* Huỳnh
Thiệu Phong
(1) Việt Nam là quốc gia có truyền
thống văn hóa lâu đời. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn thường được nhận định là có
nền văn hóa đa dạng trong thống nhất.
Trước hết, sự đa dạng bắt nguồn từ việc
không gian lãnh thổ của đất nước Việt Nam là địa bàn cư trú của nhiều tộc
người anh em thiểu số. Ngoài cộng đồng người Việt (Kinh) tồn tại với tư cách là
chủ thể chính, sự hiện diện đồng thời của 53 tộc người còn lại đã làm cho tổng
thể bức tranh đời sống văn hóa của Việt Nam rất đa sắc. Thêm vào đó, với sự
phân vùng văn hóa mạnh mẽ, yếu tố tự nhiên đã chi phối rất nhiều đến việc hình
thành nên các thái độ ứng xử với môi trường tự nhiên cũng như sự hỗn cư tộc
người với nhau, điều này đã tạo nên những sắc thái văn hóa vùng vô cùng đa
dạng. Mặt khác, sự thống nhất được thể hiện ở chỗ, mặc dù những biểu hiện ngoại
tại của những sắc thái văn hóa là đa dạng, song xét đến bản chất gốc của văn
hóa các tộc người ở Việt Nam, chất âm tinh vẫn hiện diện như một đặc trưng rõ
nét. Do đó, sự đa dạng của văn hóa ở đây là đa dạng nhưng thống nhất.
(2) Trước đây, vùng Tây Nam Bộ được xem như một
tiểu vùng của vùng văn hóa Nam Bộ. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm
trong một công trình gần đây[1] thông qua phương pháp định vị hệ tọa độ K-C-T đã nhận định Tây
Nam Bộ là một vùng văn hóa độc lập. Do vậy, Tây Nam Bộ hiển nhiên
cũng sẽ có những đặc trưng văn hóa để khu biệt với những đặc trưng văn hóa của
các vùng miền khác.
Dưới thời các Chúa Nguyễn, những lớp cư dân người Việt đầu tiên đã từ vùng “Ngũ
Quảng” di cư vào vùng đất phía Nam
của Tổ quốc. Kể từ giai đoạn đó về sau, lần lượt các nhóm cư dân Việt cũng đã
theo chân những người đi trước vào khai hoang lập nghiệp ở phía Nam . Tùy vào
từng giai đoạn lịch sử khác nhau, quy mô di cư của lớp người Việt này cũng khác
nhau. Về nhóm người Việt này, họ xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã
hội. Họ có thể là những người nghèo đói (chịu ảnh hưởng từ cuộc nội chiến
Trịnh-Nguyễn), những tội phạm triều đình bị bắt đi lao động và phát vãng, hoặc
cũng có thể là người thân của những quan lại được phái vào vùng đất Nam Bộ để
làm việc…
Trong bối cảnh đó, trên bước đường di cư, những lưu dân này cũng đã mang theo
hành trang là những giá trị văn hóa ở quê hương để đến với vùng đất mới. Một lẽ
dĩ nhiên, những giá trị văn hóa đó đã có những thay đổi ít nhiều nhằm mục đích
phù hợp hơn với đời sống nơi vùng đất mới. Trong những sự biến đổi để thích
nghi đó, có lẽ sự biến đổi của tín ngưỡng thờ Mẫu – một loại hình tín ngưỡng
rất đặc sắc và phát tích ở vùng Bắc Bộ, chính là một dấu chấm rõ nét trong tổng
thể sự biến đổi sắc thái của bức tranh văn hóa của người Việt. Ở tín ngưỡng thờ
Mẫu vùng đất Tây Nam Bộ hiện diện đồng thời những giá trị văn hóa tinh thần
truyền thống của người Việt với những đặc trưng mới của văn hóa Tây Nam Bộ.
Do vậy, chỉ ra những đặc trưng văn hóa tinh thần của người Việt vùng Tây Nam Bộ
thông qua loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu là mục tiêu hướng đến của bài viết này.
Cũng cần nói thêm, giá trị văn hóa của vùng Tây Nam Bộ là không ít, song trong
khuôn khổ bài viết, thông qua tín ngưỡng thờ Mẫu, tác giả muốn chỉ ra những ánh
xạ văn hóa của người Việt được cấu thành và thể hiện qua loại hình tín ngưỡng
này, qua đó làm cơ sở để nhận diện và khu biệt tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam
Bộ với chính loại hình tín ngưỡng này ở những vùng miền khác trên cả nước.
(3) Theo đó, từ quan điểm cá nhân, tác giả đã nhận
thấy những đặc điểm văn hóa của vùng Tây Nam Bộ được thể hiện trong tín ngưỡng
thờ Mẫu thông qua mấy giá trị nổi bật sau:(a) Giá trị tâm linh – (b)
Giá trị tính cách – (c) Giá trị giao thoa văn hóa – (d) Giá trị nhận thức – (e)
Giá trị trọng âm. Năm giá trị đó được biểu hiện qua những đặc
điểm bên ngoài theo bảng dưới:
Giá trị và đặc điểm của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
vùng Tây Nam Bộ
STT
|
Giá trị
|
Đặc điểm biểu hiện
|
1
|
Giá trị tâm linh
|
Điểm tựa tinh thần cho cộng đồng người Việt trong ngày đầu khẩn
hoang vùng đất mới
|
2
|
Giá trị tính cách
|
Phản ánh tính mở, thoáng trong tính cách người Việt
|
3
|
Giá trị giao thoa văn hóa
|
Phản ánh tính giao thoa văn hóa đa tộc người của cộng đồng người
Việt với người Hoa – Chăm – Khmer
|
4
|
Giá trị nhận thức
|
Phản ánh nhu cầu thiết thực của người dân vùng đất mới
|
5
|
Giá trị về giới
|
Vai trò của người phụ nữ vùng Tây Nam Bộ được đề cao
|
[Nguồn: Huỳnh Thiệu Phong]
(3.1) Ở
giá trị tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam Bộ là điểm
tựa tinh thần cho cộng đồng người Việt trong ngày đầu khẩn hoang vùng đất mới. Yếu tố tâm linh là một lĩnh vực cho đến hiện nay vẫn còn đang là
một thách thức đối với các nhà khoa học trên thế giới. Thật vậy, những gì được
xem là tâm linh thì vô cùng thiêng liêng, là bất khả xâm phạm trong tâm trí của
nhiều người. Đối với cộng đồng người Việt, quan niệm về tính thiêng tiềm ẩn
trong chính triết lý sống, trong những biểu hiện của phương thức ứng xử với thế
giới tự nhiên và môi trường xã hội [Hồ Liên 2002]. Có thể xem ý tưởng về tính
thiêng chính là tiền đề cho sự hình thành của các tôn giáo sau này. Như vậy, có
thể xem việc chỉ ra giá trị tâm linh của cộng đồng người Việt ở vùng Tây Nam Bộ
chính là đề cập đến vai trò của tính thiêng trong nhận thức của cộng đồng cư
dân nơi đây.
Chữ “tâm linh” là một từ Hán-Việt. Theo đó, “tâm” có nghĩa là tim – một cơ quan tối quan trọng trong cơ thể của con
người. Song, nếu xét trong phạm trù văn hóa, đặc biệt là từ góc độ tôn giáo (đạo
Phật) thì tâm chính là ý thức của con người. Đây là một phạm trù được đề cập
rất nhiều trong giáo lý Phật giáo. Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết trong
truyện Kiều:
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”
Vốn dĩ là một tôn giáo ngoại lai du nhập vào
Việt Nam, song vì phù hợp với đặc tính văn hóa của dân tộc nên đạo Phật nhanh
chóng hòa vào đời sống dân gian của người dân Việt như một thành tố không thể
thiếu. Do đó, ta có thể xem chữ “tâm” trong thuật ngữ “tâm linh”chính là ý thức hay nhận thức của con người. Còn đối với chữ “linh”, theo quan điểm của tác giả thì từ này để chỉ sự linh thiêng hay
thiêng liêng. Một cách phổ quát nhất, ta có thể cắt nghĩa về ý niệm “tâm
linh” chính là nhận thức về sự linh thiêng của con người đối với một đối
tượng nào đó. Thực chất, yếu tố tâm linh không phải chỉ tồn tại trong văn hóa
tôn giáo – nơi mà trong tâm khảm mỗi tín đồ đều tôn sùng vị giáo chủ khai sinh
ra một tôn giáo, mà nó còn có biên độ rộng hơn thế. Đó có thể là niềm tin vào
một đối tượng cụ thể nào đó (ngoài tôn giáo) như một nhân vật lịch sử, một
người trần mắt thịt có công với đất nước hay làng xã trong lịch sử, hay xa hơn
nữa là một nhân vật được khoác lên đó một tấm áo dã sử thông qua các truyền
thuyết dân gian… Song quy tụ lại tất cả, để biến những đối tượng đó mang yếu tố
tâm linh thì cần phải có sự “thừa nhận” của người dân địa phương.
Do đó, với cách hiểu giá trị tâm linh như
trên, ta thấy vai trò của tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của cư
dân Việt là rất lớn. Thuở mà Tây Nam Bộ nói riêng còn là vùng đất “Muỗi kêu như
sáo thổi, đĩa lềnh tựa bánh canh”, “Dưới sông sấu lội trên rừng cọp um”, lại
mang theo tâm thế của những con người mới, kết hợp với hiện thực khó khăn, phải
nói rằng chỉ khi họ tìm được cho mình một điểm tựa về tinh thần và sự nỗ lực
hết sức mới có thể vượt qua những hiểm nguy, thử thách trong những ngày đầu đến
đây.
Ngoài ra, giá trị tâm linh cùa tục thờ Mẫu nhìn ở cấp độ không gian văn hóa
toàn Việt Nam còn có thể thấy được dấu ấn rõ nét của nó. Từ Bắc đến Trung rồi
Nam Bộ, hệ thống các nữ thần và Mẫu thần được phủ khắp mọi nơi. Những Quốc Mẫu
Âu Cơ, Mẫu Tây Thiên, Mẫu Liễu Hạnh ở Bắc Bộ; các Mẫu ở miền Trung như: Thiên
Yana Thánh Mẫu, Mẫu Yang Po Inư Nưgar của người Chăm; và ở Nam Bộ nói chung là
các Thiên Hậu Thánh Mẫu, Chúa Xứ Thánh Mẫu, Phật Mẫu Diêu Trì, Linh Sơn Thánh
Mẫu, Ngũ hành Nương Nương… chính là những vị nữ thần như thế. Do vậy, với tâm
thức về hình ảnh các Mẫu đã được định hình từ trước đó, trên bước đường vào
vùng đất Nam Bộ để khẩn hoang, cộng đồng người Việt đã mang theo những giá trị
văn hóa đó (hình ảnh các Mẫu) vào vùng đất mới. Song, đó chỉ mới là điều kiện
cần, bởi lẽ điều kiện đủ chính là sự khó khăn thuở khai hoang vùng đất mới.
Chính những rào cản về mọi mặt trong việc thích ứng nơi đất mới đã tiếp thêm
“động lực” để thúc đẩy quá trình đa dạng hóa các Mẫu, từ đó, tính thiêng trong
quan niệm và nhận thức về các Mẫu đã được đẩy lên cao tột độ trong tâm thức cư
dân Việt vùng Tây Nam Bộ. Ngày nay, khi mà Tây Nam Bộ đã dần thay da đổi thịt,
giá trị tâm linh trong hình tượng các Mẫu vẫn còn hiện hữu trong tâm thức những
người dân vùng đất mới. Con người tìm đến các Mẫu để thỏa mãn những ước nguyện
về tinh thần trong đời sống hiện đại. Đây cũng là cơ sở cho sự hình thành các
loại hình du lịch mới ở Tây Nam Bộ. Do vậy, có thể xem giá trị tâm linh trong
tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ chính là một giá trị văn hóa bền vững và có tính kế
thừa sâu sắc, liên tiếp từ quá khứ đến hiện tại và có lẽ là cả trong tương lai.
(3.2) Ở giá trị tính cách, tín
ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam
Bộ phản ánh tính mở, thoáng trong tính cách người Việt. Cũng là cộng đồng người Việt, nhưng người Việt vùng Tây Nam Bộ
nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung lại có những nét khác biệt so với người Việt
vùng Trung Bộ và Bắc Bộ. Thông qua hệ tọa độ K-C-T, Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra 4
hằng số có liên quan mật thiết đến việc cấu thành tính cách người Việt vùng Tây
Nam Bộ [Trần Ngọc Thêm 2014: 645-646]:
+ Với hằng số K:gồm hai tiểu hằng số (K1) và (K2), trong đó (K1): Tây Nam Bộ là nơi gặp gỡ của những điều kiện tự nhiên thuận tiện
mà cũng có phần khắc nghiệt, (K2 ): Đây cũng là nơi gặp gỡ của các tuyến giao thông sông biển quốc tế.
+ Với hằng số C:Tây Nam Bộ là nơi gặp gỡ (quần cư – HTP chú giải) của nhiều cư dân
tộc người đến từ khắp mọi miền đất nước và trong khu vực. Hằng số C có liên
quan mật thiết đến việc tạo nên cốt cách rất Nam Bộ của người Việt nơi đây:
mạnh mẽ, ngang tàng, hay nói như Trần Ngọc Thêm là: “những con
người dương tính nhất trong số những người Việt Nam âm tính”.
+ Với hằng số T:Văn hóa Tây Nam Bộ là sản phẩm của quá trình dương tính hóa trên
đồng thời cả 3 yếu tố K-C-T, nói cách khác, những lưu dân Việt vào vùng đất này
chính là những con người Bắc Bộ và Trung Bộ dương tính nhất.
Chính 3 yếu tố đó đã dẫn đến hệ tính cách của
người Việt vùng Tây Nam Bộ. Chúng bao gồm: Tính sông nước – tính trọng nghĩa –
tính bộc trực – tính bao dung – tính thiết thực – tính mở thoáng. Trong tổng số
6 tính cách đó, khi lấy tín ngưỡng làm hệ quy chiếu, tôi đặc biệt quan tâm đến
tính mở thoáng, bởi lẽ ẩn trong sự hình thành các hình thức Mẫu chính là đặc
trưng nổi trội“mở, thoáng” trong tính cách của người Việt. Vì lẽ đó, ở Tây Nam
Bộ, sự hiện diện đồng thời của rất nhiều các hình tượng nữ/ Mẫu thần mang đậm
tính phi hệ thống, điều này trái ngược với tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ khi mọi
thứ đều có lớp lang rõ ràng (đặc biệt là trong hệ thống điện thờ).
Tính mở thoáng có thể hiểu một cách khái quát
là thái độ không bảo thủ, ủng hộ cái mới; dùng để chỉ trạng thái dễ tiếp nhận,
hòa nhập nó vào trong một chỉnh thể, một hệ thống mà nó là một phần trong đó.
Thật ra, nếu đi sâu vào đặc trưng tính cách này, đó là một hệ thống các giá trị
thành tố con, có quan hệ mật thiết, tương liên với nhau. Song vì trong nội dung
bài viết không phải tập trung vào vấn đề này mà do vậy, tôi không đi sâu vào
phân tích hệ tính cách văn hóa.
Quay lại với tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam
Bộ, sự mở thoáng trong tính cách của người Việt chính là tiền đề cho việc dễ
dàng tiếp nhận các giá trị văn hóa tộc người. Sự hỗn dung văn hóa tộc người sẽ
được đề cập sau hơn ở đặc điểm tiếp theo, tuy nhiên, tôi muốn nói rõ điều này
là bởi vì sự hỗn cư không đồng nghĩa với sự hỗn dung văn hóa. Hỗn cư chỉ là
điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ phải là tính cách mở thoáng của người Việt.
Hai chất xúc tác này cũng xảy ra đồng thời mới tạo ra một biểu hiện đa sắc, đa
dạng của tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Nam Bộ. Nói đến đây, ta lại quay về với giá
trị tâm linh ở trên, mối quan hệ giữa chúng đã dần hiện ra. Người ta sẵn sàng
chấp nhận thỉnh một pho tượng trên núi đem xuống vùng đồng bằng, sẵn sàng đem
bức tượng đó (vốn là nam thần) để khoác lên đó bộ đồ của một vị nữ thần. Chẳng
những thế, người ta còn tôn sùng và truy tôn vị nam thần đó làm “Chúa Xứ Thánh
Mẫu”. Rõ ràng, nếu đặc trưng về tính cách không có yếu tố mở thoáng như đã nói,
cả quá trình đó sẽ không thể diễn ra.
Tóm lại, đứng ở không gian 3 chiều từ hệ tọa
độ K-C-T để xem xét, ta thấy tính mở thoáng trong tính cách người Việt vùng Tây
Nam Bộ hình thành là hoàn toàn có cơ sở. Với vai trò là một biểu hiện trong đời
sống tín ngưỡng của người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng đã phản ánh đặc trưng
tính cách đó. Về giá trị và đặc điểm này, tôi nhận thấy nó lại tiếp tục có mối
quan hệ biện chứng với giá trị tiếp theo: “giá trị giao thoa văn hóa” – với đặc điểm phản ánh tính giao lưu và tiếp biến văn hóa đa tộc
người vùng Tây Nam Bộ.
(3.3) Ở giá trị giao thoa văn hóa, tín
ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam Bộ phản ánh tính giao thoa văn hóa đa tộc người của
cộng đồng người Việt với người Hoa – Chăm – Khmer. Trong lịch sử của nhân loại, di dân (migration) là một hiện
tượng phổ biến. Có người cho rằng nó không chỉ là một hiện tượng mang tính xã
hội, mà còn thể hiện quá trình phát triển tộc người [Ngô Văn Lệ 1994]. Sự di
dân ở đây thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể do kinh tế,
chính trị, xã hội…[2]
Vùng đất Tây Nam Bộ chính là nơi đón nhận đồng thời nhiều đợt di dân của các
tộc người khác nhau. Người Việt có, người Chăm Islam có, người Khmer và người
Hoa cũng vậy. Chính việc lựa chọn chung một điểm đến trong những đợt di dân như
vậy đã tạo ra một không gian cư trú đa tộc người. Sự hỗn cư này đã kéo theo sự
giao lưu và tiếp biến văn hóa (hỗn dung văn hóa). Thêm vào đó, các tộc người này
lại gặp nhau ở một điểm chung khác, đó là trong văn hóa của các tộc người vốn
dĩ đã tồn tại loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu. Do đó, sự hỗn dung văn hóa tín
ngưỡng, mà cụ thể ở đây là tín ngưỡng thờ Mẫu đã diễn ra như một quy luật tất
yếu.
Thực tiễn cho thấy, sự hỗn dung tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là mang tính
đơn chiều – người Việt tiếp nhận văn hóa tín ngưỡng của các tộc người còn lại.
Trong khi đó, những tộc người kia lại ít có sự tiếp nhận văn hóa tín ngưỡng của
người Việt. Lí giải việc này là một quá trình, một sự phân tích khá rườm rà. Do
đó, trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào xem xét tính hỗn
dung văn hóa theo hướng người Việt tiếp nhận tín ngưỡng thờ Mẫu của các tộc
người kia. Trong một bài viết của mình, nhà nghiên cứu Phan An từng chỉ ra một
đặc điểm có liên quan mật thiết đến giá trị giao thoa văn hóa, đó chính là tính
tích hợp và dung hợp. Vậy tích hợp biểu hiện như thế nào và dung hợp được hiểu
ra sao?
+ Thứ nhất, tính tích hợp của tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt thể hiện ở các
dạng thức thờ Mẫu, bên cạnh đó là chỉ khía cạnh các lớp văn hóa ẩn chứa trong
hình tượng của các Mẫu. Ngô Đức Thịnh từng chỉ ra sự hình thành nên tín ngưỡng
thờ Mẫu ở Nam Bộ chính là sự cấu thành của ba tầng bậc: Thờ Nữ thần, Mẫu Thần và Mẫu Tam phủ, Tứ phủ [Ngô Đức Thịnh 2009: 52]. Mặt khác, ở mỗi vị Mẫu thần của Nam Bộ
nói chung, việc bóc tách các lớp văn hóa ẩn chứa trong hình tượng của từng vị
sẽ cho ta thấy tính đa lớp trong sự cấu thành nên tổng thể hình tượng các Mẫu.
Sự tích hợp ở đây thực ra cũng có thể quan sát được thông qua các truyền thuyết
liên quan đến nguồn gốc của các vị Mẫu – vị trí và sự phối thờ của các vị Mẫu
trong điện thờ – bản chất và diễn trình của lễ hội liên quan đến các Mẫu… Thông
qua những cách tiếp cận đó, tính tích hợp các giá trị văn hóa của các tộc người
sẽ hiện ra một cách rõ nét.
+ Thứ hai, về tính dung hợp, đặc tính này lại liên quan đến thái độ ứng xử của
người Việt với các giá trị văn hóa tộc người Chăm-Khmer-Hoa. Theo Phan An, ông
cho rằng trong số 3 vị Thánh Mẫu tối thượng của vùng Nam Bộ nói chung (Bà Chúa
Xứ-Bà Đen-Bà Thiên Hậu) thì Bà Thiên Hậu là vị Mẫu thần thể hiện rõ nét nhất
tính dung hợp. “Bà
Thiên Hậu đã theo chân những di dân người Hoa đến vùng đất Nam Bộ và gia nhập
vào điện thờ các nữ thần, các Bà (ý chỉ các Mẫu – HTP chú giải) ở đây. Bà Thiên Hậu không chỉ được người Hoa ở Nam Bộ thờ
cúng rộng rãi, mà còn được người Việt tôn sùng” [Phan An 2014: 14].
Trong một công trình gần đây của mình[3],
tác giả đã thực hiện việc đối sánh ba vị Nữ thần tối cao của vùng đất Nam Bộ
thông qua việc xác lập các tiêu chí đối chiếu nhằm tìm ra những nét tương đồng,
khác biệt giữa các vị Mẫu. Kết quả cho thấy, thông qua những tiêu chí đó, ta
tìm thấy nguồn gốc của các vị Mẫu đã có sự tiếp xúc, giao thoa văn hóa của các
vị Mẫu. Song, một điều may mắn là với đặc điểm tính cách thoáng mở như đã đề
cập ở trên, người Việt đã chấp nhận kết hợp tất cả các giá trị văn hóa cùa tộc
người để dung hòa, tạo nên những hình tượng Mẫu tuy mới mà cũ. Đó là những Bà
Chúa Xứ, Bà Đen và đâu đó là cả Bà Thiên Hậu. Với lý do đó, cần thấy được sự
hỗn dung tộc người ở đây chính là yếu tố tiên quyết, chi phối mạnh mẽ đến việc
hình thành các hình tượng Mẫu, tạo nên một tín ngưỡng thờ Mẫu rất Nam Bộ. Thông
qua tín ngưỡng thờ Mẫu, ta thấy rõ văn hóa Tây Nam Bộ chính là thành quả của sự
kiến tạo văn hóa các tộc người trên khắp vùng miền trong nhiều thế kỷ qua. Thấy
được giá trị văn hóa của người Việt vùng đất Tây Nam Bộ là góp phần vào việc
nhận thức thêm bề sâu và bề dày của của văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Tây Nam Bộ
nói riêng.
(3.4) Ở giá trị nhận thức, tín
ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam
Bộ phản ánh nhu cầu thiết thực của người dân vùng đất mới. Thông thường, khi đề cập đến mảng tôn giáo tín ngưỡng, người ta
thường nhắc đến một thế giới tâm linh đầy những khát vọng vượt ra ngoài đời
sống trần tục. Marx đã từng nói: “Tôn giáo là tiếng thở dài của
chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống
như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc
phiện của nhân dân”. Ở tôn giáo tín ngưỡng, các tín đồ tìm đến
các bậc thần linh để làm chỗ dựa tinh thần khi gặp những khó khăn, trở ngại
trong đời sống. Với tín ngưỡng thờ Mẫu cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, những
khát vọng, ước nguyện của cộng đồng cư dân Việt vùng Tây Nam Bộ lại được phản
ánh một cách chân thực trong thực tiễn; nói cách khác, nhận thức, tư duy và
quan niệm của người Việt vùng Tây Nam được thể hiện rất rõ trong lối ứng xử bên
ngoài, có thể quan sát được bằng mắt thường. Chúng là những giá trị thực tế
được nảy sinh do quá trình tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội. Chẳng
hạn, không phải ngẫu nhiên mà hai vị Chúa Xứ Thánh Mẫu và Linh Sơn Thánh Mẫu
lại được đặt ở hai ngọn núi của vùng Nam Bộ (núi Sam cao 287 mét, núi Bà Đen
cao 986 mét). Vị trí đó mang ý nghĩa giúp các Mẫu có thể bao quát được không
gian mình cư ngụ, giúp đỡ và bảo vệ cộng đồng cư dân địa phương.
Mặt khác, phải nói rằng tín ngưỡng thờ Mẫu là
một loại hình tín ngưỡng đang có xu hướng “trẻ hóa”[4].
Nếu những tôn giáo, tín ngưỡng khác thường hướng con người đến đời sống ở bên
kia thế giới (tức sau khi chết đi), thì tín ngưỡng thờ Mẫu lại đi ngược lại với
quy luật đó. Hằng ngày, hằng giờ người ta nghĩ đến Mẫu, tìm đến Mẫu để được thể
nghiệm bản thân mình trước các Mẫu, cầu mong sự phù hộ, độ trì và chở che của
các Mẫu đối với sức khỏe, công việc, niềm vui cuộc sống… Tôi cho rằng đấy là
tính thực dụng, thể hiện rõ đặc trưng mong muốn được đáp ứng nhu cầu tinh thần
một cách thiết thực. Ở tầm khái quát hơn, đó chính là sự biến đổi giá trị nhận
thức của cư dân vùng đất mới. Việc đi theo thời đại đã làm cho luôn biến đổi,
làm cho “mới” hơn để thích nghi.
Vì những biểu hiện đó, do vậy, giá trị nhận
thức của cư dân vùng Tây Nam Bộ là một dấu ấn rất rõ nét, thể hiện quá trình
chuyển đổi nhận thức từ tâm linh sang chú trọng thực tiễn. Sẽ là có lý nếu cho
rằng giá trị nhận thức thực dụng này tạo ra sự mâu thuẫn với giá trị tâm linh
(giá trị thứ nhất được phân tích ở trên). Tuy nhiên, tôi cho rằng mối quan hệ
giữa chúng là rất khắng khít và không hề mâu thuẫn lẫn nhau. Bởi lẽ, tính thiết
thực và tính tâm linh là hai phương diện trong một vấn đề. Niềm tin tâm linh là
cơ sở cho con người tạo ra một khoảng không trong tâm trí để đáp ứng nhu cầu
thực dụng (thông qua thao tác cầu xin); trong khi đó, tính thực dụng lại là nền
tảng để hướng con người tìm đến các Mẫu (tìm đến các Mẫu tức là tìm đến các giá
trị tâm linh).
(3.5) Ở giá trị về giới, vai
trò của người phụ nữ vùng Tây Nam
Bộ được đề cao. Với bản chất là nền văn hóa nông nghiệp lúa
nước, vai trò của người phụ nữ trong đời sống sinh hoạt lẫn vật chất và tinh
thần đều rất được đề cao. Nho giáo đã có những đóng góp hết sức to lớn vào sự
phát triển của văn hóa truyền thống của Việt Nam trên các lĩnh vực như tư tưởng
(ngọn cờ cho các vương triều phong kiến xây dựng thể chế quân chủ), về đạo đức
(tạo sự tu thân cho vua chúa, quan lại, bàn dân thiên hạ), hay về tôn giáo (tạo
ra những điển chế, nghi lễ, nghi thức cho một hình thức tôn giáo phương Đông
đặc thù – Kính thiên tế tổ). Tuy vậy, cũng chính Nho giáo trong một thời gian
trong lịch sử văn hóa dân tộc đã có những quan điểm, tư tưởng xem nhẹ, khinh
thường vai trò của người phụ nữ. Chẳng hạn như: “Nhất nam viết
hữu, thập nữ viết vô”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá
tòng phu, phu tử tòng tử” hay như “Chỉ
hạng đàn bà và tiểu nhân là khó dạy. Gần thì họ nhờn, xa thì họ oán” – Luận ngữ… Tuy nhiên, lịch sử Việt Nam đã không dưới một lần
“chứng kiến” vai trò vô cùng quan trọng của người phụ nữ không chỉ đối với sinh
hoạt đơn thuần trong cộng đồng, mà họ còn có ảnh hưởng rất lớn đến với cả vận
mệnh dân tộc Việt Nam. Những vị nữ tướng, công chúa nổi danh chúng ta có thể
liệt kê như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu Thị Trinh, Huyền Trân Công chúa, Công nữ
Ngọc Vạn, … đều là những minh chứng hùng hốn cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam
đảm đang, dũng cảm, bất khuất. Đó có lẽ là những hình ảnh thể hiện rõ nét nhất
tính dân tộc của bản sắc văn hóa nước ta. Bản lĩnh văn hóa truyền thống của dân
tộc đã thể hiện rõ khi tiếp nhận Nho giáo, xem nó như một hệ tư tưởng để quản
lý đất nước, song việc tiếp nhận giá trị Nho giáo là có mức độ, quan niệm cho
rằng văn hóa Việt Nam chịu chi phối bởi Nho giáo một cách cực đoan là không có
cơ sở.
Ở Tây Nam Bộ, sự chung lưng đấu cật trong buổi
đầu khai hoang, bất phân tuổi tác – giới tính càng tạo thêm điều kiện cho người
phụ nữ thể hiện vai trò to lớn của mình. Có một điều cũng khá thú vị, tuy không
nằm trong phạm vi bài viết nhưng tôi cũng muốn nói sơ qua, đó chính là vị thế
của người phụ nữ trong xã hội (không còn xét dưới phạm vi từ góc nhìn tín
ngưỡng thờ Mẫu). Cũng đồng thời là người phụ nữ người Việt, nhưng vị thế của
ngưởi phụ nữ Nam Bộ lại được khu biệt hoàn toàn với chính họ nhưng trong không
gian văn hóa Bắc và Trung Bộ. Phạm Đức Mạnh trong một báo cáo của mình, đã khảo
sát về hệ thống các mộ của những nữ quý tộc ở Nam Bộ. Kết quả cho thấy: số
lượng mộ dành cho các vị phu nhân của những vị quan địa phương được chôn cất
theo dạng song táng (chôn cạnh chồng) là không hề ít. Thêm vào đó, họ còn sử
dụng chữ “lăng” để chỉ những phần mộ của họ. Điểu này được xem là đại kị khi
khái niệm “lăng” chỉ được dùng để chỉ nơi yên nghỉ của các bậc đế vương mà
thôi. Ở đây, sự thoát thai những quan niệm về lễ nghi, vị thế của Nho giáo lại
góp phần làm rõ tính mở thoáng trong tư duy và tính cách của người Việt.
Tiếp cận dưới góc độ lý thuyết giới và tôn giáo, Phan Thì Yến Tuyết nhận định: “… Rõ ràng ở nơi cư
trú, nơi mưu sinh càng nhiều bất trắc, tai ương thì hệ thống thần linh của các
tín ngưỡng tôn giáo ấy càng dày đặc, càng chứng tỏ môi trường sinh thái nơi đó
nhiều hiểm họa… Ở những nơi vai trò của nam và nữ bình đẳng trong đời sống hàng
ngày thì nữ thần nổi trội trong các câu chuyện về tạo hóa với biểu tượng phụ nữ
thống lĩnh về sinh sản, sáng tạo và tiến hóa, bắt nguồn từ trong những yếu tố
như nước và đất.” [Phan Thị Yến Tuyết 2014:
69-84].
Vì vậy, có thể nói giá trị về giới đã được
người dân tuyệt đối hóa trong không gian văn hóa vùng Tây Nam Bộ. Người phụ nữ
trong suốt chiều dài lịch sử đã chung tay với nam giới để gầy dựng nên một vùng
đất Tây Nam Bộ trù phú như ngày hôm nay. Những gì họ đã làm đều được xã hội ghi
nhận công lao một cách bình đẳng. Yếu tố giới đã thoát khỏi những quan niệm về
Nho giáo, đây là nét đặc trưng để khu biệt với văn hóa Bắc và Trung Bộ.
(4) Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt Tây Nam Bộ
là một sản phẩm văn hóa vừa cũ nhưng cũng vừa mới. Đây là sản phẩm được hình
thành trên cơ sở kế thừa có biển đổi từ tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc Bộ. Trong rất
nhiều những yếu tố chi phối đến sự hình thành loại hình tín ngưỡng này, người
Việt chính là chủ thể văn hóa, đóng góp vai trò to lớn trong việc kế thừa và
biến đồi để tạo ra những vị Mẫu “rất Nam Bộ”.
Tổng kết một vài đặc điểm về giá trị văn hóa
của người Việt ở vùng Tây Nam Bộ, ta thấy nổi trội hơn cả là yếu tố lịch sử-văn
hóa. Chính hai yếu tố này là nguồn gốc để hình thành nên nhiều đặc điểm biểu
hiện về đời sống tín ngưỡng của cư dân. Dùng tín ngưỡng thờ Mẫu như một lăng
kính, ta tìm thấy những ánh xạ văn hóa được phản chiếu thông qua lăng kính này.
Năm giá trị được chỉ ra bao gồm: Giá trị tâm linh – giá trị tính cách – giá trị
giao thoa văn hóa – giá trị nhận thức – giá trị về giới đã được thể hiện một
cách sinh động thông qua những đặc điểm của chúng ở bên ngoài. Trong khuôn khổ
một bài viết ngắn, tôi không dám gọi chúng là một hệ giá trị văn hóa, bởi lẽ để
trở thành hệ giá trị, cần tập trung làm rõ hơn tính tương tác hai chiều giữa
các giá trị đó. Trong năng lực hạn hữu của mình, cá nhân tác giả chỉ muốn góp
thêm một tiếng nói nhỏ vào việc khẳng định một sự thật: Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt
Tây Nam Bộ mang những sắc
thái rất riêng, xứng đáng là một phần của bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung. Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Tây Nam Bộ cũng có thể
xem là đóng góp một phần vào việc nghiên cứu giá trị văn hóa truyền thống của
dân tộc. Tôi cho là vậy.
--------------------
(*) - Tài liệu tham khảo
[1] Ngô Văn Lệ (2003), Một số vấn đề về văn hóa tộc
người ở Nam Bộ và Đông Nam Á, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
[2] Hồ Liên (2002), Đôi điều về cái thiêng và văn hóa, Nxb Văn hóa Dân tộc.
[3] Huỳnh Thiệu Phong (2015), Tương đồng và dị biệt trong tín
ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ và giá trị của nó đối với hoạt động du lịch, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Sài Gòn.
[4] Võ Văn Sen, Ngô Đức Thịnh,
Nguyễn Văn Lên (đồng chủ biên) (2014), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam Bộ: Bản sắc và giá trị, Kỷ yếu Hội thảo khoa học, Nxb Đại học Quốc
gia TP. Hồ Chí Minh.
[5] Trần Ngọc Thêm (2014), Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ, Nxb Văn hóa Văn nghệ.
[6] Ngô Đức Thịnh (2009), Đạo Mẫu Việt Nam (tập 1), Nxb Tôn giáo.
H.T.P
Sài Gòn, 24.09.2016
[2]Xem
thêm “Một vài nguyên nhân dẫn đến hạn chế ảnh hưởng của các tôn giáo người Việt
đến các tộc người khác ở đồng bằng sông Cửu Long”,in trong Một số vấn đề về văn hóa tộc
người ở Nam Bộ và Đông Nam Á 2003 – Ngô Văn Lệ, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM.
[3]Xem
thêm Tương đồng và dị
biệt trong tín ngưỡng thờ Mẫu vùng Nam Bộ và giá trị của nó đối với hoạt động
văn hóa du lịch – Huỳnh Thiệu Phong, Đại học Sài Gòn.
HTP/ Nghiên cứu
lịch sử
----------
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một đặc trưng của Văn hóa tín ngưỡng ở nước ta, chứ không riêng gì ở Tây Nam Bộ.
Trả lờiXóaĐền cổ loa có từ thời An Dương Vương, đến nay di tích tồn tại đã hơn 2350 năm, hiện vẫn còn Am Mỵ Châu, nơi thờ NGƯỜI MẸ CỦA DÂN TỘC, hiền lành nhân hậu nhưng cả tin, đã trót ĐỂ TRÁI TIM LÊN ĐẦU và đã bị giặc phương Bắc lừa dối suốt từ đó đến nay.
Đến Tỉnh Lạng Sơn, đi qua thành phố Lạng Sơn, bà con ta có thể đến ĐỀN THỜ THƯỢNG THIÊN THÁNH MẪU ở Thị trấn Đồng Đăng. Đây là một CỘT MỐC QUỐC GIA QUAN TRỌNG mà bao nhiêu năm qua bọn Trung Quốc lân la muốn xâm phạm mà không sao xâm phạm nổi.
Phía chếch Đông Nam Thành phố Lạng Sơn khoảng 30Km, có một dải núi lớn có tên MẪU SƠN và trên đó vẫn còn DI TÍCH MẪU SƠN, hàng năm có tuyết phủ, nhìn thẳng vào bọn kẻ thù phương Bắc
Đây cũng là một vật chứng thiêng liêng mà bọn giặc phương bắc chưa có cách nào lấn la đến được.
Tại Thành phố Đà Nẵng, trên Công viên Biển Đông. nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành đã thành công về bức tượng BÀ MẸ ÂU CƠ NHÌN THẲNG RA QUẦN ĐẢO HOÀNG SA. từ trên 10 năm trước
Tất cả những chứng tích trên đều khẳng định một điều rằng, NGƯỜI MẸ TỔ QUỐC đang có mặt ở khắp nơi, đang giúp con cháu giữ toàn vẹn lãnh thổ bình yên của Tổ quốc.
Đề tài này sâu thiệt, khó bàn quá
Trả lờiXóaPhải nói thêm: Trừ những đứa theo cộng sản chúng chẳng thờ ai và thờ gì, kể cả tổ tông,, ông bà, cha mẹ chngs, vì chúng vô thần mà
Trả lờiXóaHoài linh thuộc gia đỉnh có đạo Thiên chúa mà nay thờ mẫu, ông Phạm công Thiện là thiên tài trong thập niên 60-70b gia đình theo đạo Thiên Chúa nhưng ông là cao tăng đầu thai vào VN ,tôi người đạo Phật nhưng tôi không thích mọi nghi thức Phật giáo ở VN , tôi là kẻ vô thần, nhưng tôi chỉ thích phụng sự nhân loại, được ơn trên cho nhiều đặc ân, tôi nghĩ mỗi người bị cái nghiệp của kiếp trước chi phối mọi hành động.
Trả lờiXóa