Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

TQ mượn lực của “địch” để đi con đường cũ của mình


Khác với người Nhật, cung cách “Dĩ địch vi sư” của Trung Quốc có truyền thống văn hóa tư tưởng thâm hậu là mượn lực của “địch” để đi con đường cũ của mình.

Xưa nay tự cho mình là thiên triều thượng quốc, Trung Quốc chưa từng có yêu cầu học tập và quá trình học tập như Nhật Bản.

Các tiểu huynh đệ xung quanh ý nói các nước nhỏ xung quanh Trung Quốc quả thật chưa giúp gì lớn cho Trung Quốc: Trương Khiên đến Tây Vực các nước ở phía Tây Trung Quốc chẳng qua chỉ mang về được một số giống ngựa tốt, giống rau quả củ hạt mới, và nhạc khí ca múa, chỉ là những thứ thuộc phạm trù vật phẩm sử dụng để thêm thắt cho đời sống hàng ngày chứ không liên quan tới chủ thể văn hóa tư tưởng của quốc gia.
Phật Pháp truyền sang phía Đông, tư tưởng Thích Giáo tức đạo Phật do Đường Tăng mang về sau chuyến Tây Du chỉ là một phần bổ sung cho chủ thể văn hóa tư tưởng truyền thống Trung Hoa, tuy có thể thêu hoa trên gấm nhưng chưa đủ khả năng lấn át chủ thể ý nói Nho giáo của Trung Quốc.
Còn chuyến viễn dương biển Tây của Trịnh Hòa hoàn toàn chỉ là hư trương thanh thế, ngoài việc làm vui lòng các hoàng thân quốc thích và mang về một số của quý vật lạ cho các quan lại quyền cao chức trọng ra thì chẳng có bất kỳ thu hoạch nào, vừa vô ích đối với sự “dụng” cho đời sống lại càng không giúp gì cho cái “thể” của văn hóa tư tưởng.
Xưa nay tự cho mình là thiên triều thượng quốc,
Trung Quốc chưa từng có yêu cầu học tập và quá trình học tập như Nhật Bản.
Nhưng nếu Trịnh Hòa thám hiểm của quý biển xa tay trắng mà về, thì tiếp đó các nhà truyền giáo châu Âu trải qua lễ rửa tội của cuộc Phục hưng Văn nghệ lại nhân thắng lợi của Christopher Columbus cưỡi thuyền vượt biển phát hiện châu Mỹ mà không ngại đường xa muôn dặm đem của báu văn minh phương Tây đến cho Trung Quốc.
Thế nhưng ngoài những thứ lương thực cứu mạng như khoai lang, khoai tây, ngô họ đem đến rồi được trồng rộng rãi ở Trung Quốc và phương pháp tính lịch thiên văn được áp dụng ngay, thì các thứ khác như tư tưởng, văn hóa, thành tựu khoa học của phương Tây đều bị Trung Quốc cấm cửa.
Trung Quốc chỉ dùng ngay, học ngay thứ gì có thể dùng được trong đời sống, nhưng những thứ ấy chẳng có ảnh hưởng gì đáng kể đối với chủ thể văn hóa tư tưởng của Trung Quốc.
Đến thập niên 40 thế kỷ 19, cánh cổng lớn của nước Trung Hoa bế quan tỏa quốc, ngu muội lạc hậu bị tàu chiến súng lớn của Anh Quốc mở toang. Nguy cơ vong quốc diệt chủng trở thành thanh gươm Damocles treo trên đầu đại đế quốc già nua. Thiên triều thượng quốc xưa nay chưa từng học ai nay buộc phải học tập kẻ thù không đội trời chung.
Nếu cung cách “Dĩ địch vi sư” của Nhật Bản – một nước có nền móng văn hóa tư tưởng nông cạn – là đi theo con đường của “địch”, thì cung cách “Dĩ địch vi sư” của Trung Quốc có truyền thống văn hóa tư tưởng thâm hậu là mượn lực của “địch” để đi con đường cũ của mình.
Cho nên Nhật Bản cảm ơn đô đốc Perry người đầu tiên đặt chân lên nước Nhật; còn Trung Quốc thì căm giận lũ man di người Anh đã mở cánh cửa lớn của mình; cho tới ngày nay Trung Quốc vẫn còn nghiến răng nghiến lợi.
Đây là sự lựa chọn lịch sử. Anh Quốc đúng là kẻ xâm lược Trung Quốc, có thể nói chắc rằng trong chiến tranh không thể tránh được chuyện đốt nhà giết người cướp của. Bắt đầu từ đó Trung Quốc rơi vào cảnh nửa thuộc địa, Trung Quốc có đầy đủ căn cứ để căm thù Anh Quốc.
Song lịch sử ngu dốt lạc hậu của Trung Quốc trì trệ lâu đời cũng bắt đầu hạ màn khi quân đội Anh mở toang cánh cổng lớn của Trung Quốc.
Không có ngoại lực tác động vào mà chỉ dựa sức mạnh của bản thân thì chưa biết đến bao giờ Trung Quốc mới có thể mở được một trang sử mới, tiến sang một cuộc sống mới. Trung Quốc cũng có đầy đủ lý do để cảm ơn nước Anh.
Thực chất của nghịch lý lịch sử này là nên lựa chọn chế độ chuyên chế của hoàng đế hay chọn tiến bộ xã hội? Trung Quốc đã chọn hoàng đế.
Kiểu “Dĩ địch vi sư” của Trung Quốc không phải là sự lựa chọn chiến lược phát triển, đi con đường lịch sử thành công của “địch” để thực hiện phát triển đất nước, bảo đảm nhân dân hạnh phúc; mà là sự lựa chọn thủ đoạn có tính sách lược, đánh bại kẻ địch, vượt qua khó khăn, nhằm mục đích bảo đảm kiên trì và tiếp tục “Pháp thống”, “Đạo thống”, “huyết thống”, “bại thống”.
Kiểu “Dĩ địch vi sư” này chỉ học cái “hình”, không học cái “thực”, học cái “dụng” mà không học cái “thể”, tinh túy của nó là "Trung (Trung Quốc) học vi thể, Tây học vi dụng”.
Do vậy cùng với thời gian, “hình” cũng học, “dụng” cũng học, nhưng do không học “thực” chất, không học “thể” chế của quốc gia, dù cách mạng thế nào, dù cải cách ra sao, phát triển đi, phát triển lại, nhà nước và nhân dân cứ mãi mãi ở dưới sự kiềm chế của cá nhân kẻ thống trị hoặc tập đoàn kẻ thống trị, cứ mãi bị chi phối bởi lợi ích của bọn chúng.
Cuộc cải cách của vương triều Mãn Thanh rồi Cách mạng Thái Bình Thiên Quốc là thế. Lòng yêu nước của Nghĩa Hòa Quyền là như vậy, các cuộc cách mạng và cải cách của các nước cộng hòa sau Cách mạng Tân Hợi cũng thế cả.
Học đi học lại là học cho thành ta, trở về cái bộ dạng cũ. Trung Quốc luôn luôn oán trách thầy bắt nạt trò, không nhìn thấy những vị học trò (ý nói Trung Quốc) chỉ muốn làm thầy. Cho nên kể từ Phong trào Dương Vụ trở đi, Trung Quốc “dĩ địch vi sư” học phương Tây lâu đến nửa thế kỷ; từ Cách mạng Tân Hợi trở đi, Trung Quốc cũng học như vậy đã ngót 50 năm.
Từ Cải cách mở cửa đến nay học phương Tây lâu tới ba chục năm thế nhưng Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển lớn nhất.
Nói làm kinh tế thị trường thế mà tại thị trường rộng 9,6 triệu cây số vuông lãnh thổ cộng 1,3 tỷ dân này nhu cầu trong nước vẫn cứ chưa đủ, lại phụ thuộc nhiều vào thị trường ngoài nước.
Nói kiên trì xã hội chủ nghĩa thế mà lại phát triển thành “đô thị như châu Âu, nông thôn như châu Phi”; phân hóa giàu nghèo ngày càng gay gắt.
Nói phát huy dân chủ XHCN mà quyền lực tuyệt đối lại ngày một tuyệt đối, chống tham nhũng càng chống lại càng tham nhũng.
Hữu danh vô thực, cùng tên mà thực chất lại khác, thành tựu chẳng thể nào sánh nổi với Nhật Bản.
Học thái độ học tập “dĩ địch vi sư” của Nhật Bản, có lẽ “dĩ Nhật vi sư” mới thật sự là con đường hữu hiệu giúp ta (tức Trung Quốc) thoát ra khỏi cảnh khó khăn.
“Dĩ Nhật vi sư” không dễ. Trước tiên phải vượt qua hai trở ngại tâm lý:
Tâm lý coi thường Nhật hình thành trong lịch sử lâu dài, Đại Nhật Bản tự đánh giá cao trong mắt người Trung Quốc vẫn là Tiểu Nhật Bản.
Tâm lý thù ghét Nhật do nước này từng gây ra cho Trung Quốc nhiều đau thương trong chiến tranh xâm lược Trung Quốc. Nhưng phải hỏi xem sự xâm lược ấy làm cho Trung Quốc lạc hậu bần cùng hay là do tình trạng Trung Quốc như vậy mà bị xâm lược? Nếu là do nguyên nhân sau thì biện pháp tốt nhất tránh tái diễn lịch sử không phải là dẫm đạp kẻ địch mà là phát triển bản thân.
Phải vượt qua hạn hẹp “dĩ địch vi địch”, tiến tới “dĩ địch vi sư” – điều đó rất khó, vì trên cánh đồng hoang tinh thần của Trung Quốc chỉ sẵn có loại cây gai “dĩ hữu vi địch”.
Một thí dụ điển hình là thái độ đối với Mỹ. Trong Thế chiến II Mỹ dẫn đầu các nước hủy bỏ tất cả các hiệp ước bất bình đẳng từng ký với Trung Quốc, ủng hộ đến cùng cuộc kháng chiến chống Nhật của Trung Quốc, việc Mỹ tiêu diệt bộ đội tinh nhuệ của phát xít Nhật đã trực tiếp giúp Trung Quốc kháng chiến thắng lợi, lẽ ra Mỹ nên là đồng minh tin cậy và bạn tốt nhất của Trung Quốc.
Thế nhưng chúng ta đã làm ngược lại. Khi Đại sứ Mỹ muốn liên hệ với chính phủ Tân Trung Quốc ý nói chính quyền Mao Trạch Đông thì chúng ta đuổi họ về. Tiếp đó hai chục năm chĩa súng vào nhau “dĩ hữu vi địch”; rốt cuộc buộc phải trở lại hòa hảo với ông bạn bị coi là địch, và coi một ông bạn sống chết có nhau với mình là kẻ thù.
Kiểu suy nghĩ thực dụng hoàn toàn xuất phát từ thủ đoạn sách lược ấy biến hóa khôn lường, thiếu quy hoạch lâu dài về chiến lược phát triển là nguyên nhân căn bản khiến Trung Quốc phạm sai lầm “dĩ hữu vi địch”, cũng là trở ngại lớn cho “dĩ địch vi sư”, đó là thứ trước hết cần được khắc phục trong lần học tập Nhật Bản này.
Ngoài ra cũng cần thấy Nhật Bản chưa phải là hoàn mỹ; ngay thái độ “dĩ địch vi sư” của họ cũng có lệch lạc: Nhật vốn không có truyền thống sáng tạo văn hóa tư tưởng nhưng do nóng ruột đuổi và vượt nên họ thường lấy phát minh sáng chế của người khác về học tập và áp dụng mà thiếu tư tưởng sáng tạo nhận thức thế giới và công nghệ sáng tạo ban đầu, cho dù ngày nay họ đã có nhiều giải Nobel nhưng Nhật vẫn chưa thể có tác dụng quyết định thúc đẩy kinh tế phát triển như các nước Anh Mỹ.
Phương Đông coi trọng tập thể chưa thể so đọ được với phương Tây coi trọng tự chủ của cá nhân. Vấn đề này có tính phổ biến ở Nhật; Trung Quốc cũng không ngoại lệ.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch/VnN
---------------
* Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)
------------

3 nhận xét:

  1. Dân lương thiệnlúc 05:11 28 tháng 12, 2015

    Trung quốc có rất nhiều trò, trong đó trò tài tình nhất là "Lấy C... của người ta bôi vào mũi mình"
    Đã có lần một học giả TQ khoe chính họ là người thầy dậy dân Việt Nan biết cách trồng lúa nước.
    Quái lạ thật, nghề trồng lúa nước chỉ có thể xuất hiện ở những vùng ruộng trũng chứ sao lại có thể ở những vùng đất khô cằn trên đồi cao của miền Tây Bắc Trung Quốc, nơi dân tộc Hán cắm rễ lâu đời trước khi tràn xuống phía nam và phía đông.
    Người Nhật thì khác, họ tự nhận họ có rất ít phát minh, họ chỉ là học trò, nhưng là trò giỏi, họ học theo nhưng hàng hóa của họ được cải tiến hoàn thiện tốt hơn, bền hơn và rẻ hơn trên "tổ quốc" của những sản phẩm đó.

    Trả lờiXóa
  2. Giống như Steve Jobs của Apple, TC vươn lên thứ 2 thế giới theo kiểu tàn bạo!

    Trả lờiXóa
  3. Một câu hỏi cần đặt ra hôm nay : chế độ CSTQ và VN có thể tồn tại đến bao giờ ? Từ đấy chúng ta mời có thể hình dung được những diễn biến kế tiếp cho dân Việt từ Đại hội Đảng lần thứ 12 .

    Với sức mạnh phát triển của TQ đã vươn lên đứng hạng nhì trên thế giới , TQ vẫn khó có thể tự chủ để tiếp tục phát triễn với áp lực của các tập đoàn tư bản Quốc tế . Chính những tập đoàn tư bản quốc tế kết xù này lợi dụng TQ sức mạnh người đông ủng hộ TQ để trục lợi , thì hôm nay khi đời sống công nhân và mặt bằng thuê mướn tại TQ phải trả giá cao , những tập đoàn này muốn buông tay TQ ra đi để tìm đến một khu vực thích hợp cho săn lùng lợi nhuận .

    TPP và Biển Đông dậy sóng là dấu hiệu cho thấy một vùng đất đang được nhắm tới của các đại tập đoàn đầu tư quốc tế này . Các mặt hàng tiêu thụ không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày còn có cả sản phẩm phục vụ cho chiến tranh . Cả hai nước TQ lẫn VN đang nằm trong quỹ đạo vận dụng của các Đại tập đoàn đầu tư này . Chính họ đã thọc tay sâu vào trong kế hoạch giúp Tập có điều kiện thuận lợi chiến dịch Đả hổ diệt ruồi , triệt tiêu mầm móng tham nhũng hối lộ đầu tư khai thác dầu khí nước ngoài của TQ từ Chu vĩnh Khang . Nhằm mục đích cho TQ đổi mới 100% không còn XHCN .

    Một chế độ XHCN TQ đang tan vỡ âm thầm trong bàn tay Tập . Tập đang cố gắng che đậy cho hành động cố tình này bằng những ngoại giao ve vuốt csvn và xây đắp những căn cứ quân sự ở Biển Đông .

    Vì tham quyền cố vị , vì cực đoan chống Cộng , những con người lãnh đạo csvn cuồng tín và chống cộng cuồng tín đã cố tình thông qua giả thuyết một Tập cận Bình ở bộ mặt phá hoại cstq !

    Không quản bá quần chúng , không học tập cho đảng viên csvn hôm nay về một thế cờ chuyển trục từ Cộng Sản sang Tư Bản tại TQ và VN sắp tới , không mạnh dạn chấp nhận một sự thật hiển nhiên , cố ru ngủ bởi quá khứ , có thể dẫn VN đến chiến tranh tiêu tốn tiền bạc và nhân mạng không cần thiết . Đấy là chưa nói đến đất nước có thể chia cắt một lần nữa do các thế lực tập đoàn tư bản quốc tế và các khuynh hướng chính trị quốc nội bất đồng , bởi sự tranh quyền đoạt lợi không giải quyết được trước Đại hội đảng 12 .

    Thức tỉnh

    Trả lờiXóa