Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

MỘT TẦNG LỚP TRUNG LƯU CHO VIỆT NAM

* ALAN PHAN
                “Chúng ta phải chú tâm vào lợi ích của những gia đình trung lưu để tạo một nền kinh tế ổn định. Như cha tôi, mỗi đêm Chúa Nhật, phải mất ngủ đi quanh nhà suy nghĩ tìm cách mưu sinh, trong khi con cái ông, nằm trong chăn ấm cúng, mơ về những giấc mộng lớn. Những gia đình không chắc là sáng Thứ Hai sẽ có được gì, nhưng luôn luôn tin rằng những ngày tốt đẹp của quốc gia đang đợi chờ trước mặt” (Charles Schumer).
                Trong bài nói chuyện tại Café Thứ Bẩy hôm 6 tháng 4 năm 2013 cho khoảng 80 bậc trí giả ở Saigon, tôi đã mạo muội múa rìu qua mắt thợ và bầy tỏ quan điểm của tôi về đề tài khá bao quát,” Những điều kiện tiên quyết để tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh”. Dĩ nhiên, tôi phải đón đầu đây là những tư duy rất sơ đẳng, hoàn toàn chủ quan từ góc nhìn cá nhân và đòi hỏi các khảo cứu sâu rộng cùng phản biện trí thức khác.
                Theo tôi, 3 điều kiện đó là: (a) một thể chế chính trị hiện đại (b) một nền giáo dục tự do và thực tiễn và (c) một hệ thống tài chánh liên thông với thế giới. Nhưng trên hết là một tầng lớp trung lưu để nâng đỡ và nuôi dưỡng nền kinh tế này.
Tôi không được phép nói thêm về điều kiện chính trị và chỉ có thể bàn qua về nền giáo dục hay hệ thống tài chánh.
Môi trường giáo dục
                 Ai cũng biết người Việt là một trong những dân tộc hiếu học nhất. Bản chất thông minh, sinh viên Việt đã tạo những thành quả ấn tượng tại khắp các học đường trên thế giới. Các bậc phụ huynh cũng coi chuyện đầu tư vào giáo dục của con em là lựa chọn hàng đầu. Tại Việt Nam, có trên 20 triệu sinh viên học sinh, vài chục ngàn tiến sĩ và cả triệu cử nhân đã được đào tạo trong nước.
               Tuy nhiên, sự đóng góp của giáo dục trong nền kinh tế gần như rất thấp vì khả năng của sinh viên ra trường thua kém chuẩn mực đòi hỏi của nghề nghiệp quá xa. Một thí dụ tôi hay kể là hãng Intel cần 120 chuyên viên trung cấp cho nhà máy ở Thủ Đức của họ. Trong số gần 2,000 ứng viên xin việc, họ chỉ nhận vài chục người, số còn lại phải nhập khẩu chuyên viên từ Mã Lai hay Philippines. Ngay cả những ngành học không cần cho ứng dụng kinh tế như khoa học nhân văn, tự nhiên, sư phạm… các sinh viên ra trường cũng thua xa các bạn đồng nghiệp tại Đông Nam Á.
                 Hệ thống đại học Mỹ được xem như là tối ưu trong các xếp hạng; dù các trường tại Âu châu có thể đã tồn tại lâu hơn. Lý do chính là chánh phủ Mỹ không bao giờ can thiệp vào giáo trình hay điều hành của bất cứ đại học nào,dù nhiều đại học công có nhận tài trợ từ ngân sách tiểu bang. Sự tự do này đem đến một sáng tạo rất đa chiều đa dạng.
               Yếu tố giáo dục này đã đem một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho nền kinh tế Mỹ; nhất là khi những sinh viên ngoại quốc của các trường đại học Mỹ quay về bản xứ để nắm các chức vụ quản lý quan trọng trong lãnh vực chánh phủ hay tư nhân. Tầm nhìn hay tư duy hay phương cách làm việc rất thích ứng với nền kinh tế toàn cầu do Mỹ đề xướng.
Hệ thống tài chánh
               Vì đây là nền kinh tế toàn cầu nên cội rễ tài chánh (huyết mạch của hệ thống) phải có cùng một hệ điều hành. Một phần mềm cho IPhone không chạy trên các điện thoại Android hay ngược lại. Đó là lý do nền kinh tế Trung Quốc, mặc cho sự tăng trưởng ấn tượng và số lượng dân, vẫn tiềm tàng nhiều bất ổn, nhất là khi các siêu cường áp lực Trung Quốc phải để cho đồng nhân dân tệ (yuan) thả nổi và tự do hoán chuyển.
              Ngày nào mà Việt Nam chưa dám cho tiền “VN đồng” hội nhập vào hệ thống tiền tệ thế giới thì chúng ta vẫn chỉ đá bóng trên sân nhà, với những quy luật riêng, không giống ai và không thể ra biển lớn để thi đua hay thu hút khán giả. Nền kinh tế sẽ bị giới hạn và luôn thu nhỏ, lệ thuộc vào nghị quyết của chánh phủ và những con cá mập tư bản nước ngoài có liên hệ chính trị với các quan chức và đại gia. GDP có thể tăng trưởng (dù không mấy ai ngoài cuộc tin vào các số liệu này) nhưng dòng tiền đầu tư chính thống (rất dồi dào trên thế giới) vẫn sẽ không đến với Việt Nam.
               Thêm vào đó, để 3 diều kiện trên tồn tại và phát triển, chúng ta cần một tầng lớp trung lưu để nuôi dưỡng và bảo đảm sự vững mạnh cùng sáng tạo này của nền kinh tế.
Trung lưu là nền tảng
               Dựa trên kinh nghiệm của Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…, tôi cho rằng tầng lớp trung lưu đã đóng góp rất tích cực vào sự phồn thịnh của các quốc gia này.
              Trước hết, tầng lớp này là những “con kiến” cần cù xây dựng ngày đêm trong công việc được giao phó để tạo một phân khúc sản lượng cao nhất của GDP. Vì tạo được thu nhập lớn theo số đông, họ cũng là những người dân đóng thuế nhiều nhất cho ngân sách quốc gia. Sự đóng góp của họ còn thể hiện qua nhu cầu tiêu dùng, vốn tiết kiệm trong các ngân hàng, quỹ đầu tư và các hoạt động thiện ích ngoài xã hội.
               Nhờ các hệ thống tín dụng dài và ngắn hạn, tầng lớp trung lưu tại các xứ này cũng là những người nắm giữ phần lớn tài sản…và do đó, phần lớn nợ nần liên quan. Trong định luật kinh tế, thành phần có nhiều thứ để mất là thành phần năng động và bảo thủ nhất. Vì tài sản, vì nợ nần, họ phải cật lực và sáng tạo để kiếm tiền, để giữ gìn tài sản cho gia đình và bảo vệ xã hội quốc gia khi gặp hiểm họa từ bên ngoài. Tầng lớp trung lưu thường bao gồm những người yêu nước nhất.
               Dù thành phần trung lưu có nhiều tài sản và thu nhập nhất nhờ chiếm đa số dân, nhưng các tài sản và nợ nần này lại trải đều ra, tạo một thế cân bằng cho nền kinh tế. Cá nhân mỗi người không đủ giàu hay lớn để có ảnh hưởng gì đến thị trường; và trong việc đóng góp cho quốc gia, họ không đủ quyền lực hay kiến thức để tìm cách trốn thuế hay di chuyển tài sản ra nước ngòai.  Đó là lý do chính một nền kinh tế tạo dựng trên nền tảng “trung lưu” này sẽ vững bền và mạnh mẽ hơn. Nguyên lý này ông cha ta đã biết,” dân giàu nước mạnh”.
Quá khứ và tương lai
               Trong lịch sử nước nhà, các lãnh đạo kinh tế của Việt Nam đã phạm hai lỗi lầm lớn trong quá khứ tạo nên hai cuộc khủng hoảng coi như “đại suy thoái” trầm trọng. Đầu tiên là chương trình cải cách ruộng đất theo mô hình Trung Quốc vào năm 1953 khi quốc gia còn là một nước nông nghiệp. Loại trừ phú nông ra khỏi nền kinh tế còn thô sơ để sở hữu hóa ruộng đất (cha chung không ai khóc) đã gây đói nghèo và thoái hóa tại nông thôn kéo dài nhiều thập kỷ.
              Sau đó, chương trình “diệt tư sản” sau 1975 đã tàn phá thêm tầng lớp trung lưu đang là cột sống của nền kinh tế miền Nam vào giai đoạn đầu của phát triển. Suy thóai kéo dài hơn 20 năm sau đó là hệ quả của sự thiếu vắng một tầng lớp trung lưu trong xã hội. Hồi phục chỉ bắt đầu khi tư nhân được phép làm ăn, với sự góp vốn phần lớn từ các Việt Kiều và các nhà đầu tư ngoại. Hiện nay, một tầng lớp trung lưu đã manh nha hình thành; nhưng những chánh sách ưu tiên, dồn nguồn lực  cho các doanh nghiệp nhà nước có thể làm trì trệ thui chột sự tăng trưởng nhiều hứa hẹn này.
               Giáo điều và chủ nghĩa thực ra là một thừa thãi trong việc phát triển nền kinh tế vững mạnh.   Đặng Tiểu Bình đã hiểu được chân lý về “mèo trắng mẻo đen hay mèo đỏ” sau 30 năm lỗi lầm của chánh phủ Trung Quốc.  Tuy nhiên, dồn chuột bắt được cho một nhóm lợi ích bằng ban phát quyền lực và quyền lợi trong một cuộc cạnh tranh không chính thống cũng sẽ tạo những bất ổn mà Tập Cận Bình đang phải đối phó. Như Acemoglu đã nhận xét trong cuốn “Why nations fail?’, miếng bánh kinh tế phải được san đều ra cho số đông, qua một sân chơi bằng phẳng với những trọng tài công minh.
               Mọi can thiệp để lèo lái nền kinh tế theo chiều hướng tạo lợi ích cho một thiểu số người, không sớm thì muộn sẽ kết cuộc trong suy thoái và đổ vỡ cho đại đa số. Tầng lớp trung lưu đủ thông minh để nhận ra sự khác biệt giữa “bánh vẽ và thực tại” qua các hoạt dộng hàng ngày. Hãy cho họ cơ hội để họ có động lực chính đáng trong việc đóng góp vào sản lượng quốc gia.
Có phải Marx đã phán,” chúng ta không có gì để mất, ngoài những gông cùm…”?
AL-P

6 nhận xét:

  1. Những ý kiến đóng góp của TS quý quá!Vì đây là kinh nghiệm của các nước tiên tiến.Tiếc quá vì thiếu mất phần "Nhậy cảm" nhất,nên người đọc cảm
    thấy như cưỡi ngựa 3 chân!Chính trị như cái dây
    buộc vào mõm con ngựa.Quân sự,văn hóa,kinh tế,giáo
    dục,tài chính vv.Tất cả đều chuyển hướng theo sự
    điều khiển của cái"dây"kia.

    Trả lờiXóa
  2. Một nền chính trị hoàn hảo là làm sao để nhân dân không càm thấy mùi chính trị. Hãy cho nhân dân tôn trọng chính quyền thì quốc gia mới vững mạnh. Muốn vậy, trước hết chính quyền phai tôn trọng nhân dân và có đuợc tính công chính.
    Cán bộ đừng nhắm mắt nhắm mũi chạy theo đồng tiền. Hiện nay, dù có bao nhiêu tiền nhưng bất chính chỉ đuợc người khác... khinh bỉ ! Hãy xem, các bậc đuợc tôn thờ muôn đời, Jesus và Thích Ca Mâu Ni, là những Người không một đồng xu dính túi.
    Nhưng có lẽ ta đang "Đàn gảy tai trâu" ?!

    Trả lờiXóa
  3. "Nhóm lợi ích không nhỏ" của Cụ Trọng sợ mất đặc quyền đặc lợi nên liên kết nhau lại: tai biến thành tai trâu, mắt thì đeo kính râm, lưỡi thì đặc múi dã man khát máu- Chuyên chính. Tim thì thôi rồi: bỏ hết tình người, bỏ hết lòng yêu nước và lại quên những mất mát đau thương của đồng chí đồng đội và cha ông

    Trả lờiXóa
  4. Người sông Tiềnlúc 12:00 26 tháng 4, 2013

    Chỉ có đa đảng và thể chế dân chủ thật sự mới mong thoát khỏi tình trạng hiện tại. Đọc bài TS Alan Phan trên trang blog của nhà báo Bùi Văn Bồng quá tuyệt.

    Trả lờiXóa
  5. Một nền chính chị tôn trọng dân chủ, thực sự vì Đất nước, không giả dối, sẽ tạo ra được tầng lớp trung lưu đó. Thực chất ứng viên Philippines... được nhận làm là do trình độ Anh ngữ của họ tốt hơn ở ta, họ học các môn bằng tiếng Anh, có môn học riêng về tiếng Phi giống như các cụ ta đi học thời thuộc địa Pháp vậy.

    Trả lờiXóa
  6. Việc tầng lớp trung lưu chiếm đa số chỉ có được ở các quốc gia tốt đẹp. Còn không, ta sẽ gặp tình trạng tầng lớp rất nhiều tiền của (số ít) và tầng lớp nghèo khổ (số nhiều), mà không có tầng lớp trung lưu. Đây là mâu thuẫn sẽ được giải quyết bằng các quy luật cuộc sống.

    Trả lờiXóa