Một nền kinh tế mạnh, tự chủ thì phải có
doanh nghiệp trong nước đủ mạnh để xây dựng được thương hiệu của Việt Nam .
Đầu năm mới 2015, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu
tư Bùi Quang Vinh dành cho VOV.vn buổi trò chuyện về tình hình kinh tế Việt
Nam, việc phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh
nghiệp tư nhân.
- PV: Thưa Bộ trưởng, bước sang năm 2015, nhiều chuyên
gia nhận định kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục khó khăn. Với lĩnh vực
mình phụ trách, Bộ trưởng nhìn nhận về năm nay như thế nào?
- Bộ
trưởng Bùi Quang Vinh: Năm 2015, tôi nghĩ rằng chúng ta có nhiều
việc hơn phải làm. Đây là năm khá đặc biệt, năm mà chúng ta bước vào hội nhập
ngày càng sâu hơn, thực tiễn hơn với cái thương trường quốc tế, đầu tiên là
việc tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN sau đó là thực thi một loạt hiệp định
thương mại tự do mà Việt Nam đã ký. Tất cả những điều này sẽ đặt Việt Nam vào một
thách thức giữa cơ hội phát triển và cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà. Nếu
chúng ta không làm tốt điều này, Việt Nam không tạo thêm được lợi thế,
không mở rộng được thị trường mà chúng ta còn bị thu hẹp.
Điều chúng tôi rất quan tâm nữa là vấn
đề “sức khỏe” của doanh nghiệp Việt Nam . Một nền kinh tế mạnh, tự chủ
thì phải có doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp dân
doanh, doanh nghiệp tư nhân) phải rất mạnh mẽ, thì mới đem lại lợi ích cho dân
tộc, cho mỗi người dân, cho đất nước. Điều đó đang thách thức chúng ta. Ngoài
ra, còn những thách thức lớn hơn từ quốc tế, của khu vực, như vấn đề Biển Đông…
- PV: Thưa
Bộ trưởng, năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn mới trong
điều kiện kinh tế trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn như
các năm trước, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn thể hiện ưu thế khi
chiếm tới gần 70% tổng giá trị xuất khẩu. Bộ trưởng có bình luận như thế
nào về vấn đề này?
- Bộ
trưởng Bùi Quang Vinh: Chính xác là DN FDI trong năm 2014 xuất
khẩu chiếm 68% trong 150 tỷ USD xuất khẩu của Việt Nam. Nhìn ở góc độ thu hút
đầu tư nước ngoài thì đây là thành quả, nhưng nếu nhìn ở góc độ sức khỏe của
nền kinh tế Việt Nam
còn nhiều điều phải trăn trở. Bởi vì ngay bản thân các DN FDI khi vào Việt Nam cũng cần
một DN nội địa mạnh để có thể hỗ trợ cho họ về công nghiệp hỗ trợ. Bởi vì họ
đầu tư sang đây thì họ cũng muốn giá thành cạnh tranh hơn, nên khi tất cả đều
phải nhập linh kiện từ bên nước họ về thì cũng không có ý nghĩa lắm. Cho nên,
bản thân nhà đầu tư nước ngoài cũng cần có DN Việt Nam mạnh. Về phía chúng ta, cũng
chỉ có DN Việt Nam
mạnh thì mới tiếp thu được những tinh hoa, cộng nghệ mới của nước ngoài. Thu
hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, ngoài việc tạo ra nguồn vốn và sản phẩm xuất
khẩu thì cái mà chúng ta hướng tới quan trọng nhất là chuyển giao được công
nghệ hiện đại cho Việt Nam .
Vừa qua chúng ta không làm được điều này nhiều là vì không có được đội ngũ DN
đủ mạnh để tiếp nhận chuyển giao KHCN.
Điều thứ 2, chỉ có DN Việt Nam mạnh mới có thể xây dựng được thương hiệu
của Việt Nam .
Có thể sản phẩm điện thoại Samsung xuất khẩu khắp thế giới đều ghi “Made in
Vietnam” nhưng mà ai cũng biết đó là của Hàn Quốc, không ai nghĩ rằng đó là sản
phẩm do DN Việt Nam sản xuất, mặc dù có thể tỷ lệ nội địa hóa ngày càng tăng
nhưng họ vẫn thấy rằng đó là Samsung.
Các DN của Việt Nam sẽ làm cho tự chủ kinh tế Việt Nam mạnh, tạo
ra nhiều công ăn việc làm. Chỉ có DN của chính nước mình mạnh thì chúng ta mới
có thể tham gia hội nhập quốc tế, mới có sản phẩm tham gia thị trường quốc tế.
Không làm được điều này, chúng ta phải chấp nhận là một nền kinh tế bị ràng
buộc, phụ thuộc rất nhiều.
- PV: Vậy đây có phải là điều khiến Bộ trưởng vẫn còn
băn khoăn?
- Bộ
trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi là Bộ trưởng Bộ KHĐT, được Chính phủ
giao thu hút đầu tư nước ngoài. Thành quả thu hút FDI vừa qua liên tục được
đánh giá cao, nhưng trong lòng và trên phương diện về kinh tế, vẫn tự thấy rằng
chúng ta chưa làm tốt được việc phát triển mạnh mẽ khối DN trong nước. Giai
đoạn này chúng ta chấp nhận là mời DN nước ngoài vào để tạo cộng ăn việc làm,
tạo sản phẩm để tạo tăng trưởng, để ổn định tình hình, còn về lâu dài chúng ta
phải chăm lo nhiều hơn đến việc phát triển khu vực trong nước, đặc biệt là DN
tư nhân.
Tôi luôn cho rằng, DN tư nhân phải trở
thành động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. DN tư nhân là DN của
dân, Nhà nước tạo điều kiện cho người dân kinh doanh, sản xuất. Đội ngũ DN đó
là con đẻ của chúng ta, là sản phẩm thuần túy 100% Việt Nam .
Ngay trong năm 2015 này, Việt Nam phải
đưa ra nhiều chính sách hơn nữa, tháo gỡ những khó khăn cho DN, đặc biệt là
thúc đẩy DN vừa và nhỏ, DN tư nhân phát triển. DN tư nhân phải trở thành nền
tảng, thành động lực quan trọng nhất để đóng góp vào tăng trưởng, ổn định nền
kinh tế Việt Nam .
Tôi khẳng định nếu không làm được điều này Việt Nam không bao giờ có được tăng
trưởng tốt, không bao giờ có được nền kinh tế vững mạnh và tự chủ.
- PV: Năm
2014, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi đã được Quốc hội thông qua và có
hiệu lực trong năm nay. Nhiều người kỳ vọng hai Luật này sẽ tạo ra làn sóng mới
về đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam . Vậy Bộ trưởng nhìn nhận như
thế nào về tác động lớn nhất mà hai Luật này có thể mang lại cho kinh tế Việt Nam
năm 2015?
- Bộ
trưởng Bùi Quang Vinh:
Với tư tưởng xuyên suốt là cố gắng minh bạch nhất, rõ ràng nhất và giúp cho
người dân và doanh nghiệp được thực hiện quyền của mình là được đầu tư kinh
doanh vào tất cả các lĩnh vực, ngành nghề mà luật pháp không cấm; doanh nghiệp
khi tham gia vào thị trường với chi phí rẻ nhất để làm cho các hoạt động của họ
có hiệu quả hơn, chúng tôi hoàn toàn tin rằng sau khi hai luật có hiệu lực từ
ngày 1/7/2015 với những nghị định và thông tư hướng dẫn mà chúng ta làm tốt thì
chắc chắn sẽ tạo môi trường kinh doanh tốt cho người dân và doanh nghiệp.
Còn từ môi trường thuận lợi này làm sao
để doanh nghiệp có thể tạo thành làn sóng đầu tư mới hoặc là những cơ hội để
doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ lên thì không chỉ phụ thuộc vào hai Luật này mà
còn phụ thuộc vào một loạt những chính sách khác, như chính sách về tín dụng,
giải quyết nợ xấu để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn, tạo môi trường kinh
doanh tốt… thì mới có thể đồng bộ và tạo ra làn sóng tốt được. Nhưng hai luật này
là hai luật gốc và với những tư tưởng như vậy đã được giới DN, nhất là DN tư
nhân, DN đầu tư nước ngoài rất hoan nghênh, thì tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo ra động
lực mới.
- PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.
Vũ
Hạnh/VOV
---------------
Các chính sách để tạo cho nền KT của VN phát chiển chỉ là chắp vá , coi doanh nghiệp nhà nước là chủ đạo , bỏ rơi kinh tế tư nhân , môi trường đầu tư kém hấp dẫn các doanh nghiệp công nghệ cao của các nước phát triển vào VN . Nền KT thị trường bị các chính sách nhà nước can thiệp , tri phối kìm hãm sự phát triển . Đây chính là nguyên nhân KT Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực .
Trả lờiXóa"Các ông còn đi vay mượn đến bao giờ nữa hả?!" (Quan chức WB). Đó là thực chất của cái gọi là "nền kinh tế VN".
Trả lờiXóanghe đâu nước ta thuộc RỪNG VÀNG BIỄN BẠC mà. Khi nói nền kinh tế nước nhà tôi không tin một tí tẹo. Có ai làm nền nhà cao mà vay tiền làm nền thì cái nhà đó của ai. Nền kinh tế vay ODA, FDI ,V V,.. thì có ra gì, nhà nước tham gia vào kinh tế thì cuối cùng nhà ra nước là cái chắc
XóaKhi nào nhà nước bỏ được quan điểm kinh tế thị trường kèm theo cái đuôi XHCN (đầu ngô mình sở) hãy bàn đến việc phát triển kinh tê.
Trả lờiXóabây giờ cái đuôi XHCN chỉ có trên giấy tờ thôi ..ông nào cũng mặc sức vơ vét xây nhà, cho con đi du học ...
Xóatrong nhà thì osin ..gọi ông bà xưng con ..như thời phong kiến ...
chỉ có bỏ điều 4 thì may ra mới khá được
"100% đều là tham nhũng!" - đó là nhận xét phổ quát và khó phản bác lại của đa số hiện nay, bao gồm các đảng viên (khi họ tự nhiên thốt ra).
Trả lờiXóaCứ lấy cắp khái niệm "kinh tế thị trường" của TBCN lắp thêm cái đuôi "định hướng CNXH" thế là thành ra "tài tình , sáng suốt". Mặt mo đến thế là cùng!
Trả lờiXóa