Đó là nhận định của PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi và nhiều học giả khác khi nói về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.Việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan HD-981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cho tàu hộ tống và các tàu hải cảnh, hải giám... tấn công tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ngay trong vùng khiến dư luận trong nước và quốc tế vô cùng phẫn nộ. 
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn hành vi bất chấp pháp luật quốc tế của Trung Quốc cùng với những mưu đồ và hệ luỵ của hành động này, PV Infonet đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, vốn là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, xin ông cho biết quan điểm của mình khi Trung Quốc đưa giàn khoan xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và còn hung hăng đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam?
Tiếp tục thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa” với ý đồ “Độc chiếm Biển Đông”, Trung Quốc đã triển khai nhiều bước đi và cách tiếp cận. Đáng chú ý là họ ngang nhiên công bố ra Liên hiệp quốc “Yêu sách phi lý về Đường lưỡi bò 9 đoạn đứt khúc” vào năm 2009, chiếm 80% diện tích Biển Đông, vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của các quốc gia láng giềng quanh Biển Đông, trong đó có Việt Nam. 
Đồng thời để chứng minh khả năng quản lý thực tế không gian đường lưỡi bò phi lý này, Trung Quốc đã triển khai hàng loạt hoạt động được che đậy và giả danh “dân sự”. Bằng cách đó Trung Quốc chiếm bãi cạn Hoàng Nham/ Scarborough do Philippines tuyên bố chủ quyền, xâm nhập bãi James do Malaysia tuyên bố chủ quyền, và lần này Trung Quốc đưa giàn khoan “khủng” xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tàu Trung Quốc chủ động đâm và vào lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam (Ảnh: tư liệu)
Sự kiện này cần được xem xét như hai trường hợp trên, tính chất là xâm chiếm vùng biển để tạo ra các “Tọa độ an ninh" có lợi cho họ, để khống chế các quốc gia láng giềng và sẽ “gặm nhấm dần” các các vị trí chiến lược trên Biển Đông. 
Chính ông Vương Dĩ Lâm - Chủ tịch Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) trước đây đã từng nói: “Các giàn khoan nước sâu cỡ lớn là lãnh thổ quốc gia di động và là một vũ khí chiến lược của Trung Quốc ”. Và bây giờ, sự hiện diện của “lãnh thổ di động” này tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã phát đi thông điệp: Sẵn sàng xâm chiếm vùng biển của Việt Nam.  
Ông có nghĩ rằng: Trung Quốc đã tiến thêm một bước trắng trợn, bất chấp luật pháp quốc tế và công luận thế giới không?
Không phải chỉ tôi nghĩ mà mới mấy hôm này thôi, dư luận thế giới, trong nước Trung Quốc và ở nước ta đều cho rằng, cùng với yêu sách phi lý về đường lưỡi bò và những hành động gần đây, Trung Quốc đang tiến những bước đi nguy hiểm, đầy thách thức và bất chấp luật pháp quốc tế và công luận thế giới. 
Đặc biệt, trong thời điểm các tổ chức pháp luật quốc tế của Liên hiệp quốc đang xem xét vụ kiện về "Đường lưỡi bò", thì hành động của Trung Quốc như vậy không phù hợp với “Văn hóa ứng xử” của một quốc gia là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ.
Đối với khu vực, Trung Quốc vi phạm công khai DOC và thể hiện không có thiện chí trong hành động với việc xây dựng COC, thách thức mọi nỗ lực của các quốc gia ASEAN về vấn đề Biển Đông. Đối với Việt Nam, Trung Quốc đã không tôn trọng các thỏa thuận song phương và cam kết cấp cao giữa hai nước về 6 nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển ký tháng 10 năm 2011. Đặc biệt, cách thức hành xử kiểu “nước lớn, trịch thượng” này sẽ từng bước làm xói mòn tình cảm và tình hữu nghị lâu đời vốn có của nhân dân hai nước Việt - Trung. 
Nếu không đẩy lui bước đi này của Trung Quốc, họ sẽ tiếp tục "được đằng chân, lân đằng đầu" đúng không thưa ông?
Với tính chất và bản chất vấn đề tôi nói trên, Việt Nam phải kiên quyết và kiên trì giải quyết vấn đề nguy hiểm này. Trước hết, yêu cầu phía Trung Quốc kiềm chế, không nên đổ lỗi cho một nước nhỏ khi mình là nước lớn; Dừng ngay những hành động hung hăng đâm va tàu chấp pháp của Việt Nam; ngồi vào bàn đàm phán theo tinh thần “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Đừng để phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” trở thành những khẩu hiệu đầu lưỡi.
Phía Trung Quốc không nên để một việc làm không có giá trị pháp lý quốc tế, không phù hợp với xu thế của khu vực và truyền thống hữu nghị hai nước Việt-Trung như vậy tồn tại lâu. Đừng biến Trung Quốc XHCN thành “Đế quốc kiểu mới” trong thế kỷ 21 ở Biển Đông với một ấn tượng xấu “vừa ăn cướp, vừa la làng”!
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam (Ảnh Tư liệu)
Là người nghiên cứu về biển và kinh tế biển, theo ông vùng Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép có thể có phát hiện dầu không?
Đường lưỡi bò phi lý Trung Quốc công bố viền theo rìa trong của một cấu trúc “Bồn trũng nước sâu” chiếm trên 50% diện tích đáy Biển Đông (độ sâu trung bình toàn bồn là 1.800m) và phần lưỡi bò phía nam “liếm” tiếp xuống gần Malaysia thuộc cấu trúc thềm lục địa. Đây là khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên trong Biển Đông, trong đó có triển vọng dầu khí lớn.
Khu vực Trung Quốc đang đặt trái phép giàn khoan khủng HD-981 vào định vị khoan tại vị trí tọa độ 15o29'58" vĩ Bắc – 111o12'06" kinh Đông nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 hải lý. Khu vực này thuộc phạm vi bồn trũng Hoàng Sa và thềm lục địa của Việt Nam đã được biết là có tiềm năng dầu khí lớn.
Biết rồi, tìm kiếm gì nữa? và vấn đề dầu khí trở thành cái cớ để Trung Quốc giương một mũi tên bắn hai đích mà thôi.
Khai thác dầu chỉ là cái cớ, xâm lấn biển là mục đích chính. Giàn khoan khổng lồ Trung Quốc cắm vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Do vùng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan là vùng nước sâu, việc khai thác dầu có ảnh hưởng gì đến các mỏ dầu khác và tài nguyên của Việt Nam?
Loại bỏ những thâm ý về chủ quyền, việc đặt trái phép giàn khoan khủng với “chiêu bài” tìm kiếm khả năng dầu khí, rồi tiến tới thăm dò và khai thác ở khu vực nước sâu thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vi phạm điều 74 và điều 83 của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Trung Quốc là quốc gia tham gia ký kết Công ước luật biển 1982, lại là thành viên Hội đồng Bảo an LHQ, hà cớ gì mà không gương mẫu tuân thủ các quy định của Công ước, cũng như phải tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Chưa nói đến việc khai thác dầu có ảnh hưởng gì đến các mỏ dầu khác của Việt Nam hay không, mà việc tìm kiếm, thăm dò và tiến tới khai thác dầu ở khu vực nước sâu này chính là khai thác “tranh” mỏ dầu khí của Việt Nam. Đây là một hành động vào nhà người khác lấy đồ rồi!
Nếu như vậy, việc buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế là điều nhất định  phải làm?
Đúng vậy, điều này đã được phía Việt Nam chính thức yêu cầu. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình đã lại một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa được xác định phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trong cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng đã gọi động thái của Bắc Kinh là bất hợp pháp và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan. Ông cũng cho biết Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình. Đồng thời, Việt Nam cũng luôn thể hiện thiện chí, kiên trì giải quyết thỏa đáng bất đồng thông qua đàm phán, đối thoại và các biện pháp hòa bình khác.
Vậy ông có thể hiến kế cho Nhà nước đẩy lùi được sự xâm phạm này hay không?
Một nước nhỏ, để không nhỏ yếu rất cần sức mạnh đại đoàn kết. Hành vi phía Trung Quốc bộc lộ quá rõ ràng, thách thức toàn thế giới, gây bất ổn định khu vực, thái độ của Chính phủ Việt Nam đã rõ ràng và kịp thời, và đang có những bước đi cần thiết. Hơn lúc nào hết, người Việt Nam trong và ngoài nước, người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới hãy sát cánh, làm rõ âm mưu, thủ đoạn ngang ngược của phía Trung Quốc trong việc giải quyết các vấn đề ở Biển Đông nói chung và đối với Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đoàn kết dân tộc cần sát cánh cùng các nước ASEAN để gia tăng sức mạnh đoàn kết toàn khu vực, vì Việt Nam sẽ không phải là “nạn nhân” đơn nhất của các thế lực cường quyền trong khu vực.
Mặt khác, cần tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ bản chất vấn đề, hiến kế và ủng hộ chủ trương giải quyết của Chính phủ, lên án những hành vi sai trái, đe dọa vũ lực và sử dụng vũ lực của phía Trung Quốc. Đưa những hình ảnh bằng chứng về sự hung hăng, ngang ngược của Trung Quốc cho cộng đồng thế giới biết.
Kiên định tiếp cận các giải pháp hòa bình, nhưng không từ bỏ quyền tự vệ chính đáng theo quy định của Hiến Chương LHQ. Đặc biệt, nên có thư chính thức thông báo cho Tổng thư ký Liên hiệp quốc và bảo lưu như một văn bản pháp lý theo tập quán luật pháp quốc tế.
Có thể có những việc trước mắt cần làm mà tôi không nói hết ở đây, nhưng tôi thấy một ý kiến khá hay chia sẻ trên mạng đó là “tương kế tựu kế”. Một người dân đề xuất cho nhiều tàu nhỏ, nhẹ tốc độ nhanh của lực lượng chấp pháp trên biển kiên trì liên tục kiểm soát, giám sát vùng biển của ta có giàn khoan HD 981 hạ đặt trái phép. 
Việc duy trì lực lượng hơn 80 tàu hộ tống giàn khoan sẽ tiêu tốn không ít tiền của Trung Quốc, kết hợp với các biện pháp ngoại giao, tranh thủ sức mạnh cộng đồng quốc tế. Tôi tin rằng Trung Quốc sẽ phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nếu họ muốn bảo vệ danh dự của một nước lớn.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên (thực hiện)/Infonet