Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 25 tháng 2, 2015

Kiến nghị BỎ TĂNG TRƯỞNG TÍN DỤNG: Nếu chỉ 'chạy theo thành tích'...


Việc ấn định chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm và khống chế tín dụng với từng ngân hàng sẽ làm thị trường tín dụng méo mó, kém linh hoạt.
ThS. Nguyễn Anh Dương, Phó trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chia sẻ với Đất Việt trước việc cơ quan này vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV năm 2014, trong đó có đưa ra đề nghị bỏ khống chế tín dụng với từng ngân hàng cũng như bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Nên bỏ điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu hàng năm
- PV: - Thưa ông, CIEM mới đây kiến nghị Chính phủ bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Xin ông có thể phân tích kỹ hơn những lý do nào khiến CIEM lại đưa ra kiến nghị này?
- ThS. Nguyễn Anh Dương: - Thực tiễn điều hành tín dụng trong các năm 2013-2014 cho thấy tín dụng có những diễn biến không đều. Cụ thể, những tháng đầu năm thì tăng rất chậm, thậm chí còn giảm, những tháng giữa năm tăng trưởng không đều và dồn nhiều hơn vào các tháng cuối năm. Kết quả là kết quả tăng trưởng tín dụng đều đạt mục tiêu đề ra: năm 2013 là 12,5%, năm 2014 là 12,6%.
Trên thực tế, chưa có nhiều bằng chứng về “công thức chung” thể hiện quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả khi bỏ qua vấn đề này, việc tín dụng tăng trưởng không đều cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả của các hoạt động kinh tế.
Tại những thời điểm tín dụng tăng rất nhanh trên thị trường mà việc thanh khoản không phù hợp sẽ dẫn đến tình trạng lãi suất cho vay biến động mạnh. Nhất là vào các dịp cuối năm, mong muốn thúc đẩy tín dụng - để đạt mục tiêu đề ra - cũng sẽ hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.
Trước tình hình đó, CIEM kiến nghị cải cách và điều hành chính sách phải hướng tới một thị trường tín dụng lành mạnh và có tính thị trường hơn. Trong đó, tín hiệu duy nhất quyết định hoạt động vay của doanh nghiệp và hoạt động cho vay của ngân hàng chính là lãi suất. Cụ thể, cần hạn chế các can thiệp gián tiếp gắn với điều hành tín dụng vào các thời điểm khác nhau để lãi suất ít méo mó hơn.
Chính vì thế, CIEM kiến nghị nên bỏ điều hành tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu hàng năm. Con số tăng trưởng tín dụng của cả năm chỉ là mục tiêu trung gian để hướng đến những mục tiêu sâu xa hơn là tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Tuy nhiên, con số này không phản ánh chất lượng của hoạt động tín dụng. Nếu chỉ cố gắng giải ngân tín dụng để đạt mục tiêu đề ra cho cả năm mà ít lưu tâm đến chất lượng tín dụng thì hiệu quả đối với nền kinh tế không được như mong muốn, thậm chí còn ảnh hưởng đến các mục tiêu khác.
Nếu đơn thuần tăng trưởng giải ngân tín dụng dựa vào các hình thức như tín dụng ngoại tệ hay bất động sản thì thực tế có nhiều hệ lụy, rủi ro khác kể cả với cấp ngành và với môi trường kinh tế vĩ mô – như đã từng chứng kiến trong giai đoạn 2007-2010.
Nếu làm rõ được các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng quý thì sẽ giảm được áp lực “dồn toa” tín dụng vào cuối năm. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thị trường tín dụng kém linh hoạt hơn, và làm giảm dư địa để chính sách tiền tệ phối hợp với các chính sách khác. Bản thân việc xác định các chỉ tiêu hàng quý là không dễ vì khó nhất quán với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế hay lạm phát –thường được xác định theo năm.
- PV: - Thưa ông, trước đó CIEM cũng từng đề nghị Chính phủ đừng cố cứu DNNN. Điều này liên quan thế nào đến những khoản vay lớn của nhiều tập đoàn nhà nước vốn chịu tai tiếng làm ăn thua lỗ? Đây có phải là hệ quả tất yếu của việc đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng hay không và vì sao?
- ThS. Nguyễn Anh Dương: - Thực ra, đánh giá đầy đủ hiệu quả tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là không dễ. Lý do là vì ngoài các mục tiêu kinh tế thì các DNNN còn phải thực hiện các mục tiêu phi kinh tế khác.
Nhưng điều chúng ta có thể nhìn thấy đó là các can thiệp nhằm giúp DNNN tiếp cận tín dụng ưu đãi hơn và/hoặc dễ dàng hơn, tương tự như việc thúc đẩy giải ngân tín dụng vào cuối năm hay ưu tiên tín dụng cho các gói bất động sản, nông nghiệp, thủy sản hay tín dụng ngoại tệ, v.v.
Các can thiệp kiểu như thế này không mang lại hiệu quả bền vững cho nền kinh tế. Trong khi đó, thị trường có thêm lo ngại về sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa DNNN với các ngân hàng vì các DNNN gắn với nhiều lĩnh vực được ưu tiên nên cũng có thêm hỗ trợ trong tiếp cận tín dụng. Các DNNN được ưu tiên trong khi ít chứng minh được khả năng dự án của họ khả thi hơn và có khả năng trả nợ tốt hơn so với DN tư nhân.
Hệ lụy khi dành ưu tiên tiếp cận tín dụng cho DNNN trên cơ sở thiếu cạnh tranh, không dựa trên yếu tố thị trường là giảm hiệu quả và động lực cạnh tranh của DNNN, đồng thời không duy trì đủ sức ép để DNNN thực hiện hiệu quả dự án.
Thứ nữa là với cùng một lượng vốn trên thị trường mà ưu tiên hơn cho DNNN thì rõ ràng sẽ khó khăn cho việc tiếp cận vốn của DN tư nhân. Khó khăn này nằm ở cả quy mô vốn vay và lãi vay cho DN tư nhân. Điều này cũng làm giảm hiệu quả tăng trưởng của nền kinh tế nói chung cũng như sự phát triển bền vững của khu vực DN tư nhân.
Ưu tiên DNNN đương nhiên DN tư nhân bị hạn chế
- PV: Hệ quả của cách điều hành như thời gian qua từ việc cố cứu DNNN liệu có là nguyên nhân khiến công cuộc tái cơ cấu kinh tế không đạt được như mong muốn? Đề xuất của CIEM có phải là nỗ lực đầu tiên để khơi thông công cuộc này hay không và vì sao?
- ThS. Nguyễn Anh Dương: - Chúng ta đang nhấn mạnh yêu cầu cải cách cũng như yêu cầu chuẩn bị, tranh thủ tận dụng cơ hội trước khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ở mức độ sâu sắc hơn. Trong bối cảnh ấy, rõ ràng quá trình tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế còn nhiều vấn đề.
Vấn đề không chỉ nằm ở chỗ từng lĩnh vực tái cơ cấu như đầu tư công, DNNN, hệ thống ngân hàng thương mại. Nó không chỉ nằm ở mong muốn và yêu cầu cải cách mà ngay cả tiến độ của từng lĩnh vực cần tái cơ cấu cũng không được như kỳ vọng. Nói cách khác, quá trình tái cơ cấu hiện nay còn chậm vì nhiều lý do chứ không chỉ nằm ở chính sách kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, phải thấy rằng chính sách tín dụng đang ảnh hưởng một phần đến quá trình tái cơ cấu. Cụ thể, việc điều hành tín dụng chưa gắn được với tư duy ổn định lãi suất trong trung và dài hạn. Nếu muốn doanh nghiệp đầu tư và bỏ vốn làm ăn trong một thời gian dài thì phải có được sự ổn định lãi suất trong trung và dài hạn. Nhưng lãi suất tín dụng trong thời gian từ 2012 đến nay – dù có xu hướng giảm - nhưng thiếu sự ổn định trong trung và dài hạn làm cho DN rất lo ngại.
Có thể thấy rằng việc điều hành tín dụng ở đây nếu không gắn được với neo kỳ vọng về lạm phát, không giúp ổn định lãi suất trung và dài hạn thì rõ ràng DN khó có động lực để thực hiện hoạt động đầu tư trong dài hạn. Khi đó nền kinh tế sẽ thiếu đi sự phát triển ổn định, bền vững.
Cần nhận thức sâu sắc rằng các DN quan tâm đến chính sách kinh tế vĩ mô không phải chỉ là chuyện hỗ trợ được ngành này, ngành kia. Quan trọng hơn là các DN cần một môi trường ổn định và dễ dự đoán được để yên tâm hơn với các quyết định đầu tư kinh doanh của mình.
Kiến nghị của CIEM chính là để cải thiện cách thức điều hành chính sách theo hướng này.
- PV: - Khi nguồn lực tín dụng đổ vào những địa chỉ làm ăn kém hiệu quả thuộc khối nhà nước, cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất hợp lý sẽ bị hạn chế như thế nào? Nếu doanh nghiệp tư nhân bị chặn cơ hội phát triển, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phải đương đầu với những thách thức hội nhập, cơ hội để giữ vững chủ quyền kinh tế có thể được hình dung ra sao, thưa ông?
- Ths Nguyễn Anh Dương: - Tiếp cận tín dụng của DN tư nhân là vấn đề không mới, nhưng có ý nghĩa ngày càng lớn hơn do phần lớn các DN Việt Nam hiện có quy mô nhỏ và vừa.
Rõ ràng là khi nguồn vốn tín dụng có hạn, nếu ưu tiên DNNN hơn thì đương nhiên phần dành cho DN tư nhân sẽ phải thấp đi. Hơn nữa, hiệu quả sử dụng tín dụng sẽ giảm đi nếu đổ vào các dự án do DNNN thực hiện lại kém hiệu quả trong khi đáng lẽ ra nguồn vốn đó có thể dành cho một doanh nghiệp tư nhân có hiệu quả cao hơn.
Đó là chưa kể xu hướng gia tăng phát hành Trái phiếu Chính phủ hiện cũng gây thêm lo ngại về chèn lấn tín dụng cho DN tư nhân.
Chính vì vậy, khu vực tư nhân chỉ còn vài lựa chọn. Với các DN có hồ sơ tín dụng sạch, dự án tốt, và duy trì quan hệ tốt với ngân hàng thì có thể có tín dụng chính thức. Số còn lại sẽ phải dựa vào các khoản vay từ thị trường phi chính thức (người thân, bạn bè, thậm chí là cả từ chợ đen). Trong khi đó, hoạt động vay mượn thông qua phát hành trái phiếu thì rất ít DN tư nhân có thể thực hiện được.
Như vậy, khu vực tư nhân vừa hạn chế về cơ hội tín dụng, vừa hạn chế cả lãi suất nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh lời. Đương nhiên, DN tư nhân có xu hướng đi vào những lĩnh vực kiếm lời nhanh trong thời gian ngắn hoặc có ưu đãi tín dụng, nếu không sẽ không đủ trả tiền lãi vay. Ở chừng mực ấy, đòi hỏi các DN này tham gia vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ hay lĩnh vực cần đầu tư dài hạn sẽ rất rủi ro.
Chính vì vậy, bên cạnh kiến nghị bỏ mục tiêu điều hành tín dụng tăng trưởng theo năm, CIEM cũng đề xuất giảm dần các đối xử khác biệt cho các nhóm lĩnh vực được ưu tiên hay các lĩnh vực bị hạn chế.
Cách điều hành như vậy sẽ gây méo mó đối với thị trường tín dụng và hạn chế khả năng điều chỉnh chính sách tín dụng khi cần, chưa kể đến động lực hoạt động của các DN nhận ưu đãi. Khi đó, hệ lụy là khả năng phục hồi tăng trưởng chậm cũng như chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế không cao.
Chúng ta mong muốn một môi trường tăng trưởng chất lượng, dựa nhiều hơn vào năng suất, vào sự nỗ lực mang tính dài hạn của DN trong việc cải thiện trình độ công nghệ, khả năng quản trị, liên kết với DN nước ngoài hay nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đảm bảo cạnh tranh,v.v. Song phương thức điều hành tín dụng hiện nay chưa giúp DN yên tâm để có những nỗ lực ấy. Đây là điều hết sức lo ngại.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Bích Ngọc (thực hiện)/ĐVO
 
-----------------

1 nhận xét:

  1. Các kinh tế gia VN chỉ lý thuyết suông!
    Hiệu suất lao động và tính người trong sản xuất, kinh doanh mới thúc đẩy nền kinh tế của quốc gia phát triển.
    Hôm qua, vô tình nghe đọc trên HTV ca ngợi chủ nghĩa Mác "sẽ đánh đổ CNTB thối nát"?! mà tôi chẳng hiểu bọn này còn ngoan cố ngu ngốc đến bao giờ? Kể cả lúc đã xuống mồ ư?!

    Trả lờiXóa