Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

HỆ LỤY KHI CHÍNH PHỦ GÁNH NỢ CHO VINASHIN


ĐV - Nghị định 69/2002/NĐ-CP quy định đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi được xét giảm vốn Nhà nước tại DN. 
Trường hợp giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đủ để xử lý lỗ luỹ kế và nợ không có khả năng thu hồi Bộ Tài chính quyết định chuyển giao một số khoản nợ phải thu cho tổ chức có chức năng mua bán nợ và tài sản tồn đọng của Nhà nước xử lý.
Nghị định 206/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định 69 quy định rõ DNNN được quyền bán các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán, nợ phải thu khó đòi, nợ phải thu không đòi được để thu hồi vốn trên nguyên tắc trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định cho các tổ chức kinh doanh mua bán nợ.

Chính phủ gánh nợ thay làm tăng nợ công
PV: Ông bình luận gì về nghị định này của Chính phủ khi mới đây báo cáo số nợ phải trả của các DNNN năm 2012 là gần 1,35 triệu tỷ đồng, tổng số nợ phải thu là 275.975 tỷ đồng?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Việc áp đặt những kỷ luật mang tính thị trường đối với các DNNN là một đòi hỏi cấp thiết trong tiến trình tái cơ cấu khu vực này. Gánh nặng nợ lớn của các DNNN cũng cho thấy rằng, một nguồn lực rất lớn hiện nay đang được phân bổ cho một khu vực mà thực tiễn đã chứng minh là yếu kém. Sự chiếm giữ nguồn lực lớn của các DNNN đã chèn lấn các nguồn lực dành cho các khu vực còn lại trong nền kinh tế. 
Trong các khoản nợ kể cả phải thu lẫn phải trả của khu vực DNNN, một phần không nhỏ là các khoản nợ xấu xuất phát từ hoạt động yếu kém của các DNNN này mà trong thời gian dài chúng ta không có phương cách để xử lý triệt để. 
Tiếp cận ở góc độ quản trị tài chính, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhưng lại hoạt động kém hiệu quả sẽ dẫn đến rủi ro tài chính rất lớn cho doanh nghiệp. Nhiều báo cáo trước đây đã mô tả tình trạng sử dụng đòn bẩy tài chính cao của DNNN nhưng lộ trình giảm đòn bẩy tài chính đã không được hoạch định rõ ràng cũng như không hề được giám sát có trách nhiệm. 
Với quy định mới này, tin tốt là nó sẽ góp phần giảm dần gánh nặng tài trợ đối với ngân sách Nhà nước, tạo áp lực để buộc các DN cần có lộ trình tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh nói chung và tái cơ cấu nợ nói riêng theo hướng hiệu quả hơn và minh bạch hơn, tiệm cận với các chuẩn mực của thị trường. 
Tinh thần tự vay, tự trả trong quy định mới được tôn trọng hơn trước. Mặc dù vậy, tin không tốt là nó cho thấy Nhà nước đang làm thay nhiệm vụ của DN và điều này có thể tạo ra tâm lý ỷ lại cho DNNN.
PV: - Vừa qua trong quá trình tái cơ cấu Vinashin, khoản nợ 600 triệu USD vay các tổ chức tín dụng nước ngoài của Vinashin đã được Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp DATC hoàn thành việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Theo ông, bằng cách này phải chăng Chính phủ đang nhận thay nợ cho Vinashin? 
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Chắc chắn 600 triệu USD sẽ được tính vào nợ công, làm tăng gánh nặng nợ công của Việt Nam.
Trước đây khoản nợ của Vinashin không bảo lãnh chính thức mà bảo lãnh ngầm và bảo lãnh ngầm đó đã có căn cứ xác nhận lại khi Chính phủ đã đứng ra chính thức bảo lãnh, tức là khoản nợ 600 triệu USD nước ngoài và cả 12.000 tỷ đồng nợ trong nước đã làm tăng gánh nặng nợ công tương ứng, chưa kể hiện còn khoảng 17.000 tỷ đồng nữa đang chuẩn bị tái cơ cấu tiếp. 
Ngoài Vinashin, rủi ro nợ công còn nằm tiềm ẩn trong một số các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước như Vinalines, Tập đoàn Sông Đà, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)... do nhiều khoản nợ hiện nay đang rơi vào tình trạng có nguy cơ gặp khốn khó tài chính. 
Nếu tình hình kinh tế vĩ mô không có sự cải thiện thì khả năng các khoản nợ đó sẽ không thể trả được, việc tái cơ cấu gặp khó khăn, Chính phủ lại buộc phải đứng ra để tái cơ cấu nợ cho các tập đoàn, lại làm gia tăng gánh nặng lên ngân sách. 
PV: - Nếu với các khoản nợ xấu của DNNN khác cũng được bảo lãnh như vậy, gánh nặng nợ công, khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ như thế nào, thưa ông?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Hiện nợ công của Việt Nam mặc dù được định nghĩa theo thông lệ quốc tế, tức là bao gồm nợ của Chính phủ, nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do Việt Nam là nước mà ở đó khu vực kinh tế nhà nước rất lớn, đặc biệt là DNNN, nên quản lý nợ công của chúng ta nếu chỉ tập trung vào 3 thành phần trên thì sẽ không nhận thấy được rủi ro của nó. 
Theo tôi, nếu tính cả nợ tiềm ẩn của các DNNN vào nợ công thì tỷ lệ nợ công trên GDP không dừng lại ở con số khoảng 50% như hiện nay mà phải trên dưới 100%, tức tương đương với ngưỡng nợ công hiện nay ở Mỹ. 
Chính vì lý do đó mà trọng tâm của quản lý nợ công của chúng ta không chỉ tập trung vào nợ của Chính phủ mà quan trọng là các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh và nợ trong khu vực DNNN có nguy cơ Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh giống như trường hợp Vinashin. 
Việc bảo lãnh cho các khoản nợ xấu của các DNNN không chỉ gây ra tâm lý ỷ lại cho các DNNN mà còn ảnh hưởng đến một số phương diện khác như tỷ lệ nợ công tăng làm tăng chi phí tài trợ của Chính phủ. Khi tỷ nợ công tăng lên lãi suất vay nợ của Chính phủ tăng theo, làm tăng gánh nặng tài trợ ngân sách để trả lãi. Hơn nữa, khi chi phí vay nợ của Chính phủ tăng sẽ kéo theo chi phí vay nợ của khu vực tư nhân tăng theo, bởi vì Chính phủ được đánh giá có độ rủi ro thấp hơn tư nhân nhưng khi Chính phủ đi vay nợ với chi phí cao thì khu vực tư nhân rất khó vay được vốn rẻ. 
Nói khác đi, khu vực tư nhân lúc này đã phải gánh luôn rủi ro nợ công của Chính phủ. Điều này cũng giải thích vì sao mặt bằng lãi suất của Việt Nam những năm qua luôn giữ ở mức khá cao ngay cả khi nền kinh tế suy giảm. Hệ quả của nó là làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp và làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quy định rõ trách nhiệm lãnh đạo DNNN 
PV: - Thực tế, việc bán nợ đã từng có, vậy nợ này thường được xử lý ra sao, thưa ông?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Bán nợ từ trước đến nay vẫn mang nặng tính hình thức, chỉ là việc chuyển đổi từ DNNN này sang DNNN khác, không phải bán nợ theo cơ chế thị trường. Bằng cách xử lý nợ như vậy không mang lại bất kỳ hiệu quả nào. 
Một DNNN này đứng ra gánh thay cho một doanh nghiệp nhà nước khác, nợ vẫn cứ lòng vòng trong khu vực DNNN chứ không hề mất đi. 
PV: - Các hình thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn... vẫn là tiền từ ngân sách Nhà nước. Theo ông, nợ xấu của các DNNN cần được xử lý như thế nào?
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn: - Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới chỉ xử lý phần nợ của khu vực tư nhân mà cụ thể hơn là xử lý phần nợ có đảm bảo trong khi đó nợ xấu trong khu vực DNNN là rất lớn.
Theo tính toán của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC) thì nợ xấu của khu vực DNNN có thể chiếm tới 70% tổng nợ xấu nhưng hiện cách xử lý nợ của chúng ta qua VAMC mới chỉ có khả năng giải quyết tối đa phần nhỏ 30%. 
Nợ của DNNN vẫn phải chờ Bộ Tài chính thông qua một đề án xử lý nợ xấu riêng. Việc xử lý nợ chậm trễ sẽ làm mất niềm tin đối với các nhà đầu tư quốc tế và là trở ngại đối với quá trình tái cơ cấu các DNNN cũng như nền kinh tế. 
Bản thân mô hình xử lý nợ của VAMC hiện cũng rất bất cập và cần phải được khẩn trương cơ cấu lại. Sau khi VAMC được tái cấu trúc lại theo mô hình xử lý nợ khác thì lúc đó nợ của khu vực DNNN cũng phải xử lý qua cơ chế thị trường, không thể xử lý riêng như vậy vì chúng ta đang ở trong một nền kinh tế thị trường, tạo ra sự minh bạch và cạnh tranh công bằng thì khu vực DNNN cũng phải có cơ chế xử lý nợ theo đúng cơ chế thị trường, không thể dùng một đề án riêng để xử lý. 
Phải có sự ràng buộc ngân sách cứng, nhất quán với quan điểm DNNN tự vay, tự trả và Nhà nước không bảo lãnh, tài trợ, tái tài trợ dưới bất kỳ hình thức nào. 
Trách nhiệm của các lãnh đạo DN cũng phải được quy định rõ ràng, kể cả việc hồi tố trách nhiệm của các cựu lãnh đạo. 
Các khoản nợ phải có lộ trình khẩn trương để buộc các DN phải xử lý, không thể chờ đề án của Bộ Tài chính, trong khi chờ thì các DN đó cũng chờ, mọi người đều chờ và cuối cùng thì không ai có động thái làm gì cả. Cần thúc đẩy nhanh và áp đặt các kỷ luật tài khóa mới để không tạo gánh nặng nợ công và gánh nặng cho cả nền kinh tế. 
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyên Thảo (Thực hiện)
-------------

8 nhận xét:


  1. Dân mình không phải lo âu
    Nợ nần to nhỏ Đảng lo hết rồi
    Còn lâu mới để dân sầu
    Đảng mình vĩ đại Đảng mình vinh quang

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thất mùa thì bởi...thiên tai
      nợ nần..chồng chất..thiên tài đảng...ta
      chừng nào tham nhũng ...thành..ma
      dân tình hết khổ..mới là..vinh quang
      ô thôi....dân chúng xài sang
      cứ tăng thu...phí..tình tang...nợ mòn
      nước mình tuy nhỏ mà...ngon
      đỉnh cao trí tuệ...luôn ngon hơn người...?
      chừng nào tham nhũng..chết tươi
      thì người bạc tóc..mới tươi nụ cười...

      Xóa
  2. Con dại cái mang!

    Trả lờiXóa
  3. Bạn 1008 nói xai dồi?
    Con ăn-cái ăn gấp đôi.
    Đơn giản thế mà ko ai ngợi ra???
    Bôi đen rùi.....nhấn nút đe le te là xong.......

    Trả lờiXóa
  4. sao ne duoc cai no cua vinashin chu.chi doi tra, leo lu de che mat du luan thoi. den thoi diem nao do thuan loi lai dua dau ra chiu bang bo. roi cai lung cua nguoi dan phai oan them de tra no, vi nhung no boc giau nut do do vach, nhung an tan, pha hai dat nuoc.cai the che no kem coi , bung bit, toi te la vay nhung cac cu van cu tan duong vi cai ghe quyen luc cua minh. that la lu lan, tham san si.gio mat an tham.

    Trả lờiXóa
  5. dung noi la con dai cai mang, khong dung dau, cai dai, nen con cung dai. ca nha deu dai.dai de an tan pha hai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực chất, do Cái mà Con làm chuyện dại rồi gánh tội, còn Cái cứ cười hơn hớn, không hề chút nào chịu trách nhiệm, không chút chạnh lòng!.

      Xóa
  6. Chính phủ có làm ra tiền đâu mà gánh nợ? đòn gánh luôn luôn ở trên vai nhân dân!

    Trả lờiXóa