Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Thảm họa Formosa: khi sự tồi tệ đã vượt mọi giới hạn

FORMOSA Hà Tĩnh
* NGUYỄN GIA KIỂNG
Thảm họa Formosa Vũng Áng đang khiến mọi người Việt Nam vừa lo sợ vừa phẫn nộ trong gần hai tháng qua. Lo sợ vì mức độ nghiêm trọng của những thiệt hại và tiềm năng thiệt hại lâu dài. Phẫn nộ vì điều không thể xảy ra đã xảy ra và vì thái độ của những người cầm quyền.
Như mọi người đều đã biết, từ ngày 6/4 hàng trăm, hàng ngàn tấn cá đã chết, chết dạt vào bờ hay chết chìm đáy biển, vì vùng biển duyên hải miền Trung bị nhiễm độc. Khu vực nhiễm độc mới đầu từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên rồi dần dần lan rộng xuống phía Nam và tỏa rộng ra khơi. Ước lượng chung là vùng biển nhiễm độc hiện nay dài hơn 400 Km và rộng hơn 30 Km. Để làm nhiễm độc một vùng biển rộng lớn như vậy người ta đã phải xả xuống biển một khối lượng cực lớn những hóa chất cực độc. Thiệt hại đã rất kinh khủng.
Nghề cá Việt Nam, đánh bắt cũng như nuôi, đang là công ăn việc làm của hơn một  triệu rưỡi gia đình, sản xuất 7 triệu tấn tôm cá trị giá 15 tỷ USD mỗi năm trong đó có gần 7 tỷ USD xuất khẩu. Nghề cá đang đứng trước nguy cơ phá sản. Sau đó là các hoạt động sản xuất nước mắm, sản xuất muối, công nghiệp thực phẩm v.v. đang nuôi sống hàng triệu gia đình. Ngành du lịch, với 8 triệu lượt người thăm viếng Việt Nam và số thu nhập 15 tỷ USD năm 2015, sẽ bị sút giảm nặng nếu không phá sản luôn kéo theo sự suy sụp của các ngành hàng không, chuyên chở, khách sạn, nhà hàng ăn uống v.v.  Những ngành này có thể sụp đổ vĩnh viễn nếu nhà máy thép Formosa vẫn tiếp tục hoạt động.
Thiệt hại kinh tế và vật chất chưa thể ước lượng hết được nhưng chắc chắn không bằng những thiệt hại gây ra cho con người Việt Nam. Nhiều người đã ăn phải cá nhiễm độc, nhiều người sẽ còn ăn phải cá nhiễm độc với những hậu quả có thể chỉ xuất hiện sau này.
Biển là tất cả đối với chúng ta. Chúng ta gọi quốc gia là “nước”, và nước trước hết là biển. Biển không chỉ là một nguồn hải sản và các mỏ dầu và khí đốt ngoài khơi. Biển mở rộng lãnh thổ, đưa Việt Nam hội nhập vào thế giới và đem thế giới đến với Việt Nam. Biển là tính mạng của chúng ta. Biển bị hư hại là tất cả bị hư hại. Và biển đã nhiễm độc.
            Trước một thảm kịch quốc gia như vậy thái độ của chính quyền cộng sản đã gây kinh ngạc và phẫn nộ.
Nguyên nhân của việc biển nhiễm độc, và nhiễm độc như thế nào, có thể khẳng định sau một vài giờ hay cùng lắm là một vài ngày, vả lại ai cũng biết rồi. Công ty Formosa cũng đã nhìn nhận trách nhiệm khi viên giám độc đối ngoại của họ “lỡ lời” tuyên bố Việt Nam phải chọn giữa tôm cá và thép. Nhưng chính quyền cộng sản đã cố tình câu giờ, trì hoãn, bao che cho công ty Formosa, không những thế còn đàn áp thô bạo những người chỉ biểu tình một cách ôn hòa để bày tỏ sư quan tâm chính đáng với môi trường. Không ngạc nhiên nếu trong vài ngày nữa họ đưa ra kết luận rằng Formosa không có hay không chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Những người lãnh đạo cao nhất của chế độ, tổng bí thư Đảng Cộng Sản, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội đều im lặng như không có gì quan trọng xảy ra. Họ trơ lì và xấc xược. Họ coi thường nhân dân Việt Nam vì cậy có bạo lực. Họ hành xử như một lực luợng chiếm đóng nước ngoài.
Đã có câu kết với nước ngoài
Lý do của sự trơ lì này là vì một sự thật đang được phơi bày: đã có sự câu kết bất chính giữa chế độ cộng sản và các thế lực tài phiệt nước ngoài, ở đây là công ty Formosa.
           Trước hết cần ý thức rằng Việt Nam không có lý do gì để thiết lập một công ty thép với qui mô lớn như công ty Formosa tại Vũng Áng (với công xuất dự trù 22 triệu tấn thép mỗi năm, 7,5 triệu tấn trong giai đoạn đầu). Kỹ nghệ thép rất ô nhiễm và nước ta đất hẹp người đông – Việt Nam phải được coi như một thành phố lớn – không thể chấp nhận những kỹ nghệ ô nhiễm. Hơn nữa Formosa lại là công ty nổi tiếng nhất trên thế giới về gây ô nhiễm, đã từng được giải “hành tinh đen”.
Chúng ta lại cũng gần như không có mỏ sắt. Trữ lượng quặng sắt của chúng ta chỉ vào khoảng 500 triệu tấn và phân tán trên 200 mỏ nhỏ nên phần lớn không khai thác được trên quy mô kỹ nghệ. Hiện nay ngành gang thép Việt Nam đã phải nhập khẩu quặng sắt dù chỉ sản xuất chưa tới 500.000 tấn mỗi năm. Lập luận cho rằng thiết lập nhà máy thép Formosa Vũng Áng để khai thác mỏ sắt Thạch Khê chỉ là thuần túy bịp bợm. Mỏ Thạch Khê không thể khai thác được vì nằm sát bờ biển và sâu dưới mức nước biển; giá thành quặng sắt sẽ rất cao so với giá quặng nhập khẩu và sẽ phải bơm hàng ngày nhiều triệu mét khối nước bẩn ra biển, nghĩa là sẽ giết chết vùng biển Hà Tĩnh. Mục đích thực sự của nhà máy này chỉ có thể là để sử dụng quặng thép ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, nơi có một trữ lượng quặng sắt rất lớn, 10 tỷ tấn theo một số ước lượng, nhưng không thể có thêm nhà máy thép được nữa vì đã quá ô nhiễm. Đây là một âm mưu xuất khẩu ô nhiễm của Trung Quốc sang Việt Nam. Những phát giác gần đây cho thấy Formosa tuy trên danh nghĩa là một công ty Đài Loan nhưng rất gắn bó với Trung Quốc.
Chúng ta càng không có lý do để xây dựng một nhà máy thép lớn vì kỹ nghệ thép cũng đang thua lỗ và suy sụp trên khắp thế giới. Một thí dụ là cổ phiếu của công ty ArcelorMittal, công ty thép lớn nhất thế giới, đã mất 90% trị giá trong gần mười năm qua. Điều này chắc chắn chính quyền CSVN phải biết vì hai khu gang thép Thái Nguyên và Lào Cai –thành lập do hợp tác với Trung Quốc- đều đang khốn đốn. Thái Nguyên kể như đã phá sản, còn Lào Cai tuy mới chỉ hoạt động từ tháng 12-2014 đã lỗ gần 50 triệu USD, trong đó 30 triệu USD riêng trong năm 2015, và đang trong tình trạng hiểm nghèo sau khi đã gây ô nhiễm nặng. Nhà máy thép Lào Cai này sử dụng 1000 công nhân, tính ra mỗi công nhân tốn 30.000 USD mỗi năm.
Như vậy phải nhấn mạnh rằng ngay cả nếu có ai đó đề nghị xây dựng biếu không chìa khóa trao tay cho chúng ta một nhà máy thép lớn và hiện đại thì chúng ta cũng vẫn phải từ chối. Dầu vậy chính quyền CSVN đã không chỉ cho Formosa thiết lập nhà máy thép mà còn cho hưởng những ưu đãi đặc biệt. Đảng Cộng Sản đã buộc Việt Nam phải mua một gánh nặng độc hại với giá đắt.
             Và không phải chỉ có thế.
Mùa hè 2014 trong vụ giàn khoan HD 981, chính quyền cộng sản đã cho công an và côn đồ giả làm người biểu tình phản đối Trung Quốc đập phá nhiều khu công nghiệp trong đó có Vũng Áng, rồi sau đó mượn cớ an ninh để thỏa mãn những đòi hỏi không thể chấp nhận được của Formosa, như cho Formosa hưởng qui chế gần như tự trị, được hưởng một chế độ thuế rất ưu đãi, không bị thu hồi đất, có quyền bán quyền sử dụng đất cho công nhân viên, không bị kiểm soát hay thanh tra, kể cả về xử lý chất thải, bởi một bộ hay cơ quan nào của Việt Nam mà chỉ trực tiếp liên hệ với văn phòng thủ tướng v.v. Không biết ngoài Formosa chính quyền cộng sản Việt Nam có còn làm những nhượng bộ tương tự với công ty Trung Quốc nào khác không.
Chính sự kiện không bị kiểm soát về xử lý chất thải đã đưa đến tại họa môi trường mà chúng ta đang chứng kiến. Một vài tuyên bố của một số quan chức xác nhận điều này. Thí dụ như ông Phan Lam Sơn phó giám đốc Sở Tài Nguyên – Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh nói: “Khi thấy nghi vấn thì cơ quan chức năng mới kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi không lấy mẫu định kỳ hay đột xuất kiểm tra. Họ tự lấy mẫu và thông số gửi cho cơ quan chức năng kiểm định là việc làm hợp lý, không có gì là không khách quan”. Không lấy mẫu xử lý chất thải cũng không kiểm tra, chỉ hoàn toàn dựa vào báo cáo của Formosa mà cho là “hợp lý, không có gì là không khách quan”! Vụ phó Vụ Nuôi Trồng Thủy Sản của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Phạm Khánh Ly cho biết là đoàn công tác của bộ không có quyền vào kiểm tra tại Khu Công Nghệ Vũng Áng.
Thật là không thể tưởng tượng được. Ở mức độ này ngay cả sự ngu dốt tuyệt đối cũng không thể giải thích tất cả, còn phải có cả tham nhũng, cố ý câu kết với nước ngoài, cố ý phản bội quyền lợi của dân tộc để mưu lợi ích cá nhân.
Những ai phải chịu trách nhiệm?
Chính quyền cộng sản đã gây ra một thảm họa chưa từng có cho đất nước với những thiệt hại vô cùng lớn có thể kéo dài trong rất nhiều năm. Toàn ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản phải chịu trách nhiệm nhưng trước hết là Nguyễn Tấn Dũng và Trần Đại Quang, thủ tướng và bộ trưởng công an cho tới gần đây. Họ là hai nhân vật có quyền lực lớn nhất trong chính phủ. Chính họ đã cho công an huy động cả chục ngàn côn đồ tới đập phá các khu công nghiệp trong đó có Vũng Áng. Phải nhấn mạnh là không làm gì có “những phần tử quá khích” nào cả, như luận điệu của chính quyền sau đó. Càng không phải là những người dân chủ đã xuống đường phản đối giàn khoan HD 981 xâm phạm lãnh hải Việt Nam một cách ôn hòa. Anh em dân chủ không có khả năng huy động nhiều người như thế ngay cả tại Sài Gòn và Hà Nội.  Đây chỉ là những công an giả làm côn đồ và những côn đồ do công an điều động tới với chỉ thị là đập phá các xí nghiệp để sau đó chính quyền có cớ thỏa mãn những đòi hỏi vô lý của các công ty nước ngoài, trong đo có đòi hỏi đặt Formosa gần như ngoài vòng kiểm soát của nhà nước Việt Nam, kể cả kiểm soát về xử lý chất thải. Hai nhân vật này phải trực tiếp chịu trách nhiệm về thảm họa mội trường mà nước ta đang phải gánh chịu. Điều đáng ngạc nhiện là cho tới nay tội đặc biệt nghiêm trọng này chưa bị tố giác một cách mạnh mẽ như đáng lẽ phải có.
Ngay sau hai ông này là ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, ông này hiện diện bên cạnh ông Nguyễn Tấn Dũng hầu như trong mọi quyết định quan trọng liên quan đến những ưu đãi dành cho Formosa.
Một người cũng rất đáng trách là ông Võ Hồng Phúc. Ông này là bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư vào lúc dự án khu công nghiệp Vũng Áng được thành lập. Là một kỹ sư về mỏ ông Phúc phải thấy sự vô lý cùng cực của dự án nhà máy thép Formosa. Ông đã bất tài hay đã là đồng lõa?
Bùi Quang Vinh, bộ trưởng Kế Hoạch và Đầu Tư sau Võ Hồng Phúc, đã thấy sự vô lý của những đòi hỏi của Formosa nhưng đã chỉ phản đối có lệ. Ông Bùi Quang Vinh càng đáng bị qui trách vì ông từng là chủ tịch ủy ban nhân dân rồi bí thư tỉnh ủy Lào Cai và đã phải biết bi kịch tài chính cũng như môi trường của nhà máy thép Lào Cai.
Bộ Tài Nguyên và Môi Trường được thành lập từ 14 năm nay với bốn thứ trưởng, 4 tổng cục, 14 cục như Cục Thẩm Định và Đánh Giá Tác Động Môi Trường, Cục Kiểm Soát Ô Nhiễm v.v. nhưng hoàn toàn vô tích sự, không đưa ra được một đạo luật nào về xử lý chất thải cả. Việc xác định nguyên nhân khiến cá chết cũng phải nhờ những chuyên gia nước ngoài. Cho đến nay đại bộ phận chất thải của các nhà máy Việt Nam được xả thẳng ra thiên nhiên không có xử lý trước. Theo báo chí nước ngoài phải đợi đến tháng 7 này chính quyền Việt Nam mới thảo luận với một số công ty Mỹ chuyên môn về môi trường do Bộ Thương Mại Mỹ giới thiệu về xử lý chất thải. Sau khi biển bị ô nhiễm và cá chết hàng loạt thứ trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Võ Tuấn Nhân khẳng định rằng đường ống xả thải ra biển của Formosa có giấy phép và không có gì sai trái cả, để rồi sau đó bộ trưởng Trần Hồng Hà tuyên bố Formosa làm như vậy là phạm pháp. Có lẽ Võ Tuấn Nhân đã nói thực, nhưng ai đã cho phép Formosa đặt ống xả thải (đường kính 1,4 m và dài 1400 m) ngay dưới đáy biển?
Bộ công an, với Cục Phòng Chống Tội Phạm Môi Trường, đã làm gì ngoài việc đàn áp những người biểu tình ôn hòa bày tỏ quan tâm khi biển bị nhiễm độc?
Thảm họa Formosa Vũng Áng vừa phơi bày dưới ánh sáng chói lọi và gay gắt bản chất bất tài, tham nhũng và hoàn toàn vô trách nhiệm của chế độ cộng sản Việt Nam. Nó cũng nhắc lại một lần nữa rằng chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là một chủ nghĩa để xây dựng quốc gia cho nên môi trường -cũng như văn học, nghệ thuật và đạo đức- hoàn toàn không phải là giá trị của nó. Nó chỉ là một kỹ thuật cướp và giữ chính quyền bằng bạo lực và khủng bố. Các đảng cộng sản về bản chất đều là những đảng khủng bố, khi nắm được chính quyền họ hành xử như một đảng cướp và một lực lượng chiếm đóng. Cần lưu ý là cho đến nay tất cả mọi chế độ cộng sản, không trừ một ngoại lệ nào, đều là những tai họa về môi trường.
Còn ai nữa phải chịu trách nhiêm?
Nhưng phải chăng chỉ có đảng và chính quyền cộng sản có trách nhiệm về thảm họa này? Câu trả lời đáng buồn là không. Bản chất của chủ nghĩa cộng sản không phải là để xây dựng một đất nước. Mục tiêu sau cùng của nó còn là xóa bỏ các quốc gia. Sự vô trách nhiệm của các chế độ cộng sản không phải là điều bất ngờ mà chỉ thể hiện bản chất không giấu giếm của nó. Sai lầm là ở chỗ một bộ phận dân tộc đã tiếp tay giúp nó cướp được chính quyền và một bộ phận khác đã không ngăn cản được nó. Nhưng đó đã là lịch sử, trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay sau khi nhận diện được nó là đã không phản ứng một cách quả quyết.
Ngày 1-5 đã có khoảng 10.000 người biểu tình ở khắp nơi nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Trước một thảm họa to lớn như thế và trước thái độ xấc xược như thế của Đảng Cộng Sản con số người biểu tình đáng lẽ phải là 10 triệu người mới đúng. Các cuộc biểu tình, đúng hơn là các dự định biểu tình, ngày 8/5 và ngày 15/5 sau đó đã bị dẹp ngay lúc mới khởi sự. Tại sao quần chúng Việt Nam không biểu lộ được sự phẫn nộ? Dĩ nhiên là vì bị kìm kẹp và đàn áp, nhưng có chế độ độc tài nào không đàn áp? Nhiều chế độ độc tài còn đàn áp hung bạo hơn. Đúng là quần chúng Việt Nam đã thụ động, nhưng sự thụ động này có lý do của nó. Đó quần chúng Việt Nam đã không có được những tổ chức đủ mạnh để động viên và lãnh đạo họ. Trong tình trạng này 10.000 người biểu tình đã là khá đông.
             Nhân dân Việt Nam đã là nạn nhân hơn là có trách nhiệm. Trách nhiệm là ở trí thức Việt Nam. Dân tộc nào cũng cần được trí thức hướng dẫn và lãnh đạo nhưng trí thức Việt Nam đã không đảm nhiệm được vai trò của mình. Trong đại đa số họ vẫn còn mang nặng não trạng nho sĩ, di sản của văn hóa nô dịch Khổng Giáo, coi làm chính trị chỉ để là được làm quan, và làm quan chỉ là để làm dụng cụ cho một chế độ, ngay cả một chế độ hung bao tồi dở, chứ không phải là để phục vụ đất nước. Họ không biết và cũng không dám đấu tranh chính trị. Cho tới nay trong vụ Formosa đã chỉ có những tiếng nói phản kháng của một vài chuyên gia trên những lợi và hại về mặt kinh tế của dự án chứ không phải trên những điểm quan trọng hơn rất nhiều là môi trường và chủ quyền quốc gia. Tiếng nói của trí thức Việt Nam quá yếu và quá ít trên một sự kiện quá quan trọng. Thái độ của trí thức Việt Nam quá nhút nhát trước một thảm họa đe dọa chính sự sống còn của đất nước. Không động viên được quần chúng là đương nhiên dù quần chúng chỉ chờ đợi để được động viên.
Những gì vừa xảy ra chỉ nhắc lại một lần nữa điều mà đáng lẽ trí thức Việt Nam đã phải hiểu từ lâu. Đó là không thể hy vọng gì ở chế độ này, nó là một lực lượng chiếm đóng chứ không phải một chính quyền Việt Nam. Phải đấu tranh để giành lấy dân chủ và muốn như thế phải đấu tranh có tổ chức. Hy vọng rằng thảm kịch vừa xẩy ra, và vẫn còn đang tác hại, ít nhất cũng giúp nhiều người tỉnh ngộ.
Một tổ chức đấu tranh bảo vệ môi trường
Thảm kịch môi trường này sẽ còn kéo dài. Chúng ta cũng không có quyền để nó chìm xuống. Trong khi hai đe dọa lớn khác, dự án Boxit Tây Nguyên và dự án xây 14 lò điện nguyên tử, vẫn còn đó. Với cách quản lý cẩu thả và vô trách nhiệm vượt mọi tưởng tượng mà chính quyền cộng sản vừa phơi bày qua vụ Formosa thảm họa bùn đỏ tại Tây Nguyên trở thành gần như chắc chắn và một tai nạn nguyên tử cũng rất có thể xẩy ra. Sự sống còn của đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Từ ba mươi năm qua, trong các dự án chính trị liên tục được cập nhật, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn luôn coi môi trường là một trong những vấn đề quốc gia lớn nhất. Trong dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai vừa công bố cách đây một năm chúng tôi coi ba mối nguy lớn nhất của đất nước là tham nhũng, sự hủy hoại của môi trường và sự lệ thuộc Trung Quốc, trong đó tham nhũng được coi là mối nguy lớn nhất vì nó đưa tới sự hủy hoại của môi trường và khiến chúng ta ngày càng lệ thuộc Trung Quốc. Nhận định của chúng tôi đã dần dần được chia sẻ. Thảm kịch cá chết giờ đây đã khiến bảo vệ môi trường trở thành một đồng thuận quốc gia hàng đầu.
Như vậy cần và nên có một sự phối hợp các tổ chức xã hội dân sự trong một tổ chức bảo vệ môi trường. Tổ chức này sẽ thống nhất và điều hợp các cố gắng đấu tranh đòi bãi bỏ nhà máy thép Formosa, bãi bỏ dự án Bôxit Tây Nguyên và đình chỉ dự án xây dựng các lò điện nguyên tử. Nó sẽ chỉ có mục tiêu bảo vệ môi trường và sẽ mở cửa cho mọi người Việt Nam dù dân chủ hay cộng sản hay không có lập trường chính trị. Các tổ chức dân chủ sẽ đứng sau lưng yểm trợ tổ chức thuần túy xã hội dân sự này trong khi vẫn theo đuổi cuộc đấu tranh căn bản hơn và trọng đại hơn là chấm dứt chế độ toàn trị và xây dựng dân chủ.
NGK/BS
-----------

5 nhận xét:

  1. Trụng cọng đang đầu độc cà dân tộc VN-Dân VN cả ngàn năm sống dựa vào biển,nay cả vùng biển từ bắc xuôi nam đều nhiễm độc,người dân đã ngần ngại dùng cá tọm từ biển...nhưng vẫn cam chịu để từ mỗi người đến cả dân tộc bị đầu độc. Dân tộc Việt sẽ bị xoá sổ nếu vì sợ cs tàn ác mà cam chịu.Lẽ nào dân ta hèn nhược như thế.

    Trả lờiXóa
  2. Sáng Chủ Nhật ngày 29/5/2016, hàng trăm người đã xuống đường tại Tokyo (Nhật Bản) sau lời kêu gọi tuần hành Aoi Umi for Vietnam – Biển xanh cho Việt Nam từ tuần trước.

    Đoàn tuần hành có gần 500 người đã tập trung tại công viên Miyashita từ sáng sớm với nhiều thông điệp khác nhau, bằng 3 thứ tiếng Nhật, Việt, Anh.

    “Cá cần nước sạch – Dân cần minh bạch” – “S.O.S - Save Our Sea” – “Tại sao? Why? Formosa Viet Nam” – “No Fish, No Nothing” – “Cá chết, Nước mắm hết” – “Save The Mermaid” – “Cá cần nước – Chúng ta cần nước mắm” – “Help me Save Fish”…
    Tuy nhiên đại sứ quán Việt Nam tại Nhật lại không hoan nghênh mấy cuộc tuần hành này. Những người có liên hệ với ĐSQ đều bị nhắc nhở là không tham gia tuần hành.

    Trong buổi sáng nay, cảnh sát Nhật Bản đã đi theo làm nhiệm vụ hướng dẫn và dẹp đường cho đoàn tuần hành từ khu vực ga Shibuya, công viên Miyashita, Omotesando, Yoyogi đến trước đại sứ quán Việt Nam.

    Buổi tuần hành kết thúc khi đám đông dừng lại trước đại sứ quán để đọc và trao kiến nghị thư của Người Việt tại Nhật về thảm họa cá chết và thảm họa môi trường hiện nay tại Việt Nam.

    Còn CSVN thì ngồi im, thậm chí còn đàn áp người biểu tình.

    Trả lờiXóa
  3. Thằng tàu nổi khùng lên rồi: Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “Hội nghị thượng đỉnh G7 do Nhật tổ chức xuyên tạc vấn đề Biển Đông, thổi phồng tình thế khẩn trương, không có lợi cho sự ổn định tình hình Biển Đông, cũng không phù hợp với vị trí của một diễn đàn về quản lý kinh tế của các nước phát triển. Trung Quốc hết sức bất mãn đối với hành động của Nhật Bản và G7.”
    Nhưng chúng chẳng làm chó gì được, chỉ dám dọa VN thôi chứ có dám dọa G7 đâu, G7 mà cấm vận một cái là tàu tiêu ngay!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết trên trang Huỳnh Ngoc Chênh của tiế sĩ Sinhvat/HoáHoc Nguyễn Thuỳ Trang:
    Formosa KHÔNG làm thép mà đang làm TITAN!
    NGHI VẤN NHÀ MÁY THÉP TRÁ HÌNH?
    Điều bạn chưa biết là nhà máy luyện thép Formosa đã vào VN hoạt động cách đây 7 năm (2009), sau 5 năm (2014) thì nhà máy bắt đầu hoạt động xả thải ra biển.
    Năm thứ 7 tức vào tháng 3/2016 thì Formosa xả thải ra biển số lượng nhiều hơn những năm đầu.
    Nghi vấn (1) Nếu Formosa là một nhà máy luyện thép thì hàm lượng hóa chất xả thải ra biển sẽ không độc hại như vậy, đồng thời sẽ khó làm cho cá chết nhiều. Chúng ta thấy hiện tượng thảm họa trong tháng 3-4 vừa qua không những cá chết mà chất độc còn hủy hoại cả hệ thống môi sinh dưới đáy biển.
    Nghi vấn (2) Tại Huế, các khoa học gia đo được kết quả cho thấy các thông số gồm tổng hàm lượng nitơ tính theo amoni (NH4+-N), hàm lượng kim loại nặng crôm (Cr) vượt giới hạn cho phép. Và hiện nay Crôm trong nước biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên vẫn cao hơn 10-15 lần cho phép. Nghi vấn (3) Phần khác, tại khu vực Vũng Áng Hà Tĩnh, phóng xạ alpha cao hơn 15 lần, phóng xạ beta cao hơn 20 lần và phóng xạ gamma cao hơn từ 30-40 lần trong không gian.
    Nghi vấn (4) Formosa 7 năm chưa sản xuất ra được cọng thép nào!
    (*) Qua 4 nghi vấn trên thì chúng ta có thể lấy khảo sát khoa học để KHẲNG ĐỊNH là Formosa KHÔNG làm thép mà đang luyện TITAN!

    VÌ SAO LÀ LUYỆN TITAN KHÔNG PHẢI THÉP?
    Tập đoàn Formosa làm giàu trên thế giới nhờ vào công nghệ làm nhựa (Plastic) chứ không phải làm thép - Nhà máy Thép Formosa chưa từng nghe qua! Như vậy điều chúng ta nghi vấn rất khả thi là nhà máy THÉP chỉ là trá hình để luyện TITAN vì titan dioxit rất cần thiết cho quá trình làm nhựa (Plastic).

    VÌ SAO PHẢI CHỌN HÀ TĨNH?
    Vùng Nghệ An – Hà Tĩnh: đây là nơi có tiềm năng lớn nhất về quặng titan ở Việt Nam. Các mỏ sa khoáng vùng này có quy mô từ nhỏ đến lớn. Người ta đã phát hiện 15 mỏ và điểm quặng. Tổng trữ lượng đã được thăm dò của 14 mỏ là hơn 5 triệu tấn ilmenit và 320 ngàn tấn ziricon.(*a)
    Khai thác TITAN rất độc hại cho môi trường, thải ra các hóa chất từ luyện Titan độc hơn khai thác thép cả trăm lần hơn. Nước biển Miền Trung hiện nay chứa nhiều kim loại nặng như chì, cadmium, asen, kẽm, sắt...và đây chính là NGUYÊN NHÂN khai thác TITAN chứ không phải là THÉP vì luyện thép KHÔNG có những đặc tính hóa chất thải ra như vậy.
    Trong quá trình khai thác TITAN, tuyển quặng nó sẽ thải ra môi trường nhiều hóa chất độc hại khiến cá chết, người hay gia súc uống phải nước nhiễm độc nầy nhẹ thì sẩy thai, gầy sút, nặng thì mất mạng...
    Đây chính là NGUYÊN NHÂN vì sao nhà nước im lặng, không dám nói lời nào!
    http://huynhngocchenh.blogspot.ca/2016/05/formosa-khong-lam-thep-ma-ang-lam-titan.html#more

    Trả lờiXóa
  5. "Trung Quốc hết sức bất mãn đối với hành động của Nhật Bản và G7.”
    Thế giới còn lại bực bội hết sức với TC!

    Trả lờiXóa