Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015

Việt Nam – EU: Hợp tác chiến lược và toàn diện

Trong những năm qua, quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát triển tích cực và toàn diện, đặc biệt, việc hai bên ký chính thức Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) tháng 6/2012. Đây là những bước phát triển quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy quan hệ Việt Nam – EU phát triển mạnh mẽ, sâu rộng và thiết thực.
Nhân chuyến thăm, làm việc và nhận bằng Tiến sỹ Danh dự tại ĐHQGHN của Ngài Herman Van Rompuy, Chủ tịch Thường trực Hội đồng châu Âu, Bản tin ĐHQGHN điểm qua những nội dung chính trong mối quan hệ hợp tác Việt Nam- EU.
Đối tác chiến lược
Quan hệ Việt Nam - EU có những bước phát triển hết sức tốt đẹp, đặc biệt là ngay trước chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Chủ tịch Hội đồng châu Âu theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. EU hiện là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực từ chính trị - ngoại giao, hợp tác phát triển, thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ đến ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Sau 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11/1990, quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, cũng như giáo dục, khoa học công nghệ.... Ngày nay, Liên minh châu Âu là đối tác quan trọng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Hiệp định khung về hợp tác ký kết tháng 7/1995 là khuôn khổ pháp lý quan trọng cho việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và EU. Tuy nhiên, hiện nay, cả Việt Nam và EU đã có những phát triển quan trọng. EU tiếp tục lớn mạnh, mở rộng thành 27 nước thành viên với những liên kết ngày càng sâu rộng cả về kinh tế, chính trị, an ninh.
Ngày 27/6/2012, Việt Nam và EU, đã ký chính thức PCA. Các nguyên tắc cơ bản được quy định tại PCA như tính khác biệt về trình độ phát triển, luật pháp phù hợp với khả năng của Việt Nam. “Hiệp định đánh dấu một bước phát triển mới về chất trong quan hệ Việt Nam- Liên minh châu Âu, từ chỗ Liên minh châu Âu chủ yếu hỗ trợ Việt Nam phát triển giảm nghèo, chuyển đổi nền kinh tế  sang mối quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện cùng có lợi, phù hợp với mức  độ liên kết sâu rộng và tầm vóc của Liên minh châu Âu trong thế kỷ 21, cũng như thế và lực ngày càng tăng của Việt Nam trong hơn 25 đổi mới và hội nhập thành công” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.
Việc ký chính thức PCA và khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU là hai sự kiện quan trọng, tạo đà cho việc phát triển quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực trên tất cả các lĩnh vực. Hiệp định PCA và việc đàm phán Hiệp định FTA Việt Nam - EU là những bước phát triển hết sức quan trọng, đưa quan hệ Việt Nam - EU chuyển sang một giai đoạn mới theo tinh thần đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, lâu dài, mang lại nhiều lợi ích cho cả hai bên. Hai bên thường xuyên có các cuộc tiếp xúc và trao đổi đoàn, kể cả ở cấp cao nhất.
Năm 2005, Chính phủ đã thông qua đề án tổng thể Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu và Chương trình hành động đến 2010 và định hướng tới 2015 với mục tiêu đưa quan hệ Việt Nam - EU trở thành "Quan hệ đối tác toàn diện và bền vững, trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới của thế kỷ 21". Các hoạt động hợp tác, trao đổi trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ ngày càng phong phú và đa dạng, đưa quan hệ hai bên phát triển một cách toàn diện.
EU là đối tác đầu tiên của Việt Nam có chiến lược tổng thể về hợp tác và Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đưa ra một chiến lược hợp tác toàn diện với EU.
Điểm sáng hợp tác khoa học giáo dục
Việt Nam và EU đã xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững với EU trong khoa học và công nghệ nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu,... Hai bên xác định những tiềm năng và các lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa hai khu vực về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, đưa ra các cơ chế tài trợ mới cho hợp tác KH&CN, xây dựng nền tảng nhằm khuyến khích sức mạnh tổng hợp của các hoạt động nghiên cứu chung. Chẳng hạn, SEA-EU-NET là dự án thuộc Chương trình khung lần thứ 7 về nghiên cứu và phát triển (FP7) của EU. Việc triển khai Dự án SEA-EU-NET tạo điều kiện và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức KH&CN Việt Nam vào các dự án hợp tác khoa học và công nghệ với EU cũng như xác định các lĩnh vực hợp tác ưu tiên của Việt Nam trong khuôn khổ Chương trình khung (FP7) của EU. 
Tính đến cuối tháng 10/2011, Việt Nam đã tham gia 27 dự án nghiên cứu chung được tài trợ bởi FP7, đạt tỷ lệ thành công là 33,3% (cao nhất khu vực Đông Nam Á và trên mức bình quân là 23,9%). Tổng số tiền tài trợ của FP7 dành cho các đối tác của Việt Nam đến nay là 3,38 triệu euro, cao nhất trong số các nước Đông Nam Á..
Bên cạnh đó, EU là một trung tâm học thuật ưu việt trên thế giới. Hàng năm, một số lớn sinh viên Việt Nam sang học tập tại các nước của EU theo các chương trình học bổng, trao đổi sinh viên. Những sinh viên, nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp, trở về nước đã phục vụ đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chương trình học bổng Erasmus Mundus (EM)là một cơ hội để tiếp cận trao đổi học thuật cấp cao, chia sẻ ý tưởng và tiếp xúc với cộng đồng học thuật trên thế giới cũng như có được kiến thức sâu rộng về cuộc sống tại châu Âu. Thông qua các dự án đối tác, các trường đại học tại Việt Nam đã thành lập được các mạng lưới và liên kết với các đại học thuộc EU, nâng cao chất lượng giảng dạy và xây dựng các cơ chế hỗ trợ trao đổi và công nhận bằng cấp. EU và Việt Nam đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đại học và coi đây là một ưu tiên trong Hiệp định Hợp tác và Đối tác, vì thế EM là một đóng góp của Liên minh châu Âu cho ưu tiên này.
Phát triển đột phá
Hiện EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Trao đổi thương mại Việt Nam – EU vẫn tiếp tục đà tăng trưởng: Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều tăng mạnh lên 24,29 tỷ USD từ mức 17,75 tỷ USD năm 2010. Riêng 7 tháng đầu năm 2012, thương mại hai chiều đạt 15,47 tỷ USD, tăng 20,39% so với cùng kỳ năm 2011. EU hiện nay là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (xuất khẩu của Việt nam sang EU đã tăng 33,5% trong năm 2011, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của EU chiếm hơn 12% tổng cam kết FDI cho Việt Nam trong năm 2011). EU cũng là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính cho Việt Nam, với cam kết viện trợ kỷ lục 1 tỷ USD cho năm 2012.
Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam với 562 dự án, tổng vốn đăng ký khoảng 7,6 tỉ USD. Các dự án đầu tư của châu Âu có hàm lượng và tỷ lệ chuyển giao công nghệ cao, phương pháp quản lý tiên tiến, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, liên tục trong những năm qua, EU luôn là một trong những đối tác viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, mức cam kết năm 2007 là 940 triệu USD. Các khoản viện trợ của EU luôn đáp ứng các lĩnh vực ưu tiên của ta như xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế.
Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam với các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã có từ lâu, mối quan hệ này đặc biệt phát triển nhanh, mạnh kể từ khi Việt Nam và EU thành lập quan hệ ngoại giao năm 1990. Liên Minh châu Âu đã và đang trở thành một đối tác quan trọng, một thị trường rộng lớn, có khả năng tiêu thụ nhiều loại sản phẩm của Việt Nam như giầy dép, dệt may, nông sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ dân dụng, sản phẩm nhựa, đồ điện tử, thuỷ sản... Đồng thời EU cũng là một khu vực có nền kinh tế phát triển cao, có thể đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu thiết bị công nghệ nguồn và nguyên liệu cho nhiều ngành công nghiệp, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Uỷ ban châu Âu và các nước thành viên EU là những nhà tài trợ song phương lớn thứ hai về ODA và là những nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam với tổng số vốn ODA cam kết từ năm 1996 đến 2013 là hơn 13 tỷ USD.
Hội đồng châu Âu phụ trách điều hành Liên minh châu Âu và được xem là cơ quan lãnh đạo tối cao của Liên minh châu Âu. Hội đồng châu Âu chủ động xem xét những thay đổi trong các hiệp ước điều chỉnh hoạt động Liên minh châu Âu cũng như xác định chương trình nghị sự và chiến lược cho Liên minh châu Âu.
Ngày 19/1/2009, ngài Herman Van Rompuy đã được chỉ định làm chủ tịch thường trực của Hội đồng châu Âu. Ngày 1/12/2009 khi Hiệp ước Lisbon bắt đầu có hiệu lực, ngài Herman Van Rompuy chính thức nhận công tác tại nhiệm sở. Chủ tịch Hội đồng châu Âu chịu trách nhiệm đại diện đối ngoại cho Liên minh châu Âu, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh giữa các quốc gia thành viên để hướng tới sự đồng thuận trong các hội nghị của Hội đồng châu Âu cũng như trong các giai đoạn chuyển tiếp giữa các hội nghị đó. Cần tránh nhầm lẫn Hội đồng châu Âu của Liên minh châu Âu với một tổ chức quốc tế độc lập khác của có tên gọi là Hội đồng châu Âu.
(PV - VNU Media)
------------

4 nhận xét:

  1. Hợp tác kiểu "Vua Bảo Đại trao bảo kiếm giả cho Việt Minh"

    Trả lờiXóa
  2. Mới đọc qua bản tin , không kịp suy nghĩ dễ bị gạt . Hợp tác kiểu này vẫn là xã giao , làm ăn thôi , chứ nếu như TQ đem quân qua thay thế QĐNDVN thì họ chẳng có trách nhiệm chi cã .
    Ngay cã giao lưu với Mỹ , Nhật hiện nay cũng chỉ là bề ngoài , chỉ cốt làm cho dân ngũ mê , ngũ quên mà thôi .
    Chính sách của VN là không liên minh với nước nào mà , đã có TQ rồi , như gái đã có chồng , còn quan hệ gì với ai nữa . Buôn bán thôi .

    Trả lờiXóa
  3. hợp tác toàn diện hay toàn bịp...???

    Trả lờiXóa
  4. Dân phải được tự do làm ăn buôn bán. Cấm mọi kẻ dành quyền cướp quyền
    buôn tranh,Cấm quan buôn tranh bán hớt . ( học đạo làm ngươi để biết si nhục )

    Trả lờiXóa