Translate

Trang BVB1

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

Quan bà và 'cuộc tình' của các quan chức...

Trong mối quan hệ phối ngẫu ấy, đố biết, ai sẽ là kẻ "lụy" ai?
Ảnh minh họa
              VnN - Ngày 17/4 vừa qua, hàng triệu người dân Anh và hơn 2300 nhân vật đại diện cho 170 quốc gia toàn thế giới, đã kính cẩn cúi đầu tiễn biệt bà M. Thatcher, cựu Thủ tướng nước Anh (từ 1979 đến 1990)- một nguyên thủ, một chính trị gia vĩ đại trong lịch sử chính trị đương đại.
Một người đàn bà đẹp và tầm vóc lớn lao, bằng trí tuệ và bản lĩnh phi thường đã làm nên cơ đồ - vực dậy được một nền kinh tế khủng hoảng của quốc gia này, người đứng thứ 16 trong danh sách 100 người Anh vĩ đại nhất mọi thời đại.
Giữa thanh gươm và đàn bà, Khổng Tử cũng phải... đổ
             Ngược lại, trong lịch sử thế giới, cũng không hiếm những người đàn bà đẹp... phá hỏng cơ đồ của các bậc đế vương, như Đát Kỷ, Tây Thi, Dương Quý Phi. Họ- những người đàn bà đẹp có một "quyền lực mềm", một "sức mạnh mềm" ma mị đến mức, có thể xuyên thủng bất cứ sự rắn lòng nào của các bậc tu mi nam tử.
            Chẳng thế, đã có một câu nói đầy tính triết luận về cái "sức mạnh mềm, quyền lực mềm" này: Khổng Tử, giữa thanh gươm và một người đàn bà, cũng phải đổ. Đàn bà đáng yêu và cả đáng sợ. Đáng kính và cả đáng...ghê!
             Ở xã hội ta, từ xa xưa, dân gian cũng đã có câu tổng kết thâm thúy: Lệnh ông không bằng cồng bà.
              Giữa thời kinh tế thị trường còn nhiều mày mò, nửa đêm nửa ngày, nửa sáng nửa tối, cái cồng bà cũng vô cùng đa dạng.
               Không phải ngẫu nhiên, cách đây ít lâu, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã có hẳn một hội thảo nghiêm túc tại Đà Nẵng - "Mối quan hệ không bình thường giữa một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, quyền với doanh nghiệp để trục lợi".
                Tại hội thảo này, lần đầu tiên, một vấn đề rất tế nhị và khá nhạy cảm đã được hội thảo đưa ra và cảnh báo. Đó là hiện tượng "quan bà"- phu nhân các quan chức cùng làm ăn với các DN, để DN lấy làm bình phong trục lợi.
               Nói cho công bằng, sự trục lợi này đâu chỉ một phía. Khi mà anh có tiền, chồng tôi có... quyền. Nó không hề mới mẻ. Có điều khi được đưa ra công khai giữa thanh thiên bạch nhật, thì mối quan hệ "đặc biệt" này, hẳn mang tính phổ biến, tính xã hội?
             Cũng chả cứ phải là quan bà dính dáng đến DN. Có khi chỉ là...cận quan bà, cũng có thể làm nên "sự nghiệp" báo hại tai tiếng, khiến xã hội phải bất bình.
              Như vụ việc của bà Trần Hồng Ly, nữ phó Phòng Quản lý DN - lao động Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Trà Vinh mới đây, được hàng trăm bài báo mạng khai thác đưa tin, sau khi bà này "quậy tưng" cả Văn phòng UBND tỉnh, chửi bới, thóa mạ thô tục những cảnh sát bảo vệ, được báo chí mô tả bằng cụm từ - lộng hành khắp tỉnh. Chỉ vì bà đi tìm...chùm chìa khóa mà lái xe của Chủ tịch tỉnh - ông Trần Khiêu - cầm.
                 Vì sao một người đàn bà trẻ, xuất thân từ cô nhân viên đánh máy, bình thường cũng là loại "vô danh tiểu tốt" trong xã hội, bỗng chốc trở nên nổi tiếng bởi... tai tiếng đến vậy, chỉ vì những lý do lãng xẹt, không đâu vào đâu. Nếu như người đẹp này không có những ...thế mạnh. Đó là mối quan hệ thân thiết với ông Chủ tịch tỉnh?

                 Vì sao mà đơn vị quản lý bà Trần Hồng Ly, mặc dù đã có quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc bà này, buộc xử lý khai trừ Đảng vì vi phạm đạo đức, lối sống nhưng lại phải chịu không ít áp lực từ trên tỉnh? Gặp không ít lực cản can thiệp, thậm chí là "thanh tra toàn diện" lại, theo kiểu như họ nói- là bới lông tìm vết ông Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lê Tấn Lực? Đây là cuộc chiến mâu thuẫn nội bộ giữa hai phía, hay là đòn "trả đũa" vì đơn vị này đã dám kỷ luật bà Trần Hồng Ly?
                 Cho dù chỉ là "tình anh em thân thiết", theo cách phân trần, thanh minh thanh nga của ông Trần Khiêu, chứ không phải trai gái bồ bịch như dư luận Trà Vinh xầm xì, thì để vụ việc, một người đàn bà trẻ cậy thế, hành xử lăng loàn, vô văn hóa giữa chốn công đường, trong các mối quan hệ công tác theo kiểu dọc ngang nào biết trên đầu... bà có ai, ở địa bàn tỉnh mình quản lý, là khó chấp nhận.
                 Ngay cả khi, vì mệt mỏi hay vì lý do gì khó nói đi nữa, ông xin nghỉ hưu trước tuổi, nhân danh "không tham quyền cố vị", thì mối quan hệ công- tư không rõ ràng, đã để lại hệ lụy nặng nề hơn ông tưởng. Đó là lợi thì có lợi, nhưng danhkhông còn.
               Vô tình ông Chủ tịch tỉnh Trà Vinh dung dưỡng cho bà Trần Hồng Ly "múa" minh họa lại câu ca dao từ ngàn xưa ông bà ta để lại: Người trên ở chẳng chính ngôi/ Khiến cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào. Đựợc biết, mới đây, ông Trần Khiêu đã được chấp nhận nghỉ hưu trước độ tuổi.
Ai suy thoái?
               Suy thoái là nỗi lo ngại rất lớn của vị lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất trong Đảng, phát biểu cách đây ít lâu, trước phẩm chất, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
               Hội thảo của UBKTTƯ tổ chức tại Đà Nẵng đã bóc được lớp vỏ, còn cuộc sống đang bóc trần bản chất của sự suy thóai.
               Có điều, kinh tế thị trường đa dạng, thì sự suy thoái cũng muôn hồng nghìn tía. Nó không bao giờ xa rời được ma lực của hai chữ quyền +tiền. Mà trong lịch sử nhân loại, thì nghề kinh doanh lớn nhất, và mặt hàng lãi nhất đã có một nhân vật khai phá tiên phong. Đó là Lã Bất Vi, thời nhà Tần của Trung Hoa cổ đại, với đoạn đối thoại nổi tiếng từ ông bố truyền khẩu cho: Thưa cha, buôn gì lãi nhất? Buôn vua!
Thời nước Việt hiện đại, buôn vua không được, thì ...buôn quan có được?
                Kết cục, nói như nhà báo Bùi Hoàng Tám, nó dẫn đến những "cuộc tình" bất thường, nhưng nhan nhản trong xã hội hiện nay- giữa các quan chức và DN.
               Đó thực ra chỉ là là sự "kế thừa" những phẩm chất gian hùng của nhân vật "con buôn" Lã Bất Vi danh bất hư truyền trong lịch sử. Có điều, thực tiễn bây giờ nó đáng buồn hơn nhiều, vì những "cuộc tình" đó luôn khoác chiếc áo vì dân, vì cộng đồng địa phương...
             Ở góc nhìn xã hội, một chuyên gia kinh tế cao cấp thẳng thắn khái quát, quyền lực đang bị "thương mại hóa" mạnh mẽ đến mức, các DN hiện nay phải dành rất nhiều tiền bạc và thời gian để chăm sóc các mối quan hệ với quan chức.
                Chỉ cần có mối quan hệ rồi thì đút lót để được dự án này, công trình kia.Hệ quả của việc này là đẻ ra nhiều chính sách méo mó theo hướng chỉ có lợi cho nhóm lợi ích.
               Nhưng nguy hiểm hơn, "cuộc tình" này không chỉ là lợi ích quyền+ tiền đơn thuần, nó còn mang màu sắc chính trị, như ông Bùi Văn Tiếng (Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng) đã gọi thẳng tên, đó là vấn đề nhóm lợi ích và lợi ích nhóm: Có những cán bộ, đảng viên vì nhóm lợi ích còn tạo thế chính trị cho một số doanh nhân hữu danh vô thực, thông qua việc đỡ đầu để họ trực tiếp tham chính vào cấp ủy hoặc các cơ quan dân cử.
                 Còn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ, trong trả lời phỏng vấn báo chí, đã nhận xét: Hiện tượng này (quan chức và DN cấu kết) ngày một nghiêm trọng hơn, tinh vi hơn, do mối quan hệ lợi ích trong xã hội ngày càng chằng chịt, phức tạp hơn.
... Hiện tượng đáng lo ngại đó không chỉ xảy ra ở những dự án cụ thể, DN tìm lợi ích từ mối quan hệ "cửa sau" nhà quan, mà  râm ran trong dư luận về những cuộc chạy chức, chạy quyền, cầm cờ là những DN lo hậu cần, tài chính giúp cho những ứng viên trong cuộc đua ấy.
Trong mối quan hệ phối ngẫu ấy, đố biết, ai sẽ là kẻ "lụy" ai?
               Một khi đã "lụy" thì các chính sách được ban hành, sẽ phải phục vụ cho lợi ích của ai? Nếu không, lấy tiền đâu để "chạy chức, chạy quyền"?
                Khái niệm nhóm lợi ích nó cụ thể và hổ thẹn, vì nó là sự suy thoái về phẩm chất của các quan chức, mang tính hệ thống, đồng bọn. Nó làm lệch lạc những quyết định an sinh trong đời sống cộng đồng, khi nó chỉ còn phục vụ cho mỗi lợi ích của hai phía- quan chức và DN, nhưng lại rất...chính danh.
              Như vụ việc mới đây của tỉnh Bình Phước. Cũng lại là chuyện một ông Chủ tịch tỉnh- Trương Tấn Thiệu ( nay đã bị miễn nhiệm) cùng bộ sậu- cả thảy 17 người, đã phải "móc túi" trả trên 25 tỷ đồng. Trong quá trình lãnh đạo, quản lý điều hành, ông này đã nhiều lần vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, ký một số quyết định có nội dung trái quy định pháp luật, làm thất thu ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng.
                Đứng xếp hàng sau ông Trương Tấn Thiệu là một lô các quan chức cấp dưới, ông Phó Chủ tịch tỉnh Nguyễn Văn Lợi, các ông Giám đốc Sở Tài chính, nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh...v..v và v. v.. Một tỉnh, mà cả dây quan chức cốt cán tỉnh hầu hết đều phạm tội, thì người dân hưởng lợi được những gì?
               Như vụ việc Vũ Quốc Hảo, Tổng Giám đốc ALC II (Công ty Cho thuê tài chính II thuộc Ngân hàng Agribank) cùng đồng bọn, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ đã 'rút ruột" tới 795 tỷ đồng, riêng ông này "xơi" tới gần 80 tỷ đồng. Đồng bọn của Vũ Quốc Hảo là một chục vị còn lại cũng hầu hết đều là quan chức có máu mặt trong giới tài chính ngân hàng, bị truy tố bởi các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản...
              Sự suy thoái của các cán bộ, đảng viên bình thường, chỉ làm mất lòng tin của người dân. Nhưng sự suy thoái của một số quan chức chủ chốt mang tính "cộng sự, hệ thống", thì ảnh hưởng và tác động nguy hiểm của nó lớn hơn nhiều. Nó làm suy thoái ngay chính xã hội, suy yếu thể chế kinh tế, và hệ thống chính trị vốn cũng đang rất cần đổi mới, điều chỉnh để phù hợp quy luật thực tiễn và sự phát triển.
              Cách đây không lâu, Đề án tái cơ cấu kinh tế được phê duyệt (2013- 2020), được đưa ra để các nhà quản lý kinh tế, các chuyên gia kinh tế trao đổi. Trong bối cảnh kinh tế xã hội tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 13 năm trở lại đây. Đây cũng là năm nợ xấu tăng tới 64% so với năm 2011 và tại thời điểm cuối năm 2012, mà theo Phó GS. TS Trần Đình Thiên, chiều hướng này vẫn có thể tiếp tục. Đó là một thử thách không nhỏ.
              Nhưng một thử thách không nhỏ khác, mà các chuyên gia kinh tế tiếp tục cảnh báo: Lực cản rất lớn của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chính là sự bùng lên của các nhóm lợiích quá mạnh. Không chỉ riêng khu vực DN Nhà nước, vốn được cưng chiều, nương nhẹ như... cậu ấm, mà giờ đây, khu vực nào cũng có. Trong khi hệ thống giám sát, kiểm tra, thanh tra, quản lý, sự công khai và minh bạch thông tin lại... quá yếu. Trong khi cơ chế xin- cho, thực chất vẫn chi phối mọi quan hệ.
               Sự thay đổi nền tảng cơ chế quản lý kinh tế- xã hội, được mở đầu bằng cuộc góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2012, vì thế mà cực kỳ quan trọng. Nước Việt "hóa rồng" hay tiếp tục tụt hậu, được quyết định ở tầm nhận thức về thời cuộc, thời đại, ở trí tuệ có mẫn tiệp, biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hay không?
                Liệu ở ngay công cuộc tái cơ cấu kinh tế sinh tử này, "cuộc tình" các quan chức- DN có tiếp tục bền vững, chung thủy không nhỉ?
               Chợt nghĩ về đám tang của "Người Đàn bà Thép vĩ đại" M. Thatcher. Từng đứng đầu Chính phủ một quốc gia tư bản giàu có, hùng mạnh, nhưng đám tang của bà thật giản dị, ít tốn kém. Như đã làm quan chức, biết vì quốc gia, vì dân là phải thế.
               Và chợt nghĩ tới phát ngôn cực kỳ ấn tượng của ông Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An: Đánh giá chính xác phẩm chất quan chức, không phải nhân dân, cũng không phải các nhà báo, mà chính là các ...doanh nghiệp.
Kỳ Duyên (VnN)
---------------

1 nhận xét:

  1. danh do mot trieu dai suy tan mot la ngoai bang hai la nhan dan....

    Trả lờiXóa