Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2013

TAM GIA CẦU TREO

"Tam gia cầu treo" bên cây cầu Cua Chùa
 *Bài , ảnh: BÙI VĂN BỒNG      
           Ba người nông dân quê ở xã An Hòa, huyện Châu Thành ( An Giang) là các ông: Nguyễn Văn Hùng ( Ba Hùng), Phạm Văn Liếu ( Tư Liếu) và ông Thạch Văn Nhơn ( Ba Nhơn) nay đã nổi tiếng khắp vùng Đống bằng sông Cửu Long là “Tam gia cầu treo”. Và cái “Công ty” làm cầu treo đó đã trởthành thương hiệu: TAM GIA CẦU TREO. Cả ba ông nông dân đầy nhiệt huyết và sáng tạo này không phải ký sư hay trung cấp cầu đường mà có điều rất lạ: Cả ba ông mới học hết tiểu học, chưa được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đồ họa, thiết kế,xây dựng cầu đường. Cuối năm 1998, “ba ông thợ cầu trường làng” này đi thăm triển lãm ở thành phố Cần Thơ, thấy người ta trưng bày mô hình cầu Mỹ Thuận (do Úc thiết kế, xây dựng). Các ông đã quan sát rất kỹ mô hình cầu treo Mỹ Thuận và bàn nhau bắt chước mô hình câu Mỹ Thuận, tự vẽ thiết kế, tự bắc cầu cầu treo nông thôn. Đến nay, ba ông thợ cầu độc đáo này đã bắc được 250 cây cầu trên khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long và nhiều cây cầu ở miền Đông Nam bộ. Trong đó, hơn 160 cây cầu các ông làm từ thiện, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, không lấy kinh phí của địa phương và không bắt bà con nông dân phảiđóng góp.
                  Ông Tư Liếu cùng chúng tôi ra bờ kênh Mặc Cần Dưng, giới thiệu chiếc cầu treo bắc qua dòng kênh. Đây là chiếc cầu đầu tiên do nhóm thợ cầu nông thôn gồm 3 người (Tam gia cầu treo) xây dựng hơn 10 năm trước. Hơn 10 năm qua, họ đã bắc được gần 170 chiếc cầu treo và cầu sắt ở nhiều vùng nông thôn trên khắp vùng dọc ngang kênh rạch đồng bằng sông Cửu Long và một số địa phương miền Đông Nam bộ.
              Trước đây, người ta biết danh ba anh nông dân chuyên làm cầu treo nông thôn có nhiều uy tín này là Nhóm cầu treo Châu Thành. Bởi cả ba thợ cầu “tự phát” này đều là nông dân ở xã An Hòa, huyện Châu Thành (An Giang). Từ năm 2004, ba nhà thợ cầu này đã in một danh thiếp chung là “Tam gia cầu treo”. Đó là các ông: Nguyễn Văn Hùng ( Ba Hùng), Phạm Văn Liếu ( Tư Liếu) và ông Thạch Văn Nhơn ( Ba Nhơn).
Ông Tư Liếu
           Các ông không lấy nghề thợ cầu để kinh doanh, làm giàu, mà cùng nhau đi khắp nơi để làm cầu nông thôn, những nhịp cầu tình nghĩa. Các ông đã tích cực vận động các nhà hảo tâm, các hội từ thiện và doanh nghiệp góp tiền để xóa cầu khỉ hoặc xây cầu ở các bến đò ngang, làm cầu treo hoặc cầu sắt chỉ với một ước vọng giúp bà con đi lại thuận lợi, an toàn, góp phần đổi mới bộ mặt nông thôn vùng sông nước Nam bộ. Từ việc đi khắp nơi vận động để có tiền của các nhà tài trợ đóng góp, các ông còn bỏ công sức trực tiếp chỉ huy thi công cầu, vận động thanh niên, dân quân đóng góp công sức. “Tam gia cầu treo” làm cầu tình nghĩa, không lấy tiền công. Các cây cầu do họ tự thiết kế, thi công, đảm bảo chất lượng, mang nhiều lợi ích kinh tế-xã hội và nhiều niềm vui đến cho các xóm ấp vùng sâu, vùng xa. Có lẽ chính vì thế mà “Tam gia cầu treo” ngày càng được tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều uy tín khắp vùng. Ông Tư Liếu khoe với tôi:
- Hiện nay, chúng tôi đang thi công cầu treo Vàm Kênh Bảy, bắc qua sông Chắc Băng ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình ( Cà Mau) với chi phí hơn 2 tỉ đồng.  Chiếc cầu treo này không những là nhịp cầu dân sinh, mà còn thuận tiện cho du khách gần xa đến viếng Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực, kinh phí do ông Nguyễn Văn Quân (Sáu Quân), Chủ tiệm vàng ở chợ Huỳnh Sử bỏ ra đầu tư xây dựng.
        Cây cầu Vàm Kinh Bảy không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại của bà con nhân dân trong vùng mà còn tạo điều kiện cho khách du lịch đi bằng xe ô-tô hoặc mô-tô tiện du khảo về nguồn, thăm vùng căn cứ cách mạng, thăm viếng Phủ thờ Bác Hồ. Trong tình hình sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, để tìm ra hình thức đầu tư mới, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và đáp ứng cho nhu cầu người dân là việc làm rất có ý nghĩa.
        Tôi hỏi ông Ba Hùng:
- Vốn là những nông dân, cả ba ông mới học hết tiểu học, chưa được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đồ họa, thiết kế, xây dựng cầu đường, tại sao các ông lại thiết kế và thi công được cầu treo, cầu sắt nông thôn?
          Ba Hùng cười rất tự tin:
- Động cơ của chúng tôi là làm việc nghĩa, muốn tham gia đổi mới bộ mặt vùng nông thôn. Thấy bà con ở quê mình còn vất vả do đi lại trên vùng kênh rạch còn nhiều khó khăn, chúng tôi nhất quyết phải đứng ra làm cầu để phục vụ bà con.
   Ông Tư Liếu họa theo:
- Vâng, đúng là như vậy! Bằng cấp của ba anh em chúng tôi có gì đâu. Học văn hóa cũng mới qua “trường làng”. Tôi nhớ cuối năm 1998, ba anh em chúng tôi đi thăm triển lãm ở thành phố Cần Thơ, thấy người ta trưng bày mô hình cầu Mỹ Thuận mà ham. Thật là tuyệt. Theo mô hình cầu Mỹ Thuận, thì cầu treo là thích hợp với vùng sông nước. Chiếc cầu vươn cao, độ cong vừa phải, khoảng thông thuyền rộng. Dây văng đã làm bớt đi các trụ cầu. Như vậy, bắc cầu nối giao thông đường bộ, nhưng không làm cản trở dòng chảy, không làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy. Chúng tôi đã quan sát rất kỹ mô hình cầu treo Mỹ Thuận. Và chúng tôi nghĩ: Có thể bắt chước mô hình câu Mỹ Thuận để làm cầu treo nông thôn. Được lắm chứ, vì rất nhiều tiện lợi.
Ông Ba Hùng
       Nhớ mùa lũ năm 1998, hai bên bờ kênh An Hòa được nối bởi cây cầu ván thấp xịt, bị rác và lục bình mùa lũ chẹn cứng, gây ách tắc cả đường qua lại giữa xã Bình Hòa và xã An Hòa. Học sinh không có đường đến trường. Xuồng ghe trên dòng kênh cũng không còn lối qua lại. Biết ông Tư Liếu và ông Ba Hùng có nghề xây dựng, ông Trần Văn Minh, Bí thư Đảng ủy xã An Hòa gợi ý: “ Các bác nghĩ xem cách nào có thể bắc cầu vòm cao hơn mặt nước lũ để không bị tắc đường thủy vào mùa lũ?”.
           Đã có ý định từ khi đi thành phố Cần Thơ xem mô hình cầu Mỹ Thuận trong triển lãm, ông Tư Liếu bàn với ông Ba Hùng nghĩ cách thiết kế cầu treo dây văng Cua Chùa. Không biết sử dụng máy vi tính, không có kinh nghiệm vẽ kỹ thuật, các ông đo kích thước mô hình cầu Mỹ Thuận rồi tính ra kích thước và cân đối tỉ lệ từng đoạn cầu, tự vẽ nên bản thiét kế cầu treo Cua Chùa. Thế mà thành công. Dạo đó, ông Tư Liếu mạnh dạn đưa bản phác thảo cầu treo trình bày với đảng ủy, chính quyền xã An Hòa. Cũng may lần bản vẽ của ông được chính quyền xã ghi nhận và đem bản phác thảo cùng ý tưởng của ông Tư Liếu trình lên Phòng giao thông và Phòng xây dựng huyện Châu Thành. Các cán bộ chuyên ngành ở Phòng giao thông huyện thấy lạ: Một nông dân mà dám nghĩ, dám làm, phác thảo hình mẫu cây cầu treo thật có lý. Nhiều cán bộ, kỹ sư ngành cầu đường đi thực tế vẫn chưa ai đưa ra được phương án làm cầu treo hợp lý như vậy. Phòng giao thông đã góp ý, điều chỉnh một số chi tiết để tăng độ bền chắc, bảo đảm an toàn cho cây cầu treo, rồi nhất trí cho xã làm thí điểm cây cầu treo theo bản phác thảo của ông Tư Liếu.
      Ông Tư Liếu kể lại rằng, hôm bắt đầu thi công làm cầu Cua Chùa, bà con rất phấn khởi. Mấy cụ chống gậy tới xem, động viên. Trai tráng trong làng cũng đến Ban xây dựng cầu xin được tham gia góp sức, bà con trong ấp đã góp gạo, cá mắm, bầu bí cho anh em làm cầu ăn. Chưa đầy một tháng, cầu đã làm xong, dân kéo nhau tới xem cầu treo rất đông, bởi lần đầu tiên trong đời họ được thấy ở miền quê mình có được cây cầu đẹp và chắc chắn như thế. Cầu dài 58m, rộng 2,5m, bắc theo kiểu dây văng ngang, trụ đứng có dây neo hai đầu, dầm gỗ, đà và lan can sắt, Kinh phí làm cầu chỉ tính tiền mua vật liệu hết 120 triệu đồng, chưa tính công sức cả tháng của mấy chục lao động trai tráng ở xã An Hòa.
        Từ sự thành công của Cầu Chùa, UBND huyện Châu Thành đề nghị làm tiếp chiếc cầu Vàm Kênh (ấp Hòa Phú 2, thị trấn An Châu). Làm cây cầu thứ hai này, ông Tư Liếu là "nhà thiết kế kiêm chỉ đạo thi công", ông Ba Nhơn hăng hái đi vận động bà con nông dân đóng góp tiền để tăng kinh phí làm cầu, ông Ba Hùng có thế mạnh về phương tiện máy móc và giỏi kỹ thuật cơ khí. "Bộ ba nông dân" làm cầu nay đã có đủ sức như thế chân kiềng, ai cũng bảo " ba ông hợp lại nên hòn núi cao". Chưa hài lòng với những gì đạt được, lúc đó là cuối năm 2000 đã có cây cầu Mỹ Thuận sừng sững bắc qua sông Tiền, ba ông rủ nhau đi xem cầu Mỹ Thuận để "bắt chước" và cải tiến chiếc cầu của mình cho chắc chắn.
Ông Ba Nhơn
             Tôi hỏi Tư Liếu:
- Cây cầu đang xây dựng ở Thới Bình, Cà Mau, các ông cũng tự vẽ thiết kế hay sao?
  Tư Liếu sôi nổi:
- Đúng như vậy. Đây, tôi cho anh xem bản vẽ thiết kế cầu Vàm Kênh Bảy.
        Nói xong, Tư Liếu mở tủ, lấy ra bản thiết kế, đưa tôi xem. Bản vẽ bằng tay, có chỗ đường kẻ không thẳng, như là sự ước lệ để dễ hiểu. Vậy mà có đủ toàn cảnh cây cầu, mặt cắt ngang, mặt cắt dọc, khoảng tĩnh không để thông thuyền, mặt chiếu, chi tiết kết cấu phần trụ cầu, chi tiết kết cấu thép, dây văng, cho đến chi tiết quy cách, chiết tính vật tư, dự toán kinh phí...Quả là tôi đành chịu với cách làm cầu của ba ông “hai lúa” ở đây. Tiếng lành đồn xa, không những 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có những cây cầu nông thôn do các ông tự thiết kế, thi công, mà Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh cũng mời gọi “Tam gia cầu treo” lên bắc cầu nông thôn.
         Hôm đó, “Tam gia cầu treo” mời chúng tôi ở lại ăn trưa tại nhà ông Tư Liếu. Tôi thấy lạ. Trên bàn ăn bày cả những món ăn chay. Ông Tư Liếu nói với tôi: “ Các anh cứ tự nhiên dùng bia và các thức mặn. Ba anh em chúng tôi ăn chay”. Tôi hỏi:
- Các ông ăn chay trường hay chay kỳ nhật nguyệt?
- Chúng tôi ăn chay trường cả mấy chục năm rồi, từ sau năm 1975, mừng đất nước thống nhất, được sống trong độc lập, tự do. Ba anh em chúng tôi là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Chúng tôi ăn chay trường cầu xin quốc thái dân an, cầu xin non sông này bền vững và mọi người đến với nhau bằng chữ “tâm”.
         Ông Ba  Nhơn lý giải:
- Trong tôn chỉ hành đạo của Phật giáo Hòa Hảo đã dạy: Làm hết tất cả các việc từ thiện, tránh tất cả các điều độc ác, quyết rửa tấm lòng cho trong sạch. Trước mỗi bữa ăn, chúng tôi đêu tâm niệm những điều răn đó.
          Làm được những nhịp cầu mới để xóa cầu khỉ ở nông thôn đã trở thành tâm nguyện của “tam gia”. Thấy ba ông nhiệt tình bắc cầu, ăn uống đơn giản, đạm bạc, đến đâu các ông cũng được bà con lo việc ăn uống chu đáo, hợp khẩu vị. Ông Ba Nhơn nói: “Ở đâu, và lúc nào chúng tôi cũng xác định tại gia cư sĩ, học phật tu nhân, việc gì thấy lợi cho dân chúng, ích cho cộng đồng là chúng tôi sằn lòng từ thiện giúp đời, không hề tính toán vụ lợi, không suy tính hơn thiệt.
        Ông Ba Nhơn kể: Tháng 8 năm ngoái (2008), vào đúng kỳ lũ lớn và triều cường, ông đi trên bờ kênh Huệ Đức thuộc xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Con kênh rộng, nuớc dâng tràn, dòng lũ chảy xiết. Nơi đây chưa có cầu qua kênh. Mùa lũ, nước lớn, người ta có sáng kiến đặt một tấm ván lên hai chiếc thùng phuy, rồi nối với hai bờ bằng những sợi dây đay to, chắc chắn. Học sinh muốn đến trường phải đứng trên tấm ván đó, tự kéo dây để qua kênh. Bất ngờ ông thấy bốn em học sinh vừa kéo dây ra giữa dòng lũ thì bị nghiêng thùng phuy. Cả bốn em bị rơi xuống dòng nước lũ. May được bà con lặn ngụp, mò tìm và cấp cứu, cả bốn em thoát nạn. Ông Ba Nhơn về bàn trong “tam gia”, đi vận động huyện Châu Thành và huyện Thoại Sơn, cho phép được bắc cầu treo qua kênh Huệ Đức. Chỉ trong thời gian ngắn, các ông đã vận động các nhà hảo tâm ở thị trấn An Châu và một số doanh nghiệp ở thành phố Long Xuyên quyên góp tiền xây dựng cầu. Những người dân trong vùng biết ơn lắm, đề xuất nên gọi cây cầu là cầu Tam Gia, nhưng “tam gia” không chịu, cư theo địa danh tự nhiên mà đặt tên là cầu Huệ Đức.
       Kể xong câu chuyện làm cầu Huệ Đức, ông Ba Nhơn nhìn ra dòng kênh Mặc Cần Dưng đầu mùa mưa đang cuộn chảy. Màu da ngăm đen của ông sao giống màu phù sa tần tảo ven bờ kênh đến thế. Búi tóc củ hành sau gáy rung rung. Ông cười:
- Khi đã bỏ công sức ra làm được một việc nghĩa, thấy bà con mừng vui trước thành quả lao động của mình, thật là không hạnh phúc nào bằng.
        Tư Liếu nối với tôi:
- Ngoài việc làm cầu treo, ba anh em chúng tôi còn tham gia cùng các địa phương xóa đói giảm nghèo, làm nhà tình thương, nhà tình nghĩa, làm đường nhựa, đuờng bê tông liên xã, liên ấp.
      Rồi quay vào nhà trong, ông Tư Liếu lớn tiếng gọi:
- Mang trà đá lạnh ra, tụi bây!
       Một cô gái còn khá trẻ bưng trà đá ra mời khách. Ông Tư Liếu giới thiệu:
- Đây là vợ thằng Ba Giang, con dâu của tui. Chồng nó đang túi bụi với công trình cầu Trí Phải. Có người nối nghiệp rồi, tui thấy yên lòng lắm.
      Nhìn gương mặt rạng ngời của ông Tư Liếu, tôi thấy ở tuổi ngoài lục tuần mà ông còn sung sức lắm./.
     B.V.B
------------------

15 nhận xét:

  1. Kính nể các bác quá! Nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ các bác!
    Cảm ơn bác Bổng đã có bài nêu gương đẹp như thế này cho bà con xa gần phán khởi!

    Trả lờiXóa
  2. kính phục tấm lòng của các bác, đã vì cộng đồng.

    Trả lờiXóa
  3. Một cách tự nhiên, ba ông hảo tâm này không... treo hình hay dựng tượng bản thân ở các cây cầu mình làm.

    Trả lờiXóa
  4. Cũng phải công nhận ông Minh, bí thơ xã An Hòa, đã có đề nghị, quyết định, và chỉ đạo tốt để cây cầu đầu tiên được xây dựng thành công. Đất nước ta cần những lãnh đạo như ông Minh và nhân dân như ba vị "Tam Gia cầu treo" này, dám nghĩ dám làm như vậy.

    Cãm ơn bác Bồng đã phổ biến vài viết rất hay này.

    Trả lờiXóa
  5. Biết bao giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư tốn tiền dào tạo tốn lương Nhà nước không làm được những việc, những công trình dân sinh ích nước lợi dân như ba ông nông dân này, tuy họ mới học tiểu học.

    Trả lờiXóa
  6. Bác Bồng ơi, bác cho biết, có ai,trong 3 bác ấy, thuộc "lực lượng lãnh đạo nhà nước" (theo điều 4 hiến pháp) hây không ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Như trong bài: Cả ba vị đều là tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo: "tại gia cư sĩ, học phật tu nhân", không ai là đảng viên.

      Xóa
  7. Đặt tít lại là "Cầu treo tam kiệt", hay hơn.

    Trả lờiXóa
  8. Nghe chuyện và nhìn hình ảnh ba vị tín đồ của Phật giáo Hoà Hảo này càng kính phục bao nhiêu thì nhớ đến một vị tín đồ Mác-Lê là Đinh La Thăng với chủ truơng móc túi của dân bằng câu nói để đời là "đóng phí là yêu nước" càng thấy buồn ... nôn bấy nhiêu.

    Trả lờiXóa
  9. Tam gia cầu treo cũng xây dựng một cây cầu ở quê tôi, cầu treo rất đẹp!

    Trả lờiXóa
  10. Xin chú cho biết địa chỉ liên hệ của 3 chú này ,con vô cùng cám ơn !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn Cội Phúc đã đọc bài và chia sẻ. Hãy gọi điện thoại di động liên hệ với ông Tư Liếu:
      0919823985

      Chúc vui!

      Xóa
  11. Xin chú cho biết địa chỉ liên hệ của 3 chú này ,con vô cùng cám ơn !

    Trả lờiXóa
  12. Xin chú cho biết địa chỉ liên hệ của 3 chú này ,con vô cùng cám ơn !
    email con là : songtrang1978@gmail.com.ĐT 0982818268

    Trả lờiXóa