Translate

Trang BVB1

Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

HY SINH ĐÃ NỬA THẾ KỶ CHƯA ĐƯỢC CÔNG NHẬN LIỆT SĨ?


* VĂN HIỀN-NGỌC THÁI
              Trong trận bom khốc liệt ngày 23-5-1965, nhà báo Trần Văn Thông và Tổng biên tập Đặng Loan đang trực chiến tại cơ quan đã vĩnh viễn ra đi. Lực lượng cứu thương và gia đình tìm kiếm thi thể nhà báo Trần Văn Thông nhiều ngày nhưng vô vọng. Gần nửa thế kỷ trôi qua, gia đình mới tìm thấy hài cốt của ông ngay dưới nền đất trụ sở cơ quan Báo Miền Tây thuở nào. Cũng từng ấy năm, nhà báo Trần Văn Thông hy sinh trong khi làm nhiệm vụ vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ.
             Theo cách mạng từ nhỏ rồi trở thành anh Vệ quốc đoàn gan góc chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 95 bám trụ ở chiến trường Khu 5 nhiều năm liền thời kỳ chống Pháp. Ngày xuất ngũ, ông chuyển sang công tác tại Huyện ủy Nghĩa Đàn. Với trình độ Prime (đệ tứ chương trình giáo dục thời thuộc Pháp) và có năng khiếu viết báo, ông được Ban miền Tây (Phân ban của Tỉnh ủy Nghệ An) cử sang công tác tại Báo Miền Tây Nghệ An.
             * 12 tuổi, trốn gia đình theo cách mạng
               Sinh năm 1924 tại Hà Tĩnh, là con cả của gia đình có 4 anh em nên Trần Văn Thông đã sớm chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của phong kiến và thực dân Pháp. Năm 1936, 12 tuổi, Trần Văn Thông bỏ học, trốn gia đình từ Hà Tĩnh sang vùng Phủ Quỳ (Nghệ An) để đi theo cách mạng. Tại đây, Trần Văn Thông làm việc trong đồn điền Phan Văn Quý. Năm 1944, vừa tròn 20 tuổi, Trần Văn Thông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam rồi hoạt động trong đoàn thể Việt Minh dưới vỏ bọc là thư ký cho chủ đồn điền cao su, cà phê Phan Văn Quý.
                Sau hơn 10 năm "bặt vô âm tín", khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, gia đình mới biết Trần Văn Thông là người của cách mạng. Để bảo vệ chính quyền non trẻ, anh được chọn vào đội tự vệ kháng chiến xã Thái Hòa (Nghĩa Đàn) gồm 7 đồng chí do ông Nguyễn Trọng Kỷ chỉ huy. Năm 1948, Trần Văn Thông vào bộ đội chủ lực chiến đấu ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Rời quân ngũ năm 1957, đến năm 1960, Trần Văn Thông được giao nhiệm vụ phụ trách văn phòng Huyện ủy Nghĩa Đàn. Trong giai đoạn này, ông đưa bố mẹ già và các em nhỏ từ Hà Tĩnh sang vùng Phủ Quỳ lập nghiệp. Ngoài công việc của cơ quan Huyện ủy, là con cả, dưới ông còn có 3 em nhỏ nên Trần Văn Thông phải gánh vác cả công việc chính trong gia đình và chăm lo các em mình ăn học. Với gia đình, ông như một người anh cả mẫu mực.
               Bước sang năm 1961, Tỉnh ủy Nghệ An thành lập Ban chỉ đạo miền Tây Nghệ An. Cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An cũng được thành lập. Với khả năng linh hoạt trong công việc, lại có năng khiếu viết báo nên Trần Văn Thông được tỉnh ủy điều động sang Báo Miền Tây Nghệ An. Cơ quan báo ít người phải kiêm nhiệm nhiều việc, Trần Văn Thông vừa tham gia viết bài, đưa tin vừa phụ trách văn phòng và đưa ma-két đi nhà in, chữa mo-rát rồi lo cả việc phát hành báo tới 10 huyện vùng cao. Ở mỗi cương vị, anh đều bộc lộ năng lực của mình bằng hiệu suất cao, xông xáo, tâm huyết với nghề cho tới lúc ngã xuống vì bom Mỹ.
 
Nhà báo Trần Văn Thông (thứ hai, từ trái qua)
cùng đồng nghiệp của mình.
Người thứ tư (từ trái qua) là đồng chí Trần Văn Cung,
Thường vụ tỉnh ủy - Trưởng ban chỉ đạo miền Tây Nghệ An.

(Ảnh chụp năm 1963, do gia đình cung cấp).
                  * Hóa thân vào đất đai xứ sở
                Sau khi được giao công tác tại Báo Miền Tây Nghệ An từ đầu năm 1961, Trần Văn Thông tận tụy cống hiến sức lực của mình để tờ báo đến với bà con các dân tộc vùng cao, góp phần biểu dương điển hình trong sản xuất nông nghiệp, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, xây dựng chính quyền, tổ chức Đảng và phát triển vùng công nghiệp Phủ Quỳ. Lúc này, vợ vừa mới mất, để lại 3 đứa con nhỏ côi cút, Trần Văn Thông lại đảm trách thêm vai trò vừa là cha, vừa là mẹ. Vất vả là vậy nhưng anh không bao giờ nản lòng trước hoàn cảnh éo le của mình.
                Theo những nhân chứng là các cụ cao niên từng sống xung quanh khu vực cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An trước kia kể lại: Ngày đó, tòa soạn báo đóng ngay sát bờ sông Hiếu cùng với Xí nghiệp cơ khí 250B (nay là phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa). Hằng ngày, vẫn thấy nhà báo Trần Văn Thông cặm cụi bên từng trang viết và quán xuyến tất cả công việc trị sự cùng với đồng nghiệp của mình. Hình ảnh phóng viên Trần Văn Thông và Tổng biên tập Đặng Loan tối tối chong đèn “phòng không” dưới hầm để chỉnh sửa, kiểm duyệt từng trang báo kịp đưa đi xưởng in đã trở thành thân quen đối với người dân nơi đây.
                 Với bản tính dễ gần, dáng người cao gầy, Trần Văn Thông luôn để lại cho mọi người sự gần gũi, thân quen như anh em trong một nhà. Năm 1965, giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, thành phố Vinh, Cửa Lò, Cửa Hội và cả vùng miền Tây xứ Nghệ, trong đó có Nghĩa Đàn trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt. Lúc này, cơ quan đã sơ tán nhưng Trần Văn Thông vẫn cùng với Tổng biên tập Đặng Loan bám trụ tại trọng điểm, tổ chức bản thảo, phản ánh không khí chiến đấu của quân và dân các huyện miền núi xứ Nghệ. Những địa danh như phà Sen (Tân Kỳ), sân bay Dừa (Anh Sơn), vùng kho Cát Mộng (Nghĩa Đàn)... là những trọng điểm đánh phá của Mỹ đều ghi dấu chân Trần Văn Thông cùng với đồng nghiệp của mình.
                Khoảng 9 giờ sáng ngày 23-5-1965, nhiều tốp máy bay Mỹ đột ngột bổ nhào giội bom xuống khu công nghiệp, bệnh viện, Ban chỉ đạo Miền Tây, Báo Miền Tây Nghệ An. Loạt bom sát thương đợt 3 đã cướp đi tính mạng Trần Văn Thông và người Tổng biên tập của mình. Sau 3 ngày tìm kiếm, đào bới, lực lượng tự vệ, dân quân chỉ còn biết an ủi người thân, nhà báo Trần Văn Thông hóa thân vào đất đai xứ sở. Anh hy sinh để lại 3 con nhỏ côi cút, đứa lớn mới 15 tuổi, đứa út vừa lên 6. Buổi sáng định mệnh ấy đối với gia đình nhà báo Trần Văn Thông là nỗi đau mất mát quá lớn dai dẳng suốt mấy chục năm qua.
48 năm, vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ
                 Sau ngày cha hy sinh, mẹ mất cách đó 4 năm, 3 người con nhà báo Trần Văn Thông phải về sống với ông bà nội. Hai năm sau, thân sinh nhà báo Trần Văn Thông cũng bị hy sinh vì bom Mỹ khi đang chở nứa xuống mạn Quỳnh Lưu bán kiếm tiền đong gạo, nuôi cháu. Cảnh đời khốn khó nhưng tất cả 3 người con trai của nhà báo Trần Văn Thông vẫn nén đau thương, gắng gượng vượt lên số phận để học hành nên người. Cả 3 người con trai của nhà báo Trần Văn Thông đều tốt nghiệp đại học rồi công tác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng cũng như những người thân trong nội tộc, các anh vẫn đau đáu về người cha hy sinh chưa được công nhận là liệt sĩ.
                Như một sự mách bảo tình cờ, vào ngày 11-3-2011, tức là sau 46 năm, gia đình ông Nguyễn Văn Trường ở khối Tây Hồ, phường Quang Tiến, thị xã Thái Hòa (khu vực nơi cơ quan Báo Miền Tây Nghệ An cũ - PV) là công nhân Xí nghiệp 250B nghỉ hưu đào móng nhà thì phát hiện ra bộ hài cốt bị vùi lấp dưới độ sâu 2m. Nằm cùng với bộ di cốt là chiếc bút máy khắc chữ “Trần Văn Thông - Nghệ An” và một chiếc đồng hồ, một chiếc ví, đôi dép cao su. Chắp nối thông tin cùng với những nhân chứng sống kể lại, người em ruột là Trần Văn Điu ở gần đó đã đến nhận và đưa hài cốt anh mình về an táng tại nghĩa trang gia tộc thuộc phường Hòa Hiếu để hương khói.
                Hôm chúng tôi biết tin về tìm gặp thân nhân nhà báo Trần Văn Thông, rất may gia đình còn giữ lại nhiều giấy khen và các tài liệu liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng của ông như: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng ba do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 28-4-1961; Bảng "Gia đình vẻ vang" do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký; Giấy khen của Ban chấp hành công đoàn cơ quan Ban chỉ đạo miền Tây Nghệ An ngày 18-5-1961 cùng nhiều giấy khen của Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn tặng… 
              Nhà báo Trần Văn Thông, một người lính chống Pháp, một nhà báo thời chống Mỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn đến nay vẫn còn bị lãng quên. Dư luận đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sớm vào cuộc xác minh và vinh danh liệt sĩ Trần Văn Thông.
             Thành tích là vậy nhưng trong 48 năm qua, nhà báo Trần Văn Thông vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ? Điều trăn trở, băn khoăn, day dứt của thân nhân nhà báo Trần Văn Thông qua gần nửa thế kỷ vẫn chưa được giải tỏa. Trong khi đó, cùng hy sinh một giờ với Trần Văn Thông thì nhà báo Đặng Loan đã được công nhận liệt sĩ từ những năm 70 của thế kỷ trước. Đề nghị các cơ quan chức năng Nghệ An sớm vào cuộc xác minh và vinh danh nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Thông. Đừng để tấm gương hoạt động của một đảng viên cộng sản, một người lính chống Pháp, một nhà báo thời chống Mỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ dưới mưa bom bão đạn đến nay vẫn còn bị lãng quên.
VH-NT (sknc)

3 nhận xét:

  1. Xô Viết Quê Choalúc 12:02 19 tháng 4, 2013

    Nghệ An quê Bác vốn nổi tiếng nhiều vụ gian lận chính sách, kể cả làm giả hồ sơ thương binh, gia đình liệt sĩ. Nay lại nổi tiếng vụ làm khó liệt sĩ thật

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài báo, mà chán ngấy cái "lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội" (theo điều 4 hiến pháp) quá rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Cố gắng chờ đợi thêm nửa thế kỷ nữa rồi chúng tôi hoàn thiện hồ sơ liệt sỹ cho. Lâu nay bọn tôi bận quá, hết sửa sang “hiếp pháp” lại lễ giỗ tổ Hùng Vương, tới đây “cuốc hôi” lại họp. Gớm, họp hành triền miên, bia rượu nhược cả người. Mà này, công nhận liệt sỹ để đòi chế độ chứ gì? Rách việc, đằng nào cũng chết rồi, chờ thêm 50 năm nữa thì có sao đâu?!!!
    Ký tên: “Tứ trụ triều đình”.

    Trả lờiXóa