Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2016

Nước Mội, rừng xanh và sự sống

* NGUYÊN NGỌC
Quê tôi ở vùng Nam Trung bộ, đúng cái đoạn mà một nhà thơ từng thống thiết gọi là “dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Ở đấy, miên man mấy trăm cây số ven biển là những cồn cát lớn, nơi trắng phau một màu trắng tinh khiết đến khó tin, nơi vàng rộm ngon lành trong nắng cháy. Làng cũng là làng trên cát; con người sống trên cát, tử sinh cùng với cát.
Tôi có đọc một ít lịch sử và tôi biết, lạ vậy, toàn cát vậy, nhưng đấy vốn không phải là một vùng đất nghèo. Từng có cả một vương quốc thịnh vượng trên dải đất này. Một vương quốc nông nghiệp và hải dương. Có lẽ một trong những bí quyết thịnh vượng của vương quốc ấy là nước, mà thiên nhiên đã rất thông minh giữ và dành cho dải đất thoạt nhìn thật khô cằn này, và con người thì cũng thật thông minh hiểu được món quà quý của đất trời, biết tận dụng lấy cho mình.
Cho đến chỉ cách đây đâu khoảng chưa đến nửa thế kỷ, ở quê tôi vẫn còn một kỹ thuật nông nghiệp rất đặc biệt, tinh tế và thú vị, gọi là kỹ thuật “tưới nước mội”, người Việt học được của người Chăm khi đi vào Nam. Nước mội là nước rỉ ra từ các chân đồi cát, trong veo, mát lạnh, tinh sạch đến mức có thể bụm vào lòng bàn tay, ngửa cổ uống ngay ngon lành.
Ở đây người ta vỡ ruộng ngay trên cát, các đám ruộng được gọi là “thổ”, những đám thổ trồng đủ các loại hoa màu. Ở góc thổ bao giờ cũng có một chiếc ao nhỏ, cạn thôi, nhưng quanh năm lúc nào cũng đầy ắp nước, tát đi lại đầy ngay, cả trong những mùa nắng hạn gay gắt nhất. Nước mội từ trong lòng cát rỉ ra, nhẹ nhàng, chậm chạp, từ tốn, mà bất tận. Những chiếc ao nước mội, những con mắt ngọc xanh rờn, mát rợi của đất đai, làng mạc, đồng ruộng quê tôi. Nhỏ nhoi và thầm lặng, chính chúng nuôi sống nền nông nghiệp từng trù phú của vương quốc xưa, và của cả cha ông chúng tôi nữa khi họ đi về Nam
Champa cũng là một vương quốc biển, từng dong thuyền đến những đại dương xa, và từng có những cảng quốc tế rộn rịp trên suốt dọc bờ biển của mình. Những người có đôi chút kiến thức về giao thương biển đều biết rằng một trong những điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất của một cảng biển quốc tế là nước ngọt, phải rất dồi dào nước ngọt. Những con tàu lang thang nhiều tháng trời trên các đại dương mặn chát, lắm khi chẳng vì mua bán gì cả, vẫn phải ghé lại các cảng ven bờ để “ăn” nước ngọt.
Và trên dải cồn cát miên man của mình, người Chăm là những người thiện nghệ nhất thế gian về nghề tìm mạch nước, đào và thiết kế giếng nước ngọt. Họ như có con mắt thần, có thể nhìn thấy đường đi của nước ngọt âm thầm trong lòng đất, những dòng nước mội. Chính hệ thống giếng nước ngọt thánh thiện và tuyệt vời – từ nước mội bất tận rỉ ra mà có – đã tạo nên vương quốc đại dương Champa, tôi nghĩ nói thế cũng chẳng hề quá đáng đâu…
Nông dân vùng cao giữ nước trên sườn núi làm ruộng bậc thang
Từ nhỏ, là dân vùng cát cháy miền Trung, tôi đã có hạnh phúc được biết nước mội, nếm nước mội, ăn nước mội, sống và lớn lên bằng cây cỏ được nuôi bằng nguồn nước mội ân huệ bất tận.Của Trời.Rồi về sau, cuộc đời lại đã cho tôi một may mắn khác: tôi hiểu hóa ra “Trời” đó không phải là một đấng trừu tượng thần bí nào, mà là một thực thể sống động, khổng lồ, cường tráng, hùng vĩ…, mà lạ thay, cũng lại rất mong manh, hết sức mong manh, ngày càng đang trở nên cực kỳ mong manh!Trường Sơn. Tây Nguyên.
Tôi đã được đi đến nơi đó và gắn bó hơn nửa cuộc đời của mình ở đó.Hóa ra có một “bí mật” to lớn: ngọn nguồn của nước mội tuyệt diệu tưới tắm cả vùng cát dằng dặc ven biển miền Trung chính là nơi đó, Tây Nguyên, rừng đại ngàn, rừng nguyên sinh, rừng nhiệt đới Tây Nguyên. Chính rừng Tây Nguyên, từ trên Trường Sơn rất xa xôi kia, đêm ngày, hàng triệu triệu năm nay, như một người Mẹ vĩ đại, bao dung và tần tảo, hứng lấy tất cả các nguồn nước của đất trời, cất lấy, “để dành”, tằn tiện, tuyệt đối không phí mất một giọt nào, để từng ngày từng ngày chắt chiu mà bất tận cung cấp cho đứa con đồng bằng của mình, cho sự sống có thể sinh sôi, nảy nở, trường tồn trên dải đất cát trông chừng rất khắc nghiệt kia. Cho các vương quốc, các triều đại, các nhà nước, các chế độ ra đời, phát triển, nối tiếp. Và sống còn… Nước mội chính là những dòng nước nhỏ, liên tục, không bao giờ dứt, đi âm thầm và vô hình trong lòng đất, từ những đỉnh Trường Sơn xa xôi kia, đến tận những cồn cát tưởng chẳng thể có chút sự sống này.
Vậy đó, Tây Nguyên, ý nghĩa của Tây Nguyên và rừng Tây Nguyên, dù chỉ mới là qua một khía cạnh rất nhỏ của nó, nước.Có lẽ cũng cần nói thêm một chút nữa về điều này: không chỉ cho dải đất cát cháy miền Trung đâu. Trường Sơn có một đặc điểm quan trọng về địa hình: đường phân thủy ở đây không chạy đúng giữa mà sát ngay về phía đông của rặng núi dằng dặc này, nghĩa là sườn phía tây của Trường Sơn rộng hơn sườn phía đông rất nhiều, có thể đến bốn năm lần. Tức nước từ Tây Nguyên đổ về phía tây cũng nhiều hơn về phía đông có thể đến bốn hay năm lần. Mà đổ về phía tây tức là về Mékông, về Nam Bộ, về toàn miền Nam.
Trong một chừng mực nào đó, Tây Nguyên, rừng Tây Nguyên có ý nghĩa quyết định đối với toàn miền Nam về tất cả các mặt. Nếu chỉ nói một mặt nước thôi, thì có lẽ cũng nên nhớ: nước ở miền Tây Nam bộ, ở Cà Mau kia, cũng có thể là nước mội từ Mẹ Rừng Tây Nguyên chắt chiu đưa về đấy, cho mênh mang vùng đất lúa của cả nước ấy không bị nhiễm mặn…
Hàng nghìn đời nay có những con người đã sống ở đây, gắn bó ruột thịt với rừng và đã tạo nên cả một nền văn hóa đầy minh triết bắt nguồn chính từ sự gắn bó ấy. Để bày tỏ đôi lời thật giản lược về nền văn hóa ấy và những con người ấy, chắc có thể nói vắn tắt như thế này: người Tây Nguyên không bao giờ coi rừng là tài nguyên. Không bao giờ có khái niệm khai phá, chinh phục, chiếm lĩnh tự nhiên, rừng. Đơn giản, Rừng đối với họ là Tất cả, là Mẹ, là cội nguồn của sự sống. Mà họ kính trọng và tôn thờ. 
 Nạn phá rừng
Chúng ta, những người tự coi là rất văn minh, rất khoa học, chúng ta biết nước là nguồn gốc của sự sống, nhưng chúng ta không biết, biết bằng hành vi cụ thể chứ không phải bằng lý lẽ to tát, rằng không có rừng thì cũng chẳng có, chẳng còn nước, nghĩa là cũng chẳng còn có sự sống, chúng ta không biết cái chân lý sơ đẳng và đơn giản ấy. Nhìn thấy rừng là con mắt ta hau háu nhìn thấy gỗ, gỗ, gỗ… Và hết gỗ rồi, bây giờ, thấy tài nguyên khác. Hau háu, hung hăng, hỗn hào chặt phá,và hết chặt phá, chẳng còn gì để chặt phá nữa thì đào bới… 
Ở quê tôi, nay đã kiệt nước mội rồi. Chi tiết rất nhỏ ấy thôi, vậy đó, lại đang là tai họa tày trời! Chắc chưa ai quên vụ lũ kinh hoàng ở Phú Yên vừa rồi. Cả thành phố Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu chìm trong nước sâu. Gần trăm người chết. Ruộng đồng tan hoang… Một vị có trách nhiệm rất cao và trực tiếp giải thích: Ấy là vì biến đổi khí hậu toàn cầu, và lại nữa, vì nhân dân mất cảnh giác. Tại Trời và tại dân, Trời thì ngày càng tai ác, còn dân thì mãi ngu dốt! Có một chi tiết hẳn ở cương vị của ông ấy, ông ấy ắt phải biết nhưng lại không thấy ông nói: năm 2009, ở Phú Yên áp thấp nhiệt đới gây mưa 330 li; năm 1991, cũng tại chính Phú Yên này, mưa 1300 li, gấp hơn ba lần.
Năm 1991 không có gì đáng kể, năm 2009 lại tai họa khủng khiếp, vì sao? Ở miền Trung – mà ở cả nước đều vậy – ngày xưa chỉ có lụt và lụt là mùa rất vui, thậm chí thân thiết, mỗi năm lại trở lại một lần, người ta chờ nước lụt, nước lên từ tốn, ruộng đồng được tưới tắm phù sa, cũng là lúc làm ăn rộn rã, có lẽ cũng tương tự như mùa nước nổi ở Nam Bộ thuở nào.
Ngày nay không còn lụt, chỉ có lũ. Lũ rất khác lụt, lũ là nước đột ngột đổ ập xuống, như thác, hung bạo, nhanh và dữ cho đến nỗi, như vừa rồi, có người đã leo lên trần nhà rồi còn chết ngạt trong ấy vì không kịp dở mái để leo lên nữa! Lũ không mang phù sa đến, lũ quét sạch tất cả những gì nó gặp trên đường đi, và kéo đất đá từ trên rừng xuống lấp hết ruộng đồng. Tất nhiên ngày xưa cũng có lũ, nhưng chỉ trong những năm mưa đặc biệt lớn, cả đời một con người chỉ chứng kiến vài lần.
Ngày nay hễ đài vừa báo áp thấp nhiệt đới, thậm chí chỉ áp thấp, là cả nước đã rùng rùng lo chống lũ, sập núi, trôi rừng…Con số 1300 li năm 1991 và 330 li năm 2009 là con số hùng hồn, nó nói rằng vụ Phú Yên vừa rồi không phải chủ yếu do biến đổi khí hậu toàn cầu, không phải do Trời, như lời giải thích uyên bác của vị quan chức nọ.
Do người. Do cơ chế nước mội tinh tế, tinh vi, thông minh, nhân hậu tuyệt vời của thiên nhiên đã không còn, đã bị phá vỡ, đã bị con người triệt diệt bằng cách triệt diệt rừng. Rừng Tây Nguyên. Trong một cuộc trao đổi ở Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Trung ương vừa rồi, nhiều chuyên gia đã cảnh báo: không chỉ có nguy cơ lũ quét đâu, sau lũ quét sẽ tiếp đến nguy cơ hạn hán sẽ còn khốc liệt, tai hại hơn. Bởi vì nước mội và lụt hằng năm hiền lành là cùng một cơ chế, cùng một tác giả: Rừng. Rừng Tây Nguyên.
Trong hơn 30 năm qua, từ sau 1975 chúng ta đã làm xong một công việc to lớn: cơ bản phá hết, cạo sạch đến tận cùng rừng tự nhiên trên cái mái nhà sinh tử của toàn Đông Dương này. Đã quét sạch xong hết trên mặt đất, bây giờ đang bắt đầu moi sạch nốt dưới lòng đất. Cao su tuyệt đối không phải là rừng, không sinh ra cơ chế nước mội. Các khu công nghiệp của công nhiệp hóa và hiện đại hóa càng tuyệt đối không phải là rừng. Một quy luật vận hành ổn định, điều hòa, thông minh của tự nhiên đã bị triệt diệt, nhanh và cơ bản hơn tất cả mọi giai đoạn từng có trong lịch sử. Một quy luật khác đã được thiết lập, quy luật của hỗn loạn.
/Rừng bị phá. Ảnh: Internet
Hãy nhìn lên cái mái nhà chung kia mà bao nhiêu thế hệ nhiều nghìn năm qua đã giao lại cho chúng ta, trên ấy đã mất hết màu xanh của sự sống.Có còn cứu được không?Còn, với một điều kiện: biết giật mình, dừng lại, bắt đầu lại.Cũng cần nói: hầu hết các nước mà ngày nay ta gọi là những nước phát triển đều đã đi qua “con đường đau khổ”, đúng hơn là con đường ngu dại này, cũng từng tàn phá hết rừng trên mặt đất và đào bới tàn bạo lòng đất, ở nước họ, rồi ở các nước khác.
Chỉ có điều, gần một thế kỷ trước họ đã giật mình dừng lại, và từ đó bắt đầu làm lại, khôi phục lại màu xanh cho đất đai, núi non của họ.Đi sau, chúng ta có thể khôn ngoan hơn như lẽ ra phải thế. Sự vội vã, kiêu căng, và lòng tham không đáy, đã che mắt chúng ta. Đang còn tiếp tục che mắt chúng ta. Chúng ta vẫn còn hăng lắm trong việc chặt phá nốt đôi chút còn lại và đang bắt đầu một công cuộc đào bới hung dữ.Cần ngay bây giờ chấm dứt mọi khai phá ở Tây Nguyên.
Cần nghĩ đến một con đường sống khác, một kiểu sống khác, một kiểu phát triển khác. Trên cả nước. Trước hết trên mái nhà sinh tử Tây Nguyên. Bắt đầu lại một công cuộc cứu lấy Tây Nguyên. Bắt đầu một sự nghiệp to lớn trồng lại rừng Tây Nguyên, trong một trăm năm, quyết liệt, kiên định, thông minh, với những kế hoạch cụ thể, cho 50 năm, 20 năm, 10 năm, 5 năm, toàn Tây Nguyên, từng tỉnh, từng huyện, từng xã, từng làng.Khôi phục lại màu xanh cho Tây Nguyên.
Bắt đầu ngay từ hôm nay, mùa xuân, mùa của màu xanh, của sự tỉnh táo, khôn ngoan.Cho đến một ngày, có thể một trăm năm nữa, con cháu chúng ta sẽ có thể bụm vào lòng bàn tay một ngụm nước mội trong veo mát lạnh rỉ ra từ đất cát và ngữa cổ uống ngon lành. Và biết rằng cha ông chúng từng rất dại dột, nhưng rồi cũng đã từng biết khôn ngoan, để cho sự sống từng sắp bị triệt diệt, lại được cứu, lại sinh sôi, phát triển, trường tồn.
Ng.Ng/TBKTSG
------------

12 nhận xét:

  1. Rừng vàng, biển bạc
    tan tác hết rồi
    Thành tích tuyệt vời
    đảng ta tài thật.

    Trả lờiXóa
  2. Dân lương thiệnlúc 04:24 22 tháng 3, 2016

    Hoan hô bác Đại tá đã cho đăng một bài cũ nhưng rất thời sự của nhà văn Nguyên Ngọc.
    Tôi rất tâm đắc với bài viết này.
    Nếu chúng ta ca ngợi ISRAEL là kiệt tài trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo nên mầu xanh của nền nông nghiệp ISRAEL trên sa mạc mà cả thế giới phải ngưỡng mộ, thì chúng ta phải rạp mình thán phục người dân ở quê hương Nhà văn Nguyên Ngọc là nghệ sĩ thần kỳ, khi tìm ra mạch nước quý báu len lỏi trong lòng bãi cát mênh mông.

    CÁI KHÓ NÓ LÓ CÁI KHÔN.
    Chúng ta phải giúp nhau, bảo nhau tìm lối thoát cho cuộc sống của mình.
    Đừng trông chờ ông Trời cho không.
    Càng đừng mong đợi "lòng thương" của thằng láng giềng xấu bụng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. VN ta có câu : " Mất bò mới lo làm chuồng " mà bạn . VN là một quốc gia THỪA nước , nhưng không biết giữ , biết sử dụng và bào vệ . Với kiểu tàn phá của người VN thì Thượng Đế cũng giơ tay hàng . Ông Trời và thằng hàng xóm xấu cũng chỉ ảnh hưởng phần nào , còn lại là do " đỉnh cao của trí tụê " quyết định . Không riêng Israel , hệ thống trữ nước của rất nhiều quốc gia ở Châu Âu là hồ nhân tạo , họ không có hồ thiên tạo trời phú như ở VN . Nhưng , " Có sức người sỏi đá cũng thành cơm "! Chỉ có những kẻ lười mới hay đòi hỏi , than phiền và đổ lỗi cho . . . hoàn cảnh .

      Xóa
  3. Bó tay với lâm tặc, liệu có nên vỗ ngực mình là "chính quyền"?!

    Trả lờiXóa
  4. Bài viết của Bác NGUYEN NGOC rất hay- bài viết gần gũi, chí lý như tấm lòng trung thực của Bác NGUYEN NGOC. Mong Bác có nhiều sức khoẻ, chúng cháu học tập nhiều ở Bác....

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ơn bác Nguyên Ngọc.Từ bé cháu đã được học tác phẩm "Đất nước đứng lên"của Bác.Hôm nọ xem thấy bác trao giải Văn Việt tại nhà nhà thơ Yén Nhi,thấy kẻ nào chơi trò bẩn thỉu cắt điện thì đúng là chúng nó tiểu nhân,bẩn thỉu.Cháu thấy Bác thật khỏe là cháu rất vui.Chúc Bác sống lâu trăm tuổi để làm chỗ dựa cho con cháu chống lại những điều xấu xa.

    Trả lờiXóa
  6. Có học và Vô học!
    1. Lại bác Nhà văn Nguyên Ngọc. Chỉ có bác Nguyên Ngọc "cà răng, găng tai" mới thấu hiểu được ngọn nguồn nước "mọi" từ đâu ra. Nội dung bài viết nhẹ nhàng và thấm thía về sự vô học của những người cộng sản chiếm quyền, coi Trời Đất chả là cái gì. Rừng xanh, núi thẳm bị tàn phá. Suối, sông, hồ ao, đầm phá bị kiệt nước. Cát sỏi, đá, quặng bị khai thác kiệt quệ. Tất cả do sự vô học, vô tâm và vô trách nhiệm của ngừời lãnh đạo đảng mà ra. Vì thế, dân tôi mới khổ cho đến hôm nay. Than ôi! Bao giờ trở lại ngày xưa ?
    2. Khi xưa, những người thủ lĩnh bản làng (thôn, ấp) là nhường người Có học và Có Tâm. Tất cả đều hiểu được mối quan hệ Trời Đất Người (thuyết Tam Tài). Vì thế, các Thủ lĩnh (già làng, lý trưởng, chánh tổng...) không bao giờ "ngạo mạn, ngông cuồng" bạt núi, lấp sông, san phảng hồ ao...để "sắp đặt lại giang sơn". Bởi lẽ, như Cụ Trần Cao Vân viêt:
    "Trời Đất sinh Ta có ý không?
    "Chưa sinh Trời Đất có Ta trong;
    "Ta cùng Trời Đất, ba ngôi sánh;
    "Trời Đất in Ta một cữ đồng;
    "Đất nứt Ta ra, Trời chuyển động;
    "Ta thay Trời mở Đất mênh mông;
    "Trời che, Đất cở, Ta thong thả;
    "Trời, Đất, Ta đây đủ hóa công".
    Đó, các cụ ngày xưa hiểu mối quan hệ Tam Tài (Trời, Đất, Người là ngang nhau) cùng hòa đồng và tựa vào nhau cùng Tồn Tại là như thế. Trong ba ngôi ấy (Trời, Đất, Người) không có ai chi phối và lấn át ai. Trời, Đât, Người sồng hòa thuận và hóa công.
    Ngược lại, chỉ có những người lãnh đạo cộng sản (vô học, vô thần, vô cảm, vô trách nhiệm) mới đẩy dân vào tình cảnh như hôm nay.
    Tóm lại, Người có học và Kẻ vô học có sự hiểu biết về Tự nhiên và Xã hội, khác biệt nhau. Nên ứng xử với Tự nhiên, Thiên nhiên và Xã hội cũng hoàn toàn khác nhau. Người xưa xây dựng; Kẻ nay tàn phá. Dưới chế độ công sản đến nay cơ bản đã phá xong rừng xanh, núi thẳm; đào bới cát sỏi sông ngòi; san lấp đầm ao và di chuyenr mồ mả của muôn dân...tạo ra họ thiên tai và dịch bệnh như hiên nay.
    Các vị có còn lương tâm hãy trồng cây Phúc cho dân được nhờ. Sớm nghe theo cụ Hồ Vì lợi ích muôn dân mà Trông cây. Hoàn lại môi trường Xanh, Sạch, Mát cho muôn dân.

    Trả lờiXóa
  7. Từ nhỏ cháu đã đưa những áng văn tả Tây nguyên dưới ánh trăng thanh (Rừng xà nu-Nguyên Trung Thành) vào sổ tay văn học của rieng mình. Giờ đọc bài này càng kính trọng bác. Chúc bác mãi mạnh khoẻ , vì dân vì nước.
    CCB đánh Tàu.

    Trả lờiXóa
  8. Hạn hán, lủ lụt mà hiện nay đất nước đang gánh chịu, đó là hậu quả của chính sách " duy ý chí" nhưng thiếu kiến thức và tầm nhìn xa của những người lãnh đạo VN trong suốt hơn 40 năm qua.
    Còn nhớ những năm 70, đất nước rừng bạt ngàn, hơn 80% là rừng. Rừng điều hoà khí hâu, điều hoà nguồn nước, là nơi cư ngụ của các loài muôn thú..v.v...
    Thế nhưng ngay sau ngày 30/4/75, chính quyền từ trung ương đến địa phương chủ trưng khai thác rừng để xuất khẩu, họ coi đó là một " chiến lược mũi nhọn"!!!
    Còn nhớ quê tôi ở Daklak, "thủ đô ngành sản suất ván sàn xuất khẩu" sang Liên sô. Một anh bạn trong nghề cho biết, để có một mét khối thành phẩm thì phải xẻ 10 mét khối gổ tròn, rồi phơi phóng, cắt đúng độ dài, xong qua khâu kiểm phẩm, một cái lổ mọt, một vết chàm xanh, miếng gổ hơi vặn vỏ đậu là loại bỏ. Thế nhưng đâu đã hết, với cơ chế hành chánh, bảo quản, vận chuyển lề mề, đưa sang tới Nga thì nhiều lô hàng mốc xanh mốc thếch, người ta trả lại! lại tốn công mang về sau đó bán rẻ cho công nhân để ai muốn làm gì thì làm với giá chất đốt.
    Không có một nghiên cứu nào nói lên cái tai hại của công cuộc xuất khẩu ván sàn này. Muốn cắt một cây đúng đường kính, người ta phãi phá những cây nhỏ làm đường ngang đường dọc cho xe be vào, sau đó những chiếc xe be nghễnh ngạng, trong tải gấp 3 gấp 5 lần mặt đường nhựa cho phép, chúng tàn phá nhanh chóng hệ thống đường nhựa tốt đẹp mà chế độ cũ để lại.
    Không có ai đặt câu hỏi: Liên sô là nước rộng nhất thế giới, rừng thì nhiều gấp cả trăm lần nước ta. Thế nhưng tại sao họ không tự khai thác gổ để làm ván sàn? Hay là họ biết bảo vệ rừng của mình mà giao cho thằng đàn em, vừa nghèo vừa ngu thì cho mày chết! Và phải phá bao nhiêu hecta rừng để đủ ván sàn để trả cho một chiếc xe tăng hay một chiếc Mig ?
    Câu chuyện phá rừng để xuất khẩu ván sàn chưa hết, bên cạnh còn có chính sách ăn theo. Bất cứ địa phương nào cần ngân sách hay cần gì thì lại có màn cho khai thác thêm rừng để lấy kinh phí. Giấy tờ cho một thì họ khai thác 10 để cùng chia chác. Tất cả các bên A bên B đều có lợi, riêng đất nước càng ngày càng trơ trụi, đi máy bay từ trên nhìn xuống, gần như khắp nước không còn chổ nào là rừng già nguyên sinh nửa !
    Rồi lại chính sách phá rừng trồng cao su, phá rừng trồng tiêu, phá rừng trồng điều, (mà đúng là tiêu điều thật!), phá rừng làm kinh tế mới ...
    Rừng không cây nên không còn giử nước, không còn mội nước, chỉ cần một cơn mưa lớn, bao nhiêu nước trên núi đều tràn xuống đồng bằng gây nên những cơn lũ lụt kinh hoàng, đó chính là kết quả của những hành động mà con người đã gây ra !
    Hãy nhìn sang những nước khác. Họ khai thác tài nguyên cho ngày nay nhưng vẫn không quên để dành tài nguyên về sau cho con cháu, cũng như trong việc bảo vệ môi trường- không những môi trường cho con người mà cho cái loài vật khác, vì vậy ở Mỹ, ngay trong thành phố mà vẫn có những khu rừng nguyên sinh mỗi chiều dài khoảng độ một cây số, cây cối dây leo um tùm nhưng tuyện đối không một người nào được lai vãng vào, đó là những lá phổi cho thành phố cũng như là nơi trú ngụ của chim muông.
    Người lãnh đạo phải có kiến thức, phải biết nhìn xa trông rộng, không phải tầm nhìn 5-10 năm, mà phải xa hơn nửa. Nhưng rất tiếc cái đó không có ở VN.

    Trả lờiXóa
  9. Đúng vậy.
    Đọc bài, rồi đọc các Comments chỉ thấy đau lòng.
    Nhưng rồi, con người vẫn tồn tại cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu

    Trả lờiXóa
  10. Khắc nghiệt Thiên Tai vẫn còn đỡ khổ . khắc nghiệt do ĐCSVN gây nên lại càng khổ . chỉ có cơn gió Đa Đảng Dân Chủ mới quét sạch được ĐCS Ngu Dốt tàn ác .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Rất đúng!
      1. Bác Nặc danh (05:13 Ngày 23 tháng 03 năm 2016) nghĩ rất đúng."Khắc nghiệt Thiên Tai vẫn còn đỡ khổ, khắc nghiệt do ĐCSVN gây nên lại càng khổ". Cứ nhìn cảnh giải phóng mặt bằng, thu hồ đất đại của người nông dân cho những kẻ tham nhũng, nhiều tiền, các doanh nghiệp sân sau quan chức đủ thấy ớn xương sống, sợ bão táp "Thiên tài"cộng sản hơn sợ thiên tai của Tự nhiên.
      2. Ngẫm lại thấy buồn và tiếc cho dân tộc Việt. Dân tộc ở các nước khác cũng có sự quản trị quốc gia (nhà nước, chính phủ) nhưng việc quản trị quốc gia khác cái nước Việt mình. Dân chúng ủy quyền cho chính phủ quản trị sở hữu của người dân đến mức nào, do dân chúng quyết định. Nhà nước chỉ thực thi theo sự ủy quyền của dân chúng; không lạm quyền để được làm quan có điều kiện "ăn cướp có giấy phép"(như Cụ Phan Châu Trinh nói) tài sản thuộc sở hữu của người dân và của chung cộng đồng xã hội. Ngược lại, chế độ cộng sản Việt Nam và Trung Hoa đại Hán sau khi đã tiếm trọn quyền của người dân, thỉ ngang nhiên lạm quyền đứng trên dân làm những việc tưởng là có lợi cho dân, nhưng thực tình là phản bội nhân dân và phá hoại môi trường tự nhiên, thiên nhiên và xã hội. Chính phủ các quốc gia khác rất có ý thức và quan tâm đến người dân thực sự, nên mỗi khi xây dựng và triển khai một dự án, chương trình họ cân nhắc rất thận trọng. Cách làm của chính phủ các nước (LHQ hướng dẫn) là xây dựng dự án, chương trình từ người nghè, từ bìa làng đi vào trung tâm làng; không một quốc gia nào là dự án và triển khai dự án theo lối "Úp nơm" đuổi dân đi hết, cày sở mồ mả, đền chùa, miếu mão như Chính phủ cộng sản Việt Nam đã làm. Bởi thế, bác Nặc danh (05:13 Ngày 23 tháng 03 năm 2016)nêu ra: "khắc nghiệt do ĐCSVN gây nên lại càng khổ" là có cơ sở thực tiễn và thực tế.
      3. Buồn là thế các bác ạ. Vậy giờ tính sao đây? Trước hết, rất mọng các vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay, tỉnh ngộ (đừng mê nữa) thương dân mình và quay lại với "cội nguồn Dân tộc" và hiểu được Gốc làm Người là Đạo (con đường trở về Nguồn), tức là Nguồn Sống và Nguồn Sáng của muôn dân (Nguồn Sống là Tình yêu, Nguồn Sáng là Công lý). Chỉ khi đó, người dân nước Việt ta mới sồng đúng nghĩ con người và làm người. Thứ nữa, rất mong các vị lãnh đạo cộng sản (trên, dưới) đừng hô hào, khẩu hiệu và lấy Cụ Hồ ra làm bình phong cho các vị làm quan"ăn cướp có giấy phép" tài sản của nhân dân, ngân sách thuế, tài nguyên của đất nước; hày bắt tay vào làm cho dân những việc nỏ nhất, từ rãnh mương, cái cống, đường làng như Đinh La Thăng. Chú Nguyễn Phú Trọng hãy thực hiện lời hứa của mình Gần dân, Tin dân, Trọng dân, Nghe dân..lời nói và việc làm có lợi cho dân, khi nhân chức Khóa BCH 12.
      Cụ Hồ xưa nói, việc gì dù nhỏ, nhưng có lợi cho dân, cố gắng làm; việc gì dù nhỏ có hại đến dân, cố gắng tránh! Các vị lãnh đạo cộng sản trẻ tuổi hiện nay hãy nghr và làm theo lời Cụ Hồ.Đừng hung hăng, ngạo mạn làm hại đến quyền và lợi ích của người dân nữa.
      Làm Người có Đạo, hãy tự cảnh tỉnh!

      Xóa