Translate

Trang BVB1

Thứ Năm, 26 tháng 2, 2015

Nhớ anh Trần Quang

Khai hoang (Ảnh minh họa)
* VŨ TRỌNG KHẢI
            Trần Quang là một thành viên 'đặc sắc' của nhóm “tứ trụ Bộ NN” dưới thời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Văn Lộc trong những năm 60 và 70 của thế kỷ 20 (Nhóm tứ trụ bao gồm: các ông Trần Quang, Nguyễn Duy Hiền, Bùi Huy Đáp, Trịnh Văn Thịnh).
Thời kỳ này, anh đã giữ nhiều chức vụ quan trọng của Bộ Nông nghiệp, như Chánh văn phòng, kiêm tổng chỉ huy các đoàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Bộ ở các tỉnh, thành phố, tổ trưởng tổ cải tiến quản lí, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tổng cục cây trồng (lúc thành lập Ủy ban nông nghiệp Trung ương), Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới…
            Anh mất sớm khi mới 68 tuổi, nay tôi “Nhớ anh Trần Quang” không phải chỉ vì lí do sắp đến ngày giỗ anh (25 tháng giêng âm lịch) mà vì lí do quan trọng hơn là sắp đến ngày kỉ niệm 40 năm hòa bình, thống nhất nước nhà ...nghĩ về bản lĩnh và 'tầm tư duy' của anh.
            Nhà anh ở cuối ngõ số 9 phố Phan Huy Chú, Hà Nội (đối diện Bộ Tài chính). Anh thường tiếp khách thân quen tại căn phòng nhỏ, chừng 12 m2, được cơi nới trong khuôn viên của ngôi nhà này. Hôm ấy là ngày 28 tháng 4 năm 1975.
Anh cùng đám “đệ tử” thân tín đang ngồi uống trà, hồ hởi bàn luận về những tin tức thời sự nóng hổi đang diễn tiến nhanh chóng từng giờ, từng phút của những ngày lịch sử cuối tháng 4 năm 1975. Bỗng có một người đàn ông lạ xồng xộc bước vào, giọng hách dịch hỏi anh Trần Quang: “Ai bảo anh viết lá thư này cho anh Ba và anh Năm?”.
 Bọn tôi ngơ ngác chưa hiểu đầu đuôi xuôi ngược ra sao. Anh Trần Quang dõng dạc quát, trả lời: “Anh thì biết gì? Anh về đi. Anh không đủ tư cách nói chuyện với tôi”. Đôi co qua lại vài phút, người lạ mặt không thể nói gì thêm, đành ra về (Nếu như vào ‘thời bây giờ’ chắc họ đã xích tay anh Trần Quang rồi, cũng nên). Lúc đó, anh Trần Quang mới giải thích cho chúng tôi. Người đàn ông này là một viên thiếu tướng ở Bộ Công an (Hồi ấy thiếu tướng công an chỉ có vài người, chứ không đông như bây giờ!). Ông ta hách lắm, nhưng không may lại đụng phải Trần Quang, con người không biết sợ ai ngoài lẽ phải, đành phải ra về lủi thủi, không hách dịch như lúc ban đầu.
Còn nội dung bức thư của anh? Chúng tôi nóng lòng muốn biết anh Trần Quang đã viết gì. Anh Trần Quang nói: “Tớ viết thư chỉ gửi cho 2 ông lãnh đạo cao nhất, có đủ thẩm quyền giải quyết là anh Ba (Lê Duẩn, nhân vật số 1) và anh Năm Trường Chinh (nhân vật số 2). Tớ đã kiến nghị với hai ông này: Hãy thông báo cho đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, ông Graham Martin, rằng ông cứ yên tâm ở lại, chúng tôi sẽ bảo vệ an toàn cho tòa đại sứ Mỹ và toàn bộ công chức, viên chức của sứ quán Mỹ. Chúng tôi chỉ đánh đổ chế độ Nguyễn Văn Thiệu, sau đó muốn thiết lập lại quan hệ ngoại giao bình thường với chính phủ Mỹ.
Nhưng qua thái độ của viên thiếu tướng công an vừa rồi, chắc lá thư ấy chẳng mang lại kết quả gì. Buồn!
Lúc đó, chúng tôi còn trẻ và còn non về chính trị, chưa thấu hiểu hết tầm vóc lớn lao của tư duy Trần Quang. Bây giờ nghĩ lại, sau 40 năm, giá mà (lại giá mà)… Lịch sử làm gì có “nếu như, hay giá mà”! Chả hiểu bức thư ấy có đến tay 2 vị lãnh đạo kia không? Nếu đến thì 2 vị này nghĩ gì? Chịu.
Những thực tế lịch sử 40 năm qua đã chứng tỏ tầm vóc chính trị lớn lao của tu duy Trần Quang và tầm thấp chính trị của những người có đủ thẩm quyền quyết định vận mệnh của cả một dân tộc trong thời đại đầy biến động khôn lường, với những thời cơ vàng bị đánh mất do thói hãnh tiến, “kiêu ngạo cộng sản” (Lê Nin) của “bên thắng cuộc” (Huy Đức).
Rồi chuẩn bị đại hội 4 của Đảng năm 1976, anh Trần Quang cùng các cộng sự trình đề án 31 triệu tấn lương thực quy thóc/năm, trong khi dự thảo nghị quyết chỉ mới đưa ra chỉ tiêu 21 triệu tấn lương thực/năm. Nhiều người bảo Trần Quang khùng, háo danh… Anh Trần Quang đã báo cáo trực tiếp với ông Ba Lê Duẩn. Rồi thực tế sau kế hoạch 5 năm 1976-1980, sản lượng lương thực chỉ đạt chừng 17 triệu tấn/năm. Cả nước đói, phải ăn bo bo, nhập khẩu cả triệu tấn gạo, bột mỳ/năm…  Nhiều người lại có lí do chê cười anh Trần Quang. Họ không hiểu, hay cố tình không hiểu bản đề án 31 triệu tấn lương thực/năm của anh Trần Quang, khi không nhắc đến điều kiện cần và đủ là phải thay đổi chính sách và chế độ quản lý (hồi đó chưa dùng thuật ngữ “cơ chế” như bây giờ). Ở HTX Mĩ Thọ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (lúc đó là Nam Hà), tổ công tác của chúng tôi do anh Trần Quang và anh Nguyễn Duy Hiền lập ra và chỉ đạo, cùng với sự giúp đỡ kĩ thuật của nhà nông học Bùi Huy Đáp, đã lập được kì tích. Nhờ những thay đổi căn bản chế độ quản lý và áp dụng một số tiến bộ kỹ thuật, ngay vụ Đông xuân 1974, HTX Mĩ Thọ đã sản xuất hơn 1.000 tấn thóc trên 400 ha canh tác lúa, bằng sản lượng cả năm của những năm trước đây. Liên tục 3 năm (1974,1975,1976), sản lượng lúa ở Mĩ Thọ làm ra hàng năm đều gấp 2 lần, lúa hàng hóa bán cho nhà nước bằng 3 lần (cả trong và ngoài nghĩa vụ theo chính sách lúc ấy) so với những năm trước đó. HTX được tặng thưởng huân chương lao động hạng 3 năm 1975 và hạng 2 năm 1976…
Ngoài ra, ở các điểm chỉ đạo khác ở miền Bắc lúc đó, nhiều HTX cũng có những tiến bộ rõ rệt về sản xuất lúa, tuy không bằng HTX Mĩ Thọ. Chỉ đến khi có Nghị quyết 10 của Bộ chính trị (4/1988), thừa nhận hộ xã viên nông dân là đơn vị sản xuất tự chủ, ngay năm sau 1989, Việt Nam xuất khẩu 1,4  triệu tấn gạo (tương đương với hơn 2 triệu tấn thóc), người ta mới âm thầm thừa nhận tính khả thi của đề án 31 triệu tấn lương thực của nhóm Trần Quang.
Cuối những năm 70 của thế kỷ 20 (tôi không nhớ cụ thể năm nào), anh Trần Quang được giao nhiệm vụ Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới. Anh đã tổ chức ngay một cuộc hội thảo khoa học “Bảo vệ môi trường sinh thái trong công cuộc khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới”. Sau lời dẫn của anh Quang, các nhà khoa học, đặc biệt là Giáo sư, Bộ trưởng Bộ Đại học và trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu đã có nhiều ý kiến xác đáng về việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Tiếc rằng, người ta vẫn dùng hàng trăm máy kéo công suất lớn 75-100CV để phá rừng đại ngàn Tây Nguyên với những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thuộc nhóm “thiết mộc”, để trồng khoai mì (sắn). Tệ hơn, người ta còn báo cáo với phó Thủ tướng phụ trách nông, lâm, ngư  nghiệp lúc đó, ông Võ Chí Công, là cuộc hội thảo này là một lãng phí lớn, không có giá trị khoa học và thực tiễn.
Tình trạng  kinh tế tụt hậu, đạo đức, văn hoá-xã hội bị băng hoại, môi trường sinh thái bị ô nhiễm trầm trọng ở nước ta hiện nay, tất cả đã chứng tỏ tầm vóc lớn lao của tư duy Trần Quang. Hình ảnh anh Trần Quang mãi mãi còn lại trong tình cảm vô vàn kính trọng, thương tiếc của những người hiểu anh, cùng cộng tác với anh trên các cương vị khác nhau, là đồng nghiệp, là cấp dưới, là người cùng có tư duy như anh, tuy không đạt được tầm cao của anh.
Ngày giỗ anh 25 tháng giêng âm lịch, ngày 30 tháng 4 năm 2015 sắp đến, bài viết này thay cho nén nhang để tưởng niệm Anh, một “CON NGƯỜI” viết hoa và cũng để ngậm ngùi cho số phận dân tộc đã không được lãnh đạo bởi những người có tầm cao trí tuệ như anh Trần Quang. Thương thay!
TP Hồ Chí Minh, ngày 24/2/2015
                         Mồng 6 tết Ất Mùi
                        VTK (Tác giả gửi BVB)
--------------                        

10 nhận xét:

  1. Đã có rất nhiều những nhà trí thức có tâm-tầm cả tin dấn thân nhiệt tình cho chế độ độc đảng , vì thế CS mới có được ngày 30/4. Nhưng cũng như bao triều đại phong kiến trước đó: khi đã đoạt được quyền bính , những trí thức này liền bị loại bỏ. Tôi cũng nằm trong số này , nhưng may quá đã kịp nhận ra và quay đầu từ năm 1989.

    Trả lờiXóa
  2. Người tài giỏi thời nay ở Bộ Nông nghiệp & PTNT cũng không hiếm nhưng sau hơn 10 năm làm bộ trưởng của ông Cao Đức Phát đã làm thui chột hoặc họ chủ động xa lánh thói gia trưởng ninh trên nạt dưới của ông tư lệnh ngành này. PGS Vũ Trọng Khải tác gỉa bài viết này cũng nằm trong sổ đen của bộ trưởng Phát chỉ vì tội hay vạch áo cho người xem lưng !

    Trả lờiXóa
  3. Trần Quang cũng giống bao trí thức tâm huyết khác đóng góp những ý kiến quan trọng kiến nghị gửi lãnh đạo đảng nhà nước, tiếc thay lãnh đạo vì những mục tiêu chính trị khác nhau đã bỏ ngoài tai những ý kiến quý báu đó.
    Bên TQ, đại tiến vọt của Mao đã gây ra thảm cảnh làm hơn 37 triệu người chết đói năm 1959-1961, rồi 10 năm đại cách mạng văn hóa gây xáo trộn đảo lộn XHTQ, trả thù hèn hạ những thuộc cấp, những nhà trí thức đã đóng góp xây dựng gúp nền KTTQ phục hồi sau đại nhảy vọt, củng cố quyền lực tối thượng của Mao bằng vỏ bọc lý luận cách mạng "chống chủ nghĩa xét lại, phần tử cơ hội hữu khuynh, phục hồi TBCN".
    Còn VN thì sao?, sau năm 1975 Lê Duẩn thì: "gương cao mãi mãi ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH với chuyên chính vô sản, tập trung dân chủ (thực chất là tập chung quyền lực), phát minh ra "làm chủ tập thể" quái thai được ví như con người tìm ra lửa và sử dụng lửa, chủ thuyết đấu tranh giai cấp giữa 2 con đường XNCH và TBCN. Lê Duẩn với thói kiêu căng sau khi dân tộc VN đã đánh thắng 2 đế quốc to đã bỏ qua mọi cái bắt tay từ phía Mỹ và đồng minh của Mỹ, với ngoại giao "LX là trụ cột là hòn đá tảng", trong nước thì nóng ruột vội vã xóa bỏ KTTNTBCN, chỉ để lại 2 thành phần kinh tế: QD và HTX làm yếu đi nội lực trong nước, sao chép y chang mô hình kinh tế Xô Viết. Lê Duẩn chết năm 1986, các nhà lãnh đạo VN đổi mới xóa bỏ kinh tế bao cấp, chấp nhận 5 thành phần kinh tế nhưng lại ưu tiên DNNN là chủ đạo, là thành phần chính của nền KTQD, với đuôi định hướng XHCN, kìm kẹp không cho KTTN phát triển bằng các chính sách, thủ tục cấp phép cho vay vốn, thuế, thuê mặt bằng v.v...lo sợ mất chế độ XHCN mà đông âu và LX đã bỏ từ năm 1989-1991, lo sợ với các bâc tiền bối CM, đảng, bác đã lựa chọn con đường XHCN. Mời các bạn viết tiếp.

    Trả lờiXóa
  4. Cả dân tộc VN đang chết chìm dưới chế độ đảng trị này .

    Trả lờiXóa
  5. Nói lại cho rõ nhé ,
    "Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội "
    Ngọn cờ độc lập dân tộc thì nay nó bay phất phới bốn bể năm châu,bay thẳng vào Nhà Trắng ấy chứ....Quá đúng.Cỡ như đế quốc Trung Quốc thấy đã chạy xa 700 km,ngẫm thấy ngọn cờ này oai dũng,Mỹ sắp mời qua chơi để học xem sao đấy.
    Ngọn cờ chủ nghĩa xã hội khó bay thật,cố thổi 20 năm mà nó bung có chút,hết hơi thì thôi chớ có sao,dân cày có ruộng là giữ đúng lời hứa,bảo đảm 2 tấn /sào,còn thì hẹn thôi.
    Nói về cụ Trần Quang và các cụ ngày ấy thì cong bằng các cụ hi sinh rất lớn,nhờ các cụ để lại cả kho trí thức mà sau này con cháu thực hiện không thì đói treo mỏ lâu rồi.
    Nông dân cả nước hiện nay làm theo các cụ ấy chứ,kĩ sư nông nghiệp theo các cụ cả.
    Nói về bộ nông hội,may mà bố trí toàn dân cạo giấy,nó mà có học chút ít thì còn chết nữa,ví như nhập giống gen,vụ sau là treo,hay bò có sữa nhưng hổng có nước...
    còn nói chổ làm việc của hội nông và phá nông nó như chốn miếu thờ vẫn thiên vậy mà,vào là cũng trước cái đã,các chú từ cân đo xong nặng nhẹ sau mới cho vài lời phán.
    Trên sao dưới theo đó cả,nên ví như nước sạch nông thôn cấp 10 tỷ đến nơi còn 2 tỷ,miễn có cái bầu như đĩa bay là tốt,quảng cáo là chính.Hay mua dê có 2 triệu kê lên 4 triệu làm quà mà,bốn hôm chết mất coi như phi tan chứng...
    Quá nhiều chuyện nói sao hết.
    Đúng ra thì làm như các cụ xưa,như cụ Trần Quang,còn quản lí thì cứ cho nông dân vay hoàn lại và không hoàn lại.
    Suy cho cùng làm cho nông dân giàu lên và nông thôn như hẻm thành phố thì ngọn cờ XHCN và TBCN nó đang xen bay phất phới thì các chú bộ nông họ khó chịu,ai thèm đến cúng nữa.
    Công Sơn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dưới chế độ CS được lãnh đạo bởi thành phần bần cố nông nên họ chỉ quí những người dốt: Loại này dễ dạy còn bọn có tài cán thường hay bướng bình tranh cãi: Phải bị trù dập. Tôi có đọc chuyện một người thợ có nhiều tài năng ở Hà nội vào năm 1960,anh ta làm bút bi , lốp xe đạp mà phải đi tù,vì người ta sợ anh giỏi giang ,anh bán được sản phẩm của anh,rồi anh giàu có,như thế anh phá hệ thống lý thuyết vô sản , bọn tư sản là phải đập tan. Bây giờ nói chuyện lý thuyết vô sản chuyên chính chỉ thấy lộn ruột!

      Xóa
    2. Nghe nói năm 1975, sau khi chiếm VNCH qua việc vi phạm Hiệp định Paris (các ông giỏi "việc" phản phé, lật lọng lắm), Cong Son xúi bộ đội Bắc VN "thừa thắng xông lên", vượt Thái Bình Dương, giải phóng Washington (như kiểu quân Đồng Minh giải phóng Berlin năm 1945)?
      Nhân dân Mỹ không được "thống nhất đất nước" với VC, buồn không Công Sơn?

      Xóa
  6. Xin đừng ai nhắc đến cái tên Lê Duẩn và Trường Chinh nữa, mình buồn nôn lắm... Cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  7. Tôi chuyển bài viết nhớ Anh Trần Quang đến Anh Bảy Nhị (An Giang) nhận được phản hồi nguyên văn như sau: "Rất trân trọng anh Vũ Trọng Khải có tầm cao và lòng rộng mới nhớ và viết ra câu chuyện nầy - một người tài của đất nước không đựơc trọng dụng nhiều hơn đã dùng. Đã là tài thì như "em xinh em đứng một mình cũng xinh" vậy!. Tôi không ngờ ông Quyền TC trưởng NN mà có tầm Chánh trị lớn lao dường ấy!. Vượt trên thời đại và trên cả tầm quốc gia!. Cám ơn anh TVT gởi cho mới biết mà đọc chớ không thấy báo nào đăng"
    Theo tôi biết ngoài blog BVB , trên trang mạng bô xit cũng đã đăng bài viết này. Người đọc nhận thấy bài viết của Anh Vũ Trọng Khải rất chân tình, thẳng thắn và xây dựng. Ngẫm suy, nông dân thời nào cũng khổ, cống hiến nhiều nhất, hy sinh mất mát nhiều nhất nhưng chịu thiệt thòi, bất công cũng nhiều nhất. Trăn trở của nhà khoa học nông nghiệp Vũ Trọng Khải nhớ về thế hệ đàn Anh là ông Trần Quang không chỉ để cho thế hệ sau soi dọi lại mình mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người đang cầm cân, nẩy mực quản lý ngành nông nghiệp trong thời buổi nhiễu nhiễu nhương này. Bài viết của tác giả VTK nói theo ngôn ngữ dân dã, "chuẩn không cần chỉnh."
    Tô Văn Trường

    Trả lờiXóa
  8. Ông Bảy Nhị, Vũ Trọng Khải, Tô Văn Trường nếu tôi không nhầm đều xuất thân từ nông dân nên hiểu thấu lòng dân. Nông dân nhất là trẻ em vùng biên giới phía Bắc vào mùa rét rất tội nghiệp, quần áo phong phanh, thèm bữa ăn có miếng thịt nhỏ là hạnh phúc lắm rồi. Phải thay đổi chính sách , có chế đối với tam nông đặt người nông dân làm trọng tâm cải cách thì mới khá lên được. Lo VN sẽ tụt hậu hơn cả Campuchia và Lào, lúc đó lại tự hào nông dân là bà đỡ. Tội nghiệp nông dân.

    Trả lờiXóa