Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 14 tháng 2, 2015

Sài Gòn đêm rất lạ

* TUẤN KHANH
Sài Gòn có những đêm thật lạ. Gió về khuya mỗi lúc càng lạnh. Đường phố vắng dần. Sài Gòn có những người rất trẻ ngồi gần lại với nhau trong quán cà phê nhỏ, thì thầm hát và nhớ về một danh ca của thành đô dĩ vãng như muốn làm ấm lòng mình.
Ngày 12-2-2015 là ngày kỷ niệm 12 năm mất của ca nhạc sĩ Duy Khánh, nhân vật có một không hai trong đời sống âm nhạc Việt Nam. Ít ai nghĩ rằng những người trẻ chỉ hơn 20 tuổi chia sẻ sở thích của nhau trên facebook đã tụ tập lại, ngồi kể chuyện về người nghệ sĩ đất quê Quảng Trị, hát và nhớ về ông.
Sự hiểu biết lẫn yêu thích rõ ràng của những người bạn trẻ này khiến tôi nhớ về câu phàn nàn của ông Hoàng Thi Thao, cháu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, rằng ông ít tin rằng giới trẻ sinh sau 1975 có đủ hiểu biết và giữ gìn văn hoá Sài Gòn. Nhưng ở đây, rõ ràng có một điều kỳ diệu nào đó thôi thúc từng con người đó, khiến họ giữ lại, yêu thích và chuyền cho nhau, bất chấp rằng dòng nhạc đó từng là điều cấm kỵ, hiện vẫn bị kỳ thị và mọi cuộc tập hợp chia sẻ điều mang hơi hướng của những cuộc mạo hiểm trong lòng đô thị.
Sài Gòn không thể thiếu bolero, và Sài Gòn không thể ngừng ca hát, dù có những ngày tháng sống giữa cơ cực và bi thương. Ngày hôm nay, chỉ cần tìm một từ khoá “nhạc vàng” trên facebook, người ta có thể lần ra hàng chục nhóm, diễn đàn, hội bạn… yêu nhạc bolero, yêu những giọng ca dĩ vãng thắp sáng những trang lịch sử âm nhạc hiện đại của Sài Gòn. Bất chấp có những danh nhân, tài tử đời mới trong Việt Nam hô hào huỷ diệt bolero, miệt thị những ai yêu thích nó, người miền Nam, dân Sài Gòn vẫn lặng lẽ giữ lại như một thành trì bí mật của tâm hồn.
                     >> Những ngày xưa thân ái   
Sài Gòn hôm nay nhớ Duy Khánh có vẻ nhẹ nhàng bình thường, nhưng nhiều năm trước, cùng nhau ngồi lại và nghe Duy Khánh một cách có chương trình như những người bạn trẻ mà tôi thấy hôm nay, có thể là một trọng tội. Duy Khánh từng bị liệt vào hàng ngũ những “những tên biệt kích văn hoá” với nhà nước Việt Nam. Nói đến Duy Khánh, là nói đến những bài tình ca quê hương và hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hoà. Tiếng hát của Duy Khánh vẽ nên một miền đất Việt khốn khổ với chiến tranh, mẹ già mong hoà bình, những người vợ chờ chồng đang cầm súng bảo vệ đường biên giới Nam Bắc, mệt mỏi với cuộc chiến tranh vô nghĩa.
Ca sĩ Duy Khánh có một giọng hát mạnh mẽ, quyến luyến và tự nhiên như tiếng hò trên đồng ruộng. Thưởng thức tiếng hát Duy Khánh đồng nghĩa chối bỏ mọi lề thói và kỹ thuật thanh nhạc vô hồn mà hôm nay vẫn được thấy nhan nhản trên truyền hình, phát thanh. Ngay cả với nhạc sĩ Phạm Duy, người ít mở lời khen một cách tuyệt đối với những ai hát những bài hát của mình, vậy mà ông đã từng nói rằng mình biết ơn Duy Khánh khi cùng với ca sĩ Thái Thanh đã hát hai bản trường ca Con Đường Cái Quan và Mẹ Việt Nam của ông. Thậm chí nhạc sĩ Phạm Duy từng khẳng định rằng hai bài trường ca này rất kén chọn khán giả, và nhờ vào giọng ca của Duy Khánh nên mới được đông đảo người biết đến. Lời phát biểu của nhạc sĩ Phạm Duy trong đám tang của ca sĩ Duy Khánh, nay trở thành như bia đá tạc”Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”.
Duy Khánh không là ca sĩ, ông là một nghệ sĩ. Ông hoá thân vào các tác phẩm mà mình trình bày. Lúc thì ông là chứng nhân trước quê hương miền Trung buồn bã nghèo khó của mình (Thương về miền Trung, Xin anh giữ trọn tình quê), lúc ông là là người kể chuyện đời (Màu tím hoa sim, Ngày xưa lên năm lên ba)… Hình ảnh Việt Nam chân thực trong bài hát của ông, có thể làm cho người nghe nao nao ứa lệ. Xuân này con không về, Thư xuân ba viết cho con… Là những bài hát về mùa xuân buồn da diết mà hầu như ai yêu bolero cũng muốn nghe lại trong những ngày cuối năm. “Hãy lắng nghe mọi ca từ có dấu ngã (~) mà Duy Khánh hát, sẽ không còn ai hát như vậy trong thế kỷ này”, một người bạn Tây học rất điệu đàng của tôi, vốn là một người yêu tiếng hát của ca sĩ Duy Khánh, hay tấm tắc như vậy.
Sau năm 1975, như rất nhiều nghệ sĩ của miền Nam, ca sĩ Duy Khánh bị cấm hành nghề. Dĩ nhiên, bởi lý lịch của ông là thành phần hoạt động nổi bật trong Biệt Ðoàn Văn Nghệ Trung Ương thuộc cục Tâm Lý Chiến. Những bài hát của ông cũng bị gạch bằng mực đỏ trong nhiều năm liền. Duy Khánh trở nên trầm uất và nhiều lần định vượt biên mà không được. Giai đoạn đó là lúc ông trở nên nghiện rượu nặng, mang theo di chứng này cho đến sau năm 1988, khi ông ra đi theo diện đoàn tụ gia đình do người em gái ở Mỹ bảo lãnh. Được tự do ca hát, như cá trở về nước, Duy Khánh đã dành hết phần đời còn lại của mình để trình diễn, tổ chức văn nghệ… cho đến lúc giã từ trần thế ở tuổi 65 (tháng 2-2003). Tang lễ ra ông là một trong những tang lễ nghệ sĩ hiếm hoi ở hải ngoại được khán giả, đồng bào quan tâm chia sẻ nhiều đến mức bản video ghi lại được bày bán ở nhiều nơi. Trước đó chỉ có đám tang của ca sĩ Ngọc Lan và sau đó chỉ có đám tang của nhạc sĩ Việt Dzũng mới có sự rầm rộ như vậy.
Tôi thấy trong đêm mà những người bạn trẻ tưởng niệm ca nhạc sĩ Duy Khánh ở Sài Gòn, không có ai có ý định mời những ca sĩ có giọng hát được báo chí và truyền hình lăng-xê là “giống như Duy Khánh” đến để chia sẻ. Sự so sánh đó, có thể gọi là tiếc nhớ nhưng cũng là sự lố bịch khi tạo nên một xu hướng chấp nhận những sự lập lại bằng các phiên bản tồi hơn. Chỉ có những người Sài Gòn chính danh với cảm nhận tinh tế mới có thể khước từ những sự lập lại đó. Đêm Sài Gòn ấy mà tôi thấy bừng lên những điều rất lạ: Duy Khánh chỉ có một và Sài Gòn chỉ có một trong lòng người mà thôi. Ôi. Nghe Duy Khánh mà nhớ Sài Gòn…
T.K/(Blog Tuấn Khanh)
-------------

12 nhận xét:

  1. Tuấn Khanh phịa chuyện cũng hay đấy.
    Đánh giá tuổi trẻ Sài Gòn sau 1975 vừa chủ quan,vừa ngây thơ quá.
    Từ 1962,trên các cây cao của các Thị Xã miền Nam đều vọng lời ca của Duy Khánh từ các loa to, hầu như chả mấy ai muốn nghe cả,vì không hợp thời trang lúc bấy giờ.
    Sau 75,xu hướng nhạc mới thịnh hành,nó chế ngự dòng nhạc Bolero vì nó sôi động vfa diễn tả đời sống tốt hơn.Thỉnh thoảng,người ta vẫn cùng ca "tình lỡ ",hay buồn xa xăm " trăng mờ bên suối ", "suối mơ "."thiên thai " "bến xuân "...vì nó hòa quyện với cuộc sống gần thực và lãng mạn...
    Xét về văn nghệ hay văn học không ai lại đánh giá sai lầm với các dòng nhạc và văn chương đã đi vào nước ta với sự đóng góp của nó.Cũng chưa ai phủ phàng với nghệ sĩ và văn sĩ qua các thời kì.Tuy nhiên,ai đó lại cứ thích chính trị vô tận cùng thì đón nhận chính trị đối lập thì nên chấp nhận chứ.
    Lời ru có giá trị của lời ru.Hò hố khoan có giá trị trường tồn của nó chứ.Một bên thì đi ngủ,bên kia thì động viên đi làm,ca ngợi tiến lên phía trước.
    " tôi quay gót ra đi,không mang theo gì hơn,nhìn đêm khuya vắng vẻ,lòng thấy thương ngoại ô buồn ..." đó là thực tế,nhưng như thế thì cuộc sống còn gì,nên cần cách mạng hơn chứ. " trăng mờ bên suối "nghe THANH THÚY hát thì đứt ruột,vừa lãng mạn vừa rất cách mạng...tại sao không ????
    Sài Gòn ngày nay hoàn toàn khác xưa vì nó là Thành Phố cực lớn,thành phố của lao động và của cả thế hệ lao động nắm giữ mang tinh thần Hồ Chí Minh,TP HỒ CHÍ MINH.TP đầy ánh sáng và dường như ít ngủ về đêm.TP ngày nay không hề còn là nơi Hòn ngọc ăn chơi dành riêng cho các quan trong đội quân " mẫu quốc ".
    TP HCM mãi mãi là TP của tuổi trẻ.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mạc Khương Minhlúc 09:32 14 tháng 2, 2015

      Lại gặp CS 26-Chạp, chán, vừa hâm vừa cũ, im đi mà lo Tết, khỏi bị thiên hạ ném đá vào mâm cỗ tết nhé! Năm mới cần tự mình điềm tĩnh ngẫm ngợi, có sự mạnh bạo đổi mới tư duy, CS ạ!

      Xóa
    2. Có những điều mà 1 Công Sơn không biết, 1 Võ Hòa không biết, 1 em Hà An Giang cũng không biết - đơn giản là chúng có biết cái quái gì đâu!

      Xóa
    3. Trương Minh Tịnhlúc 13:51 14 tháng 2, 2015

      Tôi có thói quen đọc mà không coi ai viết.Đến khi thấy là lạ mới coi xuống dưới.Té ra là Công Sơn (biết vậy tôi đã không đọc).
      Công Sơn à ! Bạn bị "hố" rồi.Ngày xưa miền Nam làm gì có cái "loa phường" trên các cây cao.Bạn tưỡng Saigon cũng giống Hà Nội chắc. Đến như Radio mà cứ tới 10 giờ đêm là cô xướng ngôn viên nhắc nhỡ"xin quý vị mỡ âm thanh vừa đủ nghe để khỏi làm phiền hàng xóm đang cần sự yên tĩnh nghĩ ngơi...".Không như cái xã hội Cọng Sản coi mình là cha là mẹ.Nửa đêm gà gáy mỡ loa oang oang.......
      Tôi thật tiếc cái xã hội miền Nam (những năm đó) mà đã lịch-sự như vậy.Để yên thì bây giờ đã tới đâu !

      Xóa
    4. Thực sự thì cái " thằng điên " Công Sơn muốn nói đến cái gì về bài viết của Nhạc sỹ Tuấn Khanh ? đã không biết thì im mồm đi cho thiên hạ khỏi chửi . Viết comments thì " dở điên dở dại " , chẳng ai hiểu tay này muốn nói cái gì , sao không ai đưa tay này này đi " Diên Phước " cho nhẹ nợ .

      Xóa
  2. Tôi thuộc lòng nhiều bài hát của cố nghệ sĩ Duy Khánh.Mỗi lần nhậu với một số người lớn tuổi,tôi thường hát những ca khúc đó.Rất nhiều người ngưỡng mộ,vì họ rất thích nhưng không thuộc lời.Những lần có dịp hát những ca khúc của ông,tôi như không còn chính mình,cảm xúc dâng tràn không thể tả.Tôi biết rất nhiều người khá xúc động khi nghe ông hát.Cảm ơn đất nước đã sinh một người nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng vượt thời gian và không gian

    Trả lờiXóa
  3. Nếu ĐCS VN để cho NHÂN VĂN GIAI PHẨM tồn tai thì văn hóa VN, nhất là lĩnh vực âm nhac miền BẮC không đến nỗi thua kém VNCH với khỏang cách lớn đến như vậy
    Lời người con xứ cha đẻ MÀU TÍM HOA SIM

    Trả lờiXóa
  4. Trên cây đa cao,gần ngã tư chính Thị Xã Quảng Ngãi,trước cửa nhà buôn Quảng Đông An của mình,sau nhà bác 4 Của cũng là nhà buôn người Hoa.Trên đó có 4 cái loa chỉa ra 4 hướng.
    Ở Sài Gòn không có ,công nhận,nhưng Sài Gòn khi đó chỉ có 4 quận mà thôi.Sau nàu mới mở rộng ra chút cho vui.
    Thôi mà.Nghe lời ca hối hận chưa muộn nè...
    " Tôi như là con ốc ,chui mình vào trong cát...Dã tràng ơi !!!.
    Một mình tôi trên bãi khuya.
    Nỗi lòng than thở vì sai lầm,nay quay về đất nước.
    Ở đây ,mình chưa chế bolero bao giờ,nay vẫn thường hát đấy thôi,sự biến tấu của nó cũng đem lại xa xa nõi lòng buồn man mát chứ.
    Ngày ngày vẫn nghe Ngọc Lan,Minh Hiếu,Khánh Ly,Phương Dung dất thôi,nếu Thiên Thai,buồn tàn thu thì Thái Thanh,nếu trăng mờ bên suối thì chỉ có Thanh Thúy mới lột tả hết nỗi lòng người đi hay ở.
    Riêng Duy Khánh,hát mùi chứ,nhưng nói tâm lí chiến thì cho cả hai bên chiến tuyến,nghe thì bên nào cũng muốn thôi đánh nhau cả,riêng bên nào đâu.
    Là người VC nhưng nghe sầu viễn xứ,một mình của Lam Phương thì cũng đứt ruột chứ.Nhưng nghe ,nhìn về xa xôi Hà Nội ơi khuất sau núi đồi,hay Huế bây chừ đèn sáng không em ...thì cũng buồn cười cho kiểu nhố nhen thật,nhưng cứ hát vì âm điệu cũng nhè nhẹ ru lòng ta vậy.
    Văn học thời nào cũng góp phần không nhỏ cho sự phát triển văn hóa nước nhà,quan điểm chưa đúng thì đánh giá cũng chỉ gần sai thôi mà.Đâu phải nghe đọc là nhập tâm.
    Công Sơn xin chia xẻ thật lòng với các bạn đấy.

    Trả lờiXóa
  5. Bài viết của Tuấn Khanh rất hay và cảm động. Nhưng có 2 vấn đề mà bài viết đề cập đến chưa thật sự chính xác.
    Thứ nhất, đại đa số người dân Sài Gòn nói riêng, người dân miền Nam nói chung chưa bao giờ hết yêu mến dòng nhạc bolero, có chăng trong một thời gian dài, dòng nhạc này bị miệt thị (thậm chí làm cấm đoán) nên sự yêu mến chỉ đè nén trong lòng.
    Thứ hai, có một ca nhạc sỹ khi mất đi ở hải ngoại cũng được rất nhiều người tiếc thương đưa tiễn, đó là Nhật Trường - Trần Thiện Thanh.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhạc điệu boléro hay lắm chứ. Chúng ta có thể nghe các bài boléro quốc tế trên mạng. Tuyệt hay.

      Xóa
  6. Bài viết hay!
    Tôi cũng là một người lính trong chiến tranh Nam-Bắc, chúng tôi yêu quý, nể trọng Duy Khánh, ông, tiếng hát của ông, phong cách thể hiện nghệ thuật của ông đã ảnh hưởng đến những người CCB như tôi rất nhiều.
    Cũng giống như nhiều bạn tôi "Không chấp" những những người viết cảm nhận như CS..., những người ấy không có hồn, họ nói, viết như con vẹt vậy thôi.., thật tôi nghiệp cho những đôi mắt mở mà không thấy, cho những đôi tai nghe mà không hiểu...!
    Tuy nhiên một vài câu của Tuấn Khanh cũng làm tôi hơi ..., chạnh lòng.
    Ví như: "Chỉ có những người Sài Gòn chính danh với cảm nhận tinh tế mới có thể ..."
    Tôi hiểu rằng
    -Không phải người nào sinh sống ở SG trước 1975 cũng có thể..., còn phải là người có cảm nhận tinh tế nữa
    Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, sáng 30-4-75 có mặt trong đoàn quân vào SG... tôi đã rất buồn khi người ta đánh đổ bức tượng trước cổng nghĩa trang quân đội cộng hòa..., tôi cho rằng đấy là sự thô bạo không cần thiết và thiếu văn hóa... sáng sớm hôm ấy tôi đã cứu được ít nhất hai người lính cộng hòa...
    Khi nghe chuyện một người Pháp chê một vị quan nhà Nguyễn về cái chất văn hóa An Nam của vị quan này không bằng ông ta, tôi đã nghĩ là chuyện người ta cường điệu.
    Mãi cho đến cách đây khoảng 8 năm, khi gặp, nói chuyện với một cậu người Iraq chỉ đáng tuổi con mình, tôi mới ngộ ra rằng, có những thứ thuộc về văn hóa Hà Nội tôi không bằng nó.

    Trả lờiXóa
  7. yêu giọng ca DUY KHÁNH hay ko là quyền của mỗi người,riêng tôi vẫn yêu mến DUY KHÁNH và những nhạc sỹ thời VNCH vì họ cống hiến bằng trái tim tự do và rất chân thành PHẠM DUY ,TRỊNH CÔNG SƠN ....chẳng hạn.

    Trả lờiXóa