Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 10 tháng 11, 2014

Xét xử nguyên Tổng giám đốc Vinalines

Ngày mai (11/11), sẽ mở lại phiên tòa xét xử nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines về việc nâng khống khối lượng sửa chữa ụ nổi 83M.
TAND tỉnh Khánh Hòa cho biết ngày 11/11 sẽ mở lại phiên tòa đưa bị cáo Trần Hải Sơn (thuộc cấp của Dương Chí Dũng, SN 1960, trú 160/26 Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 11, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, hiện ở 758 đường 30, khu C, An Phú, An Khánh, Q.2, TP HCM) nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines (đối tượng vừa bị TANDTC Hà Nội xử phạt tổng cộng 22 năm tù về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái);
Trần Văn Quang (SN 1976, trú 549/32 đường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) nguyên Phó trưởng phòng Kế hoạch thị trường Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines; Trần Bá Hùng (SN 1979, trú 193 Phương Sài, Nha Trang), nguyên Phó trưởng bộ phận chế tạo vỏ Nhà máy sửa chữa tàu biển Hyundai Vinashin; Phạm Bá Giáp (SN 1972, trú số 16 Sau Ga, Nha Trang, hiện ở tổ 4 Ngọc Hội, Ngọc Hiệp, Nha Trang) nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Ân, Nha Trang ra xét xử về tội tham ô tài sản trong vụ sửa chữa ụ nổi 83M xảy ra tại Khánh Hòa. Trước đó, ngày 26/8 tòa này đã mở phiên tòa xét xử nhưng sau đó đã hoãn xử vì vắng mặt một số nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đặc biệt là Dương Chí Dũng. Hiện ông Dũng đã được di lý vào Khánh Hòa. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày.
Các bị cáo Sơn, Quang, Hùng, Giáp tại tòa.
Theo nội dung vụ án Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam giao nhiệm vụ, ủy quyền ký, thanh toán các hợp đồng sửa chữa ụ nổi 83M thuộc Dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Trần Hải Sơn đã thông đồng với Trần Văn Quang, Trần Bá Hùng, Phạm Bá Giáp ký hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT ngày 12/8/2008 sửa chữa một số công việc phần sắt hàn và kẽm chống ăn mòn, giá trị hợp đồng 7.228.232.886 đồng; Hợp đồng số 02/2008/HĐKT ngày 20/8/2008, sửa chữa một số công việc phần van, ống, máy và phần chống ăn mòn vỏ ụ nổi 83M, giá trị hợp đồng 1.499.228.618 đồng. Thông qua việc ký kết, thực hiện hai hợp đồng này Sơn, Quang, Hùng đã bàn bạc, thỏa thuận gửi giá và nâng khống khối lượng vật tư thi công, rồi nhờ Giáp cho mượn tư cách pháp nhân Công ty TNHH Nguyên Ân ký và thanh quyết toán hai hợp đồng để tham ô 3.630.244.485 đồng.
Theo đó, Sơn là người được giao trực tiếp quản lý tài sản đã đồng ý về chủ trương gửi giá 12.000đ/kg sắt hàn ở hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT, ký, thanh toán hai hợp đồng số 01-07/2008/HĐKT và số 02/2008/HĐKT để cùng với các đồng phạm tham ô 3.630.244.485 đồng, trong số tiền này Sơn chiếm đoạt 2.200.000.000 đồng. Quá trình điều tra, ban đầu Sơn khai nhận hành vi phạm tội của mình phù hợp với diễn biến vụ án và lời khai của các bị can khác, sau đó lai khai báo quanh co, chối tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, xác định việc chối tội của Sơn là không có căn cứ. Đối với khoản tiền 150 triệu đồng Sơn đưa cho Dương Chí Dũng (nguyên Cục Trưởng Cục Hàng Hải, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải vừa bị TANDTC Hà Nội tuyên mức án tử hình) vào các dịp lễ tế, Dũng cũng đã thừa nhận khoản tiền này. Còn Quang đã bàn bạc thống nhất với Hùng trong việc gửi giá, nâng khống khối lượng vật tư thi công và lập khống về nội dung thực hiện hợp đồng để tham ô 3.630.244.485 đồng, cá nhân Quang chiếm đoạt 857.000.000 đồng; Hùng chiếm đoạt 395.025.067 đồng; Riêng Giáp có hành vi cho mượn tư cách pháp nhân ký hợp đồng, ký thanh quyết toán và thanh lý hợp đồng để giúp Sơn và Quang tham ô cũng được “lại quả” 178.219418 đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi nêu trên của Sơn, Quang, Hùng và Giáp đã phạm vào tội “tham ô tài sản” quy định tại khoản 4 điều 278 BLHS có khung hình phạt tù từ 20 năm tù chung thân hoặc tử hình. Trong đó, Sơn giữ vai trò chính, Quang là người tổ chức thực hiện, Hùng và Giáp giữ vai trò giúp sức. Đối với Nguyễn Văn Chính, Ngô Văn Thức là cán bộ Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines, do quá tin tưởng Quang nên ký nháy vào biên bản nghiệm thu khối lượng thi công hợp đồng kinh tế số 01-07/2008/HĐKT; hợp đồng số 02/2008/HĐKT, các hợp đồng này đã được thanh quyết toán gây thiệt hại tài sản Nhà nước, hành vi của Chính, Thức có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, Chính, Thức không tham gia bàn bạc, không hưởng lợi, không biết mục đích của Sơn và Quang trong việc gian dối, nâng khống khối lượng thi công nhằm rút tiền của công ty ra chiếm đoạt nên ngày 30/1/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra (C48) Bộ Công an đã có văn bản gửi cơ quan chủ quản đề nghị xử lý hành chính đối với các đối tượng này.
Tài liệu điều tra còn xác định ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc Công ty Thanh Long, ông Lê Văn Triệu, Giám đốc Công ty Vân Anh, là những người đã bán hóa đơn giá trị gia tăng cho Hùng và Giáp để thu lợi bất chính. Hành vi của ông Long và ông Triệu có dấu hiệu tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn. Ngày 30/1/2013 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi vi phạm của ông Long đến cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để điều tra xử lý theo thẩm quyền. Đối với ông Triệu, còn có hành vi vi phạm pháp luât tại TP Hồ Chí Minh theo đề nghị của cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân ngày 18/6/2012, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có công văn chuyển hồ sơ tài liệu liên quan đến hành vi của ông Triệu đến cơ quan CSĐT Công an quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
             Hoàng Văn/Kiến thức
--------------

14 nhận xét:

  1. Thôi thì trò đời đã đến nước này, các chú cố gắng ngồi tù vài năm, rồi bọn anh sẽ tìm cách cứu các chú ra sau. Nhớ là trước tòa phải giữ mồm giữ miệng, khai với cơ quan điều tra như thế là quá nhiều rồi. Yên tâm đi, vợ con các chú bọn anh sẽ chăm sóc chu đáo đến từng giấc ngủ... Chả ruột rà máu mủ thì chúng mình cũng cùng cánh hẩu với nhau và cùng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của một người mà!

    Trả lờiXóa
  2. Dương Chí Dũng "có công với cách mạng", nên cách mạng không tạo điều kiện "tự treo cổ" trong nhà giam nhỉ?

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ là mấy đồng chí bị lộ thôi, xới tung lên thì còn khối nhưng làm thế lại sợ vỡ bình.

    Trả lờiXóa
  4. Dương chí Chí bất quá chỉ là tên lính,nên xét xử chủ nhân của anh ta thì đúng hơn !

    Trả lờiXóa
  5. Đại tá nên yêu cầu tác giả chỉnh lại "chữ" cho nó chỉn chu. Chữ NGUYÊN GIÁM ĐỐC ở đây là không thể chấp nhận. Phải thay là CỰU.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyên là cựu chứ còn gì nữa, phubuithe? nguyên đâu phải đương chức?

      Xóa
    2. "Nguyên": Toàn vẹn, không sai, không khác.
      "Cựu": Cũ, trước đây.
      Như vậy, "Cựu" là đúng. VD: "Cựu thù", chứ không phải "Nguyên thù".
      Bây giờ thiên hạ dùng từ loạn xạ lắm, thậm chí khá "khùng". Chẳng hạn, "Bá đạo" chỉ một thứ mờ ám, nay được coi là "Hết xảy con bà Bảy"?! Hay "Bất cập" (từ cổ) tức là "Không bằng - Ta so với tiền nhân còn bất cập", nay được coi là "Ngu ngốc"? Hê hê!...

      Xóa
    3. "Nguyên" sao lại là "Cựu"? "Nguyên thủ" là 1 người đang đứng đầu, chưa bị đá đít.

      Xóa
  6. Lại mấy trò diễn tuồng, ko thấy kép chính toàn mấy anh " hề chèo" thế này, nghi cũng "tủi".

    Trả lờiXóa
  7. Thả các đồng chí đảng viên của chúng ta ra đi thôi...có xử thì củng chẳng cứu vãn được gì....

    Trả lờiXóa
  8. Những ngày héo hắt...

    Trả lờiXóa
  9. kể cũng tội nghiệp ; ăn thì ăn chung , đến khi ra quý toà thì chỉ mấy anh kép phụ ( kép chính đang ẩn kĩ trong tảng băng chìm ) . Thôi thì , như cổ nhân đã dạy , Sông có khúc , người có lúc ; Và rằng : Người tính chẳng bằng Trời định .
    Dẫu sao , tiền của nổi chìm cũng đã kiếm đủ , ăn mấy đời chẳng cạn ; có ngồi bóc lịch cũng yên tâm . Vả lại , biết đâu , có gậy chống đỡ , có khi ở tù lại như được đi nghỉ an dưỡng như có ông ở tù mà vẫn được nguyên thủ vào tận khám để tặng ...huân chương .
    Đời là vậy !

    Trả lờiXóa
  10. Thay mặt đại tá ( hehehe) tôi mạn phép " giải " chữ . Thứ nhất nói về chữ nguyên . Tiếng Hán Việt ( thì nguyên có nghĩa là thời điểm kết thúc một chu trình , có tính chất một vòng tròn thứ nhất ) . Như vậy trong nghĩa chính trị thì Nguyên là khái niệm cho vị trí chính trị vừa một kết thúc một cách hoàn thành nhiệm vụ , trọn vẹn , mà nhiệm vụ đó vừa mới qua. Còn Cựu có nghĩa là nhiệm vụ đó đã qua nhiều hơn 1 kỳ trọn vẹn, đồng thời Cựu còn có ý để chỉ những đối tượng chưa hoàn thành nhiệm vụ 1 cách trọn vẹn bằng hình thức cách chức , mất chức do án phạt...do đó trường hợp này và cả cho những trường không kết thúc nhiệm vụ ( chu kỳ ) một cách trọn vẹn là Cựu. Điều này có nghĩa chính trị sâu sắc lắm , vì xét lời nhiều người thì nguyên và cựu đều không còn đương chức. Nhưng nguyên là mới qua nhưng vẻ vang , còn Cựu kể cả mới kết thúc nhưng không trọn vẹn và nhục nhã chính trị .
    Hy vọng trang tin của Đại tá góp phần nhỏ sự trong sáng tiếng Việt và có ý nghĩa hơn cho dân ta phân biệt và nhận dạng đúng bản chất đối tượng .hehehe... và lúc đó chúng ta thấy chữ Cựu Giám đốc mới xấu xí làm sao...

    Trả lờiXóa
  11. ĐCS VN - Nhà nước đang tích cực phá nát nền kinh tế và đổ thêm nợ xấu lên đầu người dân

    Trả lờiXóa