Translate

Trang BVB1

Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Chủ giàn khoan Hải Dương 981 là ai?


             * ĐOÀN XUÂN LỘC
Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã trở nên căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD 981) vào trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Dàn khoan HD 981 là thuộc Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).
Nhưng cụ thể CNOOC là công ty gì? Tại sao họ lại tiến hành một vụ việc như thế lúc này?
Kiếm dầu
Được thành lập năm 1982, CNOOC là một trong 116 doanh nghiệp nhà nước (SOEs) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Giám sát và Quản trị Tài sản nhà nước của Quốc vụ viện tức Chính phủ Trung Quốc (SASAC).
Theo Tạp chí Fortune, năm 2013, CNOOC có đến 102,562 nhân viên và có doanh thu lên tới 83.5 tỷ USD. Và với mức doanh thu cao như vậy, CNOOC được tạp chí này xếp thứ 93 trong số 500 tập đoàn, công ty có doanh thu lớn nhất trên thế giới.
CNOOC thậm chí được xếp trên hai hãng nổi tiếng là Sony (thứ 94, doanh thu 81.9 tỷ) và Boeing (thứ 95, doanh thu 81.7 tỷ).
Hơn nữa, xét về mặt lợi nhuận, CNOOC cũng không thua bao nhiêu so với Tập đoàn Hóa chất và Dầu khí Trung Quốc (Sinopec). Năm 2013 lợi nhuận của CNOOC là 7,7 tỷ, trong khi đó Sinopec chỉ có 8.2 tỷ dù doanh thu của tập đoàn này lên tới 428.2 tỷ và được Fortune Global 500 xếp ở vị trí thứ tư.
Dù bị xếp sau Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (CNPC) và Sinopec trong lĩnh vực dầu khí, CNOOC là công ty lớn nhất ở Trung Quốc trong lĩnh vực tìm kiếm, khai thác dầu khí ở ngoài khơi.
Đây cũng là nhiệm vụ chính của công ty này.
Theo một bài nghiên cứu có tựa đề ‘China's State-Owned Enterprises: How Much Do We Know? From CNOOC to Its Siblings’, được phổ biến vào tháng 6 năm 2013, của Duanjie Chen thuộc Đại học Calgary, Canada, trong thời gian đầu CNOOC chủ trương hợp tác với các công ty nước ngoài để thăm dò, khai thác dầu ở ngoài khơi Trung Quốc.


Một sự hợp tác như vậy không chỉ giúp CNOOC tìm nguồn vốn mà còn có thể tiếp cận, sử dụng các công nghệ tiên tiến của những công ty ấy.
Hơn nữa, khi tiếp xúc và quan sát cung cách kinh doanh của các tập đoàn lớn trên thế giới, CNOOC cũng đã học được cách làm ăn và cạnh tranh.
Nhờ vậy, CNOOC đã lớn mạnh rất nhanh về nhiều mặt.
Trái hẳn với thời gian đầu, giờ CNOOC được trang bị các phương tiện, kỷ thuật hiện đại có thể tiến hành thăm dò, khoan dầu ở những vị trí rất sâu ngoài khơi.
Được biết, CNOOC đã đầu tư đến 923 triệu USD và mất ba năm để xây dựng giàn khoan này. HD 981 là một giàn khoan nước sâu khổng lồ – nặng đến 31,000 tấn, dài 114 m, rộng 90 m, cao 137.8 m – và có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000 m.
HD 981 đã được chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 09/05/2012 khi tiến hành khoan trên biển lần đầu tiên tại một vị trí trên Biển Đông, cách Hong Kong 320 km.
Ngoài việc phát triển, trang bị kỷ thuật hiện đại, CNOOC còn tìm cách ký kết các hợp đồng (mua bán, hợp tác) với nhiều công ty khác trên thế giới để thăm dò, khai thác dầu khí.
Tiêu biểu cho các hoạt động ấy là việc CNOOC mua Nexen – một tập đoàn năng lượng của Canada – với giá 15,1 tỉ USD vào đầu năm 2013. Đây là thương vụ mua lại công ty nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc và cũng là một vụ mua bán gây nhiều tranh cãi ở Canada.
‘Cơn khát dầu'
Xây dựng giàn khoan HD 981 hay bỏ hơn 15 tỷ để mua lại một công ty nước ngoài của CNOOC tất cả đều nhằm mục đích kiếm dầu để đáp ứng ‘cơn khát’ dầu của Trung Quốc.
Trong bài viết ‘CNOOC’s Offshore Strategy Intensifies’, đăng trên mạng Energy Tribune hôm 18/07/2013, Tim Daiss cho rằng nhiệm vụ mà Bắc Kinh giao cho Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương là phải tìm kiếm được nhiều dầu khí chừng nào có thể.
Với mức tăng trưởng hiện tại và – cùng với sự tăng trưởng đó – ngày càng có nhiều người Trung Quốc dùng xe hơi, quốc gia này càng ngày càng cần dầu khí.
Mãi tới năm 1993, Trung Quốc vẫn là một quốc gia xuất khẩu dầu. Nhưng theo Cục Quản lý Thông tin năng lượng (EIA) của Mỹ vào tháng 9 năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Theo số liệu của của EIA, giờ mỗi ngày Trung Quốc cần nhập đến 6.3 triệu thùng dầu dù Trung Quốc là nước sản xuất dầu lớn thứ tư trên thế giới (4.5 triệu thùng/mỗi ngày trong năm 2013). Trong khi con số ấy ở Mỹ là 6.1 triệu.
Không khai thác đủ dầu cho tiêu thụ nội địa một phần cũng vì – như Tim Daiss nhận định – các nguồn dầu dự trữ của Trung Quốc một ngày một cạn. Vì vậy, Trung Quốc cần tìm kiếm dầu từ các quốc gia khác.
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện tại, dầu khí còn đóng một vai trò quan trọng khác trong chiến lược phát triển – và đặc biệt tham vọng trở thành cường quốc – của Trung Quốc.
Trong cuốn ‘China, Oil and Global Politics’, xuất bản năm 2011, Philip Andrews-Speed và Roland Dannreuthe cho rằng Trung Quốc đạt được tham vọng đó hay không tùy thuộc rất nhiều vào việc nước này có tìm đủ được nguồn dầu khí.
Vì những lý do đó, qua CNOOC, Bắc Kinh đã và đang tìm cách ký kết các hợp đồng mua bán, khai thác dầu khí tại nhiều nước khác nhau ở Nam Mỹ, Trung Đông hay châu Phi.
Đã từng thất bại
Nhưng không phải thương vụ nào do Tổng Công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc tiến hành cũng trôi chảy.
Năm 2005, Tập đoàn này đề nghị mua Unocal – công ty dầu lớn thứ tám tại Mỹ – nhưng đã thất bại vì Hạ viện Mỹ không tán thành việc mua bán đó. Unocal sau đó đã được bán cho Chevron, công ty dầu khí lớn thứ hai tại Mỹ, với giá 17.1 tỷ – ít hơn giá mà CNOOC đề nghị là 18.5 tỷ USD.
Các dân biểu Mỹ không đồng ý thương vụ ấy vì họ e ngại nó sẽ tác động xấu đến an ninh Mỹ dù Unocal chỉ chiếm 0.8% số lượng dầu sản xuất tại đây.
Trung Quốc và CNOOC không hài lòng về quyết định của Unocal vì họ không thể có thêm được một nguồn cung cấp dầu quan trọng.
Vì quá cần dầu khí – và việc tìm các nguồn dầu khí từ các nước khác trên thế giới lại không dễ dàng – Trung Quốc luôn nhóm ngó các vùng biển đang có tranh chấp – hay thậm chí thuộc chủ quyền của một số nước – trong khu vực, như Biển Đông.
Biển Đông được coi là một trong những vùng biển chứa nhiều khí đốt.
Trong bài ‘China’s territorial sovereignty dispute is all about energy’, được đăng trên trang mạng của Global Risk Insights hôm 22/01/2014, Becca Cockayne nhắc lại rằng vào tháng 11 năm 2012, CNOOC đã ước tính khu vực này chứa khoảng 125 tỷ thùng dầu.
Hơn nữa, như tựa đề của bài viết mô tả tác giả này cho rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông đều liên quan đến dầu khí.
Cụ thể việc Trung Quốc quyết định đưa giàn khoan HD 981 vào một vị trí nằm trong EEZ hay có những động thái khá hung hăng ở Biển Đông trong thời gian qua không ngoài tham vọng lấn chiếm phần lớn vùng biển này và qua đó có thể độc quyền khai thác dầu khí ở đây.
Khi CNOOC tìm cách mua Nexen, có người trong dưới phân tích cho rằng ngoài việc tìm kiếm thêm một nguồn năng lượng cho Trung Quốc, CNOOC còn muốn tiếp cận kỹ thuật hiện đại để có thể tiến hành thăm dò và khoan dầu tại những địa điểm sâu ở Biển Ðông.
Cách đây hai năm – khi CNOOC hạ thủy giàn khoan HD 981– có không ít người cho rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan này vào thăm dò và khoan dầu tại những vị trí đang tranh chấp hay thuộc chủ quyền của một số nước ở Biển Đông.
Nay thì sự việc đang diễn ra đúng như vậy.
ĐXL

 
--------------

16 nhận xét:

  1. Trương Minh Tịnhlúc 21:48 12 tháng 5, 2014

    Nhưng cũng có ý kiến cho rằng : Chẵng có dầu diếc gì cả.Đưa giàn khoan vào đó chỉ là cái cớ khiêu khích......Việt-Nam nổ một phát súng là Trung Quốc chiếm trọn quần đảo Trường-Sa.

    Đường nào thì Việt-Nam ta cũng chết.Hết cửa.....Giờ mới sáng mắt.Đi với Tàu là rụi.

    Trả lờiXóa
  2. Kiện trung quốc ra tòa án quốc tế là việc Việt nam nên làm để bảo vệ chủ quyền biển đảo theo đúng công luật .

    Khó như việc thu hồi lại Crưm mà Ông Putin còn lật ngược thế cờ và làm được thì việc thu hồi Hoàng sa và một số đảo của Việt nam ở Trường sa do Trung quốc dùng vũ lực chiếm đoạt mới đây không phaỉ là việc bất khả kháng.

    Ông Putin đã dựa vào nhân dân Nga trên bán đảo để thu hồi Crưm thì Nhà nước Việt nam cũng phải dựa vào Nhân dân việt nam để thu hồi hoàng sa và các đảo bị Trung quốc chiếm đoạt ở trường sa.

    Nhà nước Việt nam hãy thử hỏi nhân dân Việt nam để nghe những sáng kiến thu hồi biển đảo bị cưỡng chiếm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lý lẽ của Văn Lâm về Nga và crime hình như chưa chuẩn . Cần nói rõ là Nga đã cướp Crime của Ucraina , Ucraina không hề xâm lược Crime ( Chỉ được nhượng từ thời Liên Xô ) . Hoàng Sa và Crime là hai chuyện khác nhau .

      Xóa
    2. Crưm trước TK18 là một Công quốc Hồi giáo Ottoman độc lập. Bị Nga xâm lược! Bọn DLV dốt nát cứ nói là của Nga? Im đi!

      Xóa
  3. Bài này làm rõ thêm,đăng lại là tốt.
    Chú Tập và chú Lú mà đánh nhau thì chỉ thua quá thua.Thiên hạ nó cười khẩy đến muối mặt,nên chả đánh.Thằng này nó ép ta phải kí hợp đồng với nó thôi,nhưng mới đây nó trịch thượng quá,bảo rút tàu về mới đàm phán,làm như Việt cách 50 năm về trước.
    Cụ Tố mà sống lại thì việc này xong ngay,ví dụ,cụ viết :
    Cờ bay Vạn Lý Trường thành,
    Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng.
    chỉ vậy thôi,súng đạn nó cho ào ào sau bao năm nó khư khư.
    Rồi,
    Bạn mừng ta những chiến công,
    Vui nơi tiền tuyến giữa lòng hậu phương....
    Thế là xe,pháo cao xạ....cho cả đống,miễn phí.Chỉ nói ngọt 1 chút được việc.
    Cũng cụ Tố,
    O du kích nhỏ xóm Lai VU,
    Rắn quấn bên chân vẫn bắn thù,
    ....
    Rắn mình em chịu có sao đâu...
    Vậy mà nó tức chạy từ Bắc Kinh đến cho được xóm Lai Vu,lại đến tận cái hầm để xem tận nơi có thật không. Khi xác nhận có thật,Họ điều chỉnh ngay sai lầm chết người của họ.
    Học tập Bác Hồ mà chả học ra gì cả.Còn cái chuyện dầu khí ở biển Đông,ai chả biết rõ từ cái năm xa lắc,thế mà tham lam cho cố chả có làm ra cái gì cả từ khi có cái tập đoàn PVN.
    Một năm năng lực chế tạo các giàn khoan cỡ lớn ở công ty xây lắp dầu khí PVX là 5 giàn,vậy mà để cho PVX chơi không,bí lại thêm bí là đi làm nhà ở cả đống tiền bán chả ai mua vì nhà xấu quá,chỉ có chắc chắn.
    Sắm ra lắm bộ và thừa bộ mà chả biết làm cái gì để nước đến trôn mới nhảy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "CÔng Sơn" hết dám xưng danh? Nhưng vẫn ngứa mồm nói lung tung beng?!

      Xóa
  4. Dầu khí ư? Lâu nay TQ không nhảy vào thì "Bộ phận không nhỏ", các nhóm lợi ích cũng chia nhau đục khoét hết rồi, dân có được hưởng chi mô? Trong khi đó, Chính phủ moi kho bạc Nhà nước bù lỗ, cứu trợ!!!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đồng ý!
      Kể cả việc xúc, đóng bao bauxite đem bán rẻ cho Trung Quốc ở Tân Rai và Nhân Cơ vẫn phải lấy tiền thuế để bù lỗ.
      Nghèo đi vì có tài nguyên khoáng sản có lẽ chỉ có ở Việt Nam ta.

      Xóa
  5. Vì dầu khí hay vì cái gì cũng kg quan trọng , chỉ cần biết VN bị mất chủ quyền thôi ông Lộc à ! Kg hiểu ông này viết bài này với mục đích gì nữa !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi đồng ý!
      Chỉ cần biết giàn khoan HD981 của bọn bành trướng Trung Quốc là đủ còn cụ thể của ai chẳng quan trọng.

      Xóa
  6. Chủ giàn khoan là đảng cs TQ ,chứ ai vào đây nữa

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Giàn khoan HD 981 nằm trong khu vực tranh chấp..." - Ông Lộc đang nói đỡ cho Trung + thì phải?

      Xóa
    2. Quá chính xác, quá đầy đủ.

      Xóa
  7. Rõ ràng giàn khoan này cũng là một ông vua của biển . Đến VN tiền hô hậu ủng với muchj đích vừa cươp dầu , vừa cướp biển , trở thàn Vua Cướp Hải Dương .

    Trạng Trình có câu sấm rằng " Bảo giang thiên tử xuất , bất chiến tự nhiên thành " .

    Ông vua cướp biển Hải Dương đã xuất hiện trong lãnh hải VN . Vậy Bảo giang chính là bảo vệ giang sơn để chống lại ông vua cướp biển .

    Bất chiến chẳng khác gì không được nổ súng khai hoả , TQ cũng chẳng dám bắn, VN cũng vậy . Ai nổ súng trước bị xem là khiêu khích Không đánh mà thành công chắc nhờ đến công luận quốc tế , ai to tiếng , rộng họng , có chính nghĩa sẽ thành công .

    VN đầy đủ bằng chứng để nói lên chính nghĩa , liệu nhà nước và Đảng có dám to tiếng , rộng mồm với TQ hay không là điều kiện còn lại để thắng lợi trong vụ tranh chấp này .

    Theo mình , vua cướp biển giàn khoan đã mắc cạn tại biển Đông , khó rút ra vì mặc mũi . Nhưng khoan xuống bien để hút được dầu lên không là chuyện dể nếu xảy ra một cuộc phá hoại , khủng bố , chiến tranh du kích kết hợp với tiến bộ khoa học , xảy ra dưới mặt nước là điều với quyết tam mà VN có thể làm được .

    Không nổ súng , cũng phải biết hăm doạ để địch phải thấy rõ điều mình có thể làm được mà e ngại . Muốn khoan và hút dầu cũng cần có không gian an toàn , ta không dánh , nhưng du kích phá hoại là nghề dầu phải hy sinh chút ít tính mạng và tài sản .

    Dựa vào nhược điểm của vua cướp giàn khoan , di chuyển chậm như rùa , giá tri tiền tỷ mỹ kim cần được một lực lượng bảo vệ hùng hậu , tốn kém . VN thoải mái đánh võ mồm , đe doạ huỷ diệt , đe doạ tịch thâu , dùng chén đất đổi chén kiểu , chúng ta có được nhiều lợi thế ở bất chiến không cần xử dụng súng đạn .

    Lòng dân đã sẵn sàng , còn Đảng và Nhà nước đã có quyết tâm chưa . Chuyện giành lại Hoàng Sa rồi phải giữ cho khỏi mất là chuyện khó . Còn chuyện giải quyết vua cướp biển hút dầu là chuyện nhỏ , chuyện dể dàng , mà không cần xài tới vũ khí súng đạn tối tân .

    Điều quan trọng nhất đã được giải quyết . Giờ đây ai còn nhắc đến quá khư như , mười sáu chử vàng bốn tốt , tình huynh đệ Việt Trung như môi hở răng lạnh , quan hệ Việt Trung đời đời bền vững , thì chính những kẻ này xác nhận mình chính là tên bán nước cầu vinh .

    Điều quan trọng thứ hai là ĐCSVN và ĐCSTQ tách rời quan hệ huynh đệ , tách rời cúi đầu nghe lệnh , đã là đối nghịch giữa kẻ cướp và người bị cướp , trước nhân dân và lịch sử .

    Điều quan trọng thắng lợi thứ ba , thế hệ trẻ học thức đã tỉnh ngộ , thoát ra được sự bưng bít một chiều của Đảng , nhờ vào thông tin hiện đại đã phát biểu tình cảm của mình trước đối tượng cướp TQ , thể hiện rõ nét trên các trang facebook cá nhân .

    Rồi đây , những thắng lợi về dân chủ và nhân quyền khác sẽ được ghi nhận , khi Đảng có dấu hiệu phải đổi chiều cho hợp lòng dân .

    Trả lờiXóa
  8. Tôi mà ở ngoài tù thì cái giàn khoan này tôi giải quyết cái một! Cho nó tan hoang ngay!
    (DCDũng)

    Trả lờiXóa
  9. Chán như con gián khi mỗi người một ý trong việc ứng xử với tàu cộng xâm lược.nn,đcs,nd cũng chỏi nhau,giữa dân với nhau cũng chỏi nhau,dân trong và ngoài nước cũng chỏi nhau...bao giờ mới chung tiếng nói chống tàu cộng! Ai cũng khoe mình giỏi hơn hs lớp 5 .

    Trả lờiXóa