Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Thay đổi tư duy về nợ xấu

Đó là điều khiến ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) tâm đắc nhất đằng sau các con số nợ xấu đã được xử lý thời gian qua.
Chia sẻ với ĐTCK nhân dịp đầu Xuân Bính Thân, ông cho biết, nguyên nhân chính khiến nợ xấu được đưa về dưới 3% chính là sự vào cuộc tích cực của các tổ chức tín dụng (TCTD) bên cạnh VAMC.
Nói về hoạt động của VAMC thời gian qua, ông Hùng cho hay, đã có những nhầm lẫn khi so sánh VAMC giống như hiệp sĩ Đôn Ki-hô-tê đánh nhau với cối xay gió trong việc xử lý nợ xấu. Bởi một bên là hình tượng của người chiến đấu với điều không tưởng, trong khi đó VAMC đang nỗ lực hết sức và đã đạt được nhiều thành quả mà thị trường vẫn nghĩ không thể làm được.
“Chúng tôi vẫn triển khai mọi việc khi không có cơ chế và khi có cơ chế, chắc chắn VAMC sẽ còn làm được nhiều việc mạnh mẽ, hiệu quả hơn như sự kỳ vọng của thị trường”, ông Hùng nói.
Ông chia sẻ, từ cuối năm 2014, Ban lãnh đạo VAMC đặt mục tiêu trong năm 2015 sẽ phát hành 80.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu gốc, thu hồi 10.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua; song song với đó là triển khai mua nợ theo giá thị trường. Đây là mục tiêu hết sức khó khăn, nhưng đến ngày 30/9/2015, VAMC đã hoàn thành mục tiêu đề ra và tiếp sau đó, nhiều TCTD vẫn đăng ký bán thêm nợ xấu. Theo đó, tính đến 31/12/2015, VAMC đã phát hành 99.257 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 109.780 tỷ đồng dư nợ gốc.
Ông Nguyễn Quốc Hùng
Đặc biệt, trong năm qua, VAMC đã thu hồi được 17.763 tỷ đồng nợ xấu thông qua phát mại, đấu giá tài sản đảm bảo, vượt 70% kế hoạch, ngoài sự suy đoán của VAMC. Lũy kế từ khi thành lập đến cuối năm 2015, VAMC đã mua được 243.000 tỷ đồng dư nợ gốc, 236.000 tỷ đồng nợ gốc nội bảng bằng hơn 207.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, đã thu hồi được 22.783 tỷ đồng nợ xấu.
“Đó là lý do chính khiến hai con số nợ xấu (một do Ngân hàng Nhà nước công bố, một do các TCTD công bố) đã xích lại tương đối gần nhau. Đây là thành công bước đầu của Ngân hàng Nhà nước, VAMC và các TCTD”, ông Hùng nhấn mạnh. 
Theo ông, đâu là nguyên do dẫn đến những kết quả tích cực trên?
Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã đề ra kế hoạch cụ thể và xuyên suốt trong cả năm 2015. Căn cứ theo đó, VAMC chủ động làm việc với các TCTD và trên cơ sở phân tích tình hình hoạt động, dư nợ xấu để đề ra giải pháp để đưa nợ xấu về 3%. Vì vậy, ngay từ quý đầu năm 2015, việc mua nợ xấu của các TCTD thực hiện rất thuận lợi.
Mặc dù nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng khi đi vào cụ thể lại có những sự chuyển biến tích cực, không phải chỉ từ VAMC, mà ngay từ các TCTD. Bởi “không ai hiểu mình bằng chính bản thân mình”, trước sức ép từ Ngân hàng Nhà nước, các TCTD buộc phải tích cực xử lý nợ xấu bằng phát mại tài sản, bằng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC.
Bên cạnh đó, năm 2015, nền kinh tế có những dấu hiệu khởi sắc, đặc biệt thị trường bất động sản có nhiều giao dịch mang lại doanh thu nên tác động tốt đến kết quả hoạt động xử lý nợ xấu. Mặt khác, có sự hỗ trợ tích cực của Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan thi hành án… Sau khi Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước ký thông tư liên tịch, hoạt động thu hồi nợ có chuyển biến tích cực, đặc biệt trong 6 tháng cuối năm. 
Đằng sau những con số nợ xấu đã xử lý, điều khiến ông tâm đắc nhất là gì?
Theo tôi, điều đáng ghi nhận nhất là các TCTD đã thay đổi trong nhìn nhận, đổi mới tư duy rằng: không chuyển động là chết. Theo đó, một mặt các TCTD đã thực hiện phân loại nợ đúng thực chất hơn, mặt khác đề ra lộ trình xử lý nợ xấu rõ ràng và cũng rất chủ động, quyết liệt trong xử lý nợ xấu, nếu không tự xử lý được, TCTD không đơn thương độc mã, mà có VAMC hỗ trợ.
Điều thứ hai là sự đồng cảm. Việc mua nợ xấu đã khó, song việc bán nợ xấu còn khó khăn hơn nhiều bởi vô vàn vướng mắc. Nhưng mọi việc trở nên thuận lợi hơn khi có sự phối kết hợp chặt chẽ trên cơ sở có sự hiểu biết, chia sẻ, đồng cảm của các TCTD đối với khoản nợ bán cho VAMC. Hay như việc người vay rất có trách nhiệm trả nợ, hoặc có sự đồng thuận bàn giao tài sản đảm bảo để bán thu hồi nợ. Việc thi hành án, thu hồi, đôn đốc… cũng được triển khai tích cực hơn, với sự ủng hộ của của các cấp chính quyền địa phương khi đôn đốc thu hồi nợ.
Đồng thời, công tác triển khai cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, miễn giảm lãi đã được thực hiện đến 8 lần cho khách hàng. 
Còn điều gì khiến ông trăn trở?
Điều khiến tôi băn khoăn nhất là hiện vẫn chưa tiến hành được việc mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường, dù VAMC được cấp vốn đến 2.000 tỷ đồng. Đây là điều VAMC rất bức xúc, tại sao có tiền mà vẫn chưa làm được? Mặc dù VAMC rất mong muốn làm, nhưng hành lang pháp lý để mua bán nợ theo giá trị thị trường vẫn chưa có, bên cạnh đó, vẫn chưa có thị trường mua bán nợ. Đặt giả thiết, khi chưa có quy định về việc định giá giá trị khoản nợ, VAMC vẫn có thể bán tài sản đảm bảo, nhưng bán tài sản đảm bảo xong vẫn còn nợ thì giải quyết tiếp món nợ đó như thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm tiếp theo bởi VAMC không thể cứ đeo đẳng món nợ đó… 
Thực tế, còn nhiều vấn đề khác mà VAMC đã đề đạt, nhưng vẫn chưa được giải quyết. Có khi nào ông nghĩ sẽ buông xuôi?
Người đứng đầu mà buông xuôi thì nhân viên sẽ bỏ việc hết. Quan trọng là không có lý do gì phải buông tay. VAMC đã ra đời, tồn tại và phát triển, không làm việc này thì còn rất nhiều việc khác phải làm vì chức năng, nhiệm vụ của VAMC không phải là chỉ có mua nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt, mua bán nợ xấu theo giá trị thị trường, mà còn chuyển nợ xấu thành vốn góp, tham gia bảo lãnh đầu tư tài chính, đấu giá tài sản đảm bảo…
Hiện VAMC vẫn đang đề đạt có hành lang pháp lý nhằm hướng tới mục tiêu là có cơ chế để sử dụng hiệu quả 2.000 tỷ đồng vốn như kỳ vọng của thị trường, mặc dù tôi vẫn muốn nhấn mạnh, đừng kỳ vọng VAMC sẽ xử lý hết nợ xấu. Nhưng dù chưa có cơ chế, chúng tôi vẫn có kế hoạch hoạt động bình thường. 
              Mô phỏng về VAMC, ông sẽ nói gì?
Theo tôi hình dung, VAMC là bệnh viện chuyên trị bệnh nợ xấu, những người có bệnh mới đến đây. Theo đó, có những bệnh nhân bệnh rất nặng, nhưng cũng có thể chỉ hắt hơi, sổ mũi và đã là bệnh viện phải được trang bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo hộ… Tuy nhiên, hiện VAMC dù được xây dựng thành bệnh viện hoành tráng, số lượng bệnh nhân rất đông, nhưng chưa được trang bị đủ các phương tiện làm việc, nghĩa là điều kiện cần và đủ vẫn chưa có.
‘Bệnh nhân’ ốm nặng, phải theo phác đồ điều trị của VAMC (bơm vốn, hoạt động theo sự giám sát)… Trong khi đó, ở đây vẫn chưa có cơ chế, hành lang pháp lý rõ ràng. Vì vậy, nếu quá nôn nóng, không cẩn thận, nhân viên VAMC không những sẽ mắc phải bệnh nghề nghiệp, mà còn có thể dẫn đến cái chết vì nghề.
Đặc biệt, từ khi làm trong lĩnh vực này, góc nhìn của tôi chia sẻ và nhân văn hơn khi hình dung mình là người đi vay và cả là người cho vay, cảm nhận được nỗi khổ của từng bên - đều rất khổ. Nhìn nhận hai nỗi khổ, hòa đồng để giảm bớt nỗi khổ của các bên. Người đi vay đã bán hết tất cả tài sản, nhà cửa, không còn gì, ra đường rồi mà vẫn còn phải gắn khoản nợ trên vai, còn TCTD thì cũng è cổ ra xử lý những món nợ tồn đọng.
Là người khách quan hơn, đứng giữa, tôi phân tích, đưa ra lời giải cho TCTD và cả khách hàng để có phương án tốt nhất trong việc xử lý. Một kỷ niệm trong năm qua đó là, để tránh việc con tàu ngày hôm sau ra khơi và có thể đi luôn không về, 11 giờ đêm, tôi ký quyết định thu giữ con tàu để thanh lý tài sản, xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, chủ tàu lên trình bày việc mới được bàn giao công ty và đang tái cơ cấu hoạt động, đề nghị hỗ trợ cho giải phóng con tàu để chuyển nốt số hàng là gạo trên đó. Tôi đã trao đổi với các TCTD tạo điều kiện cho con tàu ra khơi, nhưng đi kèm với đó là các điều kiện để buộc con tàu phải quay về để tiếp tục xử lý nợ. Và khi làm điều như vậy, tôi rất phấn khởi.
Nhuệ Mẫn (Tinnhanhchungkhoan.vn)
-------------

7 nhận xét:

  1. Với quyền lực của điều 4 hiến pháp, thì nợ xấu, chẳng có ảnh hưởng gì.
    Thiếu tiền, thì "lực lượng lãnh đạo nhà nước", ra lệnh in ra, mà xài!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. tôi xin khẳng định với các đồng chí, chúng ta không thiếu tiền, vì chúng ta in ra được

      Xóa
    2. Đến nỗi máy in tiền hư liên tục!
      Còn nhớ không? Năm 1980, 1 lượng vàng giá chỉ có 10.000 VNĐ!
      Lạm phát của VNcs chỉ sau Zimbabue!

      Xóa
  2. Dân lương thiệnlúc 05:36 12 tháng 2, 2016

    ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ QUA CẦU MỚI HAY.
    Những cá nhân và các tổ chức nhà nước, kể cả người viết bài này, nói về nợ xấu và các đối sách như nói đến một trò chơi.
    Chỉ có những người khi không gặp "tai bay vạ gió" vướng víu vào cái gọi là "nợ xấu" chỉ vài ba đồng thôi đã là một đại họa với gia đình họ.

    Trả lờiXóa
  3. Nguyễn Quốc Hùng ăn nói ma mị! Tính lừa đảo thiên hạ đến bao giờ?!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thằng này phải ẵm cả giải Lô ben về lĩnh vực kinh tế í chứ
      hơn đứt ảnh bình ruồi

      Xóa
    2. Phải!,bọn mạt khi đã chém nào ngán Thánh vật(Quỷ cần chi tín,mốt tàn canh bịp bần cồn ai nhớ khốn ù láo),hãy bôi vôi vầu mõm,trét hắc ín tinh chẩm nố.

      Xóa