Translate

Trang BVB1

Thứ Tư, 16 tháng 12, 2015

Tiệc trà Boston

Ảnh: W.D. Cooper. “Boston Tea Party.” The History of North AmericaLondonE. Newberry, 1789 | Thư viện Quốc hội Mỹ.
Ngày 16/3/1776, trong cuộc Chiến tranh giành độc lập của Mỹ, quân đội Anh đã buộc phải rút khỏi Boston sau khi Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa George Washington triển khai thành công công sự và pháo binh lên điểm cao Dorchester Heights, khu vực bao quát toàn thành phố Boston nhìn từ phía Nam.
Tối ngày mùng 4 tháng 3, theo lệnh của Washington, Thiếu tướng John Thomas bí mật dẫn một lực lượng gồm 800 binh sĩ và 1.200 công nhân tới Dorchester Heights để bắt đầu xây dựng công sự trên khu vực này. Để át đi tiếng động trong khi xây dựng, lực lượng pháo binh được bố trí bao vây Boston ở những vị trí khác bắt đầu oanh tạc dữ dội vùng ngoại ô thành phố.
Đến sáng, hơn một chục khẩu đại bác từ Pháo đài Ticonderoga ở New York được kéo đến Dorchester Heights. Tướng William Howe, Tổng tư lệnh Quân đội Anh ở Bắc Mỹ, hy vọng có thể dùng tàu chiến của hải quân Anh ở Cảng Boston để áp chế quân đội Mỹ, nhưng một trận bão bất ngờ kéo tới đã cho quân đội Mỹ nhiều thời gian hơn để hoàn thành công sự và triển khai pháo binh. Đến ngày 17 tháng 3, 11.000 binh lính Anh và khoảng 1.000 người Mỹ trung thành với Hoàng gia Anh (Royalists) đã lên tàu rời khỏi Boston và rút lui an toàn về Halifax, Nova Scotia (thành phố ở miền Đông Canada).
Cuộc giải phóng thành phố Boston mà không tốn giọt máu nào đã kết thúc thời kỳ chiếm đóng kéo dài 8 năm của Đế quốc Anh ở đây, vốn khét tiếng với những sự kiện như “Thảm sát Boston” (diễn ra ngày 5 tháng 3 năm 1770, khi quân đội Anh bắn chết 5 người và làm 6 người khác bị thương trong một cuộc đụng độ phi quân sự). Với chiến thắng này, Tổng Tư lệnh Lục quân Lục địa George Washington được trao tặng huân chương đầu tiên của Quốc hội Lục địa.
*       *       *
Ngày 16/12/1773, tại cảng Boston, một nhóm các cư dân thuộc địa Massachusetts cải trang thành người da đỏ Mohawk đã đột nhập lên ba chiếc tàu Anh và đổ 342 kiện chè xuống biển.
Cuộc đột kích lúc nửa đêm, thường được gọi là “Tiệc trà Boston,” được tổ chức để phản đối Đạo luật Trà năm 1773 của Quốc hội Anh, một dự luật được đưa ra nhằm cứu Công ty Đông Ấn đang suy sụp bằng cách giảm đáng kể thuế trà và cấp giấy phép độc quyền buôn bán trà ở Mỹ. Mức thuế thấp cho phép Công ty Đông Ấn bán phá giá trà, thậm chí còn rẻ hơn trà nhập lậu của các thương nhân Hà Lan, và nhiều cư dân thuộc địa đã coi đạo luật này là một ví dụ khác của sự chuyên quyền về thuế khóa.
Khi ba tàu chở chè, Dartmouth, Eleanor, và Beaver, cập cảng Boston, các cư dân thuộc địa ở đây đã yêu cầu đưa chè trở lại nước Anh. Sau khi Thống đốc tiểu bang Massachusetts Thomas Hutchinson từ chối, lãnh đạo nhóm Người yêu nước Samuel Adams đã tổ chức “tiệc trà” với khoảng 60 thành viên của nhóm Những người con của tự do, nhóm kháng chiến ngầm của ông. Lượng chè bị đánh chìm ở cảng Boston đêm 16 tháng 12 được ước tính là có giá trị khoảng 18.000 bảng Anh (tương đương 2,2 triệu USD ngày nay[1]).
Tức giận trước Tiệc trà Boston và các hành vi hủy hoại tài sản trắng trợn khác, Quốc hội Anh đã ban hành các Đạo luật Cưỡng chế (Coercive Acts), còn được biết đến dưới tên gọi các Đạo luật Không thể dung thứ (Intolerable Acts), vào năm 1774. Các Đạo luật Cưỡng chế này phong tỏa Boston khỏi các chuyến tàu thương mại, chính thức thành lập chế độ cai trị quân sự ở Massachusetts, cho phép quan chức Anh không bị truy tố hình sự ở Mỹ, và yêu cầu cư dân thuộc địa cho phép quân đội Anh ở nhờ. Sau đó, các cư dân thuộc địa đã kêu gọi Quốc hội Lục địa cân nhắc một cuộc kháng chiến thống nhất chống lại Đế quốc Anh.
(Nguồn: The Boston Tea Party,” History.com (truy cập ngày 15/12/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng)
---------
[1] Theo James M. Volo, The Boston Tea Party: The Foundations of Revolution, ABC-CLIO, 2012, tr.3.
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét