Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2016

Vì sao các triều đại sụp đổ?


                                          * NGUYỄN VŨ HIỆP
Phần 1
Muốn biết vì sao các triều đại sụp đổ, phải biết bằng cách nào chúng được dựng lên và nhờ đâu chúng đứng vững.
A. CÁC TRỤ CỘT CỦA MỘT TRIỀU ĐẠI
Mọi triều đại đều được xây dựng và duy trì trên những trụ cột quyền lực quan trọng dưới đây.
Nếu những trụ cột này còn vững chắc, thì triều đại còn đứng vững, bất kể mọi mối đe dọa và tình huống rủi ro có thể phát sinh.
Nhưng nếu một trong những trụ cột này lung lay, thì các trụ cột khác lập tức đứng trước nguy cơ rạn nứt theo hiệu ứng dây chuyền, nhất là khi hệ thống không kịp thời tự điều chỉnh để khắc phục sự cố. Nhiều kinh nghiệm lịch sử cho thấy chuỗi sự kiện làm sụp đổ một triều đại hoặc một quốc gia có thể kéo dài nhiều chục năm, thậm chí vài thế kỷ, khởi nguồn từ sự suy yếu của một trong các trụ cột quyền lực. Những gì xảy ra tiếp theo chỉ là hiệu ứng domino tất yếu, trong lúc hệ thống và người lãnh đạo còn đang ngủ quên.
Cần lưu ý rằng khi một triều đại chấm dứt, các trụ cột quyền lực của nó không hoàn toàn sụp đổ. Như nhà thờ Ki-tô giáo mọc lên trên nền móng cũ của đền thờ thần linh La Mã, những viên gạch còn dùng được của triều đại cũ sẽ hình thành các trụ cột quyền lực của triều đại tiếp theo. Vì vậy, thay đổi triều đại trước hết và trên hết là cuộc đua đường trường để giành giật và củng cố các trụ cột quyền lực này. Nói cách khác, những thành tố duy trì triều đại hôm nay có thể quay đầu chống lại nó trong tương lai; triều đại có càng nhiều thì càng bị đe dọa.
I. Các trụ cột tinh thần
1. Hệ thống giá trị, chuẩn mực, luân lý và niềm tin
Là hệ thống quan niệm và thói quen quyết định cách thức mà con người trong triều đại nhìn thực tại và nhìn nhau.
Là nền tảng quan trọng nhất để hình thành và duy trì tính chính đáng của triều đại, cũng như cách thức hệ thống chính trị – xã hội của nó vận hành.
Mọi thay đổi, dù là nhỏ nhất, trong hệ giá trị, chuẩn mực, luân lý và niềm tin, cũng tất yếu dẫn đến sự điều chỉnh – hoặc sự trục trặc – của toàn bộ các thành tố còn lại trong hệ thống.
Hệ thống giá trị, chuẩn mực, luân lý và niềm tin thường thay đổi vì những lí do sau:
_ Do giao lưu với nước ngoài. VD: Văn hóa Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng từ quá trình giao lưu với Trung Quốc và phương Tây, hoàn toàn không có cái gọi là “thuần Việt”.
_ Do ảnh hưởng từ người nhập cư, nô lệ hoặc cư dân các vùng lãnh thổ mới xâm chiếm
VD: Trong giai đoạn cuối cùng trước khi sụp đổ, người dân của đế chế La Mã ăn mặc và xây cất như người Hy Lạp, thờ một người Do Thái và đánh nhau theo hàng ngũ của dân nhập cư man di.
_ Do công nghệ mới
VD: Bộ mặt thế giới thay đổi hoàn toàn sau sự ra đời của Internet, cũng như Châu Âu từng lột xác sau sự ra đời của công nghệ in.
_ Do các khám phá khoa học mới
VD: Các phát hiện mới trong ngành vật lý lượng tử đặt dấu chấm hết cho quan niệm “sự thật mang tính khách quan” – tiền đề quan trọng của đa phần triết học, khoa học và quan niệm sống phương Tây, nhất là vào thời khai sáng.
_ Do thịnh vượng hoặc suy thoái kinh tế – tài chính
VD: Sự thịnh vượng của các đô thị Bắc Ý cuối thời Trung cổ là bàn đạp để phát triển văn hóa trong thời Phục hưng.
_ Do các nghệ sĩ và nhà tư tưởng
VD: Lý thuyết chính trị của Aristotle định hình tập quán chính trị của phương Tây cho tới ngày nay. Phong trào Thơ Mới đặt dấu chấm hết cho thực tại Khổng giáo tiểu nông đã cắm rễ ở Việt Nam suốt hàng thế kỷ.
Các triều đại thường sụp đổ khi hệ thống giá trị, chuẩn mực, luân lý và niềm tin làm nền tảng cho nó bị lung lay. Ví dụ điển hình là sự sụp đổ của các nền quân chủ châu Âu, khi mấy thế kỷ chuyển mình về nghệ thuật, công nghệ, khoa học và kinh tế của lục địa này khiến quyền uy thế tục của giáo hội bị xét lại và vấn đề tự do cá nhân được đặt ra.
Tuy vậy, cũng có những trường hợp mà triều đại được duy trì qua cơn hoạn nạn, do hệ thống kịp thời tự điều chỉnh để thích nghi với trật tự tinh thần mới. Ví dụ tiêu biểu là sự sống sót của nền quân chủ Anh sau Magna Carta. Tuy vậy, trong những trường hợp đó, bộ mặt triều đại cùng cách vận hành, phân bổ quyền lực và phân phối tài nguyên của nó cũng thay đổi rất nhiều. Và thường thì quyền uy của giới cầm quyền cũ sẽ liên tục suy giảm, cho tới khi họ biết cách đầu tư nguồn vốn cũ của mình vào những mánh làm ăn trong hệ thống mới.
Mặt khác, vẫn có những triều đại sụp đổ trong điều kiện trật tự tinh thần cũ không đổi. Trong các trường hợp này, người đương thời thường lý giải rằng bộ máy cầm quyền đã đi chệch khỏi trật tự tinh thần đúng đắn, tức là đã từ bỏ “mệnh trời”, đi ngược “ý Chúa” hoặc phản bội “ý chí nhân dân”. Nhiều cuộc thay đổi triều đại ở Trung Quốc và Việt Nam thuộc nhóm này. Tuy vậy, trong các trường hợp này, gốc rễ của thảm kịch thường không nằm ở phẩm chất của cá nhân người cầm quyền, ở “mệnh trời”, “ý Chúa” hoặc “ý chí nhân dân”, mà kì thực đã nhen nhóm từ lâu trong sự rạn nứt của một trụ cột quyền lực làm nên hệ thống.
Nói chung, duy trì vĩnh viễn một trật tự tinh thần là điều không thể. Thay vì cố dập tắt mọi mối đe dọa từ bên trong và bên ngoài đối với trật tự tinh thần cũ, các nhà cầm quyền khôn ngoan trong lịch sử thường thiết lập một hệ thống thẩm định, cấp phép và quản lý để các trào lưu tư tưởng, chuẩn mực, niềm tin mới được phép xuất hiện và ganh đua.
Nhà cầm quyền khôn ngoan và hệ thống của họ phải đảm bảo những điều này:
_ Mỗi trào lưu mới phải có một hệ chuẩn mực hoàn chỉnh của riêng nó. Dù cho phép một không gian tự do lớn đến đâu, hệ chuẩn mực riêng này cũng phải đảm bảo một tiêu chuẩn vệ sinh, trình độ thẩm mỹ và độ minh bạch thông tin tối thiểu.
_ Trào lưu mới không che mờ lý trí để kích động những đam mê chính trị cực đoan của đám đông.
_ Trào lưu mới không tức khắc đe dọa tính chính đáng của triều đại và của người cầm quyền đương nhiệm.
_ Trào lưu mới không tạo ra những đoàn thể có nhân sự, tài chính lớn và quan hệ phức tạp.
_ Các trào lưu mới phải nổi ngang bằng, không có cái nào quá vượt trội, không có sự liên kết giữa các trào lưu với nhau. Nếu chúng đánh lẫn nhau được thì càng tốt.
_ Mỗi trào lưu nên được duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong nội bộ.
_ Hệ thống phải chuẩn bị sẵn các phương án b, phương án c để kịp thời thay đổi khi một trào lưu mới lớn dậy và thắng thế.
_ Nhà cầm quyền không được có đam mê đặc biệt với bất cứ một trào lưu mới nào. Thay vào đó, phải đối xử với tất cả bằng một thái độ tương đối công bằng, đồng thời tỏ ra vừa hiểu biết vừa lạnh nhạt, vừa cởi mở vừa do dự, vừa cần thiết vừa đáng lo với mọi trào lưu mới.
2. Hi vọng của người dân
Nhờ đâu một triều đại được phép tồn tại? Không phải nhờ nó mang lại cơm ăn, áo mặc, niềm tự hào và lạc thú cho nhân dân. Mà là nhờ nó mang lại cho dân chúng hi vọng vào những điều này.
Nếu hi vọng của người dân vẫn còn, thì dù họ sống trong bệnh dịch, nghèo đói hoặc ngoại xâm, triều đại vẫn có cơ đứng vững.
Nếu hi vọng của người dân mất hẳn, thì chừng nào hệ thống còn duy trì được nỗi sợ, tình hình cũng chưa quá đáng lo.
Nhưng nếu hi vọng của người dân đặt vào một lực lượng chính trị khác, thì dù triều đại có liên tục mang lại sự an toàn và thịnh vượng, nhà cầm quyền có tầm nhìn và nghĩa khí, nhà chức trách có năng lực, họ cũng lập tức bị dân chúng chối từ.
Vậy nên nhà cầm quyền khôn ngoan không thỏa mãn mong muốn của người dân, mà duy trì và sở hữu nó. Chẳng hạn, các chính quyền Mỹ gần đây chỉ tập trung duy trì giấc mơ Mỹ, chứ không cố ban phát cho nhân dân nhiều an toàn và phúc lợi. Hệ thống của nước này không đòi hỏi người dân yêu mến nó, bởi yêu mến càng nhiều thì thất vọng đến càng nhanh. Nó chỉ đòi hỏi người dân phải dựa vào nó, thông qua nó, phụ thuộc nó trong mọi hoạt động sinh tồn. Nó không khuyến khích người dân tận hưởng cuộc sống vui vẻ, mà thúc giục họ cạnh tranh, vì người dân thường càng ganh đua với nhau thì càng lệ thuộc vào hệ thống, ít đặt câu hỏi về hệ thống và không cùng nhau lập nên những lực lượng cạnh tranh với hệ thống. Ngược lại, những cố gắng cải cách và mở cửa vội vàng ở Liên Xô, dù nhằm thỏa mãn đòi hỏi của nhân dân, lại khiến hệ thống nhanh chóng sụp đổ vì bị cạnh tranh và gây thất vọng.
3. Nỗi sợ của người dân
Nỗi sợ là nguyên nhân quan trọng nhất khiến mọi hình thái tổ chức, bao gồm quốc gia và xã hội, được hình thành.
Vì người dân sợ ngoại quốc và sợ nhau, họ thành lập hệ thống, rồi trao cho hệ thống quyền bảo vệ nhân dân bằng truyền thông, bạo lực và giám sát. Nên nếu người dân không sợ, hệ thống mất lý do tồn tại và đi đến giải thể.
Để công tác trị an của hệ thống được đảm bảo, người dân phải sợ hệ thống hơn là sợ ngoại quốc và sợ nhau.
Nếu người dân sợ ngoại quốc hơn sợ hệ thống, họ sẽ tôn ngoại quốc làm người lãnh đạo mới của mình, như trong quá trình lên ngôi của người Mãn Thanh ở Trung Quốc.
Nếu người dân sợ nhau hơn sợ toàn án, công an, quy tắc giang hồ sẽ thay thế luật pháp, như tình trạng loạn kiêu binh cuối thời Lê – Trịnh.
Nhưng nếu người dân hiểu rằng hệ thống chỉ kinh doanh nỗi sợ, như tình huống gần đây ở Ai Cập, thì hệ thống sẽ sụp đổ vì mất tính chính danh.
Bởi vậy, muốn tồn tại bền vững, mọi hệ thống phải biết duy trì, chuyển hóa và chính đáng hóa nỗi sợ của người dân.
Trước tiên, không được để nỗi sợ hệ thống bị nhận ra, mà phải chia nhỏ nó ra, rồi ngụy trang nó dưới ba vỏ bọc, là nỗi sợ dư luận, nỗi sợ thiệt thòi và nỗi sợ luật pháp. Sau đó, phải gọi nỗi sợ dư luận là đạo đức, gọi nỗi sợ thiệt thòi là ý chí tiến thủ và gọi nỗi sợ luật pháp là tinh thần thượng tôn pháp luật, để nỗi sợ không những không bị khinh bỉ, mà còn được coi là tốt và đáng tôn vinh.
Nỗi sợ ngoại quốc phải được chuyển hóa thành sự căm ghét những ngoại quốc cụ thể, thông qua ba liều thuốc kích thích là ghen tị, bạo lực và hận thù. Sau đó, không được để sự căm ghét ngoại quốc đứng trần truồng, mà phải gọi nó là tinh thần tự tôn dân tộc và lòng yêu nước.
Có thể chuyển hóa “tinh thần tự tôn dân tộc” và “lòng yêu nước” thành nỗi sợ dư luận, qua đó củng cố nỗi sợ hệ thống của người dân.
Cũng có thể tận dụng hai tinh thần cao quý này cho luật nghĩa vụ quân sự và luật an ninh quốc gia, qua đó trực tiếp gia tăng sức mạnh và thẩm quyền của hệ thống.
Nỗi sợ nhau của người dân phải được quản lý một cách cẩn thận. Nếu để nỗi sợ lan tràn, thương mại sẽ sa sút vì dân chúng không tin tưởng nhau. Nên trước tiên, cần làm truyền thông để đám đông hướng nỗi sợ vào một số hình mẫu cụ thể – tức biến một số thành phần nhân dân cụ thể thành kẻ thù của số đông. Phù hợp nhất là bọn khủng bố, bọn giết người hàng loạt hay bọn nghiện hút. Việc duy trì ổn định những kẻ thù của xã hội này, cùng những chiến công vang dội trong cuộc giằng co với chúng của các cơ quan chức năng, sẽ khiến các thành phần nhân dân còn lại cảm nhận rõ sự cần thiết và nghiêm minh của pháp luật.

II. Trụ cột cơ chế
1. Luật pháp
Nếu coi nhân dân là các phụ tùng máy, tài nguyên là nhiên liệu chạy máy và nhà cầm quyền là người vận hành máy, thì luật pháp là qui trình vận hành công khai và thành văn của toàn bộ cỗ máy xã hội.
Nhờ luật pháp, nhiên liệu được tiết kiệm và sử dụng hợp lý, các phụ tùng đỡ va vấp làm sứt mẻ nhau, người vận hành máy tiết kiệm được sức lực, sự mạo hiểm và thời gian.
Tuy nhiên, luật pháp càng nhiều thì con người càng giống máy móc. Các mắt lưới luật pháp càng dày đặc thì con người càng nhỏ bé đi. Hệ thống càng được qui trình hóa thì càng khó thích nghi khi môi trường thay đổi hoặc chuyển hướng khi cần. Nên luật pháp tốt là luật pháp tối giản, dễ hiểu, rõ ràng, nhưng chặt chẽ và được đảm bảo thực hiện nghiêm túc.
Luật pháp được thực thi nhờ cơ chế thưởng phạt. Bởi vậy, về mặt thực chất, pháp luật là phương tiện để kiểm soát và vận hành xã hội thông qua việc thao túng dục vọng và nỗi sợ của từng cá nhân. Nói cách khác, pháp luật là bạo lực và thiên vị được hệ thống hóa và chính đáng hóa cao độ, tới mức nó được đông đảo dân chúng nương tựa và tôn sùng. Pháp luật là nhà tù để bảo vệ tự do, là dùi cui để mang đến bình yên, là sự bất công để thực thi công lý.
Để giữ chính danh, nhà cầm quyền ngày nay thường phải tự đặt mình bên dưới pháp luật, và tuyên bố rằng mình chỉ là công cụ để thực thi pháp luật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng pháp luật luôn nằm dưới, và luôn là công cụ để thực thi các ý niệm được tôn thành “chủ quyền tối cao” của hệ thống – như thần thánh, quốc gia, tự do, lợi nhuận, hoặc ý chí nhân dân. Nếu nhà cầm quyền biết thao túng và nhân danh “chủ quyền tối cao” này, bằng chính những dục vọng và nỗi sợ từng khiến chúng được con người đề ra, thì trong thực tế, nhà cầm quyền đương nhiên đang đứng trên pháp luật và dùng pháp luật làm công cụ phục vụ mục đích của riêng mình. Cần nhớ rằng Hitler chưa bao giờ phản bội ý chí nhân dân, cũng chưa từng phạm pháp.
Trong những trường hợp sau, hệ thống có thể sụp đổ vì trụ cột luật pháp bị suy yếu:
_ Pháp luật hiện hành không phù hợp với trật tự tinh thần của xã hội, được thể hiện qua hệ thống giá trị, luân lí và niềm tin.
Chẳng hạn: Những cải cách vội vàng về luật hộ tịch, tiền tệ và sở hữu ruộng đất của Hồ Quý Ly nhanh chóng làm sụp đổ quyền lực của ông trước khi quân Minh ra đòn kết liễu.
_ Pháp luật mới đầu rất hợp lòng dân, trông vô hại, tiến bộ và hợp lý một cách hiển nhiên, nhưng về lâu về dài lại ngầm bào mòn nền tảng quyền lực của hệ thống.
Chẳng hạn: Luật thừa kế ở Mỹ, với quy định về sự bình đẳng của con cả và con thứ khi thừa kế tài sản của người đã khuất, dần làm chia nhỏ điền sản của giới địa chủ qua nhiều thế hệ, làm quyền lực của họ suy yếu dần cho đến khi sụp đổ hoàn toàn sau cuộc nội chiến.
_ Pháp luật không được thực hiện nghiêm túc gây nhiều hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến hệ thống hoàn toàn mất tính chính danh, đồng thời luật rừng tạo thành môi trường nuôi dưỡng những quyền lực mới.
Chẳng hạn: Tình trạng vắng bóng luật pháp ở miền Bắc Việt Nam cuối thời Lê – Trịnh biến toàn dân thành giặc cướp và tất cả quan tướng có thế lực thành sứ quân.
Nhìn chung, luật pháp là công cụ chính danh để làm cho các nguồn lực của xã hội trong quá khứ, hiện tại và tương lai vận hành ăn khớp với nhau. Chừng nào nó còn giữ được tính chính danh, còn ổn vững qua các biến động và còn hoàn thành tốt nhiệm vụ ráp nối này, thì dù người cầm quyền đứng trên hay đứng dưới pháp luật, dù xã hội linh hoạt hay trì trệ, dù dân chúng đói khổ hay ấm no, hệ thống vẫn đứng vững. Chỉ khi môi trường pháp luật khiến tính chính danh bị mất, các nguồn lực va chạm và xung đột, quá khứ, hiện tại và tương lai không ăn khớp với nhau, nó mới có thể làm cho hệ thống sụp đổ.
Tuy nhiên, nếu nhà cầm quyền không thể đứng trên pháp luật và làm chủ pháp luật về mặt thực chất, thì trong thực tế, triều đại của họ vốn đã cáo chung. Nếu có tiếp tục công khai cầm quyền, thì họ cũng chỉ là ông vua bù nhìn để trưng lên sân khấu. Vấn đề nằm ở chỗ thay vì dùng pháp luật để thao túng dục vọng và nỗi sợ của người khác, họ lại để pháp luật thao túng dục vọng và nỗi sợ của mình. Vì không thể làm chủ tâm trí của bản thân, họ không thể tiếp tục làm chủ hệ thống, mà trở thành công cụ trong hệ thống.
Giờ đây, hệ thống mà họ sáng lập trở thành công cụ trong tay những thế lực cầm quyền không lộ mặt. Đây là những kẻ có thể thao túng dục vọng và nỗi sợ của các thành viên trong hệ thống, qua đó chiếm dụng luật chơi rồi viết lại luật chơi. Những chủ nhân mới của luật pháp có thể đến từ quân đội, giới tài phiệt, hệ thống an ninh – tình báo hoặc hậu cung… Nhưng không bao giờ có chuyện nhân dân làm chủ luật pháp. Lý do rất giản đơn: đa số người dân không biết gì về dục vọng và nỗi sợ của họ, chứ đừng nói đến chuyện làm chủ chúng.
2. Cơ chế vận hành của bộ máy chính trị
Nói gì thì nói, chính trị trước hết và trên hết là công việc phân chia quyền lực. Vì không tồn tại quyền lực thì không tồn tại chính trị, quyền lực tỉ lệ thuận với ảnh hưởng chính trị, và mọi hành vi chính trị đều nhằm mục đích tái phân phối quyền lực. Để tồn tại và vận hành một cách trơn tru thay vì tự hủy, bộ máy chính trị cần những cơ chế để phân chia quyền lực thành nhiều nhánh, để tuyển chọn những cá nhân đảm nhiệm từng nhánh, và để các nhánh quyền lực đó phối hợp một cách ổn thỏa với nhau trong các quyết định chung. Dù bộ máy chính trị mang danh nghĩa là dân chủ hay độc tài, nhân danh lí tưởng gì và lợi ích của ai, thì những gì con người thật sự cần ở nó cũng chỉ nằm gọn trong ba vấn đề thực tế ấy.
Trong những trường hợp sau, cơ chế vận hành của bộ máy chính trị dễ khiến cho triều đại sụp đổ:
_ Các nhánh quyền lực chồng chéo lên nhau, tạo điều kiện cho sự mưu lợi bất minh và làm nảy sinh tranh chấp lợi ích.
_ Thiếu cơ chế để các nhánh quyền lực giám sát và kiềm chế lẫn nhau, khiến một nhánh nổi lên tiếm quyền, các nhánh thoải mái lạm quyền để mưu lợi tư, hoặc giữa các nhánh xảy ra tranh chấp ngoài cơ chế.
_ Các nhánh quyền lực trung ương được phân chia không đều, khiến một nhánh có cơ nổi lên tiếm quyền sau khi lôi kéo được sự ủng hộ hoặc làm ngơ của các nhánh yếu hơn.
_ Địa phương có quá nhiều quyền tự quyết về kinh tế, tài chính, an ninh và đối ngoại, dẫn đến tình trạng cát cứ hoặc đe dọa an ninh chung khi các địa phương cấu kết với nhau, địa phương cấu kết với nước ngoài, địa phương cấu kết với một nhánh quyền lực trung ương, hoặc địa phương phát triển vượt trung ương về sức mạnh vũ lực, thông tin, ngoại giao và kinh tế. Nguy cơ tương tự đặt ra với các tập đoàn kinh tế – tài chính và các các tổ chức thuộc xã hội dân sự.
_ Cơ chế của bộ máy chính trị dành quá nhiều ưu tiên cho một bộ phận người dân, trong khi lại tước đoạt mọi cơ hội thăng tiến cá nhân của một bộ phận khác. Bộ phận bị gạt bỏ đương nhiên cho rằng mình nằm ngoài hệ thống, là nạn nhân của hệ thống và là kẻ thù không đội trời chung của bộ phận được ưu tiên.
_ Bộ máy chính trị thiếu cơ chế để kiềm chế những đòi hỏi và đam mê mang tính bộc phát, nhất thời của đám đông dân chúng.
 Cần lưu ý rằng những nguy cơ trên xảy ra với mọi nền chính trị tự cổ chí kim, bao gồm cả những chế độ mệnh danh dân chủ đa đảng. Chẳng hạn, trong hệ thống hiện hành của nước Mỹ, giới tài phiệt được bộ máy chính trị dành cho quá nhiều ưu tiên. Cơ chế chính trị của Mỹ cũng từng thất bại trong việc giải quyết mâu thuẫn quyền lực giữa các địa phương miền Bắc và miền Nam, cho tới khi súng ống giải quyết vấn đề. Chính cơ chế chính trị tự do của nước Đức đầu thập niên 1930 đã giúp đảng Quốc Xã cấu kết với các nhóm lợi ích tài chính và quốc phòng, thâu tóm những nguồn lực tối quan trọng  rồi đưa Hitler lên ngôi vị tối cao theo đòi hỏi của đám đông dân chúng.
Trong thực tế, hệ thống dân chủ đa đảng được cổ vũ hiện nay chỉ là một tập hợp những phương thức để chia nhỏ quyền lực thành nhiều nhánh, và cho các nhánh chạy khớp với nhau. Nhiệm kì để chia nhỏ về thời gian, liên bang để chia nhỏ về không gian, đa đảng để chia nhỏ về tập đoàn, tam quyền phân lập để chia nhỏ về chức trách… Nhưng như thế không có nghĩa là người dân thường được làm chủ. Vẫn có các công ty làm chủ thời gian của người dân, các hãng truyền thông làm chủ không gian quốc gia, các thế lực tài chính thao túng nhiều tập đoàn, và các đế chế thông tin nắm giữ bí mật để kiểm soát mọi chức trách. Người dân thường chỉ có một cơ hội duy nhất để ít nhiều làm chủ đời mình và làm chủ nền chính trị một cách ổn vững. Đó là đạt đến cái nhìn toàn cảnh và hành động tập thể thông qua giới trí thức tinh hoa.
_
III. Trụ cột nhân sự
Nhân sự cầm quyền
Dân Đông Á tưởng rằng nhà cầm quyền phải là kẻ hội đủ tài đức. Nhưng dân bàn về cái tài của vua thì chỉ là bàn nhảm, bởi dân không biết cái tài của vua. Dân so sánh cái đức của vua thì cũng chỉ như miếng thịt chọn vào chảo hay vào nồi, bởi mọi thứ đạo đức đều được một kẻ cầm quyền tạo ra, và mọi kẻ cầm quyền đều sửa sang đạo đức.
Dân Tây tưởng rằng nhà cầm quyền phải do Thiên chúa hoặc Nhân dân lựa chọn. Họ quên mất rằng trong lịch sử, Giáo hội muốn ai chết thì kẻ đó bị Chúa phạt, Giáo hội muốn ai sống thì kẻ đó được Chúa thương. Ai đẹp lòng cha xứ, kẻ ấy được lên thiên đường. Giáo hoàng ra sao thì Chúa ra thế ấy, Giáo hoàng chỉ đâu là Chúa đánh đấy. Ngày nay, chỉ kẻ có tiền, có quyền mới hay diễn thuyết về tập thể, quốc gia, nhân dân, nhân loại. Còn kẻ hết tiền sẽ không sống như nhân loại, và tiền là Chúa của hầu hết nhân dân.
Kẻ chạy theo tài đức thì không cầm quyền. Kẻ ấy bị cai trị bởi miệng lưỡi ngu dân và vai tuồng của vua cũ. Kẻ ấy không cầm quyền, kẻ ấy là nô lệ.
Kẻ tôn thờ dân ý thì không cầm quyền. Không có con người sống động nào là Nhân Dân, Nhân Dân chỉ là khái niệm ép khô trong bài diễn thuyết. Khi được yên ổn và không bị nhà cầm quyền kích động, chẳng có cá nhân người nào chịu hi sinh thân mình vì lợi ích Nhân Dân. Nên ta nói rằng Nhân Dân chỉ là ảo giác của kẻ yếu đang hoảng hốt. Ai tôn thờ nhân dân, kẻ ấy đang mơ ngủ.
Cả kẻ nô lệ lẫn kẻ mơ ngủ đều không tự chủ, mà để kẻ khác cai trị bản thân. Kẻ quen bị trị sẽ không quen trị quốc, kẻ đánh mất bản thân tất làm mất nước.
Nhân sự cầm quyền phải hội đủ ba điều kiện.
Thứ nhất, là hiểu và nắm bắt được các quy luật tự nhiên.
Thứ hai, là hiểu và nắm bắt được các hệ thống tổ chức.
Thứ ba, là hiểu và giữ được bản thân.
Nếu kẻ đứng đầu không hiểu và nắm bắt được các quy luật tự nhiên, thì con tàu đất nước chỉ như cọng rác trôi dạt trên biển. Nếu kẻ đứng đầu không hiểu và nắm bắt được các hệ thống tổ chức, thì con tàu đất nước chỉ như một bè gỗ quý bị ráp lung tung. Nếu kẻ đứng đầu không hiểu và giữ được bản thân, thì con tàu đất nước vốn đã thành tàu nước ngoài. Càng đi xa càng hại nước.
Không hiểu các quy luật tự nhiên và các hệ thống tổ chức thường là vì ngu dốt, hoặc bẩm sinh, hoặc do đào tạo. Nhưng không hiểu và giữ được bản thân thì có nhiều lý do. Trong đó, đáng kể nhất là lí tưởng, hậu cung và nịnh thần. Ba điều này dễ khiến kẻ cầm quyền đánh đồng bản thân với thứ khác, hoặc nhầm lẫn bản thân với kẻ khác.
Suy cho cùng, người mất tự chủ luôn là người thiếu tự lập về trí tuệ và tình cảm.
Nếu triều dại sụp đổ vì nhân sự cầm quyền của nó, thì lý do gốc rễ không nằm ngoài những điểm trên.
Nhân sự chuyên gia
Nếu nhân sự cầm quyền là kẻ ra quyết định, còn dân chúng là tài nguyên thô, thì nhân sự chuyên gia là công cụ trí tuệ để hình thành và thực hiện những quyết định đó.
Nhân sự chuyên gia có thể vượt nhân sự cầm quyền về khả năng hiểu và nắm giữ quy luật của các tổ chức và của tự nhiên. Nhưng về khả năng hiểu và làm chủ bản thân thì họ thường thua sút. Trong những trường hợp ngoại lệ, hoặc nhà cầm quyền đương nhiệm không xứng đáng, hoặc chuyên gia là nhà cầm quyền tiềm năng.
Mấu chốt của công cụ là được sử dụng đúng nơi, đúng việc, đúng cách, rồi được bảo trì và phát triển đúng cách.
Nhân sự chuyên gia là một trong số những nguồn cơn quan trọng nhất của sự sụp đổ triều đại. Nếu triều đại sụp đổ vì các chuyên gia, kịch bản thường sẽ theo năm hướng.
Thứ nhất, là giới chuyên gia thiếu năng lực hoặc nhân lực, khiến nhà cầm quyền ra quyết định sai, hoặc khiến quyết định không được thực hiện.
Thứ hai, là nhà cầm quyền và chuyên gia tìm cách diệt nhau.
Thứ ba, là giới chuyên gia tìm cách diệt nhau.
Thứ tư, là giới chuyên gia không muốn làm công cụ của nhà cầm quyền và hệ thống hiện hành, hoặc một số chuyên gia quyết định trở thành công cụ của một nhà cầm quyền khác và hệ thống khác.
Thứ năm, là xã hội mất hệ chuẩn mực giúp xác định giới chuyên gia, khiến vàng thau lẫn lộn, người có khả năng không được nhận diện kịp thời và phát triển hợp lý, trong khi kẻ kém cỏi được dịp thăng tiến để làm loạn hệ thống và lãng phí tài nguyên.
Dù những kịch bản trên bắt nguồn từ sai lầm của nhà cầm quyền, của chuyên gia hay của cơ chế vận hành hệ thống, thì vấn đề vẫn nằm ở chỗ sắp đặt không đúng người đúng việc, và đãi ngộ không đúng người đúng việc. Nếu các chuẩn mực văn hóa, luật pháp, cơ chế của hệ thống chính trị và nhân sự cầm quyền có thể sắp đặt và đãi ngộ hợp lý từng cá nhân chuyên gia, thì dù số chuyên gia này có tham gia vào hệ thống hay không và có phản đối hệ thống hay không, thì hệ thống vẫn đứng vững.
N.V.H(BHC/ Ikaria)
-------------

15 nhận xét:



  1. Hiệp sĩ Đạo Nhật Bản đang dẹp Bắc bình Nam



    https://www.youtube.com/watch?v=xErC-5jtpys

    JAPAN : South China Sea Patrol fleet.⑧ Go to the Subic Bay and Cam Ranh Bay


    Đang bình Nam Biển Hoa Đông - Biển Đông
    Nhật Bản giương cao Cờ Mặt trời mọc hồng
    Hải tặc Tàu muốn gọi Điếu Ngư bỏ Kim Các
    Xóa tên Hoàng Sa gọi thành Tây Sa giỡn không ?
    Đổi tên Trường sa thành Nam Sa lũ Đại Hán
    Hiệp sĩ Đạo Nhật giúp lân bang hết lòng
    Đối trọng đối phó với Tàu tăng cường quân sự
    Bất ngờ Gấu Nga trở lại phòng hải phòng không
    Trên Thiên Đảo liệt đảo - Chuỗi Ngàn quần đảo (1)
    Nga gián tiếp giúp Tàu nhẹ gánh nơi Biển Đông ?
    Tầu ngầm đang bình Nam - chiến hạm đi dẹp Bắc
    Hiệp sĩ Đạo Nhật Bản nặng gánh Chí tang bồng !
    Chiến bào vó câu trống trận dập dồn vó ngựa
    Hoa Anh Đào phù du vừa muôn thuở Phú Sĩ Sơn .. ..
    Hiệp sĩ Đạo Nhật Bản đang bình Nam sắp dẹp Bắc
    Tây Kinh - Đông Kinh (2) mãi Bình minh - Rạng đông


    TỶ LƯƠNG DÂN


    (1)
    Quần đảo Kuril theo cách gọi của Nga là Курильские острова hay quần đảo Chishima theo
    cách gọi của Nhật Bản (tiếng Nhật: 千島列島; âm Hán Việt: Thiên Đảo liệt đảo - nghĩa là "chuỗi
    1000 đảo") nay thuộc tỉnh Sakhalin của Nga

    (2) Kyoto = Tây Kinh - Tokyo = Đông Kinh


    Địa chính trị :

    Ngày 25/03/2016, bộ Quốc Phòng Nga đã tiết lộ kế hoạch bố trí các giàn
    hỏa tiễn hiện đại và xây dựng một căn cứ Hải Quân tại vùng quần đảo
    Kuril đang có tranh chấp với Nhật Bản.
    Động thái của Mạc Tư Khoa được cho là sẽ buộc Đông Kinh quan tâm
    trở lại với mặt trận phía Bắc, qua đó giảm bớt nguồn lực giành cho phía
    Nam, nhất là khu vực Biển Đông, nơi mà Nhật Bản không có lợi ích trực
    tiếp. Trung Quốc được cho là sẽ hưởng lợi nhờ động thái của Nga.




    Trả lờiXóa
  2. Một số bài bị virus nặng quá. Không comment được.

    Trả lờiXóa
  3. Quy luật đào thải - xấu thì sụp! Không sớm thì muộn.
    Theo cách nào đó, ở Mỹ cũng vậy - đảng nào yếu kém thì bị đảng kia lên thay.

    Trả lờiXóa
  4. Theo quan điểm của bọn cai trị thì nhân loại là một lũ 'phản động' vì chống phá chế độ cầm quyền
    Trong khi chính chúng cũng là 'phản động' vì đã lật đổ chế độ cũ

    Trả lờiXóa
  5. <=> Vì tham tàn bạo ngược,độc ác,phi nhân,vì mất tính người và sống đời ác quỉ !

    Trả lờiXóa
  6. Dân lương thiệnlúc 09:47 27 tháng 3, 2016

    Câu mở đầu bài viết đã nói lên rõ nhất câu trả lời rồi.
    Nếu các triều đại được dựng lên THỰC SỰ VÌ LỢI ÍCH CỦA DÂN TỘC, THÌ TRIỀU ĐẠI ĐÓ SẼ MÃI MÃI TỒN VONG CÙNG DÂN TỘC.
    Nếu ngược lại, các triều đại vì một đảng, vì một nhó lợi ích, vì quyền lợi của một vài cá nhân? Các triều đại đó phải sụp đổ.

    Ông TBT đang dùng NGƯỜI MIỀN BẮC để áp đảo NGƯỜI MIỀN NAM là ông TBT thất bại rồi.

    Tôi không phải NGƯỜI MIỀN NAM, nhưng tôi biết chắc chắn những CHIẾN SĨ GIẢI PHÓNG DÂN ỘC MIỀN NAM khi xưa, đang rất ân hận vì họ đã hy sinh cả tuổi trẻ và cuộc đời họ để ĐÁNH MỸ CỨU NƯỚC, để GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, thì nay họ đang sát cánh cùng NHỮNG PHẦN TỬ PHẢN ĐỘNG THỜI VNCH chống lại các sứ giả của MIỀN BẮC XHCN được ông Tổng cử vào cai trị họ
    Còn những lãnh đạo nòng cốt đã và đang được cử vào Miền Nam ( kiểu như ông Đinh La Thăng ) sẽ là những người đi tiên phong trong công cuộc CM chống ông Tổng Trọng, bởi vì hơn ai hết, sinh ra và lớn lên trong TỔ QUỐC CỘNG SẢN, ông ĐLT hiểu hết sự thối rữa của chế độ và họ khát khao được đổi đời.

    Vậy biết dựa vào ai để bảo vệ chế đô bây giờ đây ông Tổng ơi?.

    Trả lờiXóa
  7. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xin lỗi!
      Do nhớ nhầm, ghi sai chữ Vũ thành Phú (Nguyễn Vũ Hiệp ra Nguyễn Phú Hiệp). Mong các bác lượng thứ cho.
      Nhờ Đại tá, Nhà báo Bùi Văn Bồng xóa giúp bài trên (HoangGia 10:17 Ngày 27 tháng 03 năm 2016)
      Cám ơn!

      Xóa
    2. HG thông cảm, không xóa được, mạng chủ blogsot đã mặc định, viết nhầm, cần sửa lại thì đính chính như rứa được rồi!.

      Xóa
  8. Rất hữu ích!
    1. Bạn trẻ Nguyễn Vũ Hiệp có bài viết rất sâu sắc, tổng hợp từ lịch sử Xưa và cảnh báo cho các Triều đại (tư bản, cộng sản) hiện Nay. Tư duy rất minh triết và biện luận có lý, chặt chẽ và thực tiễn về các Trụ cột tao cho một triều đại đứng vững hoặc sụp đổ.
    2. Vấn đề đặt ra là, tai sao các nhà lãnh đạo Việt Nam và các giáo sư, tiến sỹ về công tác đảng và nhà nước Việt Nam không trân trọng và mời bạn trẻ Nguyễn Vũ Hiệp đến thuyết trình về nội dung đề tài này (Vì sao các triều đại sụp đổ?). Các cụ xưa thường dạy: Làm người phải biết làm điều Phúc Đức và làm giầu Trí tuệ cho mình. Do đó, các vị cần khiêm tốn học hỏi, làm giầu bộ óc của mình bàng kiến thức và trí tuệ nhân loại. Người giỏi là biết dung nạp kiến thức và kinh nghiệm của người khác. Tôi cảm nhận, các bác lãnh đạo , giáo sư, tiến sỹ...của đảng công sản chỉ chăm chăm vun vén và bảo vệ cái lý thuyết của Mác Leenin; coi thường các kiến thức nhân loại. Các vị hãy bình tâm nghĩ lại và tỉnh ngộ, đừng bịt mắt, nút tai và ngậm miệng làm liều.
    3. Thế hệ trẻ Việt Nam rất cần được biết và nắm được kiến thức và kinh nghiệm của lịch sử qua bài phân tích và lý giải của Nguyễn Vũ hiệp. Hãy tìm đọc những nội dung về chính trị luận của Aristotle và bài viết này (Vì sao các Triều đại sụp đổ). Rất hữu ích cho ai muốn làm người tử tế trong tương lai.
    Thanh niên hãy tự làm giầu Trí tuệ cho bản thân bằng tất cả kiến thức của nhân loại.

    Trả lờiXóa
  9. Một chế độ dựng lên bằng cách lừa bịp người dân về tương lai công bằng, về giải phóng, về chống xâm lược, để rồi lấy bắn giết mà cướp quyền cai trị, không qua cạnh tranh thi tài với các lực lượng chính trị khác để dân tự do lựa chọn bằng lá phiếu tự do của mình thì không sớm thì muộn cũng lộ nguyên hình là bọn lưu manh phản động, cướp giật . khi giữ quyền thì bằng độc tài toàn trị, giải tán các đảng phái, cướp đoạt tiền bạc tài sản bằng những khẩu hiệu bịp bợm "cải tạo công thương, đánh tư sản", cướp đoạt ruộng đất bằng những thủ đoạn lừa bịp "cải cách ruộng đất" để thâu tóm đất đai, tài sản quốc gia cho đảng cầm quyền. một chế độ mà tước đoạt quyền làm người của dân chúng, xiềng xích áp đặt những điều luật tàn bạo, lấy bạo lực đàn áp để giữ ách cai trị thì sớm hay muộn cũng bị dân chúng nổi lên lật đổ. Đó là quy luật tất yếu của mọi chế độ độc tài.

    Trả lờiXóa
  10. Hay lam. Neu la nguoi tu te hay nghiem tuc doc va suy ngam . Cam on tac gia.Rat can co tri thuc nhin xa trong rong.

    Trả lờiXóa
  11. Bài viết rất chuẩn, nội dung đầy đủ và chặt chẽ, tuy nhiên, tôi muốn nói lại ngắn gọn hơn : các triều đại đều sụp đổ khi chống lại/ đi ngược lại quyền lợi của Nhân dân, của Tổ quốc.

    Trả lờiXóa
  12. Muốn cách mạng thành công(cách mang là gì...) thì phải có tình thế cách mang,tình thế cách mang là khi giai cấp thống trị không thể tiếp tục lừa dối,tiêp tục bóc lột,ức hiếp giai cấp bị thống trị,ngươc lại giai cấp bị thống trị cũng không còn gì để mât,nghĩa là không thể chịu đựng bị boc lôt,ức hiêp hơn được nữa.Cách mang sẽ sớm xay ra,nếu giai câp thông tri vẫn bảo thủ giữ nguyên đường lối cai tri không chịu cải cách dân chủ.Con đối với giai cấp bị trị thì phai giác ngộ đoàn kêt nhât tề đưng lên phản kháng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thế lại làm cách mạng à. Em sợ cách mạng lắm rồi!

      Xóa