Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

Biển Đông: TQ lại mưu toan đòn tấn công mới?

Nhiều khả năng, COC sẽ đóng vai trò như một phiên bản nâng cấp của chiến lược “tấn công quyến rũ” của Trung Quốc đối với các nước ASEAN.
Trong cuộc họp cấp cao giữa thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc và các quốc gia ASEAN ngày 16/8/2016, các bên đã thống nhất sẽ hoàn thành bộ khung cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) vào giữa 2017.  
Trả lời phỏng vấn của Trung Hoa nhật báo, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân nhấn mạnh: “Tình trạng Biển Đông đang ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt với sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài. Các quốc gia ASEAN và Trung Quốc thấy rằng chúng tôi phải là người nắm chìa khóa tại khu vực Biển Đông”.
Ông Harry Krejsa, nghiên cứu viên thuộc Trung tâm An Ninh Mỹ mới (CNAS) trong một tọa đàm tại TP.HCM, từng nhận định: “Tôi nghĩ nếu COC được thông qua thì là bởi vì đó là một trong những phương cách chế tài tốt. Đó sẽ giống như chúng ta cùng quyết định rằng đã đến lúc Trung Quốc phải có trách nhiệm nhiều hơn. Mặc khác, COC cũng sẽ giúp hạ nhiệt những chỉ trích đang nhắm thẳng vào Trung Quốc. Mặc dù hiện tại, Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục trì hoãn lộ trình”.
Thực chất, mặc dù vẫn tiếp tục trì hoãn, nhưng việc thúc đẩy COC lại có thể mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Kết thúc đàm phán COC có thể xem là một bước tiến thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, thời điểm (hậu phán quyết Tòa trọng tài) và cách thức Trung Quốc thúc đẩy vòng đàm phán đặt ra nhiều câu hỏi.
Đầu tiên, COC có phải tiếp tục là một chiến lược của Trung Quốc đối với các quốc gia Đông Nam Á nói chung và cụ thể hóa một phần chiến lược của nước này đối với Biển Đông nói riêng? Qua đó, Trung Quốc muốn xây dựng những bước tiến mới trong đàm phán COC như “bước đi đột phá” với các nước ASEAN. Tuy nhiên, thực tế, “đồng thuận mới nhất” về lộ trình có ý nghĩa không lớn đến thế.
Thậm chí, cho đến thời điểm hiện tại, nội dung thỏa thuận chi tiết vẫn chưa được công bố, mà chỉ có những thông tin về việc sử dụng đường dây nóng trong trường hợp khẩn cấp, cũng như áp dụng Bộ quy tắc về các vụ đụng độ bất ngờ trên biển. Không chỉ phớt lờ phán quyết bất lợi, TQ còn tận dụng chiến lược COC nhằm lôi kéo các quốc gia ASEAN vào quỹ đạo mà nước này nắm vai trò chi phối quan trọng.
Bình luận trên The Diplomat, học giả Prashanth Parameswaran nhận định: “Hướng tiếp cận của Trung Quốc sau phán quyết là tập trung phớt lờ phán quyết, đồng thời thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng nước này có thể giải quyết tranh chấp mà không cần sự can thiệp của các bên như Mỹ. Phương thức áp dụng có thể là đàm phán song phương với Philippines hoặc đa phương với ASEAN”.
Chiến lược tấn công quyến rũ?
Nhiều khả năng, COC sẽ đóng vai trò như một phiên bản nâng cấp của chiến lược tấn công quyến rũ của Trung Quốc đối với các nước ASEAN. Chiến lược này sẽ không chỉ nhắm đến các nước tranh chấp bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, mà còn hướng đến các nước không tranh chấp nhưng có ý nghĩa chiến lược như Lào, Campuchia.
Bởi lẽ, trong phiên bản trước đây, thay vì “quyến rũ tự nguyện”, Trung Quốc đã “quyến rũ cưỡng bức” gây nên những phản ứng căng thẳng từ các thành viên của ASEAN. Tiêu biểu nhất là trường hợp Trung Quốc đã đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam vào tháng 5/2014, chỉ bảy tháng sau khi nước này hé lộ chiến lược mới xây dựng quan hệ Trung Quốc – ASEAN.
Vì thế, COC không chỉ là một cách để Trung Quốc làm giảm nhẹ tầm quan trọng của phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII, mà bản thân nó cũng là thể chế đa phương để quyến rũ lại các nước ASEAN, ngăn cản các quốc gia này hướng tới việc cùng tạo thành một hoặc nhiều liên minh khu vực, gây ra bất lợi đối với Trung Quốc.
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Đại học KHXH&NV - TP. HCM, việc Trung Quốc thúc đẩy COC với những toan tính đằng sau có thể gây ra những phản ứng phụ. Thứ nhất, nếu thất bại, các nước ASEAN sẽ hết lòng tin với “nỗ lực đám phán cuối cùng” từ phía Trung Quốc. Thứ hai, các quốc gia Đông Nam Á sẽ hiểu rằng tòa trọng tài hay các công cụ pháp lý quốc tế có thể sử dụng như là một “ưu thế thương lượng” hiệu quả để buộc Trung Quốc ngồi vào vòng đàm phán. Điều này sẽ thúc đẩy các nỗ lực dùng biện pháp tài phán quốc tế trên Biển Đông.
Việc đàm phán COC có thể xem như một phép thử với ASEAN. Điều quan trọng không phải là liệu COC có được thông qua năm tới hay không mà là nội dung được thông qua là gì. Bộ quy tắc này cần thiết khi bản thân các quốc gia tham gia đàm phán không thể đạt được thỏa thuận về mặt pháp lý.
Tuy nhiên, một bộ quy tắc vẫn chỉ là một bộ quy tắc, bản thân COC không có những ràng buộc pháp lý. Đây không chỉ là suy nghĩ của các nhà quan sát, mà của cả các chính phủ ASEAN. Như trong cuộc họp báo ngày 18/8/2016, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose được tờ Inquirer trích dẫn: “Cần lưu ý rằng đây [đồng thuận ngày 16/8] chỉ là khung chung, chỉ là dàn ý của COC, chúng ta cần phải đắp thịt vào xương”.
Tuấn Trần (từ Singapore)/TVN
-----------

1 nhận xét:

  1. Chủ đề xương, ko ai nhằn nhở?
    COC = Của Ông Cả

    Trả lờiXóa