Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Trượt giá? Hay ông Thăng trượt đà ?

Lập luận khó hiểu để Bộ GTVT tăng phí đường gấp đôi

       * NGÂN GIANG
Sau khi Thủ tướng Chính phủ vừa báo cáo trước Quốc hội và đưa ra con số lạm phát đã giảm xuống mức thấp nhất cho đến nay, thì Thứ trưởng Bộ GTVT lại chỉ rõ lí do phải tăng mức thu phí đường bộ gấp đôi là do trượt giá. Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra quan điểm của mình về hai lý lẽ trái ngược này.
Thu nhập tăng đâu mà tăng?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng viện quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, con số trong báo cáo của Chính phủ và việc tăng giá phí để bù trượt giá của Bộ GTVT không phải là hoàn toàn mâu thuẫn hay việc này bác bỏ việc kia, mà là do lạm phát tích tụ lại từ nhiều năm trước và bây giờ chúng ta vẫn đang phải trả giá.
Ông Doanh phân tích: "Việc lạm phát về thấp trong năm nay, điều này hoàn toàn xác nhận được. Còn việc Bộ GTVT lấy cớ nâng giá phí BOT, mức phí này ổn định từ nhiều năm nay rồi, bây giờ anh lại cộng mức lạm phát từ những năm trước vào, đề nghị này về một phần nào đó thì có lý nếu theo cách tính của ngành GTVT".
Tuy nhiên, vị chuyên gia này chỉ rõ điểm chưa đúng trong hai lập luận của Bộ GTVT (tăng phí để bù trượt giá và tăng phí vì thu nhập của người dân đã tăng lên nhiều - PV).
Ông Doanh nói: "Bộ GTVT dựa vào con số thu nhập GDP lên tới 1.960 USD như Thủ tướng công bố. Mức đó do Tổng cục Thống kê tính trên giá hiện hành, dựa trên mức lạm phát, như vậy có nghĩa lạm phát càng nhiều thì GDP tính theo đầu người của Việt Nam càng cao. Điều đấy là phi lý".
             Bàn về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): "Tăng phí là phù hợp? Sao nói như vậy được?! Người dân thu nhập tăng cao đâu mà tăng?
Thu nhập bình quân đầu người của nước ta là 1.960 đô/người/năm, Thủ tướng đã có con số cụ thể khi báo cáo Chính phủ, nó tăng cao hơn năm 2012 là 20%, nhưng đấy mới chỉ là trong báo cáo còn cơ sở tính toán thì phải xem xét lại.
Không những vậy, so với các nước, Việt Nam vẫn được xếp vào nước có thu nhập trung bình thấp, thế nên thu phí thì phải xứng với chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng và nhiều yếu tố khác nữa", ông Long cho biết thêm. 

Hoàn toàn bất hợp lý
            Chuyên gia Ngô Trí Long phân tích thêm: "Với mức tăng phí này, Bộ GTVT không chỉ tính mức trượt giá trong năm nay mà trong nhiều năm, cả những năm tới nữa, như vậy là bất hợp lý".
Đặt vào bối cảnh, các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn, đời sống người dân kém, thu nhập thấp, ông Long một lần nữa nhấn mạnh: "Tăng phí như thế này hoàn toàn bất cập".
"Ngành giao thông cái gì cũng đòi tăng phí lên trong khi đó, đầu tư của ngành lại không có hiệu quả, chất lượng phục vụ không tốt. Chưa kể Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đã nói, hàng năm nguồn vốn nhà nước đổ vào trong ngành giao thông là lớn nhất, thế mà cuối cùng đòi tăng phí như vậy là không hợp lý" - vị chuyên gia kinh tế nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Long, tính phí BOT là phải tính thời gian thu hồi vốn, tính khả năng sức chịu đựng của nền kinh tế chứ nếu trượt giá bao nhiêu mà  tính bấy nhiêu.
"Vì khi đầu tư vào, họ sẽ tính thời gian thu hồi vốn là bao lâu, với thời gian như vậy thì mức phí rơi vào bao nhiêu. Bây giờ ngành giao thông lại ăn nhằm với cái CPI (trượt giá) thì nó chỉ là một cơ sở, một căn cứ thôi" - ông Long phân tích. 
Nhắc đến độ chính xác, minh bạch của số liệu thống kế trong báo cáo, ông Long lo ngại: "Số liệu thống kê từ trước đến nay đưa ra, rất nhiều người cảm thấy không tin kể cả lãnh đạo.
Thí dụ, biểu hiện rõ nhất là tồn kho, nợ xấu con số hoàn toàn khác nhau, cho nên tốc độ tăng trưởng một số chỉ tiêu hoàn toàn không phù hợp với thực tế. Đây là điều hoàn toàn bất cập.
Một khi số liệu thống kê không chính xác sẽ dẫn đến những hệ lụy cực kỳ nguy hiểm là đưa ra những hoạch định đường lối hoàn toàn không có tác dụng. Mà đa số hiện nay, các số liệu thống kê của nước ta chưa phản ánh đúng được thực trạng của một vấn đề nào đó, sai lệch rất nhiều".
N.G (Theo ĐV)  
-------------

15 nhận xét:

  1. Chết khiếp với....Ông ĐINH LA THĂNG....mua xe hơi một năm chạy không đến 4.000 cây số mà phải đóng phí bảo trì ĐLT. như nhau....hoan hô ...rất công bằng..? hoan hô.....xe máy nhờ ông ĐLT cũng được thể hiện lòng yêu nước..hoan hô...nhưng mà....thôi hãy để gió cuống nó đi....

    Trả lờiXóa
  2. Trượt giá,ừ,thì trượt giá
    Lương tâm đã quay tròn cùng bánh xe lăn
    Lạm phát cười trong não bộ thiểu năng
    Bù ,ừ, thì bù nữa cho chữ vàng nặng túi
    Mặt nhân gian nay chỉ còn bóng tối
    đen cùng màu ,đen tối những mưu tham

    Trả lờiXóa
  3. Nhà em giàu rồi! Có báo cáo GDP VN tăng vùn vụt kìa? Sung sướng quá! Thôi, qua thằng Tèo vay 20.000 đồng mua gạo.

    Trả lờiXóa
  4. Kiểu này, 2, 3 năm nữa, GDP Việt Nam sẽ được "báo cáo" lên 6.000 USD đấy!

    Trả lờiXóa
  5. Xem cải lương, thấy cảnh cường hào ác bá vét sạch thóc giống của tá điền, ai cũng căm!

    Trả lờiXóa
  6. "Thời Pháp thuộc, dưới sự lãnh đạo của ĐCS , phong trào chống sưu cao, thuế nặng trong dân ta nổ ra ở khắp nơi..." (Trích GK Lịch sử bậc PT) . Giờ , sau gần TK , dân tộc ta lại phải "đi" từ đầu , mà đâu phải chống ngoại xâm, nội xâm mới đau ...

    Trả lờiXóa
  7. Tăng phí là con đường ngắn nhất, dễ nhất để có ngay tiền tươi, thóc thật.
    Còn lạm phát, trượt giá, mức sống thật của người dân, vi mô, vĩ mô là truyện dài nhiều tập để Đảng, nhà nước lo. ĐLT chỉ nghĩ đơn giản : tăng phí gấp đôi, dân ta chưa chết đói đâu mà sợ.
    Đúng là đầu to, óc như quả nho.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cũng có thể nói: "Đầu to, óc như con bò!"

      Xóa
  8. Đời sống đại đa số người dân không những không tăng mà ngày càng khánh kiệt vì phải è cổ đóng các loạ thuế,phí,quĩ do thôn bản,khối xóm cho đến xã,huyện,tỉnh,trung ương qui định.Chỉ có sự vô cảm,sự tham lam vô độ của các loại quan chức tăng"kích phọt" theo cấp số nhân!Các Nhà báo thử làm một cuộc điều tra mi ni mà xem,hầu hết quan chức,công chức viên chức và các doanh nghiệp ngành giao thông giàu có cỡ nào?Càng nghe,càng đọc,càng trông thấy những lời nói và việc làm của quan chức thời nay càng phẫn nộ.Họ vẽ ra viễn cảnh vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước rồi bằng mọi giá vẽ ra hết dự án này đến dự án khác trời ơi đất hỡi không tính đến hiệu quả,thạm chí hậu quả trước mắt và lâu dài,mặc cho các nhà khoa học tâm huyết phản biện can gián...Mục đích cuối cùng của họ là vẽ ra càng nhiều đầu việc để vơ vét,vơ vét thật nhiều tiền để ăn chơi,mua sắm nhà cửa (kể cả mua nhà ở nước ngoài),cho con sang đó du học,lêu lổng...Một thằng nít ranh chỉ ăn học tiêu tiền không tiếc(sinh năm 1980) làm công chức mấy năm mà có tiền mua hơn 4000m2 đất rồi xâybiệt thự khủng hàng chục tỉ đồng ,giờ lại chễm chệ tót lên ghế phó giấm đốc sở ngồi,dân không bức xúc,phẫn nộ mới là chuyện lạ!Bao giờ dân nổi can qua?

    Trả lờiXóa
  9. ông Long một lần nữa nhấn mạnh: "Tăng phí như thế này hoàn toàn bất cập".
    Quá rồi, thái quá rồi, còn bất cập gì nữa?!!!

    Trả lờiXóa
  10. ông Long một lần nữa nhấn mạnh: "Tăng phí như thế này hoàn toàn bất cập"
    Cái gì cũng ăn là ăn quá rồi (thái quá), chứ đâu phải ăn không tới (bất cập). Có phải không? bác BVB; có phải không? chuyên gia Ngô Trí Long.

    Trả lờiXóa
  11. Thông cảm cho thằng # đê???
    Nó chỉ là thằng mõ thui.
    Đừng nói lý với thằng trả vờ ngu, không nói tình với thằng nghiện (tiền).

    Trả lờiXóa
  12. Hiện nay các bố cán bộ trí tuệ đầy mình hay dùng từ "Bất cập" mà chẳng hiểu mình nói cái chi? Dẫn đến cả xã hội nói sai theo. "Bất cập" nghĩa là "Không bằng; không đủ số; nói về phần kém". (VD: "Ta đối với tiền nhân thì vạn bất cập.")
    Các bố khoái nói: "...còn nhiều bất cập"?! Ấy, thích nói... sai bậy để né tránh câu đáng lẽ phải nói: "... còn nhiều sai lầm, sai trái, khuyết điểm"!

    Trả lờiXóa
  13. Người dân chẳng còn lạ các toan tính thu vén cá nhân của các ông nữa đâu! Ráng sống cho ra thành thằng người.

    Trả lờiXóa
  14. Nuôi cả bộ máy Hai nhà nước khổng lồ trên một thân thể VN yếu ớt. Phí giao thông đã là quá lắm rồi, nay đòi tăng gấp đôi, không khác gì cảnh thằng chồng nghiện về đòi con vợ nghèo kiết xác đưa tiền để đi thỏa mãn cơn nghiện...

    Trả lờiXóa