Translate

Trang BVB1

Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

LỜI BỘC BẠCH ĐẦY "MÀU SẮC CHÍNH TRỊ"

Nông dân Văn Giang đi đấu tranh
đòi đất mang "màu sắc chính trị"
* NGUYỄN THÀNH CÔNG (CCB)
Nhân đọc bài Trách nhiệm với non sông của ông Bằng Phong Đặng Văn Âu, tôi viết thư này muốn trao đổi, tâm sự với các bạn chống cộng quá khích, nếu bạn không phải là những người chống cộng quá khích thì không nên đọc.
Tôi sinh trưởng ở một tỉnh miền Bắc, vào quân đội, ra chiến trường nhưng không tham gia đơn vị chiến đấu mà ở đơn vị hậu cần. Vì vậy tôi chưa hề bắn súng vào bất kỳ ai. Tuy nhiên, trong một đợt ném bom của không quân Mỹ tôi bị thương, không nặng lắm, được đi điều trị, khi trở lại đơn vị thì miền Nam đã giải phóng.
Tóm lại, cuộc sống của tôi cũng bình thường như nhiều người khác. Vào mấy năm gần đây, gia đình tôi nằm trong diện phải giải phóng mặt bằng. Nói thế chắc các bạn biết rồi. Tôi gia nhập vào nhóm những người được gọi là dân oan, thường xuyên đến trước cổng cơ quan nhà nước đòi giải quyết quyền lợi mà chưa biết đến bao giờ mới xong.
Ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, tôi làm quen với nhiều người dân oan khác, tìm hiểu hoàn cảnh của họ. Hóa ra không phải chỉ có gia đình tôi, quê tôi đang bị nhà nước cướp đất mà khắp nơi trong nước đang diễn ra tình trạng cướp đất, ngày càng tàn khốc, ngày càng trắng trợn. Tôi cùng với nhân dân bị oan khuất bắt đầu đấu tranh, giúp đỡ lẫn nhau trong cơn hoạn nạn. Thế rồi những người bạn dân oan của tôi hướng dẫn tôi sử dụng mạng vi tính. Cả một chân trời thông tin ào đến với tôi. Từ mạng, tôi biết có nhiều người đang đấu tranh đòi quyền dân chủ, tự do cho đất nước. Cuộc đấu tranh của dân oan được các bạn ở hải ngoại ủng hộ trên mạng. Quả thật chúng tôi rất mừng. Tôi còn biết thêm nhiều bạn trước đây đã vượt biển, chịu bao sóng gió, nguy hiểm để đến được một nước nào đó. Đến nay những người ấy đếu thành đạt, sống ở nước ngoài mà vẫn đau đáu nhìn về quê hương. Nhiều bạn lên tiếng đòi dân chủ cho nhân dân, tự do cho tổ quốc. Tuy nhiên, đọc thông tin trên mạng có một số bạn, nhiều người gọi là “chống cộng quá khích” tôi rất lấy làm tiếc. Tôi nghĩ tâm nguyện của các bạn chống cộng quá khích chỉ muốn mang lại những điều tốt đẹp cho đất nước chứ không hề định cản trở cuộc đấu tranh của nhân dân. Nhưng các bạn nóng lòng sốt ruột, đặt ra những yêu cầu “quá khích”, nếu ai không đồng ý thì các bạn tập trung “ném đá” dữ dội, vô hình trung làm hại nhiều người tích cực đang đứng trong mũi nhọn của cuộc đấu tranh.
Có một lần vào Huế, tôi nói chuyện với một người lái xe ôm. Tôi hỏi: Trước năm 75 anh làm nghề gì? Trả lời: Tôi đi lính ngụy! Tôi nói: Anh không nên nói thế, phải nói là gia nhập quân lực Việt Nam cộng hòa oai hùng. Oai hùng chứ không anh hùng. Một quân đội vứt súng chạy như vịt thì không thể gọi là anh hùng, tuy trong đó cũng có những người đáng gọi là anh hùng. Mà tại sao các anh lại vứt súng bỏ chạy thế? Trả lời: Vì chỉ huy chạy hết rồi còn đâu! Tôi nói: Không nói thế được đâu, nếu chỉ huy chạy thì sao anh không lên nắm quyền chỉ huy để tiếp tục chiến đấu? Phải xử bắn tại chỗ những tên chỉ huy hèn nhát, rồi vừa chiến đấu vừa binh vận, thuyết phục chúng tôi trở về bảo vệ đồng bào miền Nam mới phải chứ? Đến đây thì người cựu binh quân lực Việt Nam cộng hòa im bặt, không trả lời được nữa. Tôi hỏi tiếp: Anh có là sĩ quan không? Trả lời: Sĩ quan cấp thấp. Lại hỏi: Thế tại sao năm 75 anh không rút súng tự xử để bảo vệ lý tưởng? Lại im lặng.
Tôi hỏi tiếp: Các anh có biết vì sao mình thua không? Trả lời: Vì các anh giỏi hơn! Tôi nói: Không phải, anh nhầm lớn, chúng tôi không giỏi hơn các anh. Tôi là một cựu chiến binh miền Bắc, được đảng và nhà nước đào tạo, giáo dục, khi vào miền Nam tôi thấy trình độ chung của chúng tôi kém các anh nhiều. Các anh có học hơn, sống với nhau có tình, ứng xử rất có văn hóa. Chẳng hạn khi vào thành phố hỏi đường, anh em miền Nam chỉ đường nhiệt tình, vui vẻ, dễ mến, mặc dù lúc đầu chúng tôi khó chịu vì có anh để tóc dài. Lại trả lời: Vì bên giải phóng được viện trợ nhiều súng đạn hơn! Tôi nói: Anh lại nhầm, lúc ở chiến trường chúng tôi không nhiều súng đạn hơn các anh. Lại trả lời: Vì miền Nam bị Mỹ bỏ rơi, còn miền Bắc được Liên Xô, Trung Cộng chi viện. Tôi nói: Anh vẫn nhầm, thế anh có biết năm 1972 tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc, báo Nhân dân ở Hà Nội đăng bài xã luận cho rằng bị phản bội không? Năm 1972 Trung cộng bắt tay với Mỹ, bỏ rơi Việt Nam. Nói bị bỏ rơi thì chính miền Bắc mới là người bị bỏ rơi. Tôi nói thêm: Khi QĐND Việt Nam tiến đến Xuân Lộc, anh có biết là các chiến sĩ quân lực VNCH đã chiến đấu kiên cường tới mức QĐND VN phải né tránh đi vòng đường khác không? Điều đó nói lên rằng một bộ phận quân lực VNCH (đáng tiếc cho các bạn, chỉ có một bộ phận chứ không phải là toàn quân) đã chiến đấu xứng đáng là người lính trên chiến trường. Nếu toàn thể quân lực VNCH chiến đấu như thế thì hôm nay các bạn không phải hối hận, những người như chúng tôi không phải lấy làm tiếc cho các bạn, cũng là cho chính chúng tôi. Tổ quốc Việt Nam cũng khác chứ không phải như hôm nay!
Nhiều khi tôi tự hỏi: Vì sao quân lực VNCH lại thua trận và sụp đổ hoàn toàn được nhỉ? Khi người Mỹ rút quân, đã để lại cho miền Nam một số lượng vũ khí khổng lồ, rất hiện đại. Chẳng hạn, theo đài Sài Gòn lúc ấy, không quân VNCH đúng thứ ba trên thế giới về số lượng. QĐND VN không được viện trợ khẩn cấp, chỉ dùng những thứ đã được viện trợ từ trước, tức là không hơn gì về vũ khí. Ngày hôm nay rất nhiều bạn cựu chiến binh quân lực VNCH đổ lỗi cho việc thiếu vũ khí, rồi bị Mỹ bỏ rơi… tôi thấy không thuyết phục. Nếu không chỉ đúng nguyên nhân của thất bại thì các bạn không rút được kinh nghiệm và sẽ lại tiếp tục thất bại thôi.
Vậy vì sao quân lực VNCH thất bại, nói rộng hơn vì sao chính quyền VNCH thất bại?
Chính quyền VNCH thất bại vì thiếu yếu tố căn bản quyết định sự tồn tại của nó, cũng là yếu tố quyết định thắng bại của mọi cuộc chiến tranh: yếu tố nhân dân. Bây giờ các bạn thử nhìn lại cuộc chiến từ đầu. Vừa lên làm tổng thống VNCH ông Ngô Đình Diệm đã hô hào “Bắc tiến”. Thậm chí nhà thơ Vũ Hoàng Chương còn làm thơ cổ vũ: Hẹn một ngày mai về cố đô / Lưỡi lê no máu rửa Tây hồ… Sau đó ông Diệm tung nhiều toán gián điệp biệt kích ra miền Bắc nhằm gây dựng lực lượng. Nhưng tất cả các toán gián điệp biệt kích đều bị bắt, không một toán nào đứng chân trên miền Bắc được. Thậm chí công an miền Bắc còn lập chuyên án, tổ chức bắt giữ các toán mới thâm nhập để thụ vũ khí, vật dụng…Ngược lại, nhiều tốp cán bộ miền Bắc trở vào Nam, xây dựng các khu căn cứ để nhận vũ khí từ ngoài Bắc chuyển vào, phát động chiến tranh du kích.
Tại sao Tổng thống Ngô Đình Diệm thất bại trong việc thâm nhập miền Bắc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại thắng lợi trong việc cử cán bộ thâm nhập miền Nam. Đấy là vì Chủ tịch Hồ Chí Minh khai thác tốt yếu tố nhân dân. Đất nước nào thì nhân dân cũng là tập thể có nhiều thành phần. Có bộ phận nhân dân luôn ủng hộ chính quyền, có bộ phận khác thì chống chính quyền, và có bộ phận chỉ biết làm ăn, không tham gia vào các phong trào chính trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh và đảng cộng sản đã khai thác sự ủng hộ của bộ phận nhân dân ủng hộ ông ngay tại miền Nam, vì vậy tạo dựng được các căn cứ để chuyển quân từ Bắc vào Nam tiến công đánh đổ chính quyền VNCH. Vào đầu năm 1975 QĐND VN có thể đưa xe tăng tiến vào các thành phố lớn ở miền Nam. Thế xăng ở đâu để cấp cho xe tăng? Các bạn cứ hình dung công binh miền Bắc đã lắp đặt đường ống dẫn xăng dầu vào sâu trong đất miền Nam, áp sát ngay các thành phố. Vì sao công binh miền Bắc làm được điều đó? Vẫn là yếu tố nhân dân.
Không có nhân dân, QĐND VN không đủ hậu cần cho cuộc tiến công, đương nhiên sẽ không có cái ngày 30/4/1975. Suôt cả cuộc chiến, quân lực VNCH có thể tấn công vào Căm-pu-chia, sang Lào nhưng chưa bao giờ tấn công ra miền Bắc. Vì sao vậy? Nếu tiến công ra Bắc để ngăn chặn chiến tranh từ gốc của nó thì sao? Các tướng lĩnh quân lực VNCH cho rằng quân miền Bắc xuất phát từ Căm-pu-chia tiến vào miền Nam nên tấn công sang để ngăn chặn từ xa, thế thì tại sao không tấn công tận gốc là miền Bắc? Lý do đơn giản vì nếu đổ quân ra Bắc thì chắc chắn thất bại. Kinh nghiệm cho thấy ngay việc tung các toán gián điệp biệt kích ra cũng không thành công, lấy cơ sở nào để nói tiến ra Bắc thắng lợi. Chúng ta lại thấy yếu tố nhân dân quyết định thắng bại trong cuộc chiến. Tôi có thể nói thêm: Tháng 4/1975, khi quân giải phóng tiến vào, người dân ở thành phố miền Trung bỏ chạy về phía Nam. Nếu giả định không phải là quân giải phóng tiến vào Nam mà là quân lực VNCH tiến ra Bắc thi cái gì sẽ xẩy ra? Chắc chắn nhân dân miền Bắc sẽ tiến hành chiến tranh du kích tại những vùng quân lực VNCH chiếm được. Nhân dân sẽ không bỏ chạy đâu, đó chính là nét khác biệt với tình hình ở miền Nam.
Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cộng sản bắt đầu thực hiện các chính sách cải tạo xã hội. Bản chất các chính sách này là sai, không phù hợp với tiến trình phát triển của nhân loại. Nền kinh tế xuống dốc làm nhân dân cả nước sống trong đau khổ triền miên. Chính sách đổi mới nửa vời tuy có làm đời sống thay đổi chút ít nhựng Việt Nam vẫn ngày càng tụt hậu so với các nước láng giềng. Đến lúc toàn khối XHCN Đông Âu sụp đổ thì đảng cộng sản Việt Nam mất chỗ dựa chính trị, bí bách phải bám vào Trung Quốc. Đây là chỉ dấu cho chúng ta biết các nhóm lợi ích điều khiển đảng cộng sản đã tách khỏi nhân dân. Kể từ đó các nhóm lợi ích giành giật nhau quyền lãnh đạo, chà đạp lên toàn thể nhân dân, vơ vét biến của chung thành của riêng nhóm lợi ích. Biểu hiện bề mặt của chuyện này là các chính sách cướp đất, rửa vàng…
Nhóm lợi ích đã trở thành giặc nội xâm tàn bạo nhất trong lịch sử 4000 năm dựng nước của dân tộc ta. Có áp bức thì có đấu tranh. Nhân dân bị áp bức nhiều tỉnh thành đấu tranh, nổi bật nhất là chống cướp đất. Cuộc đấu tranh của nhân dân, đặc biệt là dân oan toàn quốc đã và đang thức tỉnh ngay cả những đảng viên cộng sản lão thành, có nhiều năm cống hiến cho đảng. Đây là cuộc đấu tranh mà một bên là các nhóm lợi ích trong đảng cộng sản Việt Nam, một bên là toàn thể nhân dân Việt Nam, trong đó có cả các đảng viên trung kiên của đảng. Chúng ta cần đoàn kết toàn bộ những người yêu nước, yêu nhân dân, không kể đến quá khứ của họ. Những đảng viên “trung kiên”, “chân chính” của đảng cộng sản, nếu đứng về phía nhân dân thì cần được hoan nghênh, ủng hộ. Không nên đề ra những yêu cầu quá khích cho bất cứ ai, nhằm đoàn kết rộng rãi nhất với mọi người. Chúng ta đấu tranh không phải để “xả giận” cho thất bại trước đây, không phải để “trả thù” kẻ áp bức chúng ta, cho dù những kẻ áp bức ấy thực sự mất hết tính người. Chúng ta đấu tranh nhằm xây dựng một xã hội dân sự trên nước Việt Nam này, ở đó ai cũng được tự do, bình đẳng trước pháp luật, được quyền sống và mưu cầu hạnh phúc.
Tôi có lúc đã ngưỡng mộ, thán phục một số người chống cộng như Nguyễn Khoa Nam, Lý Tống… Nghe tin Lý Tống cưỡi lên máy bay, rải truyền đơn giữa Sài Gòn tôi hết sức thán phục. Đấy là hành động anh hùng giữa đời thường. Nhưng khi nghe chuyện Lý Tống xả thuốc mê vào ca sĩ Việt cộng trên sân khấu thì hình ảnh Lý Tống đã chết trong tôi. Lý Tống anh hùng đã trở thành Lý Tống côn đồ, vô văn hóa. Người ta không thể chống bọn vô văn hóa bằng hành động vô văn hóa, thiểu năng trí tuệ. Nhiều trang mạng ở nước ngoài dùng những từ ngữ như “bưng bô cộng sản” tự làm xấu đi hình ảnh những anh hùng chống cộng trong mắt tôi (ăn nói kiểu gì mà… mất vệ sinh thế?). Vậy thật ra các bạn là ai? Các bạn là những người anh hùng lỡ vận muốn cứu nhân dân đang chìm trong ách thống trị tàn bạo của nhóm lợi ích trong đảng cộng sản hay các bạn chỉ là đám đầu gấu bị mất quyền lợi muốn chiếm lại vị trí ăn trên ngồi trốc trước kia? Các cụ ta dạy: Người thanh ăn nói cũng thanh, các bạn hãy tỏ ra là những người hơn hẳn về văn hóa, có đũng khí, thông minh nhưng chưa gặp vận. Bây giờ là lúc vận nước đang đến, các bạn hãy dùng kinh nghiệm, khả năng của mình để giúp nhân dân vượt qua cơn bĩ cực, tên tuổi các bạn sẽ được người sau mãi mãi nhớ đến, biết ơn.
Tôi nhớ đến đêm 23/4/2012. Đấy là đêm mà nhiều anh em chúng tôi đã đến cánh đồng huyện Văn Giang, Hưng Yên, cùng nhân dân đốt lửa chờ đám giặc nội xâm đến cướp đất. Có người ở ngay trên cánh đồng với nhân dân, có nhóm “phục kích” ở xã bên, nếu giặc nội xâm cướp đất ban đêm thì sẽ chi viện nhân dân bằng đòn đánh úp từ phía sau lưng chúng. Chúng tôi là cựu chiến binh, có người là biệt động mà. Rồi chúng tôi bàn đi bàn lại: Có dùng vũ khí chống cưỡng chế hay không? Vì là các cựu chiến binh, nếu cần vũ khí thì chúng tôi sẽ có vũ khí. Nếu dùng vũ khí nghĩa là có người chết, nghĩa là sẽ có đàn áp khốc liệt, phần thiệt sẽ thuộc về nhân dân. Đến tận lúc trời mờ sáng mới đi đến quyết định: Đấu tranh hợp pháp, bảo toàn sinh mạng cho cả hai bên, bên bị cưỡng chế và bên đi cưỡng chế. Cần phải tận dụng tất cả tiếng nói của nhân dân, của các đảng viên cộng sản còn lương tri để chặn bàn tay tội ác của nhóm lợi ích tại Văn Giang. Để xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh, chúng ta phải học theo cụ Nguyễn Trãi: Dùng đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Đất nước đang trong những năm tháng khó khăn, rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía, và tôi tin các bạn là những người đại nghĩa, chí nhân, sẽ có phương thức hiệu quả giúp nhân dân trong lúc khó khăn này. 
(Nguồn: Quechoa )

9 nhận xét:

  1. Có lẽ VN là quốc gia dân chủ vào bậc nhất thế giới!Nhân dân VN hạnh phúc nhất nhì hành tinh!Vì ở Việt Nam tất cả đều thuộc về nhân dân:
    Quân đội ND,Công an ND,Uỷ ban ND,Tòa án ND,Nghệ sĩ ND,Giáo viên ND,Sở hữu toàn dân...
    Còn ĐCSVN chỉ trong VAI(diễn viên) TRÒ (vở kịch) LÃNH ĐẠO(đạo diễn)chứ không sở hữu bất cứ thứ gì! Thế mà bọn"Suy thoái đạo đức" vẫn to mồm đòi dân chủ,khiếu kiện,kiến nghị,đấu tranh.Tất cả thuộc về ND mà vẫn còn ít à?vậy thì cho thêm:Cưỡng chế ND,giá xăng ND,tham nhũng ND.

    Trả lờiXóa
  2. Mãi nay tôi mới được đọc câu này của cụ Vũ Trọng Khánh mà thích.

    Lời nói đầu của ông Vũ Trọng Khánh trong bài Tư pháp (trả lời ông Quang Đạm):
    “Tiếp theo bài của ông Quang Đạm trong Sự thật số 102, 103 ,104, ở đây tôi sẽ trình bày lý lẽ một cách điềm đạm và cụ thể, cố tránh lối văn hùng hồn và trừu tượng nó chỉ khêu gợi cảm tình mà không làm cho người ta hiểu được rõ, cũng cố tránh những lời châm biếm, nó chỉ sướng mồm kẻ nói, mất lòng người nghe mà chẳng giúp thêm lý lẽ cho trí phán đoán của độc giả”. (Báo Sự Thật số 115, ngày 10/07/1949).
    Chưa kể nội dung, chỉ cái cách ăn nói với nhau, thái độ đã đáng nể rồi. Đúng là phong thái kẻ sĩ. Trân trọng nhau, chứ không cãi vã, chửi đổng.
    Sáu lăm năm trước các cụ tranh luận vậy; còn bây giờ xem con cháu cãi nhau mà chán. Nhiều bài: Tít thì dật bổ ngửa, qui chụp văng mạng, lập luận lỏng lẻo, nhưng dương dương cứ như mình độc quyền hiểu biết. Vậy thì thuyết phục sao được người đọc, chứ nói chi đến người đối diện. Thú thực liếc qua bài kiểu đấy đã biết ngay tác giả muốn phang cái gì, muốn báng bổ ai rồi. Và nó chả giúp gì xây dựng đất nước hay hòa hợp dân tộc cả.
    Ước gì các ông/bà thích nói, viết hãy noi theo các cụ: "Tiên học Lễ, hậu học Văn". Lễ nghĩa với nhau cái đã, rồi hãy nói chuyên Văn (bàn quốc sự) thì mới có hiệu quả được.
    Nguyễn Tử Siêm

    Trả lờiXóa
  3. Chỉ Cần , đừng gọi 30/4/75 là ngày chiến thắng MN , đừng xem nó là ngày Quốc hận . Thì 30/4/75 sẽ không còn là ngày của một nữa dân tộc vui và một nữa dân tộc buồn .

    Hãy gọi đó là ngày chiến sỹ trận vong chung cho tất cả mọi người Việt đã nằm xuống trong cuộc chiến tương tàn huynh đệ . Cũng có thể gọi nó là ngày kỷ niệm chấm dứt cho cuộc chiến tang thương 54-75 . Ngày mà tất cả mọi người Việt có thân đã nằm xuống trong cuộc chiến này , đều có thể đặt một cành Hoa tưởng nhớ về người đã khuất , đồng thời cũng là một nhắc nhở cho con cháu mai sau , không phân biệt Nam Bắc , Quốc , Cộng .

    Nhân hôm nay là ngày 30/4/2013 . Xin tất cả mọi người VN hãy cho ngày này một danh xưng đúng nghĩa . Chỉ Cần ngày này có danh xưng đúng nghĩa , thì dân tộc tự thân Hoà giải , không Cần phải tốn Công sức kêu gọi hay tranh luận .

    Nếu ĐCSVN làm được điều này , thì thành phần chống Cộng cực đoan Hải ngoại chắc cũng sẽ tịt ngòi Quốc hận .

    Trả lờiXóa
  4. Yếu tố nhân dân là yếu tố gì , để MN phải thua MB ?

    Có phải chăng người MN chiến đấu với danh nghĩa bảo vệ tiền đồn , MTGPMN và miền Bắc chiến đấu với danh nghĩa sinh Bắc , tử Nam , phải chiếm cho bằng được chính là giải phóng MN ?

    Như vậy , MN thua vì nhân dân MN hiếu Hoà , yêu chuộng Hoà Bình , không thích chiến tranh . Người miền Bắc , bị tuyên truyền , bị tẩy não đã quyết tâm , cũng đồng nghĩa hiếu chiến hơn trong cuộc chiến này .

    Chính Hiệp định Paris 73 khiến cho tinh thần hiếu Hoà của người MN khởi sắc mạnh mẽ . Chính tinh thần hiếu Hoà , yêu Hoà Bình của người MN đã đưa đến ngày 30/4/75 .

    Yếu tố hiếu Hoà , chán ghét chiến tranh dai dẳng , chỉ biết sợ CS , là nguyên nhân chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng , gây nên nhiều bất ngờ . Tiếc rằng , chính yếu tố hiếu Hoà của nhân dân MN đã mang lại cho chính MN những hệ quả đắng cay nhất trong lịch sử dân tộc được độc lập và thống nhất .

    Trả lờiXóa
  5. Hoan hô bác cựu chiến binh Nguyễn Thành Công. Bác viết rất có lý có tình. Những suy nghĩ của bác về cuộc chiến trước đây và về sự đấu tranh bảo vệ lẽ phải hiện nay hết sức thuyết phục. Ai được nhân dân ủng hộ, che chở người ấy, chế độ ấy sẽ thắng và tồn tại, ai phản bội nhân dân sẽ bị thất bại và chắc chắn sẽ tiêu vong. Cảm ơn bác Công đã nói đúng nguyên nhân thắng lợi và thất bại của một chế độ. Rất tiếc nếu các quan của ta không đọc bài viết này!

    Trả lờiXóa
  6. Khá hay... ho. Tác giả thuộc trường phái Bất bạo động. Có điều tác giả nhận mình là "biệt động" có gì không ổn. Lính biệt động thuộc phe VNCH, còn bộ đội phải là lính đặc công.

    Trả lờiXóa
  7. Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Chắc chắn nhiều người không đồng ý. Cuộc sống có nhiều hình thức để thực hiện.

    Trả lờiXóa
  8. Ai đã ngu xuẩn tự xưng "Miền Bắc tiền đồn của phe XHCN"? Ai tuyên truyền nhồi sọ bảo "tư bản giẫy chết"? Ai tạo ra hàng nghìn dân oan?...
    Sau 30/4/75 non sông một dải nhưng dân VN được gì ngoài thực trạng bất công, chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn trong xã hội, “Tham nhũng, tiêu cực nhìn ở đâu cũng thấy, sờ ở đâu cũng có”...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. “Tham nhũng, tiêu cực nhìn ở đâu cũng thấy, sờ ở đâu cũng có”... -> “Bất công, nghèo khổ nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có”...

      Xóa