Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Tội phạm kinh tế: Phải đánh thẳng vào chính lòng tham!

Nếu nói dùng tiền răn đe được thì có thể dựa trên lập luận những tội phạm kinh tế cũng vì lòng tham vậy thì phải đánh vào chính lòng tham đó.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phân tích như vậy khi bàn về việc Bộ luật Hình sự sửa đổi có bổ sung tăng hình phạt tiền, hạn chế hình phạt tù.

Mức phạt phải đủ để răn đe
PV: - Theo dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đang được hoàn thiện, liên quan đến tội phạm hoạt động trong lĩnh vực kinh tế Ban Soạn thảo đang sửa theo hướng tăng hình phạt tiền - hạn chế hình phạt tù. Theo ông việc điều chỉnh này nhằm mục đích gì? Ông có ủng hộ việc điều chỉnh này?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: - Trước hết tôi muốn nói về quan điểm đối với việc sửa đổi Bộ luật Hình sự. Tôi đề nghị đưa các tội phạm kinh tế về các Luật về kinh tế. Bởi vì các quan hệ kinh tế thay đổi rất nhanh so với các quan hệ xã hội dân sự. Đây là kết quả của hội nhập, phát triển khoa học công nghệ và những sáng tạo trong kinh tế...
Đặc biệt trong điều kiện hiện nay các thay đổi ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và cơ bản. Vì nó thay đổi nhanh nên rủi ro có thể xảy ra dù rằng mặt tích cực có thể nó mang lại sự thịnh vượng.
Dù một Bộ luật Hình sự có thiết kế tốt đến mấy chăng nữa thì như tôi đã nói kinh tế phát triển nhanh và đa dạng như vậy thì có bổ sung mấy cũng không kịp đó còn chưa kể việc sửa đổi sẽ làm cho người ta có tâm lý tính ổn định không cao chưa nói đến sự tốn kém.
Cho nên tôi mong muốn ở các Luật kinh tế nó phải bao gồm các quy phạm để điều chỉnh được các quan hệ kinh tế trong đó có cả các vấn đề về hành chính, hình sự. Ví dụ Luật Doanh nghiệp bao hàm được các quy định về các vi phạm về hành chính, quy định rõ khung mức nguy hiểm như thế nào thì đưa về hình sự.
Điều này sẽ giúp cho sau này có sửa đổi bất kỳ điều gì liên quan đến doanh nghiệp và làm cho người đọc luật hiểu ngay được đối với khía cạnh kinh tế của Luật Doanh nghiệp thì có những điều a, b, c... Nhưng nếu đi quá mức nào đó đi kèm với tính chất nguy hiểm xã hội, gây hậu quả nghiêm trọng thì nó vi phạm về hình sự.
Về quan điểm hình phạt đối với tội phạm kinh tế, tôi ủng hộ hạn chế tới mức tối đa án tử hình. Bởi vì bản chất của tội phạm kinh tế là vì tiền nên nếu dùng án tử hình có tính chất răn đe hay không thì cũng cần phải xem xét.
Song có thể thấy áp hình phạt nặng nhưng nếu hà khắc quá thì không phù hợp trong án kinh tế.
Trên thế giới có những loại tội phạm mà nhân loại đã tổng kết và xu hướng bỏ án tử hình. Chúng ta cần nghiên cứu để có thể áp dụng nếu thấy phù hợp với Việt Nam.
Xét cho cùng càng ngày chúng ta càng tiếp cận một cách công bằng và hợp lý hơn và khái niệm nhân đạo hơn cũng có. Nên một số tội phạm kinh tế không áp dụng án tử hình, cho phép đóng tiền cũng có thể xem là nhân đạo, nhân bản hơn.
Vì tội phạm kinh tế thường có động cơ vì tiền nên vì động cơ này nên có thể vi phạm các quy định trong từng hành vi cụ thể nên cần nghiên cứu để áp dụng cho phù hợp. Tức là người ta đã vì tiền thì nên dùng tiền để phạt ở mức hợp lý thì tính trừng phạt vẫn có.
Với mức tiền phạt áp dụng đủ để răn đe được thì với những người có ý định phạm tội khi nhìn thấy mức độ phạt tiền như vậy (tức là mức đủ để răn đe được) cũng phải sợ. Như vậy khi đó chưa hẳn dùng án tù có thể đạt tính răn đe hơn.
Nhưng tôi muốn nhắc lại là cần nghiên cứu và phân loại cụ thể, ví dụ đối với những tội phạm liên quan đến làm hàng giả, thuốc men, thực phẩm... cũng phải hết sức thận trọng vì liên quan đến sức khỏe cộng đồng, tính mạng của người dân.
Còn với nhóm buôn lậu, trốn thuế... tính cái mức để người ta sợ không dám buôn lậu nữa. Tức là có thể dùng tiền được.
PV: - Trên thực tế từ trước tới nay những vụ tham nhũng lớn thường xảy ra ở những người có chức vụ cao trong bộ máy công quyền. Nhưng nếu xét theo thu nhập, ngạch lương của Việt Nam thì mức cao nhất cũng chỉ 14-15 triệu. Vậy với những sai phạm nhiều tỉ đồng vấn đề nguồn tiền sẽ được đặt ra như thế nào? Tình huống tội phạm dùng chính tiền tham nhũng, trục lợi được để nộp phạt hay không? Nguồn tiền này liệu có cần xác minh nguồn gốc, thưa ông? Làm thế nào để không xảy ra tình huống này?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: - Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề của điều tra. Nếu điều tra phát hiện thấy tham nhũng về lý thuyết là hoàn toàn có thể điều tra mở rộng. Chứ không thể đặt giả thiết anh lấy tiền đâu để nộp.
Nếu cơ quan điều tra thấy có hành vi tham nhũng thì kể cả như vậy thì số tiền phạt đến cả tham nhũng cũng không đủ. Tức là số tiền phạt sẽ phải lớn hơn số tiền ăn cắp được. Hoặc lúc đó có thể không áp dụng hình thức đóng tiền thay thế được bởi vì vi phạm đã vượt ngưỡng.
Nói như vậy để thấy không e ngại chuyện này. Bởi quá trình điều tra phát hiện tham nhũng với số tiền lớn vượt khung thì đương nhiên không thể áp dụng đóng tiền thay tù. Lúc này để nói chuyện huy động một khoản tiền rất lớn là cực kỳ khó và tác dụng răn đe không còn.
Đánh vào lòng tham của tội phạm kinh tế
PV:  Tội phạm kinh tế thời gian qua diễn ra trên diện rộng, từ các dự án công đến nguồn ODA. Trên nhiều diễn đàn, các lãnh đạo có thẩm quyền đều cho rằng tội phạm kinh tế đang diễn ra rất nghiêm trọng, đối tượng phạm tội có trình độ cao, quan hệ rộng, liên kết với nhau hình thành các nhóm lợi ích tìm mọi kẽ hở pháp luật để phạm tội. Trong khi đó những vụ việc phát hiện được chưa nhiều. Ông có cho rằng điều này sẽ càng phức tạp hơn khi cho nộp tiền thay thế tù sẽ làm phát sinh thêm tội phạm tham nhũng vì sẽ có trường hợp chấp nhận 'hy sinh đời bố củng cố đời con'?. Phương pháp này liệu có đủ sức răn đe?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: - Đây là một câu nói dân gian chúng ta cần phải xem xét. Tất nhiên không ai muốn "hy sinh" nhưng người ta cũng sẵn sàng mưu cầu, chuộc lợi cho cá nhân, song nếu để ngồi 'bóc lịch' thì chưa chắc tính răn đe đã cao mà phạt tiền có thể sẽ hiệu quả hơn.
Đó là lý do vì sao với các vi phạm về giao thông ví dụ như trốn vé ô tô buýt người ta phạt đến mức 50 lần trốn sau cũng không bù lại được. Và trong 50 lần trốn thì sác xuất bị bắt lại cũng rất cao. Cho nên cần phải tính toán, nghiên cứu để phạt đến mức đủ tính răn đe.
Như vậy câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây là dùng tiền thì có răn đe được không hay dùng tù thì tính răn đe cao hơn?
Nếu nói dùng tiền răn đe được thì có thể dựa trên lập luận những tội phạm vì tiền trong kinh tế thì đó là lòng tham vậy thì phải đánh vào chính lòng tham đó. Nghĩa là đưa ra hình phạt cao về tiền để đến mức người ta phải so sánh. Cách này hy vọng làm triệt tiêu sự tham lam của họ
Cách thứ hai là dùng sự sợ hãi, tức là bắt người ta vào tù. Nhưng tôi nghĩ cách này tùy thuộc vào lượng để khi làm thiết kế về luật sẽ phải cân nhắc, phân loại. Nhưng cá nhân tôi thấy với tội phạm kinh tế, vì tiền thì dùng tiền phạt cũng là một cách.
PV:  Vì tham nhũng theo dây nên hoàn toàn có khả năng sẽ xảy ra tình trạng họ nộp phạt thay 1 người. Vậy tình huống này được tính toán như thế nào?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: - Chúng ta vẫn hay gọi đó là tội phạm có tổ chức. Với tội phạm có tổ chức thì đương nhiên bao giờ hình sự hóa cũng phải điều tra. Không bao giờ có chuyện phải chịu tội thay.
Chúng ta không nên quy kết vì tiền có thể phát sinh thêm cái này cái khác bởi ngay cả với hình thức phạt tù thì cũng phải lượng hóa từng người một. Khi đó tùy với mức độ để kết án đối với từng người.
Còn nếu có tình trạng một người chịu tội thay thì đó là năng lực của cơ quan điều tra, truy tố và xét xử. Còn trong mọi tình huống tội phạm đều phải cá thể hóa thì hình phạt cũng phải cá thể hóa.
PV: - Có ý kiến cho rằng để tội phạm kinh tế có cơ hội thực hiện được mục đích của mình cũng là một vấn đề đặt ra cho cả những người giám sát vì tội phạm kinh tế sẽ ít xảy ra nếu hệ thống giám sát hoạt động hiệu quả. Điều này cần được đặt ra như thế nào khi sửa đổi luật chấp nhận cho người phạm tội nộp tiền thưa ông?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: - Như tôi đã phân tích trong bối cảnh hội nhập, xã hội ngày càng phát triển nhanh, mạnh hơn nên nhìn ở các góc độ đều thấy cần phải có một sự nâng câp.
Đối với lĩnh vực thực thi pháp luật nếu làm không tốt thì tội phạm sinh sôi nảy nở hơn, mức độ báo động cao hơn.
Cho nên chúng ta cần kết hợp đồng bộ một loạt các giải pháp trong điều tra, truy tố, xét xử và đặc biệt cần phải kiện toàn, nâng cao, minh bạch và đặc biệt hiệu quả trong cả hoạt động hành pháp, tư pháp.
Ngoài ra cũng cần làm lành mạnh hóa các hoạt động đời sống xã hội. Phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, quản lý, giám sát tốt hơn, tăng tính độc lập, dân chủ cũng như sự giám sát của cơ quan báo chí. Tất cả phải được vận hành còn xử lý tội phạm chỉ là bước cuối cùng của luật pháp.
Tức là đây là vấn đề của quản lý.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)/ĐVO
----------------

3 nhận xét:

  1. Tôi đọc bài này thấy hình như ngài luật sư nghiên cứu chưa kỹ trước khi ĐĂNG ĐÀN vì: cơ hội để các nhà làm luật tham khảo trước khi xây dựng điều luật là có tham khảo ý kiến các luật sư và các cán bộ các cơ quan tư pháp ,hành pháp nhất là các cơ quan TỐ TỤNG.... nên chú ý là việc xây dựng luật pháp phải căn cứ vào thực tế của quốc gia mình, khi có vướng mắc khó khăn không giải quyết được mới tham khảo luật lệ tiến bộ của các quốc gia khác. Một đất nước chậm tiến, lạc hậu không thể vận dụng như các nước tiên tiến người dân có trình độ văn hóa cao.
    Nay ở Việt nam đang có xu thế là HI SINH ĐỜI BỐ CỦNG CỐ ĐỜI CON , tư tưởng này không dừng ở mức làm giàu bình thường,nhằm thay đổi cuộc sống nghèo nàn mà đã biến tướng thành TƯ BẢN HÓA BẰNG THAM NHŨNG, ĂN CẮP, lòng tham như thế gây bất bình trong xã hội, vậy nếu dùng hình phạt nhẹ tức là nơi trú ẩn của tội phạm vậy. Không được để lợi ích nhóm chi phối vào điều luật, bộ luật.
    Trong tình hình hiện nay không một cá nhân nào tham nhũng đơn lẻ, nếu chỉ phạt tiền thì các vị chưa bị lộ sẽ hùn hạp chạy tội cho kẻ bị lộ. Kẻ bị lộ sau khi nộp tiền sẽ thụ án chiếu lệ rồi trở về thật quá tốt!
    Tôi nhớ có anh bạn làm Viện trưởng VKS khi kiên quyết yêu cầu khởi tố một chủ nhiệm HTX tham ô 10 tấn thóc nhưng cơ quan điều tra không khởi tố vì đã chạy trả số thóc tham nhũng.Khi bị VKS ép quá cơ quan điều tra báo cáo cấp ủy. Viên trưởng VKS bị triệu tập đến cấp ủy để đã thông và răn đe, VIện trưởng VKS trả lời" nếu cứ ăn cắp rồi khi phát hiện trả lại là xong thì ai cũng sẽ ăn cắp" . Tôi nghĩ các nhà làm luật chân chính nên tham khảo câu nói này trong khi xây dựng luật./.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như vậy thì một cán bộ tham nhũng sẽ bị xử nhiều tội một lúc , ví dụ : Cho thôi việc vô thời hạn vì phẩm chất đạo đức kém , nghĩa là anh về vườn trắng tay không được hưởng bất cứ chế độ gì . Tước đảng tich , xử về tội ăn cắp , tiếp theo là xử về giá trị tài sản bị ăn cắp , dù anh có hoàn lại số tài sản đó thì vẫn bị xử về tội ăn cắp . Pháp luật VN khác với các nước , ở VN gộp tội để xử , còn các nước thì chia tội để xử , hồi nhỏ tụi tôi thường đọc báo , có tin ở một nước tư bản xử tên giết người cướp của 120 năm tù ! bọn tôi cười bò ra nhà , nhưng bây giờ mới thấy họ . . . . đúng ! Ở VN 1 kẻ giết chết và làm bị thương 3-4 người để cướp của nhưng mức án chỉ 18 năm vì bị cáo là " vị thành niên " ? như vậy là không cần ra tòa hắn cũng biết khoảng bao giờ thì được ra tù , nhưng nếu xử riêng từng tội một thì hoàn toàn khác : Giết chết 3 người , 3 x 18 = 54 năm , 1 người bị thương , giá trị tài sản bị cướp , tất cả cộng lại thì tên giết người dã man không có cơ hội ra khỏi tù ! Từng ấy tội ác mà sẽ được tự do vào tuổi 34-36 thì chẳng có gì phải sợ pháp luật cả

      Xóa
  2. LS. Tran Huu Huynh. Noi Rat chinh xac. Dung tam li Ca thuoc dac tri ..Bon Tham nhung va buon lau Hang da.. Chac chan phai khiep so .TU va phat nhe thi tao cho no Chay An va lon thuoc .Con Phat Tien Gap chuc lan se khanh kiet va Rang de ke khac Rat Hieu Qua. nhung Kg Biet Co lam Hay kg So bon loi ich nhom no can tro de tu loi .NN kg loi Gi

    Trả lờiXóa