Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2016

Thoát Trung: thử hóa giải lời nguyền địa lý

* TRƯƠNG NHÂN TUẤN
Thế nào là “thoát Trung” ? Nếu là để thoát khỏi “ảnh hưởng” của Trung Quốc thì, theo tôi, không hẳn chỉ là các vấn đề thuộc về văn hóa, kinh tế hay “lời nguyền địa lý” như nhiều học giả VN đã và đang bàn luận.
Thử lấy thí dụ Nhật Bản, Đài Loan và Đại Hàn. Văn hóa (nếu không nói là văn minh) của ba nước này, trên nhiều mặt của xã hội hiện nay vẫn thể hiện sâu đậm màu sắc của văn hóa Khổng giáo. Về chữ viết đã đành.
Thử xem một vài phim tình cảm xã hội của Đại Hàn, Đài Loan hay Nhật sản xuất. Ta thấy sao mà quen thuộc quá. Nếu bỏ qua những đường nét, khung cảnh hiện đại của những thành phố tiên tiến trong một quốc gia phát triển, thì ta tưởng đó là phim xã hội VN. Khung cảnh trong gia đình của một người Đài Loan, Đại Hàn, thậm chí Nhật, đều giống nhau, như Việt Nam (nhứt là VNCH trước kia). Đó là mô hình của một xã hội ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh. Dĩ nhiên là văn hóa này đã giảm thiểu nồng độ cực đoan, đến từ việc du nhập văn hóa bao dung và tự do của Tây phương. Ta không còn thấy cảnh thân phận người phụ nữ bị bó rọ trong “tam tòng, tứ đức”, cũng không thấy người đàn ông với những tín điều cứng nhắc “tam cương, ngũ thường”…
Câu hỏi đặt ra, nếp sống gia đình ở Nhật, ở Đài Loan, ở Hàn quốc, có tốt hơn nếp sống gia đình ở VN hay TQ hiện nay, ảnh hưởng chủ thuyết duy vật của Mác Lê Nin hay không ?
Câu hỏi tiếp theo, là các nước Nhật, Hàn quốc, Đài Loan… về phương diện địa lý, cũng có “lời nguyền” về “địa chính trị” không khác lắm với Việt Nam. Vậy sao họ “cách biệt”, nếu không nói là “thoát và vượt Trung” hàng thế hệ về tiến bộ văn hóa, khoa học kỹ thuật ?
Còn về vấn đề kinh tế, liên thuộc kinh tế giữa Trung Quốc với các nước Nhật, Hàn, và Đài Loan hết sức là gắn bó keo son. TQ đã, đang và sẽ mãi là đối tác quan trọng hàng đầu của ba nước này. TQ nhờ tư bản và kỹ thuật các nước này đầu tư nên mà kế hoạch “hiện đại hóa” thành công. Các nước này nhờ TQ mà kinh tế tăng trưởng đều đặng. Vậy họ có cần “thoát” lẫn nhau không ?
Các nước trên, về phương diện chữ viết, cũng như VN trước thời Pháp thuộc, đến hôm nay cũng vẫn giữ nguyên tắc cơ bản chữ Hán. Nhưng VN, có lẽ vì muốn “khác người”, nhứt là phải khác (và vượt trội) VNCH, do đó có khuynh hướng xóa bỏ các từ Việt gốc Hán. Một số kinh nghiệm sau 1975 với các ngôn từ ngây ngô, như từ “xưởng đẻ” để thay thế cho “nhà hộ sinh”. Bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn có lúc đổi tên là như vậy. Lại còn các từ như “máy bay lên thẳng”, “lính thủy đánh bộ”, “giặc lái”…
Việc sử dụng từ gốc Hán không có gì phải mặc cảm. Người Nhật, người Hàn… xem ra còn lệ thuộc vào chữ Hán còn hơn VN. Bên Châu Âu cũng vậy, chữ viết các xứ này đều bắt nguồn từ Latin, Grec… Những từ khoa học các nước Âu Mỹ hầu hết đều có gốc Latin hay Grec. Các nước này đâu thấy ai lên tiếng than phiền là lệ thuộc, tỏ ý muốn “thoát Trung” hay “thoát Grec (hay Latin)” đâu ?
Lệ thuộc hay không là do mình. Ta thấy một lượng lớn từ ngữ chuyên môn (học thuật hay khoa học) Hán Việt bắt nguồn từ Nhật, do các học giả Nhật phát minh ra. Chỉ số chất lượng về đời sống, về văn hóa, về kinh tế… trên mỗi con người của Nhật, Hàn, Đài Loan hơn xa Trung quốc. Trong khi thành quả các tiến bộ về văn hóa, khoa học, kỹ thuật… Trung Quốc cũng bị các nước Nhật, Hàn… đã bỏ xa hàng vài thập niên. Như thế, ta thấy việc ảnh hưởng văn hóa Hán (chữ viết) không hề ảnh hưởng lên việc phát triển quốc gia.
Về kinh tế cũng vậy, sự liên thuộc về kinh tế giữa hai nước Nhật, Hàn và Đài loan với Trung Quốc không chừng còn quan trọng hơn quan hệ giữa TQ với Hoa Kỳ và UE cộng lại. Trong các quan hệ này, ta dùng từ “liên thuộc” chứ không phải “lệ thuộc”. Nếu chỉ tính từ thập niên 80, TQ luôn nhập siêu từ Hàn quốc và Nhật. TQ cần các mặt hàng có tính khoa học kỹ thuật cao của hai nước này để phát triển đất nước. Trong khi Nhật và Đại Hàn cũng cần đến TQ để phát triển kinh tế. Cho dầu Nhật và TQ có những mâu thuẫn sâu sắc về chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), nhưng TQ chưa hề dám đe dọa dùng vũ khí kinh tế đối với Nhật.
Như vậy, dựa trên hai yếu tố văn hóa và kinh tế để “thoát Trung”, (như các học giả VN đã và đang hô hào) rõ ràng Nhật và Đại Hàn đang có khuynh hướng ngược lại : “nhập Trung” thay vì “thoát Trung”.
Nhưng quan hệ kinh tế hai bên Việt-Trung, số kim ngạch trao đổi hai bên cán cân luôn thặng dư về phía TQ. Việc thâm thủng này ngày mỗi tăng. Điều quan trọng là quan hệ kinh tế giữa VN và TQ, trong chừng mực, là quan hệ “thực dân – thuộc địa về kinh tế”. Nếu đọc lại các bản tuyên bố chung của hai bên được công bố gần đây, ta thấy VN đã nhượng cho TQ quá nhiều đặc quyền, đến đỗi các việc này có thể đe dọa nền độc lập của quốc gia. Không nói quá, mọi huyết mạch của kinh tế VN hiện nay đều do TQ kiểm soát.
Điều này đến từ các quyết định chính trị chứ không phải là những lựa chọn bắt buộc. Tức là VN vẫn có thể thoát khỏi tình trạng lệ thuộc kinh tế nếu lãnh đạo có can đảm về chính trị.
Vì vậy, theo tôi, thoát Trung hay không là một vấn đề “chiến lược” chứ không hẵn là kinh tế hay văn hóa.
Một lý do thường thấy nhiều người VN nại ra, ngại khi quay lưng lại với Trung quốc, là vấn đề “địa chiến lược”, nước xa không cứu được lửa gần.
Ta thấy các nước như Nhật, Đại Hàn, Thái Lan, Phi… (nếu không nói Đài Loan) đều ở kế “vách” với TQ, nhưng họ đâu sợ TQ. Các nước này, phần lớn, là các nước dân chủ, thịnh vượng.
Để xóa bỏ nỗi ám ảnh (chính đáng) “nước xa không cứu được lửa gần” của một số người VN hiện nay, ta cần nhắc lại một số điều cơ bản của các lý thuyết về địa chiến lược (mà lãnh đạo TQ bị ảnh hưởng).
Theo tôi, lý thuyết “Địa Chiến lược – Không gian sinh tồn” của Friedrich Ratzel (xuất bản năm 1902) có ảnh hưởng sâu sắc lên các lớp lãnh đạo (then chốt) của TQ, làm thay đổi bộ mặt của nước này, đó là : Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.
Bảy định luật của thuyết này là :
- Không gian (sinh tồn) của một dân tộc được mở rộng đồng thời với văn minh của dân tộc đó. Một dân tộc có nền văn minh tiến bộ sẽ đồng hóa các dân tộc kém văn minh hơn.
- Lãnh thổ quốc gia sẽ phát triển theo tỉ lệ thuận với sức mạnh kinh tế và đội ngũ thương buôn của quốc gia cũng như chủ thuyết phát triển quốc gia. Việc bành trướng vì thế chỉ tùy thuộc vào ý chí và phương tiện.
- Việc bành trướng của cường quốc được thực hiện qua phương cách “hấp thụ và tiêu hóa” các nước nhỏ.
- Đường biên giới quốc gia không xác định (biên giới linh động – frontière vivante). Biên giới xác định chỉ có giá trị tạm thời, chỉ để đánh dấu giữa hai giai đoạn bành trướng.
- Trong quá trình bành trướng, lãnh thổ (bây giờ là biển) là mục tiêu chiếm hữu.
- Các quốc gia yếu kém ở kế cận là mục tiêu bành trướng. Sự bành trướng của cường quốc không thể tiến triển nếu quốc gia lân bang cũng là cường quốc.
- Hiện tượng bành trướng có khuynh hướng lan rộng do việc tranh dành lãnh thổ của các quốc gia.
Bảy định luật của Ratzel đã hoàn toàn chứng nghiệm cho dân tộc Hán từ lập quốc đến ngày hôm nay.
Định luật 1 : Nền văn minh Hán Tộc đã đồng hóa tất cả các dân tộc khác, kể các các dân tộc dũng mãnh đã chiếm hữu và trị vì Trung Quốc. Lúc đầu lập quốc, dân tộc Hán chỉ có một vùng đất nhỏ, nhưng sau đó bành trướng ra, đồng hóa các dân tộc chung quanh. Văn hóa các dân tộc Mãn Châu, Mông Cổ, Liêu, Kim… đã không còn dấu vết ở Trung Quốc.
Định luật 2 : Hiện đang thích ứng cho tình trạng TQ hiện nay. Sự vượt trội về kinh tế, cho phép nước này hiện đại hóa quân đội. Những hành vi khẳng định chủ quyền của TQ ở biển Đông, hay lên tiếng tranh chấp với Nhật ở quần đảo Senkaku, cho thấy ý chí của nước này.
Định luật 3 : Định luật này cùng với định luật 1 đã được dân tộc Hán áp dụng từ thời mới lập quốc và còn đang tiếp tục cho đến hôm nay. Dân tộc Hán luôn bành trướng và tiêu diệt (hay Hán hóa) tất cả các dân tộc khác. Hiện nay việc đồng hóa đang được thực hiện ráo riết tại Tây Tạng.
Định luật 5 cho thấy vẫn chưa lỗi thời, TQ đặt ra mục tiêu chinh phục Biển Đông (Hoàng Sa và Trường Sa) đồng thời dành lại quần đảo Điếu Ngư (Senkaku). Nhưng định luật này cần cập nhật thêm, vì chủ đích của việc chinh phục là vùng biển, qua hai mặt: chiếm hữu và xây dựng các đảo nhỏ ở HS và TS thành một “bức trường thành” nhằm mục đích phòng vệ lục địa, sau đó là tài nguyên.
Định luật 6 phản ảnh rõ rệt thái độ bành trướng của Trung Quốc ngày hôm nay : VN và Phi, hai nước yếu, nằm trong tầm nhắm của TQ. Trung Quốc không bao giờ muốn thấy một Việt Nam giàu mạnh. Một nước Việt Nam giàu, mạnh sẽ ngăn cản sức bành trướng của Trung Quốc. TQ đã sử dụng nhuần nhuyễn “quyền lực mềm” để kiểm soát VN, qua các mặt: ý thức hệ chính trị, văn hóa và kinh tế. Ta thấy trên thực tế, đảng CSVN là một bộ phận của đảng CSTQ. Về văn hóa, phim ảnh, sách vở… của TQ thống lĩnh trên các chương trình truyền hình VN. Người VN thuộc sử TQ hơn cả người TQ. Còn về kinh tế, hàng hóa TQ tràn ngập thị trường. Hàng hóa TQ len lõi nhập lậu vào VN, khiến nền công kỹ nghệ tư nhân VN chết đứng. Ngoài ra, các công trình xây dựng ở VN hiện nay hầu hết đều do nhà thầu TQ phụ trách. Nhìn thành quả đường xe điện ở Hà Nội, với đường rầy uống lượn nhấp nhô như “rồng”, ta thấy ngay sự buông thả, vô trách nhiệm của lãnh đạo VN. Đó cũng là cách áp dụng uyển chuyển của lý thuyết “không gian sinh tồn”, biến VN thành một chư hầu kinh tế.
Từ định luật 6, ta thấy cuộc chiến giữa TQ và Nhật chắn chắn sẽ xảy ra. TQ không thể trở thành đại cường nếu có nước Nhật mạnh ở kế bên (và ngược lại).
Định luật 7 cho thấy có nhiều điều cần điều chỉnh lại. Đất đai không còn là mục tiêu tranh chấp mà là việc tranh dành vùng biển, tranh dành thị trường, vùng ảnh hưởng. Ngoài ra là những xung đột giữa các nền văn minh (Thiên chúa – Hồi giáo) như hiện nay (theo thuyết của Samuel P. Huntington).
Theo tôi, quan trọng nhất trong các định luật trên là định luật 6. “Thoát Trung” là thoát lệ thuộc chính trị, thoát u mê ý thức hệ, thoát mù quáng tình đồng chí anh em, thoát cám dỗ “4 tốt 16 chữ vàng”…
Thoát ra được hay không là do lãnh đạo VN có bản lĩnh chính trị, lòng yêu nước, tính can đảm và ý chí dám hy sinh (quyền lợi bản thân và đảng phái) hay không.
Ta thấy định luật 6 chứng nghiệm cho các nước Nam Mỹ. Do gần với nước Mỹ, vì lý do “sinh tồn” của nước Mỹ, các nước này phải là là những nước nghèo (hay chỉ mới phát triển). (Ngoại trừ Canada, vì có cùng văn hóa và lý tưởng với Mỹ).
Trong khi những nước Nhật, Đại Hàn, Đài loan… là những nước kế cận TQ, mà TQ là địch thủ tiềm tàng của Mỹ, do đó bằng mọi cách Mỹ phải giúp các nước này để họ luôn giàu và mạnh hơn TQ (để không ngả về TQ). Điều này cũng đúng cho các nước Tây Âu trong thời chiến tranh lạnh, để các nước này có khả năng chống lại Liên Xô.
Vì thế, ở kế cận TQ không hẳn là điều xấu. Cũng như ở kế cận nước Mỹ chưa chắc là điều tốt. Nếu Nhật, Đại Hàn, Đài Loan… do nhờ ở kế cận TQ mà được Mỹ giúp phát triển đất nước giàu có, hùng mạnh, thì VN cũng có thể trở nên giàu và mạnh như vậy.
Thoát Trung do đó là vấn đề thuộc phạm vi lựa chọn: lựa chọn đồng minh, lựa chọn “ý thức hệ chính trị”. Đó cũng là tầm nhìn “chiến lược” của lãnh đạo, chứ không phải là văn hóa hay kinh tế.
(FB Trương Nhân Tuấn)/TTHN
-----------

12 nhận xét:

  1. Tác giả TNT.hình như không tìm hiểu cho kỹ những người chủ trương
    "Thoát Trung luận",nên đã suy diễn chủ quan hơi nhiều !
    Theo như tôi biết thì họ chủ trương thoát khỏi sự RÀNG BUỘC bất
    bình đẳng với Trung Quốc,bất kể mọi lãnh vực mà quan trọng nhất
    là lãnh vực chính trị,nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước và làm cho
    đất nước hùng mạnh về kinh tế.Hiện nay nói riêng về mặt kinh tế
    thì VN.bị giặc Tàu thao túng,mua chuộc v.v.nên sản phẩm Trung
    Quốc tràn ngập,kể cả hàng độc hại và hầu hết công trình trọng
    điểm như điện,công nghiệp v.v.đều lọt vào tay chúng cả !

    Trả lờiXóa
  2. Chính quyền Nhật Bản bãi bỏ Tết Nguyên Đán từ 1873.

    Trả lờiXóa
  3. Bổ xung 1 điều

    Muốn thoát Trung qua đường ý thức hệ mà cứ chờ lãnh đạo Đảng & Chính phủ thì ... hết biết .

    Muốn thoát Trung qua đường ý thức hệ, kêu gọi mọi người tự nhìn lại mình nhanh & hiệu quả hơn . Khi mỗi & mọi người đều muốn thoát Trung bằng thoát ý thức hệ, tự khắc mỗi & mọi người sẽ biết phải làm gì . Còn không muốn thì ... hết biết . Coi như chúng ta (đã) cùng chọn lựa số phận .

    Trả lờiXóa
  4. Ràng buộc nhau vào cái gọi là "ý thức hệ" là ngớ ngẩn và nguy hiểm nhất!
    Còn về kinh tế thì, VN thực chất đã là thị trường cạnh tranh đa phương, TQ đang dẫn điểm là do sức cạnh tranh của họ (trên phạm vi toàn thế giới chứ chẳng riêng gì ở VN), bao giờ người VN không thèm xài đồ Tàu (như bia Vạn Lực trước đây hay xe máy hiện nay) thì tự khắc sẽ cân bằng được cán cân thương mại thôi!
    Có lẽ ngoại trừ Nhật Bản có vị "vua sáng" có công phục hưng đất nước, còn các nước lân bang khác của TQ đều không có cái may mắn như VN được tiếp xúc sớm với nền văn minh phương Tây do sự "đô hộ" của thực dân Pháp với một Liên bang Đông Dương ngang ngửa với triều đình Mãn Thanh!
    Thôi thì dòng chảy lịch sử không có chỗ cho "nếu như", nhưng "Trông người lại nghĩ đến ta", không biết cái dây thần kinh xấu hổ và dây thần kinh thị giác có tồn tại trong hệ thần kinh ...

    Trả lờiXóa
  5. Khoãng 1 , 2 trước đây ,ở Hà Nội có cuộc hội thảo của 1 nhóm nhân sĩ với tựa đề là Thoát Trung . Đó là lần đầu tiên danh từ này xuất hiện , sau đó thì hai chử này ngày càng được dùng nhiều hơn , trở thành phổ thông . Hiện nay nó trở thành niềm mơ ước của dân VN , mà cũng là nổi ám ảnh vì không thoát Trung thì sẽ chết vì Trung .
    Chắc trong cuộc hội thảo lần đó , họ cũng nói lòng vòng như tác giả bài này , phân tích hàng trăm yếu tố khác nhau , để rồi rốt cùng cũng chẳng đi đến đâu . Có lẽ tóm lại họ cũng mong chính quyền này nên sửa đổi điều này , điều nọ .
    Thật ra hầu hết dân VN đều hiểu biết câu trã lời chính xác , rất đơn giãn đó là thay đổi cơ chế . Chỉ vậy thôi , ngoài ra có sửa chửa cở nào thì XHCN vẫn là XHCN với những điều tệ hại của nó . Đã nói chỉ có dẹp bỏ , chứ không sửa đổi được , cứ bàn luận làm sao sửa đổi để khá hơn là đã sai ngay từ đầu rồi .
    Trước hết là dẹp bỏ , phải liên minh với 1 nước khác , ở đây chỉ có Mỹ hay Nga mà thôi . Mà cã hai cũng đều không là CS .
    Nếu cứ kiên định lập trường XHCN , phải giử đúng quỹ đạo Thành Đô , chết sống cũng phải trung thành với tình hữu nghị 4000 năm mới có 1 lần này , thì tương lai dân VN có đi ăn mày , có xuống hố cã nước cũng là may phước lắm , vì cách đồng hoá của Tàu là phải diệt tộc , không thì dân VN sẽ quật lên nữa .

    Trả lờiXóa
  6. Thoát Trung điều cơ bản nhất là thoát khỏi tư tưởng yếu hèn , phụ thuộc , nhờ vả , sợ hãi của một bộ phận lớn người Việt nhất là giới lãnh đạo hiện nay . Thoát Trung hãy tìm ở chính mình . Người Việt phải có tư tưởng độc lập , tự cường , đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cá nhân . Đây chính là điều khác biệt giữa Việt nam và các quốc gia như Nhật bản , Hàn quốc . Khi người ta đã có tư tưởng độc lập , cầu tiến sẽ đón được mọi ngọn gió tốt lành đang đến , còn khi đất nước có tư tưởng phụ thuộc , quy lụy thì sẽ đóng hết các cửa sổ chỉ chừa một cửa để đón gió và rất có thể gió đó là gió độc . Quy luật là như vậy . Ở gần hay xa một nước nào đó ( như Mỹ hay Trung quốc ) chỉ là điều kiện thuận lợi hay khó khăn hơn mà thôi chứ không phải là điều cơ bản . Thực tế các nước như Nhật , Hàn quốc và Việt nam đã chứng minh điếu đó .
    NÊN THOÁT TRUNG NGƯỜI VIỆT NHẤT LÀ GIỚI LÃNH ĐẠO PHẢI VƯỢT LÊN ĐƯỢC CHÍNH MÌNH .

    Trả lờiXóa
  7. Tác giả hiểu về thoát Trung như thế thì chịu,
    Ngày nay,Nhật Hàn vẫn là thuộc địa kiểu hiện đại của Mỹ,Mỹ o bế hơn cả chính họ,sao lại so khi không có chuẩn.
    Theo cách hiểu của nhiều học giã và tác giả thì nước ta phụ thuộc Trung...Vậy phụ thuộc cái gì.Nhật Mỹ Hàn và Trung quốc phụ thuộc với nhau gấp ngìn lần Ta,vậy họ có thoát Trung ?
    Sự thật thì chưa biết mà thiên hạ tung màn khói để ám chỉ ĐCSVN là nô lệ Tàu,có nên chăng ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác ND.này có biết mấy đầu đảng CsVN.công khai
      hay lật bài NGỬA ra cho nhân dân VN.ta thấy rõ
      ý đồ và tâm địa của họ không nhỉ ?
      Trước khi ký hiệp định Thành Đô 1990 thì Nguyễn
      Văn Linh tuyên bố là dù "Trung Quốc có thề nào
      (chiếm đất đai lãnh hải) thì vẫn là nước cộng sản
      anh em" và tổng bì Trọng "Dù sao đi nữa cũng phải
      bảo vệ cho được chế độ CS.",tức là quyền lợi của
      đảng là trên hét,cao hơn quyền lợi của đất nước và
      dân tộc VN.,nên phải ngu trung đến cùng.
      Họ ngang nhiên lật bài ngữa ra mà bác còn mù quáng
      không thấy gì cả hay sao ? Chết là phải !

      Xóa
  8. Hiện nay đường đi tới tương lai của VN đã dễ thấy rõ trước mắt rồi . Nếu tiếp tục kiên định lập trường giữ Đảng bền vững thì cã nước xuống hố nào ai cũng rõ rồi .
    Chờ TQ sụp đổ để VN thoát Trung còn khó hơn chờ sung rụng , vì dường như Mỹ dĩ nhiên muốn tránh né chiến tranh tới cùng , muốn TQ yếu xìu xìu vì chế độ CS kéo dài . Mà CSTQ kéo dài thì VN khó sống sót vì bao nhiêu giao kèo đã ký đầy cã rồi , sổ đỏ đã hẹn giao rồi .
    Chỉ có một con đường duy nhất là toàn dân VN cùng hát bài “ Vùng lên hởi các nô lệ … , nhưng đáng tiếc là sau gần cã thế kỹ bị cãi tạo , tất cã đều thành cừu rồi … nên cũng hết hy vọng . Chỉ “ Để xem con tạo xoay vần đến đâu “ , chứ có bắt thang lên hỏi ông Trời thì ổng nói “ Cây cột đền mà còn muốn đi , thì tao cũng sợ luôn , mở miệng ra mà nói thì đám bạn côn đồ cã trăm thằng nhào vô đánh 1 mình tao , chịu sao cho thấu “ .

    Trả lờiXóa
  9. Dân lương thiệnlúc 15:52 6 tháng 3, 2016

    Tranh luận bắt bẻ nhau quá nhiều về từ ngữ và những chuyện vụn vặt sẽ tạo ra những căng thẳng không cần thiết mà chỉ tạo thêm những mẫu thuẫn lẩn thẩn mà thôi.
    Đã là hàng xóm láng giềng với nhau, ảnh hưởng qua lại là lẽ thường. Không phải chỉ ở những nước láng giềng quanh VN ta, mà ở Châu Âu Châu Mỹ cũng vậy.
    Vấn đề đang nổi cộm hiện nay chính là do 86 năm tồn tại của ĐCSVN và hơn 90 năm của ĐCSTQ, VN đang lệ thuộc vào TQ quá nhiều, không chỉ thế, biên giới, hải đảo của chúng ta đang ngày càng mất vào tay TQ, khiến chủ quyền độc lập đang bị đe dọa nghiêm trọng.
    Đó là cốt lõi của ý nghĩa hai chữ "Thoát Trung" mà lâu nay mọi người bàn cãi nhiều nhất.
    Tại sao lại có chuyện đó?
    Chính tại vì mượn cớ bám vào khẩu hiệu "VÔ SẢN TOÀN THẾ GIỚI LIÊN HIỆP LẠI" ĐCSTQ đã không ngừng thực hiện âm mưu thôn tính nước ta, bởi vậy hành động "Thoát Trung" một cách tích cực nhất là giải tán ĐCSVN, là cắt đứt mọi quan hệ lệ thuộc với TQ suốt mấy chục năm qua, là tuyên bố công hàm 1958 do ông Phạm Văn Đồng ký là vô tác dụng, là tuyên hủy hiệp định Thành đô ký năm 1990 với Giang Trạch Dân, là kiện TQ tại Tòa án Quốc tế và đòi lại Hoàng Sa và Trường Sa đã mất...và vĩnh viễn từ bỏ ý thức hệ do nhà nước Cộng sản áp đặt
    "Thoát Trung" chính là công việc hệ trọng này.
    Những ai trong giới lãnh đạo ĐCSVN nếu hiểu được vấn đề, hãy đi tiên phong dẫn đầu công cuộc "Thoát Trung" sẽ được ghi nhận như một anh hùng cứu nước, nếu ngược lại, sẽ bị nhân dân đời đời nguyền rủa.
    Còn những việc khác, như văn hóa, chữ viết, phong tục tập quán... sẽ là nhưng thứ không thể thiếu và tát nhiên sẽ dẫn đến

    Trả lờiXóa
  10. Dân lương thiện 15:52 đúng là lương thiện,hay-bạn lý luận nghe được lắm ! đồng ý 100% ! chúc bạn vui khỏe và viết nhiều nhá !

    Trả lờiXóa
  11. Năm 1974, hải quân VNCH đã chiến đấu anh dũng và chỉ chịu mất đảo khi những binh lính và sỹ quan đã hy sinh, sau đó người dân MN đã xuống đường biểu tình khắp nơi, chính phủ VNCH đã cực lực lên án TQ xâm lược, còn những người cs ở miền Bắc (VNDCCH) lúc đó thì ngậm câm, trong khi đài Sài gòn Liên tục lên án nhà cầm quyền HN đồng lõa cho Trung cộng Cướp Hoàng Sa, thì ngược lại, đảng ta ở Miền Bắc lại quán triệt (chống chế, lừa)cho dân miền Bắc là "vì chưa có khả năng, nên ta nhờ các đồng chí Trung quốc giải phóng hộ, sau này giải phóng miền Nam xong, thì bạn sẽ bàn giao lại cho Ta" - luận điệu lừa dân này, ai đã trưởng thành, từng sống thời gian đó ở Miền Bắc đều biết rõ việc "quán triệt" lừa đảo này của đảng csVN với người dân lúc đó.
    Sau này, chẳng thấy "đồng chí bạn" của đảng ta "bàn giao";"trả lại" gì cho ta, mà còn mất luôn cả đảo Gạc ma, mất đất ở Thác Bản Giốc, ở Ải Nam Quan, ở Bãi Tục Lãm, ở Điểm cao 1509 Hà Giang, .... mất diện tích đất Biên bằng cả tỉnh Thái bình khi đảng csVN "hoạch định biên giới" với TQ.

    Trả lờiXóa