Nhà văn Dương Thu Hương và tác giả tại nhà riêng của bàở nhà tập thể A8 phòng 308 Khương Thượng (24/02/2002) Hình tư liệu: LPK |
* LÊ PHÚ KHẢI
Dương Thu Hương bị bắt ngày 14/4/1991và được trả tự
do ngày 20/11/1991 vì “lý do nhân đạo”.
Từ nước Nga xa xôi, đài phát thanh tư nhân Irina phát bài Dương Thu Hương, một bài học,
một câu hỏi do chính Irina viết, với đoạn mở
đầu: “Ai tin được lòng nhân đạo của một
chính quyền muốn bỏ tù ai thì bắt, muốn thả thì buông, chẳng cần xét xử trước
công chúng. Nhân đạo ở đây là bệnh tâm thần của một số người có quyền lực, đinh
ninh mọi người khác đều có tội”.
Cuối tháng 3 năm ấy (1991), khi tôi ở Mátxcơva về,
Irina có nhờ tôi chuyển một bức thư (dán kín) cho Dương Thu Hương, lúc đó chị ở
đường Ngô Thời Nhiệm, Hà Nội. Cũng dịp ấy tôi gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông
cũng đang trong tâm trạngchờ đến lượt mình “lên đường” vì ông mới gửi thư cho
Trung ương trước Đại hội 7. Bác Viện bảo tôi: “Ở Pháp, một nhà văn như Dương Thu Hương thì không có gì đáng nói,
nhưng nếu bắt Dương Thu Hương như thế thì người ta xuống đường ngay, phản đối
ầm ầm ngay. Còn ở ta thì đến giới trí thức cũng im re”!
Phân tích về tình trạng ấy của giới trí thức VN, Irina
lý giải trong bài viết kể trên: “Sau cơn
ác mộng (chiến tranh – LPK) được chút tự do kiếm cơm, kiếm áo, hưởng chút không
gian và thời gian của trời đất cũng là đủ mãn nguyện!”.
Nhà báo Lê Phú Khải |
Năm 2002, tôi ra Hà Nội, lúc đó đã là 10 năm sau khi
Dương Thu Hương bị giam giữ 7 tháng 6 ngày, chị đã trở thành một nhà bất đồng
chính kiến gay gắt nhất, có những phát biểu, những bài viết đanh thép lên án
chế độ độc tài đương thời, nhiều nhà văn đã bị chị chửi thẳng vào mặt trước mọi
người vì khi chị đi tù đã lên tiếng phê phán, bịa đặt về chị. Tôi ngỏ ý đến
thăm Dương Thu Hương thì nhiều bạn văn nghệ sĩ khuyên tôi “dại gì” mà đến, có
khi bị chửi vỗ mặt, bị đuổi ngay từ cửa. Tôi bình tĩnh trả lời: Nếu tôi có bị DTH
nhổ vào mặt thì tôi thấy mình cũng xứng đáng nhận sự khinh bỉ đó. Vì, đường
đường một đấng nam nhi mà không bao giờ tôi dám ho he phát biểu một điều gì, dù
biết người ta làm sai hoàntoàn, vô lý, vô đạo đức, vô Pháp luật mà một “nhi nữ
thường tình” như DTH lại dám dõng dạc lên tiếng. Thấy tôi nói thế, không ai
khuyên tôi “lùi bước” nữa. Cuối cùng thì nhà thơ nổi tiếng Trúc Thông dẫn tôi
đến thăm DTH tại một khu nhà tập thể ở quận Đống Đa. Cái tờ giấy viết tay Hương
đưa cho tôi ghi địa chỉ của chị: “Dương Thu Hương – 8525818. P- 308 Nhà A8 Khu
Đống Đa Hà Nội” tôi còn giữ đến bây giờ. Năm 2002 Hương vẫn đẹp như xưa. Chị có
nước da đen ròn, nói chuyện rất có duyên. Hôm đó là sau Tết, nhà còn rượu vang Bordeaux , hạt dưa, bánh
kẹo để tiếp khách. Bức ảnh tôi chụp DTH đang cắn hạt dưa duyên dáng vô cùng.
Tất cả những người đàn bà trên trái đất này khi ngồi bệt, xếp bằng trên chiếu
cắn hạt dưa đều rất hiền dịu, rất mong manhdù người đó là DTH. Tôi vẫn giữ tấm
hình DTH ngồi trên nền nhà trải chiếu hoa, đề ngày 24/2/2002 đó và đôi lúc còn
đem ra hỏi bạn bè: Người thế này mà bắt bỏ tù à? Người thế này mà bảo là dữ
dội, “đanh thép” à?
Nhưng khi DTH nói chuyện thì bất cứ người đàn ông đanh
thép nào trên thế giới cũng phải thừa nhận mình đang ngồi trước một người phụ
nữ đáng kính nể.
Chị bảo với chúng tôi: “Em thấy tình thương đôi khi
cũng là tội ác các anh ạ!”.
Thấy câu nói lạ tai quá, tôi hỏi vì sao. Hương kể: Khi
chị ở tù, cậu công an còn trẻ coi sóc chị, mỗi lần đưa cơm cho chị đều lót một
tờ báo Tuổi Trẻ mới ở đít nồi để chị đọc. Chị biết là báo do cậu ta mua với đầy
thiện chí. Khi trên có lệnh thả chị, cậu ta vui vẻ vào báo tin. Chị đã bảo với
cậu ta: “Về nói với cấp trên rằng, bà
Hương bảo, bắt bà có lý do thì thả bà cũng phải nói lý do, nếu không bà không
về”.
Thế là DTH không chịu ra tù. Cậu công an vận động mãi,
chị vẫn một điều như thế. Cuối cùng cậu ta buồn quákhóc! Hương hỏi vì sao, cậu
ta nói: Nếu không vận động được chị ra tù thì cậu bị đuổi việc, và nếu bị sa
thải thì bên nhà gái không cho làm đám cưới. Nói rồi cậu ta lại xụt xịt. Thương
cậu ta quá nên Hương phải rời nhà tù!
Kể đến đây Hương bảo tôi và Trúc Thông: Vậy tình
thương như thế các anh thấy có phải là tội ác không?
Trúc Thông thân với DTH nên anh yên lặng, có lẽ vì
quen với cách nói năng, quen với logic của Hương rồi. Còn tôi thì chóang! Tôi
chưa gặp ai dữ dội như Hương. Chị còn kể tiếp, khi thằng con chị nộp đơn thi
đại học, trong lý lịch, phần nghề nghiệp của mẹ, chị ghi: Nghề nghiệp: chống
Đảng. Khi chị ra đồn công an chứng lý lịch, chị thấy tất cả mọi người trong đồn
đều giả vờ đi rađể coi mặt chị! Trưởng đồn nói: Chị Hương nên bỏ cái nghề
nghiệp như thế này đi, nếu để thì nhất định cháu nó không được vào đại học đâu!
Hương bảo với tôi: Nghĩ thương thằng con quánên em đành phải gạch cái nghề
nghiệp chống Đảng ấy đi. Như thế có phải tình thương cũng là tội ác không hai
anh?
Chưa hết, Hương còn kể: lúc ở tù, “làm việc” với viên
sĩ quan công an, chị nhìn vào mặt anh ta quát to: Anh đang thiếu chất, mặt mũi
xanh xao thế này là thiếu chất. Lương anh không đủ nuôi vợ nuôi con, bọn ăn cắp
ở trên nó ăn hết phần anh rồi, chúng nó đều trở thành tư bản đỏ rồi, anh phải
dối lòng mà làm việc, tôi thương anh lắm, anh cũng nghĩ như tôi mà thôi!
Kể một thôi, rồi Hương nói với tôi và Trúc Thông: Em
nói xong, viên sĩ quan run bần bật, vì anh ta thấy em nói trúng tim đen anh ta.
Văn sĩ DTH đã để lại cho văn học nước nhà nhiều tác
phẩm giá trị, Nói cho công bằng thì sự nghiệp văn chương của chị thật đồ xộ.
Tiểu thuyết có: Bên kia bờ ảo vọng, Hành
trình ngày thơ ấu, Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề, Chốn vắng, Đỉnh cao
chói lọi… Tập truyện ngắn có: Bông bần ly, Một bờ cây đỏ
thắm, Ban mai yên ả, Đối thoại sau bức tường, Chân dung người hàng xóm, Truyện
tình kể trước lúc rạng đông, Vĩ nhân tỉnh lẻ… Chị
là tác giả VN được dịch ra tiếng nước ngoài vào loại nhiều nhất. Có đến 6 tác
phẩm được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức… Bộ Văn hóaPháp đã trao Huân chương
Văn chương Nghệ thuật (Chevalier des Arts et des Lettres) cho DTH. Tiểu thuyết Chốn vắng được
đề cử giải Femina và nhận Giải thưởng Lớn của tạp chí Elle (Grand Prix de Elle)
2007. Năm 2009 giáo sư tiến sĩ Joseph Pivado về văn chương Anh ngữ của Đại học Athabasca ở Alberta Canada đề cử chị ứng cử Giải Nobel
năm ấy. Theo ông, với Đông Nam Á và Trung Quốc thì nữ văn sĩ như DTH rất hiếm
có.
Ngòi bút của DTH là ngòi bút dự báo, dẫn đường. Ngay
những tác phẩm đầu tay của chị như Bên kia bờ ảo vọng, Những thiên đường mù… đã
khác hẳn thứ văn chương “phải đạo” đương thời. DTH đã báo trước những “thiên
đường vỡ chợ” mà nhà thơ Trần Mạnh Hảo vừa nhắc đến, vừa viết hôm nay (2013).
Là độc giả của hầu hết các tác phẩm của DTH từ rất
sớm, tôi thấy chị đã làm đúng chức năng của một nhà văn là nhìn thấy những gì
người ta không nhìn thấy. Đúng như nữ nhà báo Nga Irina viết: “Có những lúc một
con người, một hành động, một tác phẩm hoàntoàn ăn khớp với một hoàn cảnh lịch
sử, với hoài bão của đông người trong hoàn cảnh ấy. Lúc đó, con người đó biến
thành một bài học sống, bài học kết thúc một thời đại, mở màn cho một thời đại
khác.” DTH là một con người của một thời đại cũ, nhưng “chẳng thèm xin phép ai,
chị ngang nhiên bước vào thời đại mới.” (Irina)
Tôi có cái “duyên” với Dương Thu Hương về sự đồng điệu
trong tư duy chính trị. Đó là vào năm 1992, một đoàn nhà báo, gồm toàn những
nhà báo có “máu mặt”, tổ chức lên Đà Lạt nhằm bênh vực chị Đặng Việt Nga, kiến
trúc sư và anh Phương cũng kiến trúc sư, hai chủ nhân của “Ngôi nhà trăm mái”
đang bị địa phương bắt tháo dỡ vì nhiều lý do không chính đáng. Đường xa, hết
chuyện bàn, tôi nêu câu hỏi: Nếu bây giờ phải chọn hai gương mặt tiêu biểu cho
VN thế kỷ qua thì các vị chọn ai? Mọi người đều chọn nhân vật số 1 là Hồ Chí
Minh. Vậy còn người thứ hai? Cả xe im lặng. Có vị nói: Võ Nguyên Giáp! Tôi phản
đối và đưa ra nhân vật thứ hai là Dương Thu Hương! Cả xe nhao nhao phản đối. Có
người hỏi: DTH là cái quái gì mà ông lại cho là nhân vật thứ hai sau HCM? Tôi
trả lời: "Chẳng là cái quái gì mà tự cho mình có quyền đứng ngang hàng và dám vỗ
vai nhắc nhở các vị đang cai trị dân chúng, thì đó là dân chủ, là xã hội công
dân chứ còn gì nữa! Độc lập và Dân chủ là hai phạm trù lớn nhất, được cả dân
tộc nhắc đến nhiều nhất trong thế kỷ qua. Độc lập thì HCM là hình tượng, còn
Dân chủ thì đến Đại tướng cũng không dám đối thoại với Tổng Bí thư Lê Duẩn, DTH
là thảo dân mà lại tự cho mình quyền ăn nói ngang hàng với các vị đang đứng
trên đầu dân, thì đó là hình tượng của Dân chủ. Sau hình tượng của Dân tộc phải
là hình tượng của Dân chủ"… Chẳng thấy ai trên xe nói gì nữa!
Tôi nói tiếp: Lúc bị tù không án, DTH tuyên bố: Đảng
hãy thử “chơi sang một lần” đem tôi ra tòa xét xử công khai trước dân chúng và
để tôi tự bào chữa xem sao? Một đảng cầm quyền, có đủ nhà tù và quân đội trong
tay mà không dám “chơi sang” đem xử công khai một người đàn bà trước công chúng
thì đảng ấy mạnh hay yếu? Và người đàn bà ấy yếu hay mạnh thưa các vị? Vẫn
không thấy ai nói gì! Tôi lại nói: DTH chính là Dân chủ, sức mạnh của thời đại
mà chúng ta cần phải có…
Ba năm trước, nhà thơ Hoàng Hưng ở Pháp về có đưa cho
tôi cuốn tiểu thuyết Chốn vắng bản
tiếng Việt, khổ to, dày cộp. Đây là một trong các tiểu thuyết của DTH được dịch
sang tiếng Pháp từ khi chị định cư ở Paris
năm 2006. Nghe nói Chốn vắng này
bản tiếng Việt rất khó kiếm sau khi nó được dịch ra tiếng Pháp với tựa đề Terre des oublis. Đưa
cho tôi, anh Hưng nói: Ông đọc trước đi, xem thế nào? Tôi đọc nó cần mẫn trong
năm ngày và thấy đề tài này ở VN thì bình thường, nhưng với dân châu Âu thì rất
hấp dẫn, và dưới ngòi bút của DTH thì lôi cuốn độc giả. Câu chuyện nói về chiến
tranh. Một chị phụ nữ đã có chồng và chồng chị đi bộ đội thời chống Mỹ. Đã
chết, có báo tử. Ở nhà vợ đi lấy chồng khác. Bỗng dưng sau chiến tranh người
chồng cũ trở về. Ông chủ tịch xã dẫn anh ta đến nhà vợ cũ và nói với cả ba
người (một đàn bà, hai đàn ông): Không ai có lỗi cả… lỗi là chiến tranh.
Là độc giả của hầu hết tác phẩm của DTH, tôi thích
nhất tập truyện Chuyện tình kể trước lúc rạng
đông. Nếu gặp tác giả tôi phải xin lại cuốn đó, vì cuốn của tôi thất
lạc mất rồi. Tôi nghĩ rằng nếu DTH cho tái bản cuốn này thì hay biết mấy. Chắc
chắn có nhiều độc giả.
Lúc chia tay Trúc Thông và tôi trong cái buổi sáng mùa
xuân năm 2002 đáng nhớ đó, Hương tiễn chúng tôi xuống tận đường, chị không quên
nhắc lại lần gặp tôi tại Sài Gòn ở cơ quan đại diện NXB Hội Nhà văn. Lần đó, vô
Sài Gòn, chị kể, hễ đến cơ quan nào, biết chị là DTH thì người đang nói chuyện
với chị đều bỏ chạy!
Câu cuối cùng DTH nói với chúng tôi trong cái buổi
sáng đẹp trời đầu năm 2002 đó, là: Chúng nó mới cắt điện thoại của em. Em đã
gọi điện cho công an nói rằng: bảo thằng Phan Văn Khải mắc ngay điện thoại lại
cho bà, không thì bà không để yên cho đâu! Em nói rất to cốt để cho cả khu phố
nghe.
DTH là người như thế. Nhiều người bảo chị đanh đá!
Nhưng không thấy ai bảo thằng vô cớ cắt điện thoại là thằng lưu manh. Dân tộc ta “không có truyền thống dân chủ”
như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói là hoàn toàn đúng.
LPK (Uyên Nguyên’s
Blog)/TTHN
-----------
* trích LỜI AI ÐIẾU,
Người Việt Books xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2016
-------------
Hê hê,"nghề nghiệp" của nữ văn sĩ DTH thật là ấn tượng!
Trả lờiXóaĐề nghị mọi người khi chẳng may bị "thanh niên xung phong" hoặc "dân phòng" bắt về đồn,nếu bị yêu cầu khai lý lịch thì ghi "nghề nghiệp" như thế.
Giống như năm xưa,giặc Nguyên Mông rất khiếp sợ khi bắt được người Việt nào cũng thấy trên tay xăm chử Sát Thát.
Tôi thấy bà DTH.can đảm đến táo bạo (bạo mồm) phê phán không kiêng nể ai cả nhưng đều thuận lý (logic),thậm chí những "trí thức" người VN.thiên tả mà thân cộng ở Pháp từng giúp đỡ bà lúc bà mới qua Pháp chơi và rồi sau đó bà qua Pháp sống cho đến nay.
Trả lờiXóaBà cho là họ luôn "tự sướng" về "cuộc chiến chống Mỹ giống như đàn bà cần son phấn".Ví von trí thức nam giới với đàn bà cũng là cách
"hạ nhục" của bà nhà văn DTH.Có người nói đàn bà thường "nhẹ dạ" vì
tình cảm nhiều qúa của họ !
Cảm phục bà nhà văn có tư cách không lẫn với ai được !
Lê Phú Khải là nhà báo chân chính luôn thê hiện tiếng nói của thảo dân.
Trả lờiXóaMỗi người có một cách thể hiện chính kiến và bản lĩnh của mình.
Trả lờiXóaKinh nghiệm cuộc sống "lấy nhu thắng cương" thường có hiệu quả khiến nhiều người nể sợ hơn.
Và tốt nhất không nên bình luận người này đúng , người kia sai....
Tôi nhớ mãi câu nói của một người thầy cũ của tôi
NGƯỜI TA THÍCH NÓI TO VÌ NGƯỜI TA TƯỞNG NÓI TO LÀ NÓI ĐÚNG.
Và thực tế ông không thích nói to.
Tuy vậy, vẫn cần nói to khi cần thiết
Rất tiếc, tôi chỉ đọc được cuốn Những thiên đường mù. Còn các tác phẩm khác không có để mà đọc. Tiếc quá !
Trả lờiXóaViệt Nam không phải 'thiên đường mù' mà thiên đường ở phía trước, còn lâu lắm, Tổng Trọng nói: "Đến hết TK 21 VN chưa chắc có CNXH hoàn thiện"!!!
XóaTôi đã đọc 3 quyển của bà, đó là: Bên kia bờ ảo vọng, Đỉnh cao chói lọi , Những thiên đường mù...Một nhà văn rất có cá tính, rất nên đọc ...Tôi đang tìm đọc tiếp mà chưa được , khó quá !
Trả lờiXóabạn vào Google gõ thuquan(thư quán)sẽ tìm được trong đó 15 tác phẩm của DTH
XóaBầu trời Chính trị Viêt Nam đã có cánh chim Dương Thu Hương báo bão.
Trả lờiXóaTôi kính trọng nhà văn DTH . Văn học VN thời 1989- 1990 có đôi chút khởi sắc ,đáng đọc cũng là nhờ tướng Trần Độ (khi đó là trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ TU ) và nhà văn Nguyên ngọc lúc đó " Nắm " tờ văn nghệ . Với tư tưởng thoáng của hai ông mà Dương Thu Hương , Nguyễn Huy Thiệp , Phạm Thị Hoài , Phùng gia Lộc ...... Đã có dịp được xuất hiện trên văn đàn .Tiếc rằng ngày vui ngắn chẳng tày gang , cả hai ông sau đó bị Nguyễn Văn Linh và Đỗ mười " Cạo " . Nhưng tất cả họ đã để lại tiếng thơm cho đời .
Trả lờiXóaĐGCĐ
Đỗ Mười cũng có tiếng thơm - dùng thay cho "ĐM".
XóaCác tác phẩm của Dương Thu Hương đều có trên mạng, qua dạng pdf hay mobile. Bác lên đó tìm, google là ra hết. Các bạn ở nước ngoài có điều kiện nên tìm mua sách chính thức để ủng hộ tác giả. Kính báo.
Trả lờiXóaNhư vậy, nghề nghiệp của bà DTH là đấu tranh cho công bằng xã hội!
Trả lờiXóaKẻ thiển cận và ngu dốt này rất cảm phục những con người có trí tuệ và can đảm chống lại cường quyền.
Trả lờiXóa