Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

So sánh nền kinh tế thị trường và nền kinh tế Việt Nam

 * NGUYỄN VŨ BÌNH
Nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn, với nhiều biểu hiện của một cuộc tổng khủng hoảng toàn diện, mà mức độ trầm trọng có lẽ chưa từng có trong lịch sử. Nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện nay rất khó và có nhiều quan điểm rất khác nhau. Một mặt, do không thể có các số liệu chính xác (theo chuẩn quốc tế) nên không thể đưa ra các đánh giá khách quan, chính xác. Nhưng mặt khác, quan trọng hơn, chưa có sự so sánh nào về cấu trúc, cơ cấu và cơ chế của nền kinh tế Việt Nam với một nền kinh tế thị trường  bình thường, lành mạnh nên chúng ta chưa thể biết rõ mức độ cũng như bản chất cuộc khủng hoảng hiện nay.
Nền kinh tế thị trường:  Một cách tổng quát, nền kinh tế thị trường là nền kinh tế lấy thị trường làm cơ sở, làm điểm quy chiếu cho tất cả các hoạt động kinh tế. Thị trường phân bổ có hiệu quả các nguồn vốn, lao động và công nghệ. Người sản xuất sẽ căn cứ vào nhu cầu thị trường để quyết định sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào và sản xuất cho ai? Thị trường sẽ quyết định lợi nhuận của nhà sản xuất, của người kinh doanh. Ngược lại với thị trường, chúng ta đã biết tới nền kinh tế kế hoạch hóa, tất cả việc sản xuất, phân phối, tiêu dùng được quyết định bởi trung tâm ra kế hoạch, thường là các bộ kế hoạch của các nước XHCN cũ.
 Nền kinh tế Việt Nam: Nền kinh tế Việt Nam, bắt đầu chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường (định hướng Xã hội chủ nghĩa) từ năm 1985-1986, đến nay đã được 30 năm. Bỏ qua những vấn đề thuộc về tuyên truyền và lý thuyết, căn cứ vào các yếu tố của nền kinh tế thị trường, chúng ta có nhận xét chung, đó là: Nền kinh tế Việt Nam không phải là một nền kinh tế thị trườngChúng ta phân tích sự can thiệp của chính trị vào các yếu tố của kinh tế thị trường để thấy được hiện trạng của nền kinh tế hiện nay là hệ quả tất yếu của việc vi phạm nghiêm trọng các nguyên lý của kinh tế thị trường, cũng như sự yếu kém, thất bại trong xây dựng môi trường thể chế và sự lạm dụng, tùy tiện và trục lợi trong các chính sách kinh tế hiện hành.
Để có sự so sánh, phân biệt được nền kinh tế Việt Nam với một nền kinh tế thị trường bình thường, cần tìm hiểu ba yếu tố lớn sau đây.
      1- Nguyên lý kinh tế thị trường:  Trước hết và trên hết, một nền kinh tế thị trường muốn vận hành và hoạt động hiệu quả, cần phải tuân thủ các nguyên lý, mà những nguyên lý này không thể bị vi phạm và can thiệp nếu không muốn có một sự biến dạng hoàn toàn hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
     - Sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Trong các sách về kinh tế thị trường, các tác giả thường ít đề cập tới yếu tố này. Lý do là, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là điều đương nhiên trong các nước tư bản, nơi các tác giả viết sách về kinh tế thị trường. Trong nguyên lý này, yếu tố sở hữu tư nhân về đất đai là yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng thể chế kinh tế thị trường và còn là yếu tố xúc tác quan trọng trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường.

     Nền kinh tế Việt nam đã vi phạm nguyên lý về sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Chúng ta đều biết rằng, đất đai là sở hữu toàn dân, không phải là tư hữu đất đai. Điều này làm biến dạng và đảo lộn hoàn toàn tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt, nó chính là nền tảng cho tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh khác. Nó là gốc rễ cho hoạt động nông nghiệp, là cơ sở (mặt bằng, một yếu tố quan trọng của sản xuất, kinh doanh) cho các hoạt động kinh doanh. Đất đai không phải là sở hữu tư nhân, không được đưa vào thành thị trường nhà đất bình thường, không được định giá theo quan hệ cung cầu trên thị trường mà bằng sự định giá của nhà nước, đi ngược quy luật thị trường dẫn tới những hậu quả vô cùng nặng nề về kinh tế, và cả về xã hội. Vi phạm chế độ tư hữu về đất đai là vi phạm nguyên lý quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế VN đều bị bóp méo và biến dạng bởi yếu tố này.
     - Thị trường quyết định giá cả tất cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế thị trường. Cung - cầu sẽ quyết định giá cả các loại hàng hóa là tiền đề quan trọng cho việc thị trường phân bổ có hiệu quả các yếu tố của quá trình sản xuất như vốn, lao động, công nghệ…Bất kỳ một sự can thiệp, tác động nào dẫn tới việc giá cả hàng hóa không được định đoạt bởi tương quan cung - cầu sẽ làm biến dạng và méo mó toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
 Trong nền kinh tế Việt Nam, giá cả các mặt hàng thiết yếu không phải do thị trường quyết định. Nói cách khác, có sự vi phạm nghiêm trọng về nguyên lý cung - cầu quyết định giá cả hàng hóa. Chúng ta đều biết rằng, các mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế Việt Nam như điện, nước, xăng dầu….do nhà nước quản lý, không do cung cầu trên thị trường quyết định, thậm chí vàng và đô-la cũng có lúc bị vi phạm quy luật cung cầu.    
     - Tương quan giữa lượng tiền tệ được phát hành và lưu thông với lượng hàng hóa được sản xuất ra ở mỗi quốc gia cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Tỷ lệ giữa lượng tiền phát hành cần tương ứng với lượng hàng hóa mà quốc gia (nền kinh tế) sản xuất được. Nếu mối tương quan này bị phá vỡ, ví dụ lượng tiền in ra lớn hơn tỷ lệ tương quan với lượng hàng hóa sản xuất được sẽ dẫn tới lạm phát, làm đảo lộn các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.
     Nguyên lý về mối tương quan giữa lượng tiền phát hành và lượng hàng hóa được sản xuất ra cũng bị vi phạm nghiêm trọng. Nhà nước Việt Nam, từ khi thành lập tới nay, đều giữ bí mật về lượng tiền in ra, phát hành. Ngoài mấy lần đổi tiền, làm người dân vô cùng điêu đứng, thì khi bước vào chuyển đổi cơ chế kinh tế, chuyển sang kinh tế thị trường cũng liên tục vi phạm nguyên lý về mối tương quan giữa lượng tiền phát hành và năng lực của sản xuất của nền kinh tế. Việc in tiền không căn cứ và không có giới hạn khiến cho giá cả hàng hóa năm nào cũng tăng ít nhất từ 20-50%/năm (trong khi các nền kinh tế thị trường chỉ từ 5-7%). Đồng tiền mất giá đã bóp méo toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh cũng như giảm mức sống mà người dân đáng ra phải được hưởng.
     2- Môi trường thể chế của nền kinh tế thị trường: Ngoài việc bảo đảm các nguyên lý của nền kinh tế thị trường, các quốc gia cũng cần xây dựng môi trường thể chế cho hoạt động của toàn bộ nền kinh tế. Xây dựng môi trường thể chế bao gồm xây dựng các bộ luật, các quy tắc ứng xử, cũng như môi trường xã hội xung quanh các hoạt động kinh tế. Các yếu tố quan trọng nhất của môi trường thể chế cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế thị trường bao gồm:
     - Tính trung thực, công khai và minh bạch của thông tin trong nền kinh tế thị trường. Chúng ta đều biết rằng, muốn quyết định sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cần có đầy đủ các thông tin về mọi vấn đề liên quan tới các mặt hàng, ngành hàng mà họ dự định tham gia kinh doanh. Nếu không có đầy đủ các thông tin khách quan, trung thực, các doanh nghiệp sẽ không dám đầu tư. Nếu cứ quyết định kinh doanh trong khi không có đầy đủ các thông tin trung thực, sự thất bại là không tránh khỏi.
      - Tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp, cá nhân tham gia vào nền kinh tế thị trường. Bất kể quốc gia nào, muốn nền kinh tế thị trường phát triển và hiệu quả, đều phải tạo dựng sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần tham gia, trong toàn bộ quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế. Đây cũng chính là một trong số các chức năng của chính phủ trong nền kinh tế thị trường.
      - Xây dựng môi trường lành mạnh cho các hoạt động chung của xã hội cũng như các hoạt động trong nền kinh tế. Đây chính là việc xây dựng cơ chế luật pháp và giáo dục để hạn chế và ngăn chặn tham nhũng ở các quốc gia. Tham nhũng là yếu tố tác động rất tiêu cực vào sự phát triển và hiệu quả của bất kỳ nền kinh tế nào.
     Ngoài các yếu tố trên, việc tạo lập đồng bộ các thị trường (thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường đất đai…), và một số yếu tố khác góp phần xây dựng nên môi trường thể chế cho một nền kinh tế thị trường lành mạnh.
     Việt Nam đã thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng môi trường thể chế lành mạnh, khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
     - Thông tin trong xã hội, trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay loại trừ hoàn toàn các thuộc tính trung thực, công khai và minh bạch. Bản thân các bộ luật, luật đã thiếu sự minh bạch, rõ ràng nhưng kèm theo là các quy định, văn bản hướng dẫn thi hành luật còn làm cho mọi thông tin trở nên rắc rối và khó hiểu hơn. Tính trung thực của thông tin trong nền kinh tế Việt Nam là một điều xa xỉ. Sự không trung thực bắt nguồn từ hệ thống chính trị, thẩm thấu vào hệ thống quản lý và lan tỏa ra toàn xã hội. Điều này thì không người dân Việt Nam nào không thấu hiểu bởi họ vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm.     
     - Không tạo dựng được sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh. Ưu tiên quá mức cho doanh nghiệp nhà nước đã làm biến dạng toàn bộ nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước được đầu tư 70% nguồn vốn toàn xã hội, nhưng chỉ tạo ra được 40% giá trị sản phẩm cho nền kinh tế. Không những thế, doanh nghiệp nhà nước chính là các núi nợ khổng lồ mà nền kinh tế đã và đang phải gánh vác. Ví dụ điển hình là tập đoàn Vinashine nợ 86.000 tỷ đồng không có khả năng thanh toán. Các tập đoàn kinh tế khác, cùng một cơ chế, cùng một con người, cũng ở trong tình trạng tương tự.     
      - Thất bại hoàn toàn trong việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam. Ở Việt Nam, tham nhũng xuất hiện ở tất cả các ngành nghề, các cấp, len lỏi vào mọi ngõ ngách, khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Ở một đất nước mà người bệnh nhân cần hối lộ bác sỹ để tiêm không bị đau thì không còn một cái gì trên đời không thể bị hối lộ, tham nhũng. Năm 2000, tôi đã viết rằng: "Tham nhũng ở Việt Nam là phương thức tự tồn tại của tất cả những người có điều kiện tham nhũng do mức lương khốn khổ cộng với tình trạng mua quan bán tước nở rộ hiện nay” (Việt Nam và con đường phục hưng đất nước). Sau 16 năm, chúng ta càng xót xa hơn khi đọc lại những dòng chữ này.
     3- Tác động chính sách:  Song song với việc bảo đảm các nguyên lý của kinh tế thị trường, xây dựng môi trường thể chế trong nền kinh tế thị trường, các chính phủ còn có các chính sách tác động vào nền kinh tế nhằm làm phẳng bớt các chu kỳ kinh doanh của nền kinh tế, cũng như thực hiện các mục tiêu cụ thể của chính phủ trong các nhiệm kỳ cụ thể. Ví dụ, các chính sách tiền tệ, là việc tăng hay giảm lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế; chính sách tài chính, là việc tăng giảm chi tiêu của Chính phủ, tác động tới đầu tư; ngoài ra là các chính sách trợ giá nông sản, chính sách xuất nhập khẩu…Tuy nhiên, các chính sách của các chính phủ dân chủ tác động tới nền kinh tế thị trường bao giờ cũng căn cứ vào: 1- nhu cầu thực tế của thị trường, đồng thời bảo đảm không vi phạm các nguyên tắc, nguyên lý và quy luật của thị trường; 2- các chính sách phải rõ ràng, minh bạch, đồng bộ và ổn định.
     Chính sách kinh tế ở Việt Nam đi ngược lại hoàn toàn các tiêu chí trong nền kinh tế thị trường như làm phẳng bớt các chu kỳ kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các ngành nghề, khu vực khó khăn, đặc thù… Các chính sách kinh tế được ban hành và thực thi tùy tiện, lạm dụng và trục lợi gây ra muôn và khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và thị trường…
     Với sự khác biệt rõ ràng về nguyên lý, môi trường thể chế và tác động chính sách của nền kinh tế Việt Nam với một nền kinh tế thị trường bình thường, lành mạnh, chúng ta đã hiểu được căn nguyên những yếu kém, bất cập và cả sự tan hoang của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Chỉ có trở lại đúng với các nguyên lý, loại bỏ yếu tố chính trị, để thị trường quyết định và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực thì nền kinh tế Việt Nam mới có thể khôi phục và phát triển một cách bình thường./.
Hà Nội, ngày 15/02/2016
N.V.B/(Blog RFA)
-------------

6 nhận xét:

  1. Kinh tế VN hiện nay chủ yếu là may gia công.
    Còn lại chủ yếu là mánh mung, nói thẳng ra là ăn cắp các kiểu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cán bộ thì ăn chặn phết phẩy %, công chức nhà nước thì 80% ăn cắp thời gian làm việc. còn lại 20 %rảnh rỗi bản truyền mánh mung ăn cắp,lãng phí của công...!!!

      Xóa
  2. Nền kinh tế VN hiện nay: Là nền kinh tế ĐẦU NGÔ, MÌNH SỞ - NỀN KINH TẾ QUÁI THAI.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nền kinh tế một người làm, hai thằng dèm pha, ba đứa rình rập soi mói, năm tên đến xin đểu

      Xóa
  3. Thôi, dân thì không có KT thị trường cũng chết . Chờ đoảng ban phát cho KT thị trường thì còn khuê. Vậy cứ cho nó chết toàn tập , chết kỹ. Làm mới lại từ đầu dễ hơn là sửa sai!

    Trả lờiXóa
  4. VN cho dù có đặt tên nền kinh tế của VN là bất cứ cái tên gì thì cũng là nền kinh tế của 1 nước CS , chỉ có quơ quào cho dân đủ sống là Đảng quá thần thánh rồi . Càng kéo dài lâu sự tồn tại của Đảng CS thì chỉ có Đảng viên càng giàu , chứ dân thì càng lầm than . Có kéo dài tới thế kỹ tới thì VN cũng chưa làm được con ốc vít , có chăng chỉ là mua máy của nước ngoài về gia công mà thôi .
    Tất cã đều bị cái cơ chế nó kìm hảm tất cã . Nói tới năm 2020 trở thành Đại công nghiệp thì ngay cã con nít cũng biết là nói láo .
    Hiện đang mang nợ ngập đầu , khó vay tiền ngoại quốc nên phải huy động trong dân chúng mua cỗ phiếu 200 ngàn tỉ . Chỉ có bắt ép , hăm doạ thôi , chứ ai mà mua , ngay cã Đảng viên cũng biết mua là mất tiền . Mà cho dù có lấy tiền lại sau này , khi đó cũng bị lổ nặng vì tiền mất giá nhiều , tiền lời chẳng bù lại lạm phát . Mà cũng có khi , chưa tới thời hạn lấy lại tiền thì CS đã sụp đổ rồi , cũng mất trắng , không thôi khi sáp nhập vào TQ cũng vẫn là mất tiền .
    Sắp tới đây VN vào TPP với danh phận là 1 nước CS duy nhất trong nhóm , không giống ai cã . Làm ăn với người ta mà mang thói tráo trở , lấp liếm thấm nhuần tính xảo trá của thằng đàn anh cướp nước thì làm sao mà người ta tin cậy mua bán chung đây ?
    Chỉ cần quăng cái cơ chế tàn độc , cũ mèm , lỗi thời vào sọt rác thì biết ngay dân VN có thua thiên hạ hay không là biết liền .
    Già sắp chết , dẩn cã dân tộc đi vào con đường lầm than mất nước tới nơi mà cứ huyên hoang bằng cấp cao ngất ngưởng , thắng lợi , thật là vô cùng tai hại , đau khổ cho đất nước . Bị Tàu tròng vào cổ biết bao nhiêu sợi dây thòng lọng rồi , chịu thua , chết chắc .

    Trả lờiXóa