Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

Hội nghị Mê Kông – Lan Thương thông qua Tuyên bố chung Tam Á

Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê Kông – Lan Thương”.
Ngày 23/3 tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần thứ nhất với sự tham dự của Lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Tham gia đoàn có Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và Ủy ban Nhân dân các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và đại diện một số bộ ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông – Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Với chủ đề “Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai“, Hội nghị đã khẳng định cam kết của sáu nước đối với hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại tiểu vùng Mê Kông, đồng thời đề ra các định hướng lớn cho hợp tác Mê Kông – Lan Thương. Theo đó, sáu nước sẽ cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị – an ninh, kinh tế và phát triển bền vững,  văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Các nguyên tắc cơ bản của hợp tác là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.
Trong thời gian tới, hợp tác Mê Kông – Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào năm lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của dòng sông Mê Kông đối với sự phát triển các nước ven sông và nhất trí tăng cường hợp tác giữa sáu nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Kông – Lan Thương. Hội nghị cho rằng các nước cần tăng cường phối hợp trong ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu và việc Trung Quốc tăng lượng xả nước ở thượng nguồn để hỗ trợ khắc phục hạn hán ở hạ nguồn là sự khởi đầu tốt đẹp của hợp tác.
Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mê Kông – Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa sáu nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mê Kông – Lan Thương.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc đã thông báo cam kết hỗ trợ 300 triệu USD cho Quỹ hợp tác Mê Kông – Lan Thương cũng như dành 10 tỷ Nhân dân tệ cho các khoản vay ưu đãi, 5 tỷ USD cho các khoản vay bên mua và 5 tỷ USD cho các khoản vay đặc biệt. Trung Quốc cũng sẽ dành 18.000 suất học bổng và 5.000 suất đào tạo mỗi năm cho các nước Mê Kông trong vòng 3 năm tới.
Nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của hợp tác Mê Kông – Lan Thương đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mê Kông, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn  đầu của quá trình hình thành cơ chế hợp tác này. Trước Hội nghị Cấp cao Mê Kông – Lan Thương lần thứ nhất, Việt Nam đã tham dự và có đóng góp quan trọng tại các hội nghị cấp bộ trưởng và SOM. Những đóng góp của Việt Nam về nguyên tắc, cơ chế hợp tác, lĩnh vực trọng tâm, trong đó có các đề xuất về hợp tác nguồn nước và kết nối kinh tế, đã được các nước ủng hộ và khẳng định trong Tuyên bố Tam Á và các văn kiện liên quan của hợp tác Mê Kông  – Lan Thương.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mê Kông – Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất ba dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mê Kông – Lan Thương. Cả ba dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mê Kông – Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt, hạn hán trong lưu vực sông Mê Kông – Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.
Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng Mê Kông triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mê Kông – Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mê Công, trong đó có việc đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại Trung tâm này.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tiểu vùng Mê Kông đang đứng trước nhiều cơ hội để tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, nhưng cũng phải xử lý nhiều thách thức lớn cả về an ninh và phát triển, đặc biệt là suy thoái môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu.
Phó Thủ tướng cho rằng hợp tác Mê Kông – Lan Thương có thể đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng Mê Kông, củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa sáu nước, hỗ trợ các nước thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc.
Để thực sự phát huy tiềm năng, cơ chế hợp tác mới cần chú trọng: Quản lý và sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mê Kông; Thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng; Hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững; Tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh Hợp tác Mê Kông – Lan Thương cần có cách tiếp cận thực chất, có trọng tâm, mang lại lợi ích thiết thực và phối hợp hài hòa với các cơ chế, khuôn khổ hợp tác khác để tạo cộng hưởng và tác động lan tỏa.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố chung Tam Á “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mê Kông – Lan Thương”, Tuyên bố chung về hợp tác năng lực sản xuất và Danh sách các dự án thu hoạch sớm.
Nhân dịp tham dự Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Nga Arkady Dvorkovich.
Tại buổi gặp, hai Phó Thủ tướng đánh giá quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Nga phát triển năng động và thực chất trên nhiều lĩnh vực; nhất trí tiếp tục thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên nhằm củng cố quan hệ tốt đẹp và tin cậy lẫn nhau. Hai bên nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến trình phê duyệt Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Liên minh kinh tế Á-Âu để Hiệp định sớm có hiệu lực và đi vào triển khai; nhất trí thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư, trong đó quan tâm tạo thuận lợi trao đổi nông sản, triển khai các dự án trong những lĩnh vực hai bên có nhiều tiềm năng như công nghiệp, năng lượng, dầu khí…
Hai bên khẳng định sẽ tăng cường phối hợp với nhau và với các nước ASEAN để chuẩn bị tốt cho Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm Quan hệ Đối tác đối thoại ASEAN – Nga vào tháng 5/2016 tại Nga nhằm tạo xung lực mới cho quan hệ ASEAN – Nga và đóng góp tích cực vào củng cố hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực.
Hà Thắng, Lê Bảo/VOV
--------------

3 nhận xét:

  1. VN phải có biện pháp chủ động phòng chống thiên tai , không thể ngồi chờ và tin vào cái thằng đểu cáng , giả thiết thiếu nước là do hạn hán chứ không phải do TQ tích nước trong hồ chứa thì sao ? ngồi chờ Ông Trời " tè " cho một bãi à ? hết Thành Đô giờ lại thêm cái tròng Tam Á vào cổ , lúc nào TAO nói mà không nghe là TAO cúp nước cho MÀY biết mặt ! Nhu nhược , lười nhác , dựa dẫm , phụ thuộc . Người Nga người Mỹ họ có thể bán máy bay tàu ngầm cho , nhưng họ không thể chở nước ngọt sang để chống hạn cho ĐBSCL ! Hiểu chưa ?! Cuộc đời Tầm gửi . . . muôn năm !

    Trả lờiXóa
  2. Lúc cần cứu thì nó lờ đi, đến lúc ngắc ngoải nó nhả cho một chút (cũng chẳng cứu được nữa), có thế mà đã sướng lên ca ngợi "là sự khởi đầu tốt đẹp của hợp tác". Đúng là mấy cha PV "lề phải" này bị xui ...ăn cứt gà.
    Viết lách thế mà cũng dám viết!

    Trả lờiXóa
  3. Ba Đình có bao giờ bị cúp nước hay hết đồ ăn đâu mà lo cho mệt kia chứ!

    Trả lờiXóa