Phán quyết đã giúp đề cao tính thượng tôn pháp luật và
tính tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, đề cao giá trị của công lý và hoà bình.
Đây cũng là hy vọng, là mong muốn chung của các quốc gia trên thế giới yêu
chuộng hoà bình và lẽ phải.
Ngày 12/7 vừa qua, Tòa Trọng tài thành lập theo phụ
lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã ra phán
quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines đối với Trung
Quốc liên quan đến tranh chấp trong việc giải thích và áp dụng Công ước ở Biển
Đông. Theo đó, Toà đã thụ lý hầu hết các nội dung khởi kiện của
Philippines và đưa ra phán quyết với các nội dung chính: (i) không có
căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên
ở vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn” mà vượt qua giới hạn quy định trong
Công ước; (ii) không có bất cứ cấu tạo địa chất nào ở Trường Sa có vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa riêng; (iii) lên án các hành vi trái phép
huỷ hoại môi trường của Trung Quốc trong việc cải tạo đảo và ngăn cản việc thực
thi quyền đánh cá lịch sử của ngư dân Philippines ở bãi Scarborough.[1]
Phán quyết của Toà Trọng tài được đánh giá là một dấu
mốc lớn, bước ngoặt trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, một số nước
ngay sau đó đã bày tỏ hoan nghênh Tòa Trọng tài ra phán quyết, kêu gọi các bên
liên quan tôn trọng và tuân thủ phán quyết của Tòa.[2] Trung
Quốc là bên thua kiện nên tuyên bố phản đối, không thừa nhận tính chính danh
của Toà, không chấp nhận và không thực thi phán quyết. Tuy nhiên, bất chấp sự
phản đối của Trung Quốc và việc nước này ra sức vận động các nước khác ủng hộ
lập trường của mình và bác bỏ Toà Trọng tài, cuối cùng Toà Trọng tài cũng đã ra
phán quyết được trông đợi.[3] Công lý
cuối cùng đã lên tiếng. Những tiếng nói từ các chính phủ, các tổ chức chính trị
xã hội, các chuyên gia, học giả, nhà nghiên cứu, truyền thông trên thế giới…yêu
cầu, kêu gọi các bên liên quan tôn trọng và thực thi phán quyết của Tòa Trọng
tài ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Bài viết sẽ góp phần làm rõ vì sao việc tôn
trọng và thực thi phán quyết của Toà Trọng tài là con đường đúng đắn, là xu
hướng không thể đảo ngược.
Thứ nhất, Toà Trọng tài được thành lập theo
đúng các quy định được ghi trong phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật
biển 1982. Theo Điều 1, phụ lục VII, với điều kiện tuân thủ phần XV về việc hoà
giải, bất kỳ bên nào trong một vụ tranh chấp đều có thể đưa vụ
việc ra giải quyết bằng thủ tục trọng tài. Áp dụng quy định này, là một
quốc gia thành viên UNCLOS, ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn kiện về việc
Trung Quốc đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS. Việc khởi kiện của Philippines
là giải pháp phù hợp, theo chuẩn mực quốc tế sau khi nỗ lực thương lượng hòa
bình để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc không mang lại kết quả mà một
trong những lý do quan trọng là vì Trung Quốc là nước lớn, luôn ỷ mạnh hiếp
yếu, gây áp lực trong đàm phán song phương. Sử dụng trọng tài cũng là giải pháp
văn minh, phù hợp với luật pháp quốc tế, là hướng đi đúng đắn để giải quyết
tranh chấp một khi hai bên không thể đàm phán để giải quyết tranh chấp. Sau
khi Philippines nộp đơn kiện lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), ban trọng tài
gồm 5 người cho vụ kiện này đã được thành lập theo đúng quy định tại Điều 2 và
Điều 3 của phụ lục VII về danh sách các trọng tài và việc thành lập Toà Trọng
tài. Các trọng tài được lựa chọn đều là những người có kinh nghiệm, uy tín,
được lựa chọn hết sức khách quan, công tâm. Việc lựa chọn thẩm phán được thực
hiện nghiêm túc, tránh các khả năng xung đột lợi ích. Thẩm phán được chỉ định
Chris Pinto là người Sri Lanka
đã rút lui vì ông có vợ là người Philippines . Thay vào đó, cựu thẩm
phán người Ghana
của ITLOS Thomas Mensah đã được cử thay thế làm thành viên thứ năm của Tòa
Trọng tài.[4] Điều đó
cho thấy, Toà Trọng tài đã được thành lập đúng quy định của UNCLOS và luôn đặt
lên hàng đầu yêu cầu đảm bảo tính khách quan, công bằng.
Thứ hai, Toà Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền
đối với nội dung khởi kiện của Philippines . Trước khi xem xét
nội dung của vụ kiện, Toà trước hết phải xác định có thẩm quyền đối với các đệ
trình của Philipines. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, vì Philippines khởi
kiện với 15 nội dung cụ thể tập trung vào 3 nhóm chính liên quan đến: (i)
tính hợp pháp của các quyền lịch sử và nguồn xác định quyền hưởng các vùng biển
tại Biển Đông; (ii) quy chế pháp lý của một số cấu tạo địa chất cụ thể và các
vùng biển liên quan; (iii) tính hợp pháp của các hoạt động của Trung
Quốc ở Bãi Scaroborough, Bãi Cỏ Rong, và ở một số cấu tạo địa chất ở Trường Sa.
Toà đã yêu cầu Philippines trình
bày các lập luận để chứng minh Toà có thẩm quyền. Dù Trung Quốc phản đối thẩm
quyền của Toà, từ chối không tham gia tranh tụng và chỉ công bố Văn bản lập
trường của Trung Quốc về vụ kiện (ngày 7/12/2014), Toà đã xem xét hết sức kỹ
lưỡng các lập luận của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng: (i) Philippines vi
phạm nghĩa vụ trao đổi quan điểm trước khi khởi kiện; (ii) giữa Philippines và
Trung Quốc đã có các thoả thuận giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ song
phương và các văn kiện như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông
(DOC) và Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC); (iii) bản chất
vụ kiện liên quan đến chủ quyền và phân định biển nằm ngoài phạm vi của UNCLOS
và thuộc ngoại lệ mà Trung Quốc đã tuyên bố từ năm 2006… Tòa đã tổ chức phiên
tranh tụng riêng về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý từ ngày 7-13/7/2015, đặt câu
hỏi cho Philippines cả trước và trong phiên tòa về thẩm quyền, bao gồm cả các
vấn đề có thể chưa được nêu trong các trao đổi không chính thức của Trung Quốc.
Trên cơ sở đó, Tòa đã ra Phán quyết về Thẩm quyền và Khả năng thụ lý vào ngày
29/10/2015, theo đó quyết định 7/15 đệ trình mà Tòa có thẩm quyền và các đệ
trình khác được xem xét chung với các vấn đề về nội dung thực chất.
Về vấn đề nội dung, Tòa đã tìm cách kiểm tra độ xác
thực của các đệ trình của Philippines bằng cách yêu cầu nước này nộp thêm văn
bản bổ sung, tổ chức phiên tranh tụng về từng nội dung, đặt câu hỏi
cho Philippines về những nội dung khởi kiện cả trước và trong phiên tranh tụng.
Trên cơ sở đó, cuối cùng, Toà đã bác bỏ được các lập luận của Trung Quốc, khẳng
định Philippines không vi phạm nghĩa vụ trao đổi quan điểm, bản chất của vụ
kiện là về giải thích và áp dụng Công ước, và sự vắng mặt của một bên không ảnh
hưởng đến tiến trình tố tụng… Theo đó, Toà hoàn toàn có thẩm quyền đối với vụ
kiện củaPhilippines, trên cơ sở đó mới có thể xem xét các vấn đề nội dung và ra
phán quyết chung thẩm về vụ kiện.
Thứ ba, Toà Trọng tài đã xem xét các nội dung vụ
kiện một cách kỹ lưỡng, công tâm, dựa trên kiến thức của các chuyên gia, các
tài liệu, thông tin thuyết phục để ra phán quyết. Tòa đã xem xét lịch sử của
Công ước và những điều khoản liên quan đến các vùng biển; xem xét hồ sơ lịch sử
để xác định bản chất các yêu sách của Trung Quốc; chỉ định các chuyên gia độc
lập để báo cáo cho Tòa về các vấn đề kỹ thuật. Tòa đã nghiên cứu các cứ liệu
lịch sử, dữ liệu điều tra thủy văn về Biển Đông từ nhiều kho lưu trữ khác nhau
(Văn phòng Thủy văn Anh Quốc, Thư viện Quốc gia Pháp, và Trung tâm lưu trữ Hải
ngoại Quốc gia Pháp…) cùng các tài liệu liên quan đến từ các nguồn mở của các
bên trong vụ kiện. Từ đó, Tòa kết luận rằng, giữa Philippines và Trung Quốc:
(i) không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với
tài nguyên tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn” mà vượt quá những
quyền quy định trong Công ước; (ii) tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa (kể
cả Ba Bình) đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh
tế hoặc thềm lục địa; (iii) Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như
quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất;
(iv) Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền
kinh tế của nước này; (v) các tàu chấp pháp của Trung Quốc gây ra một rủi ro va
chạm nghiêm trọng một cách bất hợp pháp khi họ đã trực tiếp cản trở các tàu của
Philippines; (vi) Trung Quốc đã gây hại nghiêm trọng với môi trường của các
rặng san hô và vi phạm nghĩa vụ bảo tồn và bảo vệ các hệ sinh thái dễ bị tổn
thương và môi trường sống của các loài đang suy yếu, bị đe doạ và bị huỷ diệt.
Có thể nói đây là những phán quyết hết sức công tâm, đúng đắn, dựa trên cơ sở
pháp lý chắc chắn, với lập luận và phân tích thuyết phục, được cộng đồng quốc tế
hoan nghênh.
Thứ tư, theo quy định của UNCLOS, phán quyết của
Toà Trọng tài là phán quyết chung thẩm, có giá trị ràng buộc pháp lý với các
bên liên quan trong vụ kiện. Chính vì điều này nên trong tuyên bố của nhiều
nước sau phán quyết của vụ kiện đến nay như tuyên bố của các nước Mỹ, Nhật, Úc,
New Zealand, Canada đều ghi nhận việc Toà đã ra phán quyết cuối cùng, hối thúc
các nước liên quan phải tôn trọng và thực thi phán quyết. Mặc dù trong vụ kiện
này Trung Quốc là nước lớn, thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc,
Philippines là nước nhỏ hơn, Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận phán quyết
nhưng ngược dòng lịch sử cho thấy trong nhiều vụ việc cuối cùng thì các nước dù
lớn hay nhỏ đều sẽ phải chịu sự ràng buộc bởi phán quyết của cơ quan tài phán
quốc tế. Chẳng hạn, trong trường hợp như vụ kiện giữa Mỹ và Nicaragua những năm
1980, vụ kiện giữa Anh và Mauritius năm 2011 cũng liên quan đến giải thích và
áp dụng UNCLOS, các nước lớn hơn là Mỹ và Anh ban đầu mặc dù cũng phản đối phán
quyết nhưng sau đó đều phải tìm cách thương lượng và thực thi phán quyết của
Toà Trọng tài. [5]
Thứ năm, các quốc gia thành viên trong cộng đồng
quốc tế có nghĩa vụ tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế. Đây là một trong
những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, có giá trị đảm bảo tính bền vững, duy
trì sự ổn định, công bằng trong quan hệ quốc tế. Các nước Trung Quốc, Philippines đều
là thành viên của UNCLOS, cùng các quốc gia liên quan ở Biển Đông đều là thành
viên trong cộng đồng quốc tế, thành viên của Liên hợp quốc, hơn nữa Trung Quốc
còn là nước thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, do đó tận tâm thực hiện
các cam kết quốc tế chính là thể hiện sự gương mẫu, đi tiên phong trong việc
tôn trọng, tuân thủ và thực thi luật pháp quốc tế của mỗi quốc gia thành viên.
Cuối cùng, phán quyết của Toà Trọng tài không chỉ
có ý nghĩa góp phần quan trọng vào tiến trình giải quyết các tranh chấp ở Biển
Đông, đem lại hoà bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Ở khía cạnh khác,
có ý nghĩa quan trọng không kém, toàn bộ tiến trình vụ kiện và phán quyết cuối
cùng đã giúp củng cố niềm tin về việc sử dụng biện pháp hoà bình, trong đó có
các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế để giải
quyết tranh chấp giữa các nước, dù là nước lớn hay nhỏ. Phán quyết đã giúp đề
cao tính thượng tôn pháp luật và tính tôn nghiêm của luật pháp quốc tế, đề cao
giá trị của công lý và hoà bình. Đây cũng là hy vọng, là mong muốn chung của
các quốc gia trên thế giới yêu chuộng hoà bình và lẽ phải. Chính vì những lý do
trên mà các nước, trước hết là các bên liên quan trong vụ kiện cần tôn trọng và
nghiêm túc thực thi phán quyết của Toà Trọng tài. Đây cũng sẽ là xu hướng không
thể đảo ngược.
Nguyễn
Ngọc Hùng, nghiên cứu sinh ngành Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao .Bài viết
thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Nguyễn Ngọc Hùng (nghiên cứu sinh ngành Quan hệ quốc tế,
Học viện Ngoại giao).
--------------
--------------
[1] Tóm tắt nội dung phán quyết của Toà Trọng tài
tại địa chỉ: http://nghiencuubiendong.vn/vu-kien-philippines-trung-quoc/5988-thong-cao-bao-chi-va-tom-tat-phan-quyet-cua-pca-ve-vu-kien-bien-dong
[2] Đến thời điểm hiện tại có các nước như Mỹ, Nhật,
Úc, New Zealand, Canada đã ra tuyên bố ủng hộ phán quyết. Philippines và Việt Nam cũng đã ngay lập tức ra tuyên
bố hoan nghênh phán quyết và thông báo sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết
sau.
[3] Xem thêm Trung Quốc đảy mạnh vận động hành
lang vụ kiện Biển Đông, truy cập tại http://news.zing.vn/trung-quoc-day-manh-van-dong-hanh-lang-vu-kien-bien-dong-post645822.html
Truy cập tại http://manilastandardtoday.com/mobile/article/107409
[5] Xem thêm Tommy Koh, The great powers and
the rule of law, The Straits Times 22/7/2016, truy cập tạihttp://www.straitstimes.com/opinion/the-great-powers-and-the-rule-of-law
--------------
Hãy nhớ csvn hội nghị nào cũng có mặt,đàm phán và ký nhưng chưa bao giờ csvn tôn trọng chính những gì họ đã ký.
Trả lờiXóaBọn Hán tặc cũng là cs,chúng không đàm không phán,không tôn trọng là chuyện dĩ nhiên
Gửi ông nghiên cứu sinh viện ngoại dao ngoại thớt
Trả lờiXóaNhà ông đã tôn trọng luật pháp pháp luật đâu mà đòi thằng anh cùng cha khác bố tôn trọng?
Bài viết của tác giả Nguyễn Ngọc Hùng khá chi tiết và công phu.
Trả lờiXóaNhưng,có một điều quan trọng nhất mà tác giả không đề cập đến : Trung cộng thì cũng chả khác chi Việt cộng,luôn đặt luật pháp...dưới đít của mình,kể cả cái gọi là luật do họ đẻ ra hay các luật quốc tế mà họ đã thò tay kí vào.
Nói phải trái,lí lẽ,luật lệ...với mọi chế độ độc tài là điều vô nghĩa.