Đúng như dự báo, Cục dự trữ
liên bang Mỹ (Fed) đã ra quyết định nâng lãi suất lên 0,25% sau 7 năm duy trì
lãi suất 0%.
Rạng sáng 17/12, theo giờ Việt Nam, Cục dự trữ liên
bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất lên 0,25% sau cuộc họp kéo dài 2
ngày, chấm dứt 7 năm duy trì lãi suất thấp ở mức kỷ lục 0%.
Đồng thời với quyết định nâng lãi suất, Fed cũng khẳng
định, lãi suất thời gian tới sẽ được được nâng lên “từ từ”. Ủy ban thị
trường mở (FOMC) dự báo đến cuối năm 2016, lãi suất sẽ ở mức khoảng
1,375%, tức trong năm 2016 sẽ có khoảng lần tăng lãi suất, mỗi lần tăng 0,25%.
Lãi suất những năm tiếp theo cũng sẽ nâng lên với mức độ chậm: năm 2017, con số
này có thể là 2,4%, và năm 2018 sẽ là 3,3%.
Chủ tịch FED - bà Janet Yellen. Ảnh: Reuters |
Theo lý giải của FOMC, các điều kiện trên thị
trường lao động đã được cải thiện đáng kể trong năm 2015 và lạm phát trong
trung hạn sẽ tăng lên đạt mục tiêu 2% là nguyên nhân khiến cơ quan này tăng lãi
suất.
Trong buổi họp báo sau thời điểm đưa ra quyết định kỷ
lục về lãi suất, Chủ tịch Fed - bà Janet Yellen lý giải thêm, nền kinh tế tuy hồi phục, nhưng vẫn
còn yếu và lãi suất thấp là điều cần thiết. Chủ tịch Fed cũng cho rằng việc
nâng lãi sẽ không có tác động ngay lên nền kinh tế.
Sau thông báo mới của Fed, chỉ số chứng khoán và giá
vàng tại thị trường Mỹ đều đồng loạt bật tăng.
* *
*
Phát biểu tại buổi họp báo sau khi kết thúc cuộc họp
kéo dài 2 ngày của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định
chính sách của Fed, Chủ tịch Fed Janet Yellen tuyên bố FOMC đã bỏ phiếu thông
qua quyết định tăng 0,25% lãi suất cơ bản, theo hai biên độ từ 0-0,25% và từ
0,25-0,5%.
Theo bà Yellen, nền kinh tế Mỹ đã đón nhận nhiều tín
hiệu khởi sắc trong hầu hết các lĩnh vực chủ chốt từ công nghiệp, nhà đất, chế
tạo cho tới dịch vụ...
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm ổn định trong
những năm qua và dự kiến chỉ còn 4,7% trong năm tới.
Thị trường lao động Mỹ tiếp tục đón nhận tín hiệu tích
cực khi các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực đã đẩy mạnh việc tuyển dụng nhân
viên trong tháng 11 vừa qua.
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày
4/12, trong tháng 11, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm được 211.000 việc làm, cao hơn
so với dự đoán 200.000 việc làm của các nhà kinh tế.
Số liệu thống kê cũng cho thấy số việc làm mới trong
tháng 9 và 10 cũng tăng thêm 35.000 việc làm so với báo cáo trước đó.
Bà Yellen cho biết thêm các quan chức FOMC tin tưởng
nền kinh tế và các thị trường tài chính-chứng khoán Mỹ hiện đủ “sức khỏe” để
chấm dứt thời kỳ ảm đạm sau cuộc suy thoái 2007-2009.
Ngoài ra, Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng của nền
kinh tế nước này trong năm 2016 lên mức 2,4%, tăng nhẹ so với các dự báo trước
đây.
Với quyết định trên, đây là lần đầu tiên Fed tăng lãi
suất cơ bản trong gần 8 năm qua.
Lãi suất thấp ở mức tượng trưng gần 0% đã được Fed duy
trì từ cuối năm 2008 tới nay, như là một công cụ nhằm khuyến khích đầu tư và tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ
thoát ra khỏi cuộc suy thoái giai đoạn 2007-2009.
Ngay sau tuyên bố của Fed, hầu hết các chỉ số chứng khoán Mỹ đã
tăng nhẹ.
Chỉ số Công nghiệp Dow Jones tăng 136 điểm, chỉ số S&P
500 và Nasdaq thậm chí tăng tới 1%./.
* *
*
Tại Việt Nam , mức tăng lãi suất 0,25% của
Fed cũng đã được dự báo và phản ánh vào tỷ giá trên thị trường. Cách đây vài
ngày, tỷ giá đã liên tục chạm trần song theo giới chuyên gia, đây là phản ứng
tâm lý và NHNN hoàn toàn có đủ cơ sở để giữ ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm.
Việc Fed nâng lãi suất đồng USD lên cũng đã được các
chuyên gia trong nước dự báo từ khá lâu và cho rằng nó sẽ gây áp lực lên tỷ
giá USD tại Việt Nam .
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, động thái
nâng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua của Fed khiến việc đầu cơ đồng
bạc xanh hấp dẫn hơn, gây ra nguy cơ gia tăng rút, thoái vốn tại các nền kinh
tế mới nổi, khiến các nền kinh tế này phải tìm biện pháp ứng phó.
“Nhiều quốc gia có tỷ giá đồng nội tệ neo với đồng
USD, trong đó có Việt Nam có thể cảm nhận được sức ép về biến động tỷ giá, đặc
biệt trong những ngày gần đây luôn ở mức kịch trần mà Ngân hàng Nhà nước cho
phép,” ông Kiêm nhận định.
Ông Kiêm phân tích thêm, Fed tăng lãi suất thì các
nước chậm phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì các nhà đầu tư sẽ rút vốn về để đầu tư vào Mỹ, như
vậy đồng vốn sẽ đổ ngược về Mỹ, trong đó có Việt Nam. Theo đó Việt Nam sẽ
phải điều chỉnh một loạt các mức lãi suất.
Tuy nhiên, theo ông Kiêm, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa
cần phải điều chỉnh ngay lập tức thị trường ngoại tệ mà nên nghe ngóng thị
trường của các nước, tất nhiên là không thể làm chậm được vì như vậy vốn sẽ bị
hút hết về phía Mỹ.
Còn chuyên gia tài chính ngân hàng khác, tiến sỹ
Nguyễn Trí Hiếu lại nhấn mạnh rằng, việc Fed tăng lãi suất sẽ áp lực lên tỷ giá
rất lớn vì giá trị của đồng USD sẽ tăng lên và mức cầu của đồng USD cũng tăng
lên... dẫn đến áp lực lớn lên tỷ giá.
Mặt trái của việc đồng USD mạnh lên là lòng tin của
người dân vào VND có thể bị lung lay và nó có thể tác động tới lạm phát vì hàng
nhập khẩu có thể phải trả một lượng tiền đồng lớn hơn, nợ công cũng tăng lên
nếu tính bằng tiền đồng. Tuy nhiên, sẽ tác động đến nền kinh tế, trước hết là xuất khẩu và
hạn chế nhập khẩu.
“Nói chung Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến thị
trường ngoại hối của Việt Nam
và các nền kinh tế nói chung,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Ông Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có 4 công cụ để
có thể điều chỉnh ngay thời điểm này: Thứ
nhất, tiếp tục bán ngoại tệ ra ngoài để cân bằng cung cầu, tuy nhiên nếu cứ
bán mãi thì sẽ rất nguy hiểm vì một quốc gia cần phải có dự trữ ngoại hối tối
thiểu bằng 3 tháng nhập khẩu mà hiện nay Việt Nam đã ở dưới ngưỡng đó rồi.
Thứ hai là sử dụng biện pháp hành chính, thực ra trong thời
gian qua Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng biện pháp này như giảm lãi suất xuống và
có thông tư hạn chế găm giữ ngoại tệ. Những biện pháp hành chính này cũng chỉ
có giới hạn vì nếu sử dụng mạnh tay thì người dân sẽ lo lắng và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều
khó khăn.
Thứ ba là đưa ra các khuyến nghị, khuyến cáo như kêu gọi các
ngân hàng thương mại phải tuân thủ các quy định, không được đẩy giá lên, cố
gắng hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước và các thành phần kinh tế, rồi kêu gọi dân chúng
không nên đầu cơ ngoại tệ...
Công cụ cuối cùng là phải điều chỉnh tỷ giá, mà công
cụ này Ngân hàng Nhà nước đã nói rằng, từ nay đến cuối năm sẽ không điều chỉnh
tỷ giá.
Ông Hiếu đánh giá, với 4 công cụ này mà theo
ông cái nào cũng có hạn chế thì thực sự là khó khăn cho nền kinh tế và cho
sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Nếu như Ngân hàng Nhà nước vẫn cứ giữ tỷ
giá như hiện nay thì thị trường tự do sẽ nở rộ và hành hoành trở lại như trước
đây.
“Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá chỉ là sớm
hay muộn thôi, nếu không làm thời điểm này thì sang đầu năm 2016 Ngân hàng Nhà
nước cũng phải điều chỉnh vì chúng ta không nhìn thấy lý do giá trị của đồng
USD giảm xuống. Nếu xét thấy không cầm cự được nữa thì Ngân hàng Nhà nước nên
điều chỉnh tỷ giá càng sớm càng tốt,” ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo tiến sỹ Cấn Văn Lực, áp lực đối với tỷ giá của Việt
Nam
từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới rất lớn. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà
nước cũng mong muốn tạo ra được trạng thái ổn định cho câu chuyện kinh doanh
trong dịp trước và sau Tết và cũng đã đưa ra thông điệp cam kết như vậy.
“Tôi nghĩ với mối quan hệ cung cầu về ngoại tệ hiện
nay của chúng ta, với việc dự trữ ngoại hối hiện nay của Ngân hàng Nhà nước và
với việc sử dụng đồng bộ các công cụ thì Ngân hàng Nhà nước có thể đảm bảo được
tỷ giá từ nay đến cuối năm cũng như là đầu năm tới. Tuy nhiên, năm 2016 có lẽ
Ngân hàng Nhà nước phải linh hoạt hơn,” ông Lực phân tích như vậy.
Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia khác cũng
rằng việc điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới là đúng đắn và cần thiết bởi
Việt Nam không thể cùng lúc tăng trưởng kinh tế cao, giữ được dự trữ ngoại hối
tương đối, đón dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều và thúc đẩy thương mại phát
triển./.
Kinh tế VN gần chết rồi. Bình thản đón tin xấu...
Trả lờiXóaNgân hàng Nhà nước giảm lãi suất tiền gửi bằng USD còn 0%/năm
Trả lờiXóaTừ ngày mai (18-12), lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.
Đây là thông tin được khẳng định tại Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17-12-2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mà Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành.
Trong thông báo phát đi vào tối 17-12, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, quyết định này nhằm tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18-12-2015 và thay thế Quyết định số 1938/QĐ-NHNN ngày 25-9-2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng Đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17-3-2014.
Trước đó, tại Quyết định số 1938/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.(TTXVN)
Chứng khoán VN đỏ (Sụt giảm)! Màu đỏ đích thực!
Trả lờiXóaThiên không gặp thời, địa bất lợi, nhân bất hòa.. đó là dấu hiệu nền kinh tế, chính trị VN đang đà lao dốc xuống hố . Cùng tắc biến- XH Việt Nam sẽ phát sinh đột biến những vấn đề khó lường. Nhưng trong họa có phúc!. Chỉ và chỉ khi nào VN thực sự có nền kinh tế thị trường hiện đại, có thể chế chính trị Dân chủ và pháp quyền hiện đại thì mới hóa giải được mâu thuẫn nội tại và với bên ngoài.Liệu ĐH đảng 12 này có là sự đột biến theo hướng này chăng?. Mong thay!
Trả lờiXóaThật đáng lo ngại cho kinh tế vn. Thật buồn cho những người lao động với đồng lương bèo bọt
Trả lờiXóa