Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

BÀI HỌC CAY ĐẮNG

Quân giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột
* LỮ GIANG
Bây giờ các tài liệu bí mật của Mỹ liên quan đến cuộc chiến Việt Nam đã được giải mã gần hết. Những tài liệu này đã giúp chúng ta tìm hiểu tại sao miền Nam Việt Nam có một quân lực khá hùng mạnh và thiện chiến, có tinh thần chiến đấu rất cao, đã từng giữ vững miền Nam trong suốt 20 năm, lại có thể bị sụp đổ chỉ trong 40 ngày?
Câu trả lời sẽ là một bài học lịch sử đắt giá mà mọi người Việt khi chiến đấu cho quê hương không thể không biết đến.
QUYẾT ĐỊNH BỎ MIỀN NAM
Vào tháng 8 năm 2004, nhân kỷ niệm 30 năm ngày Tổng Thống Nixon từ chức (từ 9.8.1974 đến 9.8.2004), Miller Center of Public Affairs thuộc Đại Học Virgina đã cho công bố cuốn băng ghi âm các cuộc nói chuyện giữa Nixon và Kissinger về cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ cuối năm 1972, trong đó có đề cập đến số phận của miền Nam Việt Nam.
Trung Quốc chuyển hướng:
Tiến sỹ Henry Kissinger (trái) với Chu Ân Lai
 và Mao Trạch Đông năm 1972

Tài liệu cho thấy mặc dầu đang mở cuộc oanh tạc Bắc Việt trong suốt mùa xuân và mùa hè 1972, Tổng thống Nixon đã đi đến kết luận rằng Hoa Kỳ ủng hộ việc “Nam Việt Nam có thể không bao giờ còn tồn tại dù bất cứ cách nào.” (South Vietnam probably can never even survive anyway). Ông nói với Cố vấn An ninh Kissinger: “Henry, chúng ta cũng phải nhận thức rằng thắng trong một cuộc bầu cử là hết sức quan trọng. Nó hết sức quan trọng trong năm nay, nhưng chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao sống còn (a viable foreign policy) nếu một năm kể từ bây giờ hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam? Đó thật là vấn đề.”
Kissinger trả lời: “Nếu một hay hai năm kể từ bây giờ, Bắc Việt thôn tính Nam Việt Nam, chúng ta có thể có một chính sách ngoại giao sống còn nếu coi điều đó như thể là kết quả của sự bất tài của người Nam Việt Nam (if it's the result of South Vietnamese incompetence.)
Lúc đó, Tổng Thống Thiệu và các nhà cầm quyền tại miền Nam không hay biết gì. Khi Hoa Kỳ ép buộc VNCH phải ký Hiệp Định Paris có những điều khoản hoàn toàn bất lợi cho miền Nam, Tổng Thống Thiệu cũng đã chấp nhận ký sau khi Tổng Thống Nixon hứa: “Tôi tuyệt đối cam đoan với Ngài rằng nếu Hà Nội không tuân theo những điều kiện của Hiệp Định nầy thì tôi cương quyết sẽ có hành động trả đủa mau lẹ và ác liệt.”
Nhưng để cho miền Nam sụp đổ trong vòng một hay hai năm sau Hiệp Định Paris không phải là chuyện dễ, vì lúc đó Quân Lực VNCH còn khá mạnh.

TÌNH HÌNH QUÂN LỰC VNCH NĂM 1975
Đầu năm 1975, QLVNCH vẫn còn có một lực lượng khá hùng hậu, với quân số khoảng 1.351.000 người, trong đó có 495.000 chủ lực quân, 475.000 địa phương quân và 381.000 quân "phòng vệ dân sự" có vũ trang.
Lục quân gồm 11 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn nhảy dù, 1 sư đoàn thủy quân lục chiến, liên đoàn 81 biệt cách dù, 15 liên đoàn biệt động quân (tương đương với 5 sư đoàn), lực lượng Lôi Hổ và Biệt Hải thuộc Nha Kỹ thuật, 4 lữ đoàn kỵ binh thiết giáp (với 2074 xe thiết giáp). Về pháo binh, QLVNCH có 1492 khẩu đại bác (hơn một nửa là 105 ly, 1/4 là 155 ly và khoảng 15% là 175 ly).
Không quân có khoảng 60.000 quân, có 5 sư đoàn không quân tác chiến gồm 20 phi đoàn khu trục cơ, 23 phi đoàn trực thăng, 1 sư đoàn vận tải, 1 không đoàn tân trang chế tạo, 4 phi đoàn hỏa long, v.v, với 1850 phi cơ các loại (trong đó có 510 máy bay chiến đấu và 900 trực thăng).
Hải quân có hơn 40.000 quân, gồm 3 lực lượng tác chiến:
(1) Hành quân lưu động sông (với 14 giang đoàn trang bị khoảng 260 chiến đỉnh),
(2) Hành quân lưu động biển (một hạm đội trang bị tuần dương hạm, hộ tống hạm, khu trục hạm, tuần duyên hạm, giang pháo hạm, trợ chiến hạm, dương vận hạm, hải vận hạm và giang vận hạm).
(3) các lực lượng đặc nhiệm, trong đó có Liên đoàn Người nhái.
Làm thế nào để hủy hoại lực lượng này rồi giao cho Trung Quốc và CSVN trong một thời gian khoảng hai năm và Mỹ sẽ không còn dính líu gì đến cuộc chiến nữa?

ĐÁNH LỪA TỔNG THỐNG THIỆU
Để thực hiện chủ trương nói trên, Hoa Kỳ vừa cắt bớt viện trợ để miềm Nam suy yếu dần, vừa đánh lừa Thổng Thống Thiệu.
Miền Nam lúc đó cũng có nhiều nhà phân tích tình hình chính xác, nhưng Tổng Tống Thiệu là người độc đoán và thích hành động theo cảm tính nên chẳng nghe ai. Trong cuốn “Tâm tư Tổng Thống Thiệu”, Tiến Sĩ Nguyễn Tiến Hưng cho biết chính Tổng Thống Thiệu đã nói với ông: “Tôi luôn là người quyết định. Luôn luôn như vậy. Tôi có thể nghe người khác gợi ý một quyết định, nhưng rồi làm quyết định ngược lại.” (tr. 373).
Khi chọn người để thay thế ông Ngô Đình Diệm, người Mỹ không chọn một nhà chính trị có khả năng bảo vệ miền Nam mà chỉ chọn những người bảo đảm sẽ làm theo ý họ. Trước hết Mỹ chọn Tướng Nguyễn Khánh và Tướng Trần Thiện Khiêm. Nhưng khi Tướng Nguyễn Khánh gây rối loạn, họ dùng cặp Nguyễn Văn Thiệu và Trần Thiện Khiêm. Đây là những người không có tầm nhìn chiến lược cả về chính trị lẫn quân sự. Mọi việc đều để Mỹ lèo lái.
Quả thật ông Thiệu không có khả năng nhìn thấy Mỹ sẽ bỏ miền Nam và tìm ra được một con đường nào khác để cứu miền Nam. Ông coi miền Nam như của Mỹ. Mỹ đưa đủ tiền, ông giữ cả miền Nam. Mỹ rút bớt tiền, ông thu nhỏ lãnh thổ lại.
1.- Cắt bớt viện trợ
 ``        Như chúng ta đã biết số viện trợ quân sự Mỹ cho VNCH đã bị giảm dần sau Hiệp Định Paris ngày 27.1.1973:
1972 – 1973: 1 tỷ 614 triệu;
1973 – 1974: 1 tỷ 026 triệu và
1974 – 1975 xuống còn: 700 triệu.
2.- Đánh lừa bằng tài liệu
Trong cuốn “Khi Đồng Minh Tháo Chạy” (từ tr. 231 – 236), ông Hưng có kể lại rằng ông có được đọc trong “Phòng Tình Hình” của Dinh Độc Lâp một tập báo cáo do Tướng John E. Murray (người điều khiển cơ quan DAO) và Bộ Tổng Tham Mưu trình lên.
Mặc dầu có nhiều báo cáo của DAO đã được giải mã, chúng tôi chưa tìm thấy bản văn này, nhưng ông Hưng cho biết ông nhớ được những điểm chính của bản báo cáo đó như sau:
- Nếu mức độ quân viện là 1,4 tỷ thì có thể giữ được tất cả những khu đông dân cư của cả bốn Vùng Chiến Thuật.
- Nếu là 1,1 tỷ thì Quân Khu I phải bỏ;
- Nếu là 900 triệu thì khó lòng giữ được QK I và II, hoặc khó đương đầu với cuộc tấn công của Bắc Việt;
- Nếu là 750 triệu thì chỉ có thể phòng thủ vài khu vực chọn lọc, và khó điều đình được với Bắc Việt;
- Nếu quân viện dưới 600 triệu thì chính phủ VNCH chỉ còn giữ được Sài Gòn và vùng châu thổ song Cửu Long.
Ông Hưng cho biết Tướng John Murray kết luận: “Tôi có thể ví sự mất tiền xấp xỉ như mất đất vậy.”.
Từ ngày Mỹ tham chiến ở Việt Nam đến ngày miền Nam mất, chúng ta chưa bao giờ thấy các báo cáo hay tài liệu phân tích nào của cơ quan MACV hay DAO được tiết lộ cho Bộ Tổng Tham Mưu hay bất cứ cơ quan nào của VNCH. Chúng ta chỉ biết được một số tài liệu này sau khi được chính phủ Hoa Kỳ giải mã. Thế thì tại sao tài liệu nói trên lại được tiết lộ cho Bộ Tổng Tham Mưu VNCH? Chắc chắn là phải có âm mưu gì.
Ông Hưng cho rằng vì bản báo cáo này, ông Thiệu đã nghĩ ra chiến lược mới “Đầu bé đít to”, tức bỏ Vùng I và II (đầu). Ông Thiệu thường nói: “Từng chiến lược cho từng mức viện trợ.” (tr. 235), sau đó ông dùng chữ “tái phối trí”.
Thật ra, bản báo cáo mà ông Hưng nhắc đến ở trên, nếu có, cũng chỉ là một bản phân tích tình hình chứ không phải là một giải pháp hay một kế hoạch hành động được đề nghị. Nếu Tổng Thống Thiệu nghĩ đó là một đề nghị về kế hoạch hành động là hoàn toàn sai lầm.
3.- Đánh lừa bằng kế hoạch giả
Cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã không dùng một tướng Mỹ mà dùng một tướng Úc để đánh lừa Tổng Thống Thiệu.
Trong bài thuyết trình “"Get Me Ten Years': Australia's Ted Serong in Vietnam, 1962-1975", bà Tiến sĩ Anne Blair, một giảng viên về Quan Hệ Quốc Tế và Nghiên Cứu về Á Châu tại Đại Học Victoria University of Technology ở Úc, đã cho biết vào tháng 12 năm 1974, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm có tiếp xúc với Tướng Ted Serong và yêu cầu ông ta đưa ra một kế hoạch cứu vãn miền Nam. Tướng Ted Serong đã khuyến cáo rút khỏi Quân Khu I và Quân Khu II, với lý do là 2/3 Quân Lực VNCH đã được triển khai ở phía bắc trong khi ở nơi này chỉ có 1/10 dân số và 1/3 tài nguyên của miền Nam.
Chúng ta nên nhớ rằng cả Tướng Trần Thiện Khiêm lẫn tướng Đặng Văn Quang đều là nhân viên CIA được cài vào để theo dõi và kiểm soát các hành động của Tổng Thống Thiệu. Nhiều người nghi ngờ việc Tướng Khiêm đi tìm gặp tướng Ted Seron là theo lệnh của CIA.
Ông Hưng cho biết Tổng Thống Thiệu đã chỉ thị Tướng Đặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh Phủ Tổng Thống, phối hợp với Tướng Ted Serong nghiên cứu lập một phòng tuyến kéo dài từ Tuy Hoà đến Tây Ninh để làm phòng tuyến rút quân!

Tướng Ted Seron là ai mà được giao cho nhiệm vụ lập phòng tuyến ở Tuy Hoà?
Tướng Francis Philip “Ted” Serong (1915 – 2002) tốt nghiệp Trường Huấn Luyện Quân Đội Hoàng Gia tại Duntroon vào năm 1937, có nhiều kinh nghiệm về chiến trường Đông Nam Á. Năm 1961 ông được cử làm cố vấn cho quân đội Miến Điện. Do kinh nghiệm của ông về chống nổi dậy (counterinsurgency), theo đề nghị của CIA, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã yêu cầu chính phủ Úc cho ông đến phục vụ tại miền Nam Việt Nam. Tại đây, ông vừa chỉ huy một toán nhỏ người Úc vừa là Cố Vấn Chống Nổi Dậy cho MACV dưới thời Tướng Harkins. Theo bà Blair, Tướng Harkins không tin vào chống nổi dậy và ông không muốn một cố vấn. Tướng Ted Serong đã đưa nhiều đề nghị về huấn luyện quân lực VNCH nhưng không được áp ứng.
Như vậy, Tướng Ted Serong chỉ là một chuyên gia về du kích chiến. Ông không phải là một nhà chiến lược. Ông chỉ là người được Mỹ dùng để gài bẩy Tổng Thống Thiệu.

MỘT QUYẾT ĐỊNH ĐIÊN RỒ
Năm 1974, tin Tổng Thống Thiệu sẽ bỏ Cao Nguyên và miền bắc Trung Phần, rút quân về phòng thủ ở Tuy Hoà đã được tiết lộ ra, nhưng không ai tin vì hai lý do:
(1) Không thể lập một phòng tuyến từ Tuy Hòa kéo dài tới Tây Ninh được vì địa hình không cho phép hình thành một phòng tuyến như vậy.
(2) Muốn rút quân ở Cao Nguyên và phía bắc miền Trung phải thương thuyết với Hà Nội và ký một hiệp ước như Hiệp Định Genève 1954, trong đó ấn định lại biên giới giữa hai bên, thời hạn di tản, rút quân… việc “tái phối trí” mới có thể thực hiện được.
Vì thế, không ai tin việc “tái phối trí” có thể xẩy ra khi ông Thiệu chưa thương thuyết để ký với Hà Nội một hiệp ước thu nhỏ lãnh thổ lại. Nhưng ông Thiệu đã làm điều điên rồ đó.    Đầu năm 1975, Tướng Ted Serong thông báo cho Tổng Thống Thiệu thời hạn chót cho việc tái phối trí quân đội phải kết thúc nội trong tháng hai. Ông cũng đã nói với Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, Giám Mục Nha Trang, rằng ngài nên "chuẩn bị cho năm 1955 một lần nữa”, tức lại đi di cư!
Ngày 10.3.1975 Ban Mê Thuột bị mất và Quân Lực VNCH khó có thể lấy lại được. Nhân vụ này, ngày 14.3.1975 Tổng Thống Thiệu cùng với các tướng Trần Thiện Khiêm, Đặng Văn Quang và Cao Văn Viên đến Cam Ranh họp với Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Đoàn 2. Tổng Thống Thiệu hỏi Tướng Cao Văn Viên:
- Còn quân trừ bị để tăng cường cho Quân Đoàn 2 không?
Tướng Viên trả lời:
- Không còn.
Tổng Thống Thiệu quay qua hỏi Tướng Phú:
- Nếu không có quân tăng viện, anh còn giữ được bao lâu?
Tướng Phú trả lời:
- Tôi có thể giữ được một tháng với điều kiện không quân yểm trợ tối đa và tiếp tế bằng không vận đầy đủ nhu cầu về tiếp liệu, vũ khí, đạn dược…
Tổng Thống Thiệu nói rằng các điều kiện đó không thể thỏa mãn được. Vậy phải rút khỏi Kontum và Pleiku để bảo toàn lực lượng, đưa quân về giữ đồng bằng ven biển tiếp tế thuận lợi hơn. Tổng Thống Thiệu hỏi:
- Rút bằng đường 19 có được không?
Tướng Viên trả lời:
- Trong lịch sử chiến tranh Đông Dương chưa có lực lượng nào rút theo đường 19 mà không bị tiêu diệt.
Tổng Thống Thiệu lại hỏi:
- Thế thì đường 14 ra sao?
Tướng Viên nói:
- Đường 14 càng không được.
Sau khi thảo luận, mọi người thấy chỉ còn đường số 7 từ lâu không dùng đến, tuy dài (khoảng 228 km) và xấu nhưng tạo được yếu tố bất ngờ.
Tổng Thống Thiệu chỉ thị không thông báo cho các tiểu khu và chi khu biết, cứ để họ tiếp tục chống giữ, khi ta rút xong, ai biết thì biết. Tổng Thống nói địa phương quân (36 tiểu đoàn) toàn là người Thượng, trả chúng về với Cao nguyên. Như vậy các tỉnh trưởng, quận trưởng, địa phương quân, cảnh sát, phòng vệ dân sự và các nhân viên hành chánh đều bị bỏ lại.
Đại Tá Phạm Duy Tất, Tư Lệnh Biệt Động Quân Quân Đoàn 2 được thăng Chuẩn Tướng để chỉ huy cuộc rút quân. Tổng Thống cấm không ai được thông báo cho Mỹ biết.

ĐOÀN QUÂN TAN RÃ
Diễn biến về cuộc tháo chạy trên Liên tỉnh lộ 7 rất bi thảm. Ở đây chúng tôi chỉ ghi lại những nét chính.
- Lúc đó QLVNCH còn có tại Kontum và Pleiku 7 Liên Đoàn Biệt Động Quân, đó là các Liên Đoàn 22, 23, 24 và 25, được tăng cường thêm 3 Liên Đoàn biệt phái từ Sài Gòn lên là 4, 6 và 7. Ngoài ra, Cao Nguyên còn có 36 tiểu đoàn địa phương quân.
- Xe tăng và thiết giáp: 4 thiết đoàn với 371 xe. Pháo binh: 8 tiểu đoàn với 230 khẩu các cỡ từ 105 đến 175mm.
- Không quân: 1 phi đoàn chiến đấu (32 chiếc), 2 phi đoàn trực thăng (86 chiếc), 1 phi đoàn vận tải, trinh sát và huấn luyện (32 chiếc).
- Riêng Sư đoàn 23 gồm các Trung Đoàn 44, 45 và 53 và Liên Đoàn 21 Biệt Động Quân đã bị tan rã trong trận Ban Mê Thuột.
- Sáng ngày 15.3.1975, hai Liên Đoàn 6 và 23 BĐQ từ Kontum được chuyển về Pleiku. Dân chúng chạy theo gây ra náo loạn.
- Lúc 1 giờ chiều ngày 15.3.1975 cuộc di tản chính thức bắt đầu. Thiết đoàn 19, Liên Đoàn 6 và Liên Đoàn 24 BĐQ mở đường, đến tối đã vượt qua khỏi Phú Bổn, đèo Tuna và tới quận Phú Túc để yểm trợ công binh làm cầu. Sáng 16.3.1975 đoàn quân mở đường tiếp tục đi xuống Củng Sơn.
- Cuộc hành trình mà đoàn quân phải di tản khá dài: Từ Pleiku tới Phú Bổn khoảng 93 km và từ Phú Bổn đến Tuy Hòa khoảng 130 km.
- Ngày 17.3.1975, Thiết Đoàn 21 và Liên Đoàn 7 BĐQ dẫn đầu đoàn quân và dân tiến về Phú Bổn. Theo sau là Liên Đoàn 22 và Liên Đoàn 23, kéo theo một đoàn quân xa khoảng 2000 chiếc và một đoàn xe dân sự đủ loại cũng gần 2000 chiếc. Liên Đoàn 4 và Liên Đoàn 25 đi tập hậu. Đoàn di tản đi rất chậm vì đường hẹp, bị hư hỏng và thường đạp lên nhau để tiến tới trước. Tối 17.3.1975 đoàn xe dừng lại ở tỉnh lỵ Phú Bổn vì không tiến được nữa. Cộng quân đã chận ở đèo Tuna cách Phú Bổn khoảng 4 km.
Vì cuộc rút quân quá bất ngờ nên phải đến chiều ngày 17.3.1975, Bộ Tư Lệnh Tây Nguyên của Cộng quân mới biết được và ra lệnh cho tiểu đoàn 9 thuộc trung đoàn 64, Sư đoàn 320, đang đóng chốt trên đường đi Thuận Mẫn, đem quân chận ở đèo Tuna và pháo kích vào đoàn quân và dân đang dừng lại ở Phú Bổn. Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất được trực thăng tới bốc đi từ trường tiểu học Phú Bổn, đã chỉ huy ở trên trời, ra lệnh cho Đại Tá Nguyễn Văn Đồng, Tư Lệnh Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, đang chỉ huy ở dưới đất, phải phá cho được cái chốt này. Có không quân bay tới yểm trợ.
Liên đoàn 25 BĐQ đang đi tập hậu đã cùng với Liên Đoàn 7 và thiết giáp tiến lên phá cái chốt ở đèo Tuna. Nhưng Đại Tá Nguyễn Văn Đồng cho chúng tôi biết Biệt Động Quân, thiết giáp và không quân đã không phá nổi cái chốt đó. Chiếc xe tăng nào bò lên, chúng bắn cháy chiếc đó. Thảm hoạ xảy ra khi máy bay oanh tạc lầm quân của phe ta. Địch lại pháo kích dữ dội vào tỉnh lỵ Phú Bổn, quân và dân chạy tán loạn, nên đoàn quân tan rã. Không còn chỉ huy được, ông và một số quân nhân phải lội bộ đi vòng dưới chân đèo Tuna để vượt qua, nhưng rồi cũng đã bị bắt khi đến gần Củng Sơn. Đại Tá Đặng Đình Siêu, Tư Lệnh Phó Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, theo tàn quân của Liên Đoàn 4 BĐQ chạy băng rừng và về được đến Phú Yên.
Liên Đoàn 24 BĐQ đóng gần Củng Sơn do Trung Tá Niên chỉ huy bị tấn công dữ dội, cũng đã bị tan rã. Chỉ có Thiết Đoàn 19 và Liên Đoàn 6 BĐQ về tới được Tuy Hòa.
Một cuộc kiểm tra cho biết có ít nhất 3/4 lực lượng của Quân đoàn II đã bị Cộng quân tiêu diệt, bắt sống, đào ngũ hay rã ngũ. Khoảng 40.000 dân chúng di tản theo đoàn quân, chỉ có khoảng 1/4 đến nơi. Số người chết do hỏa lực của cả hai bên, do đuối sức hay đói không ước tính được. Đa số phải trở lại Pleiku.
*           *            * 
Kể từ khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết, Hoa Kỳ đã chi phối miền Nam cả về quân sự, kinh tế lẫn chính trị và đưa người của họ lên nắm chính quyền. Trong tình trạng như vậy, miền Nam khó quyết định được số phận của mình. Nhưng Tổng Thống Thiệu là người phải chịu trách nhiệm trước dân tộc và trước lịch sử về những thảm trạng do các quyết định sai lầm của ông gây ra.
Chiều 29.4.1975, Tướng Ted Seron đã rời khỏi Việt Nam trên một chiếc trực thăng ở trên nóc của Toà Đại Sứ Mỹ. Số phận của VNCH chấm dứt. 
Ngày 18.4.2013
L.G

15 nhận xét:

  1. VN là bãi thử cho các vũ khí của LX và Mỹ. Nhận xét này của một người lính già đầy vẻ đau đớn !

    Trả lờiXóa
  2. Hơn 3 triệu sinh mạng đã nằm xuống chỉ vì"thói quen"thích"vỗ ngực"của các quan

    Trả lờiXóa
  3. Người sông Tiềnlúc 11:45 26 tháng 4, 2013

    Cuối cùng, dân Việt Nam hy sinh biết bao xương máu và bị láng giềng (TQ) xâm chiếm biển đảo và đất liền. Đau đớn, nước Việt ngày càng lụn bại và rệu rả so các nước lân bang. Đó là kết cục đáng buồn!

    Trả lờiXóa
  4. Nội chiến đẫm máu, hủy hoại đất nước và con cháu Tiên rồng dưới danh nghĩa ý thức hệ!

    Trả lờiXóa
  5. Gần 5 triệu người Việt đã chết trong nội chiến và đa số họ là những người mãi mãi tuổi hai mươi phải chết để thỏa mãn những cái đầu kêu căng và ngu xuẩn để bây giờ như thế này đây: biển đảo bị cướp, con gái đẹp cởi truồng cho bọn ngoại quốc chọn vợ và chọn đĩ, trai thanh niên đi làm nô lệ cho nước ngoài, phụ nữ sồn sồn đi làm osin, ...

    Trả lờiXóa
  6. Nếu ai hỏi bằng chứng đâu mà ngài Lữ Giang khẳng định như đinh đóng cột
    là NK.,TTK.là nhân viên CIA,chắc chắn 100% là ngài này á khẩu ngay !
    Thật ra,ông Thiệu sợ Mỹ lật đổ như cố TT.NĐD.nên nghi ngờ mấy ông tướng
    đó là người của Mỹ.Có điều là ngài LG.vốn chủ quan thái qúa nên đã nhận định ẩu tả theo kiểu "khẩu thuyết vô bằng".

    Trả lờiXóa
  7. Hơn 40 năm cả nhà tôi cầm súng chiến đấu để được...nghèo!Tôi ra quân,từ đơn vị
    trở về,vào chiều tối ngày 30 tháng 4 năm 82,cả nhà đang ăn...cháo vì hết gạo!.
    Công khai tài sản:7 người lớn 2 trẻ em,mùa hè mỗi người được phát hẳn 1 chiếc
    quạt Natio"nan" loại 3 hào bán ngoài chợ,1 xe đạp Made in"THONG NHAT"Second-
    Hand.TV đi xem nhờ hàng xóm,Rađio thì nghe qua vách nhà bên cạnh.Có 1"Báu vật"
    duy nhất trong nhà được giữ gìn hơn đôi mắt,luôn luôn được để ở chỗ cao nhất
    trang trọng nhất trong nhà:"BẢNG VÀNG DANH DỰ"Do chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng!
    Báo cáo hết.
    Lính tình nguyện 78

    Trả lờiXóa
  8. Chống xâm lược ? Nội chiến ? Chiến trường của 2 phe XHCN và TBCN ? Không gì rõ ràng cả. Người ta tạm gọi - Cuộc chiến tranh Việt Nam. Và nhà thơ TĐK vẫn tiên tri sầu muộn:
    Đất nước gian lao, chưa bao giờ bình yên !

    Trả lờiXóa
  9. Với cá nhân tôi cuộc chiến 54 - 75 dầu đã kết thúc đến nay tròn 38 năm , nhưng cảm giác chán nản vẫn tồn đọng khi tháng Tư hàng năm lại đến .

    Với bản thân tôi , đây là một cuộc chiến tang thương và ô nhục . Một cuộc chiến tang thương nhất trong lịch sử dân tộc , vết thương hận thù không khép mủ cho kẻ thắng lẫn người bại , không hy vọng Hoà giảỉ để nhìn thấy tương lai .

    Chỉ khi nào một ai đó hiểu được , cuộc chiến không vì Quê Hương VN , không vì giải phóng miền Nam , không vì tiền đồn bảo vệ tự do , từ đấy thấy được những hình ảnh vàng son của quá khứ bản thân chỉ là phù du. , khi so sánh với nỗi đau của thân nhân hai miền trong cuộc chiến , nỗi đau trên phận của những người CS lẫn Quốc gia phải chấp nhận dấn thân vào cuộc chiến này không còn con đường lựa chọn . Hiểu được với cả tấm lòng nhân ái của bản thân đồng chủng tộc may ra mới dừng lại những lời lẽ Công kích , phỉ báng , xoa dịu hận thù , xem nhẹ hư danh của quá khứ bản thân .

    Bài học cay đắng trong cuộc chiến 54 - 75 không phải bị Mỹ bỏ rơi hay ta đánh đây là đánh cho Liên Sô Trung Quốc . Cay đắng chính vì chúng ta không tự chủ được bản thân , không thể nào thoát được cảnh tương tàn ruột thịt cho dầu bản thân có nhìn thấy hay không nhìn thấy bản chất thật của cuộc chiến .

    Ba mươi Tám năm dư thừa năm tháng để một đứa trẻ lớn khôn thành cha mẹ , chuẩn bị bước vào danh xưng Nội ngoại . Nhưng những người tham gia vào cuộc chiến , giờ đây vẫn không cảm nhận được cuộc chiến mình đã tham dự như một định mệnh gây nên tang thương , cho chính bản thân , gia đình và dân tộc , vẫn tiếp tục còn khoe khoang , còn thù hận , còn chưởi bới lẫn nhau , còn mang chính nghĩa dân tộc ra làm Bình phong che chắn , thì đây chính là cái dại nhất trong đời người , một ngày nào đó chết đi , gặp lại tổ tiên giống nòi khó lòng được tha Thứ .

    Chính cái tôi , cái mặt mũi trước con cháu , trước những người xung quanh , đã làm cho những người CS lẫn QG tham gia vào cuộc chiến tương tàn dân tộc vẫn còn cố chấp và ngu muội . Họ vẫn nghỉ rằng mang cái bìnhphong vì dân tộc có thể che chắn được cái yếu hèn không dám nói lên sự thật , giương giương tự Đắc với người xung quanh .

    Một chế độ nhà nước hiện nay rã rệu , một xã hội bệnh hoạn , một chế độ cha Anh CS lẫn QG vẫn còn hoang tưởng với bản thân quá khứ vàng son xen lẫn đớn đau , tất cả như một lực cản ngăn chận tinh thần đoàn kết và nhân ái của dân tộc .

    Ba mươi tháng Tư , nhìn thấy những kẻ dại nhưng vẫn khoác lác và khoe khoang , không biết tự tha thứ cho bản thân và tha thứ cho người khác . Hỏi thử làm sao mà không buồn cho được . Nhất là thế hệ con cháu đã nhìn ra được căn nguyên của cuộc chiến , bản chất của hận thù , biết kêu gọi Hoà giải để hy vọng cho tương lai , thì thế hệ già lại to mồm lớn tiếng mà sĩ nhục con cháu ! !!

    Quả là chẳng cái dại nào hơn cái dại nào , già đầu còn dại , chán lắm thay !

    Trả lờiXóa
  10. Người ta đã cho địa chủ Kinh (trong phim Vĩ Tuyến 17 Ngày Và Đêm) nói trước rồi:
    - Lý tưởng nào cũng cần tiền !

    Trả lờiXóa
  11. "...Miền Nam có một quân lực khá hùng mạnh và thiện chiến, có tinh thần chiến đấu rất cao..." nghe ông Lữ giang phán vậy thì rất nhiều người kể cả cựu tương ta Sai Gòn cũng phải bịt mũi cười vì sự ngô nghê đến bậy bạ.Ong lữ giang viết vậy làm người ta cứ ngỡ trước khi sụp đổ chỉ có quân ngụy chiến đấu với "tinh thần rất cao". Ông đã cố tình quên với chiến lược Mỹ hóa cuộc chiến Quân ngụy trước nguy cơ tan rã của quân ngụy vì bọn tướng tá chóp bu tranh giành quyền lực, quanh năm đấu đá, đảo chính chính triền miên, Mỹ phải đưa quân bộ binh vào trực trực chiến đấu ở MN. Có lúc đội quân xâm lược Mỹ đã lên tới con số nửa triệu Vậy mà Kết cục Mỹ vẫn botay.com tìm cách chuồn. Xin đọc giả hãy vào google gõ: chiến dịch Lam Sơn 719 trận thử lửa đầu tiên của quân ngụy Saigon, đọc các phát biểu của ông Thiệu, ông Kỳ lúc đó và sau này về trận chiến đó sẽ thấy rõ quân ngụy hùng mạnh và thiện chiến như thế nao. Lữ Giang càng dẫn nhiều con số về lực lượng, về trang bị vũ khí quân cụ của quân ngụy càng làm cho người ta thấy chất lương tinh thần của quân đội này kém cỏi ra sao. Vì họ thiếu một thứ vô cùng quan trọng mà không một quan thày nào có thể trang bị được: đó là ý chí chiến đấu của một đội quân yêu nước chống xâm lược giành lại độc lập , thống nhất tổ quốc.
    Một quân lực hùng mạnh và thiện chiến mà quan thày mới giảm hỗ trợ có dấu hiệu bỏ cuộc là đổ vỡ liền, đổ vỡ nhanh đến mức đáng kinh ngạc thì quân đội đó là cái quái gì. Nó chỉ có thể là một đống rẻ rách hỗn độn không đáng một xu giá trị. Ông Lữ giang nêu ra rất nhiều lý do khiến cho quân ngụy SG tan rã vào những ngày tháng Tư nawm1975. Xin lỗi ông LG đọc bài viết của ông tôi bỗng nhớ tới câu ngạn ngữ của dân ta "tháo dạ đổ vạ cho c..."

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu ông Lữ Giang viết có nhiều sơ hở như thế này : phần trước ông ta
      nói Mỹ lừa ông Thiệu nhưng phần sau ông đổ tội cho ông Thiệu (lý lẽ
      bất nhất) thì ông Nặc Danh này laị bị "nhồi sọ và tẩy não" qúa nặng
      đến mức chẳng biết thực tế hiện nay sau cuộc chiến là gì !
      Thế nhưng cứ leo lẻo nói như vẹt,nào chính nghĩa,nào ngụy,nào dân tộc,
      tổ quốc mà không chịu kiểm chứng với thực tế.Đó là cuộc chiến huynh
      đệ tương tàn do 2 ý thức hệ chỉ huy và kiểm soát ! Chán !

      Xóa
    2. Trích "..Quân ngụy..":

      Tôi phản đối dùng từ này.Trong thời gian này, Tổ quốc Việt nam,thì tạm chia đôi, có 2 nhà nước.

      Trên quốc tế, nếu không lầm, Nhà nước Việt nam Cộng Hòa, có ghế chính thức tại liên hiệp quốc mà Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hòa không có.

      Xóa
    3. Từ 1975 cho đến hiện nay nhiều người Việt vẫn cố gắng để qua được "nuớc Mỹ xâm lược"? Trung Quốc, thực dân Pháp, phát xít Nhật thì rõ ràng là đã xâm lược VN, và khi chúng bị đuổi về nước dân VN có chạy theo chúng về nước đâu ?

      Xóa
  12. bên thắng cuộclúc 16:36 29 tháng 4, 2013

    đuổi HỔ giặc Mỹ cửa trước thì rước CỌP Trung quốc cửa sau , cho đến bây giờ loa đài CS VN vẫn ra rả chiến thắng giải phóng MN , thật ô nhục cho cuộc chiến thắng này , gà cùng một MẸ đánh nhau .

    Trả lờiXóa