].
Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, do nhiều nguyên nhân chúng ta chưa chính thức công bố đầy đủ hồ sơ pháp lý chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, trong đó có những tính toán chiến lược trên bàn đàm phán sau này.
Mặt khác đất nước chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, nhiều thư tịch, văn bản tài liệu quan trọng có thể bị thất lạc. Cho nên những thông tin nêu trên vẫn còn thiếu các bằng chứng đi kèm như những bằng chứng Tiến sĩ Phan Văn Song, Tiến sĩ Dương Danh Huy đã tìm được. 
Do đó cá nhân tôi càng đánh giá cao những nỗ lực của hai học giả người Việt ở nước ngoài này đã và đang làm cho Tổ quốc. 
Tôi cũng hy vọng rằng đội ngũ nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tìm kiếm những bằng chứng có giá trị pháp lý khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để làm dày thêm hồ sơ pháp lý, tăng hiệu quả đấu tranh trên bàn đàm phán hay thông qua các cơ quan tài phán sau này.
Kinh nghiệm từ hoạt động đàm phán phân định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc .
Quan tâm, trăn trở về vận mệnh và tiền đồ của quốc gia, dân tộc, trong đó có độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp khác của đất nước dường như đã là một phần trong máu của mỗi người Việt Nam bình thường, trong đó không thể không kể đến đội ngũ học giả, các nhà nghiên cứu.
Do đó trước mỗi vấn đề liên quan đến biên giới lãnh thổ, quyền lợi quốc gia dân tộc dư luận quan tâm, giới chuyên môn cùng nghiên cứu, mổ xẻ các góc cạnh khác nhau để bảo vệ tốt nhất chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của đất nước là điều rất đáng mừng.
Cá nhân tôi chỉ xin lưu ý một điểm duy nhất và cũng quan trọng nhất, đó là tính "hợp pháp" của các yêu sách. Trên cơ sở đó xác định bản chất các vấn đề tranh chấp là gì, tìm ra hệ thống luật pháp và thực tiễn quốc tế được lấy làm căn cứ giải quyết, sau đó mới xét đến bằng chứng.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, mỗi một hồ sơ pháp lý bao giờ cũng có điểm mạnh, điểm yếu và cả những điểm mờ của nó. Vì có những điểm mờ không đủ căn cứ và bằng chứng pháp lý để bảo vệ, mới tạo ra những tranh chấp.
Do đó với đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhiệm vụ đặt ra là làm sao củng cố tốt nhất hồ sơ pháp lý của chúng ta đối với chủ quyền 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời cũng phải tìm ra những điểm yếu mà đối phương có thể "tấn công" vào trên bàn đàm phán, từ đó có kế sách ứng phó.
Đối với người dân quan tâm tới vấn đề biên giới lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và các lợi ích hợp pháp của dân tộc nên có cái nhìn bình tĩnh, tìm hiểu thấu đáo căn cứ pháp lý thông qua các bài phân tích, mổ xẻ của các học giả để có cái nhìn toàn cảnh, đúng đắn và thấy được bản chất, mấu chốt vấn đề.
Khi đàm phán hoạch định biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, sau nhiều cuộc đàm phán hai bên mới xác định lấy Công ước Hoạch định biên giới Pháp -  Thanh 1887 và Công ước Bổ sung Công ước Hoạch định biên giới Pháp - Thanh năm 1895 làm căn cứ để đàm phán, phân định.
Do đó mọi tài liệu để chứng minh lập luận của mỗi bên, kể cả bàn đồ và thư tịch cũng phải nằm trong phạm vi điều chỉnh của 2 Công ước này, chỉ có như thế hai bên mới có thể tìm được tiếng nói chung.
Cho dù là một điều ước quốc tế có giá trị về biên giới lãnh thổ, nhưng do hạn chế của bối cảnh lịch sử, trình độ kỹ thuật và địa bàn phức tạp ngoài thực địa, có thể có những hạn chế nhất định, nhưng 2 Công ước này vẫn là văn bản pháp lý có giá trị và ý nghĩa cao nhất để hai bên lấy làm căn cứ đàm phán.
Bởi vậy mới xuất hiện một thực tế là nhiều địa danh vốn gắn liền với người Việt trong các thư tịch lịch sử, văn học, thơ ca và đi vào tiềm thức qua nhiều thế hệ, nhưng đến khi ra bàn đàm phán, căn cứ theo đúng nguyên tắc pháp lý hai bên đã thỏa thuận thì chúng ta không đủ căn cứ để bảo vệ, cho dù trước đó máu của đồng bào và chiến sĩ đã đổ xuống để giữ lấy.
Muốn có một biên giới hòa bình, ổn định, công bằng và hợp pháp, chúng ta phải có cái nhìn thực sự khoa học, khách quan và cầu thị, dùng các căn cứ pháp lý cao nhất mà hai bên xác định để soi chiếu.
Những khu vực tranh chấp nào chúng ta không đủ căn cứ pháp lý để bảo vệ, thì phải xử lý theo các nguyên tắc và thông lệ của công pháp quốc tế đã được thống nhất từ trước để giải quyết. Do đó không thể gọi việc hai bên nhân nhượng nhau theo các nguyên tắc pháp lý đã xác định là “để mất đất” cho phía bên kia.
Chúng ta đã có quá nhiều bài học kinh nghiệm, trăn trở, day dứt và thậm chí là những luồng dư luận khác nhau về Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Sông Bắc Luân, Núi Đất…
Trong tương lai khi đàm phán về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chắc chắn chúng ta cũng sẽ gặp những tình huống tương tự.
Vì vậy càng phải chuẩn bị công phu, kỹ càng, thận trọng các hồ sơ pháp lý. Vai trò của đội ngũ nghiên cứu người Việt trong và ngoài nước cùng nhau làm dày thêm hồ sơ pháp lý của chúng ta là vô cùng quan trọng.
Bởi chiến tranh, bởi những biến cố trong lịch sử quốc gia dân tộc chúng ta đã dẫn đến việc thất lạc nhiều tài liệu và bằng chứng pháp lý quan trọng, đòi hỏi nỗ lực rất lớn mới có thể tìm kiếm, thu thập được chúng.
Đây chính là bài học quan trọng rút ra từ quá trình đàm phán, phân định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc mà cá nhân tôi nghĩ rằng vẫn còn mang đậm tính thời sự trong bối cảnh ngày nay.
Nắm chắc hệ thống nguyên tắc này, mỗi chúng ta sẽ không ngỡ ngàng trước những thông tin và tài liệu khác nhau trên internet về chủ quyền lãnh thổ, để có cái nhìn thấu đáo, thấy được bản chất vấn đề.
Thiết nghĩ đó chính là cách góp phần tốt nhất bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia trong bối cảnh khu vực có nhiều biến động như hiện nay, trong khi thông tin và dư luận đa chiều bủa vây, tràn ngập không gian ảo.
Ts Trần Công Trục (GDVN)
--------------------------
-----------

9 nhận xét:

  1. Dân lương thiệnlúc 11:05 4 tháng 8, 2016

    Theo quy luật của những biến dạng trong quá trình kiến tạo vỏ trái đất, thì những đảo chìm đảo nổi trên biển là những phần được tách ra từ những dải đất liền ở gần đó. Nói cụ thể hơn là Hoàng Sa Trường Sa ở sát liền với giải đất chữ S của Việt Nam, thì cấu tạo địa chất và nhiều "Đặc tính" khác sẽ đồng nhất và gắn bó với bờ biển trong đất liền của VN ( tất nhiên không gắn liền với cao nguyên phía Tây Bắc TQ nơi sinh ra dân tộc Hán thô lỗ tàn bạo đã chiếm hết đồng bằng của nhiều dân tộc khác ).
    Nói về quá trình hình thành các quốc gia và các dân tộc thì cụm từ "Ở đâu quen đó" đã khẳng định trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa xưa kia không hề có người TQ, đặc biệt là dân tộc Hán sinh sống.
    Nhưng do lòng tham và nhiều mục đích đen tối khác, Nhà nước TQ ngày nay, ĐCSTQ lúc này muốn chiếm tất cả thì cái gì cướp được là họ cướp, cái gì làm thành bằng chứng giả là họ làm.
    May mắn cho Việt Nam đã có hệ thống chữ viết được La tinh hóa thì họ không làm giả được.
    Hãy tự tin, hãy dựa vào cộng động quốc tế để bảo vệ mình

    Trả lờiXóa
  2. Qua thông tin từ điện toán đám mây (cloud computing) thì VC đang mất dần Trường Sa...

    Trả lờiXóa
  3. Băn khoăn thắc mắc cái gì hả bác Trục?
    Mất hết rồi, thật đấy

    Trả lờiXóa
  4. Biên giới Việt Trung, ẢI NAM QUAN, BẢN GIỐC mất vào tay giặc TÀU cũng do ông nầy.
    Và lại là chuyên gia LẤP LIẾM để trao đất cho giặc.

    Phỏng vấn Ts Trần Công Trục (Phần 2): Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan

    https://youtu.be/c9AfP85nYp4

    Trả lờiXóa
  5. Một thế hệ bạt nhược, một chế độ HÈN với giặc nhưng lại ÁC với dân như vậy lãnh thổ, lãnh hải không mất dần vào tay giặc mới là LẠ.
    Lũ bầy đàn Việt gian cs bán nuóc hại dân xin đừng LẤP LIẾM để trao chủ quyền đất nước VN cho giặc nữa.
    Hãy nhớ lời vua LÊ THÁNH TÔNG dạy bảo:
    "Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe, còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay, lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di" (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư)
    Đó là câu tuyến bố đanh thép và rõ ràng nhất trong lịch sử khẳng định quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền của đất nước trước âm mưu xâm lấn của kẻ bành trướng phương Bắc. Người nói câu đó với triều thần là nhà vua Lê Thánh Tông, vị minh quân được kính trọng ngưỡng mộ trong lịch sử dân tộc chỉ sau Lê Thái Tổ.

    Trả lờiXóa
  6. "Đàm phán" là nói cho dzui, cho KÊU của lũ CON HOANG Tàu khựa thôi, chứ thực chất cắt chổ nào, dâng chổ nào thì đã có kế hoạt sãn rồi, chỉ nói & viết làm sao cho được lòng dân VỊT mà thôi.
    Tứ Ải Nam Quan, thác Bản Giốc, Vĩnh Bắc Bộ v.v... có chổ nào VN không bị thiệt, ngay cả Hoàng Sa, Trường Sa lũ bầy đàn cs ngu dốt đã bảo là đảo CHIM ỈA và "Hoàng Sa để anh em đồng chó csTQ giữ dùm còn hơn để VNCH sài", theo cái lý ông TCT nói thì Hoàng Trường Sa chưa hẳng là của VN.
    Nếu TCT có lòng tốt như lời "giả nhân là bản chất" thì SỢ gi không CÔNG BỐ những gì đã ký kết với Tàu cho dân Việt được rõ, cần gì phải dấu như mèo dấu cức?.
    Hãy nhớ lời TT Nguyễn Văn Thiệu: "Đừng nghe những gì cs nói".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://a.disquscdn.com/uploads/mediaembed/images/668/8960/original.jpg

      Xóa
  7. Quan trọng nhất hiện nay là:Đảng CSVN có còn là đảng của giai cấp công nhanva nhân dân lao động VN nữa hay là đang bán nước hại dân vĩ đại nhất của dân tộc VN từ xưa đến nay .Điều mà Trần ích Tắc,Lê chiêu Thống tốn bao công sức mà không làm được thì nay Đảng CSVN đã làm được gần trọn vẹn rồi(neu dan VN khong đứng lên lật đổ Đảng CSVN) Thì chắc chắn đảng sẽ sát nhập VN vào Tàu khựa vao nam 2020 nhu Hiep nghi Thanh do nam 1990 .Dang ta vi dai thiec -me-bo tien su nanh dao dang ta .NGU-NGU -NGU den the la cung ///

    Trả lờiXóa
  8. Bạc Trục nhà tui là thành viên ban biên giới chính phủ-Cũng là thành viên bán đất,bán biển cho Tàu khựa của đảng ,chính phủ .An lút mặt ,lút mũi rồi ,giờ đây viết rất nhiều bài -chủ yếu là để chạy tội mà thôi .Nhân dân biết cả đấy ông Trục a không lừa được họ đâu .PHẢI LÔI CỔ BỌN BÁN NƯỚC HẠI DÂN RA TRƯỚC VÀNH MÓNG NGỰA ///Khong chua thang nao.

    Trả lờiXóa