Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 30 tháng 11, 2014

ĐBQH sắp hết thời... bấm nút hộ?

“Không phải ĐB lúc nào ngồi trên nghị trường cũng phải nét mặt nghiêm nghị, nhìn thẳng chăm chú… mới là nghiêm túc. Hoạt động nghị trường phải sôi động,sinh động".
Bên hành lang Quốc hội, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu tỉnh An Giang về việc kỳ họp tới Quốc hội sẽ đưa vào sử dụng thẻ thông minh trong hoạt động của ĐBQH tại nghị trường.
- Được biết, kỳ họp tới đây Quốc hội sẽ đưa vào sử dụng thẻ thông minh để phục vụ cho hoạt động của ĐBQH thuận lợi hơn, đồng thời cũng là hình thức chống ĐB vắng mặt tại mỗi phiên họp. Ông có đồng tình với giải pháp này hay không?
- Ứng dụng CNTT trong hoạt động của Quốc hội là cần thiết. Việc dùng thẻ thông minh là hoàn toàn khả thi để xác định sự có mặt, cũng như quyền quyết định của từng ĐBQH trong hoạt động ở nghị trường.
Ngoài ra, việc đưa thẻ thông minh vào sử dụng còn giúp “điểm danh” ĐB và quản lý điều hành hoạt động Quốc hội phù hợp, hiệu quả hơn.
- Có quan điểm cho rằng, nếu đưa thẻ thông minh vào sử dụng sẽ khiến ĐB có cảm giác bị “gò bó” trong hoạt động. Hình thức này cũng quá khiên cưỡng?
- Thẻ này là công cụ cần thiết, là “chìa khóa” để ĐB sử dụng các thiết bị điện tử và thiết bị tin học khác một cách đồng bộ. Tôi không nghĩ rằng việc đưa vào sử dụng thẻ này sẽ khiến các ĐB cảm thấy gò bó. Tất nhiên, nếu ĐB có lý do chính đáng thì có thể hiểu được.
Ông Lê Bộ Lĩnh
Sử dụng thẻ thông minh không phải chỉ điểm danh sự có mặt của ĐB như thẻ ra vào tại các công sở, mà là công cụ làm việc để ĐB có thể kết nối các thiết bị điện tử phục vụ cho hoạt động của ĐB.
Mọi giải pháp về công nghệ cũng không thể thay thế được ý thức trách nhiệm của từng người nhưng không loại trừ nhau. 
Không thể nói không sử dụng thẻ thông minh thì ĐB không có tính tự giác, không có tinh thần trách nhiệm. Mà đây là giải pháp giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của ĐB. Cũng giống như sử dụng thẻ ra vào ở công sở, không phải không dùng thì nói những người làm trong công sở là không tự giác.
/Bắt đầu từ kỳ họp tới Quốc hội sẽ đưa vào sử dụng thẻ thông minh trong hoạt động của ĐBQH 
tại nghị trường/
Tôi cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thẻ thông minh vào tích hợp cho hoạt động của ĐB tại nghị trường Quốc hội thì cũng giúp các ĐB tự thấy trách nhiệm cao hơn. Không có gì đáng ngại, giống các lĩnh vực khác dùng thẻ từ điện tử, phải dần quen thôi.
- Nhưng dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều về việc nên hay không đưa thẻ thông minh vào sử dụng tại Quốc hội, vì rằng đã là dân biểu thì đương nhiên ĐB phải có trách nhiệm cao nhất trong hoạt động của mình, kể cả việc có mặt đầy đủ, đúng giờ?
- Theo tôi tại các phiên thảo luận thì không nhất thiết 100% ĐB phải có mặt, vì có thể ĐB có việc khác cần giải quyết, hoặc có lý do chính đáng. Không vì vắng mặt vài buổi thảo luận mà quy kết đánh giá chất lượng ĐB hay tinh thần làm việc của ĐB được. Trong một buổi thảo luận cũng chỉ được vài chục ĐB phát biểu, chứ không phải tất cả có thể tham gia và nhiều ĐB cũng đã bày tỏ quan điểm của mình tại thảo luận ở tổ rồi.
Ví như mỗi kỳ họp sẽ thảo luận, góp ý tới 30 dự án Luật, ĐB không thể có ý kiến hết từng ấy dự án Luật. Tôi cho rằng, ý kiến đóng góp của ĐB chuyên sâu, có hiệu quả và góp ý được ghi nhận, hơn là chạy theo số lượng ý kiến đóng góp.
Thêm nữa, để chuẩn bị ý kiến đóng góp vào bất kỳ dự án Luật nào thì phải có thời gian nghiên cứu, thẩm thấu dự án Luật thì ý kiến đóng góp mới có “sức nặng”,  trong khi tổng thể thời gian của kỳ họp đã được định lượng sẵn.
- Vừa rồi tại nhiều phiên biểu quyết ghi nhận số lượng khá nhiều ĐB vắng mặt?
- Nếu nhìn vào số ĐB vắng mặt trong mỗi phiên biểu quyết, có phiên lên tới vài chục ĐB, thì tôi cho rằng đa số ĐB vắng đều có lý do riêng, chính đáng, như cần giải quyết gấp công việc hàng ngày… Ví dụ, trong kỳ họp một số Ủy ban cũng tổ chức các cuộc họp đột xuất để bàn thảo các dự án Luật mà Ủy ban phụ trách, nên các thành viên sẽ phải tham dự, vì thế không thể có mặt đầy đủ tại các phiên họp chung.
Cái quan trọng là khi biểu quyết, thì các ĐB cần có mặt đầy đủ thể hiện quyền biểu quyết. Không phải có mặt đông, đủ là để cho đẹp mà đây là còn trách nhiệm của ĐB với cử tri, với mỗi quyết định quan trọng đối với đất nước. Ấn nút không phải để cho cá nhân ĐB mà là thay mặt, đại diện của cử tri.
Vì vắng mặt sẽ ảnh hưởng tới kết quả quyết định. Vắng vài chục người thì không rõ ý kiến người vắng mặt là đồng ý hay không đồng ý. Giả sử ý kiến người vắng mặt ngang nhau (50/50) thì đây lại là ẩn số cho kết quả cuối cùng. Vì bây giờ chúng ta biểu quyết đa số trở lên nên sự vắng mặt của 1 số ĐB không ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng. Mỗi một ý kiến biểu quyết của ĐB rất quan trọng, mỗi người có giá trị như nhau, khi biểu quyết có quyền như nhau nên không thể nói thiếu một vài người không quan trọng so với số đông người có mặt.
Như các nước, có phiên thảo luận chỉ vài chục ĐB tham gia do đúng vào nội dung họ quan tâm và am hiểu. Không nên máy móc quá chuyện, ĐB phải ngồi đầy đủ, nhìn và nghe chăm chú, nghiêm túc. Như vậy chưa chắc đã hiệu quả. Các cuộc thảo luận ở hội trường thì nên mềm dẻo, linh hoạt.
Cử tri cũng nên quen với hoạt động của ĐB và nghị trường Quốc hội, không phải ĐB lúc nào ngồi trên nghị trường cũng phải nét mặt nghiêm nghị, nhìn thẳng chăm chú…. là nghiêm túc. Hoạt động nghị trường phải sôi động, sinh động. Không vì hình thức bên ngoài mà đánh giá, quan trọng là hoạt động có chất lượng hay không. 
Nguyễn Hoài (thực hiện)/Infonet
----------------