Tàu chiến Ấn Độ trên Biển Đông. |
* Mohan Malik
Phán quyết không thể tốt hơn cho New Delhi , nhưng các bước đi tiếp của Ấn Độ
phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc.
Bản án của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) bác bỏ yêu
sách của Trung Quốc (TQ) đòi sở hữu đến 80% biển Đông (một khu vực có diện
tích gần bằng Ấn Độ) đã được New Delhi chào đón rất hài lòng và hân hoan.
Đây là lần đầu tiên toàn bộ cơ sở của “yêu sách lịch sử” của TQ (ví dụ, “đường
chín vạch”) đã bị một tóa án quốc tế phán là không hợp lệ theo luật
quốc tế. Phán quyết này không những có ý nghĩa quan trọng đối với các nước có
tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết với TQ mà còn có ảnh hưởng tới các mối
quan hệ của Ấn Độ với Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước ASEAN, và trật tự quốc tế.
Phán quyết đưa ra gần ngay lúc Bắc Kinh thành công trong việc chặn đề xuất của
New Delhi gia nhập vào Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) —bằng cách nại ra
các thủ tục pháp lý—và chặn đề xuất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đưa tay
khủng bố Pakistan Masood Azhar vào danh sách khủng bố, bản án được xem như là
một “bản cáo trạng kết tội” TQ coi thường Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển
(UNCLOS) và các nghị quyết của Hội đồng an ninh chống khủng bố mà chính Bắc
Kinh đã tự ký kết và ủng hộ.
Khiển
trách Trung Quốc
Phản ứng chính thức của chính phủ Ấn Độ là nhanh
chóng và có cân nhắc, với Bộ Ngoại giao (MEA) đưa ra một tuyên bố vào ngày
công bố phán quyết, kêu gọi tất cả các bên thể hiện “sự tôn trọng tối đa”
đối với UNCLOS. Qua việc nhấn mạnh rằng “Ấn Độ ủng hộ tự do đi lại trên
biển và trên không cũng như giao thương không bị cản trở, dựa trên các nguyên
tắc của luật pháp quốc tế, như được phản ánh một cách đáng chú ý trong
UNCLOS”, tuyên bố của MEA được xem là lời chê trách TQ. Nhấn mạnh lợi ích
quốc gia cụ thể của Ấn Độ trong vấn đề này, tuyên bố nêu thêm: “Các quốc gia
nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình không đe dọa hoặc sử
dụng vũ lực và thực hành kềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể
làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định“. Đòi
hỏi về “sự tôn trọng tối đa,” khẳng định lợi ích thiết yếu của Ấn Độ trong
việc duy trì “tự do đi lại trên biển và trên không theo UNCLOS” và không
muốn có “các hoạt động làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp”—tất cả đều
có ngụ ý chỉ trích mạnh mẽ ý định của Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của tòa và
tiếp tục như trước.
Đúng như dự đoán, TQ lên án mạnh mẽ phán quyết, tuyên bố nó vô hiệu, và đặt
câu hỏi về tính hợp pháp của chính tòa trọng tài. Phản ứng của TQ tương phản
rõ rệt với việc Ấn Độ vui vẻ chấp nhận một vụ trọng tài tương tự với
Bangladesh hai năm trước đây, mặc dù bản án đó đã nghiêng về nước láng giềng
nhỏ hơn. Tuy nhiên, không phải Ấn Độ mà chính Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng cho
khu vực Đông Á Abraham Denmark đã nhắc nhở TQ và thế giới về vụ trọng tài
phân định ranh giới biển bất lợi mà Ấn Độ đã chấp nhận với Bangladesh. Vào
ngay đêm trước ngày bản án công bố, ông Denmark kêu gọi TQ noi theo tấm guơng của Ấn Độ trong
việc giải quyết tranh chấp ranh giới biển với Bangladesh bằng cách chấp nhận phán
quyết của tòa án do PCA bổ nhiệm. Tuy nhiên, một TQ đang nổi cơn điên đã lên án
kịch liệt lời khuyên của Hoa Kỳ theo tấm gương của Ấn Độ qua việc tuyên bố rằng
“không có gì giống nhau” giữa hai vụ kiện.
Đồng thời, việc TQ tuyệt vọng muốn xua đi nhận thức
lan rộng về tình trạng cô lập toàn cầu của mình đã khiến phương tiện truyền
thông nhà nước và các nhà ngoại giao đưa ra khẳng định lạ lùngvề sự ủng hộ của 60 nước, trong đó có
Ấn Độ. Phụ trách ngoại giao của TQ ở Ấn Độ, Liu Jinsong, nhấn mạnh một
cách thiếu trung thực rằng lập truờng của Ấn Độ về biển Đông là “khá giống”
với lập truờng của chính TQ, vì Ấn Độ đã ký tuyên bố “lập truờng chung”
về vấn đề này hồi tháng 4 năm 2016 tại Moscow. Thông cáo chung ba bên
Nga-Ấn-Trung của ba bộ trưởng ngoại giao đúng là có giống với lời lẽ được sử
dụng trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ: Thông báo này kêu gọi tất cả các tranh chấp ở biển Đông cần “được
giải quyết thông qua thương lượng và thỏa thuận giữa các bên liên quan. Về mặt
này, các Bộ trưởng kêu gọi tôn trọng đầy đủ tất cả các quy định của UNCLOS,
cũng như Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và Hướng dẫn
thực hiện DOC”. Tuy nhiên, trong khi các quan chức TQ cố tình nhấn mạnh câu
đầu tiên, giới chức Ấn Độ và phương tiện truyền thông lại cảm thấy yên lòng
với câu thứ hai đặt ra giới hạn cho câu đầu. Có vẻ do phải đối mặt với những
thách thức trong việc cân bằng lợi ích của Ấn Độ trong quan hệ ba bên Nga-Ấn
-Trung trên lục địa với quan hệ ba bên Mỹ-Nhật-Ấn trên biển, thông cáo
chung “hài lòng tất cả” này là một hành động ngoại giao “vòng vo” của New Delhi.
Dù Bắc Kinh khẳng định có đuợc sự ủng hộ đáng kể trên toàn cầu, chỉ có
10 nước— hầu như tất cả trong số đó đều là nước không có biển, nghèo, tham
nhũng, và phụ thuộc vào sự hào sảng của TQ— là công khai nói ủng hộ cho
lập trường của TQ rằng TQ đã “tuân thủ luật pháp quốc tế qua việc bác bỏ
phán quyết bất hợp pháp của tòa”.
Bắc Kinh càng thất vọng nhiều hơn nữa khi tuyên
bố chung được Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ và Nhật Bản đưa ra ngày 14
tháng 7, sau Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Ấn-Nhật hàng năm hai ngày sau đó,
một lần nữa kêu gọi các bên “thể hiện sự tôn trọng cao nhất đối với
UNCLOS” và bày tỏ “mối quan tâm của hai nước qua các diễn biến gần đây” (các
hành động của TQ như đáp máy bay xuống các đảo nhân tạo và hàng loạt đả
kích các thẩm phán tòa án, cùng với việc đe dọa tuyên bố vùng nhận dạng
phòng không trên biển Đông). Lời lẽ rất giống với các tuyên bố riêng của
Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Bộ Ngoại giao Nhật Bản vào ngày 12 tháng 7. Đây là
lần thứ hai mà một tuyên bố chung Ấn-Nhật đề cập đến tranh chấp lãnh thổ biển
Đông và chú trọng rõ nét sự sắp xếp địa chính trị đang phát triển ở châu Á.
Tháng 12 năm 2015, tuyên bố chung của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ
tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã kêu gọi tất cả các bên “tránh các hành động đơn
phương” ở biển Đông “có thể dẫn tới những căng thẳng trong khu vực.” Tokyo và New
Delhi cũng thoả thuận tăng cường hợp tác quân sự tổng
thể của họ bằng cách thiết lập Đối thoại Chiến lược biển và tiến hành các cuộc
tập trận trên biển ba bên Mỹ-Ấn-Nhật, cuộc tập trận Malabar, hàng năm.
Sự cạnh
tranh địa chính trị Trung-Ấn
Sự bất hòa Trung-Ấn ngày càng tăng đối với biển
Đông góp thêm nhiều áp lực và căng thẳng vào quan hệ song phương của họ, vẫn
còn bị ám ảnh bởi cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 và các tranh chấp lãnh
thổ chưa được giải quyết ở Himalaya. Với nền kinh tế đang phát triển và tầm
nhìn địa chính trị mở rộng của mình, hai người khổng lồ của châu Á hiện nay
cạnh tranh về sự hiện diện phía trước và vùng ảnh hưởng, đặc biệt là khi họ
tranh giành các nguồn tài nguyên năng lượng. Từ năm 2008, TQ đã phái gần hai
chục chuyến hải quân đi tới Ấn Độ Dương, bề ngoài là để chống cuớp biển
nhưng ngầm tung sức mạnh trong khu vực. Trong tình hình có nhiều tranh chấp
của các nước chưa được giải quyết, cộng với vai trò của TQ như là nhà cung cấp
vũ khí lớn nhất cho nước láng giềng của Ấn Độ, và các cuộc tuần tra của tàu ngầm
hạt nhân TQ tại Ấn Độ Dương (mà New Delhi coi là sân sau chiến lược của mình),
dễ hiểu được việc Ấn Độ tìm mưu tính kế giành lợi thế trong những khu vực ảnh
hưởng trùng với TQ. New Delhi vươn tới các nước láng giềng châu Á mà còn tới
các nước xa xôi trong cái bóng ngày càng mở rộng của Bắc Kinh, đặc biệt là các
nước Việt Nam, Philippines và Nhật Bản bao quanh. Ấn Độ, giống như Việt Nam ,
từ lâu đã coi TQ như một cường quốc muốn đòi đất xưa và bành trướng.
Theo nhà phân tích chiến lược nổi bật Brahma
Chellaney quan
sát gần đây, “TQ không chỉ nhằm tới việc kiểm soát không bị tranh
giành ở biển Đông, mà họ còn đang không ngừng tìm cách thách thức hiện
trạng lãnh thổ ở biển Hoa Đông và ở Himalaya ”.
Tuy nhiên, thay vì tung ra “một cuộc xâm lược theo kiểu cũ — một cách làm
có thể kích hoạt một cuộc đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ—TQ đang tạo sự kiện mới
trên thực địa bằng việc nhũng nhiễu, bắt nạt, và hối lộ đối thủ”.
Do 55% thương mại của Ấn Độ đi qua biển Đông, Hải quân
Ấn Độ mới đây đã dành ưu tiên cho an ninh năng lượng và bảo vệ các tuyến đường
biển. Năm 2007, Bắc Kinh đã phản đối một dự án thăm dò năng lượng Việt-Ấn trong
vùng biển tranh chấp ở biển Đông, và thậm chí đã có báo cáo về việc tàu chiến
TQ đối đầu với tàu hải quân Ấn Độ trong khu vực. Phớt lờ cảnh báo của Bắc Kinh,
Ấn Độ đã công khai ủng hộ Việt Nam và Philippines, đặc biệt là trong tranh chấp
của hai nước này với Bắc Kinh, và tiếp tục hợp tác với Hà Nội trong thăm dò dầu
khí ở biển Đông. Trong tuyên bố song phương với Manila, New Delhi đã thừa nhận
khu vực này là một phần của biển Tây Philippines và không chấp nhận luận thuyết
của TQ về biển Đông. Vì vậy, cũng giống như TQ, Ấn Độ đang quơ quào giành ảnh
hưởng.
Là một phần của chính sách “Hướng Đông” trùng hợp với
chủ trương “tái cân bằng của Hoa Kỳ” và “Đóng góp chủ động cho hòa bình” của
Nhật, Ấn Độ đã gia tăng phối hợp, cả quân sự và ngoại giao, với các nước Đông
và Đông Nam vốn cũng coi TQ như một mối đe dọa. New Delhi hiện đang đàm phán
việc bán các tên lửa hành trình BrahMos cho Việt Nam cũng như tàu khu trục và
tàu tuần tra cho Philippines, trong khi hình thành quan hệ quân sự và các liên
kết kinh tế và thương mại với Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Singapore. Vào
thời điểm khi ASEAN đang chia rẽ, Ấn Độ tự đặt mình ở trung tâm các mối quan hệ
trong khu vực với Mông Cổ, Việt Nam, Philippines, Úc, Indonesia và Thái Lan như
một phần của kiến trúc an ninh nhằm cân bằng một TQ đang trỗi dậy và tăng cường
an toàn và an ninh cho các tài sản chung (commons) trên toàn cầu. Trong tuyên
bố chung cấp cao, cả Hoa Kỳ lẫn Ấn Độ đã nhiều lần tuyên bố họ ủng hộ quyền tự
do đi lại trên biển và trên không, báo hiệu rằng chính phủ Modi không thấy xấu
hổ về việc liên kết một cách rõ ràng với Mỹ và mục tiêu chiến lược của Ấn Độ ở
Ấn Độ-Thái Bình Dương là đối phó với các hành động bành trướng của TQ.
Về phần mình, TQ đang ngày càng khó chịu với viễn cảnh
Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Bắc Kinh không
chấp nhận việc Ấn Độ tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam,
Singapore ở biển Hoa Đông và biển Đông. Bắc Kinh đã cho thấy là họ sẽ không
dung thứ cho một cường quốc hải quân khác hoạt động ở biển Đông—mà các quan
chức của họ đã mô tả như là “lợi ích cốt lõi” liên quan tới chủ quyền đất nước,
toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, và do đó gắn liền với tính chính đáng
trong nước và sự tồn vong của chế độ cộng sản. Kiểm soát đối với biển Đông cũng
có tầm quan trọng sống còn đối với sự thành công của Con đường tơ lụa trên biển
của Tập Cận Bình.
Tranh luận
về Được, Mất và các lựa chọn
Các nhà hoạch định chính sách và bình luận Ấn Độ
thường cáo buộc TQ hai mặt [tiêu chuẩn kép]. Họ nhấn mạnh rằng UNCLOS không phải
là một “hiệp ước bất bình đẳng” do các cường quốc bên ngoài áp đặt lên Bắc
Kinh. Trong nhiều năm, TQ đã tham gia như một nước ngang hàng trong đàm phán
UNCLOS và cũng đồng ý với các thủ tục giải quyết tranh chấp ở trong đó khi TQ
trở thành một thành viên của Công ước. Hơn nữa, TQ tận dụng đầy đủ các quyền và
quyền tự do trên biển theo UNCLOS ở các biển và đại dương thuộc những nơi chưa
có nước ven biển tìm cách giữ vai trò chính yếu, chẳng hạn như ở Ấn Độ Dương và
biển Bắc Cực, nhưng TQ lại phủ nhận các quyền và tự do đó với các nước khác gần
cạnh họ ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Các chuyên gia kỳ cựu về TQ của Ấn Độ cũng lưu ý sự
tương đồng nổi bật giữa các chiến thuật Bắc Kinh dùng để mở rộng biên giới đất
liền của mình ở Himalaya với chiến thuật họ sử dụng để đẩy ranh giới trên biển
của họ ở biển Đông ra xa. Cũng hệt như Quân đội TQ (PLA) định kỳ phái các đội
tuần tra biên giới mặc trang phục của dân làng, người chăn nuôi thú, và đội ngũ
kỹ sư thi công mặt đường đến biên giới Ấn-Tạng để thay đổi các sự kiện trên mặt
đất, cảnh sát biển, ngư dân, và dân quân biển đã được phái đi để mở rộng biên
giới trên biển của TQ ở biển Đông.
Bắc Kinh cũng thực hiện các thủ đoạn gian trá ngôn từ.
Mặc dù theo quan điểm pháp lý, việc sử dụng các thuật ngữ “biển Nam Trung Hoa”
không nói lên việc công nhận chủ quyền lịch sử của TQ, nhưng các đô đốc và các
tướng lĩnh TQ tuyên bố nghiêm trang rằng “biển Nam Trung Hoa, như tên cho
thấy, là biển của TQ” (Chuẩn Đô đốc Yuan Yubai, tháng 9 năm 2015), tuy nhiên “Ấn
Độ Dương thì không phải là đại dương của Ấn Độ” (Captain Zhao Yi, tháng 9 năm
2015; Gen Zhao Nanqi, 1993) – một khẳng định đặc biệt khó chịu cho New Delhi.
Mặc dù Bắc Kinh yêu sách khoảng 80 % biển Đông là “vùng nước lịch sử” của họ
(và bây giờ đã nâng yêu sách này lên thành “lợi ích cốt lõi”, giống với yêu
sách của họ đối với Đài Loan và Tây Tạng), Về mặt lịch sử mà nói, nếu TQ có
quyền yêu sách biển Đông để sử dụng độc quyền thì Mexico cũng có quyền đòi vịnh
Mexico, hay Iran đòi Vịnh Ba Tư, hoặc Ấn Độ đòi Ấn Độ Dương. Nói cách khác,
chẳng ra gì cả.
Việc liên tục diễn giải lại lịch sử để lấn tới các yêu sách chính
trị, lãnh thổ và biển hiện đại, cùng với khả năng lãnh đạo Cộng sản đóng mở
“nồi hơi dân tộc chủ nghĩa” giống như đóng mở vòi nước trong những thời điểm
căng thẳng với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, và Ấn Độ khiến cho Bắc
Kinh khó trấn an các nước láng giềng rằng “sự trỗi dậy hòa bình” của họ là có
tính hòa bình. Mặc dù các nhà lãnh đạo TQ và các nhà ngoại giao vẫn tụng câu
thần chú “trỗi dậy hòa bình”, nhưng ngôn ngữ điệu bộ của họ bảo tất cả mọi
người hãy tránh khỏi con đường của họ.
Trong bối cảnh đó, Ấn Độ khó có thể hy vọng một phán
quyết tốt hơn của PCA. Phán quyết là một sự phát triển đáng mừng cho các lợi
ích kinh tế và chiến lược đang phát triển của Ấn Độ (đặc biệt là khai thác dầu
ngoài khơi Việt Nam )
khi tòa tuyên bố biển Đông là vùng biển quốc tế. Về mặt chiến lược, phán quyết
cung cấp che chắn pháp lý và ngoại giao cho Ấn Độ tăng sự tham gia của hải
quân (bao gồm cả quyền tự do đi lại và tập trận chung) với các nước Đông Nam Á
khác ở biển Đông. Một chiến thắng rõ ràng cho Philippines
cũng có tác dụng hết sức tích cực cho các bên yêu sách khác như Malaysia , Indonesia ,
Việt Nam và Brunei nếu các
nuớc này chọn cách đưa vụ việc của mình ra PCA. Các nhà chiến lược Ấn Độ tin
rằng, những cố gắng của TQ tìm cách chia rẽ ASEAN sẽ phân cực khu vực dẫn đến
việc “TQ đối chọi với cả phần còn lại”. Phán quyết này sẽ cho Ấn Độ nhiều cơ
động hơn để tác động như một sức mạnh cân bằng hay một đối trọng có thể có với
TQ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Với các căn cứ (Djibouti và Gwadar) và sự đột nhập
ngày càng tăng của hải quân TQ ở Ấn Độ Dương, Hải quân Ấn Độ muốn có sự hiện
diện giám sát ở biển Đông, chủ yếu là để đối phó với sự hiện diện của TQ ở Ấn
Độ Dương. Không chỉ vậy, việc phán quyết tòa bác bỏ chính sách biển Đông của
Tập Cận Bình còn đặt ra câu hỏi về khả năng phán đoán và lãnh đạo của ông và có
thể làm suy yếu việc nắm giữ quyền lực của Tập Cận Bình vào Đại hội Đảng tới.
Ngoài ra, nó có thể làm sáng tỏ tham vọng Con đường tơ lụa trên biển của Tập
Cận Bình qua Ấn Độ Dương—một lợi ích ròng cho Ấn Độ.
Phán quyết của tòa cũng có thể có lợi cho Ấn Độ theo
những cách khác, Việc TQ coi thường luật pháp quốc tế đặt Bắc Kinh, trước đó đã
ngăn New Delhi xin gia nhập NSG bằng cách viện dẫn pháp luật, vào vị thế bất
lợi. Ấn Độ, ngược lại, đứng trên một nền tảng đạo đức cao hơn vì đã tuân thủ
phán quyết của PCA cho Bangladesh
về một vấn đề tương tự. Sự phát triển này sẽ tăng cường điều kiện của Ấn Độ gia
nhập NSG và hủy hoại những nỗ lực của TQ lôi kéo các nước như Nam Phi, Brazil,
Ireland, và New Zealand chống lại Ấn Độ trong cuộc họp toàn thể lần tới.
Quan trọng hơn, một số nhà phân tích chiến lược của Ấn
Độ tin rằng phán quyết của tòa, hủy yêu cầu lịch sử của TQ về “đường chín
đoạn”, cũng có thể làm suy yếu các yêu sách của TQ đối với Arunachal Pradesh.
Ấn Độ, một mặt, không bao giờ chấp nhận lập luận lịch sử của Bắc Kinh về Tây
Tạng. Nếu yêu sách lịch sử có một giá trị nào đó thì Mông Cổ có thể đòi cả châu
Á, đơn giản chỉ vì họ đã từng chinh phục các vùng đất của châu lục này. Tòa
cũng kết luận rằng, nếu TQ có quyền lịch sử đối với các tài nguyên trong các
vùng biển của biển Đông thì các quyền đó đã bị triệt tiêu trong chừng mức chúng
không phù hợp với các vùng đặc quyền kinh tế được quy định trong UNCLOS. Nếu áp
dụng cùng logic đó vào tranh chấp biên giới Trung-Ấn thì phán quyết của PCA có
vẻ củng cố lập trường của Ấn Độ truớc TQ. Như một chuyên gia về TQ của Ấn Độ,
Srikanth Kondapalli, chỉ ra: “Năm 1914, Hội nghị Simla, tạo ra đường MacMahon,
được Chen Yifan của chính phủ Quốc Dân Đảng ký tắt. Dù tài liệu này không được
nâng lên thành một hiệp ước sau này (do sự khác biệt về biên giới Trung-Tạng,
chứ không phải biên giới Ấn -Tạng), theo luật pháp quốc tế, ký tắt
ngụ ý đóng băng đàm phán.” Vì vậy, Kondapalli lập luận chống lại việc mở rộng
lập luận lịch sử của TQ “để bao hàm cả Arunachal Pradesh, có thể, tốt nhất được
mô tả như là một vụ bán hợp pháp”. Tòa án quốc tế sẽ đồng tình: luật pháp thắng
lịch sử.
Nhiều nhà phân tích chiến lược của Ấn Độ, vẫn nhức
nhối trước tư thế phá rối của TQ trong các diễn đàn quốc tế, muốn Bắc Kinh phải
gánh chịu hậu quả về hành động của mình và ủng hộ việc chính phủ của họ thông
qua một chính sách ăn miếng trả miếng. Họ cho rằng giống như các quy tắc không
phổ biến [vũ khí hạt nhân] không thể bị uốn cong vì New Delhi, thì các quy tắc
của UNCLOS cũng không thể bị bẽ cong vì Bắc Kinh. Phán quyết của PCA “thiết
lập trật tự pháp lý quốc tế về biển và đại dương và tất cả các bên phải tôn
trọng nó”. Đối với họ, việc TQ bác bỏ phán quyết là hết sức nhức nhối khi so
sánh với việc Ấn Độ chấp nhận phán quyết UNCLOS xấu về vấn đề biên giới biển có
tranh chấp với Bangladesh .
Hầu hết tin rằng TQ của Tập Cận Bình coi trọng việc
thu đạt lãnh thổ hơn bị mất danh tiếng. Sức mạnh kinh tế, sức mạnh quân sự
đang tăng của TQ và chủ nghĩa siêu dân tộc trong nước đang thúc đẩy các hành
động ở nước ngoài đưa nó vào cuộc xung đột ngày càng nguy hiểm. Ví dụ, cựu Cố
vấn An ninh quốc gia Ấn Độ S. S. Menon không dự kiến TQ sẽ “xuống nước” vào
một lúc nào sớm và dự đoán “chủ nghĩa bành trướng hung hăng trong tương lai
gần” sẽ tiếp tục. Trong trường hợp đó, sự hiếu chiến của Bắc Kinh sẽ mở ra việc
hình thành một liên minh biển do Mỹ dẫn đầu để duy trì tự do đi lại trên biển
và trên không ở Thái Bình Dương.
Mặt khác, một số cựu chuyên gia về TQ và cựu quan chức
ngoại giao Ấn Độ nhấn mạnh sự cần thiết phải hạ căng thẳng, giúp TQ tìm ra con
đường trung gian thông qua ngoại giao và đàm phán, và cho phép Bắc Kinh bước
lùi và duy trì hệ thống dựa trên luật lệ. Nhà quan sát TQ Kondapalli muốn đất
nước mình “theo đuổi một chính sách hòa giải giữa TQ và các nước Đông Nam Á vì
an ninh khu vực”. Những nước khác cẩn trọng chống lại việc đối kháng không cần
thiết hay kích động TQ. Cựu Bộ trưởng Ngoại Kanwal Sibal nói: “mối đe dọa TQ
trên đất liền với Ấn Độ và việc tăng cường trục TQ-Pakistan là nghiêm trọng hơn
nhiều đối với chúng ta, hơn là các yêu sách biển của họ”. Đối với thiếu tướng
hưu C. Uday Bhaskar, một TQ tức giận hay hờn dỗi mà quay lưng với hòa giải hoặc
trọng tài quốc tế, và tấn công các nước láng giềng yếu hơn của nó, không phải
là một kết quả mong muốn. Ông cho rằng “Ấn Độ mất nhiều hơn được với việc siết
thêm căng thẳng, đặc biệt là vào thời điểm khi TQ có thể có cảm giác bị tù túng
và bị cô lập”, bởi vì “xét cho cùng Ấn Độ có lợi ích sống còn trong việc duy
trì một mối quan hệ hòa bình và ổn định với TQ trong tình hình mức độ liên kết
thương mại, sự chênh lệch về vị thế kinh tế, tranh chấp biên giới hiện có…”.
Sau khi nói như vậy, gần như tất cả mọi người đều tự hỏi liệu tương lai của khu
vực sẽ được xác định bằng cách tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực quốc tế hay
sẽ được xác định bằng tiền và sức mạnh.
Các tương
lai thay thế
Phán quyết The Hague đánh dấu một thời điểm quyết định
trong sự phát triển của luật biển và trật tự địa chính trị của châu Á. Vụ kiện
đã qua, nhưng tranh chấp vẫn còn đó. Biển Đông mà qua đó có hơn $5,3 nghìn tỉ
giao thương biển đi qua mỗi năm, bây giờ là đấu trường của một trò chơi poker
địa chính trị vốn sẽ quyết định tương lai của trật tự khu vực: Pax Sinica (Hoà
bình kiểu TQ) hay Pax Americana (Hoà bình kiểu Mỹ). Washington dường như quyết tâm giữ gìn trật
tự quốc tế tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo khi Bắc Kinh muốn thay và sửa đổi nó.
Phán quyết của PCA buộc TQ phải quyết định loại cường
quốc nào nó mong muốn trở thành —một cường quốc đề cao pháp luật và chuẩn mực
hiện hành hoặc một cường quốc khinh thị các điều này trong việc trần truồng
theo đuổi quyền lực, lãnh thổ và quyền bá chủ. Việc một cường quốc lớn có trở
thành một cường quốc vĩ đại hay không cũng được xác định bởi các phản ứng hoặc
đồng ý của nước khác. Sự ủng hộ của Gambia ,
Sudan , Pakistan , Lào,
và Campuchia chắc chắn sẽ không làm cho TQ thành một cường quốc vĩ đại. Vì
vậy, sự lựa chọn rõ ràng là: Bắc Kinh có thể hoặc hạ bớt căng thẳng hoặc tăng
gấp đôi vào tranh chấp của mình. Lựa chọn của TQ sẽ định hình tương lai của châu
Á. Nếu Bắc Kinh chấp nhận hướng đi theo chính sách đối ngoại ôn hoà và tái cam
kết thực hiện pháp luật và các chuẩn mực quốc tế, môi trường an ninh châu Á sẽ
được cải thiện. Tất cả các nước châu Á đều muốn hưởng lợi từ quan hệ kinh tế
với TQ, nhưng không ai muốn sự trở lại của một trật tự chư hầu lấy TQ làm trung
tâm.
Đối mặt với một TQ hung hăng, các cường quốc dân chủ
và hàng hải lớn của châu Á, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia sẽ làm việc một cách đồng
bộ hơn cùng với Hoa Kỳ trong một nhóm tứ giác. Họ sẽ được ủng hộ bởi các cường
quốc trung bình (Hàn Quốc, Việt Nam ,
Philippines , Malaysia , và Indonesia ) vốn đang ngày càng lo
lắng về hành vi trên biển của TQ. Họ sẽ hợp tác chặt chẽ với nhau để thúc đẩy
và bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ, một trật tự không dành lợi thế cho các
quốc gia lớn mạnh với cái giả phải trả cho các quốc gia nhỏ yếu. Theo thời
gian, các liên kết hai bên, ba bên khác nhau (như Nhật-Việt-Philippines,
Mỹ-Nhật-Ấn, Úc-Indonesia-Ấn, Ấn-Nhật-Việt), và những nỗ lực đa phương không
chính thức để kiềm chế TQ có thể hợp lại thành một liên minh hàng hải hay “Đối
tác biển Indo-Pacific” (hay một tên khác là “NATO của châu Á”).
Nếu thấy con
rồng TQ hành động hung hăng trong các vùng đất và vùng biển xung quanh Ấn Độ,
một Ấn Độ yếu nghiêng về phía Hoa Kỳ sẽ trở thành một liên kết vững chắc chống
lại TQ.
M.M/ Dịch giả: Song
Phan/American Interest
-----------
Tham (của người khác) thì thâm, Trung Cộng ơi!
Trả lờiXóaDài ghê, túm lại anh Ấn éo có anh em, đồng đảng đồng bọn với thằng tàu nên ảnh léo sợ léo nể tàu
Trả lờiXóaThế giới cần chung tay
Trả lờiXóa