Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Sự tiếp cận thận trọng của Mỹ trước một Trung Quốc quyết đoán

* Robert Sutter 
Khi những người đứng đầu nhà nước và các đoàn đại biểu đến từ hơn 50 quốc gia tụ họp tại Washington để tham dự Hội nghị thượng đỉnh An ninh Hạt nhân, chỉ có hai cuộc gặp song phương bên lề và một trong số đó là cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Cuộc gặp mặt giữa ông Obama và ông Tập Cận Bình không chỉ nhấn mạnh tính chất trung tâm của quan hệ Mỹ-Trung, mà còn cả sự cấp thiết của mối quan hệ này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và Tổng thống Obama chuẩn bị rời Nhà Trắng. Với 8 tháng còn lại trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama, đây là một thời điểm tốt để đánh giá di sản lịch sử của tổng thống.
Tin tức nổi bật từ cuộc gặp là tuyên bố Mỹ-Trung là hai nước đầu tiên ký kết thỏa thuận về biến đổi khí hậu toàn cầu đạt được tại Paris vào tháng 1. Tin tức tích cực này cho thấy sự hợp tác giữa hai nước lớn có lẽ sẽ không thay đổi cách tiếp cận gần đây kiên quyết hơn của Obama với những thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho các lợi ích của Mỹ trên Biển Đông và các vấn đề nhạy cảm khác được giải quyết chủ yếu sau các cánh cửa đóng kín. Washington dường như chấp nhận những căng thẳng là hệ quả không thể tránh khỏi từ nhu cầu bảo vệ những lợi ích quan trọng của mình trước các hành động tiêu cực của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Obama cũng làm rõ việc tập trung ưu tiên những bất đồng về Biển Đông với Trung Quốc – hiện là vấn đề quan trọng nhất trong các bất đồng hai bên – chưa tới mức có thể lan sang những lĩnh vực nhạy cảm khác trong quan hệ, như vấn đề Đài Loan, và ảnh hưởng tới sự hợp tác.
Chính quyền ông Obama đang tiếp tục nhìn nhận chính sách Mỹ-Trung là một sự kết hợp giữa những mục tiêu rõ ràng mà người Mỹ cố gắng đạt được và những yếu tố đối đầu phản ánh sự khác biệt sâu sắc và thường kéo dài với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào từ 2003 đến 2013, xem ra có quan điểm chung trong việc nhấn mạnh sự can dự mang tính xây dựng và tránh những vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng quan hệ hai bên. Đáng chú ý, cả hai nhà lãnh đạo cũng đang bị chi phối bởi các vấn đề trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình đã triển khai một loạt hành động mạnh mẽ nhằm theo đuổi tham vọng của Trung Quốc trong khi đó gây bất lợi cho các nước khác, đặc biệt là Mỹ. Cụ thể, Trung Quốc thời Tập Cận Bình:
• Sử dụng những cách thức ép buộc, nhưng không phải đối đầu quân sự trực tiếp, nhằm thúc đẩy sự kiểm soát của Trung Quốc trên Biển Đông và Biển Hoa Đông làm tổn hại đến các nước láng giềng và lợi ích của Mỹ trong trật tự khu vực;
• Sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối và năng lực công nghiệp dư thừa để tiến hành các chương trình phát triển kinh tế quốc tế và các thể chế mang tính tư lợi mà hướng đến làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Mỹ hay loại bỏ Mỹ;
• Tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc nhằm vào Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương;
• Tiếp tục tấn công mạng để đánh cắp các tài sản kinh tế và sở hữu trí tuệ, các biện pháp tiền tệ và tiếp cận thị trường, đẩy mạnh việc trấn áp và kiểm soát về chính trị - tất cả đều gây ra những bất lợi nghiêm trọng cho các lợi ích của Mỹ.
Trừ những trường hợp hiếm hoi, ông Obama luôn tránh công khai thảo luận những bất đồng với Trung Quốc trong suốt 6 năm tại nhiệm của ông. Kể từ chuyến thăm châu Á của ông vào tháng 4/2014, ông đã thẳng thắn hơn về cách hành xử của Trung Quốc đối với các vấn đề nêu trên, mà chắc chắn ảnh hưởng tới trật tự ở châu Á và các lợi ích khác của Mỹ. Trong cuộc gặp ngày 31/3 với ông Obama, Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cái gọi là “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” với Mỹ. Ngày càng nhiều lời chỉ trích từ Mỹ cáo buộc ông Tập Cận Bình đang chơi một trò hai mặt không có lợi cho Mỹ.
Sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung khá căng thẳng tại Washington vào tháng 9/2015, ông Obama đã ít nói công khai hơn về Trung Quốc. Đúng hơn, ông Obama và các phụ tá đã hành động mạnh mẽ hơn. Ví dụ:
• Nhiều sức ép hơn so với các biện pháp trừng phạt có mục tiêu trước đây, đáng chú ý là các bản cáo trạng vào tháng 5/2014 kết tội các quan chức quân sự Trung Quốc nhằm buộc nước hạn chế nạn đánh cắp tài sản của Mỹ bằng tấn công mạng;
• Sức ép mạnh hơn buộc Trung Quốc đồng ý với các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên;
• Tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, cùng những cảnh báo rõ ràng từ các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ về những tham vọng của Trung Quốc, sau khi Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp ông Tập Cận Bình từng hứa trong cuộc họp cấp cao vào tháng 9 là không tiến hành hoạt động quân sự hóa;
• Tăng cường hợp tác với các đồng minh Nhật Bản, Philippines, Úc cùng Ấn Độ và các nước ở Đông Nam Á, qua đó tăng cường sức mạnh cho các nước trong khu vực chống lại hành động bắt nạt của Trung Quốc;
• Quyết định bất ngờ vào tháng 3/2016 tạm ngừng quyền tiếp cận công nghệ thông tin của Mỹ, theo đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới ZTE, hãng điện tử nhà nước hàng đầu của Trung Quốc – có tin rằng ZTE dưới sức ép của Mỹ đã ngừng việc chuyển giao trái phép cho Iran các công nghệ có nguồn gốc từ Mỹ và sau đó tiếp tục hoạt động chuyển giao như vậy bằng cách thức bí mật;
• Những chỉ trích chưa từng có mà Mỹ đứng đầu về tình trạng nhân quyền thấp ở Trung Quốc trong một bản tuyên bố chung gửi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tháng 3/2016 được Nhật Bản, Úc và chín nước châu Âu tán thành.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy tầm quan trọng của những bước đi này trên thức tế có phần giảm đi. Áp lực công khai trong hai vấn đề đầu tiên đã giảm đi sau khi có sự dàn xếp để bắt đầu các cuộc đàm phán song phương về vấn đề tấn công mạng và Trung Quốc nhất trí với những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên. Hành động áp đặt đột ngột với‎ ZTE được hủy bỏ sau vài ngày đàm phán bí mật, và các nhà cung cấp Mỹ  tiếp tục gửi các chuyến hàng tới ZTE. Trong khi đó, cái được gọi là vấn đề Đài Loan trong quan hệ Trung-Mỹ trở nên nhạy cảm hơn sau chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 1 của ứng cử viên Đảng Dân tiến (DPP) Thái Anh Văn và đa số các nhà lập pháp đầy quyền lực thuộc DPP. Thay vì làm bất cứ điều gì để có thể “xoay chuyển tình thế”, Chính quyền Obama đã tránh tranh luận và cố gắng duy trì hòa bình và ổn định thông qua đối thoại giữa hai bờ eo biển.
Tóm lại, quyết tâm mạnh mẽ hơn của Chính quyền Obama chống lại các thách thức từ Trung Quốc dường như tập trung vào các tranh chấp trên Biển Đông và hoạt động diễn tập quân sự có sự tham gia của Mỹ với Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á nhằm đáp trả cách hành xử cưỡng ép, gây bất ổn của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Đô đốc Harry Harris đã nhiều lần đề cập đến các hành động “hung hăng” của Trung Quốc và điều mà ông Harris gọi là “sự bá quyền ở Đông Á” của Trung Quốc. Họ và những người khác chỉ rõ các kế hoạch quân sự của Mỹ “nhằm ngăn chặn” những bước tiến của Trung Quốc thông qua các hoạt động triển khai, hợp tác trong khu vực và hỗ trợ cho các nước láng giềng của Trung Quốc. Các quan chức Mỹ cũng chờ đợi sự thất bại của Trung Quốc khi Tòa Trọng tài Thường trực ở La-Hay ra một phán quyết cuối năm nay, làm suy yếu những yêu sách chủ quyền chung chung và không rõ ràng mà Trung Quốc luôn sử dụng để biện minh hành động bành trướng trên Biển Đông.
Trong tương lai, Trung Quốc có khả năng tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động mở rộng yêu sách mang tính cơ hội. Lợi ích từ các thách thức của ông Tập Cận Bình dường như quan trọng hơn cái giá phải trả. Đặc biệt là, ở Trung Quốc, Tập Cận Bình có vẻ là một nhà lãnh đạo quốc tế quyền lực trong khi ông Obama lại tỏ ra yếu thế. Hoạt động mở rộng thăm dò và hăm dọa của Trung Quốc trên Biển Hoa Đông đang vấp phải những nỗ lực kiên quyết và hiệu quả từ phía Nhật Bản với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Mỹ. Điều này càng phức tạp hơn với Bắc Kinh khi Trung Quốc không có khả năng đối phó một cách hiệu quả với những khiêu khích từ Triều Tiên. Cơ hội bành trướng trên Biển Đông lớn hơn bởi những điểm yếu khác nhau của các nước trong khu vực, bao gồm tất cả các bên yêu sách và tổ chức quan trọng khu vực là ASEAN. Và vụ kiện tại La-Hay có thể khiến Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bành trướng trên biển.
Những nỗ lực của Chính quyền Obama nhằm chống lại Trung Quốc là đáng kể. Tuy nhiên, chúng được cân nhắc thận trọng để tránh đổ vỡ trong quan hệ Mỹ-Trung. Một tình huống như vậy sẽ cho phép Trung Quốc sử dụng ép buộc và gây căng thẳng để thúc đẩy quyền kiểm soát của mình, gây hại cho các nước láng giềng mà không phải chịu hậu quả nghiêm trọng nào. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung trong không khí thân mật gần đây cho thấy xu hướng chung này sẽ tiếp tục trong suốt những tháng còn lại của tổng thống Mỹ. Liệu người kế nhiệm ông Obama có thực thi một chính sách thận trọng nhưng kiên quyết để đối phó với những thách thức từ Trung Quốc hay không vẫn còn chưa rõ ràng, khi cuộc tranh luận về Trung Quốc giữa các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2016 đến giờ vẫn đang thể hiện lập trường đặc biệt cứng rắn hơn với cách tiếp cận thận trọng của Tổng thống Obama đối với Trung Quốc./.
* Robert Sutter là Giáo sư chuyên về Các Vấn đề Quốc tế tại Trường Elliott, Đại học George Washington. Bài viết đăng trên trang “Yale Global”.
Hương Trà gt/(Nghiên Cứu Biển Đông)
------------

5 nhận xét:

  1. "Người khôn điềm đạm. Người ngu hung hăng".
    (Châm ngôn)

    Trả lờiXóa
  2. Cái tốt luôn được tái tạo. Còn cái xấu chỉ có cách biến dị và bị loại bỏ tiếp.
    (Quy luật đào thải)

    Trả lờiXóa
  3. Đả đảo giặc Tàu cộng xâm lược !

    Trả lờiXóa
  4. Toi mong Donald Trump là Tổng thống 45 của Mỹ!!!! Một người có tính quyết đoán và mạnh mẽ!!!!!

    Trả lờiXóa
  5. Mong donald trump là tổng thống 45 của my.coi chừng hố hàng đó nghe.

    Trả lờiXóa