Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

Chúng ta đang nhìn đi đâu vậy?

* NGUYỄN VĂN TRỌNG
Có vẻ như đa số người Việt đương đại có tâm trạng bối rối. Người không thành đạt bối rối đã đành, nhưng người thành đạt hình như cũng chẳng cảm thấy hạnh phúc. Thế nhưng điều gì khiến cho tôi hạnh phúc lại chính là điều tôi không biết. Vậy trước hết có lẽ phải tự nhận thức bản thân mình như Socrates đã nói.
Con người chứa đựng trong bản thân mình mâu thuẫn không thể xóa bỏ: con người mang tính cá biệt, là một hữu thể độc đáo không đồng nhất với bất cứ ai khác. Con người buộc phải đơn độc khi phán xét và đưa ra quyết định. Nhưng con người không chịu đựng được tình trạng đơn độc không có quan hệ ràng buộc với những đồng loại. Hạnh phúc của con người phụ thuộc vào tình đoàn kết với những người mà anh ta xem là đồng đẳng với mình, với những thế hệ quá khứ và tương lai. Vắn tắt là con người vừa mang tính cá biệt lại vừa mang tính xã hội. Những hoạt động văn hóa và giáo dục luôn phải xử lý với mâu thuẫn cố hữu này ở con người.
Các xã hội truyền thống thường xem xã hội (hay dân tộc, giai cấp, gia đình...) như là thực thể rộng lớn hơn con người cá nhân, con người cá nhân bị xem là bộ phận của xã hội và phải tuyệt đối phục tùng xã hội. Thế nhưng xã hội là khái niệm trong tư duy của con người chứ không phải là một thực thể sống. Xã hội không biết phát biểu, chỉ có những cá nhân và nhóm người quyền uy phát biểu nhân danh xã hội. Những nhà hiền triết từ lâu đã hiểu rằng tính xã hội của con người nằm ở trong con người cá nhân, là phẩm tính của con người cá nhân. Khi tính xã hội bị ngoại hiện hóa, bị ném ra bên ngoài con người cá nhân thì nó trở thành “thực thể khách quan” nô dịch con người cá nhân. Vì vậy các nhà hiền triết ấy cho rằng chỉ khi nào con người cá nhân hoàn thiện phẩm tính xã hội trong bản thân mình thì mới có xã hội hạnh phúc.
Con người phải nhìn vào đâu để hoàn thiện bản thân? Con người từ thời cổ đại đã nhận thức được bốn trình độ hiện hữu trên thế gian này. Nhìn từ dưới lên thì thấp nhất là trình độ “sỏi đá” (E.F. Schumacher ký hiệu trình độ ấy là m). Cao hơn “sỏi đá” là “cây cỏ” (ký hiệu là m+x). Cao hơn nữa là động vật (ký hiệu là m+x+y). Cao nhất là con người (ký hiệu là m+x+y+z)(1). Con người cổ đại đã nhận thấy tình trạng bất toàn của mình trong thế giới tinh thần, cho nên đã tin rằng có một trình độ hiện hữu hoàn hảo cao hơn con người, hiện hữu ấy có biểu tượng là Thượng Đế. Vậy tôn giáo phải được hiểu trước hết là vấn đề văn hóa tinh thần, thể hiện khao khát của con người mong muốn vượt lên bản thân mình hướng tới hiện hữu cao cả với biểu tượng là Thượng Đế.
Schumacher nói rằng các ký hiệu x, y, z cho biết có điều gì đó mà ta có thể nhận thấy được, những điều khả dĩ phân biệt được các trình độ hiện hữu khác nhau, nhưng không thể giải thích được. Có sự gián đoạn bản thể học, một bước nhảy nào đó trong trình độ hiện hữu. Trình độ hiện hữu cao hơn luôn bao gồm những gì có ở trình độ hiện hữu thấp hơn, khả năng thoái hóa xuống trình độ hiện hữu thấp hơn (cây chết có thể biến thành than, con người có thể đê tiện hơn cả thú vật...) là hiện tượng thường nghiệm quan sát được. Thế nhưng bước nhảy từ trình độ thấp lên trình độ cao là hiện tượng chưa hề được quan sát thấy và cũng chưa từng được thực hiện trong phòng thí nghiệm. Vì vậy câu chuyện tiến hóa của vũ trụ từ vụ nổ Big Bang đến thế giới đương đại chỉ là một Đại tự sự (Grand Narrative) chứ không phải là tri thức khoa học thường nghiệm. Kí hiệu z biểu tượng cho tiềm năng nhân bản của con người bộc lộ ra ở đâu? Schumacher cho rằng z thể hiện ở những thành tựu vĩ đại nhất của con người chứ không phải ở hành vi của con người trung bình tầm thường. Một khi tiềm năng nhân bản của con người được hiện thực hóa ở một ai đó thì tức là tiềm năng ấy tồn tại, dù những người như thế là thiểu số hiếm hoi.
Sự ra đời của khoa học vật lý vào thế kỷ 17 dẫn đến sự xuất hiện nền công nghiệp cơ giới làm thay đổi sâu sắc nền kinh tế châu Âu. Nhiều người bị lóa mắt vì các thành tựu công nghệ. Họ đặt niềm tin vào khoa học (vốn dĩ là tri thức về sỏi đá), kỳ vọng khoa học sẽ giúp họ tìm được lời giải đáp cho mọi câu hỏi nhân sinh gây bối rối cho con người. Chỉ một số ít các nhà khoa học xuất chúng mới hiểu được rằng các phương pháp của khoa học thường nghiệm không bao giờ trả lời được những câu hỏi nhân sinh quan trọng, trong đó có câu hỏi ý nghĩa cuộc sống của con người là gì. Họ cũng ý thức được tri thức khoa học có thể phục vụ cho cả cái Ác lẫn cái Thiện.
Nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi cũng đã từng có huyễn tưởng về sức mạnh toàn năng của khoa học thường nghiệm và đã trải qua tâm trạng “vỡ mộng” nào đó. Hiện nay hình như nhiều người Việt đang có huyễn tưởng về khả năng thần kỳ của cỗ máy kinh tế tư bản. Mới đây một học giả phương Tây (John Plender) đã nhắc nhở rằng hệ thống kinh tế tư bản chưa từng và sẽ không bao giờ tạo ra được một nền kinh tế chính trị của một xã hội công bằng và rằng phồn thịnh và phá sản kèm theo các cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng là những thuộc tính thường trực của hệ thống. Tuy nhiên ông cũng lưu ý rằng kinh tế tư bản có một khả năng đáng kinh ngạc giúp cho dân chúng thoát khỏi nghèo đói. Từ đó suy ra rằng khoa học thường nghiệm và kinh tế tư bản tự bản thân chúng không thể đem lại lời giải đáp thỏa đáng cho những câu hỏi nhân sinh luôn giày vò con người. Con người dù sống ở xã hội văn minh hay xã hội lạc hậu sớm muộn gì cũng phải đối diện với những câu hỏi nhân sinh: ý nghĩa cuộc sống của tôi là gì? Làm sao tôi tìm được một cái la bàn đạo đức để phân biệt được Thiện và Ác?
Thế nhưng tổ tiên xa xưa của chúng ta hẳn cũng đã từng bị giày vò bởi những câu hỏi ấy. Liệu họ có để lại cho chúng ta những cái la bàn hữu dụng nào đó hay không? Đối với trường hợp Việt Nam tôi e rằng những chứng tích lịch sử nghèo nàn hiện có chẳng giúp chúng ta biết được cuộc sống văn hóa tinh thần xưa kia của tổ tiên ta như thế nào. Chúng ta được biết Phật giáo đã vào nước ta từ rất sớm và hai triều đại Lý Trần rất sùng đạo Phật. Nhưng chẳng có ghi chép nào về cuộc sống sinh hoạt của dân chúng thời đó để biết được các giá trị tinh thần của Phật giáo đã có ảnh hưởng ra sao. Một số bài thơ thời Lý Trần là tư liệu quá ít để hiểu được chuyện này.
Tuy nhiên có một sự kiện lịch sử gây suy nghĩ cho tôi rất nhiều, ấy là sự kiện Chu Văn An dâng sớ thất trảm, không được nhà vua nghe theo nên đã từ quan về dạy học. Đối với tôi hành vi của Chu Văn An không đáng chú ý bằng hành vi của bảy tên quyền thần: không một ai trong số họ sai gia nhân về “xử lý” ông giáo Chu Văn An nay đã chẳng có quyền lực gì. Phải chăng điều này là do ảnh hưởng của các giá trị văn hóa Phật giáo khiến cho ngay cả bảy tên quyền thần xấu xa kia cũng có sự kiềm chế nhân bản nào đó để họ không dùng bạo lực trả thù Chu Văn An?
Thế nhưng kể từ triều Hậu Lê, Phật giáo đã dần dần mất hết các ảnh hưởng tích cực và nhà nghiên cứu Phan Kế Bính năm 1915 đã phải ngậm ngùi nhận xét rằng: “Hiện bây giờ Phật giáo ở nước ta cũng đã suy. Tuy lưu truyền đã lâu, làng nào cũng có chùa thờ Phật, dân gian vẫn còn cúng bái sùng phụng, nhưng chẳng qua là bọn ngu phu ngu phụ theo thói quen mà cúng vái chớ kỳ thật thì không mấy người là mộ đạo”.
Lê Quý Đôn đã phát hiện ra tình trạng hiền tài văn hóa cứ thưa thớt dần đi theo thời gian, sau khi đã có sự phát triển rực rỡ vào đời Trần. Ông viết rằng: “Từ bản triều trở về sau, phong độ ấy dần dần không được nghe thấy nữa”. Ông ghi nhận tình trạng ngày càng thiếu vắng hiền tài đỉnh cao mà không có lời bàn luận vì sao lại như thế. Thế nhưng câu chữ “từ bản triều trở về sau” có ý gì sâu xa hay không? Điều gì đã xảy ra với “bản triều” của Lê Quý Đôn (tức triều Hậu Lê khởi đầu với vị anh hùng dân tộc Lê Lợi) để cho cái “bản triều” ấy cứ dần dần vắng bóng hiền tài? Phải chăng một bước ngoặt văn hóa đầy tai họa đã xảy ra với dân tộc Việt vào thời điểm ấy?
Vụ án Vườn vải với cái chết tức tưởi của Nguyễn Trãi, một nhân vật mà mọi thế hệ sau đều ngưỡng mộ như biểu tượng của nguyên khí dân tộc - sự kiện này có thể kết hợp với cái chết của Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo để xem như một thời điểm lịch sử biểu tượng cho sức mạnh bạo lực đã tạo ra bước ngoặt văn hóa tinh thần dẫn đến hiện tượng vắng bóng các hiền tài mà Lê Quý Đôn đã phát hiện. Giới trí thức Nho giáo chính thống dần dần mất đi những phẩm tính của đạo đức nhân bản, do đó mà có hiện tượng “lời bàn luận sáng suốt bẵng đi, thói cầu cạnh mỗi ngày mỗi thịnh, người có chức vị ít giữ được phong độ thanh liêm nhún nhường, trong triều không nghe có lời can gián, gặp có việc thì rụt rè cẩu thả, thấy nước nguy thì bán nước để toàn thân, dầu người gọi là bậc danh nho, cũng đều nhận sủng vinh phi nghĩa, rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng, tệ hại biến đổi lần này không thể nào nói cho xiết được” (Kiến văn tiểu lục).
Từ tình trạng quy phục quyền uy của giới trí thức Nho giáo tất nhiên không được kết luận rằng đạo đức cá nhân của tất cả những người trong giới đều là đạo đức nô lệ trước quyền uy. Trong mỗi con người đều pha trộn cả hai thứ lương tâm: lương tâm kiểu phục tùng quyền uy và lương tâm nhân bản. Nhiều nhà Nho trong lịch sử đã không khuất phục trước cám dỗ ham muốn giàu sang và ham muốn quyền uy nô dịch dân chúng như số đông những người cùng giới. Họ là những người thầy đạo đức cho các thành viên khác của xã hội. Có vẻ như người Việt đương đại chưa đánh giá đúng những đóng góp của họ cho đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam trong quá khứ. Theo hiểu biết của tôi, chúng ta có không ít danh nhân văn hóa. Họ thuộc về một thiểu số tinh hoa đã kháng cự lại sức ép nô dịch của ý thức hệ chính thống, hướng năng lượng tinh thần của họ vào lối sống hiện hữu nhân bản (trong ý nghĩa đạo đức học của Fromm) và đã để lại cho chúng ta một số di sản văn học có giá trị. Có thể những di sản ấy chưa có tầm vóc như của các danh nhân văn hóa thế giới cùng thời với họ, nhưng đó không phải là lý do để chúng ta không biết trân trọng họ như một thiểu số đã có can đảm sống như chính bản ngã của mình, khác biệt hẳn với đám đông trí thức Nho giáo đồi bại mà Lê Quý Đôn đã mô tả - những kẻ rất có thể có quyền cao chức trọng hơn họ, nhưng lại nô lệ cho quyền uy và không còn giữ được phẩm giá con người.
Định hướng tinh thần của người Việt đương đại đang ở trong tình trạng khủng hoảng. Thông thường con người định hướng hành động có ý thức dựa trên phán xét sự kiện và phán xét giá trị. Phán xét sự kiện là phân tích tình huống để hiểu được những hậu quả của các hành động trong quá khứ cũng như dự báo những hậu quả của hành động trong tương lai. Nó ít nhiều độc lập với lựa chọn cứu cánh. Lựa chọn cứu cánh chủ yếu liên quan đến những ưu tiên về giá trị đạo đức mà cá nhận lựa chọn cho mình, đó là phán xét giá trị. Thế nhưng hình như đa số người Việt hiện nay chỉ biết đến phán xét sự kiện: làm sao phân tích đúng được tình huống để thu được lợi ích tối ưu cho mình. Thành công đồng nghĩa với đức hạnh và xứng đáng được tôn vinh, thất bại chứng tỏ có sai lầm trong phán xét sự kiện nên xứng đáng bị coi khinh. Hình như đây là nét nhấn mới mẻ trong định hướng tinh thần của người Việt đương đại. Có lẽ trong quá khứ mới đây của xã hội Việt điều này còn chưa có: cụ Nguyễn Khuyến đã lựa chọn từ quan về quê ở ẩn; lựa chọn này rõ ràng là lựa chọn dựa trên phán xét giá trị đạo đức vì cụ muốn giữ “lòng ngay” (danh cao sợ lấn lòng ngay mất) mà bỏ chức quan cao vốn đang đảm bảo cho cụ cuộc sống sang trọng. Con người không có phán xét giá trị là con người theo chủ nghĩa hư vô, phủ nhận các giá trị tinh thần.
Con người như thế có thể gặp ở khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở những nước văn minh nhất. Nó có nguyên nhân từ sự suy thoái của tôn giáo tinh thần, con người hư vô hiện đại thực chất theo tôn giáo sùng bái vật chất, sống theo lối sống sở hữu. Lối sống sở hữu là thái độ sống tôn sùng những thứ ở bên ngoài cuộc sống tinh thần nội tâm. Những thứ đó có thể là tiền bạc và của cải vật chất nhưng cũng có thể là những danh phận xã hội. Con người theo tự nhiên mong muốn được đồng loại chấp nhận, đây là nhu cầu nhân bản. Thế nhưng con người tìm kiếm danh phận ở ta lại muốn là người “vua biết mặt, chúa biết tên”, hay là được toàn thể xã hội thừa nhận. Lòng khao khát danh phận theo lối sống sở hữu có căn nguyên từ việc ngoại hiện hóa các giá trị tinh thần thành những bằng cấp, danh hiệu, chức tước, giải thưởng để con người tranh đua chiếm đoạt như vật sở hữu. Cuộc tranh đua chiếm đoạt như thế ắt cũng phải dẫn đến một thái độ giống như thái độ trong tranh đoạt của cải vật chất mà Fromm đã nhận xét: “Tôi phải đố kỵ với những kẻ sở hữu nhiều hơn tôi và tôi phải e ngại những kẻ sở hữu ít hơn tôi”. Tình trạng này khiến cho giới trí thức trong xã hội chia rẽ, xung đột, luôn đấu đá với nhau. Để có sức mạnh tranh đoạt thì phải tập hợp nhau thành những phe nhóm có bản chất không khác gì các “nhóm lợi ích” trong kinh tế. Vì vậy mà có hiện tượng như Lê Quý Đôn đã nhận xét: “Rồi nào thơ ca trao đổi, khoe khoang tán tụng lẫn nhau, tập tục sĩ phu thối nát đến thế là cùng...”.
Hiện tượng lối sống sở hữu của con người đương đại mang tính toàn cầu và đang ngày càng gia tăng cùng với quá trình toàn cầu hóa. Để từ bỏ lối sống sở hữu chúng ta phải hướng tới các giá trị tinh thần vốn đã được các vị thầy tôn giáo của nhân loại rao giảng từ xưa. Những tinh hoa văn hóa của phương Tây thời hiện đại là những người đã nhìn ra nguy cơ suy đồi của con người trong lối sống sở hữu. Họ nghiêm túc nhìn nhận những giá trị của các bậc hiền triết ở cả phương Tây lẫn phương Đông. Họ lo ngại lối sống sở hữu tất sẽ dẫn đến tình trạng chiến tranh và sự hủy hoại môi trường sống trên phạm vi toàn cầu. Họ cho rằng nếu không có sự thay đổi trong các giá trị đạo đức của con người thì thảm họa là không thể tránh khỏi. Chúng ta có thể cho rằng mong ước của họ là không tưởng, giống như các vị Jesus và Phật Thích Ca. Thế nhưng con người chỉ có thể hướng đến những đỉnh cao mới có thể hoàn thiện bản thân trong cuộc sống tinh thần. Con người không thể yêu thương nhau nếu nhìn xuống thấp và tin rằng con người chẳng qua cũng chỉ là một loài khỉ mà thôi.
NVT/(TBKTSG)
-----------

4 nhận xét:

  1. Với việc ra thông báo tuyển sinh vào chương trình Cao học Thần học hôm 21/01/2016, Học viện Công giáo Việt Nam đã chính thức ‘mở cửa’.
    Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1975, một trường Công giáo ở cấp trung học hay đại học được chính thức thành lập và công khai hoạt động.
    Mọi sự đang nhúc nhích, theo ý Trời?

    Trả lờiXóa
  2. Người VN không thành đạt bối rối đã đành, nhưng người thành đạt hình như cũng chẳng cảm thấy hạnh phúc. Nhất là "thành đạt" bằng cách moi khoét công quỹ!

    Trả lờiXóa
  3. Có đảng và nhà nước, chính phủ lo hết cho dân rồi, nhìn đâu bi giờ?

    Trả lờiXóa
  4. Chúng ta đang đi trên con đường mộng du!

    Trả lờiXóa