Translate

Trang BVB1

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2013

Doanh nghiệp Việt 'nuôi' mãi không lớn

                Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt những DN trung bình đóng vai trò là cầu nối, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và báo động về môi trường hoạt động sản xuất kinh doanh.

 "Nuôi" mãi không lớn
           Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), mới đây đã công bố kết quả cuộc khảo sát 1.999 doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, sau hai năm 2009-2011 phát triển chỉ có 31 DN nhỏ và siêu nhỏ lớn thành quy mô vừa, nhưng lại có tới 133 DN có quy mô vừa và nhỏ thu lại thành siêu nhỏ.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng vừa công bố Báo cáo thường niên DN Việt Nam năm 2012. Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, cho biết, trong 10 năm qua, Việt Nam đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh với 700.000 DN đăng ký kinh doanh, nhưng hiện tại không còn nhiều trong số đó trụ lại được. Số còn hoạt động tính tới đầu năm 2013 là 300.000 DN.
Điều đáng nói là số DN siêu nhỏ trong nền kinh tế ngày càng tăng khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ thiếu hụt những DN cỡ trung bình. Xét theo tiêu chí lao động thì số lao động bình quân trong DN đã giảm từ 74 lao động năm 2002 xuống còn 34 lao động vào năm 2011, tương ứng với quy mô DN nhỏ.
Sự suy giảm quy mô lao động bình quân của DN bắt nguồn từ suy giảm quy mô của DN khu vực ngoài nhà nước. DN ngoài nhà nước đã giảm quy mô lao động từ 31 lao động năm 2002 xuống còn 22 lao động năm 2011.
DN nhỏ và vừa, lãi suất, siêu nhỏ, thiếu hụt, lao động, quy mô, vốn, chính sách.
Trong số 4.600 DN có quy mô siêu nhỏ hoạt động từ 2002 thì đến 2011 vẫn có 2/3 trong số này giữ nguyên quy mô.
                 Đi sâu vào nghiên cứu sự thay đổi của các DN. Bản báo cáo chỉ ra rằng, trong số 4.600 DN có quy mô siêu nhỏ hoạt động từ 2002 thì đến 2011 vẫn có 2/3 trong số này giữ nguyên quy mô. 1/3 DN còn lại thì chỉ có trên 30% phát triển được lên quy mô nhỏ, còn đa số thu hẹp quy mô lao động và trở thành DN siêu nhỏ vào năm 2011, chiếm 18,23%. Số có thể “lớn lên” quy mô vừa và lớn không đáng kể, chỉ trên 2%. Trong khi đó, có tới 34% doanh nghiệp có quy mô lớn năm 2002 đã bị giảm quy mô.
               Đặc biệt, doanh nghiệp có quy mô vừa có sự thay đổi mạnh theo chiều hướng giảm đi. Có đến gần 39% số DN vừa chuyển thành các DN có quy mô nhỏ vào năm 2011 và 5,12% chuyển thành siêu nhỏ. DN vừa cũng có sự thay đổi mạnh nhất, chỉ trong vòng 2 năm 2010-2011 có tới 40% số DN thay đổi quy mô lao động theo hướng thu hẹp lại.
                Theo thống kê, đến năm 2011 có 99% doanh nghiệp siêu nhỏ là ngoài nhà nước. Rõ ràng, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu doanh nghiệp quy mô vừa, đủ lớn để đóng vai trò là cầu nối, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Hằng cho biết.
                Không chỉ thu hẹp quy mô mà số DN thua lỗ cũng tăng lên. Tỷ lệ thua lỗ cao vào năm 2006 ở mức 30,2% sau đó có giảm, nhưng đặc biệt đến 2011 lại tăng lên tới gần 42%. Tăng đột biến thuộc về các DN ngoài nhà nước, từ mức dưới 30% giai đoạn 2002-2010 lên 42% vào năm 2011.
             Trong khi đó, tốc độ tăng tổng nguồn vốn luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng của số lượng doanh nghiệp, của lao động. Điều này cho thấy DN đang phát triển dựa vào tăng trưởng vốn chứ không dựa nhiều vào tăng trưởng lao động. Đây dường như là một nghịch lý khi Việt Nam luôn tự coi có lợi thế về nguồn lao động nhưng sự phát triển của kinh tế thời gian qua lại không tập trung vào khai thác lợi thế này - bản báo cáo viết.
                 Những nguyên nhân được chỉ ra là do trình độ, kinh nghiệm, kiến thức, tầm nhìn của DN Việt Nam còn hạn hẹp, năng lực cạnh tranh yếu, tiếp cận thị trường khó khăn, thiếu vốn, lãi vay cao và chính sách thiếu ổn định, thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan Nhà nước... cộng với kinh tế thế giới suy thoái khiến cho các DN khó phát triển.
 
Bị bỏ mặc
            Tuy nhiên, về phía các DN lại có nhìn nhận khác. Trao đổi với PV.VietNamNet, rất nhiều DN nhỏ và vừa cho biết họ không có ý định mở rộng sản xuất kinh doanh. Lý do quan trọng nhất là họ không thấy có sự hỗ trợ hay khuyến khích DN mở rộng quy mô từ phía Nhà nước.
               Chủ một cơ sở sản xuất dây cáp điện ở Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, do chi phí thuê mặt bằng sản xuất giảm mạnh, nên cơ sở này mới đây đã thuê được 50.000 m2 đất giá rẻ, dự định mở rộng sản xuất kinh doanh. Song kế hoạch này tạm phải gác lại bởi tính đi tính lại thấy không có hiệu quả. Ngoài tiền gia đình bỏ ra, đơn vị này ước tính phải vay thêm 2 tỷ đồng để đầu tư cho sản xuất, nhưng lãi vay tới 14% tính ra quá cao sản xuất kinh doanh không có lợi nhuận.
               “Nếu được ưu đãi vay với lãi suất thấp, được hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực quản lý hay tiếp cận thị trường... thì chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng quy mô, ít nhất là lao động từ 10 người lên 25 người... Nhưng chúng tôi không hề nhận được những hỗ trợ cần thiết và cũng không biết tìm sự hỗ trợ đó ở đâu”, ông chủ cơ sở ca thán.
                  Thậm chí có DN cho biết trở thành "cá lớn" rất nguy hiểm, dễ bị phát hiện, dễ bị sâu xé, vì vậy nên xé nhỏ ra để dễ tồn tại. Làm lớn không được hỗ trợ lại hay bị yêu sách, quấy nhiễu sẽ rất mệt mỏi.
                Thực trạng số DN đăng ký với quy mô ngày càng nhỏ đi và hiện tượng DN ngừng hoạt động và giải thể với số lượng lớn trong năm 2012 vừa qua đặt ra nhiều vấn đề đối với chính sách phát triển DN.
                Theo ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ (1993-2006), thời gian qua, do không được quan tâm đúng mức, các DN nhỏ và vừa gần như không lớn lên được.
                  Chẳng hạn, các DN nhỏ và vừa luôn thiếu vốn, cần được hỗ trợ với lãi suất thấp. Việt Nam cũng đã thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng nhưng mới chỉ áp dụng ở 13 tỉnh thành và hầu như chưa hoạt động. Thuế thu nhập DN cũng nói nhiều, DN muốn hạ xuống 20% nhưng đến nay vẫn đắn đo.

            Ông Tuấn cho biết, chưa thấy việc theo dõi, tập hợp, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN nhỏ và vừa. Mặc dù cũng có hiệp hội của các doanh nghiệp này cũng có, nhưng chưa đủ mạnh và chưa giúp được nhiều cho họ.
            Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, xong các điều kiện kinh doanh của DN mới thành lập không phải là là lúc nào cũng đầy đủ. Giải pháp lúc này là Nhà nước cần có một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ DN, đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa.
               Cần xác định rõ mục tiêu chính sách và nhóm đối tượng hỗ trợ, để từ đó chính sách sẽ tạo điều kiện kinh doanh chứ không chỉ dừng lại những ưu đãi hậu kinh doanh. Cho đến nay, ngoài chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho DN nhỏ và vừa, hầu hết các biện pháp hỗ trợ đều là các giải pháp chung cho các DN hậu sản xuất.
(TintứcOnline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét