Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 10 tháng 3, 2016

Chính quyền Quảng Ninh “BỨC TỬ” CÁC DOANH NGHIỆP

* Luật sư NGUYỄN ANH VÂN
Thông tin của các chủ tàu du lịch và trên các trang báo điện tử cho biết, ngày 21/12/2015 chính quyền tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND quy định tạm thời về quản lý hoạt động tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long có một số nội dung trái pháp luật, ảnh hưởng tới hơn 500 con tàu du lịch đang hoạt động và sẽ có hơn 1.000 lao động bị mất việc.

Tìm hiểu mới biết, với lý do Vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới, nên để bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và bảo vệ hình ảnh của Vịnh Hạ Long, chính quyền tỉnh đã ban hành một số văn bản thực thi pháp luật để quản lý hoạt động kinh doanh tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong đó có một số quy định theo cơ chế “đặc thù” riêng của tỉnh dù chưa được cấp thẩm quyền cho phép.
Cụ thể là:
- Quyết định số 3636/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 (nay được thay thế bằng Quyết định 4088/2015/QĐ - UBND ngày 21/12/2015), trong đó có nội dung các chủ tàu du lịch được phép chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang vỏ thép hoặc vỏ composite.
- Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015, trong đó có nội dung: “tuyệt đối không cho phép đóng mới tàu phục vụ khách tham quan, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long kể từ ngày 18/3/2015” và đối với tàu lưu trú, “chỉ cho vận chuyển khách du lịch, không cấp phép cho tàu ngủ đêm” dù SGTVT đã đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015.
- Quyết định số 4088/2015/QĐ-UBND Ngày 21/12/2015 quy định tạm thời về quản lý hoạt động tầu du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, trong đó có nội dung hạ độ tuổi của tàu tham quan và nội dung về điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với tàu lưu trú là phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu.
Được mời bảo vệ quyền lợi cho một số chủ tàu, sau khi tìm hiểu các quy định về quản lý phương tiện thủy nội địa hoạt động kinh doanh du lịch và các văn bản pháp luật liên quan, chúng tôi nhận thấy, việc ban hành các văn bản thực thi pháp luật của chính quyền tỉnh Quảng Ninh không thống nhất, vượt thẩm quyền, trái luật và nó chính là tác nhân gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh, đến tài sản, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, của người lao động mà các trang báo đã đưa tin.
Để nhanh chóng giải quyết vụ việc, chúng tôi cùng các chủ tàu kiến nghị đến các cấp thẩm quyền giải quyết.
Được biết, ngày 25/02/2016 Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp đã tổ chức một cuộc họp gồm nhiều đại diện của các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có đại diện của UBND tỉnh Quảng Ninh để phân tích, đánh giá tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản nói trên và hầu hết các đại diện tham gia cuộc họp đều có ý kiến cho rằng, các văn bản có nhiều nội dung vi hiến, trái luật, trái Nghị định, Thông tư và cần phải nhanh chóng hủy bỏ.
Các căn cứ chúng minh chính quyền tỉnh Quang Ninh ban hành các văn bản có nhiều nội dung trái luật, trái Nghị định, Thông tư như sau:
Thú nhất, Quy định về niên hạn sử dụng các phương tiện thủy nội địa của chính quyền tỉnh Quảng Ninh trái với quy định của Chính phủ.
Khoản 1 Điều 4 Quyết định 4088/2015/QĐ - UBND ngày 21/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh quy định:
“1. Đối với tàu tham quan:
b. Tàu vỏ gỗ hoạt động đủ 15 (mười lăm) năm kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới và tàu vỏ sắt hoạt động đủ 25 (hai nhăm) năm  kể từ khi cấp đăng kiểm đóng mới không được vận chuyển khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long.”.
Còn tại Điều 4 Nghị định 111/2014/NĐ – CP của Chính phủ ngày 20/11/2014 về niên hạn sử dụng các phương tiện thủy nội địa thì lại quy định như sau:
“ 2. Tàu thủy lưu trú du lịch nghỉ đêm, khách sạn nổi (Vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép) không quá 35 năm, tàu vỏ gỗ không quá 20 năm.
3. Tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch nghỉ đêm, khách sạn nổi (Vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép) không quá 30 năm, tàu vỏ gỗ không quá 25 năm”.
Sự khác biệt ở đây là chính quyền tỉnh Quảng Ninh bắt tàu tham quan vỏ sắt, vỏ gỗ phải “chết sớm” hơn quy định của Chính phủ từ 5 năm đến 10 năm (chưa kể niên hạn sử dụng được kéo dài theo quy định tại Điều 13 Nghị định 111/2014/NĐ – CP).
Thứ hai, Quy định về điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với tàu lưu trú vượt quá thẩm quyên, thiếu hiểu biết thực tế.
Khoản 2 Điều 5 Quyết định 4088/2015/QĐ - UBND ngày 21/12/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với tàu lưu trú quy định:
“b) Đối với tàu đóng mới, sửa chữa lớn (chu kỳ kiểm tra 5 năm) phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước và tối thiểu 01 bình bột MFZ4 hoặc MFZ2 (ABC) cho các phòng ngủ của tàu”.
Theo quy định này thì tất cả các tàu lưu trú dù đóng mới hay cũ đều phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu.
Thế nhưng, theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 43/2012/TT - BGTVT ngày 28/10/2012 của Bộ giao thông vận tải về phòng, phát hiện chữa cháy và các yêu cầu trong Phần Phòng phát hiện và chữa cháy của Quy phạm phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa TCVN 5801:2005 hoặc QCVN 72: 2013/BGTVT thì không quy định bắt buộc về điều kiện phòng, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với tàu lưu trú là phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu.
Trong thực tế, đối với tàu đóng mới, sửa chữa lớn (chu kỳ kiểm tra 5 năm) nếu phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động hoặc bán tự động bằng nước cho các phòng ngủ của tàu lưu trú sẽ gặp không ít khó khăn và không thể thực hiện được. Bởi lẽ, đối với tàu đóng mới thì phải thêm bể chứa nước dùng cho chữa cháy, nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với kết cấu, tải trọng, vận tốc … của con tàu; còn đối với tàu sửa chữa lớn thì không thể thay đổi kết cấu để làm bể chứa nước dùng cho chũa cháy tự động và không thể phá dỡ mái tàu của những con tàu du lịch cao cấp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để lắp đặt hệ thống dẫn nước vào từng phòng ... Hơn nữa, việc đóng mới, sửa chữa lớn cho một con tàu đòi hỏi phải có thiết kế được duyệt, được cơ quan Đăng kiểm giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình thi công để đảm bảo an toàn kỹ thuật theo thiết kế, đảm bảo tính ổn định của con tàu khi đi vào hoạt động. Do vậy, khi con tàu đã được hoàn thiện theo thiết kế dưới sự giám sát của cơ quan Đăng kiểm thì ngoài đơn vị thiết kế và cơ quan Đăng kiểm không ai được tự ý thay đổi.
Cho nên, có thể khẳng định, tỉnh Quảng Ninh quy định như vậy là trái luật, không hiểu biết thực tế về việc phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với tàu lưu trú.
Thứ ba, Ban hành văn bản trái với tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật
Điều 2 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008 về Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định Quyết định của UBND cấp tỉnh đứng ở hàng thứ 12, có hiệu lực pháp lý thấp hơn Thông tư của Bộ (và các cơ quan ngang Bộ), Nghị định của Chính phủ.
Khoản 1 Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2002 về Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật quy định như sau:
“1. Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân phải phù hợp với Hiến pháp, luật và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, bảo đảm tính thống nhất, thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản trong hệ thống pháp luật; văn bản quy phạm pháp luật của Uỷ ban nhân dân còn phải phù hợp với nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp”.
Căn cứ vào các quy định này thì chính quyền tỉnh Quảng Ninh quy định về niên hạn sử dụng các phương tiện thủy nội địa, về điều kiện phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với tàu lưu trú là không thống nhất với Nghị định, Thông tư và trái luật.
Thứ tư, Không cho phép đóng mới để thay thế tàu hết hạn sử dụng là vi phạm quyền kinh doanh và “bức tử” doanh nghiệp.
Quyết định 3625/QĐ – UBND ngày 16/11/2015 quy định về việc đóng mới thay thế tàu vỏ gỗ hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long. Theo đó, tại Điều 1 quy định:
“1- Dừng đóng mới, thay thế tàu vỏ gỗ đã hết hạn hoạt động du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại văn bản số 1409/UBND-GT2 ngày 18/3/2015 về nội dung: “tuyệt đối không cho phép đóng mới tàu phục vụ khách tham quan, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long kể từ ngày 18/3/2015.
Với các tàu vỏ gỗ hết thời hạn hoạt động kinh doanh trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long: Yêu cầu Sở Giao thông Vận tải thu hồi giấy phép hoạt động, không được phép đóng tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế hoạt động kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long”.
Nếu không cho phép đóng mới để thay thế tàu hết hạn sử dụng và “tuyệt đối không cho phép đóng mới tàu phục vụ khách tham quan, ngủ đêm trên vịnh Hạ Long kể từ ngày 18/3/2015” thì các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch trên địa bàn vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long lấy phương tiện gì để hoạt động theo nghành nghề đã đăng ký khi các tàu hiện có của họ hết thời hạn sử dụng?.
Và theo quy định tại khoản 1 này cùng với quy định về niên hạn sử dụng phương tiện thủy nội địa tại Quyết định 4088/2015/QĐ - UBND ngày 21/12/2015 thì những doanh nghiệp hiện sở hữu chủ yếu những con tàu vỏ gỗ đã và đang sắp hết hạn sử dụng là những doanh nghiệp dày công xây dựng thương hiệu từ hơn 20 năm nay, có nhiều kinh nghiệm, có nhiều đóng góp cho sự phát triển các loại hình du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đang bị tỉnh Quảng Ninh “bức tử”, buộc phải chết.
Thứ năm, Không cấp phép cho các tàu ngủ đêm đóng mới thay thế sau ngày 18/3/2015 là trái luật và bắt doanh nghiệp phải phá sản.
Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 4 Quyết định số 3636/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện các giải pháp an toàn kỹ thuật chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang vỏ thép hoặc vỏ composite: 3. Đối với tàu vỏ gỗ hoạt động được đủ 10 (mười) năm kể từ khi hạ thuỷ đóng mới hoặc từ khi đại tu thay vỏ phải thực hiện các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn kỹ thuật cho tàu như gia cường thêm một lớp vỏ gỗ hoặc các loại vật liệu: comporite, sắt... nhiều doanh nghiệp đã đầu tư đóng mới, nâng cấp nhiều tỉ đồng để chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang vỏ thép hoặc vỏ composite. Thế nhưng hết sức bất ngờ, dù Quyết định số 3636/2013/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 vẫn còn hiệu lực thi hành nhưng ngày 16/11/2015 UBND tỉnh Quảng Ninh vẫn ban hành Quyết định 3625/QĐ – UBND, trong đó khoản 2 Điều 1 quy định:
“2. Đối với các trường hợp SGTVT đã đồng ý cho phép đóng mới tàu vỏ thép, vỏ composite thay thế sau thời điểm 18/3/2015 đang triển khi thi công: Yêu cầu SGTVT báo cáo UBND tỉnh xem xét từng trường hợp để giải quyết, chỉ cho vận chuyển khách du lịch, không cấp phép cho tàu ngủ đêm”.
Quy định như thế này là mâu thuẫn, là vi phạm Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2002 về Tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân trong hệ thống pháp luật.
Không cấp phép ngủ đêm cho các tàu đóng mới thay thế sau ngày 18/3/2015 dù trước đó đã được Sở giao thông vận tải đồng ý cho phép. Nghịch lý ở đây là Sở cho phép đóng mới thay thế nhưng tỉnh lại không cấp phép cho tàu ngủ đêm. Vậy những con tàu lưu trú đã được Sở cho phép sẽ dùng để làm gì? Ai sẽ phải bồi thường thiệt hại khi doanh nghiệp phải trả gốc, lãi Ngân hàng hàng tháng cho mỗi con tàu đã đầu tư nhiều tỷ đồng nhưng không được đưa vào khai thác, sử dụng?
Với quy định “trái khoáy” này nếu không được tháo gỡ thì các doanh nghiệp đã đầu tư đóng mới tàu lưu trú (dù đã được cấp phép) chỉ còn con đường phá sản vì những khoản nợ khổng lồ, bởi những con tàu này không biết sử dụng vào việc gì.
Rõ ràng, chính quyền tự ý ban hành văn bản theo cơ chế “đặc thù riêng” khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép để quản lý tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long là trái luật, thiếu nhân văn và bóp chết các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Các quy định này có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo cho thấy, cách quản lý tàu du lịch của tỉnh Quảng Ninh quá yếu kém, không dựa vào luật pháp mà bằng mệnh lệnh hành chính lỗi thời theo kiểu không quản lý được thì cấm.
Dù báo chí đã phản ánh, dù Văn phòng luật sư và các doanh nghiệp đã kiến nghị, dù các thành viên tham gia cuộc họp do Cục kiểm tra văn bản– Bộ tư Pháp tổ chức đã có ý kiến hủy bỏ những quy định trái pháp luật, nhưng chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn “câu giờ” không thực hiện và im lặng đến vô cảm trước sinh mệnh của người dân, của doanh nghiệp.
Biện bạch cho việc ban hành những quy định trái pháp luật này, trên báo Ngươi lao động ngày 01/02/2016, ông Phó Chủ tịch tỉnh Lê Quang Tùng lấy lý do là “Công tác quản lý từ trước đến nay rất lỏng lẻo, tàu hoạt động lâu ngày nên đã xuống cấp. Qua phân tích các vụ tai nạn, cháy nổ trên vịnh đều xuất phát từ những tàu hoạt động trên 10 năm, do đó UBND tỉnh phải siết chặt”.
Lấy lý do như vậy là chưa kín kẽ, thiếu thuyết phục và khó lọt tai người có chút hiểu biết. Công tác quản lý lỏng lẻo là do chính quyền yếu kém. Tàu hoạt động lâu ngày xuống cấp thì đã có cơ quan Đăng kiểm chịu trách nhiệm kiểm định và chính quyền cũng đã có giải pháp cho phép chuyển đổi tàu vỏ gỗ sang vỏ thép hoặc vỏ composite. Còn nguyên nhân gây cháy, nổ, chìm tàu thì có nhiều, có thể do chập điện, do sự chủ quan của nhân viên, khách hàng hoặc do đá ngầm, gió lốc … chứ không phải lỗi của tàu sử dụng trên 10 năm.
Chưa hết, trên báo Giao thông ngày 25/01/2016 viết: “Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Lê Quang Tùng cho biết, vịnh Hạ Long là di sản thiên nhiên thế giới và có đặc thù riêng nên đáng ra phải có tiêu chuẩn, cơ chế quản lý riêng đối với tàu du lịch. Tỉnh đã nhiều lần đề nghị Bộ VH,TT&DL, nhưng đến nay chưa có quy định chính thức. Vì vậy, tỉnh ban hành quy định tạm thời để bảo đảm an toàn tốt nhất cho du khách trong nước và quốc tế. Mặt khác, địa phương cũng đã áp dụng hệ số an toàn cao hơn tiêu chuẩn chung từ cách đây vài năm, nhờ đó các tai nạn, sự cố cháy nổ tàu du lịch đã giảm hẳn”.
Ơ hay! Tỉnh mới đề nghị Bộ, chưa có quy định chính thức cho hưởng cơ chế quản lý riêng, chính quyền đã ngang nhiên ban hành quyết định trái luật. Ý thức tuân thủ pháp luật mà như thế này thì quả thật hết thuốc chữa. Lãnh đạo coi thường pháp luật đến thế là cùng! Người có chút ít hiểu biết pháp luật mà đọc được phát biểu này thì cũng chỉ biết lắc đầu, lè lưỡi, nhếch mép nở nụ cười ngán ngẩm vì lỗ hổng kiến thức pháp luật tối thiểu.
Giả sử, người dân, doanh nghiệp xin cấp phép đóng tàu tham quan du lịch nhiều lần không được cấp nhưng họ vẫn cố tình đóng và vận chuyển khách du lịch thì lúc đó chính quyền sẽ gán cho họ đủ các loại vi phạm. Cho nên, chính quyền cần phải hiểu, chưa được phép của cấp trên mà vẫn lạm quyền ban hành quyết định hạ độ tuổi của những con tàu là vi phạm pháp luật; là tước đoạt công cụ sản xuất, tước đoạt tài sản của các doanh nghiệp và làm thất thu nguồn thuế của Nhà nước.
Trên báo Lao đồng ngày 22/01/2016, Ông Lê Quang Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh còn bao biện: “Các tàu du lịch vỏ gỗ đang hoạt động trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long khi đã có niên hạn sử dụng đến 15 năm vẫn được phép hoạt động theo Luật Giao thông đường thủy nội địa nhưng phải chuyển chỗ hoạt động ở vùng thủy nội địa khác chứ không phải tại hai vùng nước nói trên theo quy hoạch của tỉnh”. Ông nói như vậy là chưa hiểu hết về luật Doanh nghiệp, về Bộ luật dân sư; là trái với quy định về quyền của Doanh nghiệp theo Điều 7 Luật doanh nghiệp 2014 và quyền sở hữu như chiếm hữu, sử dụng, định đoạt quy định trong Bộ luật dân sự 2005.
Lẽ ra biết sai thì phải sửa. Đàng này, lãnh đạo lại “cố đấm ăn xôi”, tìm mọi lý do để biện bạch, bao biện cho việc làm sai trái của mình. Điều này chứng tỏ chính quyền tỉnh Quảng Ninh bất chấp, coi thường luật pháp.
Điều lạ nữa là, lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam lại đồng tình với sai phạm của chính quyền tỉnh Quảng Ninh. Báo Giao thông ngày 25/01/2016 cho biết: “Trong cuộc làm việc mới đây với UBND tỉnh Quảng Ninh, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN Hoàng Hồng Giang đồng tình với quy định tạm thời của tỉnh, vì cho rằng điều này giúp du khách được hưởng quyền lợi an toàn, đồng thời khẳng định thương hiệu du lịch vịnh Hạ Long. Ông Giang cũng giao bộ phận chuyên môn của Cục tham mưu, đề xuất phương án quản lý giao thông đặc thù đối với vịnh Hạ Long, Bái Tử Long”.
Không biết báo Giao thông có nhầm lẫn gì không chứ lãnh đạo cấp Cục chẳng ai lại đồng tình với những điều sai trái. Mà nếu đúng thì cần phải đánh giá lại năng lực. Vì để thay đổi được độ tuổi của tàu du lịch thì chỉ có Thủ tướng Chính phủ mới có thẩm quyền chứ không phải cấp Bộ; và nếu có quyết định đồng ý của Thủ tướng thì cũng chỉ áp dụng đối với các tàu du lịch đóng mới tại thời điểm quyết định có hiệu lục pháp luật chứ không áp dụng đối với các tàu đã được cấp phép đóng trước đó, bởi luật pháp Việt Nam không quy định về hiệu lực hồi tố”.
Niên hạn sử dụng tàu du lịch là tài sản của doanh nghiệp. Là mồ hôi, nước mắt và thậm trí là cả máu nữa. Nếu chính quyền tỉnh Quảng Ninh không kịp thời hủy bỏ những nội dung trái pháp luật nói trên thì các doanh nghiệp kinh doanh vận tải du lịch trên Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long sẽ bị cưỡng đoạt hàng ngàn tỷ đồng do những con tàu bị bắt phải “chết sớm” hơn so với quy định. Và trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.
Trên tinh thần Việt Nam đang nỗ lực tham gia hiệp định TPP, nỗ lực sửa đổi luật pháp để tháo gỡ các rào cản pháp lý và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, thiết nghĩ, đã đến lúc chính quyền tỉnh Quảng Ninh cần phải nhìn lại chính mình, nhìn thẳng vào sự thật và phải ngay lập tức hủy bỏ những nội dung trái pháp luật này.
Mong rằng, chính quyền biết lắng nghe và đừng bao giờ còn có ý định bất chấp pháp luật để biến vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long trở thành cái “ao làng” của riêng mình nữa.
Hà Nội, ngày 09/03/2016
(Ls. N.A.V gửi BVB)
--------------

3 nhận xét:

  1. Tầu quá hạn (cũ) không được sử dụng, còn tầu mới không được đóng thay thế...thì doanh nghiệp chẳng phá sản là gì?

    Trả lờiXóa
  2. Càng chồng chéo, càng khó hiểu, càng gây khó khăn, càng ra xèng

    Trả lờiXóa
  3. Lộ trình sáp nhập với Quảng Đông, Quảng Tây?

    Trả lờiXóa