Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2016

CON NGƯỜI - NHÂN CÁCH TỪ GÓC NHÌN MINH TRIẾT

* NGUYỄN KHẮC MAI
Ba vấn đề tôi sẽ trình bày hôm nay là: minh triết Việt nói gì về con người và nhân cách; nội hàm của minh triết Việt về con người; và một số vấn đề thực tiễn.
Đạo làm người Việt Nam cần có sự nối tiếp truyền thống và hiện đại, xây dựng một cái nhìn về đạo làm người nhưng phải nối tiếp truyền thống và hiện đại, do đó những vấn đề được đề cập rất phù hợp và có thể phục vụ đề tài thảo luận về hệ giá trị.
Minh triết Việt nói gì về con người và nhân cách ?
Xin nói ngay, đây không phải là một khám phá gì mới mẻ, mà là tìm ra một điều quý giá. Nó được cất giấu, cũng như nhiều điều quý giá khác trong lịch sử, nếu biết “đào ra” đúng hướng sẽ tìm thấy.
Nói về con người, thì trong tư tưởng triết lý đã thành văn của người Việt có hai câu ở Tham Đồ Hiễn Quyết, một bài thiền học của nhà sư Viên Chiếu đầu đời Lý. Cụ quê ở Thanh Trì, được đánh giá như một bậc trí đức đầu đời Lý. Người ta nói rằng, khi cụ ra Thăng Long thì đệ tử của cụ là ba nghìn[1], trong đó có vua, triều thần, trí thức. Điều đó cho thấy, đức cao trí lớn của sư Viên Chiếu. Cụ để lại một tác phẩm tên là Tham Đồ Hiễn Quyết, có giá trị triết lý Việt rất đáng chú ý. Tham Đồ Hiễn Quyết, gồm những công án thiền được trình bày theo lối đối đáp, nghĩa là có người đưa ra câu hỏi thì lập tức trả lời. Trong đó, có câu hỏi: “Thế nhân giai nhẫm ốc, lậu nhân hà sở tại” Nghĩa đen là: “Người đời đều thuê, mượn nhà/ Người “dột” ở vào đâu?”. Có thể hiểu, người đời ai cũng đi thuê, đi mướn nhà để ở, hoặc che tạm nhà để ở,khi nhà dột có thể che chắn ở tạm. Nhưng “lậu nhân” nghĩa là con người “dột”, ý là cái cá nhân “dột”, cái nhân cách “dột”, thì con người trú vào đâu? Mình trú vào đâu trong con người “dột”? Con người “dột”, có cái “dột” về thể chất: tàn tật, bệnh tật. Có cái “dột” về tâm hồn, có cái “dột” về trí tuệ, có cái “dột” về đạo đức. Thế thì con người thật trú vào đâu được khi thân xác hoặc tinh thần bị “dột”? Đây là nói về con người - nhân cách, rất cá nhân, cá thể. Một nghìn năm trước cha ông mình đã đặt vấn đề như vậy,  thế mà, không hề có một luận thuyết nào giải bày. Đáng lẽ câu hỏi này phải dẫn đến một loạt những công trình lớn, tiếc là đã không có ai làm hay không làm được.
Đây là vấn đề lớn về triết lý, được nói rất cô đọng, lẽ ra phải giải đáp nó là thế nào. Và vì sao cái này là vấn đề? Một vấn đề không phải thuần lý mà có cả chiều sâu của tâm linh, của tâm thức. Chắc phải như thế thì cái triết lý này mới xuất hiện. Nếu mà thuần lý tính thì không chắc gì có thể xuất hiện được kể cả sau này. Với các bậc vĩ đại như Einteins thì có cái thuần lý tức là về tri thức, bên cạnh đó lại có cả cái tâm thức. Cái tri thức được dồn nén không biết bao nhiêu đời vào cá nhân các vị ấy và có cả vấn đề tâm thức, tâm linh mà hiện nay người ta gọi là “thông tin vũ trụ”. Cái tri thức vũ trụ ấy tự nhiên áp vào người này người kia và họ nêu ra được những chân lý lớn, rất lớn.
Câu hỏi do nhà sư Viên Chiểu nêu ra, nếu mà nói thuần lý thì như vậy. Con người bị “dột”, “dột” về thể xác, về tinh thần, về tâm hồn và hành vi đạo đức thì cá nhân mình trú vào đâu? Nhưng vấn đề là, con người ở đây không những được hiểu là con người hiện thực mà còn có thể hiểu là con người lý tưởng, tức là con người thực sự là người, con người từng bước vươn tới thành người, làm người.
Nền giáo dục của mình ngày xưa có các định hướng, trong đó có các định hướng rất tốt là làm sao cho con người tận kỳ tính, phát triển nhân cách đến tận cùng cái tính chất người - về trí tuệ, về tinh thần, về đạo đức, về quan hệ. Quan hệ con người trong xã hội, quan hệ con người với trời đất, quan hệ con người với triều đình. Nó đặt ra vấn đề lớn: tận kỳ tính- cố gắng làm cho con người phát triển đến tận cùng cái tính chất người, cái tính cách người của nó.
Đến giáo dục thời Pháp, bao gồm năng lực, trí lực của phương Tây cộng với năng lực, trí lực của trí thức người Việt có tư tưởng, tư duy Á Đông. Nó phối hợp được hai cái này do đó từ đầu thế kỉ 20 đã tạo ra những con người Việt Nam có tầm vóc cao. Sau này, hai chục năm, nhà trường ở miền Nam tiếp tục hội nhập với thế giới phương Tây, với giá trị Việt, với giá trị Á Đông. Rất cần nghiên cứu về giai đoạn này, mình chưa nghiên cứu mà cứ bỏ hết là sai. Nền giáo dục cần tiếp nhận được cả nhân loại đồng thời bảo tồn giá trị Á Đông và giá trị Việt cho con người. Nếu “lùn” về văn hóa Việt, đặc biệt là trống rỗng về đạo lý Việt, không biết gì về tư tưởng của cha ông, thì đó là cái khốn khổ. “Thế nhân giai nhẫm ốc, Lậu nhân hà sở tại” đặt ra hàng loạt vấn đề mà mình phải tính đến.
Có một điều cần phải suy nghĩ là, tại sao đầu đời Lý lại xuất hiện triết lý này? Trí tuệ đóng góp thế nào? Tâm thức đóng góp thế nào? Tâm linh đóng góp như thế nào? Theo tôi, đầu đời Lý có vấn đề là, sau khoảng năm chục năm, ba triều Ngô, Đinh và Tiền Lê, tập trung vào việc quy tụ các sứ quân để thành một quốc gia, rồi đánh ngoại xâm để giữ nền độc lập vừa mới ra đời, nên chưa có điều kiện làm được nhiều về các mặt khác. Đến đầu đời Lý, tâm thức dân tộc Đại Cồ Việt bắt đầu thấm vào vua quan, vào xã hội, tự nhiên cụ thiền sư Viên Chiếu ngộ ra vấn đề con người. Nhờ cái này mà đầu đời Lý đã để lại lý tưởng nhân văn cao đẹp. Trong lịch sử Việt Nam không có triều đại nào nghĩ về con người với tư tưởng nhân văn, tạo thành năng lực tự nhiên, như đời Lý. Vua ngồi trong cung, đốt lửa để sưởi cũng vẫn rét, thấy công chúa cũng run cầm cập, nhưng phản xạ đầu tiên của vua là, người tù sống thế nào trong cái rét lạnh này.[2] Tư tưởng nhân văn của nhà Lý là như vậy. Mình không tiếp nhận được nên làm hỏng tư tưởng này.
Nếu nhìn chiều sâu thì thấy có vấn đề. Không rõ các nhà quản lý  giáo dục biết gì về lịch sử, về tư tưởng, về văn hóa, về văn minh Việt, về những giá trị mà nó để lại? Đầu đời Lý có sự thôi thúc về bản năng sinh tồn Đại Cồ Việt. Chính từ cái thôi thúc tâm linh, tâm thức ấy ở trong bậc thiền học, một con người trí tuệ cao, mà nảy sinh ra vấn đề “lậu nhân” này.
Đáp lại câu hỏi trên, cụ Viên Chiếu trả lời: “Kim ô kiêm ngọc thố/ Doanh trắc mạn lao phân” Nghĩa là: “Mặt trời cùng với mặt trăng/ Đầy vơi nào đã  biết chăng thế   thế nào”. Đó là cảm quan vũ trụ về con người, bằng nhận thức nhân sinh là không đủ. Triết lý về con người ở nền giáo dục của chúng ta hiện nay chưa đủ cao để vươn tới cái tầm mà người xưa gọi là Đại Cồ - làm cho nó lớn, nó đàng hoàng. Đàng hoàng là tử tế, hẳn hoi, đúng đắn, là đâu vào đấy, chu đáo từng chi tiết một. Đây là vấn đề rất lớn về triết lý con người.
Chữ “lậu” cũng có phần xuất phát từ Phật giáo. Vì đây là thiền sư nói nên mình phải hiểu thêm. “Lậu” liên quan đến khái niệm Astrava. “Lậu” nghĩa là thấm, “dột”, tiết ra. Cái nghĩa lậu của nhà Phật là cái tham - sân - si, cái xấu của con người như là phiền não của con người chảy qua tai, qua mắt, qua mũi, qua miệng, qua tiếp xúc… Mắt nhìn những cái hư hỏng, tai thích nghe những lời nịnh hót, mũi thì thích ngửi những đồ ăn ngon. Cho nên phải tu để làm sao ngăn chặn cái “dột” này, không cho nó tuôn ra. Phải thay cái lậu này, bằng cái nhân minh lậu, chảy ra/ tiết ra cái nhân minh,cái chân cái thịên cái mỹ.
Đặt vấn đề làm sao khỏi “dột” và làm sao đạt tới tính người là vấn đề lớn. Hiện nay trong lịch sử triết học, người ta đặt ra con người phải có mấy bậc, bậc thú đã vượt qua rồi để thành người. Còn phải cố gắng đạt đến tận kỳ tính - giá trị hoàn chỉnh về tính người. Tây Phương cũng như Đông Phương, đều chủ trương con người cần đạt đến giá trị hoàn chỉnh về tính người, đều có nguyện vọng nâng con người lên thành bậc thánh. Cách đặt vấn đề này có lý, vì nếu trong những con người tốt như thế này mà không có thánh thì không ai hướng dẫn. Nhu cầu “thánh” xuất hiện mỗi khi con người thăng hoa phát triển nhưng không chỉ dừng lại ở “thánh” mà con người phải đạt đến thành “thần” - năng lực siêu nhiên, hài hòa với vũ trụ. Trong lịch sử của ta, rất nhiều người được phong thần. Nghiên cứu những nhân vật được phong thần này, đều là những con người tuyệt vời, xuất sắc trong lịch sử Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên mà bây giờ có rất nhiều đền miếu để thờ những vị thánh, vị thần này. Mình cứ tưởng đó là mê tín, cho đó là mê tín dị đoan, thế là đập phá lung tung.
Đây là vấn đề, khi nói về con người để làm sao khỏi “dột” thì người ta đặt nó trong một chuỗi hệ thống. Con người không “dột” tức là con người tận kỳ tính - con người phát triển. Marx nói phát triển “tận thiện” và nói một cách chính trị là phát triển tự do cá nhân để có tự do xã hội. Theo Marx, phát triển tận thiện con người có nghĩa là phát triển cái tự do cá nhân. Mà tự do cá nhân không phải là theo cách hiểu của mình, tự do làm lung tung. Tự do theo đúng nghĩa của nó thì rất đẹp, rất lớn. Đấy là điều kiện cho con người phát triển theo nhân cách, theo nhân tính, theo nguyện ước của nó và đặc biệt là theo khả năng gọi là tâm thức của nó, nghĩa là theo những định hướng tự nhiên có sẵn. Với tư tưởng này thì cụ Nguyễn Trãi đã nêu lên vấn đề cực lớn cho sự phát triển . Cụ nói: “Sinh đời thái bình ai cũng được ở yên, gặp thưở thánh minh ai cũng được thỏa sống”. Thưở “thánh minh” tức là thuở chính trị, đạo đức, kinh tế phát triển hài hòa tốt đẹp. Đường lối cai trị văn minh, dân chủ, khoa học, văn hóa. Ai cũng được thỏa sống theo mình. Và như thế tức là con người được đặt ra trong một môi trường chính trị, xã hội, kinh tế rất nhân văn thì mới được “ở yên”, đời mới được thái bình. Thái bình tức là yên ổn. Thịnh trị tức là giàu sang. Sống ở trong cái đời mà phát triển như thế thì ai cũng được yên ổn. Đấy là những triết lý liên quan đến con người Việt Nam, của Việt Nam. Cần đem triết lý này mà suy nghĩ và tính toán cho con người.
Trở lại câu trả lời của cụ Viên Chiểu, “Vầng trăng kia với mặt trời, Hoài công mà tính đầy vơi thế nào.” Trả lời như vậy có ý nghĩa gì không?Có hai tầng ý nghĩa.Tầng thấp, hiểu trên bề mặt, là :’ối dào, mặt trăng, mặt trời còn khi tròn khi khuyết nữa là con người” Theo tôi, ngụ ý ở đây là, vấn đề lậu nhân - con người “dột” thì phải giải quyết theo cảm quan vũ trụ. Đây là một gợi ý lớn, phải xem xét vấn đề con người, ở tầm vũ trụ.Chỉ đặt con người ở tầm nhân sinh,không thể giải quyết được! Ở tầm vũ trụ thì phải nghiên cứu tâm linh, nghiên cứu tôn giáo của con người[3].
Nhân nói về con người, và cái “dột” của con người, cũng cần nghĩ đến các dân tộc. Có những dân tộc chỉ cần 30 - 50 năm từ nghèo nàn và lạc hậu thành giàu có và văn minh. Trước đây, trong thế giới cũ như Việt Nam, cần cả nghìn năm. Nhưng thời hiện đại, từ giữa thế kỷ XX, đã có sự thay đổi, thì chỉ cần khoảng 30 - 50 năm. Nhìn vào nước Nhật là thấy rõ nhất. Từ một quốc gia phát xít trở thành một quốc gia dân chủ, có nền kinh tế đứng vào hàng thứ hai, thứ ba trên thế giới. Bây giờ bất cứ sản phẩm nào của Nhật đều tốt bền, vậy mà họ vẫn luôn thay đổi từ cái tốt này sang cái tốt khác. Năm 1945 nước Nhật thua trận, bị phá sản, nền văn minh cũ bị hỏng. Trong vòng 50 năm, họ đã phát triển, đặc biệt nhân cách con người cực đẹp. Vì thế, vấn đề là phải lo cái “lậu nhân” của những người có trách nhiệm quản lý, quản trị xã hội. Hiện nay, chỉ chăm lo cho người trẻ là chưa đủ mà phải chăm lo “cái lậu”, “cái dột” của những người quản lý, quản trị xã hội, của công chức, của trí thức, của doanh nhân. Vì thế tôi đề nghị cần xây dựng 3 con người mới, 3 cột trụ mới của xã hội Việt:
Một là, trí thức hiện tài. Đây không phải là loại trí thức rởm. Trí thức mà không dám phân tích đúng sai, không để tâm đến cái được và chưa được trong xã hội thì không phải là trí thức. Trí thức “dột” là rất nguy hiểm. Đã “dột” lại xạo, lại đánh tráo khái niệm để đánh lừa thì rất nguy hiểm. Phải chăm lo khắc phục cái “dột” cho trí thức để có trí thức hiện tài.
Hai là, doanh nhân cấp tiến. Đây không phải là loại ăn cắp, ăn cướp, gian lận mà giàu có. Hiện nay, có một bộ phận doanh nhân làm giàu bằng ăn cướp của dân, ăn cắp của nhà nước. Đặc biệt là ăn cướp và ăn cắp đất. Tự nhiên mảnh đất của ông, tôi tìm cách thế nào đó để cưỡng đoạt, từ 1 của ông chuyển sang tôi thành giá trị 100. Một cách ăn cướp kì quặc như vậy mà vẫn tồn tại.Cho nên phải có doanh nhân cấp tiến.
Ba là, chính khách nhân văn. Đây là những người quản lý, quản trị xã hội  hành xử một cách nhân văn. Mà nhân văn không chỉ có ý nghĩa là dễ thương. Ở đây, “văn” có ý nghĩa là có trí tuệ, biết làm việc một cách khoa học. Còn “nhân” là có đạo đức con người.
Tôi gọi đó là tam bảo mới, 3 cột trụ mới chống cho ngôi nhà Việt Nam. Nếu muốn sống trong ngôi nhà Việt Nam này thì phải lo cái “dột” cho những người này, phải chỉ ra chỗ “dột” của trí thức, của doanh nhân, của chính khách.
Nội hàm của minh triết Việt về con người
Phẩm chất và nội hàm của minh triết về con người là cái gì? Hôm nay tôi chỉ nói đến nhân chủ. Khái niệm nhân chủ của thế giới phong kiến là chủ của con người, tức là nhà vua, chủ của con người trong đất nước. Đấy là nghĩa cũ. Nghĩa mới, nhân chủ tức là con người chủ nhân đông đảo trong xã hội. Ngày xưa người ta cũng có cái hiểu như thế nhưng bị ý trên lấn ép, tức là nói nhân chủ là nhà vua. Và họ có yêu cầu đã là nhân chủ, nghĩa là người chủ của quốc gia dân tộc, thì phải thế nào cho xứng. Nhưng bây giờ trong thế giới mà mình đang sống, thì nhân chủ là cái chủ thể con người trong xã hội, tức là nói  về con người - người dân nói chung trong xã hội. Vậy mình đặt vấn đề như thế nào đây?
Khi nói đến nhân chủ, tức con người chủ thể của xã hội, là nói đến các bước phát triển khi so sánh với ba ngôi theo quan niệm của Việt Nam xưa. Trời là một ngôi, tức là ngôi vũ trụ, đất (thiên nhiên) là một ngôi, và con người là một ngôi. Nên người ta gọi là Thiên, Địa, Nhân. Ba ngôi này cần phải sáng như nhau, tiếc rằng cái quan niệm nhân chủ lại rất mờ nhạt trong nền giáo dục Việt Nam.[4]
Trong nhà trường, người ta khai thác ý đầu, tức là có một ông chủ của các em, của chúng sinh để mà giáo dục, coi chúng sinh này là cấp dưới của ông chủ. Đây là một cái dở của nền giáo dục  Kể cả quan niệm hiện đại, ở nơi này nơi khác coi con người như là một công cụ, một sự phân công, thì quan niệm như thế cũng là hỏng, là sai lầm. Mình phải đảo lại quan niệm ấy, phải coi con người là chủ thể và phải làm cho nó khi thở thì nó cũng là một chủ thể của hành động thở. Ngay trong phân công lao động kĩ thuật mới thì cũng phải làm như thế. Do đó con người được định hướng, giúp đỡ, tạo dựng. Không biết triết học phương Tây giải quyết như thế nào, nhưng trong thực tế nó thể hiện được cái này. Cho nên đa số thanh niên trong xã hội yên tâm, không cần phải đi tìm cách trở thành quan chức, thành công chức mà vớ vẩn đến bất trị.
Bây giờ có hiện tượng lo lót để trở thành một giáo viên mẫu giáo, hoặc giáo viên tiểu học phải mất 100 - 200 triệu. Không biết bao giờ sẽ hòa vốn, nhưng vẫn phải chạy theo là vì sao? Là vì cái danh làm trong nhà nước bị cường điệu. Cũng vì cái danh làm trong nhà nước bị cường điệu mà có chuyện  500.000 cử nhân và kĩ sư thất nghiệp. Tâm lý muốn đi học đại học để vào một vị trí đang phổ biến. Nó khác với xã hội phương Tây, khi ra đời không cần những hình thức này.
Khái niệm nhân chủ là một khái niệm lớn trong minh triết về con người của Việt Nam. Rất cần hiểu xưa thế nào, nay thế nào, làm rõ như thế nào thì mới chuyển hóa được giáo dục của mình, rồi từ đó chăm lo cho học sinh nội dung này, nội dung kia.
Vấn đề nhân chủ hiện nay thực chất là vấn đề mà mình gọi là nhân quyền. Nhân quyền là nói theo phương Tây. Á Đông và Việt Nam thì nói con người là nhân chủ. Thế đứng của con người là như thế. Nhân quyền, hiểu sâu và cụ thể là đạo lý, đạo nghĩa. Cần phải kết hợp đạo nghĩa với luật lệ. Hai cái phải phối hợp lại trong cái quan niệm về nhân chủ và về con người Việt Nam. Nếu giải đáp được vấn đề này thì đó là những tầng bậc cần bước lên để biến đổi chất lượng xã hội và chất lượng con người. Tất nhiên phải qua kinh tế, qua xã hội, qua vấn đề chính trị để giải quyết vấn đề này.
Về vấn đề nhân chủ thì các học thuyết cổ điển của phương Đông, của phương Tây đều có câu trả lời, nêu ra cái tầm và vị thế của con người ở trong xã hội. Trong đó, cả triết học phương Đông và triết học phương Tây đều nhìn thấy hai mặt của con người. Vừa có khả năng thánh thiện để thành thần thánh, nhưng cũng đầy chất ma quỷ, đầy lỗ hổng. Đặc biệt, như Socrates hay Khổng Tử, đều nói “Tôi không biết gì hết đâu”, thừa nhận cái kém, cái bất toàn của con người. Ngày nay nền giáo dục không biết thừa nhận cái bất toàn của con người. Đặc biệt là học thuyết của ta gần như vô tâm, vô minh với lĩnh vực con người. Thế nào là con người? Thế nào là người dân? Thế nào là cái thánh thiện của họ? Thế nào là cái bất toàn của họ?
Có một câu trả lời rất minh triết của Việt Nam đầu thế kỉ 20, rất tiếc hệ thống giáo dục mới, văn hóa mới gần như không biết tới, . Đó là triết lý được đúc kết hết sức tài tình của các cụ Đông Kinh Nghĩa Thục. Đây cũng là vấn đề vừa trí, vừa tâm, vừa thức trong những con người kiểu như Lương Văn Can. Khi Pháp xóa sổ Đông Kinh Nghĩa Thục, trường còn nợ 7.000 đồng Đông Dương. Cụ Lương về xui bán nhà để trả nợ, hồi bấy giờ 1 đồng Đông Dương đong được gần 2 tạ gạo. Phải có những con người vô ngã như vậy, cho nên tự nhiên tiếp nhận được bao nhiêu cái hay cái đẹp của nhân loại vào nó, còn nếu trong đầu óc mà đầy quyền lợi, đầy tham vọng thì cái hay, cái đẹp bị chọi ra. Đây là cả một vấn đề.
Đông Kinh Nghĩa Thục trả lời như thế này về con người: “Á Âu chung lại một lò. Đúc nên nhân cách mới cho là người”. Phải đúc trong cái lò luyện này thành ra một thực thể mới, không phải là gá lắp. Giáo dục của ta mới là dán nhãn. Dán nhãn lên trán tức là áp đặt một cái bề ngoài, không thành bản thể con người. Còn các cụ Đông Kinh Nghĩa Thục gọi là “đúc”, là nhào nặn. Nhà nước, gia đình, xã hội và tự nó nhào nặn để nó hình thành cái nhân cách cho nó, của nó. Chữ “Đúc” này là vấn đề rất lớn, truyền giảng như thế nào để học sinh thấy được nếu tự nó không “đúc” thì  chỉ là dán nhãn thôi. Phải làm sao để chuyển hóa, mà phải tự nó chuyển hóa, tự nó nung đốt tạo thành phẩm chất mới, là việc nó phải tự làm. Đó là vấn đề giáo dục phẩm chất con người hiện nay.
Vì thế cho nên có câu chuyện về con người có hai mặt: “thị” và “phi”. “Thị” là đúng đến vô cùng, “phi” là sai cũng vô cùng. Hai cái này chuyển hóa, có cái “thị” lại hóa ra rất sai ví dụ như vấn đề chủ nghĩa cá nhân. Mình tưởng chống chủ nghĩa cá nhân là đúng, hóa ra là sai, là không Marx. Theo Marx, cần tạo ra nhân cách tự do để cho con người tận thiện. Cố gắng tạo ra tận thiện cái mức sống để mở ra tận thiện về phát triển nhân cách.
Năm tôi 12 tuổi mới vào đầu trung học, tức là secondaire, 5 đứa bàn với nhau “Theo Việt Minh hay theo Cộng Sản?” Thế hệ mình 12, 13 tuổi đã biết đặt vấn đề Việt Minh hay Cộng Sản, lớn vô cùng. Ngày nay, trẻ em lên mạng, biết bao nhiêu là thông tin, kiến thức nên không thể coi thường được. Ngày nay, những em 14, 15 tuổi học trung học là đã biết phân biệt được cái gì đúng cái gì sai, thối nát hay không, đáng lẽ phải khuyến khích, tạo cho nó một tâm thức đẹp, nhưng mà cũng biết cái gọi là “lậu” của mình. Đây là nội hàm, triết lý nhân chủ của Việt Nam, vấn đề là đưa vào trong giáo dục như thế nào?
Có một vấn đề đặt ra, tại sao cái xấu cái ác hiện nay nẩy nở phát triển đến mức lạnh lùng, rùng rợn mà lại rất tự nhiên, tức là không có văn hóa để điều tiết con người. Con người quay trở về sống hồn nhiên với cái thú cách, không phải là nhân cách. Đây là vấn đề rất lớn, là sự thất bại của nền giáo dục và của  các thiết chế xã hội.
Ngay chuyện điều tiết của tôn giáo cũng không ổn. Đang có cái suy đồi về tôn giáo truyền thống của Việt Nam. Nhiều nhà chùa không còn là nơi đạo lý mà là nơi khuyến khích mua quan bán tước, chụp giật tranh giành nhau các thứ. Vì sao? Vì không có những ông thầy tu đạo hạnh. Nó “dột” từ mấy ông sư. Lẽ ra, đây là một lực lượng có khả năng điều tiết xã hội. Tương tự như chính trị, như giáo dục, như gia đình, như sản xuất, tôn giáo cũng có khả năng điều tiết hành vi con người. Cũng vì không hiểu biết và làm lung tung cho nên kinh tế không ra kinh tế. Cái không tốt, có người gọi là cái hoang dã, trong kinh tế hiện nay là  tình trạng ăn cướp, lưu manh, chộp giật. Với tình trạng như thế thì kinh tế  làm sao nuôi dưỡng được con người. Vì thế mà những người có sẵn thú tính thì sẽ nổi lên hành sự. Cái đau của chúng ta chính là nỗi đau này. Nếu hệ thống thiết chế xã hội còn bị “dột”  thì con người còn hư hỏng. Nhân chủ là nội dung lớn có ý nghĩa triết học, mình phải suy nghĩ để đưa vào trong giáo dục tìm ra những mô hình nhân cách, những hệ giá trị để giải đáp vấn đề này.
Tôi nghĩ trong vấn đề nhân chủ này, phải ưu tiên chống “dột” cho ba cột trụ: trí thức hiện tài, doanh nhân cấp tiến và chính khách nhân văn. Ba ông này càng tử tế càng có nhiều thì sẽ định hướng được xã hội. Cách đây khoảng 20 năm, tôi có đề xuất một khái niệm “xây dựng nhóm định hướng xã hội”. Không nên hiểu nhóm định hướng xã hội  là giai cấp. Giai cấp là phân công, phân loại theo hệ thống làm ăn sinh sống. Nhưng trong từng giai cấp có những con người, trong đảng viên có những con người, trong công chức cũng vậy, những con người này quy tụ gọi là nhóm xã hội định hướng. Họ sống bình thường trong xã hội, họ không cần giảng giải triết lý, nhưng họ định hướng bằng chính cuộc sống tốt đẹp của họ. Người ta nhìn họ sống mà hướng theo.  Mọi người cho một thuật ngữ tiếng Pháp là “groupe sociale orientée” - nhóm xã hội để định hướng sự phát triển. Nếu mình chỉ nói hệ giá trị nói chung thì chưa được. Phải coi trọng cái định hướng cho nhóm tinh hoa.
Một vài vấn đề thực tiễn
Hiện nay tôi thấy có ba vấn đề thực tiễn cần phải suy nghĩ.
Thứ nhất: hệ giá trị Việt phải hòa đồng với hệ giá trị nhân loại, không được tách. Các cụ Đông Kinh Nghĩa Thục bảo là “Á Âu chung lại một lò”, nếu anh chỉ có nhăm nhăm đi tìm hệ giá trị Việt thì không giải quyết được. Bây giờ là làng toàn cầu nên hệ giá trị Việt phải hòa đồng với giá trị nhân loại. Dân tộc mình làm được điều này thì sẽ tiến lên vững bền và nhanh. Nhật là bài học sáng giá nhất, nó đã giải quyết được vấn đề này, nó đem hệ giá trị Nhật hòa nhập một cách hết sức nhanh và hết sức tự nhiên với hệ giá trị nhân loại. Ông Fukuzawa, cha đẻ của nền giáo dục Nhật hiện đại bảo là: gạt bỏ cái lạc hậu của Châu Á mà nhập vào Tây phương. Cho nên mình phải coi trọng hòa nhập giá trị Việt với giá trị nhân loại. Đây là vấn đề thực tiễn thứ nhất.
Hiện nay nhà trường không rõ giá trị Việt là gì. Nói về hệ giá trị Việt, không thể không nói về giá trị Phan Chu Trinh, cùng thời với hệ giá trị Đông Kinh Nghĩa Thục. Phan Chu Trinh là một trong ba vị chủ soái, ngồi giữa là cụ Lương Văn Can, ngồi bên cạnh là cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu. Ba vị này là linh hồn của Đông Kinh Nghĩa Thục, xếp bên cạnh ba cụ còn  chín, mười vị. Nhưng chỉ ba cụ này là cột trụ. Ba cụ có chính kiến khác nhau, nhưng hòa hợp trong một vấn đề về giáo dục văn hóa, và hỗ trợ lẫn nhau. Bài học này là bài học tuyệt vời. Cần nghiên cứu về hệ giá trị Đông Kinh Nghĩa Thục  Và hệ giá trị Phan Chu Trinh ,cùng các nhà canh tân để rồi đưa vào giáo dục. Tiếc rằng  chưa nghiên cứu  cho kỹ mà có lúc lại còn coi thường.
Đấy là vấn đề nghiên cứu hệ giá trị Việt, trong đó giá trị con người, triết lý về con người, về văn hóa. Đọc lại Đông Kinh Nghĩa Thục mới thấy các cụ đã hình thành nên một hệ thống suy nghĩ về các vấn đề. Định nghĩa của Đông Kinh Nghĩa Thục về chính phủ rất tân tiến. Chính phủ chẳng qua là những người dân nắm chính quyền. Hôm qua anh là dân, tôi bầu một cái là thành thủ tướng. Nếu mà biết triết lý này thì sẽ không nẩy sinh nhiều vấn đề như hiện nay. Hòa đồng giá trị Việt như thế nào, đâu là giá trị đích thực của văn hóa Việt đấy là những vấn đề cần làm rõ. Cái khó khăn lớn, cái tạo ra tình trạng suy đồi văn hóa, đạo đức chính là chỗ này. Làm sao để đưa hệ giá trị Việt cùng với giá trị nhân loại hòa hợp là một vấn đề rất quan trọng.
Cái thứ hai, trong quá trình đi tìm hệ giá trị và nhân cách Việt phù hợp, phải lo hệ giá trị của môi trường văn hóa. Phải chăm lo, suy nghĩ đồng thời phải có những kiến giải về môi trường văn hóa, không thể tách rời việc này với việc nghiên cứu về giá trị con người và về hệ giá trị Việt. Phải ưu tiên suy nghĩ về hệ giá trị chính trị. Hệ giá trị chính trị mà méo mó không đạt chuẩn thì xã hội rối loạn.
Nghiên cứu của mình hiện nay cứ tách rời ra. Ông Hoàng Tụy có nói “Hệ thống mẹ của hệ thống giáo dục có vấn đề, làm sao hệ thống con tử tế được”. Phải tìm,  tạo ra linh kiện, tạo ra con chíp, để rồi tạo ra cái mạng, đồng thời biết gắn liền với hệ phần cứng có thể thấy. Ưu tiên của mình là tìm ra con chíp có chất lượng. Nhưng nếu tìm ra con chip có chất lượng mà không đặt được nó trong một mạng, với hệ thống nối mạch hợp lý thì vô nghĩa.Chúng ta từng chứng kiến có những người có bằng sắc thật,có kiến thức thật, nhưng khi ở trong một hệ thống lỗi,có khi nó phá hoại còn nhiều hơn.Nên phải có suy nghĩ và giải quyết  mối  liên hệ, sự nối kết này.
Hiện nay trong chốt giá trị để tìm tới một nhân cách con người Việt có một bộ ba phạm trù: Thiên, Địa, Nhân. Các cụ nói “đạo trời cho thuận” là làm theo những quy luật tự nhiên trong đó con người đang sống. Đấy chính là quy luật nhân văn trong mối quan hệ giữa các dân tộc. Một ông lép vế đến mức thành thần dân, thành lệ thuộc. Một Ông cứ giương vây giương cánh muốn làm bá chủ, muốn tiếp tục làm thiên tử thì theo đạo trời như thế là không thuận. Các cụ lại nói “đạo đất cho yên”. Đạo đất tức là các mối quan hệ của con người với môi trường trong các mặt làm ăn kinh tế, cả trong giáo dục, dạy dỗ - học hành. Rồi đến “đạo người cho hòa”, nghĩa là thuận quy luật trong các mối quan hệ nhân sinh với nhau trên trái đất này. Con người cần phải “hòa”, nghĩa là không “đấu”. Khi biến con người thành “đấu” thì loạn, thì không yên.
Như Trung Đông hiện nay, muốn biến con người thành “đấu”, nó rất ghét chủ nghĩa tư bản hiện đại, ghét các tôn giáo không giống ý nó, không phải là của nó, nên nó thích “đấu”, “đấu” quyết liệt đến mức ôm bom liều chết, không chấp nhận cái phi lý tư bản chủ nghĩa hiện nay. Nó đang sang Tàu “đấu”, sang Mỹ “đấu” rồi. Nhưng triết lý Việt Nam ở đây là “hòa đạo người”.
Điều này thú vị ở chỗ, khi tôi nghiên cứu Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm thì hai cụ này có học thuyết kinh tế tuyệt vời mà có lẽ nhiều người, kể cả lãnh đạo, chưa biết tới. Cụ Nguyễn Trãi nói: “Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày” mà lộc nghĩa là thu nhập, lợi nhuận, phần thưởng, lương, gia tài được kế thừa, sổ xố cũng là lộc. Ăn lộc thì phải biết ơn những kẻ cấy cày tạo ra giá trị lộc. Triết lý điều hảnh lương thưởng của chúng ta không thấm điều này. Khi tôi làm đề tài cấp nhà nước, bàn về chính sách lương, tôi trình bày và nói rõ chính sách lương là có tội, từ Bộ Nội vụ đến Ban Tổ chức Trung ương, tất cả đều hoan nghênh. Nhưng khi về đánh máy nộp bài thì tôi phải điều chỉnh sửa lại, không nên ác khẩu. Chính sách lương là có lỗi vì nó làm điên đảo mọi giá trị. Con người lương thiện trở thành ma quái vì chính sách lương.
Cái thứ hai, chốt lại, cần coi trọng hệ giá trị Việt kết hợp với hệ giá trị nhân loại trong tam bảo. Chính các trí thức hiện tài, các doanh nhân cấp tiến, các chính khách nhân văn, nếu ta giao cho họ, sẽ là những người phát tỏa ra hệ giá trị Việt kết hợp với hệ giá trị nhân loại. Họ phát tỏa ra không phải bằng lời nói mà bằng chính hành động, bằng cách hành xử của họ. Đây là bài học của thế giới tư bản hiện đại. Họ biết cái gì là đầu mối là họ đầu tư. Vì thế cho nên sau một thời gian ngắn họ có những con người rải rác ra trong xã hội làm trụ cột cho cộng đồng, từ trong doanh nhân, từ trong trường học, từ trong chính quyền. Họ có những con người biết uốn nắn, biết phản biện, biết sửa đổi. Tam bảo chính là đầu mối, cần phải tập trung đầu tư.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm lại có “triết lý ơn ích” giữa người giàu với người nghèo, nghĩa là giữa nhà doanh nghiệp hồi bấy giờ với người làm thuê, và điền chủ với nhà nông. Trong khi cụ Nguyễn Trãi nói rằng: Kẻ cấy cày là lực lượng sản xuất ra của cải vât chất và tinh thần, thì cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm nói trong mấy bài thơ: “Người nghèo phải thấy ơn người giàu”. “Ơn” là vì họ thuê mình, họ giao ruộng cho mình cày cấy để mình có cuộc sống; nhưng “Ích” là người giàu phải biết người nghèo là ích của mình chứ không phải đấu tranh để triệt tiêu nhau. Hai bên này phải dựa nhau, biết ơn - ích. Người nghèo phải biết ơn người giàu, người giàu phải biết người lao động có ích.
Cụ Nguyễn Bình Khiêm còn đề cập đến vấn đề tín dụng, đến giá cả buôn bán. Hệ thống quan niệm về kinh tế có giá trị là thuyết “ơn - ích”, là thuyết mà chủ nghĩa tư bản đang tìm cách để giải đáp, vì thế họ có chủ nghĩa tư bản xã hội đang hình thành ở Châu Âu và Mỹ. Cho nên có những đại gia như là Bill Gates, dứt khoát 75% của cải của mình để cho xã hội còn 25% để cho mình và con cái. Trong khi đó con cái họ lại nói: không cần mấy chục % của bố mẹ để lại cho mình mặc dù mấy chục % đó trị giá hàng tỉ, chúng tôi tự nuôi sống. Tức là trình độ con người lên đến mức như vậy. Ở Việt Nam chưa có như vậy./.
-----------------
[1] “Ba nghìn” ở đây được hiểu là rất nhiều. Khoảng giữa thế kỷ trước, dân gian một số vùng thuộc đồng bằng Bắc bộ, khi muốn nói cái gì đó rất nhiều, thường nói “Có mà tam thiên lủng”. Ở đây, “tam thiên” là ba nghìn.(Người biên tập - NBT)
[2] Ở đây, ông Mai muốn nhắc đến một sự kiện về Hoàng Đế Thánh Tông (vua thứ ba đời Lý). Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư (Quyển III) ghi như sau: Mùa đông, tháng 10, đại hàn, vua bảo các quan tả hữu rằng: “Trẫm ở trong cung, sưởi than xương thú, mặc áo lông chồn còn rét thế này, nghĩ đến người tù bị giam trong ngục, khổ sở về gông cùm, chưa rõ ngay gian, ăn không no bụng, mặc không kín thân, khốn khổ vì gió rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu, và cấp cơm ăn ngày hai bữa”. (NBT)
[3] Tôn giáo ông Mai đề cập ở đây có lẽ nên hiểu như Erich Fromm (1900 –1980) triết gia nhân văn và nhà xã hội học dân chủ người Đức. Theo Fromm, Tôn giáo là “bất cứ một hệ thống tư tưởng và hành động nào được chia sẻ bởi một nhóm người, cung cấp cho mỗi cá nhân một khung định hướng  và một mục tiêu để hiến dâng.” (B.tập trích theo Nguyễn Văn Trọng  trong bài “Vấn đề con người trong giáo dục”, cùng in trong tập sách này).
[4] Trong đoạn này ông Mại muốn nhắc đến quan niệm Tam Tài mà theo một số nhà Nho, ba nhân tố Thiên, Địa, Nhân có năng lực kiến tạo ra “đạo”. Ví dụ, cắt nghĩa về Tam Tài, trong cuốn Tam Tự Kinh (do NXB Đồng Nai in năm 1995) tác giả Đoàn Trung Còn cho rằng, theo Kinh Dịch thì, “Lập nên Đạo Trời là khí âm và khí dương” “Lập nên Đạo Đất là chất cương và chất nhu”, “Lập nên Đạo Người là đức nhân và đức nghĩa” Từ đó suy ra Trời, Đất, Người là “ba bậc tài ở trong đời”.
NKM (Tác giả gửi BVB)
-----------

8 nhận xét:

  1. Nghe ông Obama phat biểu, đọc mấy bài phát biểu của ông Trân Đại Quang giống như so sánh một người thông thái với người cù lần. Từ ngôn từ, cách diễn đạt của lãnh đạo ta sao mà kém đến thế. Nhìn phong thái ung dung cho cá ăn của ông Obama thấy một con người thông thái còn đông tác của Kim Ngân như mụ bán cá

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Con người truyền thống khác với "con người mới XHCN" chứ!
      "con người" mà còn "mới XHCN" chắc chắn là quái dị rồi!

      Xóa
  2. Dân lương thiệnlúc 12:56 27 tháng 5, 2016

    Cám ơn bác Nguyễn Khắc Mai về một bài viết công phu, sâu sắc và nhiều tư liệu quý.
    Giá trị toát lên trong bài viết để lại cho chúng ta chính là câu chuyện lý thú về gia tài của cha con ngài Bill Gates khi ngài quyết định để lại 75% gia tài của mình cho xã hội và chỉ để 25% cho bản thân và con cái, nhưng chính những đứa con cũng từ chối phần được hưởng trong 25% đó.
    Điều đó chứng tỏ con cái Bill Gates đã nhận được gia tài lớn nhất là TRÍ TUỆ do người cha truyền lại rồi.

    Nói đến đay, tôi liên tưởng tới Obama.
    Obama kể từ nhỏ ông đã không có cha, lớn lên tại châu Á và ông được giáo dục, trưởng thành từ nước Mỹ, Obama cũng có một TRÍ TUỆ tuyệt vời, đó là tài sản lớn nhất mà nước Mỹ đã đem lại cho ông.
    Trong chuyến thăm VN của Obama, người Mỹ đã chi tiêu một khoản tiền lớn đến 500 triệu USD để đảm bảo cho An ninh của chuyến thăm nhằm củng cố quan hệ 2 nước Việt - Mỹ.
    Báo chí trong nước ngoài nước đã ca ngợi ông hết lời về sự thông minh, lịch thiệp, hòa nhã, thiện chí... nhưng báo chí ít đề cập đến một tình tiết nữa: Về Quân sự, Obama cũng rất "cao thủ"
    Trong 4 câu mà Trần Khánh Dư đã viết lên lời tựa cuốn VẠN KIẾP BÍ TRUYỀN THƯ của Trần Hưng Đạo Đại Vương:

    Người giỏi võ cầm quân thì không cần bày trận.
    Người giỏi bày trận thì không cần đánh,
    Người giỏi đánh thì không thua.
    Người khép thua thì không chết

    Obama thông hiểu kinh sử và đã áp dụng chiến thuật thứ hai.

    Có lẽ đây cũng là cái duyên Trời định.
    Hưng đạo đại Vương đã hai lần đánh bại quân Nguyên - Mông, nhưng không theo lời cha dặn, không "Đoạt chiếm ngai vàng", Đại Vương của chúng ta đánh giặc xong là đón xa giá nhà vua trở lại Thăng Long, còn ngài trở về Vạn Kiếp dậy dân tròng cây thuốc ( Dược Sơn ) và viết sách....

    Trở lại câu chuyện của bác NKM, những con người vĩ đại không ham của, không ham danh... thì có tất cả

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. KHÁC XA CHA CON NGUYỄN TẤN DŨNG, VƠ VÉT CÁC XÁC CÒM VN VÀ NỒI CƠM NGHÈO ĐÓI CỦA NGƯỜI DÂN VÀO TÚI ĐÔ LA CỦA MÌNH. CHA HÀ CÁNH Ô NHỤC CÒN CON TIẾP TỤC VÉT Ở KIÊN GIANG

      Xóa
    2. Con gái TT Bush (con) từng làm hầu bàn để kiếm tiền đóng học phí đấy.
      Không như tuyên truyền "tư bản xấu xa", họ làm nghề gì cũng là cao quý. Chỉ có không chịu làm mới là đáng khinh, bị thần kinh, vô năng. Loại ăn cắp, dù nhỏ, chỉ có chỗ trong nhà tù, không thể sống ngoài xã hội.
      Bạn có thể tưởng tượng con gái X đi phục vụ bàn? Nếu vậy, cô ả sẽ thành người cao quý. Nhưng ả ta không chịu làm "người tử tế", như tía ả ta chém gió!

      Xóa
  3. Người giác ngộlúc 20:20 27 tháng 5, 2016

    Tôi tán thành nhận định của Dân lương thiện.
    TT Obama là TƯỚNG GIỎI BÀY TRẬN THÌ KHÔNG CẦN ĐÁNH
    Ông sang Việt Nam, mang theo máy bay tầu bò, xe lội nước, mật vụ và cả những con chó giữ... rầm rầm rộ rộ, bầy binh bố trận khắp nơi.
    Nhưng ông Tổng thống không dùng đến các phương tiện đó, ông đi ăn bún chả, ông đi bắt tay thân tình với mọi người, ông ghé vào quán nước ven đường trú mưa
    Và ông đã thắng trận.
    Hi hi

    Trả lờiXóa
  4. CŨNG LÀ LÃNH ĐẠO NHƯNG CON NGƯỜI CÓ GIÁO DỤC VÀ CÓ VĂN HÓA THẬT KHÁC XA VỚI NHỮNG KẺ VÔ GIÁO DỤC VÀ VÔ VĂN HÓA.
    PHƯỢNG HOÀNG KHÔNG NÊN SO SÁNH VỚI CHIM SẺ !

    Trả lờiXóa
  5. Ở Bà Mà thật vĩ đại ! Ai đó thất thập tam đáng hổ thẹn !?

    Trả lờiXóa