Trong hơn 7 năm làm Tổng thống, ông Obama đã để lại không ít dấu ấn, đặc biệt là trong ngoại giao. Nếu như nhiệm kỳ đầu của ông Obama khá “mờ nhạt” thì đến nhiệm kỳ thứ 2 lại là quãng thời gian bùng nổ những thành tựu ngoại giao đáng kinh ngạc.
Ngay trong những ngày đầu của chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2007, ông Obama đã tự tin khẳng định mình là nhà ngoại giao hàng đầu.
Khi người điều hành cuộc tranh luận hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Iran, Syria, Venezuela, Cuba và Triều Tiên để thu hẹp khoảng cách với nước Mỹ hay không, Tổng thống Obama đã trả lời: “Tôi sẵn sàng”. Lúc đó, phần lớn các nhà quan sát kỳ cựu nhận định ông Obama rất "ngây thơ". Nhiều người cho rằng ông chưa sẵn sàng trở thành Tư lệnh quân đội và lãnh đạo nước Mỹ.
Tuy nhiên, sau 7 năm tại vị, ông chủ Nhà Trắng đã chứng minh cho các quan chức Hoa Kỳ cũng như cả thế giới thấy được, sự tự tin của mình là hoàn toàn có cơ sở. Trong số các quốc gia được nhắc đến ở trên, những nước vốn được xem là đối địch lâu đời với Mỹ, ít ra ông Obama đã “bắt tay” được với Iran và Cuba cũng như đang nỗ lực tìm kiếm sự thay đổi ở Syria và Triều Tiên.
Chỉ trong vòng vài tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015, Tổng thống Obama đã liên tiếp gặt hái thành công và đây trở thành thời gian hiệu quả nhất trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Tháng 11/2014, ông đã đạt được thỏa thuận quan trọng về khí hậu với Trung Quốc. Tháng 12/2014, ông tuyên bố bình thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Tháng 11/2014, ông đạt được Quyền đàm phán nhanh từ Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát để tiến tới việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cũng trong khoảng thời gian này, Tổng thống Obama đã công bố thỏa thuận lịch sử về chương trình hạt nhân Iran.
Tổng thống Mỹ và Tổng thống Iran đã đạt được một thỏa thuận hạt nhân lịch sử sau thời gian dài đóng băng quan hệ. Nguồn: Aim |
Trong chính sách đối ngoại, khác với người tiền nhiệm thường đưa ra những tuyên bố hăng hái về chủ trương sử dụng sức mạnh của Mỹ nhằm thay đổi thế giới, trong nhiệm kỳ 2, Tổng thống Obama lại thẳng thắn duy trì quan điểm nước Mỹ cần phải xoay trục về trong nước thay vì phung phí sức lực cho việc giải quyết những vấn đề của thế giới. Bởi vậy, chấm dứt các cuộc chiến tranh tốn kém của Mỹ ở Iraq và Afghanistan nằm trong ưu tiên hàng đầu của ông Obama.
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran
Kiên trì quan điểm đường lối ngoại giao bền bỉ, Tổng thống Obama một lần nữa thành công trong việc đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, mở ra giai đoạn hợp tác mới với quốc gia Trung Đông giàu tài nguyên dầu mỏ.
Tháng 9/2013, ông Obama thực hiện một hành động lich sử là hội đàm qua điện thoại với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani. Và sau 35 năm ngày quan hệ Mỹ - Iran đổ vỡ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo và cuộc khủng hoảng con tin tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Mỹ và các cường quốc ngồi vào bàn đàm phán với Iran.
Theo chuyên gia Trita Parsi thuộc Hội đồng Mỹ - Iran, thỏa thuận hạt nhân “chắc chắn là thành tựu ngoại giao lớn nhất của ông Obama”. “Cuba có thể gần gũi hơn với người Mỹ, nhưng Iran và việc ngăn chặn nguy cơ sản xuất bom hạt nhân và thay đổi mối quan hệ hai nước có ý nghĩa lớn lao hơn nhiều xét về địa chính trị”, chuyên gia Parsi nhấn mạnh.
Nhà phân tích Suzanne Maloney thuộc Viện Brookings cho rằng thỏa thuận là bước đột phá quan trọng, hoàn toàn có thể so sánh với các thỏa thuận cắt giảm thời Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Trên trang Middle East Eye, nhà phân tích Peter Oborne cũng đánh giá thỏa thuận hạt nhân Iran là thành tựu phi thường của ông Obama, giúp chấm dứt tình trạng cô lập của Iran và giảm nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông.
Bình thường hóa quan hệ với Cuba
Cùng với sự kiện thúc đẩy thỏa thuận hạt nhân Iran, việc Mỹ nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba sau nửa thế kỷ thù địch cho thấy chính quyền của Tổng thống Obama đang có những bước đi nhằm điều chỉnh lại chính sách đơn cực, thích ứng với tình hình thế giới, với những xu thế mới đầy biến động.
Hai nhà lãnh đạo Mỹ và Cuba thân mật sau khi bình thường hóa quan hệ. Nguồn: Brookings |
Riêng trong câu chuyện với Cuba, cuộc gặp lịch sử và đầu tiên giữa nhà lãnh đạo hai nước Cuba và Mỹ diễn ra bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Panama, đã cho thấy sự quyết tâm của ông Obama trong việc viết nên chương mới cho quan hệ vốn 60 năm xa cách. Giới chức Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo thảo luận về việc mở sứ quán ở La Habana và Washington cũng như một số vấn đề khác.
Ngày 1/7/2015, Mỹ và Cuba đã tuyên bố đạt thỏa thuận mở lại đại sứ quán tại thủ đô hai nước, chính thức khôi phục quan hệ ngoại giao. Việc tái thiết lập đại sứ quán của hai nước trên lãnh thổ của nhau vào ngày 20/7/2015 là bước đột phá khiến cả thế giới phải chú ý. Mặc dù quốc hội Mỹ vẫn sẽ duy trì lệnh cấm vận kinh tế với Cuba nhưng chính sách này nhiều khả năng sẽ có thay đổi dần dần trong thời gian sắp tới.
Chính sách xoay trục và vai trò của Việt Nam
Từ cuối năm 2011, Mỹ đã thực hiện "chính sách xoay trục" sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tháng 10/2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã viết rằng nước Mỹ "chuyển hướng một cách chiến lược sang khu vực này nhằm đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ". Và Tổng thống Mỹ Barack Obama, trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia vào tháng 11/2011, đã "ghi dấu ấn" cá nhân lên chính sách này.
Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Mỹ - ASEAN. Nguồn: Reuters |
5 năm qua, Mỹ đã có những động thái rõ ràng nhằm triển khai chính sách tái cân bằng tại châu Á-Thái Bình Dương. Đối với khu vực Đông Bắc Á, Mỹ không ngần ngại thể hiện cam kết vững chắc đối với các đồng minh, đơn cử tuyên bố của ông Obama tái khẳng định rằng quần đảo Senkaku / Điếu Ngư nằm trong hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật.
Tại Đông Nam Á, Tổng thống Obama đã tham gia đầy đủ hơn tại khu vực và đích thân tới dự các diễn đàn thường niên như hội nghị thượng đỉnh An ninh Đông Á. Những năm gần đây Mỹ đã điều động thêm binh sỹ và khí tài quân sự tới khu vực, đồng thời củng cố các liên minh an ninh với các quốc gia thành viên ASEAN.
Đối với chính sách xoay trục tại khu vực Đông Nam Á, Tổng thống Obama vẫn luôn nhấn mạnh rằng Việt Nam là một đối tác quan trọng của Mỹ. Đánh giá về những thay đổi lớn trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ kể từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam năm 2000, chuyên gia chính trị của Huffington Post nhận định trong những năm qua, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tháp tùng Tổng thống Obama còn có hàng loạt quan chức cấp cao đến từ nhiều Bộ ngành quan trọng, nhiều lãnh đạo các công ty lớn. Điều đó chứng tỏ Mỹ rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam và muốn tăng cường sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ tiếp theo (Trump hay Hilary) chắc chắn sẽ rắn hơn Obama.
Trả lờiXóaTổng thống nước Mỹ cũng có nghĩa là người lãnh đạo cả thế giơi.Gần đây môt vài nơi trên lục địa xì xầm muốn chia quyền với nước Mỹ nhưng xem ra xu thế chưa đảo ngược ít ra là lúc này.Nước Mỹ chưa muốn từ bỏ vai trò dẫn dăt thế giới và vẫn vững vàng ganh trach nhiêm trước Nhân loại.
Trả lờiXóaCái anh Hoa Kỳ này cũng lạ, cứ thích làm "sen đầm quốc tế" - ôm rơm cho rặm bụng.
Trả lờiXóaNhưng mà cũng may cho loài người, không có cái anh "sen đầm" này thì lũ đầu trâu mặt ngựa (kiểu như Tàu Cộng) hoành hành không ai trị nổi!
Ngẫm ra thì cái khái niệm "độc lập", "tự chủ" (nhất là của những quốc gia "chiếu dưới") cũng không thể hiểu và giải thích một cách giản đơn như ta vẫn ... phán ào ào.
Tôi luôn ngưỡng mộ khâm phục nước Mỹ
Trả lờiXóavà Mỹ không phải là bọn xâm lược như ĐCS VN đã tuyên truyền trước đây