Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG QUỐC THỜI KỲ HẬU STALIN - Kỳ 5


 ·        TRỊNH ÁNH HỒNG
Lê Quỳnh dịc
 (tiếp theo - Kỳ 5)
Chắc chắn Trần Dần có biết những tư liệu liên quan đến lá thư của Hồ Phong: ông đang ở Trung Quốc vào lúc lá thư tạo ra chấn động và thảo luận trong giới trí thức Trung Quốc. Cũng chắc chắn Trần Dần có cảm tình với Hồ Phong, vì bản thân ông gặp xung khắc với chính dạng lãnh đạo văn nghệ mà Hồ Phong chỉ trích. Trần Dần được cho đi Trung Quốc để hoàn tất kịch bản bộ phim về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Theo thông lệ, đi cùng ông là một chính trị viên mà sau đó ông có mâu thuẫn vì người kia xen vào công việc sáng tạo của ông. Trần Dần cũng ghét sự áp dụng “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, giống như Hồ Phong. Cùng thời điểm ông mở tranh luận với tướng Nguyễn Chí Thanh, Trần Dần cũng đăngbài phê phán tập thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Tố Hữu có chân trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách hoạt động trí thức và văn nghệ, và tập thơ của ông được xem là ví dụ mẫu mực khi mô tả các anh hùng. Công kích thứ văn chương “hiện thực xã hội chủ nghĩa” kiểu Tố Hữu, Trần Dần nhấn mạnh: “Realism encourages a hundred schools to thrive both in substance and in form”. Điều này khiến Boudarel đặt giả thiết là “ngay từ tháng Hai 1955, một chiến dịch Trăm hoa Đua nở đã hình thành trong Ban Văn nghệ của quân đội Bắc Việt. Nó xảy ra một năm trước khi một phong trào có tên như thế bắt đầu ở Trung Quốc, và gần hai năm trước khi chính sách này có hiệu lực.” [5] Tuy nhiên, cụm từ “bách gia” thực sự đã có từ thời cổ sử Trung Hoa, chỉ không khí tranh đua triết lý và tư tưởng trong giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc (thế kỷ tám đến thế kỷ ba trước Công nguyên)….
Khi đã biết ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc ở Việt Nam, sẽ không phải vô lý khi giả định rằng Trần Dần đã dùng cụm từ này mà không nhận biết về nguồn gốc của nó. Ngoài ra, lần đầu tiên cụm từ “bách hoa tề phóng” có mặt trong đời sống văn hoá Trung Quốc là năm 1951, khi Mai Lan Phương, nam diễn viên nhạc kịch nổi danh nhất Trung Quốc, nhờ Mao ra chỉ thị cho Học viện Nhạc kịch Truyền thống Trung Quốc vừa mới thành lập. Mao bảo: “Hãy để trăm hoa đua nở, để thể loại mới thay thế cái cũ.” [6].
Còn về cụm từ “bách gia tranh minh”, thì đó là câu trả lời của Mao cho cuộc tranh luận giữa Quách Mạt Nhược và Phạm Văn Lan, hai sử gia có tiếng, về cách làm thế nào áp dụng lý thuyết của Marx vào việc nghiên cứu lịch sử cổ đại Trung Quốc. Chính trong bối cảnh này Trần Bá Đạt, thư ký riêng và là trưởng ban nghiên cứu lịch sử Trung Quốc, đã yêu cầu Mao đưa ra chỉ thị [7] . Như vậy, cả “trăm hoa” và “trăm nhà” đều đã được dùng ở Trung Quốc từ 1953 cho công tác học thuật và sân khấu, mặc dù chúng được đề đạt riêng rẽ, lan toả trong từng giới, và chưa mang ý nghĩa chính trị sâu sắc cho đến giai đoạn hạ bệ Stalin mùa Xuân 1956. 
Theo Kim N. B. Ninh, sự bất mãn của trí thức Việt Nam với chính quyền không phải bắt đầu từ cuộc xung khắc giữa Trần Dần với Đảng mà đã có từ cuối thập niên 1940 [8] . Vì thế liên hệ Trung Quốc trong trường hợp Trần Dần có thể được xem là cảm hứng khiến ông bày tỏ (cùng nhiều người khác) những bức bối đã có từ trước. Sau này các bạn của Trần Dần thừa nhận liên hệ giữa Hồ Phong và Trần Dần trong bức tranh biếm hoạ đăng trên Nhân văn, tờ báo phản kháng có ảnh hưởng nhất, trongsố ra ngày 30-9. Đảng thậm chí nhận ra sự liên hệ này, và ta không ngạc nhiên là khi Trần Dần bị bắt tháng Hai 1956 – sáu tháng sau khi Hồ Phong bị giam – thì một số cán bộ nói lý do của việc bắt giữ là “Trung Quốc có Hồ Phong, có lẽ chúng ta cũng có một Hồ Phong.” [9] Như tác giả Kim N. B. Ninh chỉ ra, “Có vẻ chiến dịch chống Hồ Phong dữ dội ở Trung Quốc đã làm tăng sự cảnh giác ở Việt Nam” và kết quả là Trần Dần trở thành nạn nhân của sự cảnh giác đó [10] . 
Tuy nhiên, ngay sau khi Trần Dần bị bắt, bối cảnh quốc tế lại trở nên có lợi cho giới trí thức. Liên Xô tổ chức Đại hội 20 vào tháng Hai và Trung Quốc loan báo Chính sách Trăm hoa vào tháng Hai, cả hai sự kiện ngay lập tức có tác động tới quan hệ giữa trí thức Việt Nam và Đảng. Để giới thiệu đường lối mới của Liên Xô, Anastas Mikoyan, phó Thủ tướng thứ nhất của Liên Xô, đến Bắc Kinh và Hà Nội trong tháng Tư. Cùng tháng ấy, Trần Dần được thả, chủ yếu vì việc bắt giữ ông diễn ra mà không có sự chuẩn y của ban lãnh đạo cao cấp nhất trong Đảng, nhưng sự thay đổi trong không khí quốc tế rõ ràng đóng một phần vai trò trong việc thả Trần Dần. Diễn văn của Lục Định Nhất vào cuối tháng Năm cổ vũ Chính sách Trăm hoa nhanh chóng được các trí thức Việt Nam hăm hở đọc. Triết gia nổi tiếng Trần Đức Thảo, trưởng Khoa Sử của Đại học Sư phạm Hà Nội mới thành lập cùng năm ấy, nhanh chóng tìm người dịch nó trong tháng Bảy [11] . .
--------------
Thơ Tố Hữu sùng bái Stalin
Đời đời nhớ Ông 
Bữa trước mẹ cho con xem ảnh 
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng 
Áo ông trắng giữa mây hồng 

Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười 
Stalin! Stalin! 
Yêu biết mấy, nghe con tập nói 
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin! 

Hôm qua loa gọi ngoài đồng 
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao 
Làng trên xóm dưới xôn xao 
Làm sao, ông đã... làm sao, mất rồi! 

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi! 
Hỡi ơi, Ông mất! Đất trời có không? 
Thương cha, thương mẹ, thương chồng 
Thương mình thương một, thương Ông thương mười 
Yêu con yêu nước yêu nòi 
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu! 

Ngày xưa khô héo quạnh hiu 
Có người mới có ít nhiều vui tươi 
Ngày xưa đói rách tơi bời 
Có người mới có được nồi cơm no 
Ngày xưa cùm kẹp dày vò 
Có người mới có tự do tháng ngày 
Ngày mai dân có ruộng cày 
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai 
Ơn này nhớ để hai vai 
Một vai ơn Bác một vai ơn Người 

Con còn bé dại con ơi 
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông! Thương Ông mẹ nguyện trong lòng 
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con 
Ông dù đã khuất không còn 
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường 
Trên đường quê sáng tinh sương 
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng 
Ngàn tay trắng những băng tang 
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời
                                                    (Tố Hữu, 1950) .

-------------

Theo Bernard B. Fall, ban đầu Bắc Việt cố không chú ý tới sự cởi mở bất ngờ ở Trung Quốc, nhưng sự bỏ qua không thể tồn tại được lâu vì nhiều nhà văn có tiếng ở miền Bắc nắm bắt ngay khẩu hiệu của Trung Quốc. Với họ, khẩu hiệu Trung Quốc có cùng âm vọng như nền giáo dục cởi mở của Pháp mà họ từng thụ hưởng nhiều năm trước [12] . Hai cuộc họp quan trọng trong mùa Hè trở thành điểm tập hợp cho ý kiến phản kháng. Một là Hội nghị của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội từ cuối tháng Bảy đến đầu tháng Tám, và tại đó các đại biểu phê phán nặng nề nhiều chính sách của Đảng, từ việc thiếu thực phẩm đến thuế. Hai là hội nghị của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật miền Bắc (1-18 tháng Tám) với chừng ba trăm đại biểu, nhằm học tập Đại hội 20 của Liên Xô và chính sách văn hoá mới của Trung Quốc. Cuộc họp đưa ra năm đòi hỏi, trong đó có việc đòi dịch và công bố Chính sách Trăm hoa của Mao [13] .
Bị thúc ép trước các diễn biến này, và rộng lớn hơn là vì không khí hạ bệ Stalin và cởi mở trong thế giới cộng sản, Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chính sách mới với trí thức vào tháng Tám, nhấn mạnh đoàn kết, tin tưởng và hợp tác với trí thức chứ không nói đến cải tổ [14] . Vẫn theo thói tục học tập kinh nghiệm Trung Quốc, Việt Nam gửi đại diện sang Trung Quốc theo dõi phong trào Trăm hoa [15] . Vào tháng Mười, khi khủng hoảng Ba Lan – Hungary đang lên cao trào, sự xét lại chính sách của Bắc Việt chuyển sang giai đoạn mới mang tính chính trị hơn. Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp từ đầu tháng Chín và kéo dài đến cuối tháng Mười, rõ ràng là vì sức nặng của các vấn đề được thảo luận và chia rẽ trong Đảng. Cuối cùng, hôm 29-10, Đảng ra tuyên bố công khai thừa nhận các sai lầm trong chiến dịch cải cách ruộng đất và một số lĩnh vực khác. Trường Chinh, người giữ chức Tổng Bí thư suốt từ 1941 và đứng số hai sau Hồ Chí Minh, nhận trách nhiệm và từ chức, cùng với Thứ trưởng Nông lâm (Hồ Viết Thắng). Một chiến dịch sửa sai sau đó được tiến hành nhằm giảm bớt các đau khổ của người nông dân trong cải cách ruộng đất [16] . Đài phát thanh Hà Nội hôm 30-10 tường thuật về Hội nghị 10, nói rằng dân chủ hoá và cải thiện đời sống nhân dân nay là hai trọng tâm đầu tiên của Đảng, trong khi việc thống nhất đất nước, vốn vẫn là ưu tiên số một, thì chuyển xuống số ba [17] . 
Những thay đổi lớn này tại Việt Nam và không khí chung ở Trung Quốc và Đông Âu cho phép các trí thức Việt Nam tận hưởng giai đoạn Nhân văn - Giai phẩm, một thời đoạn độc đáo của quá trình giải phóng trí thức từ tháng Tám đến tháng Mười Một năm 1956. Sự giải phóng được thể hiện bằng sự xuất hiện đột ngột tại các quầy báo nhiều ấn phẩm của tư nhân tập hợp các trí thức phản kháng. Trong số đó có hai ấn phẩm nhiều ảnh hưởng nhất mà tên được đặt cho giai đoạn này. Thứ nhất làGiai phẩm mùa Xuân và Giai phẩm mùa Thu, giới thiệu các văn phẩm mang nội dung chính trị. Thứ hai là Nhân văn, một tuần báo công khai nói chuyện chính trị. Trong văn cảnh Việt Nam, hai chữ Nhân văn còn phản ánh ý niệm Nho giáo về việc trở thành một người văn minh nhờ vào việc học văn chương và triết lý. Các thảo luận chính trị mà các ấn phẩm này khơi dậy bao quát nhiều chủ đề, từ các chính sách trí thức và văn hoá của Đảng cho đến cải cách ruộng đất, tệ quan liêu, tham nhũng, bất tài, và sự chính danh của “chính thể đảng trị”, như cách gọi của sinh viên [18] . Các thảo luận không giới hạn trong các bài báo và thư độc giả, mà còn lan ra đại học, trường học và thậm chí các buổi họp của Hội đồng Nhân dân Hà Nội và Mặt trận Tổ Quốc [19] . 
Rõ ràng ta thấy có ảnh hưởng của Trung Quốc trong quá trình nới rộng tự do ở Việt Nam. Tất cả các ấn phẩm phản kháng đều hướng tới Trung Quốc như niềm cảm hứng. Như Kim Ninh chỉ ra, “Thực sự, Nhân văntheo sát các sự kiện ở Trung Quốc và Đông Âu, ủng hộ Chiến dịch Trăm hoa và xu hướng cởi mở ở Ba Lan và Hungary… Các cây bút của Nhân văn cảm thấy rõ rệt là họ đang tham gia một phong trào quốc tế rộng hơn…” [20] Ngoài ra, tên của một số tờ báo phản ánh sự liên hệ trực tiếp với Trung Quốc. Ví dụ ta có tạp chí Trăm hoa, trong khi cái tên Đất mới(một tạp chí của sinh viên đại học đã dùng từ “chính thể đảng trị” để chỉ chính phủ) ám chỉ vùng đất màu mỡ cho các loại hoa mới sinh sôi. 
-------------
·        Chú thích:
[5]Georges Boudarel, “Intellectual Dissidence in the 1950s: The Nhan-Van Giai-Pham Affair,” in trong The Vietnam Forum, do O. W. Wolters chủ biên (New Heaven, Conn.: Yale Southeast Asia Studies, 1990), 13: 158
[6]Gong Yuzhi, Mao Zedong’s Reading Life (Shanghai: Shanghai People’s Publisher, 1997), trang 493
[7]Lục Định Nhất, “Cái nhìn lịch sử về ‘Bách hoa tề phóng, Bách gia tranh minh,” Guangming Daily, 7-5-1986 
[8]Xem Ninh, A World Transformed, chương 4, trang 121–161, nói về sự phản kháng của trí thức.
[9]Như trên, trang 140
[10]Như trên. Bài về Nhân văn – Giai phẩm của Boudarel cũng có tư liệu về liên hệ giữa Hồ Phong và Trần Dần. 
[11]Shawn McHale, “Vietnamese Marxism, Dissent, and the Politics of Postcolonial Memory: Tran Duc Thao, 1946–1993”, Journal of Asian Studies 61.1 (2002): 14
[12]Bernard B. Fall, The Two Vietnams - A Political and Military Analysis(New York: Praeger, 1967), trang 188
[13]P. J. Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trong cuốn Vietnam: Anatomy of a Conflict, R. Fishel Wesley chủ biên (Itasca, Ill.: Peacock Publishers, 1968), trang 160
[14]Các chính sách mới này là: “1) Đoàn kết giới trí thức và động viên toàn bộ lực lượng trí thức cho nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới; 2) Sử dụng trí thức theo khả năng và giao cho họ công tác phù hợp trên nguyên tắc chức vụ và quyền lực được phân phối theo khả năng và đạo đức; 3) Bảo đảm cho trí thức có phương tiện cần thiết để làm việc, tặng thưởng cống hiến theo khả năng của đất nước; 4) Giúp các thế hệ trí thức lớn tuổi học tập ý thức hệ cách mạng, đào tạo thế hệ trí thức mới, không ngừng nâng cao hiểu biết của trí thức và mở rộng hàng ngũ.” Robert F. Turner, Vietnamese Communism (Stanford, Calif.: Stanford University Press, 1975), trang 152.
[15]Edward Friedman, “The Revolution in Hungary and the Hundred Flowers Period in China”, Journal of Asian Studies, 35.1 (1965): 122
[16]Chiến dịch “sửa sai” cải cách ruộng đất cũng chứng tỏ có ảnh hưởng Trung Quốc. Theo Hoàng Văn Hoan (Hồi ký, bản dịch tiếng Anh, trang 285), Chu Ân Lai rất lo ngại về vai trò của cố vấn Trung Quốc trong cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Sau khi Hoan đi họp ở phiên Toàn thế thứ Mười và quay lại Bắc Kinh, Chu Ân Lai gọi ông ta đến và hỏi rằng cố vấn Trung Quốc chịu bao nhiêu phần trách nhiệm cho những sai lầm trong cải cách ruộng đất của Việt Nam. Hoan trả lời rằng kinh nghiệm Trung Quốc tốt lắm, và mọi biện pháp quá khích đều là do cán bộ Việt Nam quyết định cả - dĩ nhiên nhận xét này không được các sử gia cho là chính xác. 

[17]Ang Cheng Guan, Vietnamese Communists’ Relations with China and the Second Indo - Chinese Conflict (Jefferson, N.C.: McFarland & Company, 1997), trang 36
[18]Ninh, A World Transformed, trang 146
[19]Honey, “Ho Chi Minh and the Intellectuals”, trang 161
[20]Ninh, A World Transformed, trang 144.

---------------

11 nhận xét:

  1. Nhiều người khen nịnh lấy được Tố hữu là nhà thơ CM lớn nhất của Việt Nam , nhưng những gì ông diễn tả trong bài thơ trên đây , đã thể hiện một sự thất thố rất lớn về nhãn quan chính trị , một tâm trạng bại hoại , cầu cạnh và lệ thuộc , tưởng rằng ca ngợi hết lời lãnh tụ vô sản thế giới ( Stalin ) , nhưng vô tình hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam , qua đó đã hạ thấp giá trị và tinh thần dân tộc của người Việt Nam . Trong lịch sử thơ ca Việt Nam , chúng ta chưa từng được chứng kiến một bài thơ nào “ Nịnh “ người nước ngoài một cách lộ liễu và ………Khủng Khiếp như bài thơ này .
    Nếu bài thơ được thể hiện ở ngôi thứ nhất ( Chính tác giả ) thì có lẽ nó không gây ồn ào đến vậy , nhưng nó lại diễn tả tâm trạng ( Mượn lời ) của một người ( hoặc nhiều, đa số ) phụ nữ Việt Nam – Thì quả thật nó không bình thường . Tôi có thể đoan chắc rằng chẳng thể có người đàn bà ở Việt Nam nào chỉ thương Cha , Mẹ , Chồng , và mình chỉ “ Một “ mà lại đi ……..” Mười Thương “ ông Tây ( Không quen biết , và Xa lắc tận đẩu đâu ) Đó là một thứ tình cảm giả tạo , vay mượn và bất thường . Nói chung không có thật . Bao nhiêu Xương máu của hàng triệu người Việt Nam đã đổ xuống để giành độc lập , đã trở nên vô nghĩa , nếu không có công của ……….. “ Ông “ ( Stalin ) :
    “Ngày xưa đói rách tơi bời
    Có người mới có được nồi cơm no
    Ngày xưa cùm kẹp dày vò
    Có người mới có tự do tháng ngày
    Ngày mai dân có ruộng cày
    Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai “

    Cũng có thể nói trắng ra rằng , ở thời điểm này những người CS Việt Nam đang quyết tâm với nỗ lực cao nhất để chống Pháp , nên bằng mọi giá muốn “ Lấy Thành Tích “ với Liên Xô , và cá nhân Stalin để được chấp nhận vào phe , và nhận vũ khí , viện trợ ..v….v…..Tuy nhiên cực chẳng đã khi đánh được “ Ông “ này thì lại đem rước một “ Ông “ khác tới , cũng …….Quá tội .

    Để gió cuốn đi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trừ bài Từ ấy (hình như viết năm 1937) của Tố Hữu cháu được học trong sgk ra, còn những bài khác được đọc hay tìm đọc đều nuốt không hề trôi. Càng đọc càng có cảm giác như nô lệ.

      Xóa
    2. Tôi thực sự bị sốc khi đọc các câu thơ ;

      '' «Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ,
      Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong,
      Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng,
      Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Stalin bất diệt!».

      Tôi không thể nào ngờ tác giả của nó cũng đã có những bài thơ rung động lòng người như ; Bầm ơi , lượm , cô gái sông hương .......Thật oái oăm và cũng ghê sợ là trông Tố Hữu lại rất hiền lành , có phần phúc hậu nữa .

      Xóa
    3. Tố Hữu có sống lại, thấy tình trạng mại dâm phát cao và ổn định như bây giờ, chắc ông ta không dám sáng tác bài "Trên dòng Hương Giang 2" nhỉ?

      Xóa
  2. Tố Hữu - tên "hung thần" của vụ "nhân văn giai phẩm"!

    Trả lờiXóa
  3. Thơ của Tố Hữu cũng có cái hay. Thơ "của" Bích Hằng nghe còn tuyệt vời hơn - kiểu "Ta phải biết 'đứng trên vai' người khổng lồ" (!)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tố Hữu hay hét toáng , hoặc nhảy cẫng lên , nhưng rồi kết cục thường chẳng như những gì ông ta tiên đoán :

      " Việt Nam có Bác Hồ

      Thế giới có Stalin

      Việt Nam phải tự do

      Thế giới phải hòa bình .
      ( Sáng tháng năm )

      Xóa
  4. Chính trị là một vấn đề rối rắm và phức tạp. Nào là phe này phe kia, nào là định hướng với không định hướng. Rốt cuộc toàn là dối trá, mỵ dân. Theo Liên Xô, Liên Xô tan vỡ, theo Tàu, Tàu chơi đểu, theo Mỹ, Mỹ ép phải thế này thế kia. Việt Nam giờ nên dựa vào Nhật, Nga, Ân, Mỹ cùng một lúc. Tay nào tốt thì chơi. Tuy nhiên, người đáng tin nhất là Nhân dân Việt Nam. Hãy mở rộng hơn nữa các quyền Công dân trong mọi lĩnh vực. Các chủ thuyết này nọ chỉ có giá trị trong một giai đoạn lịch sử nào đó, Bám chặt vào một hệ tư tưởng, nhất là tư tưởng đó không phải do ta nghĩ ra, chắc chắn sẽ đến lúc hụt hẫng về đường hướng. Đảng Cộng Sản Việt Nam đang ở trong giai đoạn này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một còm hay và rất đáng để suy ngẫm - Cảm ơn Nặc danh10:01

      Để gió cuốn đi

      Xóa
  5. Tôi không biết CNTB ở các nước Mỹ , Pháp , Đức, Anh ......." .Xấu xa và đáng nguyền rủa " đến đâu , xã hội của họ nhiều tệ nạn và xuống cấp ra sao , nhưng tôi chưa từng nghe họ đem xét sử và bắn giết các " Đồng Chí " cùng trong đảng với nhau , cũng như tìm cách tiêu diệt một cách có hệ thống hàng triệu người dân nước mình như tại Trung Quốc , Liên Xô và Việt Nam trong các cuộc CM ở mỗi nước , vì vậy tôi không thể hiểu CNXH tốt đẹp ở chỗ nào ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu bạn có thật nhiều tiền, thật nhiều đất đai, thật nhiều biệt thự, thật nhiều xe hơi, thật nhiều kim cương, nhiều vợ, bồ... từ CNXH; tất nhiên là nó quá "tốt đẹp"! Nó còn "tốt đẹp" ở chỗ là, chẳng ai dám hỏi tại sao bạn có được những thứ đó mà chẳng phải đổ mồ hôi, chỉ đơn giản là ngồi lỳ một chỗ.

      Xóa